Phật giáo là tôn giáo được nhiều người tin tưởng và hướng tới. Phật giáo được nhắc đến trong đời sống hàng ngày, trong các cuốn sách và trong cả những bộ phim. Các bộ phim chính là những tác phẩm truyền tải triết lý cao đẹp của Phật gia một cách hay, sinh động và sâu sắc nhất, vốn luôn được rất nhiều khán giả đón chờ và mến mộ. Sự thành công của các bộ phim là nhờ những câu chuyện hấp dẫn với những thông điệp nhân văn đầy ý nghĩa. Không những thế, các bộ phim này sẽ giúp cho bạn được hóa giải được những khó khăn, bế tắc trong cuộc sống, giúp thanh lọc tâm hồn bạn, đem tới cho bạn những cảm giác bình an và hạnh phúc. Hôm nay, Toplist sẽ mang đến cho bạn thông tin về những bộ phim về Phật giáo hay và nên xem nhất mọi thời đại.
Sự tích Di Lặc Bồ Tát
Đức Di Lặc là một vị Phật thứ năm trong Hiền Kiếp (Bốn vị Phật trong Hiền Kiếp đã ra đời là: 1. Đức Câu Lưu Tôn, 2. Đức Câu Na Hàm, 3. Đức Ca Diếp, 4. Đức Thích Ca Mâu Ni) để nối ngôi Phật Thích Ca làm Giáo chủ cõi Ta Bà, hiệu là Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật. Nhưng do thời tiết nhân duyên chưa đến, trong thời Đức Phật còn tại thế, Ngài là một vị Đại Bồ Tát tên là A Dật Đa, vì lòng bi nguyện thiết tha mà ứng hiện ra đời để giáo hóa chúng sanh. Ngài hiện đang là Giáo chủ của cung Trời Đâu Suất Nội Viện và thường hay hóa thân trong mười phương thế giới để thuyết pháp độ sanh, hóa độ chúng sanh hữu tình với lòng từ bi và trí tuệ vô hạn, cùng phương tiện giáo hóa thiện xảo linh hoạt, muôn hình vạn trạng.
Đây là bộ phim truyện truyền hình cổ trang dài 45 tập do Đài Loan sản xuất và công chiếu vào năm 1997, tên gốc là "Bố Đại Hòa Thượng", kể về những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, những sự tích thần kỳ, linh dị có thật của vị Hòa thượng có tên Bố Đại thời nhà Lương đời Ngũ Quý ở Trung Quốc, vốn được truyền tụng là hóa thân của Bồ Tát Di Lặc đến nhân gian giáo hóa chúng sanh. Tánh Ngài hay khôi hài và chỗ ăn và nằm ngày đêm không có nhứt định, mà Ngài đi đâu rồi cũng thấy trở về Chùa Nhạc Lâm mà trú ngụ.
Qua những câu chuyện hấp dẫn, tình tiết éo le và hài hước, phim truyền tải những thông điệp tích cực về Thiện-Ác, Tốt-Xấu trong nhân cách con người, về quy luật Nhân-Quả trong thế gian một cách hài hước nhưng thiết thực. Người xem sẽ giác ngộ được nhiều chân lý cao quý của Phật pháp, thấu cảm sâu sắc lòng Từ Bi Hỷ Xả và Trí Tuệ xuất thế gian cao tột của bậc Đại Bồ Tát cứu độ thế nhân. Chiếc túi vải tượng trưng cho rất nhiều ý nghĩa, mang vô lượng vô biên pháp nghĩa và pháp lực cùa Hòa thượng Bố Đại, cứu độ chúng sinh không hề chướng ngại.
Phim diễn viên Vương Minh Trị thủ vai chính-Bố Đại Hòa thượng, ban đầu được chiếu trên truyền hình Đài Loan, sau đó lan tỏa đến nhiều quốc gia và nhiều kênh phim online, điển hình là Youtube. Sau những tiếng cười sảng khoái qua từng câu chuyện mà phim mang lại, khán giả sẽ được dịp chiêm nghiệm nhiều điều bổ ích để hoàn thiện nhân cách và cuộc sống của mình.
Mật Lặc Nhật Ba truyện ký
"Mật Lặc Nhật Ba" là tên tiếng Việt của Đức Thánh Tăng Tây Tạng MILAREPA. Đây là bộ phim truyện dài 18 tập ngắn (mỗi tập thời lượng khoảng hơn 10 phút) kinh điển và công phu nhất do Nhà xuất bản Thanh Hải Âm Tượng Côn Luân sản xuất, kể về cuộc đời của Đức Đại Thành Tựu Giả vĩ đại Milarepa sống vào thế kỷ 11-12 ở miền Tây Nam Tây Tạng. Đức Milarepa là một vĩ nhân xuất chúng, là vị Phật sống nổi tiếng thế giới của Tây Tạng. Ngài theo đuổi con đường tu khổ hạnh khắc nghiệt nhất, gian khó nhất, bi tráng nhất để rồi cuối cùng thành tựu được tất cả mọi công đức và đại nguyện, chứng ngộ được Chân Tánh Vô Thượng không khác gì Đức Phật Thế Tôn cách đây hơn 3000 năm trước. Cuộc đời tu tập và chứng ngộ của Ngài là một bài học vĩ đại, vô cùng cảm động, sâu sắc và sinh động nhất cho tất cả chúng sanh hậu thế, trải qua 4 giai đoạn chính: (1) Vô minh, tạo ác nghiệp và nếm mùi đau khổ của ác quả; (2) Quá trình giác ngộ khắc nghiệt; (3) Ẩn tu và quảng độ hàm linh; (4) Giai đoạn nhập Niết Bàn.
Bộ phim này miêu tả một các tài tình, chân thực, chi tiết và đầy đủ nhất về cuộc đời của Đức Thánh Toàn Giác Milarepa, là tác phẩm tuyệt vời rất đáng xem. Dàn diễn viên trong phim dường như được chính Ngài gia trì nên diễn xuất vô cùng tự nhiên và nhập thần, khiến người xem tưởng chừng như mình đang được chứng kiến chính Ngài Milarepa sống dậy và hiện thân thuyết pháp vậy. Qua đó, khán giả sẽ như được Từ Lực của Ngài Milarepa lân mẫn gia hộ, khiến cho họ sẽ có được những cảm thức sâu xa, những giác ngộ đối với chân lý cao tột của Giải Thoát Chân Thật, phát sinh lòng tín tâm và cảm phục vô bờ bến đối với vị Thánh giả phương Đông này, cũng như đối với Chánh Pháp Vô Thượng của Phật Thích Ca Mâu Ni.
Phải là người có Phước-Trí rất lớn mới có đủ duyên xem bộ phim xuất sắc, hấp dẫn và đầy lợi ích này. Đức Milarepa tôn quý đã phát đại nguyện rằng: "Bất cứ ai thấy được hình dáng, nghe được đến tên của Ngài, nghe được giáo pháp của Ngài hay biết các đệ tử của Ngài... thì đều sẽ được vĩnh viễn thoát khỏi 3 đường ác (Địa ngục-Ngạ quỷ-Súc sanh) và mau chóng đạt quả vị Bất Thối Chuyển cũng như thành tựu được mọi công đức trên con đường Giác Ngộ, Giái Thoát tối cao." Chúc các bạn may mắn được xem bộ phim này nhé! Phim có phụ đề tiếng Việt-Anh-Hoa và nhiều thứ tiếng khác, tùy các bạn lựa chọn để xem nếu thích ngôn ngữ nào nhất.
Nguyệt Minh Tam Canh
Đây là bộ phim truyện truyền hình cổ trang lịch sử quy mô lớn, dài 28 tập, công chiếu vào năm 2011 nói về cuộc đời của Đại Sư Huệ Năng-vị tổ thứ 6 của Thiền tông Trung Quốc, Ngài cũng là vị Tổ sư cuối cùng theo dòng truyền của Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma. Bộ phim do Trương Hâm làm đạo diễn, Lưu Á Liên và Lưu Hán Long đảm nhiệm biên kịch, diễn viên Hồng Kong nổi tiếng Lữ Lương Vỹ-người sinh ra tại Việt Nam đóng vai chính Lục Tổ Huệ Năng.
Có thể nói, đây là bộ phim truyền hình nhiều tập dài hơi nhất, đầu tư tỉ mỉ và công phu nhất từ trước đến nay về cuộc đời của Tổ sư Huệ Năng. Con người xuất chúng và triết lý Thiền Đốn Ngộ uyên thâm, ưu việt của Ngài được thể hiện qua những tình tiết, lời thoại sâu sắc, những câu chuyện gay cấn, hấp dẫn, kịch tính nhưng không quá rời xa thực tế lịch sử của nhân vật kiệt xuất có thật là Huệ Năng. Một thành công lớn nữa của bộ phim này là ở diễn xuất tuyệt vời của Lữ Lương Vỹ khi hóa thân và vai Lục Tổ Huệ Năng. Người xem sẽ nhiều lần rơi nước mắt cảm động và thán phục trước tượng đài BI-TRÍ-DŨNG của Huệ Năng qua tài diễn xuất nhập thần của Lữ Lương Vỹ.
Trong những bộ phim về Lục Tổ Huệ Năng từ trước đến nay, có thể nói đây là bộ phim công phu nhất, hay và sâu sắc nhất, đáng xem nhất về mặt chất lượng kỹ thuật lẫn nội dung. Ngoài Lữ Lương Vỹ, dàn diễn viên gạo cội đảm nhiệm vai diễn khác trong phim như Tống Giai, Hồng Lợi, Trịnh Tắc... cũng là nhân tố quan trọng làm nên thành công cho bộ phim.
Ngọc Lâm Quốc Sư
Phim còn có tên tiếng Việt là "Thoát vòng tục lụy", tên tiếng Anh là "Continued Fate of Love" tên gốc là "Tái Thế Tình Duyên" (Mối tình chuyển kiếp luân hồi). Bộ phim truyện cổ trang này dài 33 tập, được cải biên từ tiểu thuyết truyện ký "Ngọc Lâm Quốc sư truyện" của Đại sư Tinh Vân, đạo diễn Câu Phong lấy bối cảnh diễn xuất tại chùa Phật Quang Sơn Đài Loan. Năm 1994 phim bắt đầu được công chiếu ở khu vực Hồng Kong và Đài Loan trước, sau đó lan rộng ra các nước và lên kênh Youtube.
Bộ phim tái hiện câu chuyện tình yêu luân hồi chuyển kiếp vô tiền khoáng hậu, độc nhất vô nhị đã tái diễn một cách vô cùng lâm ly bi đát, khắc cốt ghi tâm, đầy kịch tính xung đột nhưng cảm động sâu xa trải qua hai triều đại Đường và Thanh, kéo dài đến hơn 800 năm của một đôi tình nhân trong lịch sử Trung Quốc. Ngọc Lâm là nhân vật có thật, vốn là một tăng nhân xuất gia tại một ngôi chùa lớn triều nhà Thanh trong buổi đầu mới thành lập, sau đó Ngài trở thành Quốc Sư. Nội dung phim kể về mối duyên tình tái thế đầy trắc trở, cay đắng và cảm động giữa nàng thiên kim tiểu thư xinh đẹp và vị sư Ngọc Lâm tuấn tú, nhân duyên tiền kiếp giữa sư Ngọc Lam và Ngọc Lâm. Mạch phim rõ ràng cùng những nhân vật, tình tiết quan trọng, gay cấn, hấp dẫn kịch tính từ đầu đến cuối sẽ lôi cuốn người xem ở mọi tầng lớp.
Trên hết vẫn là tính triết lý và nhân văn sâu sắc làm nên giá trị đích thực của bộ phim. Đó là bài học đắt giá của việc buông bỏ Sở Chấp, Ngã Mạn, Si Ái làm ta đau khổ triền miên, thức tỉnh và hướng con người quay về bến bờ của hạnh phúc, nơi chỉ có Tuệ giác và Lòng Từ Bi-Hỷ Xả. Những ai chưa yêu, đang yêu và đã yêu, hãy thử một lần xem phim để thấy chính mình trong đó. Đây là một trong những bộ phim Phật giáo ý nghĩa và kinh điển nhất mà mọi người đều nên xem.
Quán Thế Âm Bồ Tát
"Quán Thế Âm", tiếng Phạn nghĩa là "Đấng quán chiếu âm thanh của thế gian", là một vị Đại Bồ Tát hiện thân cho lòng Từ Bi của tất cả chư Phật, có 12 đại nguyện chuyện quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian để cứu khổ cứu nạn cho chúng sanh khắp 10 phương thế giới. Theo Phẩm Phổ môn trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, sở dĩ ngài mang tên gọi như vậy là do hạnh nguyện từ bi cứu khổ nạn, mỗi khi chúng sanh bị khổ ách, nguy cấp liền nhất tâm niệm danh hiệu của Bồ Tát thì Ngài liền quán xét âm thanh đó, lập tức cứu họ thoát khỏi tai ách.
Phim có tên gốc là "Quán Thế Âm", là chùm phim truyện Phật giáo tổng hợp dài 26 tập do Trung Quốc sản xuất năm 2005, xoay quanh tư tưởng "Quán Thế Âm Bồ Tát có trăm nghìn ức hóa thân, chỉ cần trong tâm luôn giữ thiện niệm thì người người đều là Quán Thế Âm" của Hòa thượng Tinh Vân. Phim lấy hình tượng không cố định và kể chuyện của những người thường, từ đó bật lên tinh thần lấy Từ Bi làm gốc của Ngài Quán Âm Đại Sĩ. Seri phim gồm những tập rời có tên gốc khác nhau: Quán Âm Diệu Duyên, Ngư lãn Quan Âm (Quan Âm bán cá), Quán Âm lão mẫu (Mẹ già Quán Âm).
Phim là tổng hợp những sự tích dựa trên chuyện thật trong dân gian sâu sắc và cảm động nhất về lòng mẹ, tánh gian ác tham lam, giành giật danh lợi, sự chuyển hóa tâm tánh từ Ác sang Thiện, sám hối lỗi lầm để sống an vui hơn, nhấn mạnh sự tồn tại bất biến của Luật Nhân-Quả. Phim đặc biệt ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng quý giá, đức tính chân thật, bản tâm thanh tịnh, thiện lành của con người, đó cũng chính là những đức tính cao cả mà Đức Quán Thế Âm muốn giáo dục cho thế nhân.
Nếu ai là người yêu thích phim Phật giáo thì không thể bỏ qua bộ phim kinh điển này, vì bạn chắc chắn sẽ thấy mình trong đó! Bạn sẽ được học hỏi đạo đức cao đẹp của cổ nhân để quán chiếu, soi rọi lại mình, biết rằng Nhân Quả báo ứng không thiên vị bất cứ ai. Nó thôi thúc bạn cố gắng sống sao cho hợp với luân thường đạo lý, tích cực hành thiện tích đức để có một kiếp sống xứng đáng như lời Phật dạy: "Thân người khó được, Phật pháp khó nghe".
Xem phim tại: https://www.youtube.com/playlist?list=PLFp-TCPxl7gsBHy7ByGvgP_wADmHkOwGY
Chú sa di hoan hỷ nhìn cuộc đời
Đây là bộ phim hoạt hình dài 100 tập do chùa Phật Quang Sơn Đài Loan sản xuất, chuyển thể từ tác phẩm "Giữa Mê và Ngộ" của Đại sư Tinh Vân. Bản tiếng Việt do Thích Minh Khiết biên dịch, nhóm Phật tử Hoa Minh phụ trách thuyết minh. Dù là phim hoạt hình nhưng có thể nói bộ phim này là tổng hợp rất nhiều bài học giáo lý căn bản nhưng vô cùng uyên thâm và quan trọng của Phật giáo. Mạch phim rất khéo léo dùng hình ảnh và những câu chuyện thường ngày trong đời sống tu tập nơi tự viện của chú Sa di mang tên Hoan Hỷ để biểu đạt một cách tự nhiên, giản dị nhưng không kém phần sâu sắc.
Bộ phim đem đến những bài học đạo đức dạy người hành thiện, sám hối sửa chữa lỗi lầm, không nên kiêu ngạo... đó là những kinh nghiệm về sự tu dưỡng, rèn luyện thân tâm căn bản mà mỗi người đều phải có, không phân biệt thời đại, tôn giáo, quốc gia, dân tộc, tầng lớp nào cả. Do vậy, nó phù hợp với mọi tầng lớp, mọi đối tượng, nhất là trẻ em. Hai câu đầu tiên rất nổi tiếng của ca khúc chủ đề phim: "THIÊN ĐƯỜNG Ở NƠI ĐÂU? LÀ BIẾT ĐỦ, THƯỜNG VUI. ĐẠO TRÀNG Ở NƠI ĐÂU? LÀ TỪ-BI-HỶ-XẢ"-một câu pháp ngắn gọn nhưng vô cùng sâu sắc, đúng với tinh thần cốt tủy của đạo Phật.
Xem phim tại: https://www.niemphat.vn/chu-sa-di-hoan-hy-nhin-cuoc-doi/
Travellers and Magicians
Travellers and Magicians là bộ phim được sản xuất năm 2004 - là một sản phẩm xuất sắc của nền điện ảnh Bhutan. Nhân vật chính trong phim là Dondup - một công chức chính phủ, bị điều đến làm việc tại một ngôi làng hẻo lánh. Cuộc sống nơi đây buồn tẻ đến mức hoạt động giải trí duy nhất là vài cuộc thi bắn cung của những thanh niên trong làng. Trong hoàn cảnh đó, Dondup biết đến nước Mỹ qua những tấm áp phích trong làng. Giấc mơ đến nước Mỹ ngày càng lớn, Dondup quyết định mặc chiếc áo Tôi yêu New York và lên đường. Trên hành trình thực hiện ước mơ đến nước Mỹ, Dondup đã gặp những con người mới, trong đó có những bài học của nhà sư - ông liên tục mang đến cho anh những bài học về sự lựa chọn sai lầm. Cũng trong chuyến hành trình đó, anh đã gặp và bị lôi cuốn bởi cô gái ngây thơ Sonam.
Trong phim, đạo diễn ý thức rõ ràng về việc phản ánh mâu thuẫn giữa một đất nước Bhutan truyền thống và ảnh hưởng của phương Tây. Tính cách nhân vật Dondup đại diện cho tốc độ và cường độ xâm nhập của đời sống phương Tây hiện đại. Anh cho rằng chờ đợi các phương tiện giao thông là một sự lãng phí thời gian khủng khiếp. Nhưng những người bạn đồng hành của anh lại coi đó là cơ hội để thư giãn, kể chuyện và chơi nhạc - những “hoạt động hạnh phúc” được đất nước của họ khuyến khích. Ước vọng đến Mỹ lập nghiệp của nhân vật Dondup là ẩn dụ cho sự giằng xé giữa một bên là sự giàu có phương Tây và một bên là lý tưởng của đất nước Bhutan. Quốc gia này sẵn sàng đối sự giàu có lấy một cộng đồng lành mạnh và niềm vui sống của người dân. Ở đoạn kết của phim, đạo diễn để ngỏ cả 2 lựa chọn này cho người xem tự ngẫm.
Về phía mặt trời
Nằm trong dự án “Sen vàng ngát hương” của hãng phim Phật giáo Sen Việt, "Về phía mặt trời" là bộ phim điện ảnh của đạo diễn Nguyễn Văn Điệp, Lâm Ánh Ngọc phụ trách biên kịch, các diễn viên chính: Thanh Long, Minh Hưng, Kim Thông, Quý Ân, Thanh Hồng. Phim kể về cuộc đời thật của cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh-Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Ngài là vị hành giả kiệt xuất của pháp môn Tịnh Độ, là vị cao tăng thạc đức, là ngôi sao Bắc đẩu của Phật học và Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, cũng là vị Dịch giả vĩ đại về Hán tạng kinh điển cho nền Phật giáo nước ta. Ngài là vị tăng đạo cao đức trọng, luôn khiêm cung hạ mình với một đời không ngừng học hỏi, trau dồi tri thức, để lại những thành quả dịch thuật có giá trị từ các bộ kinh tạng lớn như Kinh Pháp hoa, Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, Địa Tạng… làm của báu trên đường tu tập cho người xuất gia lẫn tại gia của Việt Nam.
Phim lấy bối cảnh những năm 1930, tái hiện lại những diễn biến trong cuộc đời của Bình (thế danh của HT.Thích Trí Tịnh) từ lúc 5 tuổi đến lớn, và sau khi xuất gia. Bình lớn lên trong gia đình đã nghèo khó lại không hạnh phúc do những căng thẳng, mâu thuẫn, xung đột từ người chị dâu. Trước sự tàn ác của con người, trước cảnh loài vật bị sát sanh hại mạng, cậu bé Bình đã có những trải nghiệm khổ vui khi giải cứu chúng, từ đó cậu muốn tìm cho mình con đường đi đến hạnh phúc chân thật. Bình đặt ra rất nhiều câu hỏi và thắc mắc về cuộc đời, về kiếp sống nhân sinh, về tất cả...Cho đến khi gặp được Phật pháp, Tam Bảo-chốn nương tựa vững chắc cho tất cả chúng sinh thì cậu mới được thỏa mãn và dừng chân. Thế là trong Bình phát khởi tín tâm vững chắc và sâu xa, quyết buông bỏ trần duyên thế tục đầy phiền trược mà kiên nhẫn theo thầy học đạo tại núi Cấm, thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang. Và Bình đã trở thành người xuất gia đầu Phật chân chính với pháp danh Thiện Chánh, sau đổi thành Thích Trí Tịnh.
Bộ phim là một bản trường ca đầy khí chất hào hùng nhưng vô cùng sâu sắc của người nỗ lực tìm con đường giải thoát, giác ngộ Chân Tánh, cho dù phải trải qua biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ, thử thách. Nó như lời động viên mạnh mẽ cho tất cả ai muốn khai mở Tuệ Giác vốn có để đạt tới hạnh phúc cứu cánh chân thật qua hình tượng cao đẹp, tư duy sâu sắc và lòng từ bi vô tận của cậu bé Bình. Sự hiện thân của Bình chính là lời nhắc nhở cho tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em về ý thức trân trọng sự sống và sinh mạng của chúng sinh, từ đó phát triển lòng yêu thương lân mẫn đến mọi sinh linh trên thế gian, vì chính tình thương yêu muôn loài là chất keo gắn kết mọi người lại với nhau, như tinh thần Đồng Thể Đại Bi cao thượng mà chư Phật Bồ Tát luôn hướng đến.
Đạo diễn Điệp Văn cho biết, bộ phim không chỉ đơn thuần là công cụ điện ảnh, mà mặt khác nhằm tôn vinh công hạnh của những vị đứng đầu, dẫn dắt Phật giáo VN cho đến hôm nay, họ xứng đáng là tấm gương sáng để Tăng Ni, Phật tử học tập và noi theo. Phim là thành quả từ công đức to lớn của GHPGVN, với Ban cố vấn gồm HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, Trưởng BTS GHPGVN TP.HCM; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN; HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN; HT.Thích Trung Hậu, Trưởng ban Văn hóa T.Ư GHPGVN… cùng đơn vị sản xuất là Hãng phim Sen Việt (Sen Viet Media), đạo diễn - Ủy viên Ban Truyền thông T.Ư GHPGVN.
Xuân, Hạ, Thu, Đông...rồi lại Xuân
Đây là bộ phim điện ảnh Phật giáo kinh điển, nổi tiếng nhất của Hàn Quốc được phát hành vào năm 2003, do Kim Ki-Duk viết kịch bản kiêm đạo diễn, với sự tham gia của các diễn viên Su Oh-yeong, Kim Young-min, Seo Jae-kyung, Kim Jong-ho... Đây là tác phẩm điện ảnh Phật giáo kinh điển của thế giới, hoàn chỉnh về hai mặt: nghệ thuật và xiển dương Phật pháp. Phim giành 1 giải thưởng tại Liên hoan phim quốc tế Chunsa 2003, giải phim hay nhất của Giải thưởng phim Blue Jong (Hàn Quốc-2003), giải phim hay nhất Liên hoan Dae Jong lần 41 (Grand Bell Awards) năm 2004, giải thưởng của khán giả Liên hoan phim quốc tế ở San Sebastian (2003), bốn giải thưởng tại Liên hoan phim Locarno (trong đó có giải Young Critics Award)... và nhiều giải thưởng khác, đoạt danh thu hơn 9,5 triệu USD.
Phim khắc họa cuộc sống tu hành của vị sư già sống trong cái am nước nhỏ cùng với chú tiểu mà Ngài nhận nuôi do bị mẹ bỏ rơi từ nhỏ, miêu tả diễn biến tâm lý, mâu thuẫn, đấu tranh nội tại của con người một cách tỉ mỉ và chân thực nhất. Từ đó dẫn người xem như cùng tìm hiểu và thâm nhập quá trình luân hồi của nhân vật chính, đi từ Mê Chấp, Ái Nhiễm cho đến Tạo Ác Nghiệp, Đau Khổ,... cũng như sự luân hồi xoay chuyển của 4 mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông, những mâu thuẫn giữa Thiện-Ác, Mê-Ngộ,...những định luật bất biến như Nhân-Quả, Vô Thường, Luân Hồi...
Cách làm phim của Kim Ki-Duk lắng đọng, thâm trầm, ít thoại, đậm chất Thiền khiến khán giả phải tập trung suy nghĩ, tự lý giải và tự giác ngộ những triết lý uyên thâm của đạo Phật tùy theo trình độ giác ngộ của mỗi người.
Xem phim tại: https://fptplay.vn/xem-video/xuan-ha-thu-dong-roi-lai-xuan-spring-summer-fall-winter-and-spring-531d2cebc969280b42fd2610
Why Has Bodhi – Dharma Come From The East?
Cũng là một tác phẩm của Hàn Quốc nói về một vị lão sư, đệ tử của ông và một cậu thanh niên sống trong một tu viện miền quê yên tĩnh. Bộ phim khá ít lời thoại và diễn biến chậm nhằm khiến người xem phải suy nghĩ nhiều hơn. Những công việc đời thường trong phim như chẻ củi, rót trà, gieo trồng,… trở thành những cơ hội để thấy mình đang thức tỉnh ở hiện tại. Bồ đề Đạt ma đã dùng một phương pháp rất trí tuệ, rồi sau đó là im lặng. Nó khiến ta như bị khiêu khích. Nhưng khi Sư Tổ nói về những nguy hiểm của thế giới bên ngoài, và lòng người luôn sai lạc vì chỉ nghĩ về cái Tôi, rồi mời chúng ta suy ngẫm về điều đó.
Bộ phim tái tạo lại một kinh nghiệm Thiền định, tạo ra cơ hội cho ta thấy được sự đấu tranh nội tâm của mỗi người trong từng giai đoạn của Thiền. Bộ phim ẩn chứa những ý nghĩa và thông điệp khác nhau nhưng đều có chung mục tiêu giúp người xem hiểu thêm về những bài học sâu sắc từ Phật giáo, từ đó sống hướng thiện, an tâm dưỡng tính và khai mở đạo tâm. Đừng ngại chia sẻ bài viết này để bạn bè và người thân của mình được trải nghiệm những bài học sâu sắc và nhiều cung bậc cảm xúc từ bộ phim đình đám về Phật giáo này nhé!
Phim Cuộc Đời Đức Phật Thích Ca
Bộ phim Đức Phật Thích Ca (Buddha) 55 tập được chuyển thể từ tác phẩm Đường Xưa Mây Trắng của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đây là bộ phim về cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ lúc đản sanh cho đến khi nhập niết bàn được đầu tư công phu và chất lượng nhất hiện nay do nhà tỷ phú người Ấn Độ B.K. Modi đầu tư hơn 120 triệu đô la Mỹ. Đây là bộ phim Phật giáo cực kỳ hay và cảm động đã thể hiện được hạnh từ bi và trí tuệ của Đức Phật một cách rất tài tình, khéo lấy được nước mắt và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem. Đoàn làm phim đã tham khảo về nội dung cuộc đời đức Phật từ nhiều sử gia, nhà khảo cổ, nhà văn hóa, nhà xã hội học và các nhà Phật học nổi tiếng tại Ấn Độ và Nepal. Qua đó, cuộc đời đức Phật lịch sử được tái hiện một cách chân thật, gần gũi mà các bộ phim trước chưa thể hiện được, quay cảnh Ấn Độ và Tích Lan, giống với cảnh Ấn Độ ngày xưa.
Nhiều diễn viên Ấn Độ tham gia, giống các nhân vật trong câu chuyện lịch sử, dàn dựng bài bản, công phu, tốn kém, nội dung phim được sự giám định, chỉ đạo, chỉnh sửa từ các bậc tôn túc trí thức của Giáo hội Phật giáo Tích Lan, trong đó đặc biệt là sự nhập vai xuất thần của diễn viên chính Gagan Malik. Diễn viên Gagan Malik, người đóng vai đức Phật cũng đã đến Việt Nam để dự Đại Lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc tại Việt Nam năm 2014. Anh cũng đã tham gia “Đêm chiếu phim Cuộc đời đức Phật và giao lưu với nam diễn viên chính trong phim, thủ vai đức Phật” tại chùa Tăng Phúc.
Xem phim tại: https://phatphapungdung.com/the-buddha-cuoc-doi-duc-phat-thich-ca-121939.html
Sự tích Địa Tạng Bồ Tát
Đây là bộ phim hoạt hình 3D nổi tiếng do công ty giải trí Alcoo của Trung Quốc sản xuất năm 2008, Pháp sư Hải Đào (Đài Loan) chế tác, A Mang phụ trách viết biên kịch kiêm tổng giám chế, Lư Hằng Vũ và Lý Chu Khiết làm đạo diễn. Phim được công chiếu trên kênh truyền hình Sinh Mệnh của Đài Loan rồi được phổ biến rộng rãi trên rất nhiều kênh truyền thông của nhiều đơn vị, tổ chức... nhiều năm nay, nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của tất cả những ai yêu thích Phật giáo, nhất là hàng Phật tử xuất gia và tại gia.
Tất cả sự tích trong phim hoàn toàn lấy từ nội dung các phẩm trong Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, đây là cuốn kinh quan trọng bậc nhất đối với chúng sinh thời mạt pháp hiện nay vì nó nói rõ cho chúng ta biết mọi nghiệp nhân-quả báo của những tội lỗi mà chúng ta vô tình hay cố ý gây tạo trong đời, giải rõ nguyên nhân vì sao ta gặp những điều bất lợi, khổ đau trong kiếp hiện tại. Quan trọng hơn nữa, kinh này dạy cho người học Phật chân chính biết làm cách nào để giải nghiệp, tiêu tội và thoát khỏi 3 đường ác, nhất là đại địa ngục A Tỳ đáng sợ. Đặc biệt, bộ phim khiến người xem cảm động nhất đó là câu chuyện về lòng hiếu thảo vĩ đại của Bồ Tát Địa Tạng với tiền thân là nàng Quang Mục và nữ Bà La Môn, Ngài đã xả thân phát đại nguyện để cứu người mẹ hung ác do khẩu nghiệp phỉ báng Tam Bảo và sát sanh mà bị đọa vào địa ngục Vô Gián chịu đại cực hình khủng khiếp.
NHÂN-QUẢ, ĐẠI BI NGUYỆN, HIẾU ĐỨC... là những giá trị chính xuyên suốt bộ phim. Những nét đẹp đạo đức cao quý nhất của con người đều có ở bộ phim này. Chúng ta được biết công đức lớn lao của việc tụng đọc-tuyên nói Kinh Địa Tạng và niệm danh hiệu Ngài Địa Tạng cùng chư Phật trong đó. Người có nhiều phước đức và trí tuệ chắn chắn sẽ rất thích xem phim này. Kẻ có nhiều tội lỗi, khổ đau, phiền não thì càng nên mau xem để biết sợ tội, tránh tội, hành thiện tích đức, yêu kính cha mẹ mình hơn nhằm hóa giải mọi khổ đau, nghiệp chướng đã gây tạo cho oan gia trái chủ trong vô lượng kiếp đến nay.
Chất lượng hình ảnh và âm thanh của phim cực tốt, thể hiện sự sáng tạo vô biên của người chế tác nhưng vẫn sát hợp với nội dung kinh văn. Nhờ vậy, phim đưa đến cho người xem một cuốn Kinh Địa Tạng hoàn chỉnh bằng thanh sắc sống động, đánh thức các giác quan, khiến người xem nhớ rõ và hiểu sâu hơn về giá trị của bộ kinh quý báu này. Là người học Phật thì chắc chắn không thể không xem phim này và phước cho bất cứ ai được xem đến!
Walk with me - Bước chân an lạc
Đây là bộ phim tài liệu nổi tiếng về Thiền sư Thích Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai, có tên tiếng Anh là "Walk with me", tên tiếng Việt là "Bước chân an lạc", được thực hiện trong 3 năm bằng cách ngẫu hứng tùy duyên, không theo quy tắc thông thường của việc làm phim nào cả. Đặc biệt, phim dùng lời dẫn lấy từ cuốn sách "Nẻo về của ý" của thầy Nhất Hạnh, do Doctor Strange' Benedict Cumberbath dẫn chuyện. Nhất Hạnh là thiền sư-nhà văn-nhà thơ-nhà văn hóa-nhà nghiên cứu-nhà nghệ thuật... Việt Nam kiệt xuất, có rất nhiều cống hiến cho sự phát triển Thiền tông Việt Nam và thế giới, đặc biệt là phương Tây, tầm ảnh hưởng đến Phật giáo thế giới của Ngài chỉ xếp sau Đức Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng. Suốt đời mình, thiền sư Nhất Hạnh đã có những công trình nghiên cứu vĩ đại về Thiền và những lĩnh vực khác, viết và sáng tác cả ngàn tác phẩm thi văn và Thiền tông, đóng góp to lớn cho sự phát triển của Thiền Việt Nam ra thế giới, cũng như đem Thiền quảng bá và giáo hóa cho bạn bè khắp năm châu. Đặc biệt, Nhất Hạnh có lẽ là người đầu tiên đưa Thiền lên thành một loại nghệ thuật cao cấp với đầy đủ tính thẩm mỹ và tính thiết thực áp dụng cho đời sống của mỗi người. Tư tưởng Thiền mà Ngài sáng lập là Thiền Tiếp Hiện, một lối thiền nhập thế, tích cực dâng hiến và luôn sống trong hiện tại, luôn tỉnh giác trong mỗi hơi thở hay từng bược chân. Đây là kết tinh của dòng thiền Liễu Quán và thiền Trúc Lâm của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Bộ phim miêu tả một hành trình không định trước trong nội tâm thiền định của những người phát đại tâm dũng mãnh bỏ tục xuất gia, xa lìa thế giới vật chất lợi danh để cùng nhau tu hành trong thôn Làng Mai của nước Pháp. Họ tinh tấn dùng các phương pháp Thiền tập, Thiền quán để thúc liễm thân tâm, tịnh hóa bản thân cùng tha nhân, tạo dựng nên cuộc sống Thiền an lạc, đầy yêu thương bác ái để đạt tới Chánh niệm.
Trong đó, theo sự vô thường biến đổi không ngừng của vạn vật, năng lượng từ nội tâm của Sư ông Nhất Hạnh luôn tỏa ra soi chiếu vào nội tâm của chúng đệ tử và những người làm phim như một sự gia bị dịu dàng, ấm áp nhưng rất tự nhiên, tùy duyên tự tại. Chất Thiền và Tịnh luôn chan hòa với nhau khi chúng ta xem đến những thước phim sâu lắng đầy ý nghĩa, cho ta cảm nhận được sự từ bi, an nhiên, thanh tịnh lan tỏa đến mình, từ đó khiến ta tự soi rọi và chuyển hóa thân tâm. Phim như một bài hát du dương xoa dịu và an ủi tâm hồn đau khổ của ta, như liều thuốc hay chữa lành những vết thương trong lòng ta, giúp cho ta tỉnh thức. Bất cứ ai cũng nên xem bộ phim sâu lắng này. Bộ phim là món thực dưỡng tinh thần bổ ích cho tất cả mọi người.
Xem phim tại: https://fptplay.vn/chi-tiet-video/buoc-chan-an-lac-walk-with-me-5d0924762089bd092464796b