Top 8 Bài văn phân tích triết lý sống trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của Lưu Quang Vũ (lớp 12) hay nhất

Lưu Quang Vũ là nhà soạn kịch tài năng của nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam. “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một trong những tác phẩm tạo được tiếng vang lớn nhất của Lưu Quang Vũ. Tác phẩm đã tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn người lao động trong cuộc đấu tranh với những cám dỗ, khát vọng được sống là chính mình. Bằng tài năng dựng cảnh, dựng đối thoại, độc thoại nội tâm, Lưu Quang Vũ đã cho người đọc những chân lý sống vô cùng quý giá. Chân lý sống ấy không chỉ đúng với thời đại đó, với những con người trong hoàn cảnh đó mà nó có ý nghĩa với tất cả mọi người, ở mọi thời đại, trên khắp nẻo đường ngõ xóm. Chính điều này đã nâng tầm giá trị cho tác phẩm của Lưu Quang Vũ, để đến sau này, vở kịch vẫn sẽ được dựng lại như sự lưu danh một nhà soạn kịch tài năng và là lời nhắn nhủ đến những thế hệ sau về một quan niệm sống tốt đẹp. Mời các bạn tham khảo một số bài văn phân tích triết lý sống trong tác phẩm hay nhất mà Toplist đã tổng hợp trong bài viết dưới đây.

Bài văn phân tích triết lý sống trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" số 8

Lưu Quang Vũ là một nhà thơ khá nổi tiếng trong những năm sáu mươi của thế kỉ XX, được nhiều bạn đọc yêu mến. Đến đầu những năm tám mươi thì Lưu Quang Vũ chuyển hẳn sang lĩnh vực sân khấu. Chỉ trong bảy, tám năm, ông đã sáng tác khoảng năm mươi kịch bản và hầu hết đều được dàn dựng. Kịch của Lưu Quang Vũ thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện, về sự hoàn thiện nhân cách con người, đấu tranh khá quyết liệt với cái ác, cái xấu, nhất là đấu tranh chống tiêu cực để làm cho cuộc sống sạch hơn, tốt đẹp hơn. Vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, mà đặc biệt là trong lời thoại sau đây giữa Hồn Trương Ba với tiên Đế Thích đã cho ta thấy cái khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp của Lưu Quang Vũ: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn…. sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn gian là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!.


Lời thoại này chính là những lời Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm những quan niệm về hạnh phúc, về lẽ sống và cái chết. Như chúng ta đã biết Hồn Trương Ba, da hàng thịt được Lưu Quang Vũ sáng tác theo hướng khai thác, cốt truyện dân gian để gửi gắm những suy ngẫm về nhân sinh, về hạnh phúc, thể hiện một triết lí sâu sắc về lẽ sống, lẽ làm người, kết hợp phê phán một số tiêu cực trong lối sống hiện thời. Tuy khai thác đề tài từ cốt truyện dân gian, nhưng trong vở kịch này Lưu Quang Vũ có một sự sáng tạo rất độc đáo: trong truyện dân gian thì khi hồn Trương Ba được tiên Đế Thích cho nhập vào xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba vẫn sống bình thản, còn trong vở kịch này thì hồn Trương Ba sống rất quay quắt, luôn có những xung đột nội tâm rất căng thẳng. Hồn Trương Ba đã phải trải qua những cuộc đấu tranh gay gắt với chính thể xác mà mình trú ngụ – thể xác đầy ham muốn bản năng của anh hàng thịt. Và Lưu Quang Vũ đã đẩy kịch tính lên tới điểm đỉnh là khi hồn Trương Ba sắp ngã vào tay chị vợ anh hàng thịt, suýt chút nữa sự thanh sạch của hồn Trương Ba bị thân xác lấn át, cộng với sự xa lánh của những người thân trong gia đình khiến hồn Trương Ba càng đau đớn, xót xa. Để gỡ nút thắt của tình huống kịch này, Lưu Quang Vũ đã để cho hồn Trương Ba đi đến một quyết định dứt khoát là không thể kéo dài mãi cuộc sống như thế nữa: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được.


Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Lời thoại này đã nói lên tấn bi kịch, sự trớ trêu trong hồn Trương Ba, đó là sự mâu thuẫn giữa một tâm hồn đẹp với một thân xác thỗ lỗ, phàm phu tục tử. Lời thoại này đã cho ta thấy rõ quan điểm, triết lí về nhân sinh của Lưu Quang Vũ. Lưu Quang Vũ cho rằng: cuộc sống của con người là một thể thống nhất giữa hồn và xác. Hồn và xác phải hài hòa. Không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục, tội lỗi. Khi con người bị chi phối hoàn toàn bởi những nhu cầu bản năng của thân xác, nghĩa là những nhu cầu vật chất chi phối hoàn toàn đời sống tinh thần thì không thể có một tâm hồn thanh cao trong sáng được. Nói như thế, ở đây Lưu Quang Vũ không phải phủ nhận hoàn toàn nhu cầu về đời sống vật chất, mà chỉ muốn trong cuộc sống chúng ta phải biết kết hợp hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến đời sống tinh thần mà không lo đến đời sống vật chất thì cuộc sống của chúng ta cũng chẳng mấy tốt đẹp, chúng ta sẽ sống trong ảo tưởng bằng vỏ đẹp siêu hình của tâm hồn. Vì vậy chúng ta đừng bao giờ để đời sống vật chất làm sa ngã đời sống tinh thần.


Và trong lời thoại tiếp theo, Lưu Quang Vũ lại tiếp tục trình bày quan điểm của mình về cuộc sống: “Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!”. Lời thoại này chứng tỏ hồn Trương Ba đã ý thức rõ về hoàn cảnh trớ trêu, đầy tính chất bi hài của mình. Hồn Trương Ba đã thấm thía nỗi đau khổ vì nhận ra tình trạng ngày càng chênh lệch giữa hồn và xác. Sự chênh lệch này đã được thể hiện ngay từ khi hồn Trương Ba nhập vào xác của anh hàng thịt, hình dạng biến đổi, hành động biến đổi và những người thân trong gia đình ngày càng xa lánh, Trương Ba bây giờ đâu còn là Trương Ba như ngày trước nữa - “đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa” (lời vợ Trương Ba), “Tôi không phải là cháu của ông”, “ông nội tôi chết rồi”, “bàn tay giết lợn của ông làm gãy tiệt cái chồi non, chân ông to bè như cái xẻng, giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm! Ông nội tôi đời nào thô lỗ phũ phàng như vậy! ”, “Ông xấu lắm, ác lắm! cút đi! Lão đồ tể, cút đi” (lời của Cái Gái)… Hồn Trương Ba không thể sống mãi trong sự đau khổ, dằn vặt như thế nữa; nên đã phản kháng, không chấp nhận việc tiên Đế Thích cho mình sống nhờ vào thân xác anh hàng thịt. Lời phản kháng này chuẩn bị cho hành động quyết liệt, dứt khoát của hồn Trương Ba là chọn cái chết, trả xác cho anh hàng thịt, để tâm hồn thanh thoát, không còn dằn vặt khổ đau.


Qua lời thoại này, Lưu Quang Vũ muốn bày tỏ quan điểm của mình về cuộc sống, đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: thế nào là một cuộc sống thật sự có ý nghĩa? Theo ông, sống thực sự cho ra con người không phải dễ dàng, đơn giản. Cuộc sống thật sự có ý nghĩa là cuộc sống do chính bàn tay, khối óc mình tạo lập ra, sống cho chính mình, một cuộc sống thật sự có ích cho gia đình và xã hội. Nếu sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, sống không được là mình thì cuộc sống ấy vô nghĩa, không đáng sống, thà chết còn hơn.


Tóm lại, hai lời thoại trên của hồn Trương Ba với tiên Đế Thích đã bộc lộ quan điểm rất đúng đắn của Lưu Quang Vũ về cuộc sống. Đó cũng chính là sự suy ngẫm về nhân sinh, về hạnh phúc, là sự phê phán một số mặt tiêu cực trong lối sống của một số người trong xã hội đương thời của Lưu Quang Vũ. Thực tế trong cuộc sống hôm nay không ít những con người sống nhờ vào thân thể, uy quyền của kẻ khác, sống bằng luồn cúi, nịnh bợ để được thăng quan tiến chức, sống bằng đồng tiền không phải do năng lực của mình làm ra mà đó là những đồng tiền từ mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân, của đồng chí, đồng đội, làm băng hoại cuộc sống xã hội. Sống như thế là một cuộc sống thật xấu xa, đê tiện, đáng lên án và phỉ nhổ. Lưu Quang Vũ đã thể hiện nỗi băn khoăn, trăn trở của mình về điều này qua những khổ đau, trăn trở của hồn Trương Ba khi phải sống nhờ vào xác anh hàng thịt. Chính điều này đã lay động trái tim người đọc và người xem vở kịch này.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài văn phân tích triết lý sống trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" số 1

Từ sự so sánh về quan điểm triết lý giữa truyện cổ dân gian “Hồn Trương Ba, da Hàng thịt” và vở kịch cùng tên của Lưu Quang Vũ, bài viết đã nêu lên những nét mới, rất có ý nghĩa trong tác phẩm của nhà soạn kịch nổi tiếng này. Nếu cốt truyện dân gian chỉ đơn giản đề cao, tuyệt đối hoá vai trò của linh hồn đối với thể xác, thì đến vở kịch của Lưu Quang Vũ, vấn đề đã được ông đào sâu, mở rộng và phát triển hơn rất nhiều. Ông có quan niệm khác về mối quan hệ giữa linh hồn và thể xác – đó là mối quan hệ hữu cơ, tác động lẫn nhau.


Hơn nữa, ông còn mở rộng tầm triết lý sang cả những vấn đề nhân sinh khác, như vấn đề xung đột giữa nhu cầu tự nhiên và nhân cách, vấn đề đấu tranh trong bản thân mỗi con người để hoàn thiện nhân cách làm người, v.v.. Vở kịch của Lưu Quang Vũ, vì thế, không chỉ là thành quả to lớn của nền kịch nói hiện đại Việt Nam, mà còn là một đóng góp đặc sắc của ông vào quan niệm triết lý nhân sinh nói chung. Trong bài viết này, chúng tôi không so sánh một cách toàn diện giữa một truyện cổ dân gian và một vở kịch dài hiện đại, cũng không so sánh về toàn bộ nội dung tư tưởng, mà chỉ so sánh về tư tưởng triết học – phần cốt lõi của cả hai tác phẩm.


Truyện cổ dân gian: Ngày xưa, có một người tên là Trương Ba, người còn trẻ tuổi nhưng đánh cờ tướng rất giỏi. Nước cờ của anh dễ thường thiên hạ không có người nào địch nổi. Bao nhiêu giải cờ trong những hội hè mùa xuân đều về tay anh. Tiếng đồn vang khắp nước, sang đến tận Giang Nam. Buổi ấy, ở Trung Quốc, có ông Kỵ Như cũng nổi tiếng cao cờ. Khi nghe tiếng Trương Ba, Kỵ Như liền khăn gói sang Nam tìm đến nhà địch thủ. Hai người đọ tài nhau trong mấy ván vẫn không phân thua được. Nhưng đến ván thứ ba, Trương Ba dồn Kỵ Như vào thế bí. Thấy đối phương vò đầu suy nghĩ, Trương Ba kiêu hãnh bảo:

- Nước cờ này dù có Đế Thích xuống đây cũng không thể gỡ nổi.


Bấy giờ Đế Thích là thần cờ ở thiên đình, bỗng nghe câu nói hỗn xược của Trương Ba xúc phạm đến mình, liền cưỡi mây xuống trần định cho y biết tay. Trương Ba và Kỵ Như đang đánh, chợt có một ông cụ già đến ngồi bên cạnh bàn cờ. Ông cụ thủng thỉnh mách cho Kỵ Như mấy nước. Tự nhiên, bên Kỵ Như cờ bại thành thắng. Trương Ba cau có, trong bụng tức giận ông già ở đâu đến làm cho mình lâm vào thế bí. Nhưng nhìn thấy ông cụ râu tóc trắng xóa, mặt mũi không có vẻ là người trần tục, chợt hiểu, liền sụp xuống lạy mà rằng: “Ngài hẳn là thần Đế Thích đây rồi, tôi người trần mắt thịt không biết, xin thứ lỗi”. Đế Thích cười bảo: “Ta nghe như nhà ngươi tự phụ là cao cờ nên xuống xem cho biết”. Trương Ba liền giữ Đế Thích lại mua rượu, giết gà, khoản đãi rất chu tất. Đế Thích tuy mới gặp cũng rất yêu mến Trương Ba. Thấy anh khẩn khoản muốn học nước cờ của mình, Đế Thích bảo anh: “Ta thấy nhà ngươi có bụng chân thành, vậy ta cho một bó hương này, mỗi lần cần đến ta thì thắp lên một cây, ta sẽ xuống”. Nói đoạn, cưỡi mây bay lên trời.


Từ đó, Trương Ba thỉnh thoảng lại dọn cờ mời thầy Đế Thích xuống chơi. Hai bên rất tương đắc. Nhưng một hôm, Trương Ba bị cái chết mang đi một cách đột ngột. Sau khi chôn cất chồng, người vợ dọn dẹp nhà cửa, thấy có nén hương giắt ở mái nhà, chị ta vô tình lấy xuống đốt lên cắm trước bàn thờ chồng. Ở thiên đình, thần Đế Thích nhận được tin bằng mùi hương liền xuống ngay. Thấy vắng mặt Trương Ba, Đế Thích ngạc nhiên:

“Trương Ba đâu?”. Vợ Trương Ba sụt sịt:

“Nhà tôi chết đã gần một tháng nay rồi!”

– “Chết rồi! Sao lúc mới tắt thở không gọi ta xuống ngay, để đến bây giờ còn làm thế nào được nữa?”.

Suy nghĩ một chút, Đế Thích lại hỏi thêm: “Trong xóm hiện nay có ai mới chết không?”.

Vợ Trương Ba đáp:

“Có một người Hàng thịt mới chết tối hôm qua”.

Thần Đế Thích bảo chị ta dẫn mình đến nhà người Hàng thịt mà bảo:

“Ta sẽ kiếm cách làm cho chồng nhà ngươi sống lại”.

Nói xong, thần hóa phép rồi trở về trời.


Nói chuyện trong nhà người Hàng thịt lúc đó, mọi người đang xúm quanh linh sàng khóc lóc kể lể thì tự nhiên thấy người chết ngồi nhỏm dậy. Hắn ta vứt tất cả mọi đồ khâm liệm rồi chẳng nói chẳng rằng đi thẳng một mạch về nhà Trương Ba. Vợ Trương Ba thấy người Hàng thịt, biết là thần Đế Thích đã làm cho chồng mình sống lại, mừng rỡ đón vào. Giữa lúc đó, thì vợ con người Hàng thịt cũng chạy theo níu lấy chồng nhưng không những bị vợ Trương Ba giằng lại, mà ngay chính chồng mình cũng nhất định không chịu về. Đôi bên cãi cọ nhau, cuối cùng biến thành cuộc đấu khẩu rất kịch liệt. Xóm làng không biết phân xử ra sao, đành đem việc đó lên quan.

Quan cho đòi các nhà hàng xóm tới hỏi cung thì ai cũng bảo người sống lại đó là anh Hàng thịt. Nhưng chỉ có vợ Trương Ba thì nhất định nhận ra là chồng mình. Quan hỏi rằng:

“Chồng chị ngày thường hay làm gì?”.

Đáp: “Chồng tôi chỉ thạo đánh cờ mà thôi”.

Quan lại hỏi vợ người Hàng thịt:

“Chồng chị ngày thường hay làm nghề gì?”.

Đáp: “Chồng tôi chỉ thạo nghề mổ lợn”.

Nghe đoạn, quan sai đem một con lợn vào công đường cho anh Hàng thịt mổ, nhưng anh ta lúng túng không biết làm thế nào cả. Quan lại sai mấy người giỏi cờ vào tỉ thí với người Hàng thịt thì không ngờ, con người đó đi những nước cờ rất cao không ai địch nổi. Quan bèn phán cho về nhà Trương Ba. Vì thế mới có câu “Hồn Trương Ba, da Hàng thịt”.


Như vậy, truyện cổ dân gian Hồn Trương Ba, da Hàng thịt cũng quan niệm linh hồn phải có thể xác mới có chỗ trú ngụ và thể xác phải có linh hồn mới sống được, mới không rữa nát. Nhưng truyện cổ dân gian tuyệt đối hóa vai trò của linh hồn, coi nhẹ thể xác, nên khi Trương Ba mượn được thể xác của người Hàng thịt thì Trương Ba coi mình là Trương Ba 100% trong ý thức, trong tình cảm, trong tính cách, tuyệt nhiên không băn khoăn gì về hình dạng của mình. Vợ Trương Ba cũng vậy, khi thấy chồng là thân xác anh Hàng thịt nhưng tâm trí là Trương Ba – chồng mình – thì cũng không băn khoăn gì, nhận ngay và vui vẻ chung sống. Vợ anh Hàng thịt chỉ thấy đơn giản là hình dạng chồng mình sống lại nên đấu tranh khiếu kiện giành giật về cho mình, mặc dù anh ta đã nói anh ta là Trương Ba và chạy về nhà Trương Ba. Quan phủ sau khi kiểm tra kỹ năng mổ thịt lợn và nhất là kỹ năng chơi cờ thì quyết định xử ngay cho anh – Hàng – thịt – mang – hồn Trương Ba về với vợ Trương Ba. Phép thử mổ thịt có thể không chính xác, vì anh Hàng thịt nếu thích vợ Trương Ba có thể giả vờ mổ vụng; nhưng phép thử chơi cờ thì không thể sai được, vì nó thuộc về trí tuệ, về năng khiếu tính toán trong loại hình thể thao trí tuệ đặc biệt, cũng chính là một biểu hiện, một phương diện đặc sắc của linh hồn. Nó xác định,khẳng định linh hồn đó chỉ có thể là Trương Ba – người sinh thời chơi cờ rất giỏi.


Với cốt truyện ngắn gọn, mang một tư tưởng triết học có phần hơi đơn giản – đề cao, tuyệt đối hóa linh hồn, không để ý đến mối quan hệ giữa thể xác và linh hồn, tách rời linh ồn và thể xác, coi thể xác chỉ như cái túi đựng linh hồn – truyện cổ dân gian Hồn Trương Ba, da Hàng thịt phù hợp với quan niệm xưa, qua bao thế kỷ vẫn được kể, được yêu thích và không hề gây tranh cãi.


Nhưng ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, của con người và khoa học (sinh lý học và tâm lý học), tư tưởng triết học về con người cũng trở nên phong phú hơn, sâu sắc hơn và toàn diện hơn. Từ đó, tư tưởng triết học trong truyện cổ dân gian đã được Lưu Quang Vũ, nhà viết kịch tài năng của thời hiện đại, nhìn nhận lại và phát triển theo trình độ nhận thức của thời đại, theo yêu cầu nhân sinh và thẩm mỹ của thời hiện đại.


Tóm tắt vở kịch của Lưu Quang Vũ. “Nam Tào, Bắc Đẩu đang ngồi chấm người phải chết trong ngày. Đế Thích đến tỏ ý muốn xuống hạ giới để tìm người cao cờ đánh cho vui. Vì vội đi dự tiệc ở bên dinh Thái thượng nên Nam Tào gạch bừa tên Trương Ba. Trương Ba đang chăm vườn và trò chuyện cùng vợ, cháu gái nội, con trai, con dâu thì Trưởng Hoạt đến chơi cờ. Đế Thích xuất hiện, giúp Trưởng Hoạt gỡ thế cờ. Đế Thích cho Trương Ba mấy nén hương và bảo nếu cần thì thắp một nén là Đế Thích xuống, thắp ba nén thì có thể lên thiên đình gặp Đế Thích. Sau đó, Trương Ba thấy trong người khó chịu và chết. Nam Tào, Bắc Đẩu và Đế Thích đang trò chuyện thì vợ Trương Ba lên (bà ta vô tình thắp ba nén hương cho chồng). Bà đòi trả mạng sống cho chồng. Nhân có anh Hàng thịt mới chết, thân xác chưa tan rữa, Nam Tào, Bắc Đẩu cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh Hàng thịt để sống lại.


Gia đình người Hàng thịt đang ngồi bên quan tài thì người Hàng thịt đội nắp quan tài lên, đòi về nhà Trương Ba, không chịu ở lại nhà Hàng thịt. Vợ Trương Ba đến xem phép mầu nghiệm ứng để đón chồng. Lúc đầu, mọi người đều ngỡ ngàng nhưng hồn Trương Ba đã nói được những điều chỉ có Trương Ba xưa mới biết, nên vợ Trương Ba nhận chồng, Trưởng Hoạt nhận bạn. Hồn Trương Ba (trong xác anh Hàng thịt) về nhà Trương Ba. Nhưng bà vợ băn khoăn vì thân xác chồng khác xưa nhiều quá. Bà cũng thắc mắc về việc chồng phải sang giúp chị Hàng thịt mổ lợn mặc dù vụng về. Anh con trai thì hy vọng với sức vóc mới, bố có thể cùng đi buôn lậu với mình. Hồn Trương Ba đã tát con với sức mạnh của cánh tay anh Hàng thịt. Lý trưởng vào bắt hồn Trương Ba phải về nhà Hàng thịt. Anh con trai hối lộ, Lý trưởng xử: ban ngày ở nhà Trương Ba, đêm về nhà Hàng thịt. Anh con trai lại có lời, Lý trưởng cho phép Trương Ba chỉ phải ở nhà Hàng thịt đến nửa đêm thì được về.


Trời đã khuya, hồn Trương Ba giúp chị Hàng thịt mổ lợn, pha thịt xong, chuẩn bị về thì chị ta giữ lại mời rượu rồi mời ở lại. Hồn Trương Ba lúc đầu định xuôi theo nhưng đã đấu tranh tư tưởng, gỡ tay chị ta, về nhà. Trưởng Hoạt sang phê phán Trương Ba bắt đầu đổi tính: uống rượu, đòi ăn ngon, nước cờ đi cũng khác. Lý trưởng lại đến sách nhiễu. Cháu gái không nhận ông, người con dâu cũng than phiền bố chồng thay đổi. Một cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác người Hàng thịt diễn ra; qua đó, xác người Hàng thịt khẳng định thế lấn tới của y đối với hồn Trương Ba.


Hồn Trương Ba đốt một nén hương gọi Đế Thích xuống giải thoát cho mình. Lúc đó, cu Tỵ nhà hàng xóm bị ốm nặng, sắp chết. Đế Thích bảo hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tỵ. Trương Ba từ chối, xin cho cu Tỵ sống, còn mình xin trả lại xác cho người Hàng thịt và chấp nhận cái chết.Hồn Trương Ba nhập vào màu xanh cây vườn trò chuyện với vợ”. Trước hết, Lưu Quang Vũ có kế thừa tư tưởng của truyện cổ dân gian. Ông cũng nhấn mạnh vai trò cao hơn của linh hồn so với thể xác. Trương Ba khi sống lại trong thân xác anh Hàng thịt thì nhận biết mình là Trương Ba (dựa vào ký ức, tình cảm và ý thức của hồn Trương Ba) và về ngay nhà mình (nhà Trương Ba). Vợ Trương Ba, sau khi kiểm tra ký ức của Trương Ba (mới), cũng nhận là chồng mình và giữ lại. Trưởng Hoạt, bạn của Trương Ba, khi kiểm tra ký ức của Trương Ba (mới) về tình bạn giữa hai người, cũng xúc động ôm hôn ngay bạn mình, mặc dù anh ta lúc này đã mang thân xác xa lạ. Cô con dâu thì lại càng thương cha chồng, mặc dù cha lúc này mang vóc hình ông Hàng thịt, vì điều chị ta tìm thấy ở ông là đức tính nhân hậu hệt như cha chồng xưa. Chị ta nói khá đúng, khá đủ, khá cơ bản về linh hồn: “Đã gọi là hồn làm sao có hình thù, bởi nó không là vuông hay tròn, mà là vui buồn, mừng giận, yêu ghét. Thầy vẫn dạy chúng con: Cái bề ngoài có quan trọng gì, chỉ có tấm lòng yêu thương và trí tuệ cao sáng của đáng kể”.


Tuy nhiên, Lưu Quang Vũ không dừng lại ở đó. Đầu tiên, hồn Trương Ba tỏ ra lạ lẫm, khó chịu với sự khác lạ của thân xác mình. Rồi anh ta cảm thấy thân xác đó bắt đầu chi phối anh: cũng thích ăn tiết canh, uống rượu, nói to và có sức khỏe (không đau lưng, không hen nữa, tát con chảy máu mồm). Khi ông Lý xử anh phải sang nhà chị Hàng thịt một số giờ trong ngày thì anh cũng tấm tắc khen ngon mấy món ăn của chị ta. Chị Hàng thịt thì biết linh hồn trong thể xác chồng mình không phải là của chồng mình mà là của Trương Ba, nhưng chị ta càng quý hơn vì nó tốt đẹp và dịu dàng, điều mà chị ta không thấy ở người chồng thô bạo đã khuất. Sự cô đơn về thân xác và linh hồn khiến chị càng khao khát hồn Trương Ba. Hồn Trương Ba cũng bị rung động trước sự gần gũi với vợ người Hàng thịt và phải tự đấu tranh để thoát ra khỏi vòng tay âu yếm của thị. Vợ Trương Ba cũng dần cảm thấy chồng khác trước và nảy sinh mặc cảm, tự ti về sức khỏe và nhan sắc trước hình vóc trẻ khỏe của hồn Trương Ba. Đến đây, ta đã thấy sự tồn tại độc lập của thân xác đối với linh hồn, sự chi phối của thân xác đối với linh hồn cùng những phiền toái do sự không hòa hợp, không thống nhất giữa linh hồn và thân xác.


Đỉnh cao của tư tưởng triết lý trong vở kịch là sự đối thoại giữa linh hồn và thân xác. Cuộc đối thoại này cho thấy con người ta có hai phần là linh hồn và thể xác. Hai phần đó có quan hệ hữu cơ với nhau. Linh hồn có cơ sở vật chất là thể xác, cũng như nhận thức lý tính phải bắt đầu từ cảm tính; tình cảm hình thành từ những quan hệ cụ thể trong đời thường; cảm xúc thẩm mỹ phải dựa trên các cảm quan thị giác, thính giác… Thể xác cũng có tính độc lập tương đối, có tiếng nói riêng, có nhu cầu tự nhiên hợp lý, không thể bỏ qua. Nhưng, linh hồn phải kiểm soát những nhu cầu đó, phải điều chỉnh, thăng hoa, “Người” hóa, văn hóa hóa những nhu cầu ấy. Con người nói chung phải biết kìm hãm, tiết chế những nhu cầu bản năng và nếu cần, biết đè nén, biết hy sinh nó. Linh hồn và thể xác là một thể thống nhất; trong đó, linh hồn giữ vị trí chủ đạo, nên linh hồn phải chịu trách nhiệm cuối cùng về hành động của thể xác, không thể thỏa mãn mọi nhu cầu ở mọi mức độ, mọi nơi, mọi lúc rồi đổ trách nhiệm cho thể xác. Cuộc đấu tranh giữa linh hồn và thể xác thực sự là cuộc đấu tranh trong bản thân con người để làm chủ những nhu cầu và ham muốn, nhất là khi bị hoàn cảnh tác động. Đó là cuộc đấu tranh để làm chủ bản thân và hoàn thiện nhân cách. Ở đây, cuộc đấu tranh này cũng cảnh báo khả năng lấn át của thể xác – tức của những nhu cầu tầm thường – đối với linh hồn – tức là đối với khát vọng sống cao khiết.


Hành động chấp nhận cái chết, trả lại xác cho anh hàng thịt của Trương Ba là một hành động đúng đắn, một hành động dũng cảm và đạo đức. Từ sự lý giải lại một cách biện chứng về quan hệ giữa thể xác và linh hồn trên triết lý nhân sinh của thời đại, Lưu Quang Vũ đã đi đến một quan niệm sống đẹp: sống chân thật, mình phải chính là mình, cả linh hồn và thể xác, sống vì mọi người, vì hạnh phúc và sự tốt đẹp của con người. Trương Ba chết, nhưng hồn Trương Ba vẫn sống – sống trong tình cảm của mọi người, sống mà không cần mượn đến thân xác của ai hết.


Trước khi kết thúc, tác giả còn đưa nhân vật vào cuộc thử thách cuối cùng, đặt nhân vật trước một sự lựa chọn: chấp nhận cái chết hoặc nhập vào xác cu Tỵ – một em bé hàng xóm vừa chết. Trương Ba không thể tái diễn bi kịch sống trong thân xác mượn của người khác: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Vì thế, ông đã xin cho cu Tỵ được sống lại, còn mình thì xin được chết. Thực chất, đó là lời tái khẳng định của tác giả đối với quan niệm sống đẹp mà ta nhắc đến ở trên. Bi kịch xung đột giữa linh hồn và thể xác không thể được giải quyết theo đúng cái cách đã tạo ra bi kịch. Đến đây, cái “chết hẳn” của Trương Ba lại thể hiện một chiến thắng thuyết phục của “tồn tại – người”, của nhân cách, của khát vọng hoàn thiện nhân cách của con người.


Không phải chờ đến khi các nhà ngoại cảm và lý thuyết trường sinh học xuất hiện, Lưu Quang Vũ đã khẳng định, theo cách của ông, thân xác của từng cá thể người tồn tại hữu hạn, nhưng sự sống và linh hồn của con người là bất tử. Tư tưởng triết lý của Lưu Quang Vũ về con người vừa biện chứng, vừa lạc quan và cao thượng. Điều này, cùng với tài năng sáng tạo nghệ thuật tác giả, đã làm cho vở kịch có giá trị nhân văn cao, vươn tới tầm nhân loại.


Vấn đề quan hệ giữa linh hồn và thể xác trong Hồn Trương Ba, da Hàng thịt còn có thể làm ta liên tưởng đến mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong mỗi sự vật. Đương nhiên, mối quan hệ giữa linh hồn và thể xác, giữa nội dung và hình thức là hai cặp phạm trù không đồng nhất, không thể suy cái này ra cái kia một cách tịnh tiến. Tuy vậy, từ sự không đồng nhất, thậm chí đối lập giữa linh hồn và thể xác trong vở kịch, ta có thể liên tưởng tới sự thống nhất cần có giữa nội dung và hình thức là hai mặt của thực tại tự nhiên và xã hội. Khi nội dung và hình thức phù hợp với nhau thì sự vật tồn tại và phát triển. Khi nội dung và hình thức không phù hợp với nhau thì sự phát triển bị kìm hãm và thậm chí, sự tồn tại của sự vật bị đe dọa.


Liên tưởng trên không hề có khi đọc truyện cổ dân gian, mà nếu có, thì đó chỉ là sự tuyệt đối hóa nội dung, xem thường hình thức và tách rời nội dung khỏi hình thức, một tư duy siêu hình mang tính tiên nghiệm. Từ triết lý đơn giản trong truyện cổ dân gian về vai trò quan trọng thứ nhất của linh hồn, Lưu Quang Vũ đã sáng tạo nên một vở kịch có sức lôi cuốn mạnh mẽ, gửi tới người đọc một thông điệp sâu sắc về triết lý sống: thể xác và linh hồn có quan hệ hữu cơ với nhau; con người không thể chỉ sống bằng thể xác, mà phải luôn luôn đấu tranh với bản thân để có sự thống nhất hài hòa giữa linh hồn và thể xác, hướng tới một lối sống cao thượng, vươn tới một nhân cách hoàn thiện.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài văn phân tích triết lý sống trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" số 2

“Hồn TRương Ba- Da hàng thịt” là một trong những vở kịch nổi tiếng nhất của Lưu Quang Vũ, đồng thời cũng là thành tựu nổi bật của sân khấu kịch Việt Nam bởi không chỉ đặt ra tình huống kịch đặc sắc mà còn chứa đựng rất nhiều những triết lí sâu sắc về cuộc đời và thời đại.


Hồn Trương Ba – Da hàng thịt được xây dựng dựa trên một cốt truyện dân gian quen thuộc, tuy nhiên tác giả đã bắt đầu xây dựng mâu thuẫn từ kết thúc của câu chuyện dân gian ấy để làm nổi bật sự phản kháng của phần hồn Trương Ba đối với sự chi phối, lấn át của xác người hàng thịt. Thông qua mâu thuẫn mang tính đối kháng của phần hồn Trương Ba và xác người hàng thịt, tác giả Lưu Quang Vũ đã đặt ra những trăn trở, những vấn đề có ý nghĩa sâu sắc về cuộc đời.


Cuộc sống của con người chỉ thực sự ý nghĩa nếu như được sống thật, sống đúng với những lí tưởng sống và giá trị sống của mình. Mọi sự chắp vá, khiên cưỡng, sống gửi đều không mang lại hạnh phúc. Trong vở kịch, để được tiếp tục sống, Trương Ba buộc phải sống trong thân xác của người hàng thịt. Tuy nhiên cuộc sống của ông không hề hạnh phúc, trước sự chi phối của phần xác, Trương Ba dần thay đổi trở nên thô lỗ, phàm tục, Ông nhận biết được sự thay đổi của bản thân, cảm nhận được sự thất vọng, đau khổ của những người thân nên Trương ba đã bị giằng xé trong bi kịch và được sống nhưng vô cùng đau khổ, day dứt.


Con người là tổng thể thống nhất giữa phần hồn và phần xác, không có một tâm hồn thanh cao nào có thể sống trong một thân xác phàm tục, và ngược lại. Khi phạm phải một sai lầm nào đó, ta không thể đổ lỗi cho thân xác để an ủi phần tâm hồn bên trong. Những hành động, thái độ thực tế của con người được thôi thúc bởi cả phần mong muốn bên trong và phần bản năng bên ngoài. Bất cứ ai cũng có hai phần hồn và xác, chúng ta chỉ có thể hạnh phúc nếu như ta dung hòa được nó, và trong cuộc sống đầy phức tạp của mình, đừng để phần xác, phần bản năng chi phối, lấn át những điều tốt đẹp bên trong tâm hồn.


Khi phạm phải những sai lầm, hãy dũng cảm nhìn nhận nó để sửa chữa, hoàn thiện hơn. Cuộc đối thoại giữa phần hồn và xác trong vở kịch Hồn TRương Ba, da hàng thịt chính là sự nhìn nhận nghiêm khắc về những thói hư tật xấu cũng như những thái độ tiêu cực, thiên hướng đổ lỗi, biện giải lí do cho những sai phạm của con người.


Không chỉ đề cập đến những vấn đề triết lí nhân sinh về cuộc đời mà vở kịch còn mang tính thời đại sâu sắc. Vở kịch được viết năm 1984, đây là giai đoạn đặc biệt khi chiến tranh đã lùi xa, con người đang bắt nhịp để hòa mình vào cuộc sống mới. Hoàn cảnh mới với những điều kiện mới con người bắt đầu nghĩ đến cuộc sống riêng tư và có ý thức tự hoàn thiện cả về vật chất và tinh thần. Vở kịch đã đặt ra những vấn đề nhức nhối của thời đại, con người chỉ hạnh phúc khi được sống tự do, sống thuận theo tự nhiên, mọi hành động đi ngược lại với quy luận tự nhiên có thể tạo nên bi kịch của cuộc đời giống như nhân vật Trương Ba.


Cuộc sống phức tạp, đầy rãy những bất công, mọi sai phạm, tắc trách của người này có thể gây ra những bất hạnh, đau khổ cho người khác. Thông qua vở kịch tác giả Lưu Quang Vũ đã phê phán lối sống chạy theo ham muốn vật chất tầm thường khiến con người trở nên thô tục, tầm thường.


Xung đột giữa hồn Trương Ba và da hàng thịt mang tính giả định về những mâu thuẫn giữa phần hồn và phần xác bên trong con người. Những cái xấu, cái bi kịch có thể nảy sinh từ chính những nghịch cảnh, nếu con người không đủ bản lĩnh để kiểm soát mình rất có thể phần bản năng sẽ ngự trị và chi phối mọi hành động của con người. Vở kịch đã hướng con người đến những khát vọng sống thanh sạch, chỉ ra sự cần thiết của việc dung hòa giữa hai phần hồn – xác.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài văn phân tích triết lý sống trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" số 7

“Hồn Trương Ba da hàng thịt” là một vở kịch nổi tiếng của tác giả Lưu Quang Vũ được dựng theo cốt truyện tưởng tượng trong dân gian Việt Nam. Tuy nhiên, nếu như trong câu chuyện gốc “Hồn Trương Ba da hàng thịt” chỉ dừng lại ở việc tranh giành giữa hai người vợ khi ai cũng cho đó là chồng mình, rồi cả hai bà vợ Trương Ba và anh hàng thịt kéo nhau ra tòa, sau đó tòa xử cho vợ Trương Ba thắng kiện.


Câu chuyện chỉ có ý nghĩa giải trí vui vẻ đơn giản, gây ra những tiếng cười hài hước cho người đọc. Thì trong vở kịch của Lưu Quang Vũ ông đã đưa câu chuyện sang một tầm cao mới thể hiện những triết lý sống sâu sắc. Đó chính là mâu thuẫn giữa tâm hồn và thể xác con người. Nhu cầu xác thịt, khiến cho bản chất tâm hồn của con người có lúc phải thay đổi để thỏa mãn nhu cầu đó. Việc vay mượn thể xác người khác để sống là một việc làm đem lại nhiều hậu quả đáng tiếc là một vở kịch nổi tiếng được Lưu Quang Vũ xây dựng dựa trên một câu chuyện dân gian về nhân vật Trương Ba giỏi chơi cờ và cái chết oan ức của ông.


Sau khi xem xong vở kịch khán giả không chỉ cảm nhận được những tiếng cười mà còn có những suy nghĩ trăn trở về nhân sinh, hạnh phúc. Hồn Trương Ba da hàng thịt kể về một ông lão Trương Ba trên 60 tuổi rất mê đánh cờ tướng, và nổi tiếng là vua cờ trong làng với những nước cờ vô cùng bí hiểm, khó gỡ. Không có ai là địch thủ của ông trong lĩnh vực này, nhưng một hôm Đế Thích đi qua ngôi làng Trương Ba ở thấy Trương Ba mê cờ tướng nên đã chơi cùng nhau. Đế Thích là người tiên giới nên ông có thể giải được những nước cờ của Trương Ba nên hai người kết giao bằng hữu thân thiết với nhau.


Do sự tắc trách sơ xuất của Nam Tào nên Trương Ba chẳng may bị chết oan. Sau khi gia đình Trương Ba làm lễ chôn cất ông xong, Đế Thích xuống chơi cờ không tìm thấy Trương Ba, biết Trương Ba chết oan nên Đế Thích tìm cách mượn xác hoàn hồn. Đúng lúc đó, trong làng có anh hàng thịt vừa mới chết xong xác chưa kịp đem chôn cất. Đế Thích liền làm phép cho hồn Trương Ba nhập vào đó rồi anh hàng thịt mở mắt, từ trong quan tài bước ra khiến vợ con kinh thiên động địa, sau đó cũng vui mừng khôn xiết. Nhưng anh hàng thịt nhất định nhận mình là Trương Ba rồi chạy về nhà mình tìm vợ. Vợ Trương Ba lúc đầu cũng không tin, nhưng thấy anh hàng thịt cư xử ăn nói, đặc biệt là tài cờ tướng giống hệt chồng mình khi còn sống nên đã tin dần. Cuộc mâu thuẫn tranh chấp chồng xảy ra giữa hai bà vợ.


Hai người kéo nhau ra tòa, cuối cùng thì quan tòa xử cho vợ Trương Ba thắng kiện, Trương Ba được về nhà ở với vợ con mình. Trương Ba về nhà sống với người thân nhưng mọi vấn đề nảy sinh từ đây. Từ một ông lão nông dân làm vườn nho nhã, Trương Ba dần dần trở thành người phàm phu tục tử dần đi. Xưa kia ông không ăn tiết canh, rượu thịt chó nhưng sống trong thân xác anh hàng thịt to cao vạm vỡ, Trương Ba có lúc lại thèm rượu thịt, rồi cơ thể béo tốt kia khiến ông ăn khỏe hơn, bàn tay bàn chân vụng về, với những ngón tay to múp míp.


Giọng nói của Trương Ba trước kia từ tốn khiến ai cũng phải kính nể thì nay nó to oang oang, ồm ồm khiến người khác giật mình ghê sợ. Đã thế anh hàng thịt rất nóng tính thường xuyên đánh vợ, hồn Trương Ba ở trong thân xác anh cũng có lúc không làm chủ được cơn giận dữ của mình. Cuộc sống của Trương Ba khi ở trong thân xác anh hàng thịt trở nên éo le, thân xác có nhu cầu riêng của nó mà lý trí tâm hồn không thể nào kìm chế được. Trương Ba vô cùng đau khổ, khi mà cô con dâu người vốn rất nể trọng bố chồng, người hiểu cho hoàn cảnh éo le của ông nhất cũng có lúc phải thốt lên rằng “Đến con có lúc cũng không nhận ra được thầy nữa”.


Cháu gái của ông cũng không nhận ra ông, xưa kia hai ông cháu quấn quýt với nhau suốt ngày. Nó tôn trọng yêu mến ông là thế, thì nay hễ thấy ông nội lại gần thì nó tránh ra xa. Nó nhất quyết không nhận ông là ông nội của nó. Quá đau đớn tuyệt vọng, Trương Ba hẹn Đế Thích gặp mặt nói chuyện rồi ông xin cho mình được chết hắn. Cuộc sống vay mượn thân xác, hồn một nẻo, xác một nơi khiến cho Trương Ba vô cùng tuyệt vọng, những mâu thuẫn trong gia đình ông cũng xuất phát từ đây khiến ông vô cùng đau đớn.


Trong vở kịch của mình Lưu Quang Vũ đã xây dựng chi tiết hồn Trương Ba nói chuyện cùng thân xác anh hàng thịt. Cuộc nói chuyện vô cùng sâu sắc thâm thúy thể hiện sự đau khổ của tâm hồn Trương Ba khi không thể điều khiển được thể xác “Bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”. Trương Ba cảm thấy ghê tởm thân xác của mình, chính thân xác to kềnh càng đó đã làm nảy sinh những ham muốn khác thường, làm đảo lộn cuộc sống thanh tao, nho nhã trước kia của Trương Ba. Cuộc sống xung đột này cho thấy thể xác là những tiếng nói bản năng, cũng có những nhu cầu đòi hỏi của thể xác.Sau khi đấu tranh với chính mình.


Trương Ba xin được chết hẳn, Đế Thích bảo Trương Ba hãy nhập vào xác cu Tị vừa mới chết, làm một đứa trẻ con sẽ thanh thản, và dễ sống hơn. Nhưng Trương Ba không đồng ý, ông chỉ xin Đế Thích một ân huệ cuối cùng là hãy cho cu Tị sống lại, bởi nhà cu Tị chỉ duy nhất nó là con trai nối dõi tông đường. Khi vở kịch khép lại hồn Trương Ba thoát khỏi xác anh hàng thịt, cụ Tị sống lại, còn hồn Trương Ba thì sống trong những ánh lửa, trong vườn cây trong nhà, trong những suy nghĩ tốt đẹp của mọi người nghĩ về mình. Đó chính là một kết thúc tốt nhất có lợi nhất cho tất cả các nhân vật.


Vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt” cho chúng ta một bài học sâu sắc về cái chết và sự sống, người ta chết nhưng vẫn sống trong suy nghĩ của mọi người còn hơn là sống mà nhưng chết, khi không ai yêu quý không ai nhận ra mình.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài văn phân tích triết lý sống trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" số 5

Mac-xim Goc-ki đã từng khẳng định: "nhà văn nào không biết đến văn học dân gian là một nhà văn tồi". Lưu Quang Vũ đã viết lại cổ tích dựa vào một cốt truyện dân gian: Trương Ba giỏi đánh cờ nên quen thân với Đế Thích. Nam Tào bắt chết nhầm Trương Ba, Đế Thích cho hồn Trương Ba sống lại bằng cách nhập vào thân xác anh hàng thịt mới chết. Hồn Trương Ba sống lại, hạnh phúc, đoàn tụ với vợ con. Nhưng kịch hiện đại không có một kết thúc có hậu kiểu như vậy. Lưu Quang Vũ bắt đầu khai thác bi kịch ngay từ chỗ hồn Trương Ba sống lại và tất cả được nhìn dưới góc độ khác, dưới ánh sáng thật của bao nhiêu ưu phiền khi hồn Trương Ba ở trong xác anh hàng thịt.


Lưu Quang Vũ tập trung khai thác bi kịch hồn Trương Ba không thể dung hòa với xác hàng thịt. Hồn tượng trưng cho thế giới tinh thần cao khiết, kết tinh văn hóa của con người. Còn xác tượng trưng cho những nhu cầu, bản năng của con người. Bi kịch xảy ra là hồn không thể nào tìm thấy sự bình yên trong chính cái xác ấy, trong chính gia đình mình và cả trong gia đình hàng thịt, cuối cùng đã chọn giải pháp là cái chết. Từ một câu chuyện dân gian quen thuộc, Lưu Quang Vũ đã xây dựng được một tình huống kịch với những xung đột quyết liệt, mới mẻ, độc đáo. Qua đó, nhà văn đã gửi gắm triết lý sống sâu sắc về lẽ sống làm người.


Bi kịch xảy ra khi hồn Trương Ba sống lại trong xác hàng thịt. Đây là bi kịch chính, bi kịch nội tại của nhân vật trong thể xác thô phàm đầy bản năng nhục dục của anh hàng thịt. Hồn Trương Ba trước nay vốn nhân hậu, nay dần dần đổi khác: thích uống rượu, thích bán thịt, không còn mặn mà với trò chơi thanh cao trí tuệ. Ý thức được điều đó, hồn Trương Ba vô cùng đau khổ và càng đau khổ khi không giải quyết được mâu thuẫn. Hồn Trương Ba càng cố gắng thoát khỏi sự chi phối của thân xác thô phàm thì càng bị thân xác ép buộc.


Chính vì vậy, hồn Trương Ba mới có khát vọng mãnh liệt muốn thoát ra khỏi thân xác mà hồn ghê tởm. Hồn càng đau khổ vì mình không còn là mình nữa. Trương Ba bây giờ đâu còn là một người làm vườn chăm chỉ, hết lòng yêu thương vợ con mà biến thành một người thô lỗ vụng về. Trong cuộc đối thoại với xác hàng thịt, ta thấy hồn Trương Ba bị đẩy vào thế yếu, đuối lí còn xác hàng thịt ngày càng thắng thế bởi xác có sức mạnh riêng của nó. Xác đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể để thấy sự chi phối của mình. Đó là cảm giác xao xuyến trước món ăn: tiết canh, cổ hũ…, đó là cảm giác: "tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực" khi đứng bên cạnh người vợ hàng thịt…Đó là cái lần ông tát thằng con ông "tóe máu mồm máu mũi". Những dẫn chứng đó là sự thật khiến hồn Trương Ba cảm thấy xấu hổ, ti tiện, xác còn chế nhạo với cái lí lẽ mà hồn Trương Ba chỉ đưa ra để ngụy biện: "ta vẫn có một đời sống riêng, nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn". Xác đồ tể nhận thấy những lí lẽ của hồn Trương Ba ngày càng đuối dần nên đã ép hồn thỏa hiệp với mình. Lí lẽ mà xác đưa ra là cả 2 đã hòa làm một, không thể tách rời. Hồn cứ thỏa mãn nhu cầu của xác rồi làm điều xấu lại đổ cho xác.


Có thể thấy trong cuộc đối thoại này xác thắng thế nên rất hả hê. Khi thì mỉa mai, khi thì châm chọc. Còn hồn thì vô cùng đau khổ, xấu hổ vì những điều xác nói ra mà mình thì không muốn thừa nhận. Quả thực hồn đã bị xác chi phối. Xung đột kịch chưa được giải quyết, chưa dừng lại. Tuy nhiên qua cuộc đối thoại giữa hồn và xác, người đọc nhận ra những hàm ý sâu xa Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm trong đó. Thể xác là tiếng nói bản năng của con người, trong con người có phần tự nhiên và phần xã hội. Con người tự nhiên cũng có tiếng nói riêng, nhu cầu riêng, bản thân nhu cầu đó không xấu, con người cũng phải đáp ứng được những nhu cầu tự nhiên đó. Thể xác có những tác động ghê gớm đối với tâm hồn. Vì vậy, con người luôn luôn phải đấu tranh và tự đấu tranh với chính mình để vượt lên những đòi hỏi sai lạc của thể xác, để vượt lên những dung tục của đời thường. Ở đây, ta thấy được hồn Trương Ba đã được sống lại nhưng lại sống với một cuộc sống hổ thẹn, bị dung tục, hủy hoại. Qua đây, Lưu Quang Vũ muốn đề cập tới vấn đề phải hoàn thiện môi trường, hoàn cảnh sống của con người. Trong môi trường, hoàn cảnh tốt, con người mới có thể hoàn thiện nhân cách, bảo vệ những giá trị văn hóa.


Nỗi đau khổ tuyệt vọng của hồn Trương Ba càng được đẩy lên khi đối thoại với những người thân trong gia đình. Trong cuộc đối thoại với người vợ hiền của mình, ông đã nhận ra trong hình hài của anh hàng thịt, tính tình ông cũng đã thay đổi. Người vợ mà ông rất mực yêu thương đã đòi ra đi và đau khổ, buồn bã còn hơn cả khi ông mất. Bà cũng đã dám nói ra sự thay đổi nơi ông: "Ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa". Lời nói của người vợ một lần nữa khẳng định sự tha hóa, thay đổi ở hồn Trương Ba và sự phủ nhận đó đồng nghĩa với sự khước từ.


Cái Gái-cháu ông cũng một mực không chấp nhận hồn Trương Ba là ông nội. Nó không chấp nhận cái con người có bàn tay giết lợn, chân to bè bè như cái xẻng, hành động vụng về, thô lỗ, giẫm nát cả cây sâm quý mới ươm. Nỗi giận dữ của cái Gái đã biến thành sự xua đuổi quyết liệt, một sự phủ nhận tuyệt đối: "Cút đi, lão đồ tể cút đi!".


Người con dâu vốn được miêu tả là một người sâu sắc, chín chắn, hiểu điều hơn lẽ thiệt, chị rất cảm thông với nỗi đau của bố chồng: "Bởi con biết giờ thầy khổ hơn xưa nhiều lắm". Nhưng trước tình cảnh gia đình sắp tan hoang cả , chị cũng đành phải nói ra sự thật: "nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy…mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa…"


Như vậy tất cả những người thân yêu trong gia đình đều nhận ra nghịch cảnh trớ trêu, nhận ra sự thay đổi ở Trương Ba. Dù rất thương Trương Ba nhưng họ vẫn phải nói ra thành lời bởi họ nhận ra một điều: cái ngày họ chôn xác Trương Ba xuống đất, họ cũng không đau khổ như bây giờ. Bi kịch của hồn Trương Ba lúc này là bi kịch không được thừa nhận. Hồn Trương Ba xa lạ trên cõi đời, xa lạ ngay giữa gia đình của mình.


Bi kịch gia đình là nút nhấn cuối cùng trong chuỗi xung đột kịch. Gia đình đối với người phương Đông rất quan trọng, nó là căn cốt để phục sinh nhân tính. Mất gia đình là mất mát lớn lao nhất của hồn Trương Ba, ý nghĩa sống của hồn Trương Ba không còn nữa. Đỉnh điểm xung đột xuất hiện khi hồn Trương Ba quyết định thắp hương để gọi Đế Thích. Trước khi vào cuộc đối thoại với Đế Thích, Lưu Quang Vũ để cho hồn Trương Ba độc thoại, thể hiện nỗi đau đỉnh điểm tột cùng: "Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át ta…Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? " Từ lời độc thoại này dẫn đến quyết định Trương Ba lập cập thắp hương gọi Đế Thích.


Qua cuộc đối thoại với Đế Thích, người đọc nhận ra quan niệm về hạnh phúc, về cái chết. Hồn Trương Ba đã dứt khoát thể hiện niềm khát khao qua lời thoại: "không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được"; "sống nhờ vào đồ đạc, của cải đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống thế nào thì ông chẳng cần biết!" Những lời thoại của hồn Trương Ba chính là cốt lõi tư tưởng mà Lưu Quang Vũ gửi gắm. Con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hòa. Con người chỉ thực sự hạnh phúc khi con người được là chính mình. Và sự sống của con người là đáng quý nhưng sống thực sự cho ra cuộc sống của con người mới là điều quan trọng. Sống không được chắp vá, không được vay mượn. Ý nghĩa đích thực của cuộc sống là con người được sống trung thực với vạn vật và với chính bản thân mình.


Hồn Trương Ba dứt khoát xin Đế Thích cho mình được chết. Ông không nghe theo giải pháp nhập vào hồn cu Tị , cũng không thỏa hiệp với Đế Thích rằng thế giới này không trọn vẹn. một vị thần tiên lại đi chấp nhận một cuộc sống giả tạo nhưng một con người thì không. Qua đây ta thấy Trương Ba là con người sáng suốt, giàu lòng tự trọng, ý thức sâu sắc về cuộc sống đích thực. Lẽ ra vở kịch nên kết thúc ở chỗ hồn Trương Ba chết, anh hàng thịt chết, cu Tị chết, nhưng Lưu Quang Vũ đã không rơi vào tâm trạng hoài nghi, bi quan bởi vì hồn Trương Ba đã thuyết phục Đế Thích để cu Tị sống lại, còn hồn Trương Ba-người làm vườn nhân hậu, người đánh cờ thanh tao vẫn sống trong ánh lửa nấu cơm, trong vườn cây, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây…


Lưu Quang Vũ đã gửi gắm vào sự lựa chọn của hồn Trương Ba những trăn trở, day dứt và cả niềm tin mãnh liệt vào con người. Bằng cái chết của mình, Trương Ba đã gìn giữ được những kỉ niệm tốt lành, đã giữ cho các thế hệ sau niềm tin vào con người, cuộc sống. Hình ảnh 2 đứa trẻ gắn bó, yêu thương và hạt na cái Gái vùi vào đất: " Cho cây xanh nối nhau mà lớn khôn. Mãi mãi…" Lời dạy của ông nội chính là niềm hi vọng, niềm tin mãnh liệt của tác giả vào "những điều không thể mất" trong mỗi con người. Qua vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lưu Quang Vũ góp phần phê phán một số biểu hiện tiêu cực trong lối sống lúc bấy giờ. Con người đang có nguy cơ chạy theo những ham muốn tầm thường, muốn thỏa mãn những nhu cầu của bản năng, đến nỗi trở nên phàm phu, tục tử như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:


"Muốn nuôi sống thân xác

Đem làm thịt linh hồn"


Nhưng lại có một xu hướng ngược lại, lấy cớ tâm hồn là quý, đời sống linh hồn là cái cao nhất, không chăm lo gì đến đời sống vật chất, không chịu phấn đấu vì hạnh phúc trọn vẹn. Vở kịch còn phê phán tình trạng con người sống giả dối, không dám sống là mình. Đấy là nguy cơ đẩy con người vào chõ tha hóa do danh và lợi. Nhưng kịch của Lưu Quang Vũ có được sức sống lâu dài là bởi những triết lý sâu sắc, có ý nghĩa đối với muôn đời. Vở kịch cho ta những bài học về lẽ sống, chết, về hạnh phúc. Cuộc sống thật đáng quý nhưng không phải sống thế nào cũng được. Hạnh phúc chân chính của con người là được sống trọn vẹn, sống thật với chính mình, với mọi người.


Qua vở kịch, người đọc cũng cảm nhận được tài năng của Lưu Quang Vũ. Vở kịch là sự kết hợp giữa tính hiện đại và giá trị truyền thống, giữa sự phê phán mạnh mẽ, quyết liệt và chất trữ tình đằm thắm, giữa triết lý sâu sắc và lời văn bay bổng, lãng mạn.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài văn phân tích triết lý sống trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" số 3

Hồn Trương Ba da hàng thịt” là một vở kịch nổi tiếng được Lưu Quang Vũ xây dựng dựa trên một câu chuyện dân gian về nhân vật Trương Ba giỏi chơi cờ và cái chết oan ức của ông. Thế nhưng điểm mới của vở kịch này chính là một kết thúc hoàn toàn khác với kết thúc truyện dân gian. Thông qua vở kịch, Lưu Quang Vũ đã gửi gắm những suy ngẫm về nhân sinh, về hạnh phúc, đồng thời kết hợp phê phán một số tiêu cực trong lối sống đương thời.


Dựa trên cốt truyện dân gian, vở kịch cũng xây dựng nhân vật Trương Ba là một lão nông làm vườn hiền lành, được mọi người yêu quý và rất giỏi chơi cờ. Nam Tào vì tắc trách trong công việc cho nên bắt chết nhầm Trương Ba. Đế Thích – một vị tiên cờ và cũng là bạn của Trương Ba – đã giúp hồn Trường Ba nhập vào xác anh hàng thịt cũng vừa mới chết. Trong truyện dân gian, kịch tính được xây dựng là cảnh hai bà vợ cùng tranh chồng trên quan nha. Và sau thì vợ Trương Ba thắng kiện và đưa chồng mình về nhà.


Không dừng lại ở một kết thúc đẹp như vậy, Lưu Quang Vũ đã tiếp tục khai thác kết thúc của tích truyện dân gian. Khi hồn Trương Ba được sống trong xác anh hàng thịt thì cuộc sống của ông lại trở nên éo le, khập khiễng. Quá đau khổ và tuyệt vọng, cuối cùng Trương Ba đã xin Đế Thích cho mình được chết hẳn, vì “không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được”. Xây dựng tình huống đầy kịch tính và cách giải quyết tình huống như vậy, Lưu Quang Vũ muốn thể hiện một triết lý về lẽ sống: cuộc sống thật đáng quý, nhưng không phải sống thế nào cũng được. Nếu sống vay mượn, chắp vá, không có sự hòa hợp về tâm hồn và thể xác thì con người chỉ gặp những bi kịch mà thôi. Cuộc sống chỉ thực sự hạnh phúc khi chúng ta được sống là chính mình, được hài hòa cả về thể chất lẫn tinh thần. Đây cũng chính là nội dung tư tưởng chủ đạo mà tác phẩm muốn hướng đến.


Để làm nổi bật tư tưởng này, Lưu Quang Vũ đã xây dựng những xung đột xung quanh nhân vật Trương Ba để cho người đọc người xem thấy được sự khập khiễng giữa “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”. Trước hết là xung đột thể hiện qua màn đối thoại giữa hồn và xác. Đây cũng là xung đột chính, xung đột có tính quan trọng nhất trong vở kịch.


Trương Ba trước kia vốn nhân hậu, nhưng từ khi nhập vào xác anh hàng thịt bỗng dần đổi khác: thèm ăn ngon, thèm rượu thịt, không còn mặn mà với thú vui thanh cao trí tuệ. Điều ấy làm cho hồn Trương Ba vô cùng đau khổ và ghê tởm thân xác kềnh càng, thô lỗ mà mình đang mang. Chính vì thế mà hồn Trương Ba muốn được sống là một ông Trương Ba chăm chỉ hiền lành nhưng lại bị cái xác chế giễu, bị ép phải thoải mãn những yêu cầu phàm tục. Những lý lẽ mà hồn Trương Ba đưa ra dần đuối lý và ngày càng nhận trở nên bất lực, chỉ biết thở dài buông ra những lời tuyệt vọng bởi hồn đang ngày càng bị xác chi phối mạnh mẽ.


Cuộc xung đột này đã cho thấy, thể xác cũng có tiếng nói bản năng, cũng có những nhu cầu đòi hỏi phải được đáp ứng. Chính vì thế, ý thức của con người cũng chịu một phần sự chi phối của thể xác. Nhưng con người, cần phải biết hòa hợp, luôn phải đấu tranh và tự đấu tranh với chính mình để vượt lên những đòi hỏi sai lệch của thể xác và những dung tục đời thường.


Sự khập khiễng “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo” không chỉ khiến cho bản thân Trương Ba cảm thấy khổ đâu mà còn gây nỗi muộn phiền cho người thân. Những lời đối thoại của hồn Trương Ba với những người thân trong gia đình đã cho thấy một Trương Ba rất khác. Vợ ông cảm thấy đau khổ và buồn bã hơn cả khi ông mất. Cháu gái của ông còn xua đuổi ông vì bàn tay to bè, chân như cái xẻng đã thô lô giẫm chết mấy chồi non mà ông nội Trương Ba của nó trồng. Chị con dâu vốn là người hiểu biết và rất mực thông cảm cho ông cũng phải thừa nhận: “có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa…”.


Có thể thấy rằng trong mắt những người thân của mình, Trương Ba đã biến thành một con người khác. Dù ông có cố gắng thế nào thì cũng không thể trở lại hình ảnh một ông lão làm vườn chăm chỉ, hiền lành được mọi người yêu quý. Dù Trương Ba có sống lại nhưng trong xác anh hàng thịt, mọi người thân đều không thể cảm thấy được đây là chồng, là cha, là ông của mình. Bi kịch ấy chính là bi kịch sống mà không được thừa nhận. của hồn Trương Ba lúc này là bi kịch không được thừa nhận.


Bản thân mình không chấp nhận được mình và gia đình cũng không thể chấp nhận được con người mình, hồn Trương Ba trở nên vô cùng đau khổ và tuyệt vọng. Chính vì thế mà Trương Ba đã có một quyết định dứt khoát: “Tôi không muốn nhập vào hình thù của ai hết. Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn!”. Ngay cả khi Đế Thích thuyết phục hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tỵ nhưng ông vẫn quả quyết: “cứ để cho tôi được chết hẳn”. Bởi lẽ, “không thể bên trong 1 đằng, bên ngoài 1 nẻo được” và sống nhờ vào thân xác của người khác thì không còn là chính mình, như thế thì cuộc sống không phải là sống mà chỉ là một chuỗi bi kịch mà thôi. Đây có thể nói là một tư tưởng, một lẽ sống hết sức lớn lao. Vì ý nghĩa đích thực của cuộc sống là con người được sống với chính mình. Mọi sự giả tạo, chắp vá đều không thể đem lại sự thoải mái và hạnh phúc.

Kết thúc vở kịch, hồn Trương Ba đã rời khỏi xác anh hàng thịt tưởng chừng như là một cái kết không có hậu nhưng đó lại là cái kết đẹp nhất. Lưu Quang Vũ đã để một cái kết khiến người đọc vừa thở phào vừa phải trăn trở suy nghĩ. Cu Tỵ sống lại, còn hồn Trương Ba vẫn sống trong ánh lửa nấu cơm, trong vườn cây, trong những điều tốt lành xung quanh mọi người. Đó chính là một cái kết viên mãn nhất, trong đó con người cần phải sống cho ra sống, sống là đích thực chính mình.


Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” đã cho chúng ta thấy những bài học về lẽ sống, về cái chết và về hạnh phúc của con người. Qua vở kịch, Lưu Quang Vũ cũng thể hiện sự phê phán một số biểu hiện tiêu cực trong lối sống lúc bấy giờ. Con người sống mà chỉ biết đến thỏa mãn những đòi hỏi tầm thường mà dần đánh mất mình. Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi mà được sống là chính mình, được hòa nhập với cộng đồng, với xã hội.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài văn phân tích triết lý sống trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" số 6

Lưu Quang Vũ đến với thể loại kịch nói và thực sự tìm thấy sở trường của mình sau khi đã tham gia sáng tác ở nhiều mảng cả thơ, truyện ngắn mà vẫn chưa để lại nhiều dấu ấn trên văn đàn Việt Nam. Với cái nhìn thấu đáo, mới mẻ và thực tế của một người lính từng trải qua chiến trường và đi qua những năm tháng đất nước đang chuyển mình đổi mới với nền kinh tế bao cấp lạc hậu, nhiều khó Lưu Quang Vũ đã cho ra đời đến gần 50 vở kịch lớn nhỏ, phản ánh nhiều khía cạnh của xã hội lúc bấy giờ. Kịch của ông thời điểm đó rất được người dân ưa chuộng bởi lối viết rất tinh tế, rất đời, lại đậm tính triết lý nhân văn sâu sắc. Trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến vở Hồn Trương Ba da hàng thịt được tác giả dựng lại từ một câu chuyện dân gian cùng tên, nói về bi kịch của một người là Trương Ba chết oan vì sự tắc trách của các quan trên thiên đình, cuối cùng được cho sống lại dưới xác của anh hàng thịt. Sự sống lại kỳ dị ấy của Trương Ba đã khiến cuộc sống của hai gia đình đảo lộn, đồng thời gây nên đau khổ cho chính bản thân ông, vì sống mà trong ngoài bất nhất, không thể sống theo ý mình. Việc biến một câu chuyện dân gian thành một vở bi kịch đã mang đến cho người đọc nhiều triết lý sống sâu sắc, thông qua suy nghĩ, lời thoại của hồn Trương Ba.


Trương Ba vốn là một người làm vườn khéo léo, chăm chỉ, giỏi đánh cờ, lại hiền lành, có lối sống thanh cao, trong sạch nên được mọi người yêu mến kính trọng. Bi kịch bắt đầu khi Nam Tào cai quản sổ sinh tử trên thiên đình vì vội đi dự tiệc mà gạch nhầm tên của Trương Ba, khiến ông chết bất ngờ và đầy oan ức. Chuyện ông chết đến tận gần một tháng sau thì Đế Thích vốn là tiên, đồng thời là bạn cờ tri kỷ của ông, mới biết chuyện. Vì thương cho Trương Ba chết oan uổng, lại tiếc vì mất đi một tay đấu cờ giỏi, thế nên Trương Ba đã khuyên Nam Tào, Bắc Đẩu nên "sửa sai" bằng cách cho hồn Trương Ba được sống lại vào xác anh hàng thịt vừa mới chết hôm qua, bởi lẽ xác của Trương Ba đã bị mục rữa, không thể chứa hồn được nữa. Câu chuyện sống lại kỳ dị của Trương Ba đã đem đến cho cả hai gia đình một phen rối bời, nhưng vì Trương Ba trong xác hàng thịt đã chứng minh được mình là Trương Ba nên quay trở về nhà mình và bắt đầu cuộc sống với thân xác mới.


Những tưởng mọi chuyện sẽ êm đẹp, nhưng hàng loạt bi kịch đã xảy đến, khiến Trương Ba vô cùng đau khổ. Nếu như theo cốt truyện dân gian cũ, thì sau khi Trương Ba về nhà với thân xác mới thì ông tiếp tục an hưởng cuộc sống với vợ con mình, mang đến một triết lý rất đơn giản: Đề cao sự quan trọng, tuyệt đối của phần hồn, đem tách rời giữa linh hồn và thể xác làm hai khía cạnh, trong khi hồn nắm giữ mọi tư tưởng, quyết định, còn xác chỉ đơn giản là cái xác, không có hồn thì xác chỉ là một cái túi thịt không hơn không kém, không có suy nghĩ, tư tưởng. Tuy nhiên đến với ngòi bút của Lưu Quang Vũ, mối quan hệ giữa hồn và xác được nhìn nhận một cách sâu sắc và đậm tính triết lý. Tác giả vẫn đi vào khẳng định vai trò cao hơn của linh hồn, thông qua các sự kiện Trương Ba nhớ ký ức của mình, cũng như tình cảm dành cho gia đình và dẫn theo xác anh hàng thịt về nhà sinh sống, cùng với việc các thành viên trong gia đình qua những cử chỉ, thói quen và ký ức chính xác của Trương Ba cũng nhanh chóng chấp nhận Trương Ba dưới xác anh hàng thịt, mặc dù điều đó là rất khó khăn. Tuy nhiên Lưu Quang Vũ không chỉ đơn giản là khẳng định vai trò của linh hồn so với thể xác, mà còn đưa ra mối quan hệ mật thiết gắn bó hữu cơ giữa phần xác và phần hồn.


Linh hồn Trương Ba sau một thời gian sống trong xác anh hàng thịt thì dần nhận ra sự thay đổi của bản thân, mà chúng ta gọi đó là sự tha hóa. Ông bắt đầu thích uống rượu, ăn tiết canh, thích ăn ngon, nước cờ đi cũng khác xưa, thậm chí ông còn ham bán thịt lợn hơn cả chơi cờ. Trước sự thay đổi đến mức bị người hàng xóm phê bình rằng ông đổi tính, đổi nết Trương Ba đã rất đau khổ, ông cảm thấy căm ghét và ghê tởm cái thể xác âm u, đui mù này ghê gớm, ông ước mình có thể thoát khỏi nó dù một chút thôi. Như vậy ta có thể nhận thấy rằng bản thân Trương Ba bắt đầu chán ghét cuộc sống hồn một đằng, xác một nẻo và ông bắt đầu nhận thức được sự không thích hợp của cả hai, thế nên ông mới cảm thấy ngột ngạt và muốn thoát khỏi nó để dễ thở hơn. Sự không hòa hợp giữa hồn và xác càng được làm rõ thông qua cuộc tranh luận giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt. Hồn Trương Ba luôn tự tin vì mình có một tâm hồn trong sạch, thanh cao, khác hẳn với cái xác tầm thường chỉ toàn những ham muốn phàm tục.


Thế nhưng những tưởng hồn sẽ thắng thế, nhưng cái xác với giọng điệu mỉa mai, lý lẽ sắc bén đã liên tục phản biện lại, nó chỉ ra bản thân hồn Trương Ba đã thay đổi ra sao, thích ăn ngon, thích uống rượu, hơn thế nữa còn chút nữa thì không kiềm lòng được trước người vợ trẻ trung của anh hàng thịt trong một đêm nọ, chỉ ra việc ông đã tát thằng con trai đến hộc cả máu mồm việc mà trước đây ông chẳng bao giờ làm thế,... Những biểu hiện tha hóa ấy đã giáng một cái tát thật mạnh vào hồn Trương Ba khiến ông thấy xấu hổ vô cùng vì sự đổ đốn kỳ lạ của bản thân. Thế nhưng Trương Ba vẫn không chấp nhận sự thật rằng bản thân đã thay đổi, ông cố chấp cho rằng chính những cái ham muốn tầm thường, nhục dục của cái xác "âm u, đui mù" đã làm vấy bẩn linh hồn ông, khiến ông thay đổi mặc dù bản thân ông không muốn. Nhưng xác lập tức vạch trần sự hoang mang của hồn bằng việc chỉ trích ông là kẻ ưa sĩ diện, hay tự ái, mỗi khi tham gia vào việc gì xấu xa thì lại muốn đẩy hết trách nhiệm cho cái xác, để bản thân mình được thanh thản và tâm hồn vẫn luôn cao khiết, thánh thiện.


Như thế có thể thấy tuy phần hồn Trương Ba vẫn luôn muốn điều khiển sự ham muốn cái xác, tuy nhiên vì sự không phù hợp về bản chất thế nên ngược lại ông bị cái xác người hàng thịt chi phối lại, và thường làm ra những chuyện khác xa với bản tính trong vô thức, đến khi nhận ra thì lại hối hận không kịp. Từ đó ta rút ra một triết lý rằng giữa phần hồn và phần xác phải có một sự thống nhất hữu cơ chặt chẽ, xác nắm giữ vai trò nhận thức lý tính, là cơ sở để chứa đựng linh hồn, đồng thời cho linh hồn nhận thức cảm tính, xây dựng nên vẻ đẹp của tâm hồn, cả hai phải phối hợp chặt chẽ ăn ý với nhau, thì mới có thể trở thành một con người toàn vẹn và sống đúng với bản thân mình được. Bản thân xác thịt cũng có những như cầu nhất định, được ăn uống chăm sóc, mà các nhu cầu sinh lý khác cần được thỏa mãn, nhưng phần hồn phải khống chế và điều khiển được những nhu cầu ấy sao cho hợp lý, chứ không thể bị xác thịt điều khiển. Bởi vì là một thực thể thống nhất, trong đó linh hồn là nắm giữ vai trò trọng yếu hình thành nên nhân cách, tư tưởng, chính vì vậy nó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với những gì xác thịt đã tạo nên, chứ không thể giống như hồn Trương Ba, rõ ràng đã "dung túng" cho thể xác, rồi cuối cùng lại đổ hết tội lỗi cho nó để bảo vệ sĩ diện của mình. Có thể thấy rằng cuộc tranh luận gay gắt giữa hồn và xác chính là cuộc đấu tranh liên tục trong mỗi cá nhân, là sự đấu tranh tư tưởng giữa linh hồn và thể xác trong cuộc sống để hoàn thiện nhân cách đạo đức, và rèn luyện được khả năng làm chủ bản thân, giữ cho phần "người" ưu thế hơn phần "con" của chính chúng ta trong xã hội.


Triết lý thứ hai nữa của tác phẩm nằm ở việc hồn Trương Ba quyết định trả lại xác cho anh hàng thịt, còn mình thì chấp nhận chết đi thật sự. Hồn Trương Ba đã khẳng định với Đế Thích "Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn". Nhân vật này đã nhận ra sự chắp vá kệch cỡm kỳ dị này là vô cùng vô lý, nó đã khiến cho ông và cả những người xung quanh ông phải chịu đau khổ, giày vò, thà rằng ông thật sự chết hẳn thì có lẽ giờ đây gia đình ông đã yên ổn trở lại, và mọi người vẫn nhớ về ông với tấm lòng thương yêu, kính trọng chứ không phải là sự lạ lẫm, ghê sợ, và xa lánh như ngày hôm nay. Thế nên ông quyết trả lại xác cho anh hàng thịt, để bảo vệ cho phần hồn của mình được những giá trị cao khiết, trong sáng chứ không phải sự đổ đốn vì sự chi phối của xác thịt. Đó chính là một lựa chọn đúng đắn, sáng suốt và đầy đạo đức, người ta không thể vì ham sống mà làm hại những người xung quanh mình phải khổ sở được. Hơn thế nữa người ta cũng không thể sống mà hồn một đằng xác một nẻo, không thống nhất biện chứng với nhau được, điều ấy được chỉ ra trong vở kịch, người ta đã nhìn nhận rất rõ sự sai lệch giữa linh hồn và thể xác, khiến nó trở thành một sự chắp vá kệch cỡm vô cùng. Linh hồn Trương Ba thích làm vườn, lại chăm chỉ, khéo léo và rất yêu cây, khi sống trong xác hàng thịt ông vẫn giữ thói quen ấy, thế nhưng sự thô lỗ, vụng về của cái xác đã làm gãy tiệt cái chồi non, bàn chân to như cái xẻng đã xéo nát hết cả mấy cây sâm quý, rồi đôi tay giết heo đã làm hỏng luôn cả cái diều mà cu Tị hằng yêu quý,... Sự không thống nhất, đã khiến cho mọi việc trở nên bung bét cả ra, bởi những công việc khéo léo, tỉ mẩn ấy không dành cho người vai u thịt bắp quen việc giết mổ, mà là để dành cho người có đôi bàn tay cẩn thận, gầy guộc giống như cái xác cũ của Trương Ba thì mới phù hợp. Cuối cùng người đọc rút ra một chân lý rằng người ta chỉ có thể sống một cách toàn vẹn và chân thực khi có sự thống nhất ăn ý giữa hồn và xác, chứ không phải kiểu chắp vá hồn một đằng xác lại một nẻo được.


Một chi tiết khác cũng đậm tính triết lý trong truyện ấy là việc Đế Thích gợi ý cho hồn Trương Ba ngụ vào xác của cu Tị, nhưng Trương Ba từ chối. Đó lại cũng là một thử thách lớn đối với hồn Trương Ba, bởi Đế Thích cho rằng ông không thích cái xác thô lỗ của anh hàng thịt, có lẽ ông sẽ thích xác của cu Tị hơn. Thế nhưng Trương Ba đã từ chối, ông chấp nhận cái chết, chứ không giẫm vào vết xe đổ ấy lần nữa bởi bi kịch không thể tiếp tục tái diễn bằng một bi kịch tương tự nữa. Từ đó ta hiểu ra rằng trong cuộc chiến đấu gay gắt giữa phần hồn (phần người) - tượng trưng cho sự cao khiết, thanh sạch và phần xác (phần con) - tượng trưng cho những khao khát, nhục dục tầm thường, thì phần người, phần nhân cách cuối cùng cũng chiến thắng, thoát khỏi sự quyến rũ của việc được tiếp tục sống, được tận hưởng. Đó là minh chứng rõ nét nhất cho sự cao thượng, vẻ đẹp của đạo đức và khát khao hoàn thiện nhân cách từ bao đời nay của con người. Có lẽ câu "chết vinh còn hơn sống nhục" nó lại khá đúng trong trường hợp này.


Đọc hết vở kịch của Lưu Quang Vũ ta phát hiện ra rằng ngoài cốt truyện đầy bi kịch và những triết lý chủ đề của tác phẩm , thì bản thân tác giả thông qua lời nhân vật cũng thường xuyên đưa vào những lời thoại mang tính chất triết lý nhân văn sâu sắc, khiến người đọc không chỉ nhìn nhận những nội dung chính như việc sống toàn vẹn thống nhất giữa thể xác và tâm hồn hay việc đấu tranh để hoàn thiện nhân cách cao thượng của con người, mà còn học thêm được nhiều điều khác. Khiến độc giả được mở rộng được tầm nhìn của mình với cuộc sống ví như trích lời Trương Ba: "Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm", nhằm khuyên nhủ con người không nên vì lòng ích kỷ của cá nhân mà gượng ép sửa chữa để rồi cuối cùng mọi chuyện càng trở nên không thể cứu vãn được, đồng thời lại còn khiến những người khác phải chịu tổn thương. Như bản thân Nam Tào thì vì tắc trách lại muốn bưng bít tội trạng của mình, còn Đế Thích thì cứ tiếc mãi một người bạn chơi cờ hay, thành thử đã gây nên cho Trương Ba và những người bên cạnh ông ta một loạt các bi kịch. Hoặc khi Trương Ba nói với Đế Thích "ông phải tồn tại lấy chứ", lúc nhân vật này bảo rằng Trương Ba là lẽ sống của mình. Điều đó đã ngầm nhắc nhở mỗi chúng ta rằng bản thân sống không phải là dựa dẫm vào người khác, mà phải có mục tiêu lý tưởng riêng cho bản thân mình, chứ không thể cứ mãi bám theo cái bóng của người khác để tìm kiếm giá trị của bản thân được (bởi Đế Thích đánh cờ với Trương Ba thì luôn thắng).


Hồn Trương Ba da hàng thịt là một vở kịch hay mang đậm giá trị nhân văn và các triết lý nhân sinh sâu sắc, khuyên nhủ con người ta phải biết đấu tranh để hoàn thiện nhân cách của mình, phải sống được là chính mình, không thể sống mà trong ngoài bất nhất rồi cuối cùng phải chịu đau khổ, bi kịch. Bên cạnh đó cũng giáo dục con người không thể vì lòng ích kỷ riêng mà làm những chuyện ảnh hưởng đến người khác. Dẫu kết thúc câu chuyện là bi kịch thế nhưng đó lại là cái kết hợp lý nhất, làm thỏa mãn độc giả hiện đại.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài văn phân tích triết lý sống trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" số 4

Vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt” là một tác phẩm kinh điển nổi tiếng của tác giả Lưu Quang Vũ được xây dựng trên câu chuyện truyền miệng trong dân gian về một nhân vật có học nho nhã có tài chơi cờ nhưng bị chết một cách oan ức. Trong vở kịch của Lưu Quang Vũ có kết thúc khác với lại câu chuyện dân gian. Nếu như triết lý sống của câu chuyện gốc trong dân gian chỉ đơn giản nói về sự quan trọng của linh con người. Thi trong vở kịch của tác giả Lưu Quang Vũ triết lý sống của ông thể hiện sự hòa hợp giữa tâm hồn và thể xác chúng có mối quan hệ tương tác với nhau. Cũng như những nhu cầu tự nhiên và nhân cách. Con người ta có thể cố gắng hoàn thiện mình để có thể sống tốt hơn.


Nội dung của vở kịch nói lên nhân vật Trương Ba một lão nông hiền lành, được mọi người xung quanh yêu quý và có tài chơi cờ giỏi nổi tiếng. Nam Tào một người phụ trách công việc “Sổ đen” ông này nắm sinh tử trong tay. Nếu ông ta chấm ai người ấy sẽ hết thời gian sống tại trần gian. Do tắc trách nên Nam Tào đã chấm nhầm Trương Ba khiến ông phải chết oan, Đế Thích một nhân vật thích chơi cờ vốn là bạn của Trương Ba giúp cho Trương Ba lấy xác hoàn hồn bằng cách lấy hồn của Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt vừa mới chết chưa kịp đem đi chôn. Từ nay câu chuyện bắt đầu những bi kịch tình huống gây cấn, thu hút người xem.


Cốt truyện trong dân gian thì bi kịch chỉ xảy ra khi hai bà vợ là vợ Trương Ba và vợ của anh hàng thịt xảy ra tranh chấp về người chồng của mình ai cũng cho rằng đây là chồng mình. Sau cùng tòa xử cho vợ Trương Ba thắng kiện đưa được chồng về nhà chung sống. Tuy nhiên, trong vở kịch của tác giả Lưu Quang Vũ không chỉ dừng lại như vậy tác giả khai thác sâu hơn đi vào tính cách nhân vật. Khi hồn Trương Ba được sống trong cơ thể anh hàng bán thịt cuộc sống của ông thật sự rất bi đát, éo le vô cùng. Bởi những nhu cầu thể xác đòi hỏi, nhưng nếp sống trần tục khiến cho linh hồn của Trương Ba vô cùng đau khổ, bởi Trương Ba vốn là người nho nhã, được mọi người yêu quý thì nay ông trở thành kẻ phàm phu tục tử…


Nên ông đã gặp Đế Thích xin cho mình chết thật, không cần phải hoàn hồn. Tác giả muốn gửi gắm tới người xem một triết lý sống cao đẹp, của con người có tâm hồn thanh cao, muốn giữ danh dự trong sạch chứ không cần sống mà làm cho hình ảnh của mình trong mắt mọi người trở nên hoen ố, dung tục. Cuộc sống sẽ chỉ thật sự có được hạnh phúc nếu con người được sống đúng là mình mà thôi. Nếu sống mà phải vay mượn thân xác người khác thì cuộc sống sẽ chỉ toàn bi kịch. Nếu sống vay mượn, chắp vá, không có sự hòa hợp về tâm hồn và thể xác thì con người chỉ gặp những bi kịch mà thôi. Cuộc sống chỉ thực sự hạnh phúc khi chúng ta được sống là chính mình, được hài hòa cả về thể chất lẫn tinh thần. Đây cũng chính là nội dung tư tưởng chủ đạo mà tác phẩm muốn hướng đến.


Tác giả Lưu Quang Vũ đã xây dựng nhiều tình huống dở khóc dở cười khi hồn Trương Ba nhập vào anh hàng thịt. Trương Ba vốn là người thanh cao, nho nhã nhưng từ khi ở trong thân xác của anh hàng thịt ông bỗng thèm ăn ngon, vì anh hàng thịt ngày nào cũng ăn ngon quen miệng. Thèm rượu thịt không còn thích những thú vui thanh cao trước đây ông vẫn thích. Nên Trương Ba vô cùng buồn bã. Một nhân vật Trương Ba chăm chỉ, hiền lành được mọi người yêu mến kính nể nay vì các xác to kềnh càng ham muốn nhiều nên trở thành kẻ phàm phu tục tử. Sức mạnh của những ham muốn trong thể xác kia của cái phần con kia càng ngày càng lớn nó chiến thắng ý chí của tâm hồn, kiến cho Trương Ba ước gì mình chết hẳn đi có lẽ sẽ tốt hơn.


Cuộc đấu tranh này thực chất là cuộc đấu tranh giữa tâm hồn và thể xác, giữa phần nhu cầu bản năng và sự khống chế bản năng của con người. Nó thực chất là cuộc chiến đấu giữa phần con và phần người trong mỗi chúng ta. Phần con luôn là những đòi hỏi để phục vụ sự sống, duy trì những điều khiến con người có thể tồn tại được. Còn phần người chính là linh hồn, là sự thanh cao trong suy nghĩ hướng con người ta tới những điều chân- thiện- mỹ.


Chính sự lệch chuẩn, khập khiễng giữa tâm hồn và thể xác khiến cho bản thân nhân vật Trương Ba cảm thấy mình sống mà như đã chết cảm thấy buồn phiền, ảo não. Những lời đối thoại của linh hồn Trương Ba với những thành viên trong gia đình của mình cho ta thấy một ông Trương Ba hoàn toàn khác. Chính vợ của Trương Ba còn cảm thấy đau khổ, buồn bã hơn cả khi ông chết thật.


Cô cháu gái thì xua đuổi không cho ông bé mình vuốt ve mình vì bàn tay to bè, thô lỗ, chân thì to như cái xẻng, bàn chân ông dẫm xuống đất làm chết mấy cây xanh mà ông nội Trương Ba của cô bé đã trồng trước kia. Cô con dâu của ông vốn là người thương yêu quý trọng bố chồng mình thì nay cũng phải thốt lên rằng “chính con cũng có lúc không nhận ra thầy nữa…” Đến người thân yêu nhất trong gia đình mà còn không thể chấp nhận ông trong thân xác của anh hàng thịt, thì ông còn sống trên đời này để làm gì nữa. Tâm hồn Trương Ba vô cùng tuyệt vọng nên ông đã có một quyết định liều lĩnh và dứt khoát “Tôi không muốn nhập và hình của ai hết. Tôi đã chết , hãy để tôi chết hẳn”.


Vở kịch kết thúc khi linh hồn của nhân vật Trương Ba đã hoàn toàn rời khỏi xác anh hàng thịt và ra đi vĩnh viễn. Nhiều người xem cho rằng kết thúc như thế thì Trương Ba không phải chết nhưng rồi vẫn chết thật, oan uổng cho ông ta quá. Nhưng thực ra đây là cái kết vô cùng viên mãn bởi vì khi Trương Ba quyết định ra đi vào cõi vĩnh hằng ông đã nhường cơ hội sống lại cho một cậu bé tên là cu Tý . Còn Trương Ba ông tuy đã chết nhưng vẫn sống trong lòng những người thân yêu của mình là một Trương Ba nhân hậu, hiền lành nho nhã.


Vở kịch này đã cho chúng ta một triết lý sống mới đó là hãy sống sao cho đáng sống, sống là chính mình như thế ý nghĩa hơn là sống mà vay mượn, phải làm những điều không còn giống mình, đánh mất tâm hồn thanh cao. Sống như phần con mà thôi.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?