Người ta vẫn thường nói không có con đường nào là dễ đi, kể cả con đường đi đến thành công. Có ý kiến cho rằng “sự thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không đánh mất nhiệt huyết và quyết tâm vươn lên”. Muốn có được sự thành công thì chúng ta phải chịu vất vả, khó khăn. Có khi chúng ta phải vấp ngã, gần như không đứng dậy nổi những nếu để đánh mất đi mơ ước, hoài bão, đánh mất đi những nhiệt huyết thì sẽ không thể nào dẫn đến thành công. Chỉ có những con người dù có khó khăn, gặp từ thất bại này đến thất bại khác nhưng cũng không hề bỏ cuộc. Vậy bản chất của thành công là gì? Mời các bạn tham khảo một số bài văn nghị luận xã hội về bản chất của thành công mà Toplist đã tổng hợp trong bài viết dưới đây.
Bài văn nghị luận xã hội về bản chất của thành công số 8
Đã bao giờ bạn tự định nghĩa "sự thành công" theo cách hiểu của riêng bạn? Phải chăng "thành công" là mình đạt được những gì mình muốn, tức là bạn có nhiều tiền, có địa vị trong xã hội và mọi người phải cảm thấy ngưỡng mộ bạn?
Theo quan điểm của riêng tôi, "thành công" sẽ được định nghĩa dưới con mắt của những người khác nhau từ đó sẽ đưa ra những khái niệm khác nhau nhưng nó không khó định nghĩa đến như vậy. Thành công chỉ đơn giản là "Ngày mai, bạn làm tốt hơn ngày hôm nay", như vậy tức là bạn đã thành công.
Vào mùa đông, bạn hay có thói quen ngủ nướng vì ngoài trời thì lạnh mà chiếc chăn bông thì ấm vô cùng, bạn có thể yên tâm ngủ đến 9, 10 giờ sáng bởi lẽ buổi chiều bạn mới phải đi học. Thế nhưng ngày mai, bạn chỉ cần hẹn đồng hồ và thức dạy lúc 8 giờ, tất nhiên là phải phấn đấu vượt qua chính mình, dù chỉ là sớm hơn hôm trước 1 giờ thôi nhưng như vậy có nghĩa rằng bạn đã thành công. Là con gái, bạn hay có thói quen ăn quà vặt ở mọi lúc, mọi nơi và vứt rác bừa bãi. Điều đó thật không lịch sự chút nào, nhưng ngày mai bạn chỉ cần chú ý một chút thôi, ăn quà xong vứt rác vào thùng đúng nơi quy định, điều này có nghĩa là bạn đã làm tốt hơn ngày hôm qua và bạn đã thành công rồi. Thành công của bạn thì như vậy còn những người xung quanh bạn họ đã thành công như thế nào?
Tôi đã từng đọc những bài báo viết về lão ăn mày – những người mà trước kia tôi từng nghĩ, họ làm những việc thật chẳng ra gì, lúc nào cũng đi ăn xin của người khác về để nuôi mình, thế rồi tôi chợt nhận ra có những người ăn mày họ đã rất thành công trong đó có lão ăn mày mà tôi đang nghĩ tới, lão đã làm nghề ăn mày suốt hơn 20 năm để kiếm tiền nuôi người vợ bị bại liệt. Đọc những chia sẻ của lão tôi đã rớt nước mắt bởi lão luôn cảm thấy hạnh phúc với công việc lão đang làm vì công việc đó giúp cho vợ lão sống đến ngày hôm nay. Lão vẫn tiếp tục làm bởi lão cảm thấy mình không làm gì sai trái cả. Mình đi ăn xin chứ không phải ăn trộm, ăn cắp. Tôi cảm thấy thực sự rất ngưỡng mộ lão. Nói như vậy để thấy rằng, thành công của bạn là ý nghĩa những hành động của bạn mang lại cho chính bạn và những người xung quanh, hay nói cách khác bạn làm được những điều có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Con người luôn khát khao thành công nhưng nếu tìm mọi cách và đánh đổi mọi thứ để đạt được thành công thì thật là vô nghĩa. Thành công nhìn xa hơn phải là sự tôn trọng và sự công nhận. Dù bạn có làm điều gì đó to lớn, tạo tiếng tăm trong xã hội nhưng không nhận được sự tôn trọng của những người xung quanh thì việc đó đâu có nghĩa gì, và đó đâu phải bạn đã thành công. Ví dụ như một ông được thăng chức giám đốc do là cháu của Tổng giám đốc, một giáo viên được thăng chức hiệu trưởng do là con gái của Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo Tỉnh. Điều đó thật đáng khinh bỉ, bởi họ đang nghĩ rằng họ thành công nhưng thực tế thì không phải vậy.
Bạn đừng nghĩ thành công là điều gì đó xa xôi. Bởi bạn cũng chính là thành công vĩ đại của bố mẹ. Mỗi ngày trôi qua, bạn hãy luôn cố gắng hoàn thiện bản thân mình, học tập thật tốt, luôn làm những điều có ích cho gia đình và xã hội. Bạn của ngày mai tốt hơn ngày hôm nay có nghĩa là bạn đã thành công rồi.
Bài văn nghị luận xã hội về bản chất của thành công số 7
Trong cuộc sống, không có ai muốn bản thân mình rơi vào cái hố của thất bại, nên luôn cố gắng để đạt được thành công. Tuy nhiên thất bại hay thành công đều là những việc chúng ta cần phải trải qua để thấy bản thân mình đã trưởng thành lên như thế nào. Thất bại và thành công luôn tồn tại song song và triệt tiêu nhau.
Thành công chính là kết quả đạt được sau quá trình cố gắng, phấn đấu không ngừng nghỉ. Đó chính là công sức do lao động, học tập mà có. Thành công cũng có thể xem là niềm vui tinh thần tạo nên nhiều niềm vui khác mà nhiều người vẫn cố gắng muốn vươn tới. Còn thất bại chính là trạng thái rơi vào hụt hẫng, bế tắc khi không thể hoàn thành được mục tiêu mà mình đã đặt ra, không thể trở thành một ai đó mà mình mong. Thành công và thất bại luôn tồn tại trong mỗi con người. Đây là hai trạng thái xuất hiện nhiều lần trong một người. Có người đi từ thất bại này đến thất bại khác rồi cuối cùng mới chạm đến được với thành công.
Biểu hiện của thành công và thất bại rất đa dạng, phong phú. Và quan niệm của mỗi người về thành công và thất bại cũng khác nhau. Với người này thành công chính là đạt được ước mơ trở thành bác sĩ, làm việc trong một bện viện lớn, thu nhập cao, có nhà, có xe và có người vợ đảm đang, yêu thương chồng con. Nhưng đối với một số người thì thành công rất đơn giản, bình dị lắm, chỉ là có một công việc để làm, có một người để yêu thương và chăm sóc.
Để đi đến sự thành công, cần phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách, cả những thất bại cần phải đối mặt và bước qua. Những thất bại đó không nhỏ, đó có thể là đánh đổi nhiều thứ khác để đạt được cái mà mình mong. Có chàng trai vì mong muốn trở thành nhiếp ảnh gia nổi tiếng, anh đã phải đánh đổi những năm tháng tuổi thanh xuân để lăn lộn trên những mảnh đất xa lạ mong tìm kiếm được bức ảnh thực sự có ý nghĩa. Sự đánh đổi đó đã tạo nên thương hiệu và tên tuổi nổi tiếng của anh hiện nay. Đó là thành công mà anh mong muốn đạt được.
Những thất bại mà chúng ta trải qua không phải đều là bế tắc và con đường cùng. Chính những thất bại mà mình phải gánh chịu chính là kinh nghiệm, sự trưởng thành nhận lấy sau này. Như vậy hà cớ gì không dám thất bại, không dám đánh đổi? Có câu nói “Thất bại là mẹ thành công”. Có thể thấy rằng tầm quan trọng của thất bại đối với thành công, đó chính là nền tảng để chúng ta có thể tự đứng lên và học tập không ngừng. Không có con đường đi nào trải toàn hoa hồng, chỉ có đánh đổi thì mới có thể lâu dài được.
Con đường đi của mỗi chúng ta chưa bao giờ bằng phẳng, bởi vậy không nên ngại khó khăn, thử thách, ngại thất bại. Phải trải qua những điều đó thì tự bản thân mới thấy mình trưởng thành và thành công sẽ đến trong nay mai. Những người thành công là những người coi thất bại như bạn thân, để có thể gồng mình đứng dậy. Có đánh đổi mới có thành công, bởi vậy chúng ta hãy đừng ngại ngần thất bại để đổi lấy thành công về sau. Những người không dám đối mặt với thất bại là những người không có ý chí và nghị lực, không có quyết tâm vượt qua mọi chuyện.
Câu chuyện giữa thành công và thất bại là câu chuyện muôn thuở. Vì vậy mỗi người cần có cách nhìn nhận đúng đắn hơn về hai điều này để trở thành con người sống có ích hơn.
Bài văn nghị luận xã hội về bản chất của thành công số 2
Cuộc sống của con người luôn là bức tranh muôn màu sắc chứa đựng mật ngọt thành công xen lẫn cay đắng thất bại. Thành công, hạnh phúc là những điều tốt đẹp, ngọt ngào mà ai ai cũng khao khát hướng tới. Vậy bản chất của thành công là gì?
Thành công là một nội dung bao hàm rất nhiều khái niệm khác nhau và tùy thuộc vào quan điểm riêng của mỗi một con người. Có người cho rằng thành công là khi chạm tay đến vạch đích của những mục tiêu mà mình đã đề ra, có người quan niệm thành công là việc đạt đến những ánh hào quang của danh vọng, địa vị, và cũng có không ít người cho rằng tiêu chí để đánh giá thành công là kiếm được thật nhiều tiền,...
Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về thành công nhưng bản chất của thành công luôn mang ý nghĩa tích cực, bởi để đạt đến thành công, con người cần trải qua quá trình nỗ lực, cố gắng vượt qua những khó khăn, thử thách trên những đoạn đường đầy rẫy những chông gai và thử thách. Trong hành trình đó, con người cần vươn khỏi những cám dỗ và kiên trì, bền bỉ với những mục tiêu mà bản thân đã đặt ra. Thực tế đã chứng minh rằng, trong cuộc sống, luôn ngời sáng những tấm gương về bản lĩnh vươn tới thành công. Đó là thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí - dù sinh ra với hình hài không toàn vẹn, bị liệt hai tay nhưng thầy đã tập viết bằng hai chân một cách miệt mài, bền bỉ và cuối cùng, người thầy giáo giàu nghị lực đó đã chiến thắng sự nghiệt ngã của số phận, vượt lên chính mình. Như vậy, thành công sẽ mỉm cười nơi bến bờ hạnh phúc nếu con người biết nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ.
Bản chất của thành công còn là việc con người không ngần ngại và mạnh mẽ vượt qua những cay đắng thất bại. Như chúng ta đã biết, không có con đường nào trải sẵn hoa hồng mà cuộc sống luôn đầy rẫy những khó khăn, thử thách. Để đạt tới thành công, con người cần mạnh mẽ đối diện với chông gai, gian nan và mạnh mẽ bước qua những thất bại, bởi "Thất bại là mẹ thông công". Sau những lần vấp ngã, chúng ta mới có thể rút ra những bài học quý giá và rút ra kinh nghiệm cho bản thân, đồng thời vạch ra những định hướng, phương pháp mới để đạt tới mục tiêu mà mình đã đặt ra. Ngược lại, nếu e sợ, lo lắng và suy sụp, yếu đuối và không biết đứng lên sau những thất bại, con người sẽ không bao giờ vượt qua những ám ảnh để can đảm bước tiếp.
Bản chất của thành công còn là việc con người cố gắng, nỗ lực bằng chính sức lực của bản thân. Thực tế cuộc sống hiện nay cho thấy, có rất nhiều cá nhân bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Thời gian gần đây, dư luận vẫn còn xôn xao trước hàng loạt trường hợp được nâng điểm tại kì thi THPT Quốc gia, kết quả là những người đứng trên bục vinh quang cùng danh hiệu thủ khoa, á khoa với điểm số ảo và không đánh giá đúng năng lực. Ánh hào quang rực rỡ được mua bằng tiền đó nhanh chóng lụi tàn và là minh chứng tiêu biểu cho việc bản chất của thành công đến từ những nỗ lực chân chính.
Như vậy, dù hiểu theo nghĩa nào thì bản chất của thành công cũng mang ý nghĩa tích cực. Để đạt được điều này, trước hết, con người cần xác lập những mục tiêu đúng đắn và định hướng những phương hướng, hướng đi phù hợp. Đồng thời, cần kiên trì, bền bỉ theo đuổi và không run sợ trước những khó khăn, thử thách để đạt được thành công bằng chính nỗ lực của bản thân.
Bài văn nghị luận xã hội về bản chất của thành công số 4
Thật khó để nói chính xác khái niệm của thành công và càng khó hơn khi cố tìm hiểu như thế nào là thành công trong cuộc sống. Chúng ta đã nghe rất nhiều về từ “thành công”. Theo điểm nhìn khách quan thì “thành công” là lời tuyên bố vang dội về thành tích của con người – một đỉnh cao chiến thắng trong chuỗi hoạt động mang thành công cá nhân. Rõ ràng, một người được coi là thành công khi họ đạt được hoặc giành lấy được một giá trị nào đó trong cuộc sống. Nếu bạn muốn trở thành một trong số những người đạt được thành công thì trước tiên bạn phải hiểu được định nghĩa chính xác về “thành công” và những yếu tố giúp con người thành công.
Nói một cách đơn giản nhất, thành công có nghĩa là đạt được mục đích đã đề ra trong công việc hoặc trong cuộc sống bằng một chuỗi các hoạt động tương tác vào công việc và con người. Thành công là gặt hái được kết quả, mục đích như dự định; là thực hiện được mục tiêu, lí tưởng của mình, biến kế hoạch, dự định thành kết quả cụ thể có giá trị về vật chất hoặc tinh thần.
Người thành công là người đạt được thành tựu lớn lao trong công việc và cuộc sống của mình, đem lại động lực phát triển xã hội. Người-có-giá-trị, trong một ý nghĩa nào đó ta đã có thể gọi là người-thành-công; còn người được xem là thành công về địa vị hay tiền bạc, trong một xã hội có lương tri trung bình thì chưa chắc đã là một người có giá trị. Điều đó còn tùy thuộc vào cách họ đi đến thành công có lương thiện không, có phù hợp với lợi ích của cộng đồng hay không…
Ai cũng có nhu cầu làm việc thành công để khẳng định mình trong cuộc sống này. Dường như thành công là sự kiếm tìm mà hàng triệu người trên thế giới đều nỗ lực không ngừng để tìm kiếm! Đó không chỉ bởi để chứng minh năng lực của bản thân mà còn thỏa mãn khao khát chiến tháng vốn tự có trong mỗi con người. Lẽ tất nhiên là khi ta thành công, ta sẽ tự hào về những thành quả mình đã đạt được và đem lại một giá trị cho cuộc đời. Nhưng nếu ta thất bại, mọi vấn đề trở nên khó khăn hơn và khó đạt được niềm vui trong cuộc sống.
Tuy nhiên, có nhiều người chạm đến đỉnh cao của thành công, tỏa sáng trong ánh hào quang rực rỡ nhưng cuộc sống của họ lại là những ngày dài của sự buồn thảm, cô đơn và không có tình yêu thương! Đơn giản vì họ không mang đến cho người bên cạnh những giá trị mà cuộc sống đề cao: hạnh phúc, tình yêu thương, sự nhẫn nại, khiêm nhường và lễ độ. Bởi vậy, giữa người thành công và người có giá trị là hai kiểu người có nhiều điểm khác biệt. Người thành công là người hoàn thành mục tiêu đề ra, đạt được những thành tích khiến người khác phải nể phục. Mục tiêu càng lớn thì thành công càng lớn. Trên con đường để đạt mục tiêu, cách làm của người thành công có thể giống hoặc không giống với cách của người có giá trị.
Cuộc sống không chỉ biết tìm kiếm vinh quang và hạnh phúc cho bản thân mà còn phải mang lại nhiều giá trị hữu ích cho xã hội, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Bill Gate không những đã tìm kiếm được mục tiêu và thành công trong cuộc đời mình mà còn để lại cho xã hội biết bao lợi ích về tri thức và tài sản. Albert Einstein trọn đời cống hiến cho học cũng chỉ vì sự tiến bộ của nhân loại. Những cống hiến của ông mãi mãi là một kì quan còn bản thân ông ngoài vinh quang không có một tài sản nào khác lớn lao.
Einstein nói như trên là vì ông muốn dẫn dắt nền văn minh nhân loại đi đúng hướng. Có lẽ ông cũng đã quá rõ tâm lí chung của con người là muốn hưởng thụ hơn hy sinh, ham thành công hơn giá trị và chạy theo cái bề ngoài hào nhoáng của cuộc sống hơn là biết thưởng thức một cách sâu sắc đời sống tinh thần.
Thành công luôn là khát vọng để con người tho đuổi. Người thành công luôn được yêu mến, kính trọng và tôn vinh không phải vì cái hào nhoáng bên ngoài mà vì đức hi sinh, lòng can đảm hay tính chuyên nghiệp trong công việc mà họ thể hiện hàng ngày. Hãy biết sống có giá trị trước khi muốn trở thành một người thành công. Nếu những việc bạn làm chỉ mang lại lợi ích cho bản thân trong một mối tương tác hạn hẹp, không mang lại lợi ích gì cho cuộc sống này thì đó chưa phải là sống thành công. Đó chỉ là hư danh, là cá nhân ích kỉ mà thôi.
Để trở thành người thành công trước hết phải là người có nhiều lương tri, nghĩa là biết lẽ phải. Mọi hành động phải vì con người, cho con người, vì công bằng xã hội và sự tiến bọ của nhân loại. Người có lương tri tạo ra xã hội có nhiều lương tri. Xã hội có nhiều lương tri thì mọi sự rạch ròi, đúng sai phân biệt, thang bậc đạo đức được bảo đảm. Nhiệm vụ này do nền giáo dục đảm trách. Chỉ có giáo dục đúng hướng mới đưa cả xã hội, cả đất nước tiến lên phía trước một cách vững chắc. Bởi thế, hãy lo lắng bồi dưỡng nhân cách và nghị lực của bản thân trước khi tìm kiếm một thành công nào đó mà bạn mong muốn.
Không phải ai cứ cố gắng làm việc là sẽ thành công. Thành công có được là nhờ ta nhận thức và nắm bắt rõ ràng các yếu tố giúp ta thành công và vận dụng nó một cách khoa học và hiệu quả. Yếu tố quan trọng khởi đầu đi đến thành công trong công việc đó là thời cơ. Thời cơ chính là hoàn cảnh thuận lợi (hoàn cảnh xã hội, gia đình và bè bạn giúp đỡ) đến với ta đúng lúc, kịp thời. Chớp lấy thời cơ để thành công là việc thường thấy của những người thành đạt.
Một minh chứng rõ ràng và hết sức thuyết phục từ trong lịch sử kháng chiến của dân tộc. Đầu năm 1945, khi phát xít đầu hàng quân Đồng Minh, quân Pháp và Nhật ở Việt Nam lúng túng, chớp lấy thời cơ thuận lợi, lãnh tụ Hồ Chí Minh phát động phong trào nổi dậy giành chính quyền trên toàn quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền đã về tay nhân dân. Muốn thành công trong cuộc sống chỉ nhờ vào thời cơ và may mắn là chưa đủ. Cần phải có cơ sở vật chất ban đầu đủ vững mạnh để thực hiện các kế hoạch bằng các hành động cụ thể. Có thể thấy, chúng ta không thể thành công bằng đôi bàn tay trắng. Vật chất giúp ta có sức mạnh điều hành và thúc đẩy công việc tiến lên phía trước, đi đến thành công.
Có biết bao người đã gần đạt đến thành công nhưng cuối cùng phải chấp nhận thất bại chỉ vì yếu kém về vật chất, kinh tế. Chúng ta có thể nghĩ đến câu chuyện cuộc đời của Harland Sander, ông chủ món gà rán lừng danh Kentucky như một minh chứng đầy thuyết phục. Harland Sander có thể coi là người làm món gà rán ngon nhất nước Mỹ. Nhưng phải đến năm 65 tuổi, ông mới nhận ra điều đó. Một lí do để giải thích cho việc chậm trễ này là Harland Sander chưa bao giờ có nhiều tiền để nghĩ đến việc kinh doanh riêng. và khi có cơ hội nhìn nhận những thất bại trong cuộc đời mình ông mới sự tỉnh nhận ra cơ hội cuối cùng và chính nó đã làm thay đổi cuộc đời ông. Để thành công trong công việc và đời sống cũng cần có một trí tuệ vững mạnh, đủ sức nhìn ra cơ hội, thách thức và dũng cảm vượt qua để chiến thắng.
Trí tuệ có thể là sự hiểu biết sâu rộng, có tầm nhìn chiến lược; có khả năng phán đoán, suy luận về hiện thực và điều kiện chủ quan, khách quan để có kế hoạch phù hợp với khả năng; có kĩ năng làm việc, làm việc có phương pháp, biết hoạch định và triển khai kế hoạch, có khả năng tổ chức công việc, biết đúc rút kinh nghiệm để làm tốt và điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết. Muốn sống thành công ta phải luôn hết lòng say mê với công việc và không bao giờ lãng quên mục tiêu phấn đấu của mình. Người thành công luôn là người tự tin, có bản lĩnh, quyết đoán, có ý chỉ quyết tâm cao để vượt qua mọi trở ngại, khó khăn; dám mạo hiểm, dám thừa nhận sai lầm để nhanh chóng tìm ra cách khắc phục, luôn lạc quan tin tưởng ở tương lai.
Để thuyết phục người khác và tin tưởng hợp tác, bản than phải có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, thẳng thắn, trung thực, kiên trì, nhẫn nại, có tinh thần trách nhiệm cao mới tạo được niềm tin. Biết chia sẻ vinh quang với người khác, không bao giờ nhận hết thành tích về mình; có thái độ tích cực với cuộc sống, có kĩ năng giao tiếp tốt để nắm bắt cơ hội, để hợp tác chia sẻ trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Biết dung người và tập hợp được chung quanh mình những người có năng lực và tinh thần trách nhiệm.
Thế nhưng, không phải ai cũng đạt được thành công. Nếu ta đang thất bại, hãy xem đó chỉ là một bước đệm nghỉ để ta tiến xa hơn, cao hơn trong công việc. Khi ta đang thất bại, đừng bao giờ đổ thừa cho số phận bởi không có thất bại nào là mãi mãi, chỉ có những người không muốn vươn lên thành công mà thôi. Bí quyết thành công là hãy biết làm chủ bản thân, làm chủ năng lực, không ngừng học hỏi và sáng tạo, hăng say làm việc, quyết tâm cao độ đạt lấy thành công.Hợp tác với mọi người, làm việc có cộng sự, chia sẻ, lắng nghe và thấu hiểu, cảm thông và ủng hộ trong công việc là nền tảng sức mạnh để thành công. bạn sẽ không thể một mình làm nên sự nghiệp lớn, điều đó chỉ có thể là kết quả của nhiều người cùng thực hiện bền bỉ trong một thời gian lâu dài.
Dù thế nào, muốn sống thành công ta phải luôn biết kết hợp các yếu tố, nhân tố cần thiết trong công việc và hành động. Tuy nhiên, như thế nào là sống thành công tùy thuộc vào nhận thức, khát vọng và mục đích hướng tới của mỗi con người.
Bài văn nghị luận xã hội về bản chất của thành công số 6
Thành công của một người thường không phải do tạo hóa, hay do người khác ban tặng cho. Mà nó nằm trong chính sự nỗ lực của mỗi người. Trên thế giới rộng lớn này, không có gì là giống nhau cho nên mỗi người cũng có những bí quyết riêng để tới cái đích thành công: có người thì nỗ lực làm việc, chăm chỉ, chăm chỉ như những chú ong để tích lũy từng ngày, có người lại sẵn sàng đương đầu với những thử thách, dám mạo hiểm tất cả để theo đuổi ước mơ, giấc mơ, có nhiều người lại có khả năng thiên phú, và để thành công họ nuôi dưỡng và phát triển cái thiên phú đó lên,…Nhưng, bản chất của thành công mỗi người lại rất giống nhau, đó chính là sự nổ lực hết mình, hoàn thiện bản thân tốt nhất cũng giống như một câu nói tôi đã từng đọc, từng nghe- “Thành công chỉ đến khi chúng ta cố gắng hết sức và không ngừng hoàn thiện bản thân mình”.
Thành công là một điều mà ai trong chúng ta cũng mong muốn đạt được. Nhưng bạn muốn thành công cần phải hội tụ đầy đủ hai điều kiện đó là sự cố gắng hết sức và không ngừng hoàn thiện bản thân thì mới vươn tới được thành công. Cố gắng hết sức đó chính là sự nỗ lực, nỗ lực tận cùng, luôn kiên trì, bền bỉ không bao giờ lùi bước vì thất bại. Còn việc " không ngừng hoàn thiện bản thân mình" đó chính là giúp mình trở nên hoàn hảo hơn, chúng ta cần rèn luyện, bồi đắp bản thân và không nên dễ dàng hài lòng với chính mình. Khi bạn có đầy đủ cả hai điều kiện đó thì thành công sẽ gõ cửa dù sớm hay muộn. Đề chiếm lĩnh bản thân, hãy nỗ lực, luôn luôn cầu tiến, hoàn thiện bản thân.
Thành công không phải dễ dàng, bạn muốn đạt được hay không được nằm trong tay bạn biết nắm bắt cơ hội trong cuộc sống không. Thành công có thể đến rất bất ngờ, đôi khi chính là khởi đầu lúc bạn thất bạn, vì vậy, nếu bạn mang trong mình sự lo lắng, và để thất bại nhấn chìm, bỏ cuộc giữa chừng thì sẽ đánh mất cơ hội đạt được mục tiêu, ước mơ của mình. Thành công cũng sẽ không mĩm cười với những bạn không bao giờ thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực, và chắc chắn bạn cũng không thể nắm giữ được thành công quá lâu nếu bạn dễ dàng hài lòng với những gì trước mắt, hài lòng với bản thân.
Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, thay đổi vạn trường, mỗi con người cần làm chủ mọi quyết định suy nghĩ, hành vi của chính mình và những kết quả từ việc làm hành vi của mình. Chúng ta cần phải cố gắng không ngừng để hoàn thiện bản thân. Hãy nhìn vào những tấm gương xung quanh chúng ta, như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, dù thầy không đôi tay để cầm viết những thầy đã cố gắng sử dụng đôi chân của mình tạo nên những dòng chữ đẹp đẽ. Hay danh họa kiệt xuất Leonardo Davinci hàng ngày khổ luyện vẽ lên những quả trứng tròn trĩnh để rồi hoàn thiện được kĩ năng của mình hơn qua mỗi bức hình tưởng chừng như đơn giản đó, để giờ cả thế giới trầm trồ trước những bức họa vô giá. Nhìn vào những giọt mồ hôi của các vận động viên, để có được những tấm huy chương vàng, huy chương bạc mang vinh danh cho đất nước họ đã ngày đêm luyện tập gian khổ từ khi còn rất nhỏ….Và tất cả họ, đều đã thành công trên con đường mình đã chọn.
Nhưng đừng biến việc theo đuổi thành công trở thành bi kich, dù cố gắng đến cùng để đạt được vinh quang không có nghĩa là bạn sẽ bất chấp tất cả để có được điều mà mình mong muốn. Bạn cần dựa vào chính sức mình, sự nội lực của bản thân, sự hoàn thiện không ngừng. Đừng dùng bất kỳ thủ đoạn nào để đạt được thành công. Lúc đó, dù đang đứng trên đỉnh cao, nhưng tất cả chỉ là chông chênh, và dễ dàng vụt mất, thành công cũng giống như con người, chỉ bền vững khi nó được làm từ chính sức lực và từ những hành động thiết thực của bản thân. “Thành công chỉ đến khi chúng ta cố gắng hết sức và không ngừng hoàn thiện bản thân mình”.
Câu nói này đã đưa ra cho chúng ta một định hướng đúng đắn về cách thức cũng như điều kiện để có thể đạt được thành công. Trong xã hội hiện đại ngày nay, có rất nhiều thanh niên có suy nghĩ lệch lạc về sự thành công. Họ đã chọn cho mình những cách thức thành công khiến người khác nhìn vào có thể nghĩ họ thật buồn cười bởi với họ được người khác chú ý chính là thành công. Càng ngày, chúng ta càng thấy xuất hiện rất nhiều những “hot boy, hot girl tự xưng”, họ làm những trò lố lăng, càng xuất hiện dày đặc khiến ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của giới trẻ hiện nay. Vì vậy, câu nói về sự thành công như có giá trị thức tỉnh sâu sắc đến mỗi cá nhân, mỗi con người chúng ta.
Đạt được thành công là điều mà ai trong chúng ta cũng mong muốn, cho nên chúng ta hãy xác định những mục tiêu đúng đắn, và cố gắng hết mình, hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Chúng ta cũng nên chia sẽ những cách thức để vươn tới thành công trong cuộc sống.
Bài văn nghị luận xã hội về bản chất của thành công số 1
Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ bỏ cả cuộc đời mình theo đuổi? Phải chăng đó là kết quả hoàn hảo trong công việc, sự chính xác đến từng chi tiết? Hay đó là cách nói khác của từ thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu sang, được mọi người nể phục? Vậy thì bạn hãy dành chút thời gian để lặng mình suy ngẫm. Cuộc sống sẽ chỉ cho bạn có những người đạt được thành công theo một cách giản dị đến bất ngờ.
Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8/3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy. Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai bố con không thể thành công trên “chiến trường” bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ “đoá hồng” của tình yêu. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ. Thành công còn là hình ảnh một cậu bé bị dị tật ở chân, không bao giờ đi lại bình thường được.
Từ nhỏ cậu đã nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Sau bao nỗ lực khổ luyện, cậu bé trở thành cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ, và chưa bao giờ được chính thức ra sân. Nhưng đổ không phải là thất bại. Trái lại, thành công đã nở hoa khi cậu bé năm xưa, với bao nghị lực và quyết tâm, đã chiến thắng hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ từ ngày thơ bé. Thành công ấy, liệu có mấy người đạt được?
Sau mỗi mùa thi đại học, có bao “sĩ tử” buồn rầu khi biết mình trở thành “tử sĩ". Hai bảy điểm, cao thật đấy. Nhưng cao mà làm gì khi NV1 lấy tới hai bảy phẩy năm? Đó thật ra không phải là thất bại, chỉ là khi thành công bị trì hoãn mà thôi. Cuộc sống vẫn chào đón họ với nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Quan trọng là họ đã nỗ lực hết sức để khẳng định mình. Đố là ý nghĩa vẹn nguyên của các kì thi, và cũng là bản chất của thành công. Ngày còn nhỏ, tôi đả được đọc một câu chuyện rất xúc động. Chuyện kể về một cậu bé nghèo với bài văn tả lại mẹ, người phụ nữ đã che chở cuộc đời em. Cậu bé viết về một người mẹ với mối tóc pha sương, với đôi bàn tay ram ráp nhăn nheo nhưng dịu hiền và ấm áp.
Cậu kết luận rằng: bà ngoại là người mẹ – người phụ nữ đã nâng đỡ em trong suốt hành trình của cuộc đời. Bài văn lạc đề, phải về nhà viết lại; nhưng đó mới chính là một tác phẩm thành công, bởi ở đó chất chứa tình yêu thương của đứa cháu mồ côi dành cho bà ngoại. Liệu có thành công nào tình cảm nào thiêng liêng hơn thế? Nhiều năm trước, báo chí từng vinh danh một cậu học trò nghèo thi đậu đại học với vị trí thủ khoa. Đối với cậu, đó một thành công lớn. Nhưng có một thành công khác, lặng thầm mà lớn lao đó là chiến thắng của một người cha gần 20 năm trời đạp xích 15 nuôi con ăn học. Bao niềm tin và hi vọng hiện lên trên gương mặt vốn đã chịu nhiều khắc khổ. Và ngày con trai đậu đại học cũng là ngày tốt nghiệp khóa học của một người cha.
Tôi biết có một nữ sinh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu gần hai mươi năm trước. Với tài năng của mình, cô có thể gặt hái thành công trên con đường sự nghiệp và danh vọng. Nhưng cô sinh viên năm ấy đã chấp nhận hi sinh những cơ hội của đời mình để trở thành một người vợ đảm đang, một người mẹ dịu hiền của hai cô công chúa nhỏ. Cho tới bây giờ, khi đã là một phụ nữ trung niên, Người vẫn nói với tôi rằng: “Chăm sóc bố và hai con chu đáo, đối với mẹ đã là một thành công lớn”. Mỗi khi nghe câu nói ấy, tôi lại rơi nước mắt. Gia đình là hanh phúc, là thành quả đẹp đẽ của đời mẹ, và chúng tôi phải cảm ơn mẹ vì điều đó.
Con người luôn khát khao thành công, nhưng mù quáng theo đuổi thành công thì thật là vô nghĩa. Bạn muốn mình giàu có, muốn trở thành tỉ phú như Bill Gates? Vậy thì hãy gấp đồng tiền một cách cẩn thận rồi trao nó cho bà cụ ăn xin bên đường. Với việc làm đẹp đẽ ấy, bạn sẽ cho mọi người hiểu được bạn không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có về tâm hồn. Khi đó, bạn đã thực sự thành công. Cũng có khi bạn ước mơ thành công sẽ đến với mình như đến với Abramovich – ông chủ của đội bóng toàn những ngôi sao? Thành công chẳng ở đâu xa, chỉ cần bạn dành thời gian chăm sóc cho “đội bóng” của gia đình bạn. Ở đó, bạn nhận dược tình yêu thương vô bờ bến, thứ mà Abramovich không nhận lại được từ những cầu thủ của ông ta. Thành công đến với mọi người một cách giản dị và ngọt ngào như thế!
Bạn được sinh ra, đó là một thành công vĩ đại của cha và mẹ. Trách nhiệm của bạn là phải gìn giữ cho vẻ đẹp hoàn thiện của thành công ấy. Đừng bao giờ ủ ê nghĩ rằng cuộc sống là một chuỗi của thất bại, bởi như một giáo sư người Anh từng nói: “Cuộc sống này không có thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi”. Còn đối với tôi, chỉ đơn sơ là khi có ai đó đọc được bài viết nhỏ này. Có thể sẽ chẳng được điểm cao, nhưng gửi gắm được những nghĩ suy của mình vào trang viết. Với tôi đó là đã là một thành công.
Bài văn nghị luận xã hội về bản chất của thành công số 9
“Thành công vốn không phải là một đích đến mà chính là một hành trình” (Moravia). Có nhiều con đường đến với thành công, và ngay cả khái niệm thành công vốn cũng khác nhau trong quan niệm của mỗi người. Vậy “thành công” liệu có phải một điểm dừng chân, một đích đến hay không? Hãy cùng bình luận cụ thể cho bài văn nghị luận xã hội về sự thành công.
Trong cuộc sống, mỗi người đều muốn đạt được những mục ích nhất định. Có người cho rằng một cuộc sống bình dị hạnh phúc an nhiên là thành công. Những có người lại cho rằng thành công chính là có được sự nghiệp to lớn, thành đạt với một cơ ngơi tài sản khổng lồ. Cũng có người cho rằng thành công chỉ đơn giản là được sống là chính mình. Mỗi người đều có những định nghĩa riêng về thành công và xây dựng cho mình những tiêu chuẩn riêng để đo lường thành công của bản thân.
Tuy thành công phụ thuộc vào quan điểm cá nhân nhưng gói gọn lại những khái niệm thành công ấy đều có nét chung nhất định. Thành công chính là khi con người có được, đạt được điều gì đó mà bản thân ước mơ bằng chính mình và được công nhận cùng đó cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn. Thành công xuất hiện trên rất nhiều phương diện, thành công trong công việc, thành công trong học tập, thành công khi xây dựng được hạnh phúc, tình yêu… Có thể nói, sự thành công được xem như trọng tâm của cuộc sống, đó là lý do để họ có thể sống. Có thành công, đạt được thành công thì con người mới thực sự sống có ý nghĩa. Có được thành công thì họ như có cả thế giới, có thành công họ mới có thể đứng lên và tiếp tục phấn đấu cho cuộc sống, cho con người và cho xã hội.
Và dường như, sự thành công chính là điều mà cả xã hội luôn hướng đến. Bản thân mỗi người phải cho mình một ước mơ, một mục đích sống và phải cố gắng để thực hiện ước mơ thành hiện thực, đó là thành công. Người nghèo cố gắng làm lụm thay đổi được số phận, đó là thành công. Học sinh phấn đấu học tập đạt được danh hiệu mà mình ước mong, đó cũng là thành công. Sự cần cù, chăm chỉ của sinh viên đại học mới vừa tốt nghiệp khiến cho họ có được những thành tích tiêu biểu trong công việc, đó là thành công. Con người khi tìm được hạnh phúc, tình yêu mà mình mong muốn, đó là thành công. Và còn rất nhiều những sự thành công khác nhau được thể hiện trên rất nhiều phương diện khác nhau…
Khi nhắc đến thành công, người ta không thể không nhắc đến thất bại. Bill Gates từng cho rằng: “Ăn mừng thành công cũng tốt, nhưng quan trọng hơn là phải biết chú ý đến những bài học của sự thất bại”. Thật vậy, có thất bại thì mới có thành công, con người không chỉ nhìn nhận trên sự thành công, mà còn phải nhìn nhận song song với thất bại. Đó mới chính là bước đệm để đưa con người đến những vùng trời thành công to lớn và vĩ đại hơn nữa. Vì vậy sự thành công không thể dễ dàng có được, mà nó phải là cả quá trình từ ước mơ, nghị lực, cho đến sự trải nghiệm, thất bại, đứng dậy và khắc phục, phấn đấu, cuối cùng mới là sự thành công. Thành công mang ý nghĩa to lớn và nó thực sự quan trọng đối với cuộc sống, xã hội mà con người con cần phải biết và thực hiện.
Thành công có vai trò quan trọng và ảnh hưởng khá lớn đến cuộc sống của chúng ta. Khi con người đạt được thành công, là lúc họ hạnh phúc nhất và cũng là lúc họ cảm thấy sự tồn tại của bản thân trong xã hội là đúng, đó cũng chính là lý do khiến họ có thể tiếp tục sống và phấn đấu. Thành công khiến con người vui vẻ, hạnh phúc và được nhiều người tôn trọng đồng thời có thể xây dựng nhiều mối quan hệ tốt trong xã hội. Ngoài ra, sự thành công cũng chính là đánh dấu sự trưởng thành trên nhiều phương diện của một con người. Mỗi lần họ thành công, chính là mỗi lần họ trưởng thành. Mỗi lần họ thành công, là một điều quý báu được chính bản thân họ khám phá và lưu giữ. Mỗi lần thành công là một cuộc hành trình, một chuyến đi gian nan nhưng đầy thú vị, đầy kinh nghiệm, cũng là một thế giới mới đã mở ra và đến với họ.
Thành công còn là sự mở rộng hiểu biết, nhận thức cho con người về chính mình, về con người xã hội và về chính thế giới xung quanh. Chỉ khi thành công thì con người mới nhìn lại quãng đường khó khăn trước đó, nhìn nhận để tích lũy kinh nghiệm, nhìn nhận để có một câu trả lời thỏa đáng cho những gì bản thân bỏ ra và trải qua. Từ đó, con người sẽ có động lực để đương đầu với nhiều thử thách gian nan hơn, và cũng là để thành công hơn cả hiện tại. Ngoài ra, thành công còn được tạo ra nhờ thất bại, vấp ngã. Bởi vì vấp ngã nên chúng ta mới nhìn nhận, phát hiện và khắc phục những khuyết điểm của bản thân, ngày một hoàn thiện mình hơn, như vậy mới có được thành công. “Thất bại mang lại cho bạn cái nhìn đúng đắn về sự thành công.” – Ellen DeGeneres từng nói.
Điều này đã được minh chứng rõ ràng và chắc chắn qua thực tế cuộc sống. Có mấy ai biết được rằng trước khi J.K Rowling trở thành một trong những người phụ nữ giàu nhất thế giới, bà đã từng có cuộc sống vô cùng khổ sở: ly dị chồng, một mình nuôi con, túng thiếu mọi bề. Thậm chí, bà khó khăn đến mức không có tiền để in bản viết tay cuốn sách Harry Porter của mình. Vì vậy mà bà đã phải gõ hơn 9000 từ trên chiếc máy đánh chữ cũ thủ công để gửi đến các nhà xuất bản.
Chính vì vấp ngã, thất bại, khốn khó đến thế mà con người phải không ngừng vươn lên, vươn lên để thay đổi số phận, vươn lên để tìm thấy hạnh phúc, vươn lên để họ thấy họ còn có thể sống và có mục đích sống rõ ràng không thể từ bỏ. Một điển hình khác cụ thể hơn chính là Thomas Edison. Giáo viên của Thomas Edison nhận định rằng ông “quá chậm để học bất cứ thứ gì” nên mẹ ông đã quyết định cho ông nghỉ học và bà tự dạy con trai của mình. Không chỉ có vậy, ông đã sớm bị sa thải khỏi hai công việc đầu tiên vì “không đủ năng lực”. Vậy mà, với nỗ lực của mình, ngày nay Thomas Edison được biết đến là một trong những nhà sáng tạo vĩ đại nhất của mọi thời đại. Thành công đã mỉm cười sau hơn 10.000 lần nỗ lực để phát minh ra bóng đèn điện. Đây chính là một ví dụ tuyệt vời cho tính kiên trì thực sự.
Thành công hay không thì còn phải dựa vào những bài học, những kinh nghiệm, những khao khát thay đổi suy nghĩ của người khác về chính mình, khao khát thành công. Con người phải luôn sẵn sàng đón nhận thiếu sót, thất bại, phải kiên trì, giữ vững ý chí thì mới có thể đạt được thành công. Khi thành công thì con người tỏa sáng, nhưng để có được nó lại là điều vô cùng khó khăn, đòi hỏi từ tính cách, phẩm chất cho đến ý chí, sự mạnh mẽ và cuối cùng là ước mơ, hoài bão to lớn của một con người.
Thành công được cấu thành từ thất bại. Nhưng không phải đã trải qua thất bại, tiến đến được với thành công thì sẽ mãi không thất bại lần nào nữa. Con người không nên ngủ quên trong chiến thắng, quá thỏa mãn với những gì bản thân đạt được, tự cao, tự phụ sẽ lại càng thất bại một cách thảm hại hơn. Ở đâu đó từng có câu nói rằng: “Ở đỉnh núi, quang cảnh nhìn thấy sẽ là dốc xuống.”, cũng như con người nếu cảm thấy bản thân đã trải qua quá nhiều kinh nghiệm, quá đủ thành công, không cần phải cố gắng hơn nữa thì đó chính là cú ngã đau nhất cuộc đời. Câu chuyện An Dương Vương vì quá khinh thường giặc, chủ quan và lơ là để cho giặc làm con rể ở tại đất nước mình, để cho Trọng Thủy có cơ hội tráo nỏ thần, ngồi đánh cờ thản nhiên khi giặc đã kéo vào thành và hơn nữa lại còn chủ quan ngay cả chính người con gái Mị Châu của mình. Kết cục nước mất nhà tan, ông phải chém chết đứa con gái của chính mình, để đất nước rơi vào tay giặc. Đó là một bài học đáng giá cho sự chủ quan, tự cao.
Một ví dụ điển hình khác chính là câu chuyện về ông Donal Trump. Donald Trump trước khi sở hữu khối tài sản khổng lồ lên đến 4,5 tỷ USD và được ghi vào sách kỷ lục Guiness đã từng là con nợ khủng nhất trong lịch sử tài chính với món nợ 1 tỷ USD. Một ngày nọ, ông vừa chỉ tay về phía một người đàn ông vô gia cư vừa nói với con gái mình rằng “Con có nhìn thấy người đàn ông đằng kia không? Ông ấy đã từng là một tỷ phú giàu có hơn cả cha. Và bây giờ thì ông ấy đang ở đáy bùn của xã hội”.
Chính vì tự mãn, chính vì tư tưởng mãi mãi chiến thắng trên đỉnh vinh quang mà con người đã tự đưa mình vào hố sâu, vực thẳm của cuộc sống. Nó không còn là một cú ngã bình thường, mà chính là một cú ngã lâu dài, thấm đậm sự thất bại và xấu hổ. Có thể là không lối thoát. Và vì mỗi người có một khái niệm khác nhau về thành công nên đừng lấy thước đo thành công của người khác áp đặt lên bản thân mình. Đừng cảm thấy buồn, ganh tị khi nhìn vào thành công của người khác. Bởi đơn giản, thành công của bạn khác với thành công của người khác. Và đó còn là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng.
Không có thành công nào mà không phải trả giá, phải trả bằng thời gian, mồ hôi và đôi khi cả máu. Đừng nhìn vào điều đã đạt được mà hãy nhìn vào cả quá trình phấn đấu. Bên cạnh đó, đôi khi bạn còn phải biết buông bỏ đúng cách. Đừng mải chạy theo những giá trị vật chất, mà hãy nhìn xa hơn quan tâm hơn đến bản thân cũng như những người xung quanh. Hãy hoàn thiện bản thân mình nhiều hơn về cả sức khỏe, trí tuệ cũng như cảm xúc của mình. Thành công sẽ đến nhưng đó không phải là cái đích cuối cùng của cuộc sống.
Con người muốn thành công phải luôn chuẩn bị cho mình mục đích sống, một ước mơ, một kế hoạch đồng thời phải rèn luyện tính kiên nhẫn, mạnh mẽ, kỹ năng ứng xử, thu thập và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn và càng phải có một nhân cách đẹp thì mới có thể thuận lợi đạt được thành công. Cùng với đó, chính là ý chí đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã và tính kiên trì, kiên định với mục tiêu đã đưa ra trước đó, “Thất bại không phải là ngã, mà là từ chối đứng dậy.” Đồng thời, chúng ta cần hạn chế và khắc phục tính tự mãn khi thành công để không nhận lại kết quả tồi tệ nhất. Hãy tìm mọi cách để thành công và dù có thành công hãy tìm cách giữ nó ở lại lâu nhất khi bạn có thể.
Thành công dù giản đơn và ngọt ngào hay xa vời và khó với chính là ở bản thân mỗi người. Thành công chính là một hành trình khám phá và trải nghiệm chứ không phải chỉ là đích đến. Quan trọng hơn cả, sẽ không bao giờ có cơ hội để vươn đến thành công cho những kẻ ảo tưởng và lười biếng. Dù hiểu theo nghĩa nào về khái niệm thành công thì muốn đạt được đích đến của cuộc đời, bạn cần vạch ra mục tiêu riêng cũng như có những định hướng rõ ràng và đúng đắn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần bền bỉ và kiên trì theo đuổi – bởi đó là khi bạn có thể chiến thắng thử thách bản thân mình và gặt hái được thành công trên con đường đã lựa chọn.
Bài văn nghị luận xã hội về bản chất của thành công số 3
Trong cuộc sống con người luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt những mục tiêu đặt ra, có thể vượt lên mọi giới hạn để đạt đến thành công. Vậy, thành công là gì? Vì sao con người phải huy động mọi năng lực, sự cố gắng, phải đánh đổi nhiều thứ giá trị để có được thành công?
“Thành công” hiểu một cách đơn giản nhất đó chính là những thành quả mà con người tạo ra sau quá trình cố gắng, nỗ lực thực hiện. Không có thành công nào không được kết tinh từ chính những hành động và năng lực nội sinh bên trong con người. Thành công không chỉ được dùng để chỉ những thành quả to lớn, vĩ đại mà thành công còn là những kết quả mong muốn dù nhỏ nhoi, đời thường. Chẳng hạn, trước buổi học trời mưa to, bạn phân vân về lí do nên đi học hay nghỉ, cuối cùng bằng sự cố gắng bạn đã tìm cách khắc phục thời tiết để đến lớp đúng giờ, đó là thành công bởi bạn đã vượt qua cái giới hạn về sự chăm chỉ, chuyên cần của bản thân.
Thành công có thể là việc thực hiện được những ước mơ, hoài bão lớn lao song nó cũng là những thành quả tích cực mà bạn cố gắng thực hiện để vượt qua những giới hạn của bản thân. Sự thay đổi dù nhỏ nhoi nhất theo hướng tích cực đó là thành công, để rồi từ những thành công tưởng chừng như nhỏ bé đó bạn có thể làm nên những thành công lớn, những thành tích không ngờ đến. Nếu bạn chịu khó học hỏi, nếu bạn chấp nhận băng qua cơn mưa để đến với tri thức, bạn sẽ có thêm những kiến thức bổ ích, để từ đó có thêm nền tảng để thực hiện ước mơ trở thành: bác sĩ, kĩ sư, giáo viên… của mình.
Để đạt được thành công đòi hỏi con người phải có sự kiên trì, có lí tưởng và hành động thiết thực. Không có thành công đạt nào dễ dàng đạt được mà không phải hi sinh, đánh đổi. Để đạt được kết quả học tập cao, học sinh sẽ phải đầu tư thời gian, nghiêm túc học hành, người nông dân để mang đến mùa màng bội thu phải cần cù, chăm chỉ tăng gia sản xuất…
Thành công gắn liền với những nỗ lực nội sinh, trong nhiều trường hợp để đạt được thành công buộc con người phải đánh đổi những thứ giá trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta để mang đến ánh sáng hòa bình cho dân tộc đã phải đánh đổi cả tuổi xuân, phải rời bỏ quê hương từ khi còn trẻ để tìm đường cứu nước, chấp nhận những hi sinh gian khổ để mưu mưu sinh ở nước bạn, phải vượt qua những đớn đau về thể xác khi bị quân địch bắt giam trong ngục tù….
Thành công phải đánh đổi mới có được nhưng không có nghĩa là bất mọi việc để đạt được thành công, đó không phải việc dùng tiền mua những tấm bằng đại học không giá trị, không phải việc thực hiện những hành động xấu xa, ti tiện để trở nên giàu có,… Chúng ta có thể đánh đổi nhưng không thể đánh đổi cả những giá trị đạo đức tốt đẹp, đánh đổi danh dự làm người.
Thành công sẽ đến nếu như con người biết ước mơ, biết nỗ lực để thực hiện những ước mơ ấy. Hành trình đi đến thành công có thể không dễ dàng, trên hành trình ấy chúng ta có thể thất bại, vấp ngã nhưng sau mỗi lần thất bại ấy chúng ta sẽ trưởng thành hơn, có thêm những kinh nghiệm quý giá, dám đứng lên để tiếp tục thực hiện lí tưởng của mình đó chẳng phải là thành công đấy sao.
Như vậy, để thành công thì trước hết con người phải vượt qua những giới hạn của chính mình, vượt qua chính mình để chinh phục những thành công thì những thành quả được tạo ra sẽ thực sự ý nghĩa và có giá trị.
Bài văn nghị luận xã hội về bản chất của thành công số 5
Thành công chính là mục tiêu sống, là đích đến của mỗi con người. Con người chúng ta khi sinh ra lớn lên ai cũng muốn mình được thành công, khẳng định vị trí của mình trong công việc trong xã hội, được nhiều người ngưỡng mộ, nể phục cảm thấy mình làm được nhiều điều vĩ đại lớn lao.
Tuy nhiên, để có được thành công chắc chắn không phải điều dễ dàng, mà nó phải trải qua muôn vàn những khó khăn thử thách, nhiều lần vấp ngã thất bại, mà chưa chắc đã nhìn thấy ánh hào quang của sự thành công ở đâu. Vậy thành công là gì mà ghê gớm vậy? Thành công chính là kết quả, thành quả ngọt ngào mà một người gặt hái được sau những ngày tháng nỗ lực, cống hiến hết mình cho một công việc, mục đích nào đó. Nói một cách khác thành công chính là việc ta thực hiện được mục đích ban đầu mà ta đã đặt trong công việc, học tập, hay một lĩnh vực cụ thể nào đó.
Thành công có ý nghĩa vô cùng quan trọng với mỗi người trong cuộc sống chúng ta, với nam giới nó là sự khẳng định vị trí của mình trong xã hội là mục đích sống của người đàn ông. Nhiều người sẵn sàng từ bỏ gia đình, những giây phút thảnh thơi bên người thân, cùng ăn một bữa tối xem một phim hay, lắng nghe con cái tâm sự chuyện học hành để lao vào công việc chỉ mong tìm thấy sự thành công.
Nhiều người cũng vì thành công mà lao theo vòng xoáy công việc của sự mưu sinh mà có khi cả tháng chẳng gọi nổi cho bố mẹ ở quê một cuộc điện thoại. Bố mẹ có gọi thì cũng nói qua loa, tỏ vẻ bận rộn rồi cúp máy vội vàng. Để rồi khi cha mẹ ốm đau, hấp hối mới cảm thấy hối hận, cảm thấy ăn năn vì mình không quan tâm tới cha mẹ lúc tuổi già. Nhiều gia đình tan vỡ, li tán mỗi người một nơi con cái có cha không có mẹ có mẹ không có cha, chỉ vì ông bố của gia đình đó mải mê công việc, mong tìm kiếm thành công mà bỏ quên vợ con, khiến người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi uất ức. Họ tìm cách li dị vì sức chịu đựng của con người chỉ tới một giới hạn nhất định nào đó mà thôi.
Đã bao giờ bạn tự hỏi mình rằng thành công đôi khi chỉ cần người chồng, người con trai, dành thời gian nấu một bữa tối thật ngon, thật vui vẻ trong dịp mùng 8/3 để chúc mừng vợ mình, mẹ mình. Đối với những bạn học sinh thành công không có nghĩa là lúc nào bạn cũng phải đứng hạng nhất, nếu sức học của bạn không quá xuất sắc thì thành công đôi khi chỉ cần bạn nỗ lực cố gắng, nghe lời cha mẹ, thầy cô, chăm ngoan, sống nguyên tắc không làm gì để cho mọi người buồn lòng, đó chính là sự thành công rồi.
Trong gia đình, ngoài giờ học bạn hãy giúp đỡ cha mẹ mình những công việc phù hợp, giảm bớt lo lắng, áp lực của cha mẹ khi phải lo lắng rất nhiều việc ngoài xã hội khiến cha mẹ vui bằng những li nước mát sau những giờ tan làm ở công sở về nhà. Đó cũng là một sự thành công. Thành công đôi khi không phải là những điều quá to lớn, vĩ đại như việc nhà bác học Newton tìm ra thuyết vạn vật hấp dẫn, mà thành công đôi khi chỉ là việc bạn cố gắng vượt qua những cám dỗ, những thói xấu như không trốn học, không mê chơi game online đó cũng chính là sự thành công rồi.
Trong mỗi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học, rồi thi đại học rất nhiều sĩ tử sau khi thi không được đã chán nản, ủ dột rồi tìm tới cái chết vì cảm thấy mình thất bại. Mình không thành công, không đạt được ước mơ của mình. Nhưng thật ra nếu các bạn đã nỗ lực hết mình rồi thì không có gì phải hối tiếc cả. Cuộc sống còn nhiều điều thú vị khác, bạn có thể vượt qua thất bại này để tìm cơ hội trong năm sau. Nếu như không được bạn cũng có thể chọn con đường đi khác để hướng mình tới thành công.
Chỉ cần trong bất kỳ công việc nào, con đường đi nào bạn cũng luôn cố gắng nỗ lực hết sức mình thì đó chính là thành công rồi. Với cha mẹ chỉ cần con cái mình ngoan ngoãn nên người, sống vui vẻ hạnh phúc, hiếu thuận với cha mẹ đó chính là sự thành công lớn nhất. Còn mọi sự thành công về địa vị, tiền bạc đôi khi rất cần những thực chất chúng chỉ là phù du mà thôi. Có một người mẹ góa chồng từ sớm bà có một người con trai. Bà vất vả nuôi người con trai thành tài, cho ăn học tới nơi tới chốn. Người con muốn thoát khỏi số phận nghèo khổ nên vô cùng nỗ lực trong học tập, trong công việc rồi anh ta cũng đạt chút thành tựu.
Sau đó, anh quen với một cô con gái nhà giàu quyền quý, cha cô ấy làm rất to có thể giúp anh thăng tiến nhanh hơn, giúp cho những công trình nghiên cứu ước mơ của anh thành hiện thực. Nhưng để anh cưới được con gái mình, người đàn ông giàu có ra điều kiện chàng trai phải cắt đứt quan hệ với mẹ mình. Vì bà ta nghèo không xứng đáng làm thông gia với một gia đình quyền lực. Người con trai suy nghĩ rất nhiều. Bà mẹ vì thương con nên chủ động khuyên con nên cắt đứt liên lạc với mẹ để cưới cô gái kia. Nhưng rồi con suy nghĩ và đã chọn mẹ mình, bởi theo anh ta thành công không đi đường này thì đi bằng con đường khác. Có thể đi đường vòng sẽ mệt và vất vả hơn khi đi thẳng, nhưng vẫn tới đích thôi. Còn mẹ thì chỉ có một anh ta không thể từ bỏ người mẹ vất vả nuôi mình bao năm qua được.
Qua câu chuyện này, chúng ta có thể thấy rằng có rất nhiều con đường để đi tới thành công, quan trọng là bạn có nỗ lực để vượt lên chính mình hay không mà thôi, còn thành công thì luôn luôn đứng chờ bạn ở một nơi nào đó, đừng nản lòng và từ bỏ nó. Thành công rất quan trọng, nhưng trong cuộc sống con người thành công không phải là tất cả. Có nhiều điều còn quan trọng hơn cả sự thành công đó chính là những người thân yêu ruột thịt của chúng ta.
Vì vậy, trên con đường đi tìm thành công bạn hãy nhìn lại những người thân xung quanh mình xem bạn đã làm tốt vai trò trách nhiệm của mình với họ chưa nhé, đừng vì mải mê chạy theo thành công mà quên mất tình thân ruột thịt tới lúc thành công ngoảnh đầu nhìn lại chỉ còn một mình đơn độc.
Bài văn nghị luận xã hội về bản chất của thành công số 10
Cuộc sống là một chặng hành trình đầy khó khăn và thử thách mà con người cần phải vượt qua. Ai cũng khao khát đạt được thành công. Và điều đó đã trở thành đích đến cho mọi nỗ lực của chúng ta.
Không có một định nghĩa nào cố định về thành công. Nhưng nếu hiểu theo cách đơn giản nhất, thành công là khi con người đạt được những mong muốn của bản thân, đạt được mục tiêu đã đề ra hay hoàn thành tốt công việc được giao phó… Biểu hiện của sự thành công ở mỗi người là khác nhau. Đối với một học sinh thì đó là đạt kết quả cao trong học tập, đối với một người giáo viên thì đó là dạy dỗ nên những thế hệ học sinh thành đạt. Đối với một kiến trúc sư, thành công là xây dựng ra những ngôi nhà bền đẹp. Đối với một nhà kinh doanh lại là tạo ra được nhiều lợi nhuận…
“Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”. Quả thật, có thành công nào không phải trả giá bằng muôn vàn những khó khăn, thất bại. Nhưng không phải ai cũng có thể vượt qua được những thử thách đó. Biết bao nhiêu doanh nghiệp khi mới thành lập thì hừng hực khí thế, nhưng đến khi gặp phải khó khăn lại loay hoay không biết phải xoay sở ra sao, phải nhờ đến sự giúp đỡ của Nhà nước. Có rất nhiều sinh viên khi còn đang đi học, không chịu cố gắng học tập để nâng cao kiến thức cũng như rèn luyện các kỹ năng mềm. Họ chỉ biết ngày đêm chìm trong những cuộc vui chơi, sa ngã vào những tệ nạn xã hội. Đến khi sắp ra trường vẫn không biết được tương lai mình sẽ như thế nào, mục tiêu của bản thân là gì.
Muốn có được sự thành công, con người không thể lười biếng, ỷ lại vào sự giúp đỡ của những người xung quanh. Bản thân cần phải tự mình nỗ lực từng ngày. Cũng như lưu giữ trong tim ngọn lửa của sự đam mê, lòng nhiệt huyết và niềm tin vào chiến thắng ở phía cuối con đường. Một trong những tấm gương tiêu biểu của sự nỗ lực để bước tới thành công phải kể đến Arianna Huffington. Bà là một nữ doanh nhân, một chính trị gia, một nhà báo và là người phụ nữ quyền lực nhất giới truyền thông. Để có được thành công như vậy, bà từng nhận phải thất bại cay đắng khi chỉ có 0.55% phiếu bầu cho cuộc chạy đua tổng thống Mỹ năm 2003. Bà cũng đã cho xuất bản nhiều quyển sách nổi tiếng, được nhiều người đón nhận.
Trước đó, cuốn sách đầu tiên là The Female Woman – xuất bản năm 1973 viết khi bà 23 tuổi được bán khá thành công, nhưng đến quyển sách thứ hai thì đã bị từ chối xuất bản 36 lần. Tuy nhiên, không vì thế mà Arianna Huffington nản lòng. Với lòng nhiệt huyết, quyết tâm cao độ dám vượt lên thất bại, bà đã tiếp tục viết và cho ra đời thêm 13 cuốn sách nữa, thường về các chủ đề quan điểm chính trị và viết tiểu sử. Hay không cần lấy ví dụ ở đâu quá xa xôi. Bạn có biết đến cái tên Nguyễn Công Phượng? Câu chuyện về chàng cầu thủ trẻ đã dám đương đầu với khó khăn để vượt qua chính giới hạn của bản thân. Trong kì thi đầu vào của lò đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An, cầu thủ này đã từng bị đánh trượt vì lý do không đủ thể lực. Nhận thức được mặt hạn chế của mình, anh đã nỗ lực rèn luyện để nâng cao thể lực. Đồng thời tiếp tục phát huy mặt mạnh về kỹ thuật. Đến ngày hôm nay, cái tên Nguyễn Công Phượng đã trở thành một trong những trụ cột không thể thiếu của Đội tuyển Bóng đá Quốc gia Việt Nam. Quả là thành công không từ bỏ một ai, khi người đó đủ cố gắng và kiên trì.
Cố gắng để thành công, không có nghĩa là bất chấp tất cả để đạt được. Nhiều người thường lợi dụng khát vọng thành công để làm ra những việc trái với đạo đức, pháp luật. Nhiều người vì muốn đạt được thành công đã tự biến mình trở thành những cỗ máy vô tri vô giác, luôn nghi kỵ cạnh tranh lẫn nhau, thậm chí hãm hại nhau. Thành công như vậy, cũng có nghĩa là hủy hoại đi những tình cảm tốt đẹp của con người. Ngày hôm nay, khi xã hội ngày càng phát triển. Thế hệ trẻ Việt Nam đang biến mình trở thành những công dân toàn cầu, tự tin dấn thân. Không ít những bạn trẻ lại cảm thấy sợ hãi, không dám thoát khỏi sự bao bọc của gia đình. Họ lo sợ thất bại dù chưa từng thử sức. Cũng có nhiều người chỉ biết chạy theo những giá trị vật chất, quyền lực và cho đấy là thành công mà mình mong muốn. Những hành vi đó thật sự đáng lên án.
Đối với tôi, một học sinh cuối cấp đang đứng trước kì thi tuyển sinh quan trọng. Tôi luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng học tập thật chăm chỉ để nâng cao kiến thức của bản thân. Thành công mà tôi hướng đến lúc này chính là một ngôi trường cấp ba mơ ước. Và có thể đạt được điều đó, tôi sẽ biến mình thành một ngọn lửa luôn có niềm tin, sự lạc quan và tin tưởng. Hy vọng rằng phía cuối con đường sẽ là ánh sáng của sự thành công đang chờ đón. Mỗi người hãy nhận thức đúng đắn về hai chữ “thành công” để có thể khiến bản thân trở thành một người có ích cho đất nước.
Như vậy, để thành công, chúng ta cần phải nỗ lực không ngừng nghỉ nhưng cũng không đánh mất đi những giá trị tốt đẹp. Ranh giới giữa thành công và thất bại vô cùng mong manh. Và con người cần biết cách để đạt được thành công mà mình mong muốn. Cũng như ai đó đã từng nói rằng: “Sự khác biệt giữa những người thành công và những người thất bại không phải ở sức mạnh, kiến thức hay sự hiểu biết mà chính ở ý chí”.