Nhiều người cho rằng công việc của một giáo viên mầm non không có gì là vất vả. Thế nhưng có làm mới biết, họ phải chịu rất nhiều áp lực, đó có thể là áp lực từ học sinh, áp lực từ cuộc sống gia đình và có cả áp lực từ phía phụ huynh,... Để có thể trụ vững với cái nghề này, ngoài lòng yêu trẻ, yêu nghề, giáo viên mầm non rất cần sự hỗ trợ cũng như phối hợp từ phía phụ huynh học sinh.
Nhiều người cho rằng, ở lứa tuổi mầm non thì trẻ biết gì mà học, chỉ ăn ngủ thôi là đủ rồi. Thế nhưng, đây là giai đoạn quan trọng để trẻ học hỏi cũng như nhận biết thế giới xung quanh, vậy nên việc học quan trọng không kém so với chuyện ăn, ngủ tốt. Trẻ ở lứa tuổi mầm non được dạy học theo phương pháp trực quan, mỗi hoạt động dạy trẻ đều phải có đồ dùng đẹp, mới mẻ cho từng trẻ, bởi thế mà giáo viên mầm non chẳng khác nào như người sưu tầm phế liệu, các cô phải liên tục làm đồ dùng dạy học từ các nguyên vật liệu mở, sưu tầm vỏ chai nhựa, hũ sữa chua, lá cây khô, vỏ sò ốc,… để làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Tóm lại, điều mà các cô mong mỏi ở các vị phụ huynh là hãy quan tâm tới việc giáo dục con chứ không chỉ lúc nào cũng chăm chăm vào ăn tốt, ngủ tốt.
Đối với bất cứ một cô giáo mầm non nào thì việc tạo cho tập thể lớp nề nếp trong mỗi bữa ăn thật sự không phải là chuyện dễ dàng. Theo một số ghi nhận thì số lượng cháu trong một lớp ngoan ngoãn ăn hết bữa không phải quá nhiều mà có thể nói là rất ít. Nhưng hễ về nhà là bố mẹ lại tập hư cho con bởi nếp sinh hoạt cũ, đa số là các trẻ vốn được bố mẹ cưng chiều đút từng muỗng cơm, mớm từng thìa canh. Thế là mỗi ngày, cô phải tập lại thói quen tự cầm thìa xúc ăn, thậm chí là tập luôn cả thói quen nhai cho các cháu. Hay nói cách khác, sự phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường, với giáo viên trong quá trình chăm sóc trẻ là điều cần thiết hơn bao giờ hết.
''Của biếu là của lo'', câu nói này quả thật không sai và đối với những cô giáo mầm non thì càng thấu hiểu điều này hơn ai hết. Là bậc cha mẹ, ai cũng thế, luôn mong muốn con mình học thật giỏi, được lãnh thật nhiều giấy khen, trở thành niềm tự hào cho cả gia đình. Hay một số phụ huynh khác thì muốn con có giấy khen loại giỏi để nhận phần quà từ cơ quan mình. Cũng chính từ nguyên do này mà đã có không ít phụ huynh suy nghĩ rằng: ''Để con học tập tốt hơn, học giỏi hơn thì việc tặng quà cho cô giáo là chuyện không thể không làm". Thế nhưng, điều này vô tình đã làm tăng áp lực cho giáo viên mầm non. Vì một khi đã nhận quà từ phụ huynh thì việc đánh giá xếp loại học sinh lại trở thành gánh nặng đối với giáo viên. Nếu kiên quyết không nhận thì sẽ khiến không ít phụ huynh tổn thương, nghĩ rằng quà mình tặng không quý giá, hoặc trở nên khác biệt với đồng nghiệp, nội bộ mất vui. Thế nên, về vấn đề này, giáo viên mầm non rất cần sự thấu hiểu từ phía phụ huynh.
Trẻ con thì hay nghịch ngợm, hiếu động, chính vì thế, việc để trẻ không bị thương trong suốt quá trình đi học thật sự không phải là điều dễ dàng cho dù cô giáo có tập trung làm việc đến mức nào. Trẻ vấp ngã, trẻ đánh nhau với bạn,... là điều thường xuyên xảy ra ở bất cứ lớp học mầm non nào. Thế nhưng, các cô đâu thể bắt trẻ ngồi yên một chỗ, hạn chế hoạt động vì điều này sẽ ngăn cản sự phát triển của trẻ. Ở lứa tuổi này, chúng ta phải để trẻ khám phá, tìm hiểu mọi thứ xung quanh từ những việc nhỏ nhặt nhất như chơi đồ chơi, tham gia các trò chơi vận động, giao tiếp trò chuyện với bạn,... Vậy nên, sẽ không thể nào tránh khỏi các tình huống rủi ro, khiến trẻ bị thương. Khi gặp những trường hợp này, phụ huynh cần bình tĩnh, đừng khắt khe với cô giáo nếu khi đón con phát hiện ra những vết trầy xước, quần áo xộc xệch, mồ hôi hay lấm bẩn. Hãy hợp tác cùng cô giáo để tìm ra nguyên nhân thực sự.
Những khi con trẻ bảo chúng không muốn đi học hay nói có vấn đề gì đó ở trường thì phụ huynh hãy thật bình tĩnh hỏi chuyện con và quan sát trước khi bạn muốn lên tiếng nói chuyện với cô. Bởi vì khả năng diễn đạt của trẻ vẫn chưa được hoàn thiện nên có thể có những vấn đề nói không rõ ràng khiến bạn hiểu sai. Vì thế, hãy quan sát trước và nhẹ nhàng trò chuyện với cô về những lo lắng của mình để mọi vấn đề sẽ được giải quyết một cách tốt nhất.
Cả một ngày dài, cô giáo mầm non luôn phải bên cạnh trẻ: dạy cho trẻ học, chơi cùng trẻ, chăm bé ăn, cho bé ngủ, tắm rửa,... và công việc cuối ngày của cô là cẩn thận trả từng bé một cho phụ huynh hoặc cho xe đưa đón theo đúng giờ quy định. Thế nhưng, việc phụ huynh đón trẻ đến sớm, đến trễ không đều nhau, đặc biệt là ở môi trường công lập. Nhiều trường hợp, phụ huynh đến quá trễ, giáo viên trả bé, dọn dẹp xong thì đã cũng đã 7h tối. Về đến nhà thì mệt rã rời, thời gian dành cho việc chăm sóc gia đình cũng không trọn vẹn. Giả sử như: giáo viên ấy cũng có con theo học trường khác thì cũng không thể tự đưa đón được. Chính vì thế, việc đưa đón trẻ đúng giờ của phụ huynh cũng làm giảm đi phần nào vất vả cho các cô.
Với trọng trách nghề nghiệp của mình, giáo viên mầm non vừa là cô, lại vừa là mẹ, là bác sĩ, nghệ sĩ trong lớp học. Thế nên, cũng dễ hiểu khi mà nhiều bố mẹ nghĩ rằng chỉ cần cho bé học ở trường, tìm một trường thật tốt, thật nhiều tiền cho con vào học như vậy là đủ rồi. Tuy nhiên, trường học có tốt đến đâu, vai trò và giáo dục gia đình cũng vô cùng quan trọng và không bao giờ kết thúc. Bố mẹ hãy cứ tiếp tục dạy bé ở nhà từ cách phân biệt màu sắc, cách gọi tên các con vật, các đồ dùng,... và đừng phụ thuộc vào cô giáo cũng như việc học ở trường. Suy cho cùng, gia đình vẫn luôn là nền tảng quan trọng nhất, thế nên phụ huynh đừng phó mặc trẻ cho riêng nhà trường hay các cô mầm non mà hãy phối hợp với các cô trong việc giáo dục trẻ, thông qua điều này việc dạy trẻ trên lớp cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.