Ai trong chúng ta cũng từng là trẻ con. Đã bao giờ bạn nhận thấy một vài nỗi ám ảnh, sợ hãi với những phản ứng khác nhau của người lạ đã từng có rất lâu trước đây? Đó chính là một loại vết thương tâm lý bạn vô tình nhận được từ những người xung quanh khi bạn còn rất nhỏ, và nó mãi đeo bám bạn cho đến tận bây giờ. Là những người trưởng thành, bạn hiểu việc tiếp xúc với trẻ con là một điều dễ dàng, nhưng làm sao để không làm tổn thương chúng là một điều hết sức khó khăn. Tâm lý của trẻ em hầu hết đều rất yếu ớt, một chấn động nhỏ có thể để lại một vết sẹo dài suốt cuộc đời chúng và khó cách nào có thể chữa hết. Và dưới đây là top các điều không nên làm để trẻ phát triển tốt nhất mà bậc phụ huynh nào cũng nên nắm được.
So sánh trẻ
Hẳn là các bạn đều quen thuộc với nhân vật biết tên không biết mặt "con nhà người ta". Các bậc phụ huynh đều từng bị so sánh như thế, và giờ thì họ lại làm điều tương tự với con của họ. Để làm gì vậy, thưa các bậc phụ huynh? Chỉ vì các vị bực bội vì trẻ con nhà các vị không giỏi bằng người ta?
Đến ngay cả người lớn, tâm lý đã vững mạnh, đôi khi còn tự so sánh bản thân với người khác và vô cùng tự ti về điều đó, cũng đã có rất nhiều trường hợp tự kết liễu bản thân rồi, thưa các bạn. Một đứa trẻ con dễ bị thương tổn sẽ có cảm giác ra sao đây? Đồng ý là khi bực bội các bạn chỉ muốn "chửi trời, chửi đời, chửi luôn cả làng Vũ Đại", thế nhưng một câu nói bâng quơ còn làm ta suy nghĩ đến cả ngày trời, huống chi những lời nhục mạ, dèm pha, so sánh hả người?
Cấm trẻ vui chơi
Vì sợ ảnh hưởng đến việc học của con trẻ, nhiều bậc phụ huynh đã hạn chế những giờ vui chơi và thậm chí là cấm tiệt chúng. Trẻ em rất ham chơi, việc lơ là học tập là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng không phải vì thế mà cấm trẻ vui chơi với các bạn, những hoạt động mà đáng ra con trẻ của bạn phải được tham gia.
Toplist chỉ muốn các bạn hãy nhớ rằng, thời điểm chúng ta là những đứa trẻ chính là thời điểm duy nhất chúng ta có thể vui chơi một cách thoải mái nhất. Trưởng thành rồi, chúng ta còn nhiều thứ phải lo lắm, sẽ không còn những giây phút vui chơi đến "quên đường về" như vậy. Đừng cướp chúng khỏi tay con bạn, hãy để trẻ có được khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời!
Kể bí mật của trẻ cho người khác
Bí mật của trẻ thường sẽ không to lớn kiểu "ai đó sắp hủy diệt Trái Đất" đâu. Nó đôi khi chỉ là những câu chuyện nhỏ nhặt xảy ra trong trường lớp hay bạn nhỏ ngồi kế bên thôi. Khi trẻ đã có thể kể cho bạn nghe một câu chuyện gì đó, là lúc trẻ đã bắt đầu nhận thức và đánh giá môi trường xung quanh. Trẻ muốn chia sẻ cho bạn những điều mà bạn chưa thể chứng kiến hoặc không thể chứng kiến, nó cũng có nghĩa là trẻ chỉ muốn kể riêng cho mình bạn nghe mà thôi. Vì sao lại như thế? Trẻ con đơn giản lắm, chúng biết những điều chúng cần và rất muốn được thể hiện. Vì thế, đối với những chuyện trẻ muốn, tự bản thân trẻ sẽ kể cho tất cả mọi người cùng nghe và ngược lại, có những chuyện, trẻ chỉ muốn mình bạn biết mà thôi.
Bí mật không dừng lại ở những câu chuyện, đôi khi còn là những thói quen hoặc lỗi lầm của trẻ. Bạn sẽ kể cho người khác nghe chuyện trẻ tè dầm ngay cả trước mặt trẻ, hoặc là trẻ bị điểm kém và bị cô giáo đánh. Điều này sẽ làm giảm sự tin tưởng của trẻ dành cho bạn. Trẻ chưa đối mặt nhiều với cuộc sống, nên với những câu chuyện trên chính là những vấn đề lớn trong cuộc sống của trẻ. Nó cũng quan trọng như những bí mật của bạn vậy. Bạn sẽ ra sao nếu bạn phát hiện người bạn thân duy nhất của mình đang kể bí mật của bạn cho người khác? Bạn lại chẳng tức giận đến lồng lộn lên ấy, trẻ con không thể tức giận với bạn, chúng sẽ chỉ cảm thấy bất lực và thất vọng đến muốn khóc mà thôi. Có phải bạn nghĩ trẻ con thì có biết gì đâu, vâng, chúng không biết nhiều về thế giới quan, về những công trình, những phản ứng hóa học, những sự thật to lớn về nhân loại, nhưng chúng biết những cảm nhận nguyên thủy nhất của con người, đã bắt đầu hình thành phản xạ tự nhiên của con người và cũng đủ để hiểu những gì bạn đang làm với trẻ.
Nếu bỗng một ngày trẻ nói với bạn "Con kể cho mẹ nghe điều này, mẹ phải hứa nhất định không được kể cho người khác đấy!" thì tôi khuyên bạn, hãy chân thành và quyết tâm giữ bí mật cho chúng, đồng thời nhìn nhận lại bản thân bạn xem bạn đã tiết lộ bí mật nào của trẻ rồi. Điều này cho thấy việc trẻ đã phát hiện ra nhưng vẫn muốn tin tưởng bạn lần nữa, đừng có mà làm chúng lại thất vọng.
Đánh đập và quát mắng to tiếng
Gây tổn thương cho trẻ dưới bất kỳ hình thức nào cũng khiến trẻ dễ bị ám ảnh tâm lý. Trẻ nghịch phá, và bạn thì bực tức, còn cây chổi thì chính là giải pháp. Trẻ bướng bỉnh, không nghe lời, còn bạn thì điên đầu với nó, và hét thẳng vào mặt nó chính là cách thức. Trẻ sợ những trận đòn đến gãy cả cây, những lời quát mắng muốn thủng màn nhĩ.
Trẻ không biết qua những lần như thế liệu trẻ có ngoan hơn hay không, nhưng điều duy nhất chắc chắn chính là nỗi sợ đến "chết khiếp" của trẻ. Đây là một trong những hành động rõ ràng nhất mà không cần phải dài dòng về độ "nguy hiểm" của nó với tâm lý trẻ.
Những lời cạn tình cạn nghĩa
Cha mẹ Việt Nam mỗi khi nổi giận thường phun vào mặt con mình những lời cực kỳ cay độc kiểu “cái thứ mày mai mốt có nước đi ăn mày!” “Tao mà biết mày như vậy thà lúc đẻ ra bóp mũi mày chết cho rồi!” “Tao không có thứ con như mày!” “Thà đẻ ra hột gà hột vịt còn mang đi bán được!” Tôi thực sự không hiểu những người làm cha làm mẹ nói ra những câu cạn tàu ráo máng với mục đích làm gì? Để cho hả cơn giận trong lòng mình rồi mặc kệ đứa trẻ cảm thấy đau khổ tủi nhục như thế nào? Hay để chứng tỏ mình làm cha làm mẹ nên có quyền chửi mắng con cái thế nào cũng được?
Đừng bao giờ nghĩ rằng “thương cho roi cho vọt” kiểu đó sẽ khiến cho con mình hối hận mà nghe lời. Trái lại, những lời như vậy sẽ khiến cho đứa trẻ càng lúc càng lì lợm khó bảo hơn vì cha mẹ nó nếu đã không yêu thương nó thì đứa trẻ còn biết tin tưởng vào tình yêu thương của ai đây?
Nói dối trẻ
Thừa nhận đi, việc bạn nói dối trẻ là việc xảy ra hàng ngày, đúng không? Từ những điều nhỏ nhặt nhất như việc bạn dụ trẻ ăn, ngủ, học hành,... Bạn thường mang những nhân vật đáng sợ không có thật là hù dọa trẻ, bảo với trẻ ở tên trên trường và bạn sẽ quay lại đón ngay lập tức,...
Lâu dần, lời nói dối ấy trẻ sẽ không tin nữa đâu, tai hại hơn, trẻ có thể học cách nói dối từ chính bản thân bạn. Các bậc phụ huynh đáng kính, nếu các vị đã dạy con mình từ nhỏ như thế thì sau này quý vị đừng bao giờ nói mắng con mình rằng “Bố mẹ không ngờ con lại nói dối như Cuội như thế!” Đó là sản phẩm giáo dục của quý vị và quý vị là người hưởng sản phẩm này trực tiếp.
Đỗ lỗi cho trẻ
Trẻ từng rất nhiều lần bị đỗ lỗi khi những vật dụng bị hư vì trẻ "đã từng chạm vào chúng". Bạn biết đó là trẻ con và không biết cách bảo vệ mình. Vì vậy, khi trẻ bị đỗ lỗi một cách oan ức, cách duy nhất trẻ có thể làm là khóc và...khóc to hơn. Đôi lúc trẻ bị mắng, đôi lúc không ai làm gì trẻ cả, nhưng nỗi oan ức thì vẫn còn đó, trẻ vẫn không thể làm cách nào để tự mình thoát khỏi nó. Trẻ luôn cảm thấy thế giới này quá bất công và "đáng sợ". Tới sau này, trẻ không bao giờ dám chạm vào bất kỳ đồ vật nào của ai cả vì sợ nó "bất chợt" hư hỏng. Đến lúc trẻ trưởng thành, những tổn thương vẫn còn đó, nhưng những người gây ra đã sớm quên sạch. Không một ai còn nhớ đã từng đỗ lỗi cho trẻ trong khi trẻ còn có thể kể vanh vách những chuyện đó.
Bạn thấy đó, có những người không dám đứng ra chịu trách nhiệm cho hành vi của mình nên đành đỗ lỗi cho người khác, nhất là trẻ con với nhau. Chúng sợ phải đền, sợ bị mắng nên muốn chứng minh mình vô tội và tìm cách gán tội cho người khác. Và việc bạn im lặng khi những chuyện như thế xảy ra, bản thân bạn nghĩ chúng là trẻ con nên không muốn trách, còn trẻ lại nghĩ rằng bạn đang thất vọng về chúng hay bạn không muốn biện hộ cho chúng khi chúng thật sự vô tội. Hãy tìm lại công bằng cho trẻ, hoặc ít nhất, hãy nói với trẻ rằng bạn tin trẻ không làm điều đó. Nó sẽ giúp ích hơn rất nhiều trong sự phát triển tâm lý của trẻ và giúp trẻ tránh được những bóng ma tâm lý sau này.
Kể công với con cái
Tục ngữ có câu “Cha mẹ nuôi con như trời như bể/ Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày.” Điều này chưa chắc đúng với rất nhiều trường hợp của cha mẹ Việt Nam. Bạn đã từng thấy những người đạp xích lô, đổ rác hi sinh cho con họ học hành đỗ đạt nên người thế nào, đó là mồ hôi, nước mắt và máu. Nhưng họ chưa bao giờ kể khổ với con mình. Có người đã kể lại câu chuyện như thế này: "Mẹ vợ tôi là một người phụ nữ mà tôi vô cùng kính nể. Tất cả những đau khổ bà không bao giờ than thở trước mặt con. Lúc vợ tôi và cậu em vợ còn nhỏ, bà làm đủ tất cả các nghề cực khổ dù không có chồng bên cạnh để nuôi hai con ăn học nên người. Bây giờ cũng vậy, tất cả việc nhà bà để giành làm để con cái thoải mái. Bệnh, bà tự mua thuốc uống, không rên than trước mặt con. Buồn, bà khóc một mình, đến khi con về, bà vội lau nước mắt vui cười trước mặt con. Đó là một nghị lực và tình thương không phải người mẹ nào cũng làm được."
Vậy thì các bậc phụ huynh đừng có hở một chút là chửi con câu: “Mày có biết tao nuôi mày ăn học cực khổ thế nào không? Tiền ăn tiền học phí, tiền sách vở của mày từ đâu mà có biết không?” Cha mẹ có nhiệm vụ nuôi con cho tới tuổi trưởng thành, đó là nghĩa vụ được pháp luật quy định rõ ràng và đạo lý bắt buộc. Nếu nghĩ rằng nuôi con cái quá khổ cực và tốn kém, tốt nhất đừng sinh con đẻ cái. Đứa trẻ không bao giờ muốn ra đời để nghe cha mẹ nó kể lể đã nuôi nó khổ cực thế nào.
Xúc phạm trẻ
Bạn không nên xúc phạm bất kỳ một ai cả, nhất là trẻ con. Trẻ không thể tự đánh giá mình, nên những điều bạn nói với trẻ, dù là xúc phạm hay khen ngợi đều sẽ in sâu vào tiềm thức của trẻ. Đừng bảo trẻ ngố khi giỡn chơi với trẻ, đừng bảo trẻ sún khi trẻ đang thay răng, đừng bảo trẻ ngu vì một vài điểm số, đừng bảo trẻ phá phách khi trẻ vui chơi năng động, đừng bảo trẻ khó ưa vì chúng cáu kỉnh với người khác,...
Lâu dần, trẻ sẽ cảm thấy bản thân mình chính là "ngu", là "ngố" vì bạn đã nói như vậy. Mọi người chỉ nghĩ đó là vài ba câu giỡn chơi hoặc bông đùa, và trẻ vẫn có thể cười với bạn khi bạn nói như thế, nhưng trẻ sẽ không vui đậu. Bản thân bé nhiều khi lúc nhỏ rất ốm, và cũng không thấy có gì đáng lo ngại cho đến khi một người nào đó nói với bé "T ốm quá nên xấu quắc à! Phải mập lên mới đẹp, chứ gầy trơ xương vầy không ai dám chơi chung đâu!", và suốt thời gian đó trẻ bị ám ảnh về cân nặng, trẻ luôn muốn mình mập hơn để được "đẹp", không thì sẽ không ai "dám" chơi với trẻ nữa. Trẻ nghĩ rằng người đó chỉ muốn trẻ ăn nhiều hơn để "có da có thịt" với người ta, nhưng việc nói một đứa trẻ xấu và không ai dám chơi thì quả thật có chút...quá đáng.
Không chỉ những câu nói xúc phạm, những định kiến mà bạn gán ghép cho trẻ cũng khiến trẻ cảm thấy đó chính là sự thật. Bạn bảo trẻ nhút nhát trong khi trẻ là người hướng nội, lâu dần trẻ sẽ nghĩ rằng có lẽ mình nhút nhát thật. Bạn bảo trẻ "nhiều chuyện quá!" khi trẻ hỏi "1000 câu hỏi vì sao", lâu dần trẻ sẽ cảm thấy sợ, trở nên thụ động và không dám hỏi bất cứ điều gì nữa,...
Vì vậy, cẩn thận với bất kỳ câu nói nào của bạn với trẻ. Nếu bạn cảm thấy quá mệt mỏi, hãy tìm cách giải quyết tốt nhất, nếu như trẻ hỏi quá nhiều, hãy nói với trẻ những câu này bạn chưa biết cách trả lời hoặc nói thẳng với trẻ bạn cần được nghỉ ngơi một chút, trẻ sẽ hiểu và thông cảm cho bạn mà...
Bắt trẻ chọn lựa những điều quá tầm hiểu biết
Không phải cuộc hôn nhân nào cũng hạnh phúc và cũng không phải người cha người mẹ nào cũng có trách nhiệm thương yêu con cái. Tuy nhiên, xin các vị phụ huynh nếu mình đã dại dột chọn lầm người để kết hôn hoặc dại dột hơn nữa là tự tay phá hỏng cuộc hôn nhân của mình đừng bao giờ nuôi dưỡng con cái các vị trong sự thù hận cha mẹ nó.
Người lớn cãi nhau, đừng nên lôi con nít vào làm gì. Đừng hỏi một đứa trẻ rằng con muốn theo ba hay theo mẹ. Đừng vì sự ích kỷ của người lớn mà bảo trẻ phải lựa chọn những thứ trẻ còn chưa thể hiểu, dễ bị rối loạn tâm lý lắm!