"Truyện Kiều" là truyện thơ nôm xuất sắc của đại thi hào văn học dân tộc Nguyễn Du. Đoạn trích "Cảnh ngày xuân" là một trong số những đoạn trích thể hiện tài năng miêu tả thiên nhiên tài tình của Nguyễn Du. Người đọc có thể chiêm ngưỡng được bức tranh thiên nhiên và lễ hội mùa xuân tươi đẹp, trong sáng, náo nhiệt trong cuộc du xuân của hai chị em Thúy Kiều vào tiết thanh minh. Mời các bạn tham khảo một số bài văn phân tích 8 câu thơ giữa đoạn trích "Cảnh ngày xuân" trích Truyện Kiều - Nguyễn Du hay nhất trong bài viết mà Toplist tổng hợp ngay sau đây.
Bài tham khảo số 5
Trang thơ của Nguyễn Du đang mở rộng trước mắt chúng ta. Có phải không, sau bức chân dung giai nhân là bức họa về cảnh sắc mùa xuân trong tiết Thanh minh và cảnh du xuân của trai tài gái sắc, của chị em Thúy Kiều? Đoạn thơ Cảnh ngày xuân . Đoạn thơ có 18 câu , từ câu 39 đến câu 56 của Truyện Kiều tiêu biểu cho bút pháp nghệ thuật tả cảnh và tả tình của thi hào Nguyễn Du. Một vẻ đẹp thanh xuân, một niềm vui xôn xao, náo nức cứ dâng lên, cứ lan tỏa, rồi lắng dịu mãi trong lòng ta khi đọc đoạn thơ này.
Bốn câu thơ đầu mở ra một không gian nghệ thuật hữu sắc, hữu hương, hữu hình, nên thơ. Giữa bầu trời bao la mênh mông là những cánh én bay qua bay lại như "đưa thoi". Cánh én mùa xuân thân mật biết bao. Hai chữ "đưa thoi"rất gợi hình, gợi cảm. Cánh én như con thoi vút qua, vút lại, chao liệng; thời gian đang trôi nhanh, mùa xuân đang trôi nhanh. Câu thành ngữ - tục ngữ: "Thời gian thấm thoắt thoi đua, như ngựa chạy, như nước chảy qua cầu "đã nhập vào hồn thơ Tố Như tự bao giờ?
Tám câu thơ tiếp theo tả cảnh trẩy hội mùa xuân: "Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh "trong tiết tháng ba. Điệp ngữ: lễ là… hội là.. "gợi lên những cảnh lễ hội dân gian cứ liên tiếp diễn ra đã bao đời nay: "Tháng giêng là tháng ăn chơi - Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè"... (Ca dao). Cảnh trẩy hội đông vui, tưng bừng, náo nhiệt. Trên các nẻo đường "gần xa "những dòng người cuồn cuộn trẩy hội. Có biết bao "yến anh"trẩy hội trong niềm vui "nô nức", hồ hởi, giục giã. Có biết bao tài tử, giai nhân "dập dìu"vai sánh vai, chân nối chân nhịp bước. Dòng người trẩy hội tấp nập ngựa xe cuồn cuộn "nhưnước", áo quần đẹp đẽ, tươi thắm sắc màu, nghìn nghịt, đông vui trên các nẻo đường như nêm. Các từ ngữ: "nô nức", "dập dìu", các ẩn dụ so sánh (như nước, như nêm) đã gợi tả lễ hội mùa xuân tưng bừng náo nhiệt đang diễn ra khắp mọi miền quê đất nước. Trẻ trung và xinh đẹp, sang trọng và phong lưu:
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.
Trong đám tài tử, giai nhân "gần xa"ấy, có 3 chị em Kiều. Câu thơ "Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân "mới đọc qua tưởng như chỉ là một thông báo. Nhưng sâu xa hơn, nó ẩn chứa bao nỗi niềm, chờ trông mong đợi, ngày lễ tảo mộ, ngày hội đạp thanh đến để du xuân trong những bộ quần áo đẹp đã chuẩn bị, đã "sắm sửa"... Có biết bao "bóng hồng" xuất hiện trong đám tài tử, giai nhân ấy? Ai đã từng đi hội chùa Hương, hội Lim, hội Yên Tử... mới cảm thấy cái đẹp, cái vui, cái tưng bừng, tươi trẻ trong hội đạp thanh mà Nguyễn Du đã nói đến.
Thơ là nghệ thuật cùa ngôn từ. Các từ ghép: "yến /anh", "chi/em", "tài/tử", "giai/nhân" "ngựa/xe", "áo / quần "(danh từ); "gần/xa", "nô/nức", "sắm / sửa", "dập/dìu"(tính từ, động từ) được thi hào sử dụng chọn lọc tinh tế, làm sống lại cái không khí lễ hội mùa xuân, một nét đẹp của nền văn hóa lâu đời của Phương Đông ; của Trung Hoa, của Việt Nam chúng ta, và nếp sống "phong lưu" của chị em Kiều:
Ngổn ngang/gò đống kéo lên,
Thoi vàng vó rắc/tro tiền giấy bay.
Đời sống tâm linh, phong tục dân gian cổ truyền trong lễ tảo mộ đưộc Nguyễn Du nói đến với nhiều cảm thông, san sẻ. Cõi âm và cõi dương, người đang sống-kẻ đã khuất, hiện tại và quá khứ đồng hiện trên những gò đống "ngổn ngang” trong lễ tảo mộ. Cái tâm thánh thiện, niềm tin phác thực dân gian đầy ắp nghĩa tình. Các tài tử, giai nhân và 3 chị em Kiều không chỉ nguyện cầu cho những vong linh mà còn gửi gắm bao niềm tin, bao ao ước về tương lai hạnh phúc cho tuổi xuân khi mùa xuân về. Có thể sau hai trăm năm, ý nghĩ của mỗi chúng ta có ít nhiểu đổi thay trước cảnh "Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay ", nhưng giá trị nhân bản của văn thơ Nguyễn Du vẫn làm ta xúc động!
Bài tham khảo số 2
Trong đoạn trích "Cảnh ngày xuân", tám câu thơ giữa đã diễn tả được không khí nô nức của ngày hội xuân mà chị em Kiều đi tham dự.
Hai câu thơ đầu đã diễn tả được thời gian của buổi đi chơi hôm đó của chị em Kiều "Thanh minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh". Người đọc có thể hình dung ra được thời gian tháng ba, khi tiết trời mùa xuân vô cùng trong lành và dễ chịu thì cũng là thời điểm lễ Thanh minh diễn ra. Người người, nhà nhà đi sửa soạn, dọn dẹp lại phần mộ của người thân và họ còn tham gia vào hội đạp thanh, tức là đạp lên cỏ- một phong tục tập quán đã có từ lâu đời. Câu thơ như gợi ra hình ảnh của những lễ hội diễn ra liên tiếp nhau, cho thấy một không khí sôi động, náo nức của những ngày đầu xuân. Tiếp theo, bốn câu thơ đã thể hiện được không khí náo nhiệt và nhộn nhịp của ngày hội
"Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm".
Từ láy "nô nức, dập dìu" đã cho thấy được hình ảnh đông đúc, sôi động và vui tươi của đoàn người đi chơi vào những ngày đầu xuân. Đó là những cô gái như chị em Thúy Kiều đi bộ để vui chơi trên đường và đó cũng là những nam thanh nữ tú, tài tử giai nhân xinh đẹp hòa cùng nhau trên con đường đông đúc. Hình ảnh so sánh "như nước, như nêm" đã gợi ra được sự đông đúc vô cùng chân thực. Cuối cùng, hai câu thơ còn lại đã thể hiện được khung cảnh có chút buồn thương đối với những người đã mất "Ngổn ngang gò đống kéo lên/Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay". Từ láy gợi hình "ngổn ngang" cho thấy phong tục tập quán đốt vàng mã của dân tộc. Cùng với đó, những hình ảnh như "thoi vàng, tiền giấy" cho thấy sự trang nghiêm của buổi tảo mộ.
Tóm lại, tám câu thơ giữa của bài thơ "Cảnh ngày xuân" đã cho thấy được khung cảnh nhộn nhịp của ngày xuân và vẻ đẹp của những phong tục tập quán của dân tộc.
Bài tham khảo số 3
Nguyễn Du không chỉ là bậc thầy về ngôn ngữ trong việc miêu tả tâm lý nhân vật mà còn là “họa sĩ” vẽ tranh bằng chữ. Đoạn trích “Cảnh ngày xuân” trích Truyện Kiều là một ví dụ điển hình. Người đọc phải khâm phục và ngưỡng mộ khả năng quan sát cũng như những nét vẽ tài hoa của Nguyễn Du. Bức tranh ngày xuân hiện lên với những nét đẹp tươi mới, tràn đầy sức sống nhất.
Có thể nói mùa xuân là đề tài bất tận trong thi ca, khơi nguồn cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ. Mỗi người có một cảm nhận riêng về mùa xuân. Đối với Nguyễn Du, mùa xuân gắn với cảnh vật và con người, với những ngày lễ truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bao trùm lên cả đoạn thơ này là một bức tranh thiên nhiên đẹp, hữu tình nhưng có nhuốm màu buồn khi ngày đã ngả về chiều hôm.
Những câu thơ đầu được sử dụng với chất liệu ngôn ngữ đẹp như tranh, sự mượt mà của câu chữ đã tạo nên sự mượt mà của cảnh sắc thiên nhiên khi xuân về:
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Một không gian đầy chất thơ, thi vị và hữu tình biết bao nhiêu. Sự rộng lớn của đất trời khi mùa xuân về được diễn tả một cách tinh tế và tràn ngập niềm vui. Cánh én chính là báo hiệu cho mùa xuân về, một mùa gợi lên sự ấm áp, sự sống căng đầy và niềm vui trọn vẹn. Với từ ngữ “đưa thoi” vừa gợi lên khung cảnh bầu trời tràn ngập cánh én, vừa diễn tả sự trôi đi quá nhanh của thời gian. Có phải chăng ý niệm về thời gian của Nguyễn Du có phần giống với Xuân Diệu, thời gian trôi đi nhanh, mùa xuân và tuổi trẻ cũng trở nên chông chênh hơn. Đồng nghĩa với thời gian trôi đi, tuổi trẻ trôi đi thì đời người bỗng nhiên ngắn lại.
Trong lúc đấy, chỉ với hai nét vẽ Nguyễn Du như vẽ lên trang giấy một bức tranh thiên nhiên mùa xuân đẹp tuyệt vời. Nghệ thuật điểm xuyết chấm phá đã được sử dụng dứt điểm, khiến cho câu thơ trở nên mềm mại và căng tràn sức sống hơn. Màu xanh của cỏ non tạo nên sự tươi mới và tinh khiết của đất trời. Từ “rợn” vừa tả cái xa, vừa gợi cái rộng lớn của mùa xuân, của cảnh vật khi xuân về. Nó làm cho câu thơ như được ngân dài ra, bứng sang lên sức sống tràn đầy Trên nền xanh của cỏ, của bầu trời có điểm xuyết “một vài bông hoa” trắng tinh khiết. Chính sự điểm xuyết này khiến cho cả bài thơ như bừng lên một sức sống mãnh liệt, khó có thể dập tắt.
Có thể nói với chỉ 4 câu thơ này, Nguyễn Du như người họa sĩ tài hoa vẽ nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, có sự giao thoa và hòa quyện giữa đất và trời. Không khí mùa xuân, hương sắc mùa xuân và cả ý vị mùa xuân cứ thế tràn ra trong từng câu thơ đẹp như vậy.
Không khí mùa xuân như tươi đẹp hơn với lễ hội tảo mộ tháng Ba:
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
Có lẽ không khí vui tươi, tưng bừng, phấn khởi của con người trong dịp đi tảo mộ thật sự khiến cho người đọc như sống lại với không khí những ngày xuân tươi mới nhất. Con người cũng hiện lên như tô điểm thêm bức tranh ngày xuân tươi đẹp đó:
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm
Mùa xuân là dịp để “tài tử giai nhân” được vui chơi, giãi bày tâm sự với nhau. Có vẻ như mùa xuân là thời điểm thích hợp cho chuyện tình yêu nảy nở, cho những yêu thương còn bỏ ngỏ được phép căng trào ra. Hình ảnh “ngựa xe”, “áo quần” gợi lên sự tấp nập, nhộn nhịp và huyên náo. Nguyễn Du đã rất tài tình khi sử dụng một loạt hình ảnh có tính chất gợi hình, ảnh tả khiến cho người đọc có cảm giác như đang bước vào không khí của mùa xuân.
Ngổn ngang gò đống kéo lên
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay
Những phong tục tập quán khi mùa xuân về, khi được đi tảo mộ đã được Nguyễn Du vẽ lên chân chất, mộc mạ, gợi nhớ và gợi thương. Đó chính là tấm lòng thành kính hướng về quá khứ với một sự biết ơn chân thành nhất. Hai câu thơ này thực sự khiến người đọc xúc động khi nhớ về những người đã khuất, những người tạo dựng nên cuộc sống hiện nay của chúng ta.
Tuy nhiên những câu thơ cuối dường như cảnh vật và con người trở nên buồn vã và đìu hiu hơn:
Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dan tay ra về
Bước dần theo ngọn phong khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nhịp thơ trở nên nhẹ nhàng, trầm bổng khiến cho tâm trạng của con người trở nên nặng nề và buồn rầu hơn. Với từ láy “tà tà” đã phần nào gợi tả thời gian đã xế chiều và không gian dường như tĩnh mịch và ảm đạm hơn. Mỗi bước chân cũng trở nên nặng nề hơn khi màn đêm sắp buông xuống, con người cũng cảm nhận được một nỗi buồn nào đó len vào trong trái tim. Tâm sự của con người như nhuốm vào cảnh sắc thiên nhiên, khiến cho nó trở nên tiêu điều và xơ xác hơn.
Có thể nói dù cảnh trong thơ Nguyễn Du buồn hay vui thì vẫn mang phong vị riêng của nhà thơ. Đoạn trích “Cảnh ngày xuân” là một ví dụ điển hình như thế. Bức tranh ngày xuân vui tươi, rộn rang, náo nức và có chút buồn phiền được Nguyễn Du khắc họa thành công với sự cảm nhận tinh tế cũng như sự tài hoa trong cách dụng công xây dựng ngôn ngữ.
Bài tham khảo số 4
Cõi âm và cõi dương, người đang sống và người đã khuất, hiện tại và quá khứ đã đồng hiện trên những gò đống ngổn ngang trong lễ tảo mộ. Các tài tử, giai nhân không chỉ nguyện cầu cho những vong linh mà còn gửi gắm bao ao ước về một tương lai hạnh phúc khi mùa xuân về.
Sau khi miêu tả khung cảnh mùa xuân bằng những nét chấm phá thì Nguyễn Du dựng nên khung cảnh ngày lễ hội trong tiết Thanh minh:
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.
Ở đó có hai hoạt động chính là tảo mộ và đạp thanh. Điệp ngữ lễ là... hội là... gợi lên những cảnh hội dân gian cứ liên tiếp diễn ra đã bao đời nay. Cảnh trẩy hội đông vui, nhộn nhịp, tưng bừng, náo nhiệt được nhà thơ miêu tả rất tinh tế:
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.
Từ ghép là danh từ như yến anh, tài tử, giai nhân cho thấy sự đông đủ vui vẻ rất nhiều người du hội. Từ ghép là động từ như sắm sửa, dập dìu gợi tả sự náo nhiệt rộn ràng của ngày lễ hội. Trong đám tài tử, giai nhân gần xa ấy, có ba chị em Thúy Kiều. Câu thơ chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân mới đọc qua tưởng như chỉ là một thông báo nhưng sâu xa hơn, đó là sự chờ mong, trông đợi đến ngày để du xuân trong những bộ quần áo đẹp đã chuẩn bị, đã sắm sửa. Từ ghép là tính từ như gần xa nô nức thể hiện rõ hơn tâm trạng mọi người đi hội. Nô nức, yến anh là lối ẩn dụ cho thấy người dự hội lũ lượt như chim én, chim oanh từng đàn bay liệng ríu ran.
Chỉ bằng mấy câu thơ mà Nguyễn Du đã làm sống lại cái không khí lễ hội mùa xuân vốn là một nét đẹp của nền văn hóa dân gian lâu đời của phương Đông. Trong tiết Thanh minh, người ta rắc những thoi vàng vó, đốt tiền giấy hàng mã để tưởng nhớ những người thân đã khuất:
Ngổn ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay.
Cõi âm và cõi dương, người đang sống và người đã khuất, hiện tại và quá khứ đã đồng hiện trên những gò đống ngổn ngang trong lễ tảo mộ. Các tài tử, giai nhân không chỉ nguyện cầu cho những vong linh mà còn gửi gắm bao ao ước về một tương lai hạnh phúc khi mùa xuân về.
Bài tham khảo số 1
Truyện Kiều là khúc “đoạn trường tân thanh” về cuộc đời oan khổ của nàng Kiều. Những dòng thơ như có “máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy” (Mộng Liên Đường chủ nhân) ấy đã làm rung động triệu triệu con tim suốt mấy thế kỉ qua. Nhưng đời Kiều không phải không có những ngày vui, và Truyện Kiều không phải không có những trang tươi sáng. Đó là những ngày còn trong cảnh “Êm đềm trướng rủ màn che”, bình yên bên cha mẹ, các em. Kiều cũng như bao người, được tham gia những ngày hội vui. Cảnh ngày xuân với không khí lễ hội là một trong những trang vui hiếm hoi của Truyện Kiều, đã thể hiện tài năng độc đáo của Nguyễn Du:
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.
Ngổn ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay.
Nguyễn Du đã dựng nên một bức tranh xuân tràn đầy sức sống : màu trắng tinh khôi thanh khiết tô điểm cho màu xanh hài hoà, mang đến một không khí xuân ngập tràn, chan chứa hi vọng. Lòng người dâng bao cảm xúc bâng khuâng, trước vẻ đẹp trong trẻo của bức tranh xuân. Điầu đó được thể hiện rõ nét hơn trong khung cảnh lễ hội:
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.
Hai câu thơ mang tính khái quát, như một lời giới thiệu về lễ hội – từ đó cho ta thấy được điểm nhìn khoáng đạt của tác giả. Tết Thanh minh là tiết vào đầu tháng ba, khí trời mát mẻ, trong trẻo, mọi người đi tảo mộ, tức là đi viếng và sửa sang lại phần mộ của người thân. Đó còn là dịp để mọi người du xuân, tận hưởng không khí trong lành, thanh sơ của những ngày tháng ba.
Không khí ngày hội vui tươi náo nửc, được diễn tả trong nhịp thơ nhanh:
Gần xu nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tàị tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.
Con người, cảnh vật như cùng hoà nhịp trong không khí rộn ràng ngày xuân. Nó tương hợp với cảnh sắc tràn đầy sức sống ở bốn câu thơ đầu. Một loạt những từ ngữ đặc tả không khí nhộn nhịp được Nguyễn Du đưa vào trong mấy câu thơ ngắn : “gần xa”, “nô nức”, “dập dìu”, càng làm nổi bật màu sắc tươi vui của lễ hội. Trước mắt ta như hiện lên một bức tranh náo nhiệt: người người, tài tử giai nhân dập dìu, sánh vai nhau đi chơi xuân. Hai hình ảnh so sánh: “Ngựa xe như nước áo quần như nêm” đủ để khắc hoạ khung cảnh nhộn nhịp, đồng vui của ngày hội.
Những câu thơ làm hiện lên cả màu sắc, âm thanh, không khí, tâm trạng. “Gần xa” là khắc hoạ không gian ; “nô nức” là diễn tả tâm trạng của người dự hội; “như nước”, “như nêm” cho thấy không khí ngày hội. Đó là cái tài của một ngòi bút miêu tả bậc thầy. Nguyễn Du chỉ bằng vài nét khắc hoạ đã làm sống động cả một không khí rộn ràng ngày xuân. Cảnh đẹp đẽ, tươi vui hay chính là tâm trạng phơi phới của người trong cảnh. Được miêu tả từ điểm nhìn của chị em Thuý Kiều nên ta có thể nhận ra trong đó tâm hồn trẻ trung của những cô gái “xấp xỉ tới tuần cập kê”. Chính sức trẻ của những giai nhân ấy đã thổi hồn vào cảnh vật.
Sự nhộn nhịp của hội được tô điểm bởi phần lễ:
Ngổn ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng vố rắc tro tiền giấy bay.
Với hai câu thơ, đại thi hào dân tộc đã làm sống lại những nét văn hoá xưa qua tục lệ đốt vàng mã. Nhưng ở đây, lễ không phải là trọng tâm của cảnh. Vì vậy, “thoi vàng”, “tiền giấy” dường như chỉ là nghi thức góp phần làm cho không khí ngày xuân thêm phần trang trọng, tôn nghiêm.
Chỉ với tám câu thơ nhưng Nguyễn Du đã dựng nên trước mắt người đọc một bức tranh ngày hội đẹp đẽ, tươi sáng, tràn đầy sức sống. Những từ láy lồng trong những vế tiểu đối một cách nhịp nhàng tạo cho bức tranh một sự hài hoà nhưng vẫn không thiếu những điểm nhấn ấn tượng.
Những câu thơ về ngày hội xuân không phải là những trang đặc sắc nhất của Truyện Kiểu nhưng là một trong những giai điệu vui tươi hiếm hoi trong khúc “đoạn trường tân thanh” não ruột. Nó cho ta thấy sức sống tâm hồn của Thuý Kiều và khẳng định tài năng miêu tả bậc thầy của Nguyễn Du. Nhớ đến Truyện Kiêu, độc giả không thể quên những vần thơ tươi sáng về khung cảnh lễ hội ngày xuân, tràn ngập sắc xuân, tình xuân trong tiết thanh minh này.