Top 10 Truyện ngắn hay nên đọc của Nam Cao

Nam Cao (sinh năm 1915 hoặc 1917, mất vào năm 1951) là một nhà văn, cũng là một chiến sĩ, liệt sĩ Việt Nam. Trước cách mạng, ông là một nhà văn hiện thực lớn. Nhưng sau khi cách mạng kết thúc, ông trở thành một nhà báo kháng chiến, một trong những nhà văn tiêu biểu nhất thế kỉ XX. Nam Cao có nhiều đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỉ XX. Là một người Việt Nam, là một học sinh đã trải qua những năm học trung học ở Việt Nam thì chắc hẳn bạn sẽ không thể không biết đến tài năng, phong cách văn chương cũng như những tác phẩm đậm chất hiện thực tiêu biểu của Nam Cao.

Quên điều độ

Quên điều độ kể về Hài – một anh giáo nghèo sống lay lắt ở phố thị. Sau mấy năm bệnh tật đau ốm ở quê nhà và “chữa bệnh bằng nghệ sống, bằng nước rau má tía, bằng nước tiểu trẻ con”, Hài lên thành phố để làm nghề dạy học. Nhưng éo le thay, Hài bị mắc bệnh tim và bệnh phổi nặng. Nhưng anh vẫn phải lao vào làm việc chỉ để khỏi chết đói và đối phó với bệnh tật của mình bằng một lối sống “điều độ”. Hài dè sẻn hết mức có thể, sống ép mình, tách hoàn toàn ra khỏi những thú vui của cuộc đời (mà anh cũng không có tiền để tham gia).


Cuộc gặp mặt với Thư, người bạn cũ giàu sang, đã khiến Hài nhận ra sự khác biệt giữa bạn và mình, một anh giáo nghèo kiết xác luôn phải nhẩm tính về mấy hào, mấy xu. Quên điều độ nói với chúng ta về cuộc sống của những người “bán dần dần sự sống đi để cho mình khỏi chết”, sống mòn mỏi, sống chỉ để tồn tại trong cái “ao đời” tù túng, quanh quẩn.


Link đọc toàn bộ tác phẩm "Quên điều độ": https://www.dtv-ebook.com/doc-truyen/ebook-tuyen-tap-nam-cao-full-prc-pdf-epub-truyen-ngan_2089.4989.html

Quên điều độ
Quên điều độ

Lang Rận

Truyện ngắn Lang Rận kể về một anh chàng làm nghề bốc thuốc dạo chữa bệnh muộn con cho ông bà Cựu – một nhà giàu có ở trong làng (tên Lang Rận là tên bà Cựu và cô Đính – em chồng đặt cho ông lang ở bẩn, người luôn có rận). Cùng sống quanh quẩn nơi xó bếp nhà ông Cựu và cùng chịu đủ mọi “khinh bỉ, lườm nguýt, phỉ nhổ, nhạo cười, chế giễu, đủ trăm hình, trăm cấp” từ gia chủ với lang Rận là mụ Lợi.


Nếu Lang Rận xuất thân trong cảnh gia đình sa cơ thất thế, kiếm ăn với nghề bốc thuốc dạo thì mụ Lợi lại không chồng không con, qua ngày với nghề đi ở thuê. Hai cuộc đời lỡ dở ấy đã tìm thấy ở nhau niềm đồng cảm. Nhưng cũng vì sự can thiệp thô bạo của gia đình ông Cựu, cuộc tình duyên ấy lại có một cái kết thật chua xót với cái chết của Lang Rận.


Truyện Lang Rận gợi nhớ lại tình yêu của những kiếp bị coi là “người – ngợm” như trong Chí Phèo, ánh lên niềm khao khát yêu thương của những con người nhem nhuốc, cơ hàn.


Link đọc toàn bộ tác phẩm "Lang Rận": http://kilopad.com/truyen-ngan-c197/doc-sach-truc-tuyen-lang-ran-b9090/chuong-1-ti1

Lang Rận
Lang Rận

Chí Phèo

"Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao là một tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn. Có thể nói, đây là một trong những tác phẩm thành công nhất của ông khi nó thể hiện một cách chân thực những tấn bi kịch mà một người thuộc tầng lớp nông dân nghèo thuộc xã hội cũ - xã hội bị tha hoá - phải gánh chịu. Bên cạnh đó, phong cách viết truyện độc đáo chính là một trong những yếu tố chính để khiến Chí Phèo dù trải qua bao nhiêu năm tháng, vẫn là một tác phẩm đặc sắc trong lòng người đọc.


Chí Phèo là kiệt tác của Nam Cao cũng như của dòng văn học hiện thực phê phán trước năm 1945. Ra đời với cái tên đầu tiên là Cái lò gạch cũ, Chí Phèo từng được tiếp nhận như một câu chuyện về tình yêu ấn tượng, câu khách của những con người “nửa người nửa ngợm”: Chí Phèo – con quỷ dữ của làng Vũ Đại và Thị Nở - người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn.


Tuy nhiên, dưới cái nhìn nhân văn và sâu sắc hơn, Chí Phèo được coi là bản cáo trạng đanh thép xã hội thực dân nửa phong kiến – được khắc họa qua hình tượng Bá Kiến - đã dồn người nông dân vào bước đường cùng của sự bần cùng hóa, tha hóa, lưu manh hóa; là bài ca về khát vọng làm người lương thiện, khát vọng hạnh phúc lứa đôi. Chí Phèo thành công xuất sắc ở nghệ thuật xây dựng hình tượng điển hình, ở những chi tiết nghệ thuật đầy ám ảnh như tiếng chửi của Chí, bát cháo hành của Thị Nở, câu nói cuối cùng đầy tức tưởi, bi phẫn của Chí…


Chí Phèo khái quát một hiện tượng xã hội ở nông thôn Việt Nam trước năm 1945, một bộ phân nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hoá, lưu manh hoá. Nhân vật trung tâm là anh Chí - một nạn nhân điển hình cho số phận của những người nông dân lao động lương thiện khi phải chịu đựng sự tàn bạo của xã hội ngày ấy. Xã hội đó không chỉ tàn phá thể xác mà còn dằn vặt, cấu nghiến tâm hồn con người. Để rồi, cuối cùng, những con người lương thiện ấy bị vùi dập đến mất đi cả nhân hình, nhân tính.


Chủ đề của tác phẩm là phê phán xã hội phong kiến xưa cũ lúc bấy giờ. Nhân vật trong truyện chính là con người, mà con người lại chính là nhân vật. Hơn nữa, nhà văn Nam Cao cũng đã đề cao, khẳng định và trân trọng những phẩm chất tốt đẹp, cao quý của Chí Phèo, Thị Nở. Chí Phèo là một tác phẩm có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ.

Link đọc toàn bộ tác phẩm "Chí Phèo"
: sachhayonline.com/tua-sach/truyen-ngan-nam-cao/chi-pheo/924

Chí Phèo
Chí Phèo

Một bữa no

Tác phẩm Một bữa no được trích từ Tuyển tập Nam Cao của nhà xuất bản thời đại, được sáng tác năm 1943. Nhớ lại thời điểm này, đây là thời điểm trước cách mạng, đất nước gặp rất nhiều khó khăn, không ngừng chịu sự hoành hành của giặc ngoại xâm ta còn phải chịu nạn giặc đói và giặc dốt.


Người ta thường chết đói chứ mấy ai chết vì ăn no quá! Vậy nhưng trong truyện ngắn Một bữa no, Nam Cao đã cho ta thấy một câu chuyện đầy xót xa về một bà cụ quá đói và chết bởi vì một bữa ăn chực mâm cơm của nhà giàu trên tỉnh.

Một bữa no kể về một bà lão chồng mất sớm, cả đời cặm cụi nuôi con. Tưởng lớn lên nó sẽ là điểm tựa của bà thì nó lại bỏ bà ra đi. Vợ của con trai bà sau khi chịu tang chồng cũng quay lưng bỏ đi, để lại một bà già yếu ớt cùng đứa cháu gái nhỏ. Hai bà cháu nương tựa nhau sống bảy năm trời, nhưng do quá khó khăn, bà bán đứa cháu gái duy nhất cho nhà bà Phó làm con nuôi. Nhưng sau khi bán cháu gái đi cuộc sống của bà không mấy dễ dàng hơn. Có tất cả mười đồng bạc thì cải mả cho con trai hết tám đồng, còn hai đồng dành dụm làm vốn. Ấy vậy mà ông trời cũng không thương bà, năm ngoái ông bắt bà ốm một trận thập tử nhất sinh. Giờ đây sức khỏe không cho phép bà đi làm vú nữa. Hôm ấy bà ra thăm cái đĩ, nhưng bà lại bị bà phó thụ chà đạp lên lòng tự trọng của mình. Bữa cơm no nhất của bà cũng chính là bữa cơm cuối cùng trong đời bà.

Từng dòng từng chữ cứ run run như cái bụng đói ăn của bà lão, như tấm lòng của Nam Cao đối với những con người dù ý thức rõ ràng “miếng ăn là miếng nhục” nhưng vẫn khát khao sống, khát khao tồn tại. Làm thế nào để sự tồn tại của con người song hành với sự tồn tại của nhân cách làm người ? Đó là câu hỏi lớn vang lên trong Một bữa no cũng như nhiều tác phẩm khác của Nam Cao.


Link đọc toàn bộ tác phẩm "Một bữa no": sachhayonline.com/tua-sach/truyen-ngan-nam-cao/mot-bua-no/933

Một bữa no
Một bữa no

Nước mắt

Truyện Nước mắt lấy cảm hứng từ câu nói của một nhà văn Pháp: “Người chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ, và nước mắt là một miếng kính biến hình vũ trụ”. Nhân vật chính là Điền – cái tên quen thuộc đối với những độc giả của Nam Cao.


Vẫn lối viết truyện với những câu chuyện tưởng chừng như vặt vãnh nhưng được trần thuật hấp dẫn và chủ đề lớn lao vượt lên khỏi phạm vi đề tài, Nước mắt kể về sự dằn hắt, bực dọc, gắt gỏng nhau của những con người vì khổ quá mà người này cứ nghĩ vì người khác mà mình mới khổ. Chuyến đi lên tỉnh nhận tiền lương của Điền là câu chuyện bi hài: cuộc đụng độ với người thư ký khiến một tờ giấy bạc bay mất, Điền phải nhịn ăn sáng, lếch thếch đi bộ về để tiết kiệm tiền nhưng lại quên mua thuốc cho con. Cuộc cãi vã với vợ khiến “hắn thấy mình khổ quá, khổ như một con chó vậy”. Nhưng đúng như tựa đề, tiếng khóc thút thít của đứa con bị bệnh đã khiến Điền ngẫm lại về lẽ đời và thở dài ngao ngán cho kiếp mình và kiếp người: “Bây giờ trong lòng hắn chỉ còn lại sự xót thương. Hắn thương vợ, thương con, thương tất cả những người phải khổ đau. Lòng hắn thiết tha rướn lên muốn vươn ra để ấp ôm lấy mọi người. Mắt hắn đầm đìa”. Nước mắt là lời nhắn gửi chân thành về sự đồng cảm, thương yêu đối với những người vì cơ khổ quá mà trở nên tàn nhẫn.


Link đọc toàn bộ tác phẩm "Nước mắt": http://www.dtv-ebook.com/doc-truyen/ebook-tuyen-tap-nam-cao-full-prc-pdf-epub-truyen-ngan_2089.4990-1.html

Nước mắt
Nước mắt

Một đám cưới

Một đám cưới ra đời vào năm 1944, khi mà cái đói mon men đến gần, len lách vào từng ngõ ngách trong cuộc sống của người lao động - những con người vốn đã nghèo khổ, sống một cuộc sống cơ cực, triền miên chìm trong bần cùng, khốn khó.


Một đám cưới, đúng như tên của truyện, kể về một đám cưới nghèo. Dần “nghèo từ trong trứng”, thủa nhỏ đi ở, đến khi về nhà thì mẹ đã mất, một mình người bố dè sẻn nuôi hai đứa em thơ. Cả nhà Dần sống lay lắt trong thời buổi thóc cao gạo kém, đồng tiền mất giá, lại hạn hán, bão lũ làm cho mất mùa.


Họ chỉ dám cố sống để làm sao cho khỏi chết đói. Trước khi lên rừng để kiếm đồng tiền bát gạo, bố Dần đồng ý gả Dần cho nhà chồng đã đính ước từ lâu. Một đám cưới tềnh toàng, đơn sơ diễn ra trong những ngậm ngùi, chua xót, buồn tủi: “Cả bọn đi lủi thủi trong sương lạnh và bóng tối như một gia đình xẩm lẳng lặng dắt díu nhau đi tìm chỗ ngủ...”.


Thiên truyện ngắn Một đám cưới đã vẽ nên một bức tranh nông thôn xám xịt mà trung tâm của bức tranh ấy chính là khuôn mặt người nhàu nhĩ vì đói, vì nỗi lo sinh kế nặng trĩu. Đọc tác phẩm, người đọc cảm động về tình cha con ấm áp, bùi ngùi vì những kiếp sống nhọc nhằn trong xã hội cũ.


Link đọc toàn bộ tác phẩm "Một đám cưới": sachhayonline.com/tua-sach/truyen-ngan-nam-cao/mot-dam-cuoi/928

Một đám cưới
Một đám cưới

Đời thừa

Đời thừa được ra đời vào năm 1943, khẳng định một tác phẩm văn học phải vượt lên trên tất cả các giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả nhân loại, để cho ai ai cũng đọc được. Đời thừa thuộc mảng đề tài sáng tác về người trí thức nghèo trước Cách mạng của Nam Cao. Nam Cao đã từng triển khai đề tài này trong cuốn tiểu thuyết tâm lý nổi tiếng Sống mòn.


Như tên của tác phẩm, Đời thừa nói về nhân vật Hộ - người trí thức nghèo, nhà văn nghèo – sống một cuộc sống mòn mỏi, bế tắc, “bị ghì sát đất” bởi gánh nặng cơm áo và trở thành một người “thừa”, vô ích. Hộ say mê lý tưởng sự nghiệp văn chương, anh ấp ủ khát vọng viết một tác phẩm để đời, “chung cho cả loài người” và làm cho “người gần người hơn”.


Gặp Từ, người con gái bị tình nhân bỏ rơi cùng với một sinh linh bé bỏng và cả người mẹ già gần đất xa trời, Hộ đã đem lòng yêu thương và che chở, cưu mang. Nhưng chính nghĩa cử cao đẹp vì lý tưởng tình thương ấy đã đẩy Hộ vào tấn bi kịch không lối thoát.


Đời thừa vừa là một tuyên ngôn về nghệ thuật của Nam Cao, vừa là trang viết chất chứa những trở trăn, day dứt về giá trị con người, lối thoát cho con người trong hoàn cảnh xã hội đen tối.


Link đọc toàn bộ tác phẩm "Đời thừa": sachhayonline.com/tua-sach/truyen-ngan-nam-cao/doi-thua/932

Đời thừa
Đời thừa

Lão Hạc

Lão Hạc là một tác phẩm truyện ngắn của nhà văn Nam Cao, được viết vào năm 1943. Tác phẩm được đánh giá là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực bởi nội dung của tác phẩm đã phần nào phản ánh được hiện trạng xã hội Việt Nam trong giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám.


Đọc Lão Hạc, chắc hẳn ai cũng ấn tượng về cái chết của Lão ở cuối tác phẩm. Sống cô độc trong túp lều rách cùng mảnh vườn dành dụm cho con trai đi làm ăn xa, Lão Hạc chỉ có con chó Vàng làm bạn. Trong những ngày đói khổ vì mất mùa bão lũ, vì thóc cao gạo kém, người nông dân tội nghiệp ấy vì không muốn ăn phạm vào tiền cóp nhặt dành cho con trai và nhờ vả hàng xóm mà phải bán con chó Vàng, ăn củ sung, củ ráy cho đến khi không còn gì để ăn nữa thì lại chọn cho mình một cái chết thảm khốc. Lão thà chết để giữ gìn danh dự làm người, để làm tròn trách nhiệm của người cha…


Truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao chuyển tải một nội dung xúc động về số phận và tâm hồn của những người nông dân chân lấm tay bùn, về một bài học nhìn người: “Chao ôi ! Ðối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn”.


Năm 1980, Lão Hạc, cùng với hai tác phẩm khác của nhà văn Nam Cao là Sống mònChí Phèo đã được dựng thành bộ phim mang tên Làng Vũ Đại ngày ấy. Vai Lão Hạc lúc ấy được giao cho diên viên, nhà văn Kim Lân.


Link đọc toàn bộ tác phẩm "Lão Hạc": sachhayonline.com/tua-sach/truyen-ngan-nam-cao/lao-hac/938

Lão Hạc
Lão Hạc

Trăng sáng

Trăng sáng (Giăng sáng) ra đời vào năm 1943, là chuyện kể về nhà giáo thất nghiệp tên Điền. Những đêm trăng sáng, anh thường đem những chiếc ghế mây mà nhà trường trả thay cho tiền lương dạy học ra sân để ngắm trăng và thả hồn theo giấc mộng văn chương. Điền khát khao viết nên thứ văn chương huyền ảo, mơ màng như ánh trăng với quan niệm rằng văn chương phải giống như ánh trăng kia, phải “làm đẹp đến cả những cảnh thật ra chỉ tầm thường, xấu xa”. Điền chán chường, mệt mỏi với cảnh vợ suốt ngày gắt gỏng bực dọc do cảnh nhà túng thiếu, con cái ốm đau.


Nhưng rốt cuộc, những “tiếng lao khổ của đời” vang lên mạnh mẽ quá, chúng khiến cho Điền không thể chạy theo thứ văn chương thoát ly chỉ dành cho bọn trưởng giả. Anh thấu hiểu sâu sắc rằng: “Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than”.


Vẫn với ngòi bút phân tích tâm lý sắc sảo, những truyện dường như không có chuyện, trong Trăng sáng, Nam Cao một lần nữa tuyên ngôn về con đường nghệ thuật hiện thực “vị nhân sinh” mà ông theo đuổi.

Link đọc toàn bộ tác phẩm "Trăng sáng": sachhayonline.com/tua-sach/truyen-ngan-nam-cao/trang-sang/929

Trăng sáng
Trăng sáng

Tư cách mõ

Mõ – cái chức vụ sai vặt xoàng xĩnh, thấp kém trong xã hội trước – thì có tư cách kiểu gì? Và liệu có những người sinh ra đã là một thứ “mõ chính tông”? Lộ, nhân vật chính trong Tư cách mõ, đã từng là một anh nông dân hiền lành, chân chất, được mọi người thương mến, quý trọng. Nể lời gửi gắm và cả dỗ dành của giáo họ, anh nhận lời làm mõ khi được hứa cho mấy sào vườn không phải đóng thuế.


Nhờ tính chăm chỉ, kinh tế nhà Lộ càng ngày càng đỡ túng quẫn. Nhưng cũng chính vì thế, những người trước đây từng yêu mến, tôn trọng anh trở nên ghen ăn tức ở. Và vì đố kị, ghen ghét, người ta đã hùa với nhau để làm nhục anh, cách ly anh ra khỏi xã hội của những người bình thường. Đau xót, phẫn uất và cuối cùng là trả đũa lại cái cộng đồng tàn nhẫn ấy, Lộ đã tự biến mình thành một kẻ “tham như mõ”, rất mực đê tiện, hèn hạ…


Tư cách mõ thể hiện sâu sắc triết lý của Nam Cao: “Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện…”.


Link đọc toàn bộ tác phẩm "Tư cách mõ": sachhayonline.com/tua-sach/truyen-ngan-nam-cao/tu-cach-mo/934

Tư cách mõ
Tư cách mõ

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?