Đã bao giờ bạn ngồi một mình, yên tĩnh suy ngẫm về thực tại, về những gì xảy ra trong cuộc sống thường nhật này. Bạn có nhận ra cuộc sống hiện đại này có quá nhiều hiện thực đáng suy ngẫm? Hãy cùng Toplist thử nhìn lại những điều này nhé!
Ít người nhận ra rằng cuộc sống hiện đại đẩy con người vào những chiếc hộp: hộp nhà, hộp trường, hộp xe bus, hộp văn phòng và hộp... của chính mình - ở trong chiếc hộp ấy họ cảm thấy an toàn và thoải mái. Chiều cao và chiều rộng chiếc hộp của mỗi người khác nhau, tương ứng với những giới hạn cuộc sống mà họ có thể chấp nhận hay chịu đựng. Lâu dần, họ sẽ cảm thấy cô đơn trong chính cuộc sống mà họ đang sống. Tiệc tùng nhiều hơn nhưng không khiến họ mở lòng ra mà ngược lại, họ càng cố ý thu hẹp mình về vùng an toàn của bản thân. Thật giả bây giờ lẫn lộn, họ sợ một khi thoát ra khỏi chiếc hộp của mình, người tổn thương sẽ là chính bản thân họ. Càng lo sợ, càng thu hẹp mình, con người lại càng cô đơn. Nhưng thật ra chúng ta không thể tồn tại đơn độc trong cuộc đời này. Mỗi cá nhân đều có mối liên hệ mật thiết với nhau. Hãy thử mở lòng mình ra, thế giới này vẫn còn rất nhiều người tốt và những điều tốt đẹp đang chờ đợi bạn.
Danh sách bạn bè "ảo" của bạn lên đến cả trăm, nghìn người. Chấp nhận một lời đề nghị kết bạn cũng như chủ động đề nghị kết bạn với một ai đó trên mạng xã hội thật vô cùng dễ dàng. Nhưng liệu rằng, trong cái danh sách hàng trăm nghìn bạn bè ấy, bạn có bao nhiêu người bạn thật sự? Bạn nhớ được bao nhiêu cái tên, thường xuyên trò chuyện với bao nhiêu người và có mấy người thật sự hiểu bạn? Sinh nhật bạn, vô số những lời chúc mừng sinh nhật trên các mạng xã hội, nhưng bạn nhận được bao nhiêu lời chúc thật lòng từ những người bạn thật? Bao nhiêu món quà được thật lòng chuẩn bị từ những người được gọi là "bạn" ấy?
Nếu bạn không tin vào điều này, hãy thử một lần ẩn ngày sinh trên profile của các trang mạng xã hội mà bạn tham gia và chờ xem bạn nhận được những lời chúc mừng sinh nhật từ bao nhiêu người. Đó chính là những người thật lòng quan tâm đến bạn đấy!
Căn bệnh thành tích luôn là một vấn nạn xã hội đã tạo ra hàng loạt "tiến sĩ giấy". Nền giáo dục thế giới luôn phát triển không ngừng nhưng trí tuệ con người lại có xu hướng thụt lùi bởi một phần không nhỏ những người thích nuông chiều bản thân và sống hưởng thụ.
Hãy nhìn vào các số liệu về tai nạn giao thông do ô tô gây ra, bạn sẽ có câu trả lời cho riêng mình. Con người càng trở nên giàu có đầy đủ hơn thì lại càng vô trách nhiệm, không quan tâm đến mọi người, bản thân hay gia đình.
Internet cho chúng ta khả năng tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, nhưng dường như chúng ta không thể chọn lọc những thông tin có ích và bổ sung cho kiến thức của mình, chúng ta chủ yếu quan tâm đến những tin đồn giật gân, các vụ lùm xùm của showbiz, giới giải trí... mà thực tế những thông tin này chẳng giúp ích gì cho bộ não của bạn cả.
Tác giả Nicolas Carr từng nói: Khi truy cập vào mạng, chúng ta gia nhập vào một môi trường mà ở đó việc đọc lướt, suy nghĩ vội vàng, hấp tấp được cổ vũ cùng với một kiểu học nông cạn, hời hợt.
Nhờ tiện ích công nghệ, cụ thể là mạng Internet, chúng ta không cần phải lệ thuộc vào trí nhớ nhiều khi không thể “tải’ nổi lượng thông tin thiết yếu khổng lồ. Nhưng điều đáng lo ngại là khi mà tất cả các kiến thức, thông tin cần biết đã có sẵn trên mạng và chỉ với vài thao tác đơn giản ta đã có được kết quả, phải chăng chúng ta đang dần trở nên lệ thuộc vào bộ nhớ của mạng Internet?
Tình cảm của thời hiện đại, như một quy luật tự nhiên cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của nhịp sống số. Bạn yêu vội quên nhanh, những cuộc tình, những mối quan hệ dễ dàng đến rồi cũng dễ dàng đi. Mà phần lớn nguyên nhân chủ yếu của những mối tình chóng vánh là do thiếu sự lãng mạn, quan tâm và thấu hiểu lẫn nhau. Bạn bận, người yêu bạn cũng bận, tất cả chúng ta đều bận, chính vì vậy chúng ta dễ dàng lờ đi những cảm xúc lãng mạn là nguồn sống cho tình yêu. Nhưng sự thật, chẳng ai trong chúng ta thật sự quá bận cả, đó chỉ là vấn đề của sự ưu tiên. Nếu bạn không dành thời gian để chú tâm nuôi dưỡng, chăm sóc cho cảm xúc của mình cũng như của người bạn yêu thương thì khi tình yêu đã ra đi bạn cũng đừng trách hay đổ lỗi cho ai cả, vì đó chính là lỗi của bạn.
Thỏa mãn về vật chất chỉ tạo ra sự hài lòng nhất thời. Đó chỉ là một loại hạnh phúc tạm bợ, nó sẽ bay hơi nhanh chóng và khiến bạn ham muốn nhiều hơn. Ngược lại, trải nghiệm - dù chỉ là thoáng qua - mang lại nhiều hạnh phúc lâu dài hơn so với của cải vật chất. Thay vì chi tiêu tiền để mua sắm, bạn hãy chi tiêu tiền cho những trải nghiệm, chính điều này sẽ khiến bạn thỏa mãn và hài lòng hơn với cuộc sống.
Thời đại kỹ thuật số, công nghệ thông tin, các loại thẻ nhớ, thiết bị di động đã thay thế những cuốn album. Người ta thích chụp ảnh tự sướng nhiều hơn là chụp ảnh bên gia đình. Rồi một ngày khi bạn già đi, liệu bạn có giật mình và tự hỏi rằng tại sao những khoảnh khắc đáng giá của bạn bên cạnh gia đình, bạn bè và người thân đều không được ghi lại? Và bạn có cảm thấy hối tiếc vì điều đó?
Thời xa xưa, khoảng cách địa lý và sự hạn chế của phương tiện vận chuyển và thông tin liên lạc là lý do chính con người xa nhau. Ngày nay, công nghệ và phương tiện vận chuyển phát triển, muốn nghe giọng ai đó, chỉ cần nhấc điện thoại lên bấm nút gọi, muốn thấy mặt người nào đó bạn chỉ cần dùng những ứng dụng trò chuyện. Ngồi ở trong nhà, bạn cũng có thể trao đổi, trò chuyện, tám hàng giờ liền với bạn bè, người thân. Dường như ai cũng tự thu mình vào một vỏ ốc vô hình, tự nhốt mình trong nhà tù của bản thân và chính những điều này đã vô hình khiến khoảng cách giữa con người chúng ta ngày càng xa nhau hơn.
Một thực tế đáng buồn đang diễn ra là cùng với sự phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì đó chính là sự bùng nổ dân số và kéo theo nhiều loại bệnh tật khác. Bệnh viện thay thế sân chơi, những tòa nhà cao tầng mọc lên san sát. Con người bị mắc kẹt trong bốn bức tường, muốn tìm kiếm một không gian trong lành, một nơi để thư giãn nghỉ ngơi cũng là điều quá khó. Và đó chính là lý do tại sao người ở vùng nông thôn tuy nghèo khó, vất vả nhưng họ lại hạnh phúc hơn người ở thành thị rất nhiều lần.
Cuộc sống hiện đại dường như đã khiến con người ta luôn bận rộn, tất bật với bộn bề công việc, những bữa cơm gia đình ít lại, thay vào đó là những bữa ăn qua loa ngay tại văn phòng hoặc những quán cà phê.
Có bao giờ bạn tự hỏi đã bao lâu rồi mình không dành thời gian cho gia đình hoặc đã bao lâu rồi bạn không về thăm bố mẹ? Vòng quay cuộc sống cuốn chúng ta đi, nhưng đừng vì thế mà bỏ quên những giá trị cốt lõi của con người. Mất việc, bạn có thể tìm lại được nhưng cha mẹ mất đi thì chẳng ai tìm được bao giờ. Hãy dành thời gian quan tâm đến con cái nhiều hơn, hãy tạo cho con bạn một tuổi thơ đẹp bởi vì "tuổi thơ qua mau - kỷ niệm quý báu"*, đừng nuôi dưỡng con bạn thành những đứa trẻ thừa vật chất nhưng lại thiếu thốn tình cảm. Và để làm được những điều này, bạn phải biết cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Bạn online 24/24, nhưng thực sự có khi nào bạn cảm thấy mình "rảnh rỗi" và có thời gian dành cho những người bạn thật sự? Hãy thử một lần tắt điện thoại, bước ra ngoài và nhìn xem thế giới xung quanh bạn đang chuyển động ra sao, bạn sẽ nhận ra mình đã bỏ lỡ bao nhiêu khoảnh khắc vô giá của cuộc sống.
Chỉ cần một tuần cai nghiện các phương tiện kỹ thuật số, một buổi chiều không có chiếc điện thoại bên cạnh hay đơn giản hơn nữa là nửa giờ thực hành chánh niệm, rời mắt khỏi màn hình máy tính hay những thiết bị di động để nghỉ ngơi và kết nối lại với giới tự nhiên. Hãy tạm quên đi những cú nhấp chuột, cảm giác trượt ngón tay trên màn hình, để cho đôi tay một lần nữa dẫn dắt bạn trải nghiệm những cảm giác dù đơn giản, bình dị nhưng lại vô cùng quý giá trong cuộc sống.