Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính khá phổ biến ở trẻ em. Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị quai bị. Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Và dưới đây Toplist xin gửi đến bạn những điều cần biết về căn bệnh quai bị.
Bệnh quai bị là gì?
Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus với biểu hiện đặc trưng là sưng đau tuyến nước bọt. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây viêm tuyến sinh dục, viêm màng não, viêm tụy và một số biến chứng khác nếu không điều trị kịp thời. Trẻ em là đối tượng thường xuyên nhiễm quai bị trừ độ tuổi nhũ nhi ( ít hơn 1 tuổi) thì hiếm khi bị, nguyên nhân có thể do vẫn còn kháng thể tốt từ mẹ.
Nguyên nhân bệnh Bệnh quai bị
Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus quai bị (Mumps virus), thuộc họ Paramyxoviridae. Virus có thể tồn tại khá lâu ở bên ngoài cơ thể: khoảng từ 30 – 60 ngày ở nhiệt độ 15 - 200C và bị tiêu diệt nhanh chóng ở nhiệt độ trên 560C hoặc dưới tác động của các hóa chất diệt khuẩn.
Bệnh quai bị lây theo đường hô hấp và thường dễ lây nhất vào 2 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng hay 6 ngày sau khi các triệu chứng biến mất. Bệnh lây từ người bệnh qua người lành thông qua nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng chứa virus khi người bệnh hắt hơi, ho, nói chuyện, khạc nhổ...
Triệu chứng của bệnh quai bị
Thể lâm sàng điển hình thường gặp trong bệnh quai bị là viêm tuyến mang tai, với các đặc điểm:
- Thời kỳ ủ bệnh: 14 – 24 ngày, không có triệu chứng lâm sàng.
- Thời kỳ khởi phát: 1-2 ngày, thường xảy ra đột ngột, có thể có vài triệu chứng: mệt mỏi, uể oải, suy nhược, kém ăn, khó chịu, có sốt nhẹ kèm run lạnh, có đau họng và đau góc hàm khi nuốt; sau đó tuyến mang tai to dần và đau nhức.
- Thời kỳ toàn phát: tuyến mang tai bắt đầu sưng to (70%) và đau nhức một bên trong khoảng 2-4 ngày, sau đó lan qua bên đối diện, hiếm khi đối xứng (1 bên sưng to, 1 bên sưng nhỏ). Các triệu chứng đi kèm: sốt 38o – 39oC, đau đầu, chán ăn, đau bụng, khó nuốt, khó nói, đau tăng khi nhai hoặc khi ăn uống có vị chua.
- Thời kỳ hồi phục: sau 1 tuần, tuyến mang tai nhỏ dần; các triệu chứng đau họng, khó nuốt giảm và từ từ khỏi hẳn.
Ngoài ra còn có các triệu chứng tổn thương ngoài tuyến nước bọt: viêm tinh hoàn, viêm não, viêm màng não, tổn thương thần kinh sọ não, viêm tụy, viêm buồng trứng, viêm cơ tim,… tùy thuộc vào thể lâm sàng khác của quai bị.
Phòng ngừa bệnh Bệnh quai bị
Một số biện pháp để chủ động phòng ngừa bệnh quai bị được khuyến cáo gồm:
- Vệ sinh cá nhân thường xuyên, súc họng bằng nước muối hoặc các dung dịch kháng khuẩn khác.
- Giữ môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng, vệ sinh cá nhân, vật dụng xung quanh.
- Tránh tiếp xúc với người bệnh.
- Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, có nguy cơ lây bệnh cao như bệnh viện.
- Cách ly bệnh nhân 2 tuần tại nhà hoặc phòng bệnh riêng khi viêm tuyến mang tai.
- Tiêm vacxin phòng quai bị- sởi – Rulbella (MMR II).
- Dự phòng đặc hiệu bằng globulin miễn dịch chống quai bị, dùng sớm cho người tiếp xúc với bệnh nhân quai bị.
Bệnh quai bị gây sưng đau những vùng nào?
Thông thường sau khi nhiễm virus paramyxovirus, thường ủ bệnh khoảng 18 đến 25 ngày và không xuất hiện những triệu chứng bất thường.
Sau khi thời gian ủ bệnh kết thúc, bệnh nhân bước sang giai đoạn khởi phát với những biểu hiện khá rõ ràng như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, sốt kèm theo đau nhức đầu.
Đến giai đoạn toàn phát, bệnh nhân có triệu chứng đau góc hàm, tuyến mang tai lúc này bắt đầu sưng to dần, có thể sưng 1 hoặc cả 2 bên mang tai, thông thường sẽ sưng cả hai bên. Tuy nhiên, hai bên sẽ sưng không đều nhau, bên sưng to, bên sưng nhỏ.
Như vậy, với câu hỏi “Bệnh quai bị gây sưng đau những vùng nào”, thì câu trả lời chính là sưng vùng tuyến mang tai và sưng đau tinh hoàn, đôi khi là tuyến dưới hàm. Khi quan sát hai vùng sưng này sẽ thấy căng bóng và không bị đỏ, sờ vào thấy nóng, khi ấn vùng sưng khiến bệnh nhân bị đau nhưng không gây lõm. Sau đó, vùng sưng này có thể lan rộng sang má, vùng dưới hàm, cũng có thể lan đến ngực khiến phù phần xương ứng trước. Người bệnh có cảm giác bị khó nuốt, khó nói, họng bị sưng đỏ, đau lan sang cả hai tai, khó thở đôi khi phải mở khí quản.
Thông thường bệnh nhân sẽ hết sốt sau 3 đến 4 ngày và sau đó tuyến nước bọt cũng sẽ giảm sưng dần dần. Bệnh sẽ tự khỏi trong khoảng 10 ngày. Phần lớn những người đã từng mắc quai bị sẽ không bị lại lần 2.
Đa số bệnh nhân mắc quai bị đều có biểu hiện rất rõ ràng nhưng cũng có một số trường hợp nhiễm virus nhưng lại không có triệu chứng, dễ gây nhầm lẫn với những căn bệnh khác. Những đối tượng bệnh nhân này có nguy cơ lây nhiễm sang những người khỏe mạnh mà có thể chính họ cũng không hay biết.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Bệnh quai bị
Chẩn đoán bệnh quai bị dựa vào triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán xác định:
- Về lâm sàng: Triệu chứng đặc trưng là bệnh nhân có sốt, mệt mỏi, đặc biệt là sưng đau một hoặc nhiều tuyến nước bọt mang tai, có thể kèm viêm tinh hoàn, viêm màng não hoặc viêm tụy.
- Về xét nghiệm: Nhìn chung triệu chứng lâm sàng của bệnh quai bị khá điển hình nên xét nghiệm chỉ được sử dụng khi cần thiết như: Miễn dịch gắn men (ELISA) để phát hiện kháng thể quai bị trong máu hoặc miễn dịch huỳnh quang gián tiếp (IFA) phát hiện kháng nguyên, kháng thể đặc hiệu.
Điều trị quai bị
Hiện nay, bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu vẫn là điều trị hỗ trợ, chăm sóc người bệnh và phòng ngừa các biến chứng của bệnh:
- Khi có dấu hiệu đau ở vùng mang tai, nên đi khám bác sĩ để chẩn đoán chính xác bệnh, vì viêm tuyến nước bọt không nhất thiết do virus quai bị mà có thể do các virus hoặc vi khuẩn khác gây ra
- Dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau để giảm nhẹ các triệu chứng
- Uống nhiều nước để bù nước và chất điện giải, tốt nhất nên uống Oresol
- Có thể chườm mát để tuyến nước bọt bớt sưng, đau.
- Hạn chế các loại thực phẩm cứng, các thức ăn nhiều gia vị, cay nóng hoặc có tính acid. Chọn các thức ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt như cháo, súp
- Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi nghi ngờ bội nhiễm và phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ
- Người bệnh cần nghỉ ngơi thoải mái và không nên tiếp xúc với các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như trẻ em, thanh thiếu niên
- Nếu bệnh nhân nam có dấu hiệu viêm tinh hoàn hoặc bệnh nhân nữ bị viêm buồng trứng, nên vào bệnh viện ngay để được theo dõi chặt chẽ, tránh để lại những di chứng đáng tiếc.
Biến chứng của bệnh quai bị
Bệnh quai bị nếu không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Một số biến chứng của quai bị gồm:
- Viêm tinh hoàn và đáng lo nhất chính là teo tinh hoàn, có thể dẫn đến vô sinh. Tuy nhiên tỷ lệ teo tinh hoàn do quai bị khá thấp, chỉ khoảng 0,5%
- Viêm buồng trứng: người bệnh sẽ có dấu hiệu đau bụng, rong kinh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai mắc quai bị trong 3 tháng đầu có thể bị sảy thai hoặc thai chết lưu.
- Nhồi máu phổi: nguyên nhân do huyết khối từ tĩnh mạch tuyến tiền liệt
- Viêm tụy cấp tính
- Viêm cơ tim
- Viêm não, viêm màng não
- Một số biến chứng khác: viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ, viêm thần kinh thị giác (gây giảm thị lực tạm thời), viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, rối loạn chức năng gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu.
Người lớn mắc bệnh quai bị thường tiến triển nặng và để lại các biến chứng nguy hiểm hơn so với trẻ em. Mặc dù các biến chứng trên xảy ra với tỷ lệ khá thấp nhưng lại rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản mà còn có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.