Mỗi năm tết đến xuân về là dịp gia đình đoàn viên, con cháu sum vầy bên ông bà cha mẹ. Tết cổ truyền từ lâu đã là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam ta. Ông bà ta từ xưa đến nay vẫn luôn có những điều kiêng kị vào ngày tết mà bạn nên biết. Hãy cùng Toplist khám phá bạn nhé.
Mở cửa tủ vào ngày mồng Một
Ông bà ta thường dặn con cháu không được mở tủ đồ vào ngày mồng Một vì bất cứ lí do gì, bởi lẽ họ cho rằng việc làm này sẽ khiến cho cả gia đình mất mát, thất thoát tiền tài của cải và cả tài lộc, vận may. Vì vậy mà người ta thường chuẩn bị những đồ mặc trong mấy ngày tết trước, tránh mở tủ vào ngày đầu năm.
Cho nước, cho lửa đầu năm
Cho nước, cho lửa lâu nay đã nằm trong danh sách những điều cần kiêng kỵ đầu năm của ông bà ta. Bởi vì lửa, nước tượng trưng cho những điều may mắn, tài lộc nên cho đi chúng cũng chính là đem những điều tốt đẹp đi mất.
Lửa có màu đỏ và màu vàng, được xem như là niềm tin, hy vọng, may mắn và thành công. Đem cho lửa cũng chính là đem những thứ may mắn ấy của mình cho người khác.
Nước là biểu tượng của sự dồi dào, sinh sôi nảy nở và đặc biệt người ta rất để ý đến câu "tiền vào như nước" vì vậy cho nước là một điều không nên trong ngày đầu năm.
Ăn dở, bỏ thừa
Tết nguyên đán là dịp mà có rất nhiều món ăn được bày biện mỗi ngày để bái cúng, đãi khách, trẻ con thì thích thú vì được ăn thỏa thích. Nhưng ông bà ta xưa nay thường dặn, ngày tết không ăn dở, bỏ thừa, nhả bã hay phung phí thức ăn được bởi như vậy chính là không tôn trọng thức ăn, cả năm tới sẽ gặp cảnh đói khát, thiếu thốn, làm nông thì mất mùa.
Đặc biệt trong lúc ăn cơm không được cắm hay chống đũa vào bát, điều đó có nghĩa là gây ra khủng hoảng, sự chậm trễ, thua lỗ trong công việc và ế khách. Trẻ con thì không được ăn chân gà vì sẽ run tay, viết chữ xấu như gà bới.
Tắm rửa, giặt giũ
Tuy nghe vô lý nhưng quả thực người dân ta xưa nay vẫn tránh việc tắm rửa, giặt giũ vào ngày mồng một tết bởi lẽ họ cho rằng như vậy sẽ khiến cho tài lộc, thần tướng và kiến thức của năm cũ sẽ bị cuốn trôi mất.
Đặc biệt là mồng Một và mồng Hai tết lại chính là ngày sinh của thủy thần, vì thế giặt giũ chính là mạo phạm đến thần, khiến cho cả năm không được suôn sẻ.
Tranh cãi, bất hòa trong ngày đầu năm
Trong ngày đầu năm, mọi tranh cãi, bất hòa trong gia đình đều được mọi người nhẫn nhịn, nén lại cảm xúc của mình. Bởi vì họ quan niệm rằng năm mới mà xung đột thì cả năm gia đình sẽ không được hòa thuận, vui vẻ, con cháu không hiếu thảo.
Đó là lý do trong ngày tết mọi người đều nhún nhường nhau, người lớn tránh trách mắng trẻ con, anh chị em không cãi vã,...
Không mặc áo màu trắng, đen
Thường thì vào đầu năm mới nhà nhà người người đều yêu thích những màu sắc sặc sỡ, nhà thì được trang trí với hai màu chủ đạo là đỏ và vàng, người thì ưa chuộng màu nổi, tất cả đều thể hiện ước nguyện một năm vui vẻ, may mắn và thành công. Vì thế người ta hay kỵ màu trắng, đen vào những ngày tết bởi chúng tượng trưng cho điềm xấu, ảm đạm, tang tóc và xui xẻo.
Để tang vào ngày mồng một
Ngày mồng một là ngày đầu năm, mọi người luôn mong muốn có được nhiều tài lộc, niềm vui nên người đang để tang không đeo tang trong ba ngày tết, đồng thời tránh đến nhà người khác chúc tết vào ngày mùng một .Bởi vì xưa nay người ta cho rằng như thế sẽ mang điều xui xẻo, buồn đau đến nhà.
Không những thế, những nhà có người mất vào ngày 30 tết phải hoàn tất tang lễ ngay trong ngày, tránh để sang mồng Một. Còn người mất vào ngày mồng Một thì phải đến mồng 4 mới được phát tang.
Làm bể, đổ vỡ đồ đạc
Đầu năm mới ai cũng mong muốn có một năm thật thịnh vượng, vui vẻ vì vậy người thường kiêng kỵ nhiều điều để không ảnh hưởng đến ngày sau. Trong đó việc làm đổ vỡ đồ đạc ở nhà được cho là một điều xui xẻo cần cẩn thận, bởi nó như sự báo hiệu của những việc không vui vẻ, may mắn và còn là ẩn ý của sự chia ly, tan vỡ. Thế nên ngày tết cần đi đứng cẩn thận, để ý để tứ nhiều thứ để tránh vô tình làm bể đồ đạc.
Đổ rác, quét nhà vào ngày mồng Một
Người dân Việt Nam ta xưa nay đều có thói quen tổng vệ sinh cuối năm, trước đêm tất niên đã phải dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ.
Theo quan niệm của ông bà ta ngày xưa, mồng Một tết không nên quét nhà, đổ rác. Có quan niệm đó bởi vì quét nhà được cho là hành động xua đuổi ông Thần tài, còn đổ rác là đổ hết tài lộc của cả năm đi. Nếu làm như vậy thì cả năm sẽ xui xẻo, không được may mắn, phát tài phát lộc.
Giả sử nếu phải quét nhà thì chỉ được tóm rác lại một góc rồi ngày khác mang đi đổ.
Vay tiền hay trả nợ đầu năm
Những ngày đầu năm là thời điểm đón tài lộc vào với gia đình, cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với nhà mình. Vì vậy người ta không bao giờ vay mượn tiền bạn hay đồ đạc, bất kì cái cái gì vào ngày này.
Bởi người xưa có quan niệm rằng, đầu năm mà đi vay mượn thì cả năm sẽ rơi vào cảnh nghèo khó, lúc nào cũng túng thiếu và gặp nhiều trở ngại. Còn đối với người cho mượn thì tiền bạc sẽ bị phân tán, tài lộc bị trao cho người khác hết.
May vá, sử dụng kim chỉ và đồ sắc, nhọn
Người xưa quan niệm, trong ngày đầu năm mà dùng kim chỉ, làm công việc may vá thì sợ rằng cả năm sẽ lâm vào cảnh khó khăn, vất vả, đặc biệt là thiếu trước hụt sau như đường chỉ lên xuống. Thậm chí đối với phụ nữ mang thai càng không được may vá vì sợ con sinh ra sẽ mang hình dạng cá biệt.
Còn đối với đồ sắc, nhọn mang sát khí nên chọn cách cất bớt vào tủ, chỉ để tại những thứ thực sự cần thiết. Bởi vì những vật sắc, nhọn này có thể cắt đứt tài lộc, nhân duyên và tuổi thọ của gia chủ, khiến gia đình lâm vào cảnh khó khăn.
Đóng cửa nhà
Trừ những lúc đi chơi, đi chúc tết thăm hỏi họ hàng bạn bè và không có ai ở nhà thì tốt nhất không nên đóng cửa nhà, ông bà ta cho rằng đóng cửa sẽ dẫn đến cả năm tới đói khổ, khó khăn, túng thiếu đủ điều. Bởi tương truyền ngày tết thần tài sẽ ghé thăm và ban phước lộc cho các nhà, nếu đóng cửa thần không vào được thì gia đình sẽ không nhận được tài lộc thần ban, thế là một năm nghèo khó ập đến.