Top 7 Lưu ý quan trọng nhất về bệnh ho gà

Bệnh ho gà là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp và nguy hiểm nhất là trẻ sơ sinh. Vì vậy, hãy cùng Toplist tìm hiểu về căn bệnh này để chủ động phát hiện, điều trị và có cách phòng tránh bệnh hiệu quả.

Triệu chứng của bệnh ho gà

Ho gà có thể gây bệnh nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Các triệu chứng ho gà thường phát triển trong vòng 5 đến 10 ngày sau khi tiếp xúc với mầm bệnh.

Bệnh thường bắt đầu bằng các triệu chứng giống như cảm lạnh và có thể ho nhẹ hoặc sốt nhẹ.


Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh ho gà tiến triển qua các giai đoạn sau:


Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 6-20 ngày (trung bình 9-10 ngày).


Giai đoạn tiền triệu (viêm long): kéo dài 1-2 tuần, gồm các triệu chứng sốt nhẹ, chảy nước mũi, hắt hơi, ho húng hắng. Cuối giai đoạn này ho nặng lên thành cơn.


Giai đoạn khởi phát: kéo dài 1-6 tuần, trường hợp đặc biệt có thể trên 10 tuần. Cơn ho điển hình xuất hiện đột ngột, bất kỳ thời điểm nào nhưng thường nặng lên về đêm.

  • Ho: Ho rũ rượi, thành cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần. Ho nhiều làm trẻ thở yếu dần, có lúc như ngừng thở do thiếu oxy, mặt tím tái, mắt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.
  • Thở rít vào: Xuất hiện cuối cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, trẻ thở rít vào nghe như tiếng gà rít.
  • Khạc đờm: Khi trẻ khạc đờm trắng, màu trong, dính như lòng trắng trứng là lúc kết thúc một cơn ho. Trong đờm có trực khuẩn ho gà.

Trong 2 tuần đầu, tần suất cơn ho khoảng 15 cơn/ngày, sau đó giảm dần. Bệnh có thể kéo dài hơn 3 tuần nếu không được điều trị. Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi có thể không có tiếng rít trong cơn ho.

Sau mỗi cơn ho, trẻ bơ phờ mệt mỏi, có thể nôn, vã mồ hôi, mạch nhanh, thở nhanh. Có thể kèm theo một số triệu chứng sau: Sốt nhẹ, mặt và mi mắt nặng, loét hãm lưỡi, nghe phổi trong cơn ho có thể thấy ran phế quản (ran rít, ngáy).


Giai đoạn hồi phục: kéo dài 2-3 tuần, cơn ho ít dần, bệnh nhân giảm sốt. Tuy nhiên, nhiều tháng sau đó, ho có thể tái diễn gây ra viêm phổi.


Ở trẻ vị thành niên và người lớn, triệu chứng thường nhẹ, ít gặp cơn ho điển hình hoặc không có triệu chứng. Thường có ho kéo dài trên 7 ngày. Có tỷ lệ nhỏ trẻ đã từng tiêm vắc xin nhưng vẫn mắc bệnh, tuy nhiên ở những bệnh nhân này bệnh thường nhẹ, nhanh khỏi.

Các triệu chứng của bệnh
Các triệu chứng của bệnh
Nhận biết sớm trẻ bị ho gà

Cách phòng tránh bệnh ho gà

Tiêm phòng vacxin đầy đủ theo lịch tiêm chủng là một phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, “Người lớn cũng nên thực hiện việc tiêm chủng (chích ngừa) vắc xin phòng bệnh ho gà, tránh trường hợp trở thành nguồn lây bệnh cho trẻ nhỏ và cộng đồng”.


Tại Việt Nam, vacxin ho gà có trong nhiều loại vacxin kết hợp như vacxin 6 trong 1 Hexaxim (Pháp) hoặc Infanrix Hexa (Bỉ); vacxin 5 trong 1 Pentaxim (Pháp); vacxin 4 trong 1 Tetraxim (Pháp); vacxin 3 trong 1 Adacel (Canada), Boostrix (Bỉ).


Vacxin 6 trong 1 Hexaxim/Infanrix Hexa và Vacxin 5 trong 1 Pentaxim được sử dụng trong chương trình tiêm chủng dịch vụ với thành phần ho gà vô bào.

Phác đồ tiêm được sử dụng cho trẻ từ 2 tháng tuổi.

  • Mũi 1: tiêm khi trẻ 2 tháng
  • Mũi 2: tiêm khi trẻ 3 tháng
  • Mũi 3: tiêm khi trẻ 4 tháng
  • Mũi 4: 1 năm sau khi tiêm mũi 3.

Vacxin 4 trong 1 Tetraxim sử dụng phác đồ 5 mũi, mũi đầu tiên cho trẻ từ 2 tháng tuổi:

  • Mũi 1,2,3: Khi trẻ được 2,3,4 tháng tuổi
  • Mũi 4: 1 năm sau mũi 3
  • Mũi 5: 4 năm sau mũi 4 (trẻ từ 4-6 tuổi)

Vacxin 3 trong 1 Adacel được chỉ định sử dụng cho trẻ 4 tuổi trở lên và người lớn đến 64 tuổi. Phác đồ tiêm bao gồm 1 mũi. Sau đó tiêm nhắc mỗi 10 năm một lần. Người lớn, nhất là phụ nữ trước khi mang thai được khuyến cáo nên tiêm vắc xin chứa thành phần ho gà để có thể có kháng thể sớm cho em bé ngay từ trong bụng mẹ.


Tuy nhiên, hiện nhiều trẻ bị ho gà chưa được tiêm phòng vacxin hoặc tiêm chưa đủ mũi, thậm chí có trẻ còn chưa đến tuổi tiêm phòng. Cũng chính vì vậy, khi bà mẹ mang thai trên 20 tuần nên chủ động đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn tiêm vacxin phòng bệnh trước khi trẻ chào đời để có hệ miễn dịch cho các bé từ sớm.


Bên cạnh đó cần tuân thủ các biện pháp phòng tránh sau:


  • Hướng dẫn cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.
  • Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
  • Khi thấy trẻ nghi ngờ mắc bệnh, cần cách ly trẻ với những trẻ khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng) và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ bị biến chứng.
Ngoài ra, để phòng các bệnh hô hấp cho trẻ, nên tránh cho trẻ tiếp xúc với những đối tượng nghi ngờ mắc bệnh. Khi chăm sóc, tiếp xúc gần với trẻ người lớn cần thường xuyên rửa tay xà phòng, vệ sinh răng miệng, mũi họng để phòng nguy cơ lây truyền bệnh hô hấp cho trẻ.


Tiêm vacxin là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh ho gà
Tiêm vacxin là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh ho gà
Phòng chống bệnh ho gà

Bệnh ho gà nguy hiểm không ?

Đối với người lớn và trẻ vị thành niên, ho gà không phải là bệnh lý quá nguy hiểm. Bệnh chỉ gây ra những triệu chứng nhẹ và tự thuyên giảm mà không cần điều trị. Tuy nhiên, triệu chứng ho gà ở trẻ em lại có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Bệnh ho gà khiến khoảng 300.000 trẻ em trên toàn thế giới tử vong mỗi năm kèm theo nhiều trường hợp biến chứng ở hệ hô hấp, thần kinh và một số cơ quan khác của trẻ như: viêm phế quản, ngừng thở, sa trực tràng, thoát vị trực tràng, vỡ phế năng, tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi và viêm não.


Ngoài ra, trẻ em mắc bệnh ho gà còn có sức khỏe yếu, chậm phát triển, biếng ăn, bỏ bú và có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội do hệ miễn dịch suy giảm. Số liệu thống kê từ Cục Y tế Dự phòng cho thấy, hơn 90% số ca nhiễm bệnh ho gà ở trẻ em là do trẻ chưa được tiêm chủng (chích ngừa), hoặc chưa tiêm chủng đủ 3 mũi cơ bản. Do đó, tiêm vắc xin chính là biện pháp phòng ngừa và bảo vệ trẻ khỏi bệnh ho gà và các biến chứng nguy hiểm của bệnh.


Đối với trẻ sơ sinh sinh và trẻ nhỏ

Ho gà có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà theo khuyến cáo của Bộ Y tế.


Vì những dấu hiệu khởi phát tương tự như bệnh cảm lạnh thông thường, nhiều bậc phụ huynh thường có tâm lý chủ quan, tự ý điều trị ở nhà, tự mua thuốc và áp dụng kinh nghiệm dân gian. Điều này vô tình làm bệnh ho gà trở nặng và dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm phổi
  • Mất nước
  • Khó thở hoặc ngưng thở do oxy không đủ cung cấp lên não
  • Viêm não (0,1%) là một biến chứng nặng của bệnh ho gà, tỷ lệ di chứng và tử vong cao.
  • Xuất huyết kết mạc
  • Thậm chí gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị sớm…

Đối với thanh thiếu niên và người lớn

Thiếu niên và người lớn cũng có thể bị biến chứng do bệnh ho gà. Biến chứng thường ít nghiêm trọng hơn ở những lứa tuổi này, đặc biệt với những người đã được tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà.

Biến chứng ở thiếu niên và người lớn thường gây ra bởi bản thân các cơn ho. Viêm phổi là biến chứng đáng được lưu tâm nhất.

  • Ngoài ra, theo các nghiên cứu, người lớn bị ho gà có thể dẫn tới tình trạng sút cân, mất kiểm soát bàng quang, bất tỉnh, gãy xương sườn do ho nặng…
Biến chứng nặng của bệnh ho gà
Biến chứng nặng của bệnh ho gà
Cảnh báo về biến chứng của bệnh ho gà

Cách điều trị bệnh ho gà

Đối với trẻ được chẩn đoán ho gà nhẹ có thể điều trị cách ly tại nhà dưới sự giám sát của nhân viên y tế khu vực. Cần hướng dẫn gia đình trẻ tái khám khi có các dấu hiệu nặng như số lượng cơn ho nhiều hơn, cơn ho dài, xuất hiện suy hô hấp…


Điều trị nguyên nhân: Sử dụng kháng sinh trước khi cơn ho xuất hiện. Đặc biệt đối với trẻ dưới 6 tháng điều trị sớm ngay khi thấy dấu hiệu đầu tiên là rất quan trọng. Ho gà ở trẻ em thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh.


Một số loại thuốc kháng sinh thường dùng trong việc điều trị ho gà ở trẻ em như:

  • Đối với trẻ < 1 tháng tuổi: có thể sử dụng Azithromycin (Acizit 250, Ausmax, AZ 500) để điều trị ho gà.
  • Đối với bé ≥ 1 tháng tuổi: có thể sử dụng các loại kháng sinh như Erythromycin (Althrocin S, Apthromycin 250, Elthrocin), Clarithromycin (Acem 250, AsiClarithromycin 250mg, Baxpel 250), và Azithromycin.
  • Các bé ≥ 2 tháng tuổi: có thể sử dụng Trimethoprim-sulfamethoxazole (Bactrim, Septra).
  • Đối với trẻ > 1 tuổi: trong vòng 3 tuần kể từ khi cơn ho khởi phát có thể sử dụng Azithromycin, Clarithromycin và Erythromycin. Trimethoprim-sulfamethoxasole cũng có thể được sử dụng để điều trị ho gà.

Ho gà ở trẻ em thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc còn phụ thuộc vào diễn tiến của bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của bé, vì vậy, mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho bé sử dụng bất cứ loại thuốc nào.


Những lưu ý khi điều trị bệnh ho gà ở trẻ em tại nhà:

  • Trong trường hợp bé được phép điều trị tại nhà, mẹ có thể áp dụng một số hướng dẫn dưới đây để kiểm soát các cơn ho gà và giúp bé cảm thấy thoải mái hơn.
  • Cho bé nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát và yên tĩnh
  • Bổ sung đầy đủ nước cho bé để tránh tình trạng mất nước, ngoài ra mẹ có thể cho bé uống thêm nước trái cây hoặc súp.
  • Để tránh việc bé bị nôn mửa sau khi ho, mẹ nên chia cho bé thành nhiều bữa ăn nhỏ
  • Mẹ hãy đảm bảo phòng bé luôn sạch sẽ, tránh các chất như khói thuốc lá vì nó có thể kích thích bé ho.

Điều trị triệu chứng: Một số trường hợp nặng trẻ có thể xuất hiện co giật có thể dùng các thuốc chống co giật như: phenobarbital, seduxen... Đối với những trường hợp ho gà nặng cần nhập viện để có điều trị sớm cho trẻ. Các điều trị cần thiết bao gồm điều trị suy hô hấp (nếu có), điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu, điều trị biến chứng, các chăm sóc và điều trị hỗ trợ khác.


Ngoài ra, việc điều trị ở bệnh viện có thể bao gồm các phương pháp sau:

  • Truyền kháng sinh đường tĩnh mạch
  • Hút đờm, truyền dịch nếu trẻ nôn nhiều gây mất nước, thuốc an thần để giúp trẻ ngủ yên
  • Theo dõi chặt chẽ hô hấp của bé và cho bé thở thêm oxy nếu cần.

Kết hợp chế độ dinh dưỡng cho trẻ: Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh cũng cần được đặc biệt quan tâm. Khi ho nhiều trẻ sẽ có dấu hiệu nôn mửa, sau khi nôn cho trẻ vệ sinh miệng sạch sẽ, nghỉ ngơi và cho ăn bổ sung bằng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, bổ sung chất dinh dưỡng trẻ sẽ không bị đói và mệt khi ốm.


Để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh trong cộng đồng, nên:

  • Cách ly bé với mọi người xung quanh và rửa tay thường xuyên cho bé để giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh.
  • Che miệng và mũi của trẻ bằng khăn giấy khi ho và hắt hơi.
  • Vứt bỏ các mẫu khăn đã sử dụng ngay lập tức.
  • Rửa tay cho trẻ thường xuyên bằng xà phòng.
Đưa trẻ đến gặp bác sĩ kịp thời
Đưa trẻ đến gặp bác sĩ kịp thời
Cách xử trí khi trẻ bị ho gà

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị ho gà

Ngoài việc chữa bằng thuốc đặc trị do bác sĩ chuyên khoa chỉ định, chế độ dinh dưỡng cho trẻ ho gà vô cùng quan trọng giúp tăng cường đề kháng, rút ngắn thời gian bệnh, giảm lây lan.


Chế độ dinh dưỡng cho trẻ ho gà hàng ngày cần bổ sung đầy đủ vitamin A C, kẽm, sắt, nước và đạm. Các món ăn nấu mềm, dạng lỏng như cháo, súp để dễ tiêu hóa, không gây kích ứng niêm mạc họng nhưng cũng không được quá loãng làm giảm lượng dinh dưỡng cần cung cấp. Trường hợp trẻ lười không chịu ăn, mẹ có thể tăng số bữa lên 8-10 lần/ngày cách nhau 2 tiếng. Ngoài ra, trẻ cần uống nước nhiều để làm tan dịch đờm.


Các món ăn chữa ho gà cho trẻ:

  • Nghệ, sữa, mật ong. Pha ½ thìa bột nghệ, ½ thìa mật ong với 100ml sữa tươi ấm uống 2 lần/ngày. Hợp chất curcumin trong nghệ có tác dụng kháng khuẩn và có hiệu quả trong điều trị ho gà, thở khò khè.
  • Tỏi, mật ong, dấm táo. Mẹ trộn đều 5 thìa nước với ½ thìa bột tỏi, ½ thìa mật ong (nếu muốn), 1 thìa dấm táo và cho trẻ mắc ho gà uống 2 lần/ngày. Trong Đông y, tỏi có thuộc tính ấm, khử hàn ẩm. Hoạt chất allincin có tác dụng giống như thuốc kháng sinh trị ho và chất s-allyl cysteine hỗ trợ nâng cao khả năng miễn dịch cơ thể hiệu quả.
  • Gừng chứa hợp chất gingerol giúp long đờm tự nhiên và giảm triệu chứng ho gà. Mẹ hòa 200ml nước ấm với 1 thìa mật ong (không bắt buộc), 1 thìa hạt hồ lô ba, 5cm gừng tươi.
  • Chanh tươi chứa axit citric giúp làm giảm độ dày của chất nhầy, tính kháng khuẩn mạnh mẽ ngăn ngừa sự nhiễm trùng. Bên cạnh đó, vitamin C trong chanh còn làm tăng cường hệ thống miễn dịch cơ thể. Công thức pha chế vô cùng đơn giản: hòa 1 muỗng chanh tươi với 100ml nước ấm, thêm 1 thìa mật ong và cho trẻ mắc ho gà uống vài lần trong ngày. Hoặc có thể lấy 1 nửa trái chanh, thêm muối cho đỡ chua và cho trẻ liếm dần để làm dịu cổ họng bị kích thích vì ho nhiều. Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tháng, có thể bổ sung vitamin C hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ để bé hấp thụ được qua sữa mẹ.
  • Cam thảo chứa axit glycyrrhizic thúc đẩy quá trình làm lành các mô bị hư hỏng do ho quá nhiều. Mẹ pha 1 muỗng cà phê rễ cam thảo với 200ml nước nóng và để trong 5-10 phút. Sau đó lọc lấy nước và thêm ½ thìa mật ong để tăng thêm hương vị.
  • Hạnh nhân có chứa chất oxy hóa tự nhiên polyphenol tiêu diệt vi khuẩn bordelella pertussis gây bệnh ho gà. Mẹ chỉ cần ngâm 6-7 quả hạnh nhân qua đêm, sau đó xay với ½ muống bơ và cho trẻ ăn 2-3 lần/ngày.
  • Lá kinh giới (oregano) là một phương thuốc thảo dược an toàn có hiệu quả với những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như ho gà. Loại thảo mộc này có chứa thuộc tính chống co thắt, kháng khuẩn, long đờm và làm dịu cơn ho. Mẹ trộn 10 giọt tinh dầu oregano với 2 muỗng dầu ô liu và chà trước ngực trẻ trước khi ngủ để giảm ho.
  • Súp đậu lăng cho bữa trưa, tối. Một bát súp hầm này sẽ đem lại 149kcal năng lượng, 5g chất béo, 7g protein, 19mg carbohydrate và 2000mg sodium.
  • Súp khoai tây. Trẻ mắc ho gà được cung cấp 56kcal năng lượng, 1g protein, 13g carbohydrate và 2000mg sodium.
  • Súp gà bao gồm các thành phần thịt gà (giảm cảm lạnh), 1 muỗng bột tỏi, tinh dầu kinh giới (thực phẩm kháng histamin tự nhiên), 1 chén cà rốt (tăng vitamin A) được đảo chín đều. Thịt gà chứa rất nhiều protein, kẽm là chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng trẻ bị mất đi khi bị ho gà. Những chất này tham gia vào hệ thống miễn dịch, tăng cường sức đề kháng giúp trẻ mau phục hồi sức khỏe.

Thực phẩm kiêng kị khi trẻ mắc ho gà

  • Thực phẩm ngọt, béo. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tăng glucose qua đồ ngọt sẽ giảm khả năng cô lập, phá hủy vi khuẩn của tế bào bạch cầu. Nếu trẻ mắc ho gà ăn nhiều thực phẩm dầu mỡ sẽ khiến cơ thể bốc hỏa làm triệu chứng thêm nặng. Các loại đồ ăn có chứa hàm lượng chất béo cao như socola, bơ, phô mai, các loại nước nhiều đường, đồ chiên rán không những tạo thêm gánh nặng cho dạ dày lại khiến cơ thể sản sinh nhiều dịch đờm, khiến bệnh trở nặng hơn.
  • Thực phẩm lạnh. Trẻ nhỏ nhiễm vi khuẩn bordelella pertussis gây bệnh ho gà khiến chức năng đường tiêu hóa, tì vị, phổi bị suy giảm. Đồ ăn lạnh sẽ khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, suy giảm chức năng miễn dịch, thậm chi gây tắc khí ở phổi.
  • Trà, mật ong. Chất ta-nanh có trong trà khiến não ở trạng thái kích thích, tăng huyết áp dẫn tới nhiệt độ tăng thêm và làm giảm tác dụng của thuốc hạ sốt. Thành phần hydro peroxide giúp chống viêm nhiễm nhưng trẻ cảm sốt do mắc ho gà ăn nhiều mật ong lại làm cản trở quá trình diệt vi khuẩn của bạch cầu. Tốt nhất, mẹ pha 1-2 thìa mật ong với nước nóng 35 độ C và cho trẻ uống trước bữa cơm 1 tiêng, hoặc sau bữa 2-3 tiếng để hỗ trợ hấp thụ cho đường tiêu hóa. Ngoài ra, nếu trẻ trước đó có ăn hành tây, đậu phụ, cá chép, thì là, lá hẹ hoặc bị tiêu chảy, đầy bụng cũng không nên dùng mật ong.
  • Trứng chứa nhiều protein nên khi trẻ ốm sốt ăn sẽ tạo lượng nhiệt lớn. Nếu không phát tán ra ngoài được sẽ lại càng sốt cao, lâu khỏi.
  • Muối làm tăng tích tụ dịch nhầy trong cổ họng.
Thực phẩm tăng sức đề kháng
Thực phẩm tăng sức đề kháng
Không nên ăn thực phẩm ngọt, béo
Không nên ăn thực phẩm ngọt, béo

Nguyên nhân gây bệnh ho gà

Nguyên nhân chính gây bệnh ho gà là do sự xâm nhập của vi khuẩn Bordetella pertussis đi vào đường hô hấp trên, sau đó khu trú và phát triển ở lông mao biểu mô trụ của đường thanh quản, khí quản. Ở đó vi khuẩn sẽ tiết ra một loại độc tố Pertussis toxin, đây là loại protein độc lực chính đóng vai trò gây bệnh.

Ngoài ra, thời tiết mùa đông thường ẩm ướt, không nóng cũng không lạnh chính là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn Bordetella pertussis sinh sôi và phát triển nhanh chóng.


Đường lây: Bệnh ho gà có thể lây qua đường hô hấp thông qua các giọt nước bọt trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết ở họng, niêm mạc mũi khi người bệnh nôn hoặc khạc nhổ. Cục Y tế Dự phòng Việt Nam cảnh báo, bất kỳ đối tượng ở độ tuổi nào, không phân biệt giới tính, dân tộc, vùng địa lý đều có thể mắc bệnh ho gà.


Nguồn lây: Ho gà là bệnh nhiễm trùng cấp nên thường lây lan nhanh và có khả năng bùng phát thành dịch. Người là ổ chứa bệnh duy nhất, và là nguồn lây nhiễm chủ yếu cho trẻ nhỏ. 80% những người tiếp xúc cùng hộ gia đình với người bệnh có thể bị lây. Bệnh ho gà lây nhiễm mạnh nhất là ở giai đoạn 2 tuần đầu kể từ thời điểm khởi phát dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Tuy nhiên, sau 5 ngày điều trị kháng sinh phù hợp, bệnh nhân có thể không gây lây nhiễm.


Đối tượng có nguy cơ bị mắc ho gà: Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có hơn 90% số ca mắc là trẻ dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản. Trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng và càng nhiều biến chứng.

Mắc ho gà khi tiếp xúc với vi khuẩn trong không khí từ người bệnh khi ho
Mắc ho gà khi tiếp xúc với vi khuẩn trong không khí từ người bệnh khi ho
Nguyên nhân gây bệnh ho gà

Thế nào là bệnh ho gà ?

Bệnh ho gà (tên Tiếng Anh là Whooping Cough) là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn Bordetella Pertussis xâm nhập vào đường hô hấp. Những vi khuẩn này bám chặt vào lông mao ở đường hô hấp trên, sau đó vi khuẩn giải phóng độc tố tấn công hệ hô hấp và làm đường thở sưng lên

.

Ho gà được biết đến với những cơn ho dữ dội, không kiểm soát được, thường khiến người bệnh khó thở. Sau khi ho, bệnh nhân thường cần hít thở sâu, điều này dẫn đến âm thanh phát ra như tiếng rít dài. Ho gà có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.


Bệnh thường xảy ra quanh năm, được ghi nhận ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Số ca mắc tăng vào các tháng mùa hè thu. Cùng với sự ra đời của các phương pháp chẩn đoán chính xác hơn, số lượng ca bệnh báo cáo tại nhiều quốc gia có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, miễn dịch sau mắc bệnh không bền vững suốt đời. Miễn dịch sau tiêm vắc xin thường suy giảm theo thời gian.


Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới có khoảng 30-50 triệu người mắc ho gà, trong số đó có khoảng hơn 300.000 người tử vong, tỷ lệ này tăng cao nhất ở nhóm trẻ nhỏ. Từ khi có vắc xin phòng ngừa, tỷ lệ mắc cũng như tử vong do bệnh này gây ra đã giảm.


Ở Việt Nam, khi chưa thực hiện chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR), bệnh ho gà thường xảy ra và phát triển thành dịch ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở miền núi, nơi có trình độ phát triển kinh tế – xã hội còn thấp. Các trường hợp mắc bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản, nhất là trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng. Nhờ triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh trong gần 40 năm qua, bệnh ho gà tại Việt Nam đã được khống chế với tỉ lệ mắc bệnh và tử vong giảm đáng kể.

Bệnh ho gà gây ra bởi vi khuẩn Bordetella Pertussis
Bệnh ho gà gây ra bởi vi khuẩn Bordetella Pertussis
Bệnh ho gà

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?