Ngày nay, cùng với sự hội nhập quan hệ giữa giáo viên và học sinh đã trở nên thân mật hơn so với trước đây. Và để được học sinh yêu thích hay nói cách khác là để học sinh thích học mình, muốn nghe mình nói thì trước hết học sinh phải yêu mình, kính trọng mình sau đó mới nói đến việc dạy cái gì? dạy như thế nào? Vậy để tạo được thiện cảm với học sinh thiết nghĩ mỗi người thầy, người cô tạo ra một hình ảnh riêng thật gần gũi và thân thiện với học sinh. Nghĩa là làm tất cả những gì mình có thể, phù hợp với tâm lí các em, phù học với chuẩn mực đạo đức xã hội của một nhà giáo. Chúng tôi xin giới thiệu những bí quyết đơn giản để thu phục học trò mà giáo viên nào cũng nên biết.
Thường xuyên tổ chức thảo luận
Tổ chức các buổi thảo luận về phương pháp dạy học. Giáo viên có thể giao cho học sinh những nhiệm vụ, bài tập và sau đó khuyến khích các em thuyết trình trước lớp. Việc này sẽ khiến các em hào hứng tham gia vào bài học hơn cũng như tạo cho các em sự tự tin khi đứng trước thầy cô và các bạn.
Tổ chức các buổi tọa đàm, lắng nghe khám phá của học sinh về bài học từ các nguồn tài liệu khác nhau, các quan điểm khác nhau. Nếu cho học sinh đọc các loại sách khác nhau cho cùng bài học và cho ý kiến, chắc chắn học sinh sẽ hứng thú học hơn.
Là một thầy cô giáo "Xì - tin"
Thực tế cho thấy, học sinh hay sinh viên đều rất thích thầy cô giáo sống "xì - tin" một chút. Luôn cập nhật xu thế và các vấn đề teen quan tâm là một trong những lợi thế lớn của thầy cô trong việc thu hút học sinh. Hiểu được sở thích, tâm lý lứa tuổi, chắc chắn sẽ giúp thầy cô rất nhiều trong việc chia sẻ tâm tư và truyền đạt kiến thức với các học trò.
Có khiếu hài hước và khả năng văn nghệ cũng là một lợi thế để thu hút học sinh. Đây là “phương tiện” giúp giáo viên hoà đồng, gần gũi với học sinh hơn, vừa giúp cho giờ dạy văn bớt căng thẳng, tạo được không khí lớp học thoải mái hơn. Những giáo viên có khiếu hài hước bao giờ cũng tạo được thiện cảm và để lại ấn tượng đối với học sinh, được học sinh yêu mến.
Luôn cập nhật tin tức về đời sống xã hội và những điều học sinh đang quan tâm
Học sinh cầu toàn ở giáo viên, luôn nghĩ thầy cô là những người có hiểu biết sâu rộng, các em đặt niềm tin rất lớn ở thầy cô. Nên ngoài chuyên môn, nếu giáo viên có hiểu biết sâu rộng kiến thức ở nhưng lĩnh vực khác là rất tốt.
Ví dụ: Thời trang, sinh lí nam nữ, sức khoẻ, làm đẹp, hoặc những thông tin cập nhập về giới trẻ, vấn đề tệ nạn xã hội, nghề nghiệp, giải trí, facebook… có cập nhật được những điều mới mẻ xung quanh cuộc sống, phải đặt mình vào cương vị của các em thì mới “đi” đến được những “góc khuất” của tâm hồn để khơi dạy tình yêu và đam mê ở các em.
Có tác phong sư phạm
Học trò nào cũng thích thầy cô ăn mặc đẹp, lịch sự, kín đáo, trẻ trung. Bởi vậy khi đứng lớp thầy cô nên ăn mặc lịch sự, hợp thời đại, điều này sẽ gây được thiện cảm với các em học sinh.
Tác phong đi lại của thầy cô cũng là một hình ảnh trực quan của học sinh. Với các cô giáo, sự duyên dáng, nhẹ nhàng, trong từng bước đi, thế đứng cũng tác động không nhỏ đến tâm lí học sinh.
Hành động của giáo viên là những việc làm diễn ra trước mắt học sinh. Giáo viên phải tế nhị, kín đáo, ý tứ. Có những tình huống giáo viên xếch quần, kéo áo, mặc áo ngắn, váy ngắn, nghe điện thoại nói oang oang, ném phấn vào học sinh… đều là những hành động thiếu tế nhị không nên làm trước mặt các em.
Luôn giữ nét mặt tươi tỉnh và nụ cười khi lên lớp
Nét mặt của giáo viên biểu lộ trực tiếp thái độ với các em học sinh. Cô giáo có khuôn mặt đẹp, dịu hiền là điều tuyệt vời, nhất là giáo viên dạy văn có khuôn mặt đẹp sẽ tạo ấn với học sinh rất nhiều.
Nếu giáo viên không có khuôn mặt đẹp, nên để ý hơn khi lên lớp: Có thể mỗi khi lên lớp trang điểm một chút, chỉn chu quần áo một chút để thấy mình đẹp hơn, tự tin hơn, các em sẽ thích hơn, đó cũng là cách tôn trọng các em. Nhưng không quá lạm dụng trang điểm lòe lẹt, nhuộn tóc quá đậm mầu… không phù hợp với môi trường sư phạm, môi trường giáo dục.
Cẩn trọng trong lời nói
Lời nói là phương tiện giao tiếp trực tiếp hàng ngày của thầy trò. Nên chúng ta cũng thận trọng hơn khi giao tiếp với học sinh “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Giáo viên tránh xúc phạm hay miệt thị hoc sinh, tránh thứ ngôn ngữ “chợ búa”, hay nói tục tĩu làm các em tổn thương, hoặc không nể phục. Nếu trong lúc nóng nảy, giáo viên có nặng lời với các em thì đừng ngại nói lời xin lỗi.
Song cần thấy rằng, không phải lúc nào chúng ta cũng đem ngôn ngữ mĩ lệ, hào nhoáng, lãng mạn ra giao tiếp với các em. Lúc ấy, chúng ta cũng giống như đang diễn kịch. Vậy là từng lời nói của người thầy, người cô cần rõ ràng, mạch lạc, thân thiện, gần gũi. Tránh nói ngọng, nói nhịu, nói sai.
Giáo viên phải có lối sống chuẩn mực
Đây là yếu tố vô cùng quan trọng giúp giáo viên tự tin để dạy học trò. Thầy cô giáo luôn phải gìn giữ, phải hoàn thiện những gì thuộc về đạo đức, nhân cách một nhà giáo.
Nếu giáo viên dạy các em phải biết tha thứ mà bản thân giáo viên đó lại không biết tha thứ cho ai, dạy các em phải biết cảm thông mà bản thân lại hay miệt thị người khác, dạy các em phải biết bỏ đi thói ghen tị mà lại ghen tị hẹp hòi, hoặc nói với các em là phải biết đối xử công bằng mà bản thân giáo viên đối xử với các em không công bằng… thì không thể thuyết phục được học sinh.
Nhân cách, phẩm chất không phải là cái gì cao siêu mà là thái độ sống, hành động, cách ứng xử hàng ngày của thầy cô ở trường, ở nhà, trong tập thể, hay trong đời sống cá nhân của mỗi người.
Áp dụng linh hoạt các phương pháp sư phạm và liên tục làm mới các phương pháp đó
Giáo viên cần chuẩn bị nhiều các phương pháp học tập và các hình thức tổ chức dạy học khác nhau và thay đổi liên tục. Mỗi lần thay đổi phương pháp và hình thức, học sinh sẽ tăng hứng thú lên vì có sự đổi mới.
Một tiết học hấp dẫn kéo dài 45 phút cần độ 6 - 7 phương pháp khác nhau.
Liên tục chuẩn bị các câu chuyện cười để xua đi cảm giác buồn ngủ. Các câu chuyện cười càng sát với bài học càng tốt. Và hãy sử dụng khi không khí lớp trầm xuống.
Giao nhiệm vụ cho học sinh nhiều hơn để học sinh chủ động khám phá thì sẽ làm không khí lớp học luôn vui vẻ và sôi động.
Không gây áp lực cho học sinh
Không gây áp lực cho học sinh bằng các loại kỉ luật, điểm danh, hay kiểm tra miệng. Nếu cần kiểm tra thì sử dụng các chiêu trò để kiểm tra như chơi trò chơi học tập để ôn lại kiến thức hoặc làm bài kiểm tra ra giấy.
Để học sinh chịu khó học hỏi, đọc sách và tìm hiểu, giáo viên nên yêu cầu học sinh làm các bài tập dạng tổng kết như: xây dựng các dạng sơ đồ tư duy, sơ đồ cột tổng hợp kiến thức.
Hoặc làm các bài tập khám phá khác nhau như điều tra xã hội học để kiểm chứng các bài học vừa được học hôm trước.
Tôn trọng và lắng nghe học sinh
Hãy tôn trọng và lắng nghe học sinh cho dù các em ở bất cứ lứa tuổi nào. Không chê bai, so sánh hay phán xét là điều các thầy cô nên tuân thủ. Khi được tôn trọng đúng mức, học sinh chắc chắn sẽ nuôi dưỡng được sự tự tin, tự tôn và biết tôn trọng người khác, trong đó có thầy cô.
Nếu cần phê phán điều gì, thầy cô nên nhắc chung chung, sau đó nói chuyện riêng với học sinh mắc lỗi.
Giáo viên cần lắng nghe nguyện vọng, tâm tư của học sinh, tạo cơ hội cho các em bày tỏ ý kiến của mình, không nên áp dắt các em làm theo ý mình.