“Nếu trong lúc đang trả lời phỏng vấn, chiếc tủ hồ sơ cạnh bạn bỗng nhiên đổ sập, thì bạn cũng đừng vội lo lắng. Đó có thể là một sự cố hữu ý của nhà tuyển dụng để thăm dò phản ứng của bạn” – một chuyên gia tuyển dụng đã từng nói nửa đùa nửa thật như vậy. Trên thực tế, có khá nhiều chuyên gia nhân sự dày dạn kinh nghiệm thích sử dụng phương pháp này trong các cuộc phỏng vấn của mình nhằm nhận diện một cách tối đa chân dung ứng viên. Những cuộc phỏng vấn kiểu này thường được gọi là phỏng vấn gây sốc. Đối với các vị trí quan trọng, phương pháp này có thể được cụ thể hóa thành những câu hỏi dò xét hay gài bẫy nhằm kiểm tra tính trung thực, sự nhanh nhạy của ứng viên nếu như nhà tuyển dụng cảm thấy nghi ngờ, chưa tin tưởng. Sau đây là một số mẹo tâm lý mà các nhà tuyển dụng hay "gài" để thử lòng ứng viên.
Đưa ra những câu hỏi về đời tư
Nhiều chuyên gia tuyển dụng thích đưa ra các câu hỏi liên quan đến bí mật kinh doanh tại nơi làm cũ, hoặc nhận xét của họ về ông chủ cũ. Một cô gái nọ hiện đang làm việc cho một công ty thương mại lớn trong thành phố kể lại rằng, trong buổi phỏng vấn, người ta đã đặt ra những câu hỏi thiếu tế nhị: chồng cô có nghiện rượu không, có bao giờ đánh cô chưa, cô có tình nhân không… và một loạt các câu hỏi khác về cuộc sống riêng tư.
Nhiều chuyên gia nhân sự khác còn áp dụng những kiểu lộng ngôn mang tính khiêu khích, thậm chí sỷ nhục ứng viên. Một vị chuyên gia nhân sự nọ, thay vì thông báo cho ứng viên rằng cuộc phỏng vấn đã kết thúc, đã buông một câu khó nghe khi nhìn thấy ứng viên có vẻ chờ đợi điều gì đó từ nhà tuyển dụng: “Thế nào? Anh còn muốn gì nữa? Một lời mời làm việc hấp dẫn chắc?”
Lúc này bạn phải hết sức bình tĩnh và khôn khéo để không mắc bẫy của nhà tuyển dụng.
Đưa ra những yêu cầu lạ lùng
Bạn đến phỏng vấn vào vị trí quản lý nhưng người tuyển dụng lại đưa cho bạn những yêu cầu rất lạ lùng như nhảy qua cửa sổ chẳng hạn. Điều này nghe có vẻ rất điên rồ nhưng là bài thử thách được nhiều nhà tuyển dụng dùng khá thường xuyên. Trong trường hợp này, nhà tuyển dụng muốn thử thách tư duy sáng tạo của bạn.
Theo các chuyên gia, ứng viên có thể đáp lại thử thách của nhà tuyển dụng bằng câu hỏi với lựa chọn có lợi cho cả hai: "Công ty sẽ nhận được lợi ích gì nếu tôi nhảy qua đó?"
Cố tình để ứng viên phải chờ đợi
Một tình huống thử thách mà nhà tuyển dụng có thể đặt ra cho ứng viên là cố tình để họ phải chờ đợi. Ví dụ đơn giản như nhà tuyển dụng hẹn bạn phỏng vấn lúc 9 giờ sáng. Bạn đến văn phòng sớm, nhà tuyển dụng đang bận và nói bạn chờ 10 phút, rồi lại 10 phút nữa...
Mẹo tâm lý này sẽ giúp nhà tuyển dụng đọc được liệu bạn có phải là người giữ được sự bình tĩnh trong những tình huống căng thẳng. Bên cạnh đó, thái độ của bạn lúc chờ đợi cũng cho họ biết mức độ mong muốn vị trí công việc đó.
Mời ứng viên uống cà phê
Bài thử "tách cà phê" được rất nhiều nhà tuyển dụng yêu thích. Đầu buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể đưa ứng viên đến phòng bếp của công ty và mời họ uống cà phê. Sau khi phỏng vấn, họ sẽ quan sát xem ứng viên làm gì với tách cà phê, để ở đâu, trên bàn hay tự đến phòng bếp để rửa.
Ông Trent Innes, giám đốc của một công ty chuyên cung cấp phần mềm kế toán có trụ sở đặt tại Úc là người đã nghĩ ra phép thử này. Cách ứng viên cư xử có thể cho người tuyển dụng thấy được khả năng thích nghi, phần nào tính cách chân thực hơn những gì họ trả lời trong buổi phỏng vấn.
Hành động nên làm nhất dành cho ứng viên trong trường hợp này là đến phòng bếp và tự rửa cốc của mình.
Đánh rơi bút xuống sàn
Một bài kiểm tra khác giúp nhà tuyển dụng xác định ứng viên có lanh lợi, tốt tính hay không là giả vờ đánh rơi bút và xem phản ứng của ứng viên.
Nếu ứng viên cúi xuống nhặt lấy bút theo bản năng, họ có khả năng cao sẽ đỗ phỏng vấn. Nếu bạn để nhà tuyển dụng tự nhặt bút, bạn có thể sẽ bị mất điểm và giảm khả năng được tuyển dụng.
Giả vờ không nghe thấy những gì ứng viên nói
Đối với các ứng viên cao cấp hơn có thể sử dụng các kiểu “gây sốc” phức tạp hơn. Ví dụ như khi phỏng vấn một ứng viên đang huênh hoang về thành tích của mình, nhà tuyển dụng có thể giả vờ không nghe thấy những gì anh ta nói hoặc cố tình “sinh sự” bằng cách nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu nói: “Tôi chưa hiểu ý anh/chị định nói gì. Có lẽ, anh/chị có vấn đề trong cách diễn đạt. Anh/chị thử nói lại vấn đề này, bằng một ngôn ngữ đơn giản hơn, được không?”. Hoặc có thể thình lình đưa ra câu nhận xét, kiểu như: “Nãy giờ anh/chị nói rất có lý, rất đúng. Nhưng lần này thì những gì anh/chị nói lại thật là ngớ ngẩn”. Và thử diễn đạt câu trả lời “ngớ ngẩn” của ứng viên bằng cách vờ suy diễn sang một nghĩa khác.
Đưa ra những câu hỏi vô thưởng vô phạt
Nhiều chuyên gia nhân sự đã thử đưa ra những câu hỏi tưởng chừng vô thưởng vô phạt, không rõ ràng để dò xem cách trả lời của ứng viên. Một ứng viên thiếu phán xét sẽ bắt đầu “trả bài” mà không cần xác định rõ mục tiêu câu hỏi, bởi anh ta muốn làm sao nhanh chóng lấp đầy khoảng trống trong cuộc phỏng vấn.
Đối với ứng viên kinh nghiệm hơn, có thể anh ta sẽ yêu cầu nhà tuyển dụng giải thích câu hỏi rõ hơn. Dấu hiệu này cho thấy, ứng viên là người biết cân nhắc trước khi trả lời. Một cách thức khác khá hiệu quả trong phỏng vấn là cố ý tạo ra khoảng thời gian im lặng để dò xét thái độ của ứng viên.
Nhiều ứng viên tỏ ra không được thoải mái, thậm chí không giữ được bình tĩnh khi rơi vào tình thế này. Không ít ứng viên đã vội vàng phản ứng “Tôi đến đây để nghe ông/bà đưa ra câu hỏi. Và tôi đang nghe ông/bà hỏi đây”.
Bất ngờ nói lớn tiếng
Bất ngờ nói lớn tiếng, hét lên, thậm chí dùng những từ ngữ không lịch sự là cách một số nhà tuyển dụng đưa ra để thử thách ứng viên. Bạn sẽ thấy người đứng đối diện mình thật khó hiểu nhưng thực ra bài thử này giúp nhà tuyển dụng đặt bạn vào trong những tình huống căng thẳng để xem khả năng chịu đựng áp lực của bạn.
Theo lời khuyên của các chuyên gia khuyên, trong trường hợp nhà tuyển dụng bỗng nói lớn tiếng hay quát tháo, ứng viên hãy cố gắng giữ bình tĩnh và trả lời câu hỏi một cách điềm đạm nhất có thể.
Giới thiệu ứng viên với cả đội
Nhà tuyển dụng có thể cho ứng viên cơ hội giao lưu với những người có thể là đồng nghiệp tương lai của bạn ngay sau buổi phỏng vấn tại văn phòng hoặc sau giờ làm việc. Đây không chỉ là hành động lịch sự, mà nhà tuyển dụng còn có thể dùng mẹo này để xem thái độ, ý kiến của các nhân viên khác trong đội với người mới.
Bỗng dưng cư xử kỳ quặc
Nhà tuyển dụng có thể phớt lờ bạn, nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính hoặc trả lời điện thoại, rời phòng giữa cuộc phỏng vấn, coi bạn như "người vô hình". Thử thách này được nhà tuyển dụng đưa ra nhằm xem ứng viên lấy lại sự chú ý của nhà tuyển dụng như thế nào hoặc ứng viên dùng cách gì để thoát khỏi tình huống này.
Cách tốt nhất bạn có thể làm là hỏi xem liệu nhà tuyển dụng có thể rời lịch phỏng vấn sang một ngày khác.