Top 10 Bài văn thuyết minh về một con vật nuôi mà em thích hay nhất

Ở Tiểu học, các em học sinh đã được làm quen với dạng văn miêu tả các con vật. Các em miêu tả những đặc điểm về hình dáng bên ngoài, thói quen sinh hoạt của chúng qua các từ ngữ gợi tả, gợi cảm. Trong chương trình văn thuyết minh ở Trung học cơ sở, vẫn với đề tài này, các em phải cung cấp nhiều thông tin hơn trong bài văn của mình về nguồn gốc, đặc điểm, giống loài, sinh sản, tập tính, lợi ích,... Để làm tốt dạng văn này, mời các em tham khảo một số bài văn thuyết minh về con vật nuôi mà Toplist tổng hợp trong bài viết sau.

Bài văn thuyết minh về con trâu

Nhắc đến hình ảnh làng quê Việt Nam thì chắc hẳn mỗi người đều có trong mình một hình dung. Đó có thể là một không gian thoáng đãng, thanh bình, yên ả với những cánh đồng xanh ngát trải đến tận chân trời, với dòng sông hiền hòa trở nặng phù sa, với mái đình rêu phong cổ kính. Và ở bất cứ nơi đâu ta cũng bắt gặp hình ảnh con trâu khi thì cần mẫn cày ruộng, khi thì thong thả nhai rơm. Hình ảnh đó đã trở nên quen thuộc và gần gũi với bao thế hệ người Việt.


Trâu Việt Nam có nguồn gốc từ trâu rừng, thuộc nhóm trâu đầm lầy nhưng trải qua quá trình thuần hóa mà trở thành như hiện tại. Trâu được phân bố khắp đất nước và đã trở thành người bạn đồng hành cùng dân tộc ta. Nó có thân hình thấp, ngắn và vạm vỡ, khỏe mạnh. Trâu thường có màu đen với vạch loang dưới cổ họng và phía trên ngực.


Da trâu dày, thô ráp với lớp lông cứng và khá mỏng được phủ lên toàn thân. Đầu của con trâu to, ngắn với đôi sừng màu đen, nhọn và cong về phía sau. Đôi tai trâu rất to, phải bằng hai bàn tay người lớn chụm lại. Trâu có cái bụng to tròn và cái lưng rộng hơi dốc về phía sau để làm chỗ ngồi lí tưởng cho con người.


Ngoại hình như vậy rất phù hợp với việc kéo cày. Được ba tuổi là trâu có thể đẻ lứa đầu. Trâu đẻ cũng có mùa vụ, mỗi năm chỉ đẻ từ một đến hai lứa. Một con trâu cái thường sinh từ năm đến sáu con nghé và nghe sơ sinh thì nặng khoảng từ 20 đến 25 kg. Trâu được phân theo giống đực và giống cái. Chúng thì khác nhau cơ bản về sức khỏe và ngoại hình.


Từ thuở xa xưa ông cha ta đã biết sử dụng trâu như một công cụ lao động hữu ích. Trâu được sủ dụng để kéo cày, để tiết kiệm thời gian và sức lao động cho người nông dân. Mỗi ngày trâu đực thường cày được khoảng từ ba đến bốn sào còn trâu cái là từ hai đến ba sào.


Bên cạnh đó trâu còn được dùng để kéo xe với trọng lượng từ 400kg đến một tấn tùy thuộc vào loại xe và loại đường. Mùa màng có bội thu và đúng thời vụ hay không một phần là nhờ vào việc cày bừa của trâu Sức trâu rất bền, làm việc được trong một thời gian khá lâu mà không phải nghỉ ngơi nhiều.


Trâu còn có khả năng cung cấp thịt. Thịt trâu có chứa hàm lượng đạm cao mà chất béo lại thấp, ăn rất thơm và ngậy. Với giá thành dao động từ 200.000vdn đến 300.000 vnd thì trâu đã đem lại nguồn lợi kinh tế khá ổn định cho người nông dân, giúp họ cải thiện đời sống.


Người ta cũng thường thu được lợi ích kinh tế từ sữa trâu. Mỗi chu kì vắt thì thường thu được từ 400 đến 500kg sữa. Da trâu rất dày nên thường được dùng làm trống. Còn sừng trâu được mài giũa trở thành đồ mỹ nghệ, trang trí cho nhà cửa rất đẹp và sang trọng.


Không biết tự bao giờ con trâu đã trở thành biểu tượng của làng cảnh Việt Nam và làm bạn với tất cả mọi người. Từ những đứa bé thì tuổi thơ của chúng cũng gắn bó với trâu, trở thành người bạn thân thiết. Mỗi buổi chiều khi gió thổi mát rượi, khi mặt trời đã lặn dần về phía lũy tre làng cũng là lúc bọn trẻ đồng quê dắt trâu ra đồng cho chúng ăn cỏ.


Trên lưng trâu, chúng cùng cất lên tiếng hát trong trẻo, ngây thơ; cùng bắt đầu với những nét vẽ đầu đời khi coi lưng trâu là bảng. Không những vậy, chúng còn hò reo vui vẻ thả diều trên lưng trâu. Con diều bay cao cao mãi trên bầu trời đã mang theo bao nguyện ước ngày xanh.


Con trâu còn là biểu tượng đẹp cho phẩm chất và tính cách của người Việt Nam. Là một trong 12 con giáp, con trâu là hình ảnh của những con người chịu thương, chịu khó, cần cù và chăm chỉ làm việc. Không chỉ vậy, đó còn là những người hiền lành có nhẫn nại.


Trâu đã trở thành một phần đời sống tinh thần của người Việt. Con trâu gắn liền với những lễ hội nổi tiếng như lễ hội chọi trâu đầy kịch tính ở Đồ Sơn- Hải Phòng hay lễ hội đâm trâu của một số dân tộc ở Tây Nguyên.


Con trâu Việt Nam cũng là đề tài, là nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều tác giả từ bài ca dao “ Trâu ơi ta bảo trâu này” hay trong bài thơ “Quê hương” của Giang Nam.


Những năm gần đây con trâu còn vượt khỏi lũy tre xanh, trở thành biểu tượng của SEAGAMES 22 được tổ chức tại Việt Nam. Ngày nay tuy có nhiều phương tiện lao động hiện đại nhưng con trâu vẫn luôn có một vị trí quan trọng trong đời sống, làm bạn cùng dân tộc ta đến muôn đời.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài văn thuyết minh về con chim bồ câu

Chim bồ câu là giống chim nuôi hiền lành, xinh đẹp, được mọi người ưa thích. Dù ở thành phố hay ở nông thôn, người ta vẫn có thể nuôi được bồ câu.


Tổ tiên bồ câu nhà là bồ câu núi, hiện còn sống hoang dã ở nhiều vùng núi châu Âu, châu Á và Bắc Phi... Chim bồ câu được loài người thuần hóa đầu tiên ở Ai Cập, cách đây khoảng 5000 năm. Cho đến nay, trên thế giới có khoảng 150 giống bồ câu. Ở Việt Nam, chim bồ câu hơi nhỏ, trọng lượng chỉ khoảng năm, sáu lạng, có nhiều màu lông khác nhau như trắng, xám, nâu, xanh đen, đốm... Bồ câu nước ngoài như Pháp, Mĩ, Hà Lan có trọng lượng gần 1 kg


Thân hình của bồ câu gần giống như chim gáy nhưng lớn hơn một chút. Toàn thân chim bồ câu được bao phủ bởi một lớp lông vũ. Mình chim hình thoi, đuôi ngắn xòe rộng khi bay. Cổ chim dài khoảng 6 đến 7 phân, mỏ nhỏ và cong. Đôi mắt màu nâu tròn và sáng. Đầu chim quay đi quay lại rất linh hoạt, giúp chim dễ dàng mổ thức ăn, rỉa lông rỉa cánh.


Đôi chân thanh mảnh màu hồng sậm có vảy bao bọc gồm 4 ngón, 3 ngón trước, một ngón sau đều có móng sắc, giúp chim đi lại nhẹ nhàng. Bồ câu tương đối dễ nuôi. Chúng ăn các loại hạt như thóc, lúa mì, ngô, đỗ... và rất ít khi bị bệnh.


Chim bồ câu nhà tuy sống trong điều kiện nuôi dưỡng tốt song vẫn mang những đặc điểm của chim bồ câu núi. Chúng thích sống thành từng đôi, sống theo đàn, trong những ngăn chuồng khô ráo, sạch đẹp. Con trống có động tác gù mái, con mái đẻ mỗi tháng một lứa hai trứng.


Chim bồ câu bay rất giỏi, có thể đạt tới vận tốc 100 km/h và bay lâu hàng trăm ki-lô-mét không nghỉ như chim bồ câu đưa thư, song khi chúng đi trên mặt đất thì lại chậm chạp và vụng về.


Hiện nay, người ta nuôi chim bồ câu để ăn thịt và làm cảnh. Thịt bồ câu là món ăn cao cấp ngon và bổ. Món miến xào thịt chim, món chim bồ câu rô ti, món chim bồ câu hầm với hạt sen, thuốc bắc có tác dụng bồi bổ sức khỏe rất tốt.


Chim bồ câu gắn bó với đời sống tinh thần của con người từ lâu đời. Mỗi sớm mai, được nghe tiếng chim gù, được nhìn những cánh chim bay vút lên trời xanh, tâm hồn con người trở nên thư thái, dễ chịu vô cùng!


Bố em rất thích nuôi chim bồ câu. Bố đóng cả dãy chuồng cho chim. Những chiếc chuồng được sơn màu xanh lá cây, cửa tròn viền trắng. Trước chuồng là tấm ván rộng chừng ba tấc để làm chỗ cho chim đậu và tắm nắng. Đấy là tổ ấm của những cặp vợ chồng, con cái bồ câu.


Cặp chim non mới nở được gần một tháng. Trông chúng mới ngộ nghĩnh làm sao! Chiếc mỏ màu hồng nhạt to quá cỡ lúc nào cũng há rộng ra như chờ đợi. Tiếng kêu chim chíp yếu ớt. Đôi chân nhỏ xíu lẩy bẩy đỡ tấm thân trụi lủi, thưa thớt mấy đám lông măng. Đôi mắt chúng tròn xoe, ngơ ngác nhìn ngó xung quanh, lấy làm lạ lắm.


Chim mẹ chao nghiêng đôi cánh rộng, nhẹ nhàng đáp xuống bên con. Chim non cuống quýt há mỏ đòi ăn. Chim mẹ mớm mồi từng chút, từng chút vào cái mỏ háu đói. Mặc cho chim non thúc giục, chim mẹ chẳng vội vàng. Chim bố nãy giờ đứng ở đầu chuồng canh chừng. Nó ngắm nhìn chim mẹ, chim con rồi cất tiếng gù gù, vẻ hài lòng lắm.


Cảnh tượng trên gợi lên trong lòng em một niềm xúc động về tình mẫu tử thiêng liêng. Tiếng chim trong buổi sáng giữa vườn cây trái sum suê gợi lên cuộc sống êm ả, thanh bình, đáng yêu biết mấy!


Chim bồ câu rất có ích cho con người. Hình ảnh con chim bồ câu trắng là hình ảnh tượng trưng cho hòa bình và thủy chung của nhân loại.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài văn thuyết minh về con lợn (con heo)

Cuộc sống của con người sẽ trôi đi tẻ nhạt và buồn chán biết bao nếu như không có những con vật để bầu bạn. Nếu như những chú mèo nhỏ xinh là con vật cưng của nhiều người, chú chó là người canh dữ dũng cảm thì chú lợn hiền lành, đáng yêu luôn đem lại cho người ta những giây phút thư giãn và yêu đời.


Chắc hẳn là ai cũng nhận biết được loài vật này, lợn đã trở thành một con vật nuôi quen thuộc với chúng ta. Lợn nhà có nguồn gốc từ lợn rừng, đầu tiên do con người săn bắn và hái lượm, họ bắt được lợn rừng và đem về nuôi. Dần dần con người ý thức và chọn lựa những con lợn tốt để nuôi còn những con kém chất lượng có thể giết thịt nhằm cung cấp thực phẩm. Tổ tiên của lợn chính là lợn rừng, Voncopvialov cho rằng lợn nhà được tạo ra từ các giống lợn rừng châu Âu và châu Á.


Các giống lợn được phân thành các giống lợn chính và các giống lợn phụ. Ở rừng châu Á và châu Âu có tới bốn giống lợn chính và 25 giống lợn phụ. Lợn ngày nay được tạo thành ba giống lợn phụ của châu Á là Sus orientalis, Sus vitatus, Sus crytatus và một giống lợn châu Âu Sus crofa. Lợn rừng và lợn hoang dã cũng là những giống lợn khác nhau ở vùng nhiệt đới và ôn đới. Lợn nước hoặc lợn đầm lầy là giống lợn thích nghi như các động vật bán thủy sinh.


Lợn thuộc vào thứ có guốc. Kích cỡ và hình dạng của lợn thường thay đổi khác nhau tùy theo từng giống. Đầu và toàn thân lợn có thể dài đến 190500mm, đuôi dài từ 35- 450mm. Lợn trưởng thành cơ thể nặng tới 350kg. Mắt của chúng nhỏ và dẹt, nằm cao trên hộp sọ. Tai của lợn khá dài và rủ xuống với một núm lông nằm gần đầu mút.


Hộp sọ của lợn thường dày và có một điểm chấm khá bằng phẳng. Mũi của lợn to bằng bàn tay nắm lại và khá linh động. Cả bốn chân của lợn đều có móng nhưng nó chỉ thể hiện chức năng trong vận động ở các ngón giữa. Những chú lợn khoác lên mình bộ áo màu trắng phớt hồng, điểm xuyết một vài chiếc lông trắng.


Lợn được nuôi để lấy thịt có chất lượng thịt thơm ngon, tỷ lệ thịt xẻ và tỉ lệ mỡ cao trong thân thịt. Lợn có thể sản xuất một lượng mỡ đáng kể. Mỡ là một nguồn dự trữ năng lượng lớn, giúp cho thịt có mùi và vị ngon hơn. Ngoài ra thịt lợn vốn là loại thực phẩm có giá cao, ổn định trên thị trường.


Lợn có rất nhiều đóng góp giá trị cho đời sống của con người. Hầu hết thân thịt lợn đều sử dụng để chế biến hoặc làm thức ăn cho con người. Da của lợn có thể làm thức ăn hoặc cung cấp cho ngành thuộc da, lông có thể được dùng để làm bàn chải, bút vẽ….


Sự phát triển của công nghệ chế biến thịt xông khói, lên men đã tạo nên một số lượng sản phẩm rất đa dạng từ thịt lợn, các công nghệ này đã giúp cho quá trình bảo quản, nâng cao tính đa dạng, hương vị và nâng cao phẩm chất khẩu phần ăn cho con người.


Sau khi được thuần hóa, lợn sớm trở thành một món hàng có giá trị cho việc kinh doanh và buôn bán. Trước khi tiền tệ xuất hiện, con người đã tiến hành trao đổi lợn để lấy các loại hàng hóa khác. Quá trình thương mại diễn ra cũng có nghĩa là con lợn bắt đầu có giá trị kinh tế. Việc bán lợn và các sản phẩm lợn cung cấp một nguồn thu nhập cho hàng triệu gia đình nông dân trên thế giới.


Các sản phẩm này đã ảnh hưởng rộng đến các hoạt động kinh doanh khác như: thương mại, vận chuyển, thị trường, giết mổ, chế biến thức ăn và nhiều lĩnh vực khác nữa. Ngoài ra nó còn có tác dụng kích cầu đối với các ngành chế biến thức ăn, sản xuất con giống, tinh dịch, thuốc thú y và các thiết bị khác. Khi lợn có giá trị kinh tế, chúng là một hình thức tiết kiệm cho người dân.


Lợn đã được xem là một loài vật nuôi có tầm quan trọng không chỉ vì giá trị thức ăn mà còn có các giá trị văn hóa độc đáo. Điều này được thể hiện trong các bài hát, thơ ca, tranh ảnh hội họa, sách. Lợn được xem là có các đặc tính của con người. Nó được thể hiện là các đấng anh hùng hay là kẻ hung dữ trong các chuyện ngụ ngôn.


Những con lợn đem lại nguồn lợi không hề nhỏ cho người dân và mang những giá trị tinh thần to lớn. Vì vậy, ta cần chăm sóc và yêu quý loài vật này.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài văn thuyết minh về con cá chép

Cá chép, một loại cá quen thuộc, gắn bó với đời sống nhân dân ta từ xưa đến nay trên phương diện kinh tế và quan niệm tâm linh. Với vị trí địa lí gần biển, nhiều sông hồ, cá chép đã và đang trở thành nguồn lợi lớn cho người nông dân nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản tại nước ta.


Cá chép có nguồn gốc ở châu u và châu Á, hiện đã có mặt ở hầu hết các ao hồ trên thế giới. Chiều dài tối đa của cá chép có thể lên đến 1,2 mét và nặng tối đa 37,3kg. Cá chép nước mặn thường có xu hướng nhỏ và nhẹ hơn cá nước ngọt. Ở Nhật, cá chép còn có giống cá Koi, loại cá chép có màu sắc sặc sỡ, được nuôi làm cảnh.


Cá chép thường có màu vàng, đen, màu sắc sẫm dần về phía vây lưng. Thân cá chép thon dài, hẹp ở hai phần đầu và đuôi. Vảy cá xếp sát nhau tạo thành lớp bảo vệ cho cá khỏi va xước khi di chuyển. Đầu cá chép nhỏ, mắt đối xứng hai bên cùng hệ thống giác quan gồm mũi, miệng và râu. Mang cá áp sát thân, là cơ quan hô hấp để cá thở được dưới môi trường nước.


Ngoài lớp vây bám dọc thân, cá chép có hai vây nhỏ sát mang giúp di chuyển dễ dàng. Đuôi cá hình rẻ quạt, chia đôi đối xứng có chức năng giữ thăng bằng, giúp cá bơi đúng hướng. Trong quá trình bơi, cá chép uốn mình, hai thùy vây đuôi uốn thành hình số tám, đưa thân cá tiến lên phía trước. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa vây đuôi, vây lưng và và đôi vây ngực khiến cá chép di chuyển nhanh chóng, dễ dàng.


Cá chép thường ăn những thực vật mềm như rong, rêu, thích sống thành bầy để cùng nhau kiếm ăn. Chúng ăn gần như mọi thứ bơi ngang qua chúng bao gồm các loại thực vật thủy sinh, côn trùng, giáp xác, thậm chí là cả cá chết. Cá chép sinh sản theo mùa, mỗi ổ trứng cá sinh sản được từ ba đến bốn nghìn cá thể cá con. Số lượng cá chép mỗi mùa rất lớn, mang đến nguồn lợi kinh tế cao cho người chăn nuôi.


Cá chép có giá trị dinh dưỡng cao, thịt có vị thơm ngon khi nuôi trong môi trường nước sạch. Vây và đầu cá chép được chế biến thành cá bài thuốc Nam gia truyền. Theo y học, cá chép tốt cho bà bầu và sản phụ sau sinh, giúp lợi sữa, bổ tì vị. Tại Việt Nam, cá chép được nuôi chủ yếu ở sông, hồ, dễ bắt, dễ chế biến thành các món ăn bổ dưỡng như cá chép om dưa, cháo cá chép, rán giòn,...


Về tinh thần, cá chép theo quan niệm dân gian được cho là con vật gắn với biểu tượng sức khỏe dồi dào, trường thọ. Truyền thuyết "cá chép hóa rồng" dùng để nhắc đến sự thi cử đỗ đạt của học trò, sự thành công trong làm ăn, buôn bán. Vào dịp lễ Tết, cá chép được coi là phương tiện rước Táo về trời, kết thúc một năm cũ để chào mừng năm mới an khang, thịnh vượng. Cá chép cũng được chọn làm con vật linh, dùng để phóng sinh khi đi chùa chiền, lễ Phật.


Cá chép là loài động vật gần gũi, thân thuộc với người Việt Nam. Để đảm bảo chất lượng và số lượng cá chép, cần bảo tồn, nuôi trồng có kế hoạch, khai thác hợp lý, điều độ để cá chép có điều kiện và khả năng sinh sản tốt, phục vụ nhu cầu con người.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài văn thuyết minh về con gà

Gà là một loài vật nuôi gắn bó với đời sống của người Việt Nam, đem lại nhiều lợi ích cho con người, không chỉ về vật chất mà cả về mặt tinh thần. Một loài vật thân thuộc hiện hữu trong bức tranh làng quê.


Gà là loài gia cầm được nuôi rất phổ biến. Gà có cánh tròn, ngắn, toàn thân phủ lớp lông mao bóng như bôi mỡ, cái đầu bé và cổ dài từ 10cm đến 12 cm . Gà có đôi mắt không tinh, thường không nhìn thấy gì vào buổi đêm. Để thích nghi với việc đào xới tìm mồi, gà có đôi chân sần sùi, móng cùn và cứng phủ những vẩy sừng màu vàng nhạt có cựa ở chân và một cái mỏ vàng khỏe khoắn, để mổ con mồi.


Theo các nghiên cứu, tổ tiên của chúng là gà rừng , theo sự thuần hóa của con người, dần dần chúng mất khả năng bay lượn, đa số chúng sử dụng chân để di chuyển trên mặt đất, đi lại và tìm mồi.Gà cũng có con trống, con mái. Gá trống có cái mào màu đỏ tươi oai vệ, bộ lông óng mượt, chân có cựa sắc nhọn thu hút sự chú ý của con cái.


Những con gà trống còn được coi là đồng hồ báo thức sống, mỗi lần chúng cất tiếng gáy lại là một lần chuyển canh giờ, sự báo hiệu của ngày mới sắp bắt đầu. Còn gà mái, không có cái mào đỏ tươi rực rỡ như gà trống, bộ lông cũng không sặc sỡ, thường chỉ một màu. Vai trò chính của những con gà mái là sinh sản và nuôi con. Chúng thực hiện thiên chức làm mẹ của mình, thường ấp trứng và những con gà con được sinh ra.


Gà mái đẻ một lứa từ 10 đến 20 trứng. Đa số những con gà mái đẻ thường kêu cục tác cục tác, ta lại nhớ đến câu “con gà cục tác lá chanh”. Gà con nở, đón chào một cuộc sống mới bên ngoài vỏ trứng, chúng như những cục bông màu vàng nhỏ xinh vây quanh gà mẹ ,sung túc đủ đầy.Thức ăn của gà thường là thóc hay cám, nhưng chúng vẫn thường đào xới đất để tìm những hạt sỏi, cát hay những con giun đất.


Gà ăn thóc nên thịt của chúng rất thơm và mềm , là một trong những loại thực phẩm phổ biến của con người mang lại nhiều chất dinh dưỡng.Giờ đây, gà được nuôi theo quy mô lớn tại các trang trại với công nghệ cao, phòng dịch bệnh và giảm thiểu số gà chết. Bên cạnh đó trứng cũng là nguồn thức ăn cung cấp một lượng lớn protein tốt cho sự phát triển của con người.


Hàng năm, gà được tiêu thụ khá cao trong thị trường thực phẩm nhưng mỗi mùa bệnh dịch, hàng nhìn con gà bị chết và nhiễm bệnh dịch cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế và sức khỏe con người. Chúng ta cần khắc phục hiện tượng này và bảo vệ chúng bởi chúng là một nguồn cung cấp dồi dào.


Không chi chiếm vai trò quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp của nước ta, mà con gà còn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần. Gà đã đi vào tín ngưỡng của người dân Việt Nam. Tên khác của chúng là “Dậu”. Có năm “Đinh Dậu” cũng là tên gọi phổ biến để gọi năm đối với con người Việt Nam.


Gà còn đi vào những bức tranh Đông Hồ đậm tính truyền thống dân tộc qua nét vẽ của những người nghệ sĩ tài ba. Gà còn là món ăn không thể thiếu, luôn được đặt ở giữa mâm trong những ngày giỗ , cúng bái tổ tiên hay mâm cỗ ngày Tết cổ truyền. Gà còn đi vào lời ru, những lời ca dao từ xa xưa, những câu răn dạy con người ta về cách sống tốt đẹp : “Khôn ngoan đối đáp người ngoài / Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.


Gà là loài vật nuôi quan trọng trong đời sống, gắn bó thân thiết với con người và là một trong những nét truyền thống đẹp của Việt Nam biểu tượng cho những ước mơ cơm áo đủ đầy.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài văn thuyết minh về con bò

Từ những buổi đầu dựng nước, nhân dân ta đã biết tận dụng các con vật được thuần hóa như một công cụ lao động. Theo thời gian, những con vật ấy đã trở thành người bạn thân thiết gắn bó với con người, là cánh tay phải hỗ trợ đắc lực trong quá trình lao động của nhà nông. Những chú bò to khỏe, vạm vỡ là những con vật như thế.


Theo các nghiên cứu thì bò hiện đại đã tiến hóa ra từ một tổ tiên chung là bò rừng châu Âu (B.primigenius). Loài này sống sót cho tới tận thập niên 1600 nhưng chúng đã bị săn bắn đến tuyệt chủng. Bò có ba phân loại chính là Bos primigenius taurus, Bos primigenius indicus và Bos primigenius primigenius. Ở Việt Nam, bò được nuôi ở hầu hết các vùng miền, chủ yếu là bò vàng.


Bò là một loại động vật nhai lại. Bò cũng như trâu, không thể sống và tồn tại nếu không có quá trình nhai lại bởi nhai lại không chỉ có chức năng nghiền nát thức ăn mà còn có tác dụng tăng tiết nước bọt, ổn định môi trường dạ cỏ. Thời gian nhai lại khoảng 5 – 8 giờ/ngày đêm, tùy thuộc vào tính chất vật lý của thức ăn.


Khác với gia súc dạ dày đơn, dạ dày bò có 4 ngăn (dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách và dạ múi khế). Mỗi túi lại có chức năng riêng. Dạ cỏ, dạ tổ ong được xem như phòng lên men yếm khí, tại đây có các quá trình phân giải và lên men các thành phần dinh dưỡng trong thức ăn.


Ðồng thời các sản phẩm của quá trình lên men được hấp thu qua vách dạ cỏ, các tiểu phần thức ăn có kích thước lớn được ợ lên và nhai lại. Dạ lá sách được xem như hệ thống lọc. Dạ múi khế là dạ dày thực của bò và quá trình tiêu hóa thức ăn tại đây theo phương thức tiêu hóa hóa học bằng men.


Nhờ có bộ máy tiêu hóa như vậy nên bò có khả năng sử dụng và chuyển hóa các thức ăn thô xanh (cỏ, lá cây…), các phế phụ phẩm của nông nghiệp (rơm rạ, thân cây ngô…), công nghiệp chế biến (bã bia, bã dứa, bã sắn…) có giá trị hàng hóa thấp, thậm chí không có giá trị thành các sản phẩm có giá trị cao cho con người (thịt, sữa..).


Bò không chỉ là gia súc ăn cỏ mà còn tự gặm cỏ trên đồng cỏ. Nhờ đặc điểm này nên bò đã giúp con người khai thác tối ưu các nguồn lợi thiên nhiên sẵn có (đồng cỏ, bãi chăn thả..) và lao động dư thừa, ngoài độ tuổi. Nhờ vậy, ngành chăn nuôi bò rất thiết thực và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.


Bò cung cấp hai loại thực phẩm có giá trị cao đối với con người là thịt và sữa. Thịt bò được xếp vào loại thịt đỏ có giá trị dinh dưỡng cao. Sữa được xếp vào loại thực phẩm cao cấp vì nó hoàn chỉnh về dinh dưỡng và rất dễ tiêu hóa. Ngày nay khi mức sống càng được cải thiện thì nhu cầu của con người về thịt và sữa trâu bò càng tăng lên.


Bò được sử dụng từ lâu đời nay vào mục đích cung cấp sức kéo để làm đất phục vụ trồng trọt. Ngoài việc làm đất, bò còn được sử dụng để kéo xe vận chuyển hàng hóa và các mục đích lao tác khác như kéo gỗ, kéo nước, kéo cối xay, v.v... Lợi thế của sức kéo bò là có thể hoạt động ở bất kỳ địa bàn nào và sử dụng tối đa nguồn thức ăn tự nhiên tại chỗ và các phụ phẩm nông nghiệp làm nguồn cung cấp năng lượng.


Với việc khai thác những vai trò nói trên của bò thì chăn nuôi bò trước kết là một hoạt động kinh tế. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò cho phép khai thác tối đa các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, kể cả những nguồn năng lượng có thể tái tạo đang bị bỏ phí gây ô nhiễm môi trường như rơm rạ và các phụ phẩm cây trồng khác, để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao cho xã hội. Chăn nuôi bò do vậy mà đã trở thành kế sinh nhai, là một phương tiện xóa đói giảm nghèo, là công cụ để góp phần phát triển bền vững.


Bò đã đi vào đời sống văn hóa của con người. Ở Ấn Độ, bò như con vật thiêng của tôn giáo. Những chú bò giản đơn nhưng lại có vị trí hết sức quan trọng trong cuộc sống. Vì vậy mọi người hãy luôn yêu thương và chăm sóc chúng thật tốt.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Đăng Khoa 2019-12-16 04:48:23
Hay , giàu cảm xúc

Bài văn thuyết minh về con vịt

Cũng như trâu, bò, chó, mèo, gà, lợn thì vịt cũng là một loài vật nuôi vô cùng quen thuộc đối với con người, đặc biệt là đối với người nông dân. Ở Việt Nam, chăn nuôi vịt đã trở thành một ngành nghề riêng biệt đang rất phát triển, đem lại lợi ích kinh tế cao, thịt vịt là loại thức ăn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và được rất nhiều người ưa thích. Tuy nhiên không phải ai cũng có những hiểu biết căn bản về vịt.


Vịt nhà có nguồn gốc từ loài Vịt cổ xanh (tổ tiên của tất cả các giống vịt nhà), chúng xuất hiện các vùng ao đầm, phá của Châu Á, và xuất hiện ở các nước Đông Nam Á cách đây vài ngàn năm, được con người nuôi thả để cung cấp thức ăn và lông.


Cũng giống như những họ hàng của chúng là thiên nga, ngỗng, ngan thì vịt được xếp vào nhóm thủy cầm (loài gia cầm sống, kiếm ăn dưới nước), phân biệt với các loài gia cầm khác là chim và gà. Tên khoa học của vịt là Anas platyrhynchos domesticus thuộc họ Vịt (Anatidae), bộ Ngỗng (Anseriformes), ở Việt Nam, phổ biến nhất là giống vịt cỏ, hay còn gọi là vịt chạy đồng.


Vịt cỏ có nhiều màu lông khác nhau, có con là trắng thuần, có con nâu pha xám, cũng có con màu đen nhạt, một số con khác còn có màu lông như màu cà cuống xem những đốm đen nhỏ. Nguyên nhân vịt nhà có nhiều màu lông như vậy là do quá trình nuôi thả, chúng bị lai tạp giữa nhiều giống khác nhau, nhưng có một điểm chung là loài vịt có một bộ lông mượt mà, dày và không thấm nước, giúp chúng nổi và không bị lạnh khi ở dưới nước lâu.


Thân vịt nhỏ, ngực lép, cổ dài, mắt sáng linh động, chân cao, giữa các ngón có màng bơi, giúp vịt di chuyển dưới nước dễ dàng. Dáng đi của vịt lạch bạch, nhìn khá hài hước, nhưng chúng di chuyển khá nhanh và bơi khỏe, kiếm mồi cũng rất giỏi.


Ngoài ra vịt cũng là một trong số ít các loài vừa có thể di chuyển trên cạn, bơi được dưới nước và còn biết bay bởi đôi cánh to khỏe, dù không bay được xa do thân nặng. Đặc điểm nổi bật nhất của vịt, cũng như toàn Bộ Ngỗng (Anseriformes) là chiếc mỏ dẹt, dài và khỏe, phần lớn chúng có màu vàng hơi cam, thuận tiện cho vịt xúc, rẽ nước tìm mồi. Về cân nặng, thông thường con trống trưởng thành nặng 1,7kg, con mái nhẹ hơn khoảng vào 1,5kg.


Vịt đẻ trứng quanh năm, con mái trưởng thành có thể đẻ từ 150-200 quả trứng mỗi năm, tỉ lệ thụ tinh của vịt rất cao tầm 94,3%, tỉ lệ trứng ấp nở thành con là 81,2%, với tỉ lệ như vậy vịt được xem là loài duy trì giống nòi tốt. Thông thường, một con vịt nuôi từ 65-70 ngày là mọc đủ lông, 70-80 ngày là có thể giết thịt.


Trong những năm gần đây, vịt được nuôi nhiều ở các vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, nơi có nhiều các đầm, phá, sông, đặc biệt nơi đây là vựa lúa lớn nhất, nhì cả nước thế nên sau vụ thu hoạch, vịt nuôi thả có thể kiếm được nhiều thức ăn từ phần lúa gặt còn sót lại.


Về giá trị kinh tế, vịt cỏ những năm gần đây ngày càng chiếm sản lượng lớn trong tổng sản lượng gia cầm cung cấp thực phẩm cho cả nước và xuất khẩu. Thịt vịt có hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu protein, sắt, phốt pho, can xi cùng nhiều loại vitamin khác, khi ăn có vị ngọt, dai và thơm, có thể chế biến nhiều món ăn từ dân dã đến cao cấp.


Trong Đông y thịt vịt có vị ngọt, tính hàn dùng để bổ âm, dưỡng vị, có tác dụng bổ dưỡng, hợp với người mắc chứng âm hư nội nhiệt, mắc chứng nhiệt lâu ngày. Không chỉ thịt có giá trị, trứng vịt cũng là một loại thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hàng ngày, ngoài ra trứng còn được dùng trong việc tạo ra các loại bánh.


Vịt nhà là giống gia cầm quen thuộc, dường như đã trở thành một biểu tượng cho làng quê Việt Nam, đặc biệt là ở những vùng sông nước. Vịt không chỉ mang lại giá trị kinh tế nâng cao thu nhập cho người nông dân mà không phải tốn quá nhiều kỹ thuật chăn nuôi, mà còn đem lại những món ăn ngon, giúp mâm cơm Việt thêm đậm đà bản sắc. Về vùng sông nước không một lần nếm món vịt luộc chấm mắm gừng quả là đáng tiếc.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài văn thuyết minh về con thỏ

Thế giới xung quanh ta thật đa dạng và phong phú với rất nhiều chủng loại. Theo thời gian, con người dần càng gắn bó với các con vật, coi chúng như những người bạn gần gũi và thân thiện. Một số con vật khác được thuần hóa còn trở thành thú cưng của con người. Trong số đó phải kể đến những chú thỏ vô cùng đáng yêu- loài vật mà em yêu quý nhất.


Các giống thỏ nhà trên thế giới hiện nay đều có nguồn gốc từ thỏ rừng (Orytolaguc cuniculus). Thỏ rừng ở châu Âu được phát hiện bởi những nhà ngữ âm học khi họ đến bờ biển Tây Ban Nha vào năm 1000 trước công nguyên. Từ đầu thế kỉ 19 việc nuôi thỏ đã phát triển khắp Tây Âu và được người châu Âu đưa thỏ đi du nhập ở tất cả các nước trên thế giới.


Cuối thế kỉ 19 và nhất là đầu thế kỉ 20 các giống thỏ đã thích nghi với điều kiện nuôi nhốt đã được chọn lọc và thay đổi dần về ngoại hình, sinh lý thích nghi với hoàn cảnh cụ thể và khả năng sản xuất phù hợp. Ở Việt Nam, thỏ được nhập vào cách đây hơn một trăm năm và được nuôi khá phổ biến, rải rác trên mọi vùng miền.


Thỏ là loài gia súc tương đối yếu, khá nhạy cảm và dễ có phản ứng cơ thể với những điều kiện thay đổi của môi trường bên ngoài như nắng, mưa, ẩm độ, nhiệt độ, thức ăn, nước uống, tiếng ồn và các ô nhiễm môi trường khác. Loài thỏ khá đặc biệt với một số tập tính như đào hang làm nơi trú ẩn và sinh sản, sống thành bầy và thông thường số cái nhiều hơn đực, thỏ cái thường dùng các vật liệu kết hợp với lông ở bụng để làm ổ trước khi đẻ, thỏ ăn và uống bất kỳ thời gian nào trong 24 giờ , chúng không ăn thức ăn đã dơ bẩn, đã rơi xuống đất,…


Nhiệt độ là yếu tố quan trọng nhất và ảnh hưởng trực tiếp đối với thỏ. Khi nhiệt độ thấp hơn 10 độ C thỏ cuộn mình để giảm diện tích chống lạnh, nhưng khi nhiệt độ từ 25- 30 độ C thì chúng sẽ nằm dài soải thân thể ra để thoát nhiệt. Thỏ rất thích điều kiện thông thoáng, gió sự lưu chuyển trong không khí vào khoảng 0.3m/giây là thích hợp nhất. Tuy nhiên nếu gió thổi trực tiếp vào cơ thể thỏ thì chúng có thể bị bệnh viêm mũi và cảm lạnh.


Cơ quan khứu giác của thỏ rất phát triển, nó có thể ngửi mùi mà phân biệt được con của nó hay con của con khác. Xoang mũi thỏ có nhiều vách ngăn chi chít có thể ngăn chặn được các tạp chất bẩn trong không khí bụi hoặc từ thức ăn. Nổi bật trên bộ lông trắng muốt là chiếc mũi phớt hồng lúc nào cũng ươn ướt như người bị cảm cúm.


Cơ quan thính giác thỏ rất tốt. Thỏ rất nhạy cảm với tiếng động dù là rất nhẹ. Khi nghe thấy tiếng động, thỏ rất dễ sợ hãi, do vậy trong chăn nuôi tránh tiếng động ồn ào cho thỏ. Trong đêm tối, đôi mắt tròn xoe sáng lên như hai chiếc đèn pha nên vẫn nhìn thấy mọi vật, do vậy thỏ vẫn có thể ăn uống ban đêm cũng như là ban ngày.


Thỏ là loại động vật đẻ con, mỗi lần sinh đẻ, thỏ cái có thể đẻ từ một đến hai con. Tuổi thọ của một con thỏ có thể lên tới 10 năm hoặc hơn nữa tùy vào điều kiện sinh sống. Thỏ rất ưa những nơi thoáng đãng và khí hậu mát mẻ nên khi chăn nuôi, các hộ trang trại cần chú ý đến yếu tố này. Vào mùa đông, thời tiết lạnh giá, nhiệt độ xuống thấp thì ta cần đảm bảo việc giữ ấm cho thỏ để chúng phát triển bình thường và không bị nhiễm bệnh.


Ngày nay việc nuôi thỏ để lấy thịt hay phục vụ một số nhu cầu khác đã đem lại một nguồn lợi kinh tế không hề nhỏ. Trong đời sống tinh thần, thỏ cũng có vị trí khá quan trọng. Thỏ là biểu tượng của Tây Ban Nha vào thời kỳ La Mã. Trong câu chuyện truyền thuyết Chị Hằng- Chú Cuội, chú thỏ ngọc chính là người bạn thân thiết với chị Hằng nơi cung trăng. Thỏ thường được biết đến trìu mến là con vật cưng của nhiều gia đình.


Như vậy những chú thỏ nhỏ xinh không chỉ đáng yêu, ngoan ngoãn mà còn rất hữu ích trong cuộc sống. Bởi vậy chúng ta hãy luôn yêu quý và chăm sóc thật tốt cho loài vật này nhé.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài văn thuyết minh về con chó

Từ xưa đến nay, chó là một loài động vật gắn bó thân thiết với con người. Là một loài vật có nhiều đức tính tốt cũng như lợi ích khi nuôi nên nó được coi như người bạn trung thành của con người.


Chó là loài động vật đầu tiên được loài người thuần hóa làm vật nuôi trong nhà cách đây khoảng mười lăm nghìn năm vào cuối kỉ băng hà. Tổ tiên của loài chó bao gồm cả cáo và chó sói, là một loài động vật có vú. Loài chó mà chúng ta thấy ngày nay được tiến hóa từ một loài chó nhỏ màu xám. Trong tiếng Việt, chó được nhiều người gọi là con cầy. Một số giống chó như là Béc- giê, Collie, Larbador, Chó Bắc Kinh,…


Chó là loài động vật bốn chân, ăn tạp. Kích thước trung bình của chó là dài 40-160 cm. Chó có tuổi thọ trung bình từ mười sáu đến mười tám năm. Chó có bốn chi: hai chân trước và hai chân sau, mỗi bàn chân đều có móng vuốt sắc nhưng khi đi thì cụp vào. Ngực nở, bụng thon. Lúc mới ra đời, chó con không có răng nhưng chỉ sau 4 tuần tuổi đã có thể có 28 chiếc răng.


Bộ hàm đầy đủ của loài thú này là 42 chiếc. Mắt chó có đến 3 mí: một mí trên, một mí dưới và mí thứ ba nằm ở giữa, hơi sâu vào phía trong, giúp bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn. Tai của chúng thì cực thính, chúng có thể nhận được 35.000 âm rung chỉ trong một giây. Đặc biệt, khứu giác của chúng cũng rất tuyệt vời.


Người ta có thể ngửi thấy mùi thức ăn ở đâu đó trong nhà bếp nhưng chó thì có thể phân biệt từng gia vị trong nồi, thậm chí những chú chó săn còn tìm ra những cây nấm con con nằm sâu trong rừng, vì chúng có thể phân biệt gần 220 triệu mùi. Chó phân biệt vật thể đầu tiên là dựa vào chuyển động sau đó đến ánh sáng và cuối cùng là hình dạng.


Vì thế thị giác của chúng rất kém. Ta có thấy vào mùa đông lạnh, thỉnh thoảng chó hay lấy đuôi che cái mũi ướt át, đấy là cách chúng giữ ấm cho mình. Chó có đến 2 lớp lông: lớp bên ngoài như chúng ta đã thấy, còn lớp lót bên trong giúp cho chúng giữ ấm, khô ráo trong những ngày mưa rét, thậm chí còn có nhiệm vụ “hạ nhiệt” trong những ngày oi bức.


Chó có bộ não rất phát triển, xương quai hàm cứng. Đặc biệt, tai và mắt chó rất thính và tinh vào ban đêm. Chó vẫy đuôi để biểu hiện tình cảm. Chó là loài động vật có bộ phận tiêu hóa rất tốt. Chó có đặc tính là chạy rất nhanh bằng bốn chân, tốc độ lao về phía trước khoảng từ bảy mươi đến tám mươi kilomet một giờ. Hơn nữa, chó cũng có khả năng đánh hơi rất tài. Hiện nay chó hoang dã vẫn còn tồn tại, nhưng chó được thuần dưỡng như chó nhà, chó cảnh thì phổ biến hơn.


Chúng ta phải thừa nhận một cách chắc chắn rằng chó là một con vật “đa năng”: chó giữ nhà, chó cảnh, chó cứu hộ, chó thể thao, chó nghiệp vụ…Loại chó bắt được tội phạm được gọi là chó nghiệp vụ, trinh thám và thường rất to, cao, tai vểnh, hoạt động nhanh nhẹn, linh hoạt và thông minh.


Chúng được nuôi rất công phu. Một số loại chó khác như chó săn thường rất khôn. Chó cứu hộ được dùng trong việc cứu hộ ở các bến cảng, sân bay, nơi xảy ra sự cố. Ở một số nước, người ta còn sử dụng chó để chăn cừu, kéo xe, dẫn đường cho người khiếm thị,…Khi là vật nuôi trong nhà, những chú chó chẳng khác nào những người vệ sĩ trung thành. Không thể kể hết những công việc mà chó có thể giúp đỡ hoặc thay thế con người.


Ngoài ra thịt chó cũng là một loại thức ăn rất giàu chất đạm. Nhưng không hẳn là chỉ có ích, nó còn rất dễ bị bệnh, đó là bệnh “dại”. Thường là thời gian đầu chó rất bình thường, ít người phát hiện ra để đề phòng. Khi bị chó dại cắn, lúc bấy giờ mới thấy rõ việc nguy hiểm đến tính mạng con người. Vì vậy cần phải tiêm phòng cho chó thường xuyên theo định kì để tránh bị mắc bệnh.


Chó là loài động vật rất có ích trong mọi lĩnh vực. Chó còn là bạn của con người bởi sự thông minh, lanh lợi, trung thành và nhiều tác dụng của nó. Chó được coi là loài động vật rất quan trọng và giúp việc đắc lực cho con người. Con chó luôn ở bên cạnh ta trong phú quý cũng như trong lúc bần hàn, khi khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau. Vì thế, chúng ta cần yêu thương và chăm sóc tốt cho chúng.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bài văn thuyết minh về con mèo


Có rất nhiều loài vật đã được con người thuần hoá, nuôi dưỡng và trở thành "thú cưng" trong mỗi giã đình. Nhưng trong số đó, có thể nói mèo là loài vật được yêu chiều, nâng niu nhất.

Mèo nhà là một phần loài trong họ mèo (trong họ mèo còn có báo, linh miêu..). Theo những căn cứ khoa học đáng tin cậy thì chúng đã sống gần gũi với loài người trong khoảng từ 3.500 năm đến 8.000 năm.

Có rất nhiều các giống mèo khác nhau, một số không có lông hoặc không có đuôi. Các màu lông mèo rất đa dạng: màu trắng, màu vàng, màu xám tro... Có những chú mèo mang nhiều màu lông nên có những tên gọi như mèo tam thể (có ba màu lông), mèo vằn (hai màu lông chạy xen nhau), mèo đốm,...

Mèo con từ 1 tháng tuổi trở lên đã được mèo mẹ dạy các động tác săn bắt mồi như chạy, nhảy, leo trèo, rình và vồ mồi. Mèo 4 tháng tuổi có thể bắt được chuột, gián, thạch sùng... Chúng giao tiếp bằng cách kêu "meo”, "mi-ao", "gừ-gừ", rít , gầm gừ và ngôn ngữ cơ thể. Mèo trong các bầy đàn sử dụng cả âm thanh lẫn ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp với nhau.

Thông thường mèo nặng từ 2,5 kg đến 7 kg. Cá biệt, một số chú mèo từng đạt tới trọng lượng 23 kg vì được cho ăn quá nhiều. Trái lại, cũng có những chú mèo rất nhỏ (chưa tới 1,8 kg), ở tình trạng nuôi trong nhà, mèo thường sống được từ 14 năm tới 20 năm. Chú mèo già nhất từng biết đến trên thế giới đã sống 36 năm.

Mèo giữ năng lượng bằng cách ngủ nhiều hơn đa số các loài động vật khác, đặc biệt khi chúng già đi. Thời gian ngủ hàng ngày có khác nhau, thường là 12 giờ đến 16 giờ, mức trung bình 13 giờ đến 14 giờ. Một số chú mèo có thể ngủ 20 giờ trong ngày. Vì thường chỉ hoạt động nhiều lúc mặt trời lặn, mèo rất hiếu động và hay đùa nghịch vào buổi tối và sáng sớm.

Mèo là những "vận động viên điền kinh" tài giỏi có thể chạy rất nhanh và nhảy xuống đất từ độ cao lớn. Có điều đó vì chúng có cấu tạo cơ thể rất đặc biệt.

Mèo có bốn chân, mỗi bàn chân đều có vuốt và đệm thịt ở phần tiếp xúc với mặt đất. Giống như mọi thành viên khác của họ mèo, vuốt của mèo thu lại được. Bình thường, ở vị trí nghỉ các vuốt được thu lại trong da và lông quanh đệm ngón.

Điều này giữ vuốt luôn sắc bởi chúng không tiếp xúc với mặt đất cũng như cho phép mèo đi nhẹ nhàng rình mồi. Các vuốt chân trước thường sắc hơn so với phía sau. Mèo có thể giương một hay nhiều vuốt ra tùy theo nhu cầu. Khi rơi từ trên cao xuống, mèo có thể sử dụng cảm giác thăng bằng sắc bén và khả năng phản xạ của nó tự xoay thân tới vị trí thích hợp.

Khả năng này được gọi là "phản xạ thăng bằng." Nó luôn chỉnh lại thăng bằng cơ thể theo một cách, khiến chúng luôn có đủ thời gian thực hiện phản xạ này khi rơi. Giống như chó, mèo là loài vật đi trên đầu ngón chân: chúng bước trực tiếp trên các ngón, các xương bàn chân của chúng tạo thành phần thấp nhìn thấy được của cẳng chân.

Mèo có thể bước rất chính xác, bởi vì khi đi, chúng đặt bàn chân sau (hầu như) trực tiếp lên đầu của bàn chân trước, giảm thiểu tiếng ồn và dấu vết để lại. Điều này cũng giúp chúng có vị trí đặt chân sau tốt khi bước đi trên bề mặt gồ ghề. Hỗ trợ đắc lực cho mèo trong quá trình di chuyển, ngoài chân ra còn có đuôi. Đuôi mèo dài và uyển chuyển, chúng được dùng để xua đuổi ruồi muỗi. Nhưng chức năng chủ yếu là giữ thăng bằng khi chạy nhảy leo trèo.

Tai mèo khá thính. Đa số mèo có tai thẳng vểnh cao. Nhờ tính năng động cao của cơ tai mà mèo có thể quay người về một hướng và vểnh tai theo hướng khác. Mắt mèo cũng là một bộ phận khá đặc biệt. Nghiên cứu cho thấy tầm nhìn của mèo tốt nhất vào ban đêm so với người, và kém nhất vào ban ngày. Màu mắt của mèo khá đa dạng: màu vàng, màu đen, màu nâu, màu xanh... về thính giác, con người và mèo có tầm thính giác ở mức thấp tương tự như nhau, nhưng mèo có thể nghe được những âm thanh ở độ cao lớn hơn, thậm chí tốt hơn cả chó.

Khi nghe âm thanh nào đó, tai mèo sẽ xoay về hướng đó; mỗi vành tai mèo có thể quay độc lập về hướng nguồn âm thanh. Khứu giác của mèo cũng rất phát triển. Nó mạnh gấp 14 lần so với của con người. Số lượng tế bào khứu giác ở mũi của chúng cũng nhiều gấp đôi, do dó mèo có thể ngửi thấy những mùi mà chúng ta không nhận thấy được.

Mèo là động vật ăn thịt thế nên đối tượng để nó săn mồi cho nhu cầu sinh tồn là những loài vật nhỏ như: chuột, rắn, cóc nhái, cá... Vũ khí để săn mồi là móng vuốt. Khi gặp con mồi, nó thường đứng từ xa cách con mồi khoảng chừng 5 đến 6 mét. Sau đó nó nằm bẹp hạ cơ thể xuống sát đất, mắt chăm chăm nhìn không nháy mắt đến đối tượng đồng thời bước tới con mồi cần săn rất nhẹ nhàng.

Khi đến gần khoảng cách mà nó cảm thấy ăn chắc, loài mèo tung ra sức mạnh cuối cùng bằng cách đẩy mạnh 2 chân sau và đồng thời phóng mạnh toàn cơ thể tới phía trước và dùng móng sắc nhọn duỗi thẳng ra và chụp lấy con mồi. Ngày nay, loài mèo luôn sống với người qua nhiều thế hệ con cháu. Cho nên, thức ăn của loài mèo là cơm hoặc thức ăn sẵn. Nhưng thức ăn ưa thích nhất của loài mèo vẫn là món cá.

Mèo thường tránh nơi ẩm ướt và ở rất sạch sẽ. Để làm vệ sinh cho cơ thể, nó thường thè lưỡi ra, tiết nước bọt vào chân của nó rồi bôi lên mặt và toàn thân thể. Hành động này cho thấy mục đích nó muốn xóa sạch các vết bẩn, ngay cả hơi tay của con người vừa mới bồng hay vuốt ve nó. Loài mèo luôn tự làm lấy vệ sinh cho cơ thể nhiều lần trong ngày, thường là lúc nó mới ngủ dậy hay đi đâu đó về. Hành động đó đã trở thành thói quen thường thấy ở loài mèo ngay cả khi cơ thể của nó không có vết bẩn nào cả.

Trải qua một thời gian dài được con người thuần dưỡng, ngày nay, mèo đã trở thành một loài vật cưng trong nhiều gia đình, đặc biệt là các em nhỏ. Mèo không chỉ là một "người bảo vệ", một "dũng sĩ diệt chuột" mà còn là một loài vật cảnh hết sức dễ thương. Có lẽ bởi vậy, tinh cảm giữa con người và loài mèo sẽ ngày càng gắn bó hơn.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?