Đối với nhiều bạn, môn văn là một môn học vô cùng nhiều kiến thức khó nhằn, không phải cứ chỉ học thuộc là có thể được điểm cao. Vẫn có rất nhiều bạn cảm thấy lo lắng cho môn này trong khi ngày thi đại học đã gần kề. Vì vậy, Toplist xin giới thiệu với các bạn một vài bí kíp ôn thi đại học môn văn hiệu quả nhất để các bạn có thể đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới!
Trong quá trình làm quen với các kiến thức mới cũng như khi ôn tập, các bạn phải biết cách tổng hợp, phân loại từng mảng nội dung kiến thức cụ thể như phong cách tác giả, đề tài, trường phái nghệ thuật… Điều đó chắc chắn sẽ hữu ích vì sẽ giúp các bạn có cái nhìn toàn diện, vừa tổng thể vừa chi tiết về các đối tượng kiến thức khác nhau. Đồng thời việc tổng hợp và phân loại sẽ giúp các bạn cũng có thể so sánh, tìm ra những tương đồng và khác biệt giữa tác phẩm này và tác phẩm kia.
Trong quá trình ôn luyện và thi Văn thì kĩ năng làm bài đóng vai trò hết sức quan trọng. Để đạt kết quả tốt nhất có thể trong kì thi tuyển sinh, các bạn cần phải trau dồi kĩ năng phân tích, giải thích, bình luận, so sánh, đối chiếu... Từ đó, biết kết hợp, vận dụng khéo léo trong bài viết để tạo nên sự đa dạng, mới mẻ trong lối viết, tránh cách dụng văn đơn điệu, một màu, nhàm chán. Một khi đã viết văn thuần thục cộng với kiến thức nền vững, các bạn sẽ không bao giờ phải rập khuôn văn mẫu hay tốn hàng giờ học thuộc tất cả những bài văn mẫu có sẵn. Nhờ vậy, chắc chắn bài văn của bạn sẽ được đánh giá rất cao.
Người ta vẫn thường nói "Nét chữ nết người". Trong bài thi đại học, ý kiến ấy vẫn hoàn toàn đúng. Một bài chữ đẹp, trình bày gọn gàng, sách sẽ chắc chắn sẽ tạo một ấn tượng ban đầu với người chấm. Ngược lại, bài văn chữ cẩu thả, trình bày gạch xóa, thử hỏi có ai muốn đọc hết mấy tờ giấy như vậy? Kể cả bạn có viết hay đến đâu, khi người chấm cảm thấy chán nản, mệt mỏi vì chữ xấu và quá nhiều gạch xóa chắc chắn bài của bạn cũng bị đánh giá không cao.
Sáng tạo trong bài thi Văn chắc chắn sẽ mang lại cho bạn điểm số cao. Trong một đoạn văn các bạn nên đa dạng hóa kiểu câu, bên cạnh câu đơn, câu tường thuật, nên dùng câu phức, cảm thán, câu hỏi tu từ nhằm tạo ra giọng điệu mới. Bên cạnh đó, các bạn cũng nên sử dụng các dẫn chứng thực tế, gần gũi cho bài văn Nghị luận xã hội, hay những chi tiết trong các tác phẩm văn thơ khác để so sánh và làm nổi bật hơn tác phẩm được yêu cầu phân tích. Không nên dùng những dẫn chứng quá quen thuộc, quá phổ biến dễ gây nhàm chán; ngôn từ nên đa dạng linh hoạt và chính xác...
Khi viết bài nghị luận văn học, phần mở bài nên cố gắng dùng một câu thơ hay lời văn, câu danh ngôn của các tác gia nổi tiếng trong và ngoài nước có ý nghĩa gần gũi với tác phẩm được đề cập trong đề thi nhằm tạo ấn tượng ngay từ đầu với giám khảo. Để làm được điều này đòi hỏi quá trình tích lũy kiến thức và đọc nhiều tài liệu tác phẩm văn học ngoài chương trình; gặp lời thơ, lời văn nào có ý nghĩa mình đều ghi lại vào sổ tay - đây là thói quen cần thiết đối với bất kì người học văn nào.
Có thí sinh cho rằng năm trước, đề thi đã ra vào bài này, phần này, nên năm sau sẽ không rơi vào bài đó nữa. Nhận thức như vậy là chủ quan, vừa sai lầm, vừa thiển cận. Vì đề thi được chọn từ ngân hàng đề thi nên rất có thể lại được đưa vào năm tiếp theo. Tác phẩm này năm trước đưa vào phần Nghị luận văn học thì năm nay có thể được đưa vào phần Đọc hiểu hay Nghị luận xã hội. Vì vậy, các bạn thí sinh nên cố gắng ôn tập đều ở tất cả các phần, các bài trong chương trình thi, không nên học tủ. Học tủ sẽ tạo cảm giác lo lắng, làm ảnh hưởng đến tâm lí khi bước vào phòng thi.
Rất nhiều bạn có ý nghĩ rằng viết càng dài càng tốt hay viết càng dài càng được nhiều điểm. Ý nghĩ ấy hoàn toàn sai lầm. Tất nhiên nếu bài văn ngắn quá sẽ làm mất hứng người chấm nhưng các bạn không nên viết quá lan man mà không rõ ý, không trúng với yêu cầu của đề bài. Vì vậy, các bạn nên tự lập cho mình dàn ý trước khi viết, có hệ thống luận điểm, luận cứ rõ ràng để khi viết ta không bị lan man, dài dòng.
Về kiến thức, người học phải đảm bảo chắc chắn những nội dung cơ bản của từng tác phẩm có trong chương trình thi dựa trên sự truyền đạt của thầy cô cũng như tìm hiểu qua các tài liệu tham khảo khác. Khi học, các bạn nên cố gắng phân tích tác phẩm trên hai phương diện: nội dung và nghệ thuật vì hai yếu tố này luôn tương hỗ và làm nên vẻ đẹp hoàn thiện của tác phẩm ấy. Các bạn có quyền phân tích tác phẩm theo cảm nhận chủ quan của mình, không nhất thiết phải rập khuôn theo bài giảng của thầy cô hay lối hiểu truyền thống trước nay; sự sáng tạo trong lối bình luận của các bạn có thể mang lại nét riêng, khó lẫn và chắc chắn ghi điểm trong mắt giám khảo. Tuy nhiên, dù hiểu theo cách nào các bạn cũng phải đưa ra dẫn chứng xác đáng cho luận điểm hay đánh giá đó.
Rất nhiều bạn thí sinh gần hết giờ vẫn chưa làm xong bài dẫn đến tình trạng mất bình tĩnh, gây ảnh hưởng đến kết quả bài thi. Khi tìm hiểu bố cục đề của Bộ Giáo Dục, các bạn hãy tự định hình cho mình mỗi dạng bài chiếm bao nhiêu phần trăm, từ đó tự ước lượng thời gian sao cho hợp lí. Các bạn nên ước lượng sao cho vẫn thừa một khoảng thời gian nhất định để có thể phòng trường hợp như "bí ý", bút hết mực... Các bạn nên dành 5 phút đến 10 phút cuối giờ để có thể đọc lại và soát lại bài để có thể yên tâm sau khi nộp bài.
Các bạn thí sinh nên tham khảo đề thi, đáp án, biểu điểm chính thức và dự bị những năm trước của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Việc này sẽ giúp cho các bạn có một định hướng rõ ràng hơn trong việc ôn tập và làm bài thi. Khi đọc những tài liệu này, cần lưu ý đến điểm số dành cho từng ý; tại sao ý này điểm nhiều, ý kia điểm ít; cũng như trình tự sắp xếp các ý, phạm vi dẫn chứng… Các bạn cũng nên học hỏi cách làm bài, kiến thức, cách mở bài, kết bài, triển khai ý, cách chuyển ý, trình bày, diễn đạt trong biểu điểm chấm thi, hay qua những bài văn đạt điểm cao trong các kì thi đại học trước đó. Như vậy, bài của các bạn sẽ rất sát với đáp án của Bộ và sẽ được đánh giá rất cao.