Trong năm đầu tiên bước vào cánh cửa giảng đường đại học, có thể rất nhiều bạn tân sinh viên còn nhiều bỡ ngỡ khi bắt đầu làm quen với một môi trường học tập hoàn toàn mới. Một trong những yếu tố then chốt đó là hình thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Vậy, thực chất hình thức này là gì? Ưu nhược điểm ra sao? và sinh viên cần làm như thế nào để có được sự chuẩn bị tốt nhất? Bài viết ngày hôm nay Toplist sẽ giúp các bạn đi tìm hiểu kỹ vấn đề này.
Hành trang sinh viên cần chuẩn bị
Trong giờ học trên lớp phải chịu khó ghi chép, hăng hái phát biểu, tích cực tìm hiểu, phấn khởi khi được giảng viên kiểm tra, vấn đề gì chưa rõ phải hỏi giảng viên cho rõ, nếu vẫn chưa hiểu thì trao đổi lại với nhóm học tập. Thảo luận nhóm là hình thức rất quan trọng, qua thảo luận nhóm sinh viên phát hiện những vấn đề mình còn thiếu hụt để tự bổ sung. Những vấn đề đã nắm bắt được qua thảo luận nhóm cũng được khẳng định.
Với mỗi trường, có thể sẽ có những hình thức đào tạo khác nhau cho sinh viên. Điều quan trọng với tân sinh viên là cần tìm hiểu và nắm thật chắc mô hình đào tạo tín chỉ ở trường mình để trong quá trình học tập phát huy được những thế mạnh của bản thân và nắm bắt những thế mạnh của loại hình đào tạo này.
Sinh viên phải đăng ký khối lượng học tập
Đầu mỗi năm học, trường phải thông báo lịch trình học dự kiến cho từng chương trình trong từng học kỳ, danh sách các học phần bắt buộc và tự chọn dự kiến sẽ dạy, đề cương chi tiết, điều kiện tiên quyết để được đăng ký học cho từng học phần, lịch kiểm tra và thi, hình thức kiểm tra và thi đối với các học phần.
Trước khi bắt đầu mỗi học kỳ, tùy theo khả năng và điều kiện học tập của bản thân, từng sinh viên phải đăng ký học các học phần dự định sẽ học trong học kỳ đó với phòng đào tạo của trường. Có 3 hình thức đăng ký các học phần sẽ học trong mỗi học kỳ: đăng ký sớm, đăng ký bình thường và đăng ký muộn.
Khối lượng học tập tối thiểu mà mỗi sinh viên phải đăng ký trong mỗi học kỳ được quy định như sau:
- 14 tín chỉ cho mỗi học kỳ, trừ học kỳ cuối khóa học, đối với những sinh viên được xếp hạng học lực bình thường;
- 10 tín chỉ cho mỗi học kỳ, trừ học kỳ cuối khóa học, đối với những sinh viên đang trong thời gian bị xếp hạng học lực yếu.
- Không quy định khối lượng học tập tối thiểu đối với sinh viên ở học kỳ phụ.
Thang điểm quy định trong hệ thống tín chỉ
Hệ thống TC sẽ có 2 mức thang điểm quy định đó là thang điểm chữ và thang điểm số.
- Thang điểm chứ (dùng để xếp hạng): gồm 5 mức cơ bản A, B, C, D, F, căn cứ theo điểm số mà sinh viên đạt được rồi quy đổi theo quy định. Hiện nay, còn có thêm các mức điểm khác nhau như A+, A, A-,... để có thể đánh giá xếp loại chính xác hơn cho sinh viên.
- Thang điểm 4: Nếu như thang điểm chữ A,B,C,D dùng để xếp hạng thì hệ 4.0 dùng để tính điểm trung bình cho sinh viên, đơn giản cho việc xét học bổng, điều kiện tốt nghiệp hay xếp loại tốt nghiệp.
- A (8,5 - 10) Giỏi
B (7,0 - 8,4) Khá
C (5,5 - 6,9) Trung bình
D (4,0 - 5,4) Trung bình yếu
Những thuận lợi của đào tạo theo hệ thống tín chỉ
So với các phương thức đào tạo cũ thì đào tạo tín chỉ mang đến những điểm thuận lợi như:
- Hình thức này lấy người học làm trung tâm, sinh viên được chủ động xây dựng cho mình một kế hoạch học tập thích hợp, có hiệu quả cao nhất cho bản thân, coi trọng thời lượng tự học của sinh viên, người học tự học, tự nghiên cứu và do đó phát huy được tính chủ động, sáng tạo, khuyến khích khả năng tự tìm tòi và phát triển tri thức của họ.
- Có độ mềm dẻo và linh hoạt về môn học. Chương trình thiết kế bao gồm một hệ thống những môn học thuộc các khối kiến thức. Mỗi khối kiến thức có số các môn học lớn hơn số môn học được yêu cầu, các bạn sinh viên có thể tham khảo để chọn những môn học phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp của mình và các điều kiện khác
- Phương thức đào tạo theo tín chỉ có độ mềm dẻo và linh hoạt về thời gian ra trường. Theo đó, sinh viên được cấp bằng khi đã tích lũy được đầy đủ số lượng tín chỉ do trường đại học quy định.
- Tạo được sự liên thông giữa các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, khuyến khích sự di chuyển của sinh viên, mở rộng sự lựa chọn học tập, làm tăng độ minh bạch của hệ thống giáo dục và giúp cho việc so sánh giữa các hệ thống giáo dục đại học trên thế giới được dễ dàng hơn.
- Đạt hiệu quả cao về mặt quản lý và giảm giá thành đào tạo
- Phương thức đào tạo theo tín chỉ vừa là thước đo khả năng học tập của người học, vừa là thước đo hiệu quả và thời gian làm việc của giáo viên.
Khái quát về hình thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ
Một TC sẽ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết, 30 - 45 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận; 45 - 90 giờ thực tập tại cơ sở; 45 - 60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn hoặc đồ án, khóa luận tốt nghiệp. Đối với những học phần lý thuyết hoặc thực hành, thí nghiệm, để tiếp thu được một tín chỉ sinh viên phải dành ít nhất 30 giờ chuẩn bị cá nhân. Hiệu trưởng các trường quy định cụ thể số tiết, số giờ đối với từng học phần cho phù hợp với đặc điểm của trường. Đối với những chương trình, khối lượng của từng học phần đã được tính theo đơn vị học trình, thì 1,5 đơn vị học trình được quy đổi thành 1 tín chỉ. Một tiết học được tính bằng 50 phút.
Một số hạn chế của Hình thức đào tạo tín chỉ
- Việc nhận thức và kĩ năng của sinh viên về đào tạo TC còn nhiều hạn chế, đa phần chưa quen làm việc độc lập, vẫn giữ tư duy dựa vào giáo viên chủ nhiệm, đội ngũ cán bộ lớp để biết thông tin của nhà trường, vì vậy không nắm bắt kịp những thông tin cần thiết trong các kế hoạch học tập.
- Hình thức đào tạo này đòi hỏi giảm thời gian lên lớp, tăng thời gian tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Đây chính là cơ hội cho sinh viên có thể học hai ngành song song, học thêm ngoại ngữ, tin học hoặc đi làm thêm. Tuy nhiên, đặc điểm này cũng có thể dẫn đến tình trạng các bạn sinh viên không sử dụng tốt thời gian ngoài giờ lên lớp và chất lượng học tập kém.
- Gây khó khăn trong công tác quản lý, cũng như khó tạo nên sự gắn kết trong sinh viên.