Sự tập trung là điều quan trọng đối với các bé. Ngay từ lứa tuổi mầm non, bé đã cần được rèn luyện cho mình sự tập trung để khám phá, học hỏi thế giới xung quanh. Biết là vậy, nhưng phải làm sao để trẻ thật sự tập trung trong giờ học, biết nghe lời cô giáo và không nghịch ngợm? Và bài viết dưới đây, Toplist xin giới thiệu đến bạn những cách rèn luyện trẻ mầm non sự tập trung và biết nghe lời mà cô giáo nên biết.
Xây dựng nề nếp trong lớp học
Đối với trẻ mầm non hầu hết mọi hoạt động đều mang tính chất lặp lại bởi giai đoạn này các bé mới dần hoàn thiện ý thức non nớt, chúng còn ngây ngô và có chút vô tổ chức. Quen với việc được chăm sóc, nuông chiều và mình là trung tâm của mọi sự chú ý khi ở gia đình thì đến lớp các bé cần tập dần với thói quen sinh hoạt mới và nề nếp trong lớp học. Để làm được điều này không hề đơn giản, các cô giáo cần xây dựng kỷ luật một cách khéo léo để tạo nề nếp bắt đầu bằng cách tạo nên những hoạt động thói quen lặp lại nhiều lần và có tổ chức rõ ràng như: chào hỏi, xếp hàng, giơ tay,...
Lập thời gian biểu rõ ràng
Đối với các bé việc lập thời gian biểu rõ ràng và khoa học là rất cần thiết. Không chỉ trong việc học tập, ăn ngủ, nghỉ ngơi, chơi và hoạt động tập thể của các bé các cô giáo đều nên có thiết kế rõ ràng trong mỗi buổi học. Ở độ tuổi này mọi sự phát triển của bé đều rất quan trọng và nhạy cảm vậy nên việc phân bố thời gian hợp lý giúp các bé nhanh thích nghi với trường lớp và đem lại hiệu quả cao hơn.
Thường xuyên tổ chức các hoạt động cho trẻ
Thường xuyên tổ chức hoạt động là cách cho bé được chơi, học, sử dụng năng lượng một cách hợp lý. Bên cạnh đó được tham gia hoạt động thì bé sẽ có hứng thú và yêu thích đi học. Điều này cần cô giáo phải siêng bày trò cho trẻ. Các bé rất thích các họat động ngoài trời hoặc thực tế như xếp thuyền thả vào nước, nghịch màu nước, làm bánh, chơi nông trại..
Tạo sự hứng thứ và yêu thích đi học chính là một trong những yếu tố quan trọng, giúp cô giáo nâng cao tinh thần ham học hỏi ở trẻ, từ đó giúp trẻ tập trung hơn trong giờ học.
Những trò chơi và hoạt động giúp rèn luyện sự tập trung cho trẻ:
- Ghép đường ray tàu hỏa. Trẻ sẽ phát triển được năng lực tập trung khi cố gắng ghép các đường ray một cách chính xác, ngoài ra trẻ cũng sẽ nâng cao được kỹ năng toán học.
- Chơi ghép hình. Bắt đầu bằng 24 mảnh ghép, sau đó nâng lên 48 mảnh ghép và nhiều hơn…
- Xâu các chuỗi hạt. Bắt đầu bằng một số hạt có màu sắc khác nhau, sau đó tạo ra quy luật cho các hạt, ví dụ như xâu các màu đỏ, vàng, xanh, tím theo thứ tự, yêu cầu bé lặp lại 5 đến 6 lần.
Cô giáo phải thật kiên nhẫn
Khi tổ chức một hoạt động không phải bé nào cũng chịu làm, chịu chú ý vì bản tính tinh nghịch, thích quậy, không chịu ngồi yên. Chính vì thế cô giáo cần kiên nhẫn và giữ nguyên lịch sinh hoạt điều độ từ từ bé sẽ thuận theo cô. Những bé cá biệt thì thời gian để huấn luyện cho ngoan có khi mất 3-4 tháng là bình thường. Không thể 1 sớm 1 chiều mà bé chịu nghe theo cô.
Tạo hứng thú cho trẻ khi bắt đầu hoạt động
Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng vậy, khi ta có hứng thú với một hoạt động hay một công việc nào đó thì kết quả đem lại sẽ cao hơn mức bình thường. Vậy thì tại sao không tạo hứng thú cho trẻ trước mỗi hoạt động? Đây sẽ là một phương án hiệu quả giúp trẻ tập trung hơn trong mỗi hoạt động và đem lại hiệu quả tốt hơn đó.
Tạo không gian yên tĩnh
Khả năng tập trung cần được rèn luyện. Hơn nữa trẻ rất dễ mất tập trung bởi những tác động bê ngoài và thường tò mò, hiếu động với mọi thứ xung quanh nên tạo ra không gian yên tĩnh sẽ cần thiết hơn cả giúp trẻ tập trung tốt hơn. Chính vì vậy, cần tạo cho trẻ không gian yên tĩnh, ánh sáng đầy đủ, trang trí đẹp mắt, vừa giúp trẻ cảm thấy thoải mái, vừa tăng hứng thú và tinh thần tập trung học tập.
Giao tiếp ngầm
Giao tiếp ngầm là cách mà các cô có thể điều khiển và nắn chỉnh cho các bé những hoạt động hoạt ý thức một cách tinh tế thông qua ánh mắt, cử chỉ,.. Tuy nhiên để có thể giao tiếp ngầm với bé hiệu quả thì giữa các cô giáo và các bé cần có thời gian làm quen, tiếp xúc và huấn luyện.
Cô giáo luôn thể hiện tình yêu đối với trẻ
Trong quá trình rèn nề nếp cho bé chắc chắn cô phải nghiêm túc và khó tính. Nhưng với tình yêu trẻ, khi học thì nghiêm khi chơi thì hoà đồng với trẻ. Giờ ăn giấc ngủ chăm lo cho trẻ.. thì trẻ sẽ cảm nhận được tình cảm của cô và trở nên yêu quý cô, từ đó sẽ bớt nghịch phá hơn. Cô vẫn có uy với trẻ mà trẻ lại yêu thương cô chứ không phải sợ hãi cô.
Giáo dục mầm non rất khó, đa số các bé còn thiếu hiểu biết nên cô giáo rất vất vả. Không ít các trường hợp, cô giáo phát điên lên vì trẻ ngang bướng và phụ huynh khó chịu. Tuy vậy khi rèn được bé vô nề nếp thì sẽ thấy rất “sướng”. Mỗi trường, mỗi lớp, mỗi cô đều khác nhau nên tuỳ theo tình hình của bé mà cô giáo cân nhắc ứng xử cho phù hợp.
Hiểu tính cách của từng trẻ
Mỗi trẻ 1 tính. Trẻ ưa ngọt thì khi trẻ làm sai, cô giáo nói ngọt và nịnh là trẻ sẽ nghe lời thôi. Trẻ ưa mặn.. Có nhiều bé ưa mặn thì chắc chắn cô giáo nói ngọt trẻ sẽ không bao giờ nghe nên đôi khi nói ngược lại với nịnh. Miễn sao cô không làm gì quá đáng với trẻ là được.
Cô giáo cần tìm ra điểm yếu, điểm mạnh, nguyên nhân, hướng khắc phục, và số trẻ thích nghịch ngơm, không nghe lời trong một lớp chỉ là cá biệt thôi. Có những bé cứ thích chạy ra khỏi chỗ để gây sự chú ý với cô.. Cô cáu là bé nhăn nhăn cười luôn.. Với những trường hợp và tình huống như vậy thì cô giáo nên kiên trì và thay đổi cách xử lí linh hoạt. Có thể nói chuyện dịu dàng, ân cần, quan tâm và trò chuyện với trẻ như những người bạn, hay sử dụng khuôn mặt nghiêm khắc, hoặc phạt đứng góc, bắt ngồi 1 suy nghĩ, tạo trò chơi gây hứng thú...
Phải học thuộc tên trẻ
Đây là điều khá đơn giản nhưng không phải giáo viên nào cũng nhanh chóng làm được. Muốn trẻ nghe lời thì trước tiên cô nên học thuộc tên trẻ... bé nào ồn ào nhắc đúng tên trẻ sẽ im lặng, còn không biết tên thì cô giáo phải chấp nhận thôi.