Vương Gia Vệ là đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất phim nghệ thuật nổi tiếng hàng đầu Hồng Kông trong thập niên 1990. Với những cống hiến của mình, ông được xem là một trong những đạo diễn châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại. Vương Gia Vệ cũng là đạo diễn người Hoa đầu tiên đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes năm 1997 cho bộ phim Xuân quang xạ tiết. Ngoài ra, ông cũng 3 lần giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần lượt vào năm 1991, 1994 và 2014. Chính vì vậy trong bài viết dưới đây Toplist sẽ giới thiệu những tác phẩm được đánh giá là hay nhất của đạo diễn tài năng này.
Đọa lạc thiên sứ (1995)
Đọa lạc thiên sứ được xem như tác phẩm nối tiếp mạch truyện của Trùng Khánh Sâm Lâm, bộ phim đã gây tiếng vang lớn với sự góp mặt của hàng loạt nghệ sĩ trẻ tuổi hàng đầu vào thời điểm ra mắt. Dàn diễn viên chính gồm: Lê Minh, Kaneshiro Takeshi, Lý Gia Hân, Dương Thái Ni và Mạc Văn Úy.
Tác phẩm đã khắc họa rõ nét, chân thực câu chuyện tình yêu bằng màu sắc, cảm xúc thông qua lối quay phim đặc trưng riêng của Vương Gia Vệ. Câu chuyện kể về một gã sát thủ bỏ lại sau lưng những tội lỗi để sống một cuộc sống mới, trong quá trình làm nhiệm vụ, anh phải hợp tác với người trợ tá của mình và cô đã nảy sinh tình cảm với anh, tuy nhiên đối với Minh, cô chỉ đơn thuần là đối tác.
Đọa lạc thiên sứ đã ẵm giải biên kịch và mỹ thuật tại LHP Kim Mã Đài Loan lần thứ 32, ngoài ra tác phẩm còn chiến thắng 3 giải là: âm nhạc, quay phim và nữ diễn viên chính trong Giải thưởng điện ảnh Hong Kong lần thứ 15.
Rotten Tomatoes: 7.9/10
IMDb: 7.7/10
Tâm trạng khi yêu (2000)
Chính thức công chiếu năm 2000, Tâm trạng khi yêu là bộ phim tình cảm lãng mạn lấy bối cảnh Hong Kong những năm 1960. Bộ phim được khán giả và giới phê bình nghệ thuật đánh giá cao và là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Vương Gia Vệ.
Tâm trạng khi yêu là tác phẩm khá thử thách cho dàn diễn viên chính bởi phim ít lời thoại, là chồng và vợ của hai gia đình khác biệt nhưng sống gần nhau, cả hai nhận ra bạn đời của mình đã phản bội nhưng chính họ lại đang trăn trở về tình yêu dành cho đối phương. Thời điểm kết thúc của phim là vào năm 1966, đây cũng là lúc mở đầu Cách mạng văn hóa Trung Quốc và là thời điểm một năm trước khi các cuộc bạo loạn ở Hong Kong nổ ra.
Cuối phim là cảnh Châu Mộ Văn thì thầm những bí mật luôn cất giấu trong tim vào hốc cây để nhớ về quãng thời gian đã mất. Không chỉ là đoạn kết dang dở của một cuộc tình mà nó còn đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên và tương lai vô định đang ở phía trước, như số phận của Hong Kong.
Bộ phim đã liên tục gặt hái các giải thưởng lớn như: Giải nam diễn viên chính, giải nghệ thuật âm thanh xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Cannes lần thứ 53. Cho tới các giải tại Oscar hay LHP Montreal lần thứ 24,... và đưa đạo diễn Vương Gia Vệ gia nhập hàng ngũ nhà làm phim xuất sắc nhất thế giới.
Rotten Tomatoes: 7.9/10
IMDb: 8.1/10
Nhất đại tông sư (2013)
Nhất đại tông sư là câu chuyện về một võ sư Vịnh Xuân quyền - Diệp Vấn, một nhân vật nổi tiếng là bậc thầy về võ thuật của Trung Quốc. Diệp Vấn là người đã lập nên môn phái Vịnh Xuân Quyền và có cho mình những người học trò vô cùng xuất sắc. Nổi bật nhất có thể kể tới Lý Tiểu Long.
Bao trùm Nhất đại tông sư là một tông màu đen chủ đạo, Diệp Vấn (Lương Triều Vỹ thủ vai) đội mũ trắng, chân đi giày sắt đã một mình đối đầu với đám đông kẻ thù. Tác phẩm gây được tiếng vang lớn bởi đây là bộ phim hợp tác giữa các nhà sản xuất của Trung Quốc, Hồng Kông, Australia, Mỹ, Pháp, Singapore,... với sự góp mặt của các gương mặt đình đám Lương Triều Vỹ, Chương Tử Di, Song Hye Kyo.
Rotten Tomatoes: 6.7/10
IMDb: 6.6/10
Đông Tà Tây Độc (1994)
Bộ phim là câu chuyện xoay quanh đề tài kiếm hiệp được đạo diễn tài năng Vương Gia Vệ thực hiện vào năm 1994. Đông Tà Tây Độc được lấy ý tưởng từ những nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm Anh hùng xạ điêu của cố nhà văn Kim Dung sáng tác.
Với sự tham gia của loạt sao hạng A là Trương Quốc Vinh, Lương Triều Vỹ, Lâm Thanh Hà, Trương Mạn Ngọc cùng với chi phí đầu tư lớn, tuy nhiên Đông Tà Tây Độc lại thất bại về mặt doanh thu. Bù lại, bộ phim đã được liệt vào hàng kinh điển của điện ảnh Hồng Kông, đặc biệt nó còn được đánh giá là một trong những phim xuất sắc nhất của đạo diễn Vương Gia Vệ.
Rotten Tomatoes: 6.8/10
IMDb: 7.1/10
A Phi chính truyện (1990)
A Phi chính truyện là một trong những tác phẩm đầu tay của đạo diễn Vương Gia Vệ kể về bi kịch khi những người trẻ tuổi đang mất phương hướng ở thập niên 1960. Không có bất cứ một nhân vật nào có cái tên A Phi, mà A Phi chính truyện (sự thật về A Phi) chính là một cách chơi chữ. Phi nghĩa là bay, ông dùng để ám chỉ về lứa thanh niên có lối sống phóng túng trong xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ.
Trong phim, hình ảnh Hong Kong hiện lên một vẻ u tối và buồn bã, tòa nhà xập xệ, căn phòng trống trải trái ngược với ánh sáng lung linh của đô thị chiếu vào những vũng nước tù đọng trong các con ngõ hẹp. Là nơi con người ta có tình với nhau nhưng chỉ đi lướt qua nhau mà không hề chạm vào nhau, bốt điện thoại tróc sơn, cũ kỹ nơi góc phố reo vang nhưng không người nào nhấc máy.
Hong Kong cùng tuổi trẻ của họ như một giấc mộng, đầy mơ hồ, tưởng như rất gần mà lại rất xa,... tất cả đem lại cảm giác buồn man mác khiến khán giả cứ thổn thức mãi không thôi.
A Phi chính truyện đã được tôn vinh với 6 giải thưởng tại LHP Kim Mã Đài Loan và 5 giải tại Giải thưởng điện ảnh Hồng Kông, đặc biệt, bộ phim đã giúp Vương Gia Vệ chiến thắng giải đạo diễn xuất sắc nhất.
Rotten Tomatoes: 7.7/10
IMDb: 7.5/10
Trùng Khánh sâm lâm (1994)
Trùng Khánh sâm lâm là tác phẩm gây tiếng vang lớn của đạo diễn Vương Gia Vệ, tác phẩm đã đưa ông lên tầm đạo diễn quốc tế.
Theo nghĩa đen, “Trùng Khánh Sâm Lâm” có thể hiểu là khu rừng Trùng Khánh, tuy nhiên trong trường hợp này Vương Gia Vệ đã sử dụng nó như một cách ẩn dụ. Vào bữa tiệc giao thừa năm 1993, một vụ giẫm đạp đẫm máu đã xảy ra tại Lan Quế Phường, kết quả khiến 21 người thiệt mạng, đây cũng chính là một trong những bối cảnh chính của Trùng Khánh sâm lâm.
Tới 1994, Thống đốc Chris Patten đã đưa ra một vài cải cách chính trị, mục tiêu nhắm tới là thế hệ trẻ, tiêu biểu là giảm tuổi được bầu cử xuống còn 18. Hong Kong trong Trùng Khánh sâm lâm được miêu tả bùng nổ với những dải sắc màu rực rỡ chói lòa giữa những âm thanh chói tai, tác phẩm đã thực sự chụp được một Hong Kong trong những khoảnh khắc điên rồ và lãng mạn nhất.
Với nội dung chính xoay quanh chuyện tình yêu của 2 đôi nam nữ, Trùng Khánh sâm lâm đã khắc họa rõ nét nỗi cô độc của thế hệ trẻ Hong Kong đang sống trong những “khu rừng” cao ốc đô thị.
Rotten Tomatoes: 7.9/10
IMDb: 8.1/10
Xuân Quang Xạ Tiết (1997)
Xuân Quang Xạ Tiết xoay quanh mối tình buồn của hai người đàn ông là Bảo Vinh và Diệu Huy. Cả hai bắt đầu tình yêu ở Trung Quốc và quyết định sẽ đi du lịch tại Argentina để hâm nóng lại tình yêu sau những lần cãi vã.
Dù đây là đề tài được đánh giá là phá cách khi nói về tình yêu đồng giới nhưng Xuân Quang Xạ Tiết đã được khán giả, nhà phê bình nghệ thuật đón nhận bởi cách thể hiện đầy tính nghệ thuật và cảm xúc. Đặc biệt là nỗi buồn sâu sắc xuyên suốt mạch phim.
Đây được xem như là một trong những bộ phim về tình yêu đồng tính xuất sắc nhất thế giới. Ngoài ra Xuân quang xạ tiết cũng được đánh giá là một trong những bộ phim hay nhất của điện ảnh châu Á mọi thời đại. Trong phim, khả năng diễn xuất của cặp đôi Lương Triều Vỹ và Trương Quốc Vinh cũng được giới chuyên môn đánh giá rất cao.
Nhờ Xuân Quang Xạ Tiết, Vương Gia Vệ đã vinh dự đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes lần thứ 50 (1997).
Rotten Tomatoes: 7.3/10
IMDb: 7.7/10
Căn phòng 2046 (2004)
Căn phòng 2046 tiếp tục là một trong những bộ phim thành công ấn tượng của đạo diễn Vương Gia Vệ. Tại giải Kim Tượng, tác phẩm đã chiến thắng cả 2 hạng mục quan trọng là nam, nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Ngoài ra, phim còn nhận được nhiều đề cử cũng như giải thưởng uy tín khác.
Trong Căn phòng 2046, dù cho mang trên mình thân phận nào thì các nhân vật đều có những ám ảnh của quá khứ, họ đều có những trăn trở và dằn vặt riêng để rồi tạo nên sự bất an không bao giờ dứt.
Họ, những con người ấy đều mang trong mình những câu hỏi nhưng không có được lời giải đáp về tình yêu: anh ấy, cô ấy liệu có yêu tôi không,... Không trả lời là vì không yêu hay chỉ đơn giản là không muốn gây ra tổn thương.
Rotten Tomatoes: 7.4/10
IMDb: 7.4/10