Hình tượng người chiến sĩ của Quân đội Nhân dân Việt Nam với "tinh thần thép", những chiến công vẻ vang, sự hy sinh cao cả là nguồn cảm hứng vô tận cho những khúc tráng ca, giai điệu hào hùng ra đời. Dưới đây Toplist xin gửi đến bạn những ca khúc để chào mừng ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12 hay nhất.
Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây
Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây là một trong những bài thơ tiêu biểu của Phạm Tiến Duật, được sáng tác trong những năm tháng chống Mỹ của dân tộc, trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, bài thơ vừa là một bản quân ca hùng tráng, vừa là một khúc tình ca lãng mạn. Năm 1971, bài thơ được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc và trở nên phổ biến cho đến ngày nay.
Nhà thơ Phạm Tiến Duật từng viết: "Bài thơ 'Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây' tôi sáng tác hồi cuối năm 1969 tại một làng nhỏ bên bờ sông Son của tỉnh Quảng Bình, làng Cổ Giang, một làng nghèo khó mà nền nếp. Cái làng ấy ở không xa nơi cổng đường 20 xe ngang dãy núi Trường Sơn. Thấm thoát đã gần ba mươi năm rồi. Tuổi đất, tuổi người dài ra cũng ối chuyện mà tuổi tác phẩm – của bất kỳ ai – dài ra cũng không ít chuyện."
Bài thơ viết về tình yêu giữa hai người bộ đội Trường Sơn, mỗi người ở hai sườn của dãy núi, người bên Tây, người bên Đông. Nhưng không chỉ dừng lại ở chuyện tình cảm, bài thơ còn là một bức tranh khắc họa vẻ đẹp hùng tráng của những "đoàn quân trùng trùng ra trận", chính những điều đó đã giúp Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây thành công trong việc hòa quyện giữa một tình khúc và một bản anh hùng ca, trở thành một bài thơ không thể thiếu trong túi áo của những người lính lúc bấy giờ.
Tiến bước dưới quân kỳ
Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho sinh ngày 1.8.1933 tại Hà Nội, là một trong những nhạc sĩ có nhiều nhạc phẩm hay, đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. "Tiến bước dưới quân kỳ" là một nhạc phẩm xuất sắc, được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân chọn là một trong 10 nhạc phẩm truyền thống của quân đội ta.
Nói về hoàn cảnh ra đời bài hát, nhạc sĩ Doãn Nho từng kể với bạn bè rằng: Năm 1958, Đoàn văn công Tổng cục Chính trị (nay đổi tên là Đoàn Nghệ thuật Quân đội) lên Điện Biên Phủ để biểu diễn phục vụ bộ đội và đồng bào ta. Công việc đầu tiên của đoàn là đi viếng thăm các đồng chí, đồng đội đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. "Tôi nhớ như in, thuở ấy trên đồi A1 (cao điểm cuối cùng) kiên cố nhất để bảo vệ sở chỉ huy của tướng Đờ Cát ở trung tâm Mường Thanh. Leo từng bậc bên sườn đồi để lên nghĩa trang, tôi cảm thấy bước chân nặng nề như đeo đá và tưởng như mình đang đi sau linh cữu của đồng đội. Từ cảm thụ đó đã xuất hiện trong tư duy ca từ của tôi: Gương bao anh hùng bừng cháy trong tim, quên thân mình một niềm tin trong phong ba, tô thắm thêm màu cờ...", nhạc sĩ Doãn Nho nhớ lại.
Nhiều ngày nhạc sĩ lên đồi A1 để quan sát toàn cảnh lòng chảo Điện Biên. Dưới chân đồi Him Lam là một doanh trại mới của quân đội ta. Sáng nào cũng thế, lớp chiến sĩ trẻ măng, đội ngũ chỉnh tề hành quân ra bãi tập. Đi đầu hàng quân bao giờ cũng là lá quân kỳ (cờ đỏ sao vàng có thêu hai chữ "Quyết thắng"). Hình ảnh ấy đã gợi xúc cảm giai điệu và ca từ trong tư duy của nhạc sĩ: "Vừng đông đã hửng sáng/ Núi non xanh ngàn trùng xa/ Tổ quốc bao la hiền hòa...". Nhạc sĩ kể: Bác Hồ khi viếng thăm Đền Hùng đã có câu nói bất hủ: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Thời đại chúng ta có Đảng tiên phong, có Bác Hồ vĩ đại lãnh đạo toàn dân vùng lên đánh đổ thực dân Pháp, phát xít Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân. Vì thế, tôi lặp lại giai điệu "Nghe rung núi đồi từng bước ta đi" bằng ca từ: "Ghi sâu trong lòng từng bước ta đi, mãi mãi vững tin Đảng tiên phong".
Hò kéo pháo
Nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ, người ta thường nhắc đến “Hò kéo pháo” – một sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Vân. Những tấm gương hy sinh anh dũng trên chiến trường Điện Biên Phủ đã thôi thúc nhạc sĩ viết nên nhạc phẩm “sống mãi cùng năm tháng” với những lời ca sâu đậm, ghi dấu ấn trong tâm khảm bao người.
Theo lời nhạc sỹ Hoàng Vân kể lại, trong chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ hồi đó), ông được điều về Sư đoàn 312 tham gia chiến đấu. Vốn là chàng trai Hà Nội giỏi ngoại ngữ, biết viết báo, biết về âm nhạc… nên ông được cấp trên giao công tác tại Phòng Chính trị, phụ trách tốp văn nghệ xung kích của sư đoàn đến từng chiến hào phục vụ bộ đội, lấy tin, bài để viết cho những bản tin của trung đoàn, sư đoàn... Trong những ngày tham gia chiến dịch, rất nhiều lần cận kề cái chết, nhạc sỹ Hoàng Vân đã có được những trải nghiệm khó quên của một người lính, và ông coi đây là những chất liệu quý báu để giúp ông có những cảm hứng sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật sau này.
“Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi. Dốc núi cao cao, nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù…”, lời ca và giai điệu hào hùng của bài hát “Hò kéo pháo” vang lên giữa núi rừng Tây Bắc khi ấy đã tiếp thêm sức mạnh, thêm nghị lực cho quân và dân ta, nhất là với các chiến sĩ kéo pháo, giúp họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, làm nên một chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu.
Màu hoa đỏ
Ca khúc thoáng có chút bùi ngùi, song phần hồn của Màu hoa đỏ là niềm tin tất thắng vào ngày mai, được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc từ bài thơ Thời hoa đỏ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. NS Thuận Yến đã từng tâm sự về hoàn cảnh ra đời của ca khúc Màu hoa đỏ, khi hai anh em ngồi ôn lại những kỷ niệm khi còn ở chiến trường, nhớ về những anh em đồng đội kẻ nay còn, người đã mất. Đây là một trong những ca khúc cách mạng được rất nhiều thế hệ khán giả yêu thích và từng được thể hiện bởi các nghệ sĩ như Cẩm Vân, Trọng Tấn, Tùng Dương và con gái cố nhạc sĩ Thuận Yến, ca sĩ Thanh Lam…
Nhắc đến ca khúc gắn bó trong sự nghiệp ca hát, Trọng Tấn trải lòng: “Đây là ca khúc không chỉ hay về mặt văn học mà rất hay về âm nhạc. Ca khúc được với với cảm xúc bi thương, tinh thần tha thiết, với hình ảnh vừa giản dị vừa xúc động về người lính. Mỗi khi thể hiện “Màu hoa đỏ”, tôi thấm thía sự mất mát để đổi lấy tự do, độc lập cho dân tộc. Mỗi khi ngân lên: “…Việt Nam ơi ! Việt Nam ! Núi cao như tình mẹ bốn mùa tóc bạc nỗi thương con/ Việt Nam ơi ! Việt Nam ! Ngọn núi nơi anh ngã xuống…” tôi không kìm nén được sự xúc động, bi tráng…
Vết chân tròn trên cát
Đây là một bài hát thuộc thể loại nhạc trữ tình cách mạng của nhạc sĩ Trần Tiến. Bài hát viết về đề tài những người thương binh - liệt sĩ khá nổi tiếng và được nhiều người nghe yêu thích. Bài hát là câu chuyện về một người thương binh vừa trở về từ chiến trường. Tuy cơ thể không còn được lành lặn nhưng anh vẫn cùng đôi nạng gỗ hàng ngày đến trường làng để dạy cho các em thơ về những bài hát của quê hương...
Hoàn cảnh sáng tác ca khúc được nhạc sĩ Trần Tiến cho hay, năm 1981, trong một lần đi dạo quanh bãi biển Tiền Hải (Thái Bình), ông bắt gặp những dấu nạng in hằn trên cát biển. Ông đã dò hỏi người dân xung quanh và biết được dấu nạng đó chính là của một anh thương binh bị thương tật ở chân, đang trên đường đi đến trường dạy học cho các em nhỏ trong làng. Xúc động vì hình ảnh những dấu tròn trên cát đó, nhạc sĩ đã sáng tác bài hát khi trên đường đi bộ từ bãi biển về nhà trọ, đặt tên là "Vết chân tròn trên cát". Tuy nhiên, cho đến tận ngày trả lời phỏng vấn báo Sài gòn Giải phóng vào tháng 7 năm 2009, nhạc sĩ Trần Tiến vẫn chưa một lần được gặp người thương binh là nguyên mẫu cho bài hát này.
Kể từ khi ra đời, bài hát Vết chân tròn trên cát từng được khá nhiều ca sĩ trình bày. Tuy nhiên có lẽ nhiều khán giả sẽ thích hình ảnh đích thân nhạc sĩ Trần Tiến ôm đàn guitar hát Vết chân tròn trên cát.
Vì dân quên mình
Nhạc sĩ, Doãn Quang Khải từng kể về lai lịch ca khúc “Vì nhân dân quên mình”: “Tôi tham gia kháng chiến chống Pháp trải qua các chiến trường: Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Việt Bắc, Bình Trị Thiên; còn trong kháng chiến chống Mỹ là chiến trường Tây Nguyên, Bình Trị Thiên. Năm 1950, tôi được cử đi học lớp bổ túc đại đội (sau trường này được mang tên Trường lục quân Trần Quốc Tuấn). Trước khi đưa bộ đội ra các chiến trường, nhà trường mở đợt vận động sáng tác thơ văn, âm nhạc… thể hiện quyết tâm chiến thắng kẻ thù xâm lược.
Tôi say mê âm nhạc từ nhỏ nhưng chưa biết sáng tác. Một hôm, đọc báo Quân đội Nhân dân, tôi nảy ra một ý tưởng và thấy rất tâm đắc. Trước đó, báo mang tên là Vệ Quốc Đoàn, bây giờ là tên Quân đội Nhân dân (quân đội ra đời từ nhân dân, của nhân dân, vì dân mà chiến đấu). Trên tờ báo, có khẩu hiệu “Vì nhân dân phục vụ”. Tôi thấy khẩu hiệu rất hay, nhưng thử đọc lên, thử hát lên. Tôi cứ nhẩm, thử thay đổi vài chữ theo giai điệu. Và rồi hai chữ “quên mình” được nảy ra. Hay quá, đúng quá: “Vì nhân dân quên mình, Vì nhân dân hy sinh”.
Thấm thoắt đã hơn 60 năm của ca khúc “Vì nhân dân quên mình”, một bài hát có sức sống thật diệu kỳ. Lớp cha trước, lớp con sau và cả lớp cháu chắt vẫn còn hát mãi.
Nơi đảo xa
Ca khúc nổi tiếng "Nơi đảo xa" được nhạc sĩ Thế Song viết năm 1979 lấy cảm hứng từ chuyến đi thực tế cùng các đồng nghiệp. Trong buổi hội ngộ với các chiến sĩ hải quân trạm 48 chuyên sửa chữa tàu biển, bên chén rượu nồng ấm, nhạc sĩ được các chiến sĩ kể cho nghe rất nhiều câu chuyện, những khó khăn vất vả nơi đảo xa, cả nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, hay một cảm giác xao xuyến, thèm được ngắm một người con gái...
Lời 1 của bài hát được Nhạc sĩ hoàn thành trên đường từ Quảng Ninh về Hà Nội. Lời 2 được ông viết tại Hà Nội trong căn nhà riêng ở phố Hàng Bột (nay đổi tên là Tôn Đức Thắng).
"Nơi đảo xa" lần đầu được thể hiện bởi ca sĩ Tiến Thành. Ca khúc này sau đó cũng được Trọng Tấn, Tùng Dương thể hiện rất thành công.
Gửi em ở cuối sông Hồng
Những “vần thơ từ trong lửa” được nhà thơ Dương Soái sáng tác trong những năm tháng chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 đã được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc năm 1980 khi giữ nguyên tựa đề bài thơ. Tác phẩm “Gửi em ở cuối sông Hồng” được xem là cặp song sinh thơ - nhạc hào hùng và lãng mạn. Nhạc sĩ đã không giữ nguyên một số câu chữ trong bài thơ của Dương Soái mà bổ sung thêm ý và lời để ca khúc được diễn song ca nam nữ nhưng vẫn giữ nguyên được linh hồn của bài thơ và thổi bùng vào trong đó sức sống mãnh liệt. Dương Soái rất biết ơn nhạc sĩ Thuận Yến đã chắp cánh cho ca khúc lan tỏa mạnh mẽ, chuyển đổi hai tiếng "Lào Cai" trong bài thơ ra chữ "biên cương", nhờ đó, ca từ mang một tầm khái quát sâu rộng hơn.
Năm 1999, đúng 20 năm sau khi "Gửi em ở cuối sông Hồng" ra đời, ca khúc đã được Bộ Tư lệnh Biên phòng trao giải thưởng Bài hát được các chiến sĩ bộ đội biên phòng bình chọn là hay nhất. Cùng với một số ca khúc lừng danh khác, nhạc phẩm sẽ sống mãi cùng các chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đã hơn bốn mươi năm qua đi kể từ khi bài thơ ra đời nhưng cảm xúc trong thi phẩm và nhạc phẩm vẫn luôn cuốn hút, trở thành bài ca đi cùng năm tháng. Cảm ơn thi sĩ Dương Soái và nhạc sĩ tài hoa Thuận Yến đã tạo nên một cặp song sinh thơ và nhạc vừa hào hùng đầy sức mạnh chiến đấu vừa thăng hoa cảm xúc lãng mạn về một giai đoạn lịch sử đáng nhớ của dân tộc.
Người chiến sĩ ấy
Nhạc sĩ Hoàng Vân đã để lại rất nhiều ca khúc nổi tiếng cho công chúng trên các lĩnh vực, ngành nghề, các mặt trận và các địa phương. Có thể kể ra một số ca khúc tiêu biểu: Quảng Bình quê ta ơi!, Hát về cây lúa hôm nay và bài Tình yêu đất và nước, Bài ca xây dựng, Tôi là người thợ lò, Tình ca Tây Nguyên, Bài ca người giáo viên nhân dân, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Hai chị em và Chào anh Giải phóng quân - Chào mùa xuân đại thắng... Đặc biệt bài Người chiến sĩ ấy, có thể nói là một tác phẩm âm nhạc dạng chính ca đầy đặn, trọn vẹn viết về người chiến sĩ.
Vào đầu bài hát, hình tượng người chiến sĩ đã được nhạc sĩ khẳng định với mọi người rằng: "Người chiến sĩ ấy, ai đã gặp anh, không thể nào quên! Không thể nào quên!". Hình tượng người chiến sĩ nổi bật, lớn lao, cao thượng, nhưng lại rất giản dị, gần gũi, mà ai trong chúng ta như cũng đã gặp trên con đường đấu tranh cách mạng: "Bao nhiêu năm trường trên đường Cách mạng anh vẫn đi đi mãi không ngừng"...
Hình tượng người chiến sĩ được nhạc sĩ Hoàng Vân xây dựng trong ca khúc Người chiến sĩ ấy - sáng tác năm 1969, khi mà Quân đội nhân dân Việt Nam đã tròn một phần tư thế kỷ xây dụng, chiến đấu và trưởng thành, từ Nà Ngần, Phay Khắt đến Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là những người con của nhân dân, mang dòng máu yêu nước và khí phách hào hùng bốn nghìn năm của dân tộc Việt Nam, qua bao nhiêu thế hệ, lớp cha trước, lớp con sau cầm súng chiến đấu với quân thù xâm lược, giành lại Tổ quốc giang sơn.
Bài hát Người chiến sĩ ấy cùng với các bài Quảng Bình quê ta ơi!, Tôi là người thợ lò, Bài ca xây dựng, Bài ca người giáo viên nhân dân,... đã xứng đáng để nhạc sĩ Hoàng Vân nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật do Nhà nước phong tặng.
Hành quân xa
Những năm tháng hào hùng cuối cuộc kháng chiến chống Pháp đã để lại dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác của Đỗ Nhuận. Hành quân xa (1953) được xuất thần từ một mệnh lệnh truyền đi trong đoàn bộ đội hành quân lên Tây Bắc: Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi.
Kể về hoàn cảnh ra đời của bài hát "Hành quân xa", nhạc sĩ Đỗ Nhuận từng viết: "Thu Đông 1953, tôi mới đang tuổi thanh niên xuất phát từ Đại Từ, đi bộ cùng đơn vị súng cối, thuộc đơn vị 308. Cán bộ cấp trên phổ biến về chiến dịch Trần Đình xong, thì bộ đội ta nảy ra thắc mắc: trên bản đồ nước ta làm gì có tên "Trần Đình". Rồi một anh ra vẻ hiểu biết nói: có lẽ ta hành quân nghi binh, qua Nghĩa Lộ rồi về đánh đồng bằng. Người khác nói: "Vô lý, tốn sức, mất thì giờ". Một anh nào đó cất cao giọng cho tất cả đơn vị nghe rõ: "Thôi, dẹp thắc mắc nhé! Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi!". Tôi ngồi đấy nghe như lóe lên một tia chớp, tôi ghi vội vào sổ tay câu nói có tính chiến lược ấy, và sau tôi cho vào đoạn kết của bài.
Khi bài "Hành quân xa" ra đời, nhiều nhạc sĩ đã đánh giá cao, cho rằng đây là mẫu mực của việc tìm ra ngôn ngữ dân tộc hiện đại trong thể loại hành khúc quân đội.