Các bé của bạn thường lười đánh răng và tìm đủ mọi cách để trốn tránh công việc giúp bảo vệ sức khỏe này. Bạn tìm đủ mọi cách thậm chí là ép chúng đánh răng mỗi tối rất mệt nhọc, hãy tham khảo những cách hay dưới đây để các bé quen dần với việc đánh răng và nhận thấy được những lợi ích tốt đẹp từ nó.
Ngâm bàn chải vào nước ấm
Như các bạn đã biết, việc sử dụng bàn chải lông mềm cho trẻ là rất quan trọng. Nó không những giúp bảo vệ nướu của trẻ mà còn khiến trẻ thích việc đánh răng hơn.
Nếu bạn cảm thấy lông bàn chải chưa đủ mềm mại, hãy ngâm chúng vào nước ấm trong vài phút trước khi trẻ đánh răng để làm mềm lông của bàn chải hơn nữa.
Âm nhạc
Bật một bài nhạc khi trẻ đánh răng để tạo không khí thích thú vui tươi. Tạo ra một phản-xạ-có-điều-kiện cho trẻ “đánh răng – được nghe nhạc”.
Thêm nữa, bạn có thể chọn những bài nhạc hoặc tự cắt nhạc để nó có độ dài khoảng 2-3 phút, bằng với thời gian đánh răng khuyến nghị của nha sĩ. Trẻ đánh răng - nhạc mở - nhạc hết - trẻ có thể kết thúc buổi đánh răng. Mẹo này sẽ xây dựng thói quen đánh răng đúng thời gian (2-3 phút) trong tiềm thức của trẻ.
Sử dụng bàn chải đánh răng có hình nhân vật mà bé yêu thích
Có thể là hình ảnh của những nhân vật siêu nhân hay các động vật đáng yêu trong phim hoạt hình,... sẽ khuyến khích các bé thích cầm bàn chải đánh răng của mình hơn. Các bé sẽ rất thích thú với những hình ảnh màu sắc và đáng yêu trên sẽ tự động tìm đến bàn chải đánh răng của mình mỗi tối thôi.
Tuy nhiên bên cạnh việc lựa chọn những hoạt tiết trang trí khiến bé yêu thích thì nên chọn những bàn chải đánh răng có lông chải mềm và thoải mái cho người sử dụng, tránh việc làm trẻ sợ hãi và không muốn đánh răng nữa.
Tìm hiểu sức khỏe và tâm lý của con trẻ khi chúng tránh việc đánh răng
Có thể không phải vì con của bạn đang lười đánh răng mà vì một lý do nào khác như vấn đề về tâm lý và về sức khỏe răng miệng: vì bị nhiệt, răng trẻ đau, sưng lợi, chảy máu khi đánh răng… khiến trẻ sợ hãi với việc đánh răng.
Vậy nên phải quan sát kỹ tình trạng răng miệng của trẻ, không chỉ dạy chúng đánh răng mà còn phải dẫn chúng đến bác sĩ nha khoa thường xuyên để kiểm tra những vấn đề về răng miệng. Vì vậy hãy tìm những nguyên nhân thật đúng để khắc phục tình trạng tránh né việc đánh răng ở trẻ được hiệu quả hơn.
Chọn vị kem đánh răng mà trẻ yêu thích
Trên thị trường có rất nhiều loại kem đánh răng dành cho trẻ em với đầy đủ những loại hương vị. Tuy nhiên các bé của bạn cũng yêu thích một loại kem đánh răng tạo được ấn tượng tốt với trẻ. Những loại kem này sẽ tạo sự hứng thú và thói quen cho trẻ đối với việc đánh răng hằng ngày.
Vậy nên hãy thực chú ý và hỏi thử xem con bạn thích loại kem đánh răng nào nhé. Vì bé con của bạn sẽ từ việc yêu thích những hương vị kem đánh răng mà quen luôn với việc đánh răng.
Tạo thói quen cho trẻ
Bố mẹ nên áp dụng biện pháp chải răng cho bé ngay từ khi còn nhỏ để việc bé tự đánh răng sẽ dễ dàng hơn:
- Trước thời điểm bé mọc răng: Sử dụng vải hoặc gạc sạch chà nướu cho bé ngay sau khi ăn. Việc làm này giúp bé thích nghi với việc nướu bị kích thích giống như khi đánh răng sau này
- Khi trẻ đã mọc răng: thường khi bé đã có từ 5-8 răng, bố mẹ có thể dùng bàn chải nhỏ, lông mềm chà nhẹ lên phần nướu răng cho trẻ hàng ngày sau khi ăn. Lúc này bé đã quen với các kích thích về nướu nên sẽ dễ dàng hơn với bố mẹ trong việc làm sạch răng miệng cho bé
- Trẻ từ 3 tuổi: Sử dụng bàn chải đánh răng và kem đánh răng để làm sạch răng cho trẻ. Nhắc trẻ đánh răng hàng ngày và vào thời điểm cố định. Ví dụ sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Nhắc khéo cho trẻ nhớ nếu trẻ mải chơi.
Giao kèo với trẻ
Hứa với trẻ là nếu chúng có thể đánh răng đầy đủ trong một tuần, bạn sẽ cho chúng chơi game 30 phút, một cuốn truyện, một món đồ chơi,… hoặc bất cứ thứ gì mà bạn có thể nghĩ ra để “giao kèo” với trẻ.
Phương pháp này không những khuyến khích trẻ tạo thói quen đánh răng mà còn hình thành tính kỷ luật cho trẻ và mind-set tích cực: Khi con muốn có thứ gì con phải cố gắng để đạt được nó. Một công đôi việc, tốt quá phải không nào!
Kiên nhẫn là làm gương cho trẻ
Hãy cho thấy việc đánh răng tạo ra những niềm phấn khởi và có lợi cho sức khỏe của bản thân bằng việc chính bạn đánh răng hằng ngày bằng sự thích thú trước mặt con trẻ, chúng sẽ học theo bố mẹ của mình và quan tâm đến những vấn đề răng miệng hơn.
Cố gắng tạo thói quen đánh răng cho trẻ theo cách nhẹ nhàng. Nếu trẻ có ý chống đối, phản ứng mạnh như khóc lóc, vùng vẫy thì nên dừng lại và thực hiện theo cách khác như cho bé xem phim, các đoạn clip về việc đánh răng, hay rủ một bé lớn hơn đến đánh răng cùng bé mỗi buổi sáng, sau đó bố mẹ làm cùng bé vào mỗi tối…Đây là một công việc tốn nhiều sức lực của bạn và thực sự là một thử thách về sự kiên nhẫn. Những bé thông minh khi chống đối lại mẹ cũng thường quan sát thái độ của bạn và vì thế hãy kiên định, hướng dẫn trẻ tận tình, không nên quá nóng vội.
Vậy nên hãy hướng dẫn và tập cho trẻ thói quen đánh răng bằng việc làm gương cho nó, sự kiên nhẫn của bạn sẽ khiến cho trẻ hiểu hơn về tầm quan trọng của việc làm sạch răng miệng thay về tỏ ra cáu gắt và khó chịu khi trẻ không chịu đánh răng. Dùng lạt mềm buộc chặt bạn nhé!
Tạo hứng thú cho bé
Hãy tạo ra cảm giác thích thú khi bé đánh răng bằng việc chơi đùa và trò chuyện cùng con của mình. Bé sẽ cảm thấy thích thú và chờ đợi mỗi giờ đánh răng tới thôi. Mỗi khi đánh răng cùng con như vậy, có thể dạy cho chúng về những cách đánh răng đúng và những tác dụng của việc đánh răng. Hãy nói cho bé về con sâu răng để bé có ý thức tự giác hơn trong việc giữ gìn vệ sinh răng miệng.
- Trong khi đánh răng cùng bé, bố mẹ có thể bắt chước những con vật ngộ nghĩnh hay những hành động hài hước để làm bé cười. Điều này khiến bé cảm thấy thoải mái và thích thú mỗi khi đánh răng.
- Bố mẹ có thể treo các bức tranh có hình bé đang tự chải răng, hình răng sâu… lên tường nhà tắm và chỉ cho bé thấy nếu đánh răng thì sẽ xinh hơn, ăn ngon hơn, còn không đánh sẽ có hàm răng đen xì, xấu xí.
- Ngoài ra mẹ có thể dạy bé vừa đánh răng vừa hát : “Răng này ăn bánh, răng này ăn kẹo, răng này ăn cơm, răng này ăn cháo”… nghĩa là liệt kê hết những thứ mà con đã ăn trong ngày, nếu ít quá thì thêm: “Đánh cho con sâu ở trong này ra, đánh cho cái chân của nó không chui vào đây này”… Cứ thế, bé đánh răng kỹ và rất hứng thú, sau 1-2 lần chẳng cần nhờ đến mẹ nữa.