Văn học Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX có sự chuyển hướng, từ nền văn học trung đại tồn tại trong xã hội phong kiến sang nền văn học hiện đại hình thành trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Nhưng tính đến những năm hai mươi của thế kỉ XX, số lượng những tác phẩm văn xuôi (truyện ngắn, tiểu thuyết, ký…) vẫn chưa nhiều và chưa có những tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật cao. Dưới đây là những Bài văn Phân tích nghệ thuật trào phúng trong tác phẩm “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” (Ngữ văn 7) hay nhất mà Toplist sưu tầm và tổng hợp.
Bài tham khảo số 2
Nguyễn Ái Quốc trong thời kì sống và hoạt động ở Pháp đã viết một số truyện kí bằng tiếng Pháp như Vi hành, Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu... Đó là những tác phẩm giàu chất trí tuệ và tính hiện đại, thể hiện một quan niệm lấy văn chương để phục vụ chính trị và dân tộc.
Tác phẩm Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu đăng trên báo Người cùng khổ số 36 - 37 vào tháng 9, 10 - 1925. Truyện gồm có ba cảnh: cảnh 1, Va-ren đến Sài Gòn được bọn tay chân đón rước linh đình; cảnh 2, Va-ren dừng lại Huế được bọn bù nhìn đãi yến và gắn mề-đay Nam Long bội tinh; cảnh 3, Va-ren đến Hà Nội và gặp Phan Bội Châu đang bị thực dân Pháp cầm tù với bản án tử hình.
Cuộc chạm trán giữa Va-ren và Phan Bội Châu cho thấy ngòi bút châm biếm sâu sắc của tác giả Nguyễn Ái Quốc. Tác giả đã sử dụng thủ pháp tương phản đối lập để tạo nên tính chiến đấu sắc bén.
Va-ren đã vào “tận xà lim” nơi Phan Bội Châu “đang rên xiết”. Va-ren là con người “đã phản bội giai cấp vô sản Pháp, tên chính khách đã bị đồng bọn đuổi ra khỏi tập đoàn, kể đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình”... Phan Bội Châu là con người “đã hi sinh cả gia đình và của cải”, phải “sống xa Ha quê hương” để tìm đường cứu nước cứu dân, bị bọn thực dân “kết án tử hình vắng mặt”, đang bị “đeo gông” chờ ngày lên “máy chém”. Hai nhân cách đối đầu, một bên là “kẻ phản bội nhục nhã”, một bên là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng.”. Ngòi bút của Nguyễn Ái Quốc biểu lộ thái độ yêu, ghét, tôn trọng, khinh bỉ rất rõ ràng, dứt khoát.
Bằng trí tưởng tượng kì diệu, tác giả đã vạch trần bộ mặt xảo quyệt, giả nhân giả nghĩa, thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc của tên thực dân cáo già! Va-ren “tay phải giơ ra bắt tay Phan Bội Châu trong nhà tù ảm đạm”. Va-ren dụ dỗ Phan Bội Châu hãy “trung thành”, “cộng tác”, “hợp lực” với nước Pháp vì sự nghiệp “khai hóa và công lí”. Hắn khuyên nhà cách mạng Việt Nam đừng “xúi giục” đồng bào ta nổi lên chống Pháp... Hắn khoe mẽ ở Đông Dương “nền dân chủ... nhờ Chúa, rất là tốt!”... Cuối cùng hắn tự vạch trần chân tướng là một kẻ phản bội, tên cơ hội hãnh tiến: “Ông hãy nhìn tôi này, ông Phan Bội Châu! Trước tôi là Đảng viên xã hội đấy và giờ đây thì tôi làm Toàn quyền!...”.
Trái lại, trong cuộc chạm trán ấy, Phan Bội Châu rất chủ động “im lặng, dửng dưng”, “mỉm cười một cách kín đáo..”. Đặc biệt ở phần “tái bút”, tác giả cho biết một nhân chứng quả quyết rằng “Phan Bội Châu đã nhổ vào mặt Va-ren”. Một cái nhổ khinh bỉ. Vị toàn quyền “tôn kính” đã bị hạ nhục!
Tác giả Nguyễn Ái Quốc viết truyện này không chỉ nhằm mục đích ca ngợi Phan Bội Châu “một người lừng tiếng” mà còn đòi ân xá cho cụ, đồng thời vạch trần bộ mặt xảo quyệt, bẩn thỉu của tên Toàn quyền Va-ren nói riêng và lũ thực dân Pháp nói chung.
Giọng văn đả kích châm biếm đầy khinh bỉ. Một lối viết ngắn, tạo tình huống rất độc đáo về cuộc chạm trán giữa Va-ren và Phan Bội Châu. Trang văn của tác giả Nguyễn Ái Quốc trở thành lưỡi gươm chống thực dân, chống kẻ thù xâm lược! Vô cùng sắc bén!
Bài tham khảo số 3
Chảy trong dòng sông văn học Việt Nam, giai đoạn đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945, truyện ngắn Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Chân của Nguyễn Ái Quốc mang một màu sắc và âm điệu độc đáo: được viết bằng tiếng Pháp, xuất hiện trên đất Pháp, "có tính chiến đấu cao và bút pháp điêu luyện, hiện đại".
Trong khi các tác giả trong nước bóng bảy phê phán bọn phong kiến ươn hèn, để nhân dân đói khổ (như Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học), hoặc gửi gắm tình yêu nước, lo đời kín đáo, mơ hồ (như Tản Đà, Trần Tuấn Khải) thì Nguyễn Ái Quốc thẳng thắn và trực tiếp vạch mặt lũ thực dân xâm lược xảo trá, dã man; bày tỏ tấm lòng yêu nước, căm thù giặc mạnh mẽ, cháy bỏng. Trái tim người cầm bút yêu, ghét thật rõ ràng. Vì thế, tuy xuất bản ở nước ngoài, song truyện ngắn Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Chân cùng nhiều lác phẩm khác mà Bác Hồ viết với bút danh Nguyễn Ái Quốc vẫn có giá trị như một áng văn Việt Nam đích thực, góp phần làm sôi động dòng chảy của văn chương dân tộc. Đọc truyện, chúng ta bắt gặp hai hình tượng nhân vật đối lập nhau: tên thực dân xảo trá và người chiến sĩ yêu nước đầy bản lĩnh. 1. Va-ren, một chính khách thực dân xảo quyệt, một kẻ phản bội nhục nhã. Ngay những dòng đầu, Va-ren đã được giới thiệu như một kẻ có lời nói và hành động mập mờ: "nửa chính thức hứa... giả thử... biết giữ lời hứa, liệu quan Toàn quyền Va-ren sẽ "chăm sóc" vụ ấy vào lúc nào và ra làm sao". Đó là những từ ngữ mỉa mai, châm biếm nhẹ, mà sâu. Từ đó, tác giả định hướng cho nhân vật hiện lên trong thời gian (vào lúc nào) và mang những phẩm chất tính cách cụ thể (ra làm sao). Về thời gian, Toàn quyền Va-ren chỉ muốn chăm sóc vụ Phan Bội Châu "khi nào yên vị thật xong xuôi ở bên ấy đã". Nghĩa là, hắn lo cho cái ghế thống trị thật vững vàng trước đã. Hắn muốn tỏ rõ uy quyền thực dân với công chúng ở Đông Dương trước đã. Còn Phan Bội Châu ra sao, hãy đợi đấy. Do đó, sau khi rời nước Pháp với lời hứa "nửa chính thức" sẽ chăm sóc vụ Phan Bội Châu, Toàn quyền Va-ren đã làm một chuyến đi rề rà, lững thững, để nhấm nháp, hưởng thụ những của ngon vật lạ, những lời nói, cử chỉ tâng bốc của lũ tay sai cấp dưới.
Tác giả sử dụng ngòi bút kể chuyện xen kẽ miêu tả, đối chứng bằng điệp ngữ và những câu văn kéo dài chia chuyến đi của Va-ren thành ba chặng. Chặng thứ nhất: Va-ren đến Sài Gòn. Chặng thứ hai: Va-ren ra Huế. Chặng thứ ba: Va-ren đến Hà Nội, tới đích, những trò lố chính thức của Va-ren đã diễn ra. Như vậy, Va-ren đúng là kẻ chỉ hứa suông, tuyên bố sẽ xem xét vụ Phan Bội Châu, thực tâm hắn chẳng chút động lòng nào tới số phận đau khổ của cụ Phan, hắn chẳng phải là viên quan nêu cao trách nhiệm trong công việc. Tới Hà Nội - cái đích quan trọng nhất của chuyến đi - những trò lố chính thức của Va-ren mới thực sự diễn ra, bộ mặt hề mồi, phản trắc, xảo quyệt của tên chính khách thực dân mới thực sự phơi bày. Bằng đôi cánh cửa trí tưởng tượng, nhà văn dẫn người đọc vào "tận cổng nhà lao chính, tận xà lim, nơi người đồng bào tôn kính của chúng ta đang rên xiết"... "Ôi, thật là một tấn kịch!", nhà văn kêu lên, như muốn người đọc tập trung chú ý và cùng nhau suy ngẫm. Nêu những cảnh trên là "hài kịch", thì đến dây "tấn kịch" diễn ra vừa hài vừa bi. Màn chưa mở. Tác giả dành một đoạn văn trữ tình ngoại đề để tóm tắt tiểu sử bất hảo của Va-ren, đồng thời ngợi ca phẩm chất anh hùng của Phan Bội Châu. Về Va-ren, chúng ta đọc thấy rặt những dòng chữ đen ngòm, nhơ nhớp: "Con người đã phản bội [...] tên chính khách đã bị đồng bọn đuổi [...], kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình...". Sự nhơ nhớp mà tác giả gọi là những trò lố diễn ra suốt buổi Va-ren gặp Phan Bội Châu. Trong cuộc "chạm trán" này, hắn luôn tỏ ra chủ động, một con người cao sang, hào hiệp: "Tôi đem tự do đến cho ông đây!". Hắn tuyên bố, rồi cúi xuống bắt tay Phan Bội Châu, nâng cái gông to kệch ở cổ người tù. Chỉ thế thôi, Va-ren đã treo cái bánh vẽ tự do trước đối thủ, rồi "tấn công", ào ạt, liên hồi... bằng những lời nói dài dòng, vòng vo, khi chân thành, thống thiết, lúc châm chọc, mỉa mai, lên bổng xuống trầm. Đúng là giọng lưỡi của một anh hề. Va-ren nói những gì? Trước hết, hắn mặc cả với Phan Bội Châu về hai chữ "tự do". Một bên hắn hứa "đem trả tự do cho Phan Bội Châu", một bên khuyên - hay là ép buộc - Phan, hãy: "từ bỏ những mưu đồ [...] chớ tìm cách xúi giục đồng bào [...], hãy bảo họ cộng tác với người Pháp...". Như vậy, Va- ren dâu có "quý trọng" Phan như hắn nói. Thực chất là hắn đã khuyên người chiến sĩ kiên cường, bất khuất kia đầu hàng, phản lại lí tưởng chiến đấu suốt đời của mình. Lời Va-ren nói, nghe ngọt xớt. Đó là vị ngọt chứa thuốc độc của kẻ phản bội. Tiếp sau, Va-ren nêu những tên tuổi, những chính khách nổi tiếng... về sự... phản bội. Từ Nguyễn Bá Trác - người Việt Nam, đến những Guy-xta-vơ, những A-lếch-xăng, A-ri-xtít, những An-be Pôn, và Lê-ông - người Pháp. Cuối cùng hắn khoe sự thành đạt, bước đường thăng tiến của bản thân. "Trước tôi là đảng viên Xã hội đấy, và giờ đây thì tối làm Toàn quyền...!". Trơ trẽn thay, lố bịch thay là kẻ cầm quyền thực dân Pháp tôn thờ sự phản bội, lấy sự phản bội làm chuẩn mực để ngợi ca những nhân cách bỉ ổi. Do đó, tất cả những lời nói của Va-ren lọt vào tai Phan Bội Châu như "nước đổ lá khoai", nghĩa là nó trôi tuột đi. Tất cả những thái độ "nhiệt tình, chân thành" của kẻ phản bội đã khiến Phan Bội Châu "dửng dưng", hoặc "nhếch" đôi ngọn râu mép (...) lên một chút", rồi “nhổ vào mặt Va-ren”. Càng về cuối truyện, nhân vật Va-ren càng hiện rõ bản chất xấu xa. Những trò lố của hắn dã tự lột trần cái bộ mặt tên chính khách xảo quyệt, "kẻ phản bội nhục nhã". Miêu tả chân dung Va-ren, Nguyễn Ái Quốc dùng ngòi bút lạnh lùng, hóm hỉnh, thông minh, sắc sảo. Đó là ngòi bút điêu luyện, hiện đại, kết hợp chất châu Âu sôi nổi với âm điệu Á Đông thâm trầm. Càng về cuối càng thâm trầm. Sử dụng ba chi tiết miêu tả thái độ và cử chỉ của Phan Bội Châu trước những lời lố bịch của Va-ren, tác giả đã đập thẳng vào mặt kẻ thù - kẻ thù của cụ Phan, kẻ thù của cả dân tộc - những đòn chí mạng. Đó là lưỡi gươm sắc bén mà người thanh niên yêu nước - Nguyễn Ái Quốc - đã vùng lên trong buổi đầu chiến đấu chống ngoại xâm vì nền độc lập, tự do của dân tộc. 2. Phan Bội Châu - người anh hùng. Với kẻ thù - ở đây là nhân vật Toàn quyền Va-ren - ngòi bút Nguyễn Ái Quốc mang tính chiến đấu mạnh mẽ bao nhiêu thì, với người anh hùng dân tộc - ở đáy là nhân vật Phan Bội Châu - ngòi bút ấy mềm mại, nâng niu, trân trọng bấy nhiêu. Tuy không miêu tả chi tiết, song hình tượng Phan Bội Châu vẫn rõ nét, luôn song song với nhân vật Va-ren, như một đối xứng của hai màu sắc chọi nhau trong một hoạ phẩm. Viết về nhân vật Phan Bội Châu, tác giả đã dành những từ ngữ đẹp nhất để ngợi ca. Khi tác giả gọi Phan là "người đồng bào tôn kính của chúng ta", "con người đã hi sinh cả gia đình và của cải", lúc nâng lên tầm của "bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân". Những phó danh từ bậc, vị, đấng đâu phải để nói về người bình thường. Đó là cách định danh mang tính thần thánh. Càng về cuối, tính cách thần thánh của hình tượng Phan Bội Châu càng được tô đậm thêm. Trong suốt buổi gặp, để mặc cho Va-ren diễn thuyết, cụ Phan chỉ "im lặng, dửng dưng". Tai cụ không nghe, nét mặt cụ bình thản, cụ ngồi... im như một pho tượng... "làm cho Va-ren sửng sốt cả người". Đấy chính là nhân cách hiên ngang, bất khuất của người chiến sĩ, luôn tỉnh táo, cảnh giác trước những giọng lưỡi kẻ thù. Đó cũng là cách chiến đấu chống lại kẻ thù, phủ nhận, bác bỏ mọi mưu ma chước quỷ của bọn ngoại xâm. Khi ngọn râu mép của Phan Bội Châu "nhếch lên một chút" theo lời anh lính dõng kể - nhất là lúc cụ Phan "nhổ vào mặt Va-ren" như lời nhân chứng thứ hai quả quyết - thì cuộc chiến đấu trở nên quyết liệt. Người anh hùng ấy đã chiến thắng. Bởi vì, đối với Phan Bội Châu, tất cả lời lẽ và thái độ của Va-ren chỉ là một... trò lố bịch, một trò hề.
Có thể nói, trong truyện ngắn này, hình tượng Phan Bội Châu được khắc họa bằng ngòi bút chấm phá kiểu Á Đông. Chỉ vài nét thông thoáng, tả ít, gợi nhiều, nhân vật nổi lên rõ rệt một chân dung, một thần thái có đủ hình dáng, tư thế và phẩm chất. Phan Bội Châu là người chiến sĩ hiên ngang, bất khuất trước mini mô nham hiểm, thâm độc của kẻ thù. Phan Bội Châu là "bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân" vô cùng đáng kính của tác giả Nguyễn Ái Quốc và của chúng ta - những bạn đọc ngày nay. Truyện ngắn Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu nguyên văn bằng tiếng Pháp, được sáng tác cách đây trên nửa thế kỉ. Những nhân vật, những sự việc và cả tác giả đã đi vào cõi vĩnh hằng. Lúc đầu đọc, qua bản dịch, chúng ta có phần bỡ ngỡ. Song vừa đọc vừa suy ngẫm, chúng ta hiểu rằng: Bằng hình thức tưởng tượng, hư cấu, Nguyễn Ái Quốc - Bác Hồ thời trẻ - đã khắc họa được hai nhân vật có hai tính cách đại diện cho hai lực lượng hoàn toàn đối lập nhau: Va-ren: phản bội lí tưởng, quen chơi những trò lố là đại diện cho thực dân Pháp ở Đông Dương; Phan Bội Châu: "vị anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập" tiêu hiểu cho khí phách dân tộc Việt Nam. Đằng sau hai hình tượng Việt Nam (hình tượng nhân vật trong truyện - Phan Bội Châu và hình tượng tác giả - Nguyễn Ái Quốc) ấy là một tấm lòng vừa căm thù bọn thực dân xâm lược vừa yêu nước thiết tha. Tấm lòng ấy kết hợp một tài năng, một quá trình rèn luyện đã tạo ra một ngòi bút chiến đấu thật sắc sảo, độc đáo: miêu tả sinh động, dùng từ linh hoạt, tự nhiên, trào lộng, nhất là nghệ thuật khắc họa nhân vật, tạo tình huống bất ngờ. Nguyễn Ái Quốc - Bác Hồ của chúng ta - ngay từ những ngày đầu cầm bút đã xứng đáng người chiến sĩ yêu nước, xứng đáng một nhà văn với nghĩa đẹp nhất của từ này.
Bài tham khảo số 1
Văn học Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX có sự chuyển hướng, từ nền văn học trung đại tồn tại trong xã hội phong kiến sang nền văn học hiện đại hình thành trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Nhưng tính đến những năm hai mươi của thế kỉ XX, số lượng những tác phẩm văn xuôi (truyện ngắn, tiểu thuyết, ký…) vẫn chưa nhiều và chưa có những tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật cao.
Trong bối cảnh đó, tập Truyện và kí Nguyễn Ái Quốc được viết ở Pháp từ năm 1922 đến 1925 được đánh giá là một tập truyện kí xuất sắc, mang đậm dấu ấn phong cách truyện ngắn châu Âu hiện đại. Xuất phát từ nhiệt huyết yêu nước và cách mạng của tác giả, tập Truyện kí này còn thể hiện một tài năng nghệ thuật hiện đại và sắc sảo của nhà văn.
Trong số các truyện ngắn nằm trong tập truyện kí này, người đọc không thể quên truyện ngắn có cái tên khá lạ: Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu, Truyện được viết vào năm 1925 để hưởng ứng phong trào của nhân dân trong nước đòi chính quyền thực dân Pháp thả người anh hùng Phan Bội Châu làm nên sức hấp dẫn của truyện ngắn này, một phần lớn, chính là ở nghệ thuật trào phúng sắc sảo.
Vậy thế nào là trào phúng?
Trào phúng là một thủ pháp nghệ thuật sử dụng các tình huống, các chi tiết mang tính đối lập, mâu thuẫn với nhau để tạo nên tiếng cười. Tiếng cười trào phúng thường hướng vào những đối tượng có “thói hư tật xấu” hoặc thể hiện sự tương phản giữa bản chất bên trong và hiện tượng bên ngoài.
Do đó, trong truyện ngắn Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu, đối tượng mà tác giả chĩa mũi nhọn trào phúng vào đó chính là Toàn quyền Va-ren. Tuy nhiên, sự lố bịch, hài hước của Va-ren chỉ bị lột trần khi đặt trong thế đối sánh với nhân vật ở thế đối lập: người tù cách mạng Phan Bội Châu.
Trước hết, tiếng cười trào phúng được tạo nên từ bức chân dung đối lập giữa Phan Bội Châu và Va-ren, đặc biệt là ở “màn hài kịch” diễn ra ngay trong chốn xà lim, nơi giam giữ Phan Bội Châu.
Về tư cách, Va-ren là Toàn quyền Đông Dương nhưng để lên được. chức vụ đó, hắn đã sẵn sàng “phản bội giai cấp vô sản Pháp”, đã chấp nhận trở thành một “tên chính khách đã bị đồng bọn đuổi ra khỏi tập đoàn, kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình”. Ngay cả lời hứa “nửa chính thức” của Va-ren về việc “chăm sóc cụ Phan Bội Châu” cũng chỉ là một chiêu bài lừa mị công luận của hắn nhằm yên vị trong chiếc ghế Toàn quyền Đông Dương. Vậy nên trong suốt bốn tuần khi Va-ren đi từ Mác-xây sang Sài Gòn thì người anh hùng dân tộc của chúng ta vẫn bị giam trong tù, trái với lời hứa hão huyền về nền độc lập, tự do, dân chủ của Va-ren.
Đối lập với tư cách phản động của Va-ren là hình ảnh Phan Bội Châu – “con người đã hy sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy mặt bọn cướp nước mình, sống xa lìa quê hương, luôn luôn bị lũ này săn đuổi, bị chúng nhử vào muôn nghìn cạm bẫy, bị chúng kết án tử hình vắng mặt và giờ đây đang bị, vẫn chúng, đeo gông lên vai đày đọa trong nhà giam, ngày đêm bị bóng dáng của máy chém như một bóng ma ám kề bên cổ”; một “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”.
Hai con người ở hai bên chiến tuyến đối lập nhau đã chạm trán ở trong xà lim Hỏa Lò. Xét về địa vị xã hội, nếu như Va-ren là Toàn quyền Đông Dương, là kẻ có quyền quyết định sinh mạng của người khác thì Phan Bội Châu là tử tù, bị Pháp giam cầm, đang chờ ngày xét xử…
Xét về hành động và ngôn ngữ, trong cuộc gặp mặt này, hầu như chỉ có một nhân vật là biểu lộ cử chỉ, hoạt động cũng như hành động nói năng, diễn thuyết. Mở đầu cuộc gặp là câu nói “ngọt ngào” của Va-ren: “Tôi mang tự do đến cho ông đây”. Trong khi tuyên bố như vậy thì Va-ren “tay phải giơ ra bắt tay Phan Bội Châu, còn tay trái thì nâng cái gông to kệch đang siết chặt Phan Bội Châu trong nhà tù ảm đạm”. Quả là một bức biếm họa sâu sắc! Sự đối lập giữa lời nói và hành động của Va-ren là một bằng chứng sinh động thể hiện bản chất xảo trá của hắn..
Tiếp sau đó là một loạt những lý lẽ mà Va-ren đưa ra để thuyết phục, dụ dỗ Phan Bội Châu bắt tay cộng tác với người Pháp. Từ việc yêu cầu, đề nghị, đến những lời vuốt ve, ca tụng “cuộc đời đầy hy sinh” và “ý tưởng hào hiệp” của cụ Phan, cho đến những hứa hẹn mang lại lợi ích cá nhân và dân tộc và những dẫn chứng về những kẻ phản bội quá khứ, phản bội tổ chức, trong đó có hắn…, tự Va-ren đã lột trần bản chất gian trá, phản động của hắn. Tác giả đưa vào trong ngôn ngữ Va-ren những câu cảm thán thống thiết cùng những lời ca ngợi Tổ quốc hùng hồn:
“… Than ôi, không đâu, ông ạ! Vả lại, trời ơi! Tại sao chúng ta lại cứ cố chấp cãi lộn nhau mãi thế này, trong lúc ông và tôi, tay nắm chặt tay, chúng ta có thể làm được biết bao công việc tốt đẹp cho xứ Đông Dương này? Chúng ta có thể cùng nhau làm cho nước ông trở thành một quốc gia tân tiến lớn, một xứ tự trị, một nước Pháp ở châu Á!” Hay:
“Nền dân chủ của chúng tôi, nhờ Chúa! Rất là tốt! Thật thế, nền dân chủ hào hùng của nước Pháp, mà hôm nay tôi được vinh dự thay mặt giữa các ông, khoan dung với những người, như tôi, đã đoạn tuyệt với những lầm lạc của tuổi trẻ”.
Ở đây, tác giả không dùng lối đánh trực diện mà sử dụng nghệ thuật “gậy ông đập lưng ông”, để cho nhân vật tự lột mặt nạ đạo đức giả của mình. Thực tế mà thực dân Pháp và Toàn quyền Đông Dương đã làm với người dân nước Việt là chứng cứ sống động nhất về chế độ phi dân chủ, phi nhân đạo mà chúng áp đặt lên đất nước ta. Và như thế, trong lời tuyến bố hênh hoang, sáo rỗng của Va-ren, chúng ta có thể nhận ra ẩn ý nghệ thuật của nhà văn. Đối tượng mà tác giả hướng tới để châm biếm còn sâu xa hơn, đó chính là “nước Mẹ Đại Pháp”, là chính quyền thực dân Pháp phản động ở Đông Dương mà lời nói và hành động hoàn toàn trái ngược. Có thể nói, nghệ thuật trào phúng của tác giả thật “cao tay” và sắc bén!
Đứng trước vẻ hùng hồn và những lời dụ dỗ, thuyết phục của Varen, thái độ của Phan Bội Châu như thế nào? Đó là thái độ “im lìm, dửng dưng” trong suốt buổi gặp gỡ khiến cho Va-ren “sửng sốt cả người”. Tác giả đưa ra lời bình về sự im lặng của cụ Phan: “không phải vì một bên nói tiếng Nam, một bên nổi tiếng Tây: đã có một viên quan ở đấy làm thông ngôn cơ mà. Nhưng cứ xét binh tình thì đó chỉ là vì (Phan) Bội Châu không hiểu Va-ren cũng như Va-ren không hiểu (Phan) Bội Châu”. Như vậy, sự không hiểu nhau giữa cụ Phan và Varen không phải do bất đồng ngôn ngữ mà là do hai con người ở hai lực lượng, hai tính cách đối lập nhau, không tìm được tiếng nói chung. Thái độ im lặng của cụ Phan không gì khác chính là thể hiện thái khinh bỉ, không thể giao tiếp được với con người đê hèn như Va-ren.
Đoạn kết và phần tái bút của truyện ngắn chính là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Ái Quốc, là một hình thức trào phúng hiện đại và sắc sảo của nhà văn. Trong đoạn kết truyện, nhà văn đưa ra lời quả quyết của anh lính dõng An Nam về nụ “cười ruồi” của cụ Phan khi nghe Va-ren nói. Cử chỉ đó một lần nữa càng thể hiện khí phách và tư thế hiên ngang, lẫm liệt của cụ Phan trước kẻ thù. Nụ cười ấy đã biến Va-ren thành một tên hề lố bịch trên sân khấu hài kịch do hắn dựng nên. Đồng thời, cũng có thể coi đây cũng là nụ cười mỉa mai, châm biếm kín đáo, sâu sắc của tác giả đối với Va-ren.
Chưa dừng ở đó, trong lời tái bút (như một sự viết thêm), một nhân chứng khác quả quyết về hành động Phan Bội Châu “nhổ vào mặt Va-ren”, và tác giả bình luận: “cái đó thì cũng có thể”. Có thể coi đây là một cú đánh mạnh, trực tiếp vào Va-ren của nhà văn- nhà nghệ thuật trào phúng Nguyễn Ái Quốc.
Như vậy, có thể khẳng định, nghệ thuật trào phúng là một trong những thủ pháp làm nên sức hấp dẫn và thành công của tác phẩm Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu của Nguyễn Ái Quốc. Nhờ nghệ thuật trào phúng sắc sảo, tác phẩm đã khắc họa được hai nhân vật có tính cách đại diện cho hai lực lượng xã hội hoàn toàn đối lập nhau ở nước ta thời Pháp thuộc: Va-ren gian trá, lố bịch, đại diện cho thực dân Pháp phản động ở Đông Dương; Phan Bội Châu kiên cường, bất khuất, tiêu biểu cho khí phách dân tộc Việt Nam. Thủ pháp trào phúng này cũng đã mang đến tiếng cười vừa hóm hỉnh, sắc sảo, vừa thâm thúy và sâu cay cho tác phẩm. Tiếng cười ấy một mặt là sự tiếp nối tiếng cười trào phúng trong văn học truyền thống Việt Nam (từ truyện cười dân gian đến Nguyễn Khuyến, Tú Xương….), mặt khác là sự tiếp thu ảnh hưởng của văn học hiện đại phương Tây (tiếng cười “humour”- tiếng cười trí tuệ thâm thúy, hóm hỉnh).
Với truyện ngắn này, tác giả Nguyễn Ái Quốc không chỉ thể hiện tấm lòng yêu nước sâu kín mà còn thể hiện tài năng nghệ thuật tài hoa, sắc sảo của mình. Truyện ngắn này xứng đáng là một trong những tác phẩm tiêu biểu đặt nền móng cho xu hướng hiện đại hóa văn học Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX.
Bài tham khảo số 4
Bác Hồ không chỉ được biết đến với những bài thơ dung dị, giàu ý nghĩa mà trong thời gian hoạt động ở nước ngoài đặc biệt là Pháp, tại đây Nguyễn Ái Quốc đã có những tác phẩm viết bằng chữ Pháp có tính chiến đấu mạnh mẽ. Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu là một tác phẩm như vậy. Tác phẩm đã cho thấy vẻ đẹp phẩm chất, nhân cách của người anh hùng Phan Bội Châu đồng thời vạch trần bộ mặt gian xảo của tên Va-ren.
Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu đăng trên báo Người cùng khổ số 36, 37 tháng 9 và tháng 10 năm 1925. Đoạn trích thuộc phần thứ ba nội dung chính là cuộc chạm trán giữa Va-ren và Phan Bội Châu đầy kịch tính, cho thấy ngòi bút châm biếm sắc sảo của Nguyễn Ái Quốc.
Câu chuyện được bắt đầu bằng tình huống hết sức gay cấn, là cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật: vị lãnh tụ cách mạng Phan Bội Châu và bên kia là Va-ren, kẻ sang Việt Nam nhận chức toàn quyền Đông Dương. Trên thực tế không có cuộc gặp gỡ nào giữa hai nhân vật này, mà thực chất đây chỉ là tình huống hư cấu, tác phẩm được viết trước khi Va-ren sang Việt Nam nhận chức. Cách xây dựng tình huống như vậy nhằm vạch trần bộ mặt bịp bợm, hèn hạ của Va-ren và làm nổi bật vẻ đẹp nhân cách của cụ Phan Bội Châu.
Trò lố của Va-ren được tác giả vạch trần ngay từ đầu tác phẩm, vì sức ép của dư luận nên hắn mới phải “nửa chính thức hứa” chăm sóc vụ Phan Bội Châu. Nhưng điều hắn chỉ muốn “chăm sóc đến khi nào yên vị thật xong xuôi ở bên ấy đã”. Những từ ngữ mỉa mai, châm biếm để người đọc có một định hướng về tính cách của nhân vật này.
Và bộ mặt thực sự của hắn đã bị vạch trần trong cuộc đụng độ, chạm trán với cụ Phan Bội Châu. Có thể thấy rằng, trong cuộc gặp gỡ này, nhà cách mạng của chúng ta không nói bất cứ điều gì với hắn, chỉ có một mình Va-ren độc thoại, từ đó bộc lộ bản chất xảo quyệt của chính mình. Trước khi bắt đầu cuộc hội thoại mà thực chất là độc thoại, Nguyễn Ái Quốc đã viết một đoạn bình luận vô cùng xuất sắc “Ôi thật là một tấn bi kịch! Ôi thật là một cuộc chạm trán….”, “một kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp” – Va-ren với một bên là cụ Phan Bội Châu “hi sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy bọn cướp nước mình, sống xa lìa quê hương, luôn luôn bị lũ này săn đuổi….”. Vẽ nên chân dung đối lập giữa hai nhân vật đã cho thấy rõ thái độ của người viết với đối tượng, một bên là mỉa mai, châm biếm, coi thường, một bên là ngợi ca, tôn vinh, yêu quý.
Cuộc mặc cả, ra giá bắt đầu, y dụ dỗ, yêu cầu cụ Phan Bội Châu hãy từ bỏ ngay ý định chiến đấu vì nền độc lập dân tộc: “Ông hãy để mặc đấy những ý nghĩ phục thù” “bỏ đi những mưu đồ xưa cũ và thôi, chớ tìm cách xúi giục đồng bảo ông nổi lên” cùng nhau làm những việc tốt đẹp cho xứ Đông Dương, “làm như vậy ông sẽ được tất cả, được cho đất nước ông, được cho bản thân ông”. Không chỉ dùng lời lẽ đe dọa, hắn còn lấy những dẫn chứng, những kẻ phản bội để cho Phan Bội Châu nghe gương mà bị thuyết phục: Nguyễn Bá Trác, Guy-xta-vơ, A-lếch-xăng,… không dừng lại ở đó, hắn còn khoe những chiến công mình giành được khi phản bội lại giai cấp, phản bội lại bạn bè, phản bội niềm tin: “Trước tôi là đảng viên xã hội đấy, và giờ đây thì tôi làm Toàn quyền…”. Càng về cuối bản chất xảo trá, bịp bợm của Va-ren càng bị vạch trần rõ nét hơn. Những lời Va-ren nói, những hành động hắn làm cho thấy hắn là kẻ bịp bợm, phản phúc và trơ trẽn đến tột cùng.
Trong màn hài kịch trên, Phan Bội Châu hoàn toàn im lặng, sự im lặng đó thể hiện rõ thái độ của nhà cách mạng. Trước hết, ông coi Va-ren không có mặt, bởi vậy, những lời nói của Va-ren chỉ như nước đổ lá khoai. Qua đó còn thể hiện thái độ khinh bỉ “đôi ngọn râu mép người tù nhếch lên một chút rồi lại hạ xuống ngay, mỉm cười một cách kín đáo, vô hình và im lặng, như cánh ruồi lướt qua vậy”. Thái độ ứng xử đó một lần nữa khẳng định phẩm chất đẹp đẽ của ông: suốt một đời hi sinh cho cách mạng, cho độc lập, tự do của đất nước. Không có bất cứ điều gì có thể lay chuyển ý chí cách mạng, tinh thần sắt đá đó của ông. Đặc biệt những dòng kết thúc tác phẩm càng làm nổi bật hơn nữa phẩm chất của cụ Phan Bội Châu: nếu ở trên ta thấy ông im lặng, khinh bỉ thì trong T.B ông thể hiện phản kháng quyết liệt: nhổ vào mặt Va-ren, chi tiết này cho thấy sự khinh bỉ đã được đẩy lên đến tột cùng. Như vậy, cách khép lại tác phẩm đã tạo ra độ mở cho câu chuyện và làm nổi bật chủ đề tác phẩm.
Tác phẩm được viết bằng chất giọng châm biếm, mỉa mai, hóm hỉnh. Tạo dựng tình huống hư cấu bất ngờ, hấp dẫn thể hiện trí tưởng tượng tài hoa của người viết. Qua đó đã làm nổi bật phẩm chất đáng quý của Phan Bội Châu, và bản chất lố bịch, xấu xa của Va-ren.
Bài tham khảo số 5
Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu là một truyện ngắn đặc sắc và độc đáo của Nguyễn Ái Quốc, sáng tác năm 1925 sau sự kiện nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc từ Trung Quốc áp giải về Việt Nam và xử tù chung thân. Trước phong trào đấu tranh sôi sục của nhân dân cả nước đòi thả cụ Phan, chúng đã phải ra lệnh ân xá rồi đem cụ về giam lỏng ở Bến Ngự, kinh đô Huế, cho đến ngày cụ qua đời (1940).
Va-ren vốn là đảng viên Đảng Xã hội Pháp. Sau khi phản bội Đảng, hắn được cử làm Toàn quyền Đông Dương, thay cho Méc-lanh bị chiến sĩ cách mạng Phạm Hồng Thái ám sát hụt phải về nước. Trước ngày chuẩn bị sang Đông Dương nhậm chức, Va-ren tuyên bố sẽ quan tâm tới cụ Phan Bội Châu. Ngay lập tức, Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm Những trò lố hay là Va- ren và Phan Bội Châu để phơi bày bộ mặt lố bịch cùng bản chất xấu xa của hắn.
Hình thức tác phẩm giống như một bài kí sự nhưng thực ra nó là một truyện ngắn hư cấu (nghĩa là tưởng tượng trên cơ sở những yếu tố có thật).
Nhân vật có thật là Va-ren toàn quyền Pháp mới tại Đông Dương; Phan Bội Châu – là chí sĩ yêu nước đang bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam tại Hà Nội. Sự kiện có thật là phong trào đấu tranh sôi sục của nhân dân đòi thả cụ Phan Bội Châu đang dâng cao khắp ba miền.
Những tình tiết hư cấu là truyện được viết trước khi Va-ren sang nhậm chức Toàn quyền Đông Dương và thực tế sau khi sang Đông Dương cũng không có chuyện Va-ren gặp Phan Bội Châu ở nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Nội dung cuộc gặp gỡ giữa Va-ren với Phan Bội Châu cũng là do tác giả tưởng tượng ra. Thông qua hai nhân vật Va-ren và Phan Bội Châu, chúng ta hiểu rõ thái độ căm thù, khinh bỉ quân xâm lược và lòng yêu nước thiết tha của Nguyễn Ái Quốc.
Đặt cụm từ Những trò lố trong nhan đề tác phẩm, tác giả có chủ ý vạch trần hành động giả dối, lố bịch và bản chất xấu xa của tên cáo già Va-ren. Truyện được kể theo trình tự thời gian: Từ Pa-ri, Va-ren xuống tàu sang Việt Nam rồi tới khám giam cụ Phan Bội Châu tại Hỏa Lò. Chuyến đi chia thành bốn chặng. Chặng 1: Bốn tuần lễ đầu, Va-ren ở trên tàu trong hành trình từ Mác-xây đến Sài Gòn. Chặng 2: Va-ren đến Sài Gòn, được chính quyền sở tại đón tiếp “nhiệt tình”. Chặng 3: Va-ren tới Huế, được triều đình nghênh tiếp, được dự yến và gắn mề đay. Chặng 4: Va-ren ra Hà Nội, tiến hành cuộc hội kiến với Phan Bội Châu ở trong tù và những trò lố của hắn đã diễn ra. Phần trích trong sách giáo khoa là chặng 1 và chặng 4.
Qua cách kể chuyện và miêu tả của tác giả, người đọc có thể hình dung ra chuyến đi dềnh dàng kéo dài và những trò lố (những trò nhố nhăng, bịp bợm, đáng cười) của tên Toàn quyền Va-ren.
Trong đoạn văn có hai nhân vật chính là Va-ren và Phan Bội Châu. Hai nhân vật này được xây dựng bằng nghệ thuật tương phản. Va-ren (kẻ thống trị) bất lương đối lập với cụ Phan Bội Châu là một tù nhân (người bị trị) nhưng lại cao cả và vĩ đại.
Ngôn ngữ sử dụng trong việc khắc họa tính cách của từng nhân vật cũng khác nhau. Tác giả dùng ngôn ngữ trần thuật để khắc họa tính cách của Va-ren. Còn với Phan Bội Châu, tác giả dùng phương pháp đối lập là sự im lặng. Đây là bút pháp tinh tế, sắc sảo có khả năng gợi tả, gợi cảm lớn.
Va-ren nhậm chức toàn quyền, đứng đầu bộ máy cai trị của thực dân Pháp tại Đông Dương (gồm ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia). Trò lố đầu tiên của hắn là hứa chăm sóc cụ Phan Bội Châu. Tác giả ngầm khẳng định: Va-ren vừa mới nhậm chức nên muốn trấn an dư luận. Vì thế nên lời hứa của hắn chỉ là lời hứa suông để mị dân, làm dịu không khí đấu tranh chống Pháp đang sôi nổi khắp nơi. Điều đó cho thấy Va-ren là một kẻ nham hiểm, xảo quyệt, lời hứa đó để đối phó trước sức ép của công luận ở Pháp và Đông Dương. Nói khác đi, đó là lời hứa gượng ép, miễn cưỡng.
Tác giả đã bình luận việc này như sau: Ông hứa thế; giả thử cứ cho rằng một vị Toàn quyền Đông Dương mà lại biết giữ lời hứa đi chăng nữa, thì chúng ta vẫn được phép tự hỏi liệu quan Toàn quyền Va-ren sẽ “chăm sóc” cụ ấy vào lúc nào và ra làm sao? Tác giả vạch ra mâu thuẫn giữa nội dung lời hứa và thời gian thực hiện lời hứa. Thời gian thực hiện còn lâu, vì Va- ren vừa mới xuống tàu, mà hành trình đường biển kéo dài chừng bốn tuần lễ. Trong khi đó, Phan Bội Châu vẫn bị giam trong tù.
Cho nên, lời hứa của hắn là trò lố thứ nhất. Tác giả dùng cụm từ nửa chính thức hứa một cách mỉa mai và câu hỏi nghi vấn để thể hiện điều đó. Thực tế, Va-ren vẫn là một tên thực dân đứng đầu guồng máy cai trị ở Đông Dương; còn Phan Bội Châu vẫn là lãnh tụ cách mạng bị cầm tù. Hai người đại diện cho hai phía đối lập nhau.