Tại Việt Nam hiện nay, trung bình mỗi tháng có khoảng gần 16.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Số liệu doanh nghiệp thành lập mới trong 05 tháng đầu năm 2021 là hơn 55.000 doanh nghiệp, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vậy hãy cùng Toplist thống kê các loại hình doanh nghiệp được lựa chọn thành lập nhiều nhất nhé!
Công ty cổ phần
Trung bình mỗi tuần nước ta có khoảng 500 Công ty cổ phần được đăng ký thành lập mới. Công ty cổ phần có các đặc điểm chủ yếu như sau:
- Số lượng thành viên tối thiểu trong suốt quá trình hoạt động của công ty là 03 và không giới hạn số lượng tối đa. Cổ đông có thể là cá nhân hoặc tổ chức.
- Vốn điều lệ của công ty được chia làm nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần.
- Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Cổ đông chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
- Trong quá trình hoạt động, Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn. Do đó, khả năng huy động vốn rất cao, linh hoạt bằng cách chào bán các loại cổ phần, phát hành cổ phiếu ra công chúng.
Đặc biệt, loại hình công ty này có thể niêm yết, giao dịch cổ phần trên sàn giao dịch chứng khoán nếu đủ điều kiện.
Công ty hợp danh
Hiện nay, số lượng Công ty hợp danh được đăng ký rất ít, có những tuần không có công ty nào thuộc loại hình này được thành lập. Mặc dù việc điều hành quản lý công ty hợp danh không quá phức tạp nhưng do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn nên mức độ rủi ro của các thành viên hợp danh là rất cao. Họ phải góp cả uy tín, chịu trách nhiệm vô hạn trong hoạt động của công ty, nên những người này cần vô cùng tin tưởng nhau.
Các đặc điểm chính của Công ty hợp danh:
- Cần có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm các thành viên góp vốn.
- Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.
- Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
- Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Trong quá trình hoạt động kinh doanh, Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
Công ty TNHH Một thành viên
Theo thống kê tại Cổng thông tin Quốc gia về Đăng ký Doanh nghiệp, Công ty TNHH một thành viên được lựa chọn thành lập nhiều nhất. Trung bình mỗi tuần có khoảng hơn 1.500 công ty TNHH một thành viên được lập lên. Loại hình này được lựa chọn nhiều cũng do đặc điểm khá tinh gọn của nó, cụ thể như sau:
- Do một thành viên là tổ chức hoặc cá nhân làm chủ sở hữu.
- Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
- Có tư cách pháp nhân.
- Không được quyền phát hành cổ phần.
Công ty TNHH một thành viên có thể do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Mô hình quản lý và hoạt động của loại hình này thường được quản lý theo một trong các dạng sau (theo Luật doanh nghiệp năm 2020):
- Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc.
- Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc (đối với trường hợp tổ chức là chủ sở hữu công ty).
Doanh nghiệp tư nhân
Hiện nay, với quy định về giới hạn trách nhiệm cho chủ sở hữu trong hoạt động kinh doanh của công ty với các loại hình kể trên, thì ít người lựa chọn hình thức Doanh nghiệp tư nhân. Nhưng vẫn có một số mong muốn được thành lập doanh nghiệp tư nhân và đồng ý chịu trách nhiệm vô hạn đối với quá trình hoạt động, phát triển uy tín cá nhân. Trung bình mỗi tuần chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp tư nhân được thành lập.
Đặc điểm pháp lý cơ bản của Doanh nghiệp tư nhân:
- Do một cá nhân làm chủ.
- Không có tư cách pháp nhân.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn trước mọi khoản nợ phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp tư nhân.
Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Hiện nay, loại hình công ty TNHH được lựa chọn rất nhiều. Đặc biệt Công ty TNHH hai thành viên trở lên có số lượng thành viên nhỏ, thường là những người quen biết, tin cậy nhau. Do đó việc quản lý, điều hành công ty dễ dàng hơn, không quá phức tạp như công ty cổ phần. Trung bình, mỗi tuần có khoảng hơn 600 Công ty TNHH hai thành viên trở lên được thành lập.
Theo Luật doanh nghiệp năm 2020, Công ty TNHH hai thành viên trở lên có các đặc điểm sau:
- Có tư cách pháp nhân.
- Có từ 02 thành viên trở lên nhưng không quá 50 thành viên trong suốt quá trình hoạt động.
- Công ty chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng tài sản của mình. Thành viên công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
- Phần vốn góp của các thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy trình nhất định của pháp luật.
- Công ty TNHH hai thành viên trở lên không được quyền phát hành cổ phần.
Về cơ cấu tổ chức quản lý Công ty TNHH hai thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước và công ty con của doanh nghiệp nhà nước phải thành lập Ban kiểm soát; các trường hợp khác do công ty quyết định.