Khác với giai đoạn đầu của văn học trung đại say sưa trong cảm hứng ca ngợi hùng tâm tráng chí của người anh hùng, ca ngợi những chiến công vĩ đại của cả dân tộc, thì đến những thế kỉ 18, 19 khi mà nhà nước phong kiến bắt đầu rơi vào khủng hoảng trầm trọng với sự diễn ra liên miên của các cuộc chiến tranh nội bộ, cướp đi sự bình yên của biết bao mái nhà, văn học lên ngôi và phát triển rực rỡ với cảm hứng nhân đạo, thay cho tiếng nói tha thiết về quyền sống của con người. Trong số đó phải kể đến “Chinh phụ ngâm” của tác giả Đặng Trần Côn, được Đoàn Thị Điểm dịch lại. Trong 8 câu cuối, ta thấy người chinh phụ đang cố vùng vẫy thoát ra khỏi nỗi buồn bao trùm cả không gian, thời gian, cả tâm hồn. Dưới đây là những bài văn phân tích 8 câu cuối bài "Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ" hay nhất mà Toplist đã sưu tầm và tổng hợp.
Bài tham khảo số 3
Nhắc đến Đặng Trần Côn ta thường nhớ đến ông là một nhà thơ sống vào đầu thế kỉ XVIII, mặt khác tên tuổi của ông còn gắn liền với tác phẩm nổi tiếng “Chinh phụ ngâm”. Trong đó 8 câu cuối của đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ" đã thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc của toàn bộ tác phẩm qua việc thể hiện khát khao về tình yêu và hạnh phúc lứa đôi của người chinh phụ trong thời chiến loạn.
“Lòng này gửi gió Đông có tiện?
Nghìn vàng xin gửi đền non Yên
Non Yên dù chẳng tới miền
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời
Trời thăm thẳm xa với khôn thấu
Thiếp nhớ chàng đau đáu nào xong
Cảnh buồn người thiết tha lòng
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun”
Nhớ hình bóng của người chồng, người chinh phụ thổn thức hướng cái nhìn nội tâm về miền biên ải xa xôi. Nếu như ở khổ trước người chinh phụ càng cảm thấy cô đơn buồn sầu tới bao nhiêu thì ở 8 câu này nỗi nhớ nhung của người chinh phụ lại càng tăng lên bấy nhiêu cùng với sự thương nhớ ấy là tâm trạng lo lắng cho số phận của người chồng nơi biên ải. Trạng thái lo lắng của người chinh phụ được tác giả thể hiện như một mạch ngầm dù người chinh phụ không nói ra nhưng ta vẫn cảm nhận được, thể hiện sự tinh tế trong miêu tả nội tâm của tác giả.
Đầu tiên tác giả đã nhân hoá gió đông như một người đưa tin đến non Yên nhằm nhấn mạnh nỗi mong nhớ lo lắng của người chinh phụ về người chồng:
Lòng này gửi gió đông có tiện?
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
Vì quá thương nhớ chồng mà người vợ phải nhún nhường xin hỏi ngọn gió để gửi tin cho chồng mình, phải nói đó là một người đưa tin đặc biệt, đưa một cái tin đặc biệt đó là cái tin về tình cảm yêu thương nhung nhớ của người vợ dành cho người chồng nơi chinh chiến. Ngoài ra cái tin ấy được đưa đến ”non Yên” - một vùng hẻo lánh xa xôi nơi người chồng đang xông pha trận mạc, khốn nguy vô cùng. Qua việc dùng bút pháp nhân hoá, hình ảnh ước lệ “non Yên”, “gió Đông”, câu hỏi tu từ tác giả mở ra không gian mênh mông gợi thêm nỗi trống trải, cô đơn cho cảnh vật từ đó xoáy sâu vào sự nhớ nhung khắc khoải, da diết của người chinh phụ.
Nỗi nhớ đằng đẵng ấy làm nàng mòn mỏi cuối cùng được nâng lên thành nỗi đau, một nỗi đau vô hình đã được tác giả tạo hình hài qua 4 câu:
Non Yên dù chẳng tới miền
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu
Thiếp nhớ chàng đau đáu nào xong
Cùng với nỗi nhớ thương mong đợi, từ “đằng đẵng” gợi cảm giác triền miên liên tục tưởng kéo dài đến vô tận nên được tác giả hình dung bằng sự so sánh với đường lên trời. Nỗi nhớ của người chinh phụ đằng đẵng, miệt mài, không thể nguôi ngoai và không thể dùng toán học mà cân đếm được. Nhưng trớ trêu thay khoảng cách giữa nàng và người chồng dường như khó chạm tới được, sự xa cách nghìn trùng mây. Bằng việc mở rộng không gian, ”trời thăm thẳm xa vời khôn thấu” như là lời than thở, ai oán thể hiện sự tuyệt vong của người chinh phụ sau nhiều ngày tháng mòn mỏi đợi tin chồng và chính từ đó nỗi đau xuất hiện, từ “đau đáu” biểu lộ sắc thái tăng tiến, sự dồn nén cảm xúc thành nỗi xót xa đắng cay nối dài bất tận trong lòng người chinh phụ.
Giống như tâm sự Thúy Kiều trong Truyện Kiều: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu – Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”, người chinh phụ thấy cảnh vật vô hồn, thê lương như tâm trạng của mình lúc bấy giờ:
Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun.
Đó là mối quan hệ giữa con người và tâm cảnh, người vui thì tâm trạng vui thấm vào cảnh vật nhìn đâu cũng thấy toàn niềm vui chất chứa sự sống. Còn người buồn thì nỗi buồn thấm vào tâm can nên nhìn cảnh vật thấy sầu não, thê lương. Ở đây hình ảnh “cành cây sương đượm”, "tiếng trùng”, ”mưa phun” là hình ảnh ẩn dụ cho nỗi buồn chất chứa sâu lắng của người chinh phụ, sự mòn héo của cảnh vật hay do lòng người mòn héo mà ra.
Tác giả đã sử dụng điêu luyện thể thơ song thất lục bát, phối hợp các hình ảnh ước lệ “non yên”, ”gió Đông”, với hình ảnh ẩn dụ “sương đượm”, ”mưa phun”, đặc biệt là sự thành công trong bút pháp miêu tả tâm lí nhân vật, tả cảnh ngụ tình tác giả đã đưa người đọc qua các cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ trình một cách tự nhiên nhất và thể hiện ước mơ khát vọng chính đáng của họ về tình yêu và hạnh phúc.
Với cách dùng từ hình ảnh ước lệ, đoạn thơ đã thể hiện một cách tinh tế khát khao về tình yêu và hạnh phúc lứa đôi của người chinh phụ. Đồng thời thể hiện sự thương cảm sâu sắc của tác giả với ước mơ chính đáng của người phụ nữ cũng là lời tố cáo chiến tranh phong kiến phi nghĩa là biểu hiện của cảm hứng nhân văn cho toàn đoạn trích.
Bài tham khảo số 5
Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ được trích trong tác phẩm Chinh phụ ngâm của tác giả Đặng Trần Côn và dịch giả Đoàn Thị Điểm. Tác phẩm này ra đời nhận được sự đồng cảm rộng rãi của tầng lớp Nho sĩ. Nhiều bản dịch đã xuất hiện, trong đó bản dịch chữ Nôm của bà Đoàn Thị Điểm được cho rằng hoàn hảo hơn cả. Tác phẩm đã phản ánh chân thực bản chất tàn bạo của giai cấp thống trị và nỗi đau khổ của những nạn nhân trong chế độ phong kiến thối nát. Đặc biệt, Phân tích 8 câu cuối tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ cho thấy tác giả đã đi sâu vào miêu tả tình cảnh éo le của người phụ nữ phải sống trong cô đơn, buồn khổ, trong thời gian đợi chồng đi đánh giặc trở về. 8 câu thơ cuối thể hiện nỗi nhớ và khát khao lứa đôi bỗng trào dâng trong lòng người chinh phụ và trở nên khắc khoải hơn bao giờ hết.
Bài thơ được ra đời trong đầu đời vua Lê Hiển Tông. Đó là thời đại loạn lạc, triều đình ăn chơi trác táng, tham nhũng, cuộc sống người dân vô cùng lầm than, rất nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi. Triều đình phải tuyển binh lính dẹp yên quân khởi nghĩa, nên đã gây ra nhiều cảnh chia ly gia đình. Chứng kiến những điều đau đớn ấy, Đặng Trần Côn đã sáng tác bài thơ, bày tỏ sự đồng cảm cho than phận người phụ nữ khi phải tiễn chồng ra trận, mong ngóng tin tức sống chết của chồng trong vô vọng. Chinh phụ ngâm được viết bằng chữ Hán gồm 476 câu thơ. Tác phẩm là lời độc thoại của người chinh phụ khi đối diện với sự cô đơn quạnh quẽ khi chồng đi chinh chiến ngoài biên ải xa xôi. Nếu 16 câu đầu miêu tả tâm trạng lẻ loi, cô đơn, trống trải của người chinh phụ, thì 8 câu thơ cuối lại lột tả nỗi nhớ, khát khao được biết tin chồng mình của chinh phụ.
Lòng này gửi gió Đông có tiện?
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
Hai câu thơ đầu, tác giả đã nhân hóa gió Đông như một người đưa tin đến non Yên nhằm nhấn mạnh nỗi mong nhớ lo lắng của người chinh phụ về người chồng. Vì quá nhớ nhung nên người vợ xin ngọn gió gửi nỗi lòng của mình đến non Yên – vùng hẻo lánh xa xôi, nơi người chồng đang xông pha trận mạc, nguy hiểm vô cùng. Tác giả dung bút pháp nhân hóa, hình ảnh ước lệ “gió Đông”, “non Yên” và câu hỏi tu từ “Lòng này gửi gió Đông có tiện?” đã mở ra không gian mênh mông, hiu quạnh, diễn ra sự trống trải, cô đơn của cảnh vật, càng khiến người đọc ám ảnh hơn về sự khắc khoải, da diết của người chinh phụ.
“Gió Đông” còn thể hiện sự ấm áp, sự sống, báo tin vui của sự đoàn viên, sum họp.Phải chăng, người chinh phụ đang ao ước về sự đoàn tụ, khát khao được biết tin về chồng mình nơi biên cương. Ở đây, tác giả dung từ “nghìn vàng” là hình ảnh ẩn dụ cho tấm lòng của người chinh phụ. Buồn tủi, cô đơn, lo lắng, trống vắng, hy vọng rồi lại thất vọng khi trông ngóng tin tức của chồng. Hai câu thơ đầu còn bày tỏ tình cảm, tình yêu thương, lòng thủy chung son sắt của người vợ nơi quê nhà đối với chồng mình.
Non Yên dù chẳng tới miền
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu
Thiếp nhớ chàng đau đáu nào xong
Dù gửi tấm lòng, nhớ nhung cho gió Đông, nhưng thực tế thật phũ phàng, đau xót khi “Non Yên chẳng tới miền” nên thành nỗi đau vô hình “thăm thẳm đường lên bằng trời”. Nỗi nhớ của người chinh phụ triền miên, kéo dài đến vô tận, được so sánh với đường lên trời. Nỗi nhớ ấy không thể nguôi nguôi và không thể đo đếm được. Khoảng cách giữa người chinh phụ với người chồng “thăm thẳm xa vời khôn thấu”, chẳng thể chạm tới được, nghìn trùng mây, chẳng ai thấu, chẳng thể giãi bày cùng ai, cũng không thể chuyển đến người chồng của mình nơi phương xa. Nỗi nhớ của người chinh phụ trở thành “đau đáu”, như bị dồn nén cảm xúc thành nỗi xót xa cay đắng bất tận trong lòng. Cách miêu tả của tác giả khiến người đọc cảm nhận được không gian mênh mông, da diết, giống như lời than thở, ai oán, trách cứ thể hiện sự tuyệt vọng của người chinh phụ ngày ngày mòn mỏi đợi tin chồng.
Những từ láy “thăm thẳm”, “đau đáu” được sử dụng đắt giá để miêu tả cung bậc của nỗi nhớ người chinh phụ càng tăng dần đến vô tận, xót xa, đau đớn đến bi kịch đáng thương. “Đau đáu” còn hàm ý về sự lo lắng. Người chinh phụ lo lắng cho chồng, cho tương lai của hai vợ chồng và cả cuộc đời của mình khi chồng đi biền biệt chẳng biết tin tức gì.
Cảnh buồn người thiết tha lòng
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun
Ở đây, câu thơ được tách thành hai vế “cảnh buồn” và “người thiết tha lòng” mà không có liên từ, nhấn mạnh hai nghĩa: cảnh buồn khiến cho long người da diết hay nỗi buồn của lòng người thấm vào cảnh vật? Hay cảnh vật và con người cùng hòa vào, cộng hưởng để tạo nên một bản hòa ca của nỗi buồn khó thấu? Giống như trong câu thơ của Nguyễn Du: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Cảnh và người đều gặp nhau ở nỗi buồn và niềm đau.
Cảnh vốn vô tri nhưng tâm trạng của con người đã nhuốm sầu cảnh vật. “Cành cây sương đượm” gợi lên sự buốt giá, lạnh lẽo; “tiếng trùng mưa phun” gợi đến sự ảo não, hoang vắng đến nỗi nghe thấy cả tiếng côn trùng kêu rả rích trong đêm. Tâm trạng của người chinh phụ cô đơn, thổn thức, xen lẫn nỗi nhớ thương, khát khao được đồng cảm nhưng vô vọng. Người chinh phụ hướng nỗi buồn ra ngoài cảnh vật khiến cảnh vật cũng trở nên não nề. Hình ảnh ẩn dụ “cành cây sương đượm”, “tiếng trùng”, “mưa phun” cho nỗi buồn chất chứa, sự cô đơn, héo mòn của người chinh phụ.
Tác giả đã khéo léo sử dụng thể thơ song thất lục bát, hình ảnh ước lệ, ẩn dụ, và thành công trong việc miêu tả diễn biến tâm lý của nhân vật, tả cảnh ngụ tình. Điều này đã đưa người đọc trải qua các cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình một cách tự nhiên nhất. Với cách dùng những từ ước lệ, đoạn thơ đã thể hiện một cách tinh tế khát khao về tình yêu và hạnh phúc lứa đôi của người chinh phụ, đồng thời thể hiện niềm thương cảm của tác giả đối với người phụ nữ thời phong kiến nói chung. Đoạn trích cũng bày tỏ sự phản đối, tố cáo chiến tranh phong kiến khiến cho vợ chồng phải chia ly.
Qua tám câu cuối trong bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ dù ngắn nhưng đã chất chứa bao cảm xúc dồn nén của người chinh phụ. Mỗi câu thơ đều khiến người đọc cảm thấy đang lắng nghe người chinh phụ giãi bày tâm trạng cô đơn, đau đớn, và bày tỏ nỗi nhớ chồng nơi biên cương xa xôi. Thông qua 8 câu thơ, tác giả còn nói hộ những khao khát, mơ ước giản dị, nhỏ nhoi của người phụ nữ trong xã hội phong kiến – ước mong một hạnh phúc gia đình, được đoàn tụ, được yêu thương. Đồng thời, ông cũng lên tiếng phản đối chiến tranh phong kiến, cuộc chiến phi nghĩa khiến xã hội loạn lạc, gia đình chia cắt.
Bài tham khảo số 7
Chinh phụ ngâm được tác giả Đặng Trần Côn sáng tác bằng chữ Hán vào khoảng nửa đầu thế kỉ XVIII, thời kì vô cùng rối ren của xã hội phong kiến. Chiến tranh xảy ra liên miên hết Lê - Mạc đánh nhau đến Trịnh - Nguyễn phân tranh, đất nước chia làm hai nửa. Ngai vàng của nhà Lê mục ruỗng. Nông dân bất bình nổi dậy khởi nghĩa ở khắp nơi. Dân chúng sống trong cảnh loạn li nấu da nấu thịt, cha mẹ xa con, vợ xa chồng. Văn học thời kì này tập trung phản ánh bản chất tàn bạo, phản động của giai cấp thống trị và nỗi đau khổ của những nạn nhân trong chế độ thối nát ấy. Tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn ra đời đã nhận được sự đồng cảm rộng rãi của tầng lớp Nho sĩ. Có nhiều người dịch tác phẩm này sang chữ Nôm, trong đó bản dịch của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm được đánh giá là hoàn hảo hơn cả bởi nó thể hiện gần như trọn vẹn giá trị nội dung và nghệ thuật của nguyên tác.
Đến 8 câu thơ cuối, tâm thế của nàng thật chông chênh, chơi vơi, khiến cho cuộc sống trở nên khổ sở, bất an. Mong chờ chồng trong nỗi sợ hãi và tuyệt vọng, nàng chỉ còn biết gửi nhớ thương theo ngọn gió:
Lòng này gửi gió đông có tiện?
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.
Sau những day dứt của một trạng thái bế tắc cao độ, người chinh phụ chợt nảy ra một ý nghĩ rất chân thành mà cũng rất nên thơ: nhờ ngọn gió xuân gửi lòng mình tới người chồng ở chiến trường xa, đang đối đầu từng ngày từng giờ với cái chết để mong kiếm chút tước hầu. Chắc chắn, chàng cũng sống trong tâm trạng nhớ nhung mái ấm gia đinh cùng với bóng dáng thân yêu của người vợ trẻ:
Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.
Không gian xa cách giữa hai đầu nỗi nhớ được tác giả so sánh với hình ảnh vũ trụ vô biên: Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời. Thăm thẳm nỗi nhớ người yêu, thăm thẳm con đường đến chỗ người yêu, thăm thẳm con đường lên trời. Câu thơ hàm súc về mặt ý nghĩa và cô đọng về mặt hình thức. Cách bộc lộ tâm trạng cá nhân trực tiếp như thế này cũng là điều mới mẻ, hiếm thấy trong văn chương nước ta thời trung đại:
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.
Hai câu thất ngôn chứa đựng sự tương phản sâu sắc tạo nên cảm giác xót xa, cay đắng. Đất trời thì bao la, bát ngát, không giới hạn, liệu có thấu nỗi đau đớn đang giày vò ghê gớm cõi lòng người chinh phụ hay chăng? Nói như người xưa: trời thì cao, đất thì dày, nỗi niềm uất ức biết kêu ai? Biết ngỏ cùng ai? Bởi vậy nên nó càng kết tụ, càng cuộn xoáy, gây nên nỗi đau đớn khôn nguôi:
Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun.
Giữa con người và cảnh vật dường như có sự tương đồng khiến cho nỗi sầu thương trở nên da diết, bất tận. Cảnh vật xung quanh người chinh phụ đã chuyển thành tâm cảnh bởi được nhìn qua đôi mắt đẫm lệ buồn thương. Sự giá lạnh của tâm hồn làm tăng thêm sự giá lạnh của cảnh vật. Cũng giọt sương ấy đọng trên cành cây, cũng tiếng trùng ấy rả rích trong đêm mưa gió, nhưng cảnh ấy tình này lại gợi nên bao sóng gió, bao nỗi đoạn trường trong lòng người chinh phụ. Tình cảnh ấy, tâm trạng ấy tự nó đã nói lên bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa kia. Ý thơ đi từ tình đến cảnh rồi lại từ cảnh trở về tình, cứ lặp đi lặp lại như vậy nhằm thể hiện rõ tình cảnh lẻ loi và tâm trạng cô đơn của người chinh phụ. Dù ở đâu, lúc nào, làm gì nàng cũng chỉ lầm lũi, vò võ một mình một bóng mà thôi!
Bầu trời bát ngát không cùng và nỗi nhớ cũng không cùng, nhưng suy tưởng thì có hạn; người chinh phụ lại trở về với thực tế cuộc sống nghiệt ngã của mình. Ý thơ chuyển từ tình sang cảnh. Thiên nhiên lạnh lẽo như truyền, như ngấm cái lạnh lẽo đáng sợ vào tận tâm hồn người chinh phụ cô đơn:
Sương như búa, bổ mòn gốc liễu,
Tuyết dường cưa, xẻ héo cành ngô.
Hình như người chinh phụ đã thấm thía sức tàn phá ghê gớm của thời gian chờ đợi. Tuy nhiên đến câu: "Sâu tường kêu vắng chuông chùa nện khơi" thì không khí đã dễ chịu hơn, cũng bởi người chinh phụ chỉ mới thất vọng mà chưa tuyệt vọng.
Tám câu cuối là bức tranh tả cảnh ngụ tình đặc sắc nhất trong Chinh phụ ngâm:
Vài tiếng dế nguyệt soi trước ốc,
Một hàng tiêu gió thốc ngoài hiên.
Lá màn lay ngọn gió xuyên,
Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm.
Hoa dãi nguyệt, nguyệt in một tấm,
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông.
Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng,
Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau!
Ý thơ đi từ tình đến cảnh rồi lại từ cảnh trở về tình, cứ dội qua dội lại như vậy nhằm thể hiện rõ tâm trạng ở đâu, lúc nào, làm gì... người chinh phụ cũng chỉ vò võ một mình một bóng mà thôi! Từ thốc rất mạnh trong câu "một hàng tiêu gió thốc ngoài hiên" báo hiệu chuyển sang một tâm trạng mới ở người chinh phụ. Cảnh hoa - nguyệt giao hoà khiến lòng người rạo rực, khao khát hạnh phúc lứa đối. Những động từ dãi, lồng toát lên cái ý lứa đôi quấn quýt gần gũi, âu yếm nồng nàn mà vẫn tế nhị, kín đáo. Tác giả lựa chọn và dùng từ rất kĩ, rất đắt, đặc biệt là các tính từ là từ láy làm nổi bật tính chất của sự vật : eo óc, phất phơ, đằng đẵng, dằng dặc, mê mải, châu chan, thăm thẳm, đau đáu... Về nhạc điệu, tác giả đã khai thác và phát huy một cách tài tình âm hưởng trầm bổng, du dương của thể thơ song thất lục bát để diễn tả cảm xúc giống như những đợt sóng dạt dào trong tâm trạng người chinh phụ, hết nhớ lại thương, hết lo lắng lại trông mong, hết hi vọng lại tuyệt vọng... trong tình cảnh lẻ loi đơn chiếc.
Bằng bút pháp nghệ thuật điêu luyện, tác giả đã diễn tả được những diễn biến phong phú, tinh vi các cung bậc tình cảm của người chinh phụ. Cảnh cũng như tình được miêu tả rất phù hợp với diễn biến của tâm trạng nhân vật. Thông qua tâm trạng đau buồn của người chinh phụ đang sống trong tình, cảnh lẻ loi vì chồng phải tham gia vào những cuộc tranh giành quyền lực của vua chúa, tác giả có chủ ý đề cao hạnh phúc lứa đôi và thể hiện thái độ bất bình, phản kháng đối với chiến tranh phi nghĩa. Tác phẩm Chinh phụ ngâm đã toát lên tư tưởng chủ đạo trong văn chương một thời, đó là tư tưởng đòi quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc rất chính đáng của con người.
Bài tham khảo số 1
Khác với giai đoạn đầu của văn học trung đại say sưa trong cảm hứng ca ngợi hùng tâm tráng chí của người anh hùng, ca ngợi những chiến công vĩ đại của cả dân tộc, thì đến những thế kỉ 18, 19 khi mà nhà nước phong kiến bắt đầu rơi vào khủng hoảng trầm trọng với sự diễn ra liên miên của các cuộc chiến tranh nội bộ, cướp đi sự bình yên của biết bao mái nhà, văn học lên ngôi và phát triển rực rỡ với cảm hứng nhân đạo, thay cho tiếng nói tha thiết về quyền sống của con người. Trong số đó phải kể đến “Chinh phụ ngâm” của tác giả Đặng Trần Côn, được Đoàn Thị Điểm dịch lại.
Trong 8 câu cuối, ta thấy người chinh phụ đang cố vùng vẫy thoát ra khỏi nỗi buồn bao trùm cả không gian, thời gian, cả tâm hồn. Nàng đã tìm đến yếu tố ngoại cảnh làm cứu cánh. Nhưng ngoại cảnh chỉ là tiếng gà “eo óc” gáy, là “hòe phất phơ rủ bóng bốn bên”, càng gợi sâu hơn vào nỗi lòng nhức nhối, nỗi cô đơn, trơ trọi của nàng trong cảnh “bẽ bàng mây sớm đèn khuya”. Cuối cùng chỉ còn lại người chinh phụ với nỗi nhớ, nỗi sầu triền miên “ đằng đẵng” theo thời gian, "dằng dặc theo thời gian’’. Tuy đã “gượng” đốt hương, “gượng” soi gương, “gượng” gảy ngón đàn mà đến nỗi sợ "hồn đà mê mải”, sợ lệ lại châu chan”, sợi “dây đứt phím chùng” mà đành ngậm ngùi trở về với bi kịch với nỗi cô đơn ngự trị trong tâm hồn mình.Trong đau buồn, cô đơn, nàng người chinh phụ khao khát gửi nỗi nhớ thương da diết trong lòng mình đến nghìn trùng xa xôi, đến nơi có người mình yêu thương.
“Lòng này gửi gió đông có tiện
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.”
Đó là tất cả sự toàn tâm toàn ý, tình cảm thủy chung, tròn đầy và vẹn nguyên nhất được bồi đắp bấy lâu của chinh phụ đều được gửi đến “Non Yên” , để sẻ chia, cũng là để tâm sự nỗi lòng mình, để thể hiện tình cảm, khao khát của mình đối với tình yêu. Non Yên, là một địa danh, có tên cụ thể nhưng không ai biết nó ở đâu, cách đây bao xa. Phải chăng đó chỉ là một hình ảnh tượng trưng cho sự xa xôi cách trở giữa hai con người, cho sự vô vọng của người chinh phụ, cho sự vô vọng của một tình cảm thủy chung, trọn vẹn được gửi đi mà chẳng thể nhận được hồi đáp.
“Non Yên dù chẳng tới miền
Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời.”
Khoảng cách càng xa xôi, nỗi nhớ càng đậm sâu, da diết, đến trời thăm thẳm xa vời cũng không thể thấu sự cao vời tràn đầy của nó, biển cả mênh mông chẳng thể hiểu được hết độ sâu của nỗi nhớ ấy. Khi suy tưởng đã nguôi ngoai, chinh phụ quay trở về với thực tại, với những cảnh vật gần mình nhất:
“Sương như búa bổ mòn gốc liễu
Tuyết dường cưa xẻ héo cành ngô
Giọt sương phủ bụi chim gù
Sâu tường kêu vắng chuông chùa nện khơi.”
Đêm sâu , trời lạnh, mọi cảnh vật vốn trơ trọi đến khô khốc giờ lại đứng cạnh nhau, soi chiếu vào nhau khiến cho bức tranh trải ra trước mắt chinh phụ lại trải một màu ảm đạm , thê lương, nhức nhối. “Cảnh buồn người thiết tha lòng” hay như Nguyễn Du từng nói: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu”, vậy cảnh ở đây đã nhuốm màu buồn lên hồn người hay chính hồn người đã lan thấm nỗi xót xa vào cảnh vật. Ngoại cảnh mà cũng là tâm cảnh.Nhưng chính sức mạnh ghê gớm nội tại tâm hồn khiến người chinh phụ lại một lần nữa vươn dậy, vươn tới không gian thoáng đạt ngoài kia để tìm cách giải thoát cho tâm hồn mình. Và nàng thấy:
“Lá màn lay ngọn gió xuyên,
Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm
Hoa dãi nguyệt, nguyệt in một tấm,
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông,
Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng…”
Khoảnh khắc bắt gặp hình ảnh hoa nguyệt ấy có lẽ cũng là khoảnh khắc người chinh phụ say sưa với quá khứ êm đềm của mình với người mình yêu thương - gắn bó, quấn quít, kề cận bên nhau không rời. Các từ chỉ hành động liên tiếp nhau “lay, xuyên, theo, dãi, in, lồng, thắm” càng tô đậm thêm khát khao được hạnh phúc , được quấn quít bên người mình yêu thương đến cồn cào, cháy bỏng, rạo rực. Nhưng, đau lòng thay, thực tế là: “Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau.”
Dù cho là hình ảnh hoa nguyệt trùng phùng nhưng chúng vẫn cách xa nhau, là hai thực thể hoàn toàn khác nhau, không thể hòa nhập. Dù là quấn quít bên nhau nhưng đã lùi vào quá vãng, vào miền sâu thẳm của vô vọng rồi. Cùng với lúc niềm khát khao dâng đến tận cùng, nỗi đau cũng tràn đầy, khôn nguôi như xé lòng, chẳng thể cất thành lời.
Chỉ là một đoạn trích nhỏ trong “Chinh phụ ngâm” nhưng “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” đã thể hiện tinh thần chung của cả tác phẩm. Âm hưởng chủ đạo là nỗi buồn sầu sâu lắng. Trên nền âm hưởng ấy, có đôi khi rạo rực những khát khao cháy bỏng, có đôi khi da diết tình cảm thủy chung, nhớ mong. Nhưng dù là cung bậc nào đều thấy được vẻ đẹp của người phụ nữ qua hình ảnh người chinh phụ. Đặc biệt là tiếng nói tố cáo đanh thép chiến tranh phi nghĩa đã gây nên những thương tổn sâu sắc trong tâm hồn con người, những vết thương không bao giờ lành miệng, những trống vắng khó có thể bù đắp được. Đoạn trích đã thể hiện được đầy đủ tinh thần của cả tác phẩm, tư tưởng của tác giả và cả bóng dáng của thời đại lịch sử, của giai đoạn văn học đương thời.
Bài tham khảo số 4
Chinh Phụ Ngâm là khúc ngâm não lòng mà cũng thấm đẫm cảm xúc nhất trong văn đàn văn học Việt Nam, đặc biệt 8 câu thơ cuối chính là sự dồn nén của dòng cảm xúc nhớ thương, khắc khoải vò võ ở những câu thơ đầu để càng trở nên da diết.
“Lòng này gửi gió đông có tiện?
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.”
Lòng này là sự cụ thể hóa nỗi nhớ và niềm thương mà người chinh phụ đang giam cầm trong lòng mình, nó cứ mãi khắc khoải và trở trăn trong lòng nhân vật trữ tình, nỗi lòng ấy bao trùm thậm chí nhấn chìm cả không gian thời gian, nhưng người chinh phụ tội nghiệp ấy còn biết làm gì khác hơn ngoài nhớ thương. Vậy nên, trong cô đơn, người chinh phụ chỉ biết hỏi gió, nhờ gió đưa tin tới người chồng yêu thương nơi chiến địa xa xôi, nguy hiểm, nơi non Yên nghìn trùng. Nàng mong gió sẽ mang nỗi nhớ, mang những đợi chờ và tin yêu của nàng gửi đến người chồng ở phương xa, đang phải đối mặt với nguy hiểm muôn vàn. Nhưng tiếc thay, nơi tấm chân tình ấy gửi đến lại quá đỗi xa xôi, nên người chinh phụ tự hỏi liệu nó có thể tới được nơi, liệu nó có thể chạm thấu đến nỗi lòng người chinh phụ, các cụm từ chỉ thời gian thăm thẳm xa xăm, cùng các cảm thán từ van xin khẩn thiết càng gợi sự chua xót hơn bao giờ hết:
“Non Yên dù chẳng tới miền
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời”
Từ láy thăm thẳm như làm đầy, làm sâu, làm trầm hơn cung bậc nỗi nhớ, và càng nhấn mạnh rằng, nỗi nhớ của người chinh phụ da diết, khắc khoải thậm chí giằng xé nhường nào được so sánh cả với đường lên tới trời. Vừa là cảm xúc, vừa gợi sự mơ hồ, vô định của xúc cảm bởi tâm tưởng đang bao quanh, đang chập chờn trong cơn mê và nỗi nhớ thương. Sau khi hỏi gió đông để bày tỏ phần nào niềm mong mỏi và nỗi tủi hờn, người chinh phụ đành ngậm ngùi chốt lại trong câu độc thoại với bản thân:
“Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong
Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun".
Niềm thương, nỗi nhớ bao trùm, lấn chiếm cả không gian thời gian, và nhuốm màu tâm trạng vào cảnh vật. Tiếng mưa ướt lạnh, và sự vận động cô quạnh của cảnh vật một lần nữa được dịch giả Đoàn Thị Điểm khắc họa trọn vẹn, chân thực, sống động. Các từ láy đau đáu, thăm thẳm, thiết tha như những lớp sóng ngôn từ, lớp sóng lòng làm dày thêm, đậm thêm, sầu muộn thêm nỗi nhớ và tình cảnh người chinh phụ.
Bằng những hình ảnh ẩn dụ ấn tượng, không chỉ mang linh hồn của cảnh vật, mà còn mang trong nó tâm trạng của nhân vật người chinh phụ, đã diễn tả xuất sắc những khoảnh khắc tâm lý buồn thương da diết khôn thấu của người chinh phụ, từ đó mở ra những dư ba trong tâm hồn người cảm nhận.
Bài tham khảo số 2
Cuộc nội chiến giữa các tập đoàn phong kiến ở nước ta cuối thế khỉ XVIII đi qua để lại những đau thương mất mát không gì bù đắp được. Văn học thời kì này tập trung phản ánh bản chất tàn bạo, phản động của giai cấp thống trị và nỗi đau khổ của những nạn nhân trong chế độ thối nát ấy. Tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn ra đời đã nhận được sự đồng cảm rộng rãi của tầng lớp Nho sĩ. Nhiều bản dịch xuất hiện, trong đó bản dịch sang chữ Nôm của bà Đoàn Thị Điểm được coi là hoàn hảo hơn cả. Tác phẩm phản ánh thái độ oán ghét chiến tranh phong kiến phi nghĩa, đặc biệt là đề cao quyền sống cùng khao khát tình yêu và hạnh phúc lứa đôi của con người. Đoạn trích dưới đây là một trong những đoạn tiêu biểu của bản ngâm khúc.
Khi phân tích 16 câu đầu đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, ta thấy người chinh phụ một mình trong căn phòng quạnh vắng với tâm trạng cô đơn, lẻ loi, nỗi trống trải trong lòng thì đến 8 câu cuối, nỗi nhớ và nỗi khát khao hạnh phúc lứa đôi bỗng trào dâng trong lòng và trở nên khắc khoải hơn bao giờ hết. Mượn gió đông để gửi yêu thương cho chồng. Đó là ước muốn, là khát khao được biết tin tức về chồng mình:
“Lòng này gửi gió đông có tiện?
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.”
Tác giả sử dụng câu hỏi tu từ, kết hợp với điển cố (non Yên) để diễn tả nỗi nhớ của nhân vật. “Lòng này” là sự thương nhớ khôn nguôi, vì đã trải qua nhiều đợi chờ. Gió đông là gió mùa xuân. Trong cô đơn, người chinh phụ chỉ biết hỏi gió, nhờ gió đưa tin tới người chồng yêu thương nơi chiến địa xa xôi, nguy hiểm, nơi non Yên nghìn trùng. Non Yên, một địa danh cách xa Thiểm Tây, Trung Quốc hơn hai ngàn dặm về phía Bắc, nơi chiến trận đầy gian khổ. Nàng hỏi gió, nhờ gió nhưng ”có tiện” hay không? Nàng mong gió hãy mang nỗi nhớ của nàng nói với người chồng ngoài biên cương. Sự cô đơn trong lòng người chinh phụ ngày càng khắc khoải. Làm sao tới được non Yên, nơi người chồng đang “nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh”? Cùng với những từ ngữ trang trọng “gửi nghìn vàng", "xin” đã giúp người đọc thấy được không gian, nỗi nhớ được mở ra thật mênh mông, vô tận, khắc sâu nỗi cô đơn, hiu quạnh. Thế nhưng hiện thực thật phũ phàng, đau xót:
“Non Yên dù chẳng tới miền
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời”
Việc sử dụng từ láy "thăm thẳm" đã nói lên được nỗi nhớ da diết của người chinh phụ. Nỗi nhớ thương ấy đè nặng trong lòng, triền miên theo thời gian, “đằng đẵng” không thể nguôi ngoai. Nỗi nhớ ấy được cụ thể hóa bằng độ dài của không gian “đường lên bằng trời”. Có thể nói, dịch giả Đoàn Thị Điểm đã có một cách nói rất sâu sắc để cực tả nỗi nhớ thương chồng của người chinh phụ. Nỗi nhớ thương ấy, tiếng lòng thiết tha ấy lại được diễn tả qua âm điệu triền miên của vần thơ song thất lục bát với thủ pháp nghệ thuật liên hoàn - điệp ngữ. Cả một trời thương nhớ mênh mông. Nỗi buồn triền miên, dằng dặc vô tận.
Sau khi hỏi “gió đông” để bày tỏ niềm thương nỗi nhớ chồng, cuối cùng đọng lại trong nàng là nỗi đau, sự tủi thân:
“Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong”
Ý của câu như muốn nói lên sự xa cách nghìn trùng, với biển trời rộng lớn, xa “thăm thẳm” không hiểu cho “nỗi nhớ chàng” của người vợ trẻ. Nỗi nhớ “đau đáu” trong lòng. Đau đáu nghĩa là áy náy, lo lắng, day dứt khôn nguôi. Có thể nói qua cặp từ láy: "đằng đẵng” và “đau đáu”, dịch giả đã thành công trong việc miêu tả những thương nhớ, đau buồn, lo lắng của người chinh phụ một cách cụ thể, tinh tế, sống động. Tâm trạng ấy được miêu tả trong quá trình phát triển mang tính bi kịch đáng thương. Ở hai câu cuối, nhà thơ lấy ngoại cảnh để thể hiện tâm cảnh:
“Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun.”
Giống như tâm sự Thúy Kiều trong Truyện Kiều: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu – Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”, người chinh phụ có lúc thấy cảnh vật vô hồn, thê lương nhưng có khi lại cảm nhận cả khoảng không gian và cảnh vật như đang hối thúc, giục giã, đổi thay, không tìm thấy đâu sự hô ứng, đồng cảm giữa tình người với thiên nhiên. Niềm thương nỗi nhớ cứ kéo dài từ ngày này sang ngày nọ. Nhìn cành cây ướt đẫm sương đêm mà lòng nàng lạnh lẽo. Nghe tiếng trùng kêu rả rích thâu canh như tiếng đẫm sương đêm mà thêm nhói lòng, buồn nhớ. Âm thanh ấy, cảnh sắc ấy vừa lạnh lẽo vừa buồn, càng khơi gợi trong lòng người vợ trẻ, cô đơn biết bao thương nhớ, lo lắng, buồn rầu.
Bằng những hình ảnh ẩn dụ cho nỗi buồn chất chứa, sự mòn héo của cảnh vật, tám câu thơ cuối đã diễn tả nỗi nhớ da diết, nhớ tới thầm đau của người chinh phụ. Nỗi đau được chuyển từ lòng người sang cảnh vật. Hàng loạt những hình ảnh ẩn dụ, từ ngữ gợi tả lại càng xoáy mạnh vào nỗi đau trong lòng người chinh phụ. Qua đó người đọc cũng cảm nhận được một cách sâu sắc niềm thương cảm, thấu hiểu của tác giả đối với nỗi đau của người phụ nữ có chồng ra trận.
Với thể thơ song thất lục bát, cách dùng từ, hình ảnh ước lệ, điệp từ điệp ngữ, nghệ thuật miêu tả nội tâm, đoạn thơ đã thể hiện một cách tinh tế những cung bậc sắc thái tình cảm khác nhau của nỗi cô đơn buồn khổ ở nàng khao khát được sống trong hạnh phúc, tình yêu lứa đôi. Đoạn trích còn thể hiện tấm lòng yêu thương, cảm thông sâu sắc của tác giả với những khát khao hạnh phúc chính đáng của người thiếu phụ, cất lên tiếng kêu nhân đạo, phản đối chiến tranh phi nghĩa.
Đoạn trích cũng như toàn tác phẩm "Chinh phụ ngâm" là tiếng kêu thương tâm của người phụ nữ nhớ chồng nơi chinh chiến. Trạng thái tình cảm của người chinh phụ một mặt có ý nghĩa tố cáo những cuộc chiến tranh phi nghĩa đã đẩy bao nhiêu người trai ra trận để biết bao chinh phụ héo hon tựa cửa chờ chồng, mặt khác lên tiếng nói tình cảm và sự ý thức về quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ ngay giữa cuộc đời trần thế này. Tác phẩm đã khẳng định những giá trị nhân văn cao cả mà khúc ngâm đã đem lại, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của giai đoạn văn chương thế kỷ XVIII trong quá trình phát triển của nền văn học dân tộc.
Bài tham khảo số 6
Trong văn học trung đại, để lên án sự suy tàn của xã hội phong kiến cũng như ngợi ca những khát khao niềm hạnh phúc của con người, nhiều thi nhân đã gửi gắm tâm sự, nỗi bất bình của mình vào các bài thơ, khúc ngâm. Thời Đường ở Trung Quốc, Vương Xương Linh oán ghét cuộc chiến tranh phi nghĩa, mà viết Khuê oán. Thời Lê ở nước ta, Đặng Trần Côn cảm thông thâm thúy trước số phận những người dân phụ nữ có chồng đi lính mà làm ra tuyệt tác Chinh phụ ngâm. Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ thuộc tác phẩm trên đã chạm đến trái tim người đọc khi tái hiện hoàn cảnh cô độc, nỗi nhớ thương da diết của người phụ nữ ước mơ niềm hạnh phúc đoàn tụ.
Chinh phụ ngâm ra đời vào tầm khoảng thế kỷ XVIII, đầu đời Lê Hiển Tông, trào lưu khởi nghĩa nông dân diễn ra liên miên, triều đình điều binh lính đi dẹp loạn. Từ đấy nhiều gia đình chịu cảnh chia lìa, kẻ ở người đi, không hẹn ngày tái ngộ. Số phận và thảm kịch của những con người nhỏ bé trong cái xã hội phong kiến đang đứng bên bờ vực thẳm ấy đã lay động trái tim của Đặng Trần Côn.
Trong khúc ngâm viết bằng chữ Hán của ông có 476 câu thơ, tuân theo thể trường đoản cú. Khi Đoàn Thị Điểm dịch sang chữ Nôm đã chuyển tác phẩm về thể thơ song thất lục bát, dùng âm điệu réo rắt, thiết tha của thể thơ dân tộc bản địa góp phần thể hiện tình cảnh và tâm trạng của người phụ nữ có chồng đi lính. Sở dĩ Hồng Hà nữ sĩ trung thành với chủ với nguyên tác và có nhiều sáng tạo trong quá trình dịch bởi dịch giả đã ở cùng một hoàn cảnh với nhân vật trữ tình: sau lúc cưới không lâu, chồng bà là Nguyễn Kiều phải đi sứ Trung Quốc, chính vì thế, bà thấu hiểu cảnh sống cô đơn, tẻ nhạt với những buồn lo, nhung nhớ của người chinh phụ.
Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ viết về tình cảnh và tâm trạng người chinh phụ phải sống cô đơn, buồn khổ trong thời gian dài người chống đi đánh trận, không có tin tức, không rõ ngày quay trở về.
Đến 8 câu cuối, mọi cố gắng đều không thoát được nỗi cô đơn của thực tại. Thời gian có trôi bao nhiêu thì khoảng cách địa lý càng xa bấy nhiêu đến tận “non Yên”, “đường lên bằng trời”, “xa vời khôn thấu”…. Sắc thái nỗi nhớ tăng tiến, rộng mở từ những suy tưởng dõi theo người chồng nơi phương xa đến sự dồn nén cảm xúc thành nỗi xót xa “thăm thẳm đường lên bằng trời” và “đau đáu nào xong”. Nó gợi nhớ ta về nàng Kiều: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu – Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Lòng người đang nặng trĩu, cảnh vật thì nhuốm sầu nhưng vẫn như thôi thúc cho người ta tỉnh táo:
“Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun.
Sương như búa, bổ mòn gốc liễu,
Tuyết dường cưa, xẻ héo cành ngô”.
Hình ảnh so sánh “sương như búa”, “tuyết dường cưa” là sự cực tả và bột phát thành những ám ảnh dị thường. Trong bản chất, chính tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ đã tạo nên những xung đột tình cảm khác biệt nhau và thổi vào cả không gian để nó như nhuốm màu đau đớn, để trong cảnh có tình, trong tình có cảnh, để niềm tin hòa với thất vọng, để hy vọng mong manh như không thể nguôi khuây.
Bước vào đoạn cuối, người chinh phụ vươn tới không gian thoáng rộng hơn mà cảnh vật như chết lặng, như chìm sâu trong cái giá băng của lòng người. Tất cả chỉ đơn thuần là cảnh vật và vì thế hình ảnh người chinh phụ như khuất lấp đi:
“Hoa dãi nguyệt, nguyệt in một tấm,
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông.
Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng,
Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đâu!”
Đến đây, tâm trạng được đẩy lên tận cùng. Thiên nhiên đang căng tràn sao con người ủ rũ, nhựa sống đang trỗi dậy sao hồn người héo úa. Dường như nó cũng là hồi chuông, là sự đánh thức cho nhận thức trỗi dậy để giành, giữ và bảo vệ cho hạnh phúc giữa cõi ta đang sống.
Trên phương diện nghệ thuật, thể thơ song thất lục bát tạo nên nhịp thơ buồn thương man mác, nối dài không dứt. Quan sát kỹ có thể thấy từng bốn câu thơ đi liền nhau tạo thành một tiết đoạn, trong đó hai câu thất ngôn đóng vai trò khơi dẫn ý tứ như những ngọn sóng cảm xúc đang trào dâng hô ứng, đăng đối, tạo ấn tượng và sự nhấn mạnh. Trạng thái tình cảm của người chinh phụ một mặt có ý nghĩa tố cáo những cuộc chiến tranh phi nghĩa đã đẩy bao nhiêu người trai ra trận và hệ quả là những nỗi đau kéo dài, là chia ly đôi ngả. Chúng ta sống không chỉ để tồn tại như một hạt cát vô danh mà còn để sẻ chia và hạnh phúc và ghi dấu trong trái tim người khác. Ở đây, một lần nữa tính nhân văn của tác phẩm được đề cao và có lẽ nó sẽ tạo tiền đề cho những khai thác về giá trị nhân đạo để mở rộng đề tài về tính nhân văn trong văn học.
“Vì ai gây dựng cho nên nỗi này” là tiếng thơ mang đầy nỗi đau, tiếng khóc thương ai oán nặng nề đầy uất ức. Nhưng không dừng ở đó, tác phẩm là sự tiếp nối xuất sắc cảm hứng nhân đạo của nền văn học dân tộc và khẳng định vai trò của con người trong hành trình sống và đi đến hạnh phúc.