Sản xuất và tiêu dùng các loại thực phẩm an toàn, có chất lượng cao đang là xu thế được ưu tiên trong phát triển nông nghiệp. Những năm gần đây tình trạng ngộ độc thực phẩm liên tục gia tăng. Khi kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng lên thì nhu cầu về rau không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng rau cũng phải đảm bảo. Đặc biệt là yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hãy cùng tìm hiểu các nguyên tắc trong trồng rau an toàn sau đây nhé
Thuốc bảo vệ thực vật
Lưu ý không sử dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật thuộc nhóm I và II. Tuyệt đối không dùng các loại thuốc cấm và thuốc hạn chế sử dụng ở Việt Nam. Nếu rất cần thiết mới có thể sử dụng nhóm III và IV. Nên chọn các loại thuốc có hoạt chất thấp, ít độc với ký sinh thiên địch. Ngừng phun thuốc 7-10 ngày trước khi thu hoạch. Nên sử dụng các loại thuốc sinh học, thuốc thảo mộc, thuốc chống phân hủy ít ảnh hưởng tới các loài sinh vật có ích trên đồng ruộng, nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trên rau.
Cần áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM, luân canh cây trồng hợp lý, bắt sâu bằng tay, dùng bẫy sinh học. Trường hợp sử dụng các chế phẩm sinh học, thường xuyên vệ sinh, kiểm tra đồng ruộng để theo dõi phát hiện sâu bệnh tập trung phòng trừ sớm.
Chọn đất trồng rau
Để sản xuất rau an toàn không trực tiếp chịu ảnh hưởng xấu của các chất thải công nghiệp, giao thông, khu dân cư tập trung, bệnh viện, nghĩa trang, không nhiễm hóa chất độc hại cho người và môi trường phải chọn khu đất cao, dễ thoát nước, thích hợp với sinh trưởng và phát triển của rau. Tốt nhất là đất cát pha hoặc thịt nhẹ hoặc thịt trung bình, có tầng canh tác dày.
Ví dụ như rau muống có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất. Nếu trồng rau muống cạn nên trồng trên đất thịt nhẹ, đất cát pha có tầng canh tác dày, độ pH là 6,5 - 6,8. Trồng rau muống nước, rau muống bè nên chọn những ruộng ao hồ có nguồn nước sạch, không bị nhiễm kim loại nặng, các khu công nghiệp, ở bệnh viện, nghĩa trang, tránh xa nguồn nước thải của khu dân cư hoặc từ các nhà máy chưa được xử lý.
Trồng xà lách thì chọn đất luân canh với lúa, ngô, khoai. Đất trồng có độ pH là 6 - 6,5. Đất giàu mùn, tưới tiêu chủ động. Trồng xà lách an toàn phải xa nguồn nước thải. Đất trồng phải đảm bảo tưới tiêu chủ động. Trồng dưa hấu thì đất trồng nên chọn những chân ruộng thoát nước tốt, thành phần cơ giới nhẹ, tầng canh tác dày, độ pH là 6 - 7, đất không bị ô nhiễm. Đất trồng dưa nên luân canh với cây trồng khác họ lúa, ngô, cây họ đậu. Thu dọn tàn dư cây vụ trước, cày phẩy tơi, nhổ nhặt sạch cỏ dại.
Phân bón an toàn
Nên bón lót bằng phân chuồng được ủ hoai mục và phân hữu cơ sinh học. Mỗi loại cây có chế độ bón và lượng bón khác nhau. Tuyệt đối không được dùng phân chuồng chưa hoai mục để loại trừ vi sinh vật gây bệnh, tránh nóng cho rễ cây và để tránh sự cạnh tranh đạm giữa cây trồng với các nhóm vi sinh vật trong thành phần phân vi sinh đang cần N để phân giải nốt phân chuồng tươi.
Với những loại rau có thời gian sinh trưởng dài có thể bón 3 - 4 lần hoặc hơn. Kết thúc bón trước khi thu hoạch 10 - 12 ngày. Với những loại rau có thời gian sinh trưởng ngắn dưới 60 ngày thì bón thúc 2 lần. Có thể sử dụng các loại phân bón lá ngay khi cây mới bén rễ khoảng 3 - 4 lần tùy từng loại rau. Nồng độ theo hướng dẫn trên bao bì chế phẩm. Kết thúc phun ít nhất trước thu hoạch 5 - 10 ngày. Nếu sử dụng phân bón lá thì giảm phân hóa học 30 - 40%. Tuyệt đối không dùng các loại phân tươi và nước phân pha loãng để tưới cho rau.
Nước tưới sạch
Cần sử dụng nước sạch để tưới cho rau vì trong rau chứa 90% nước nên nước tưới ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sản phẩm. Nên sử dụng nước giếng khoan, nhất là vùng rau xà lách và các loại rau gia vị. Ngoài ra có thể tưới nước từ các sông, ao hồ không bị ô nhiễm. Tuyệt đối không dùng trực tiếp nước thải công nghiệp thành phố, bệnh viện, khu dân cư, nước ao, mương. Nguồn nước phải được giám sát hàng năm đảm bảo theo yêu cầu Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6772:2000
Ngoài ra, nước máy sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày như vo gạo, rửa rau, rửa thức ăn đều có thể tận dụng để tưới cho cây xanh. Lưu ý không dùng nước giặt đồ hay nước rửa chén vì chất tẩy rửa trong nước có thể làm hại cây. Độ an toàn sẽ cao hơn khi dùng nước máy trực tiếp bởi nước qua sử dụng đã bay phần nào lượng Clo. Hơn nữa, nước rửa một số loại thực phẩm từ thực vật như gạo, rau còn có khả năng cung cấp dưỡng chất cho cây.
Thu hoạch và bao gói
Khi thu hoạch rau bạn nhớ thu hoạch đúng độ chín loại bỏ lá già héo quả bị sâu dị dạng sau được rửa kỹ bằng nước sạch để ráo nước rồi cho vào bao tươi sạch trước khi đưa ra tiêu thụ tại các cửa hàng lưu ý trên bao bì phải có phiếu bảo hành có địa chỉ nơi sản xuất nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Rau – củ - quả chủ yếu được thu hoạch thủ công, bằng tay với công cụ thích hợp: liềm, dao, kéo sắc. Thời gian thu hoạch nên vào đầu buổi sáng và cuối buổi chiều, tránh thời gian nắng gắt hoặc mưa.Rau – củ - quả được thu hoạch ở khoảng độ già tương đối rộng, phụ thuộc vào việc sử dụng phần nào trên cây. Nói chung rau - củ - quả được thu hoạch dựa vào kích thước để đảm bảo năng suất nhưng phải đảm bảo chất lượng.
Trong quá trình thu hoạch hoặc vận chuyển từ đồng về nơi xử lý đóng gói, bảo quản bằng phương tiện hợp lý và tiến hành một cách cẩn thận tránh những hư hỏng cơ giới. Nên vận chuyển nhanh chóng vào lúc trời mát.
Chọn giống
Phải phân biệt rõ nguồn gốc nơi sản xuất giống. Giống phải qua kiểm dịch thực vật. Chỉ gieo những hạt tốt và trồng cây con khỏe mạnh, không mầm bệnh. Hạt giống trước khi gieo trồng cần được xử lý hóa chất hoặc nhiệt trước khi đưa cây con ra ruộng. Cần xử lý sherpa 0,1% để phòng trừ sâu hại rau này.
Ví dụ khi trồng rau muống nên sử dụng các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, thích hợp với sản xuất và tiêu thụ tại địa phương. Hiện nay trên thị trường có bán hai loại giống là giống thân tím và giống thân trắng. Tuy nhiên giống thân trắng vẫn được ưa chuộng hơn. Khi mua giống cần mua từ các công ty chuyên kinh doanh có uy tín. Ví dụ như rau muống Linh Chiểu (Hà Nội), rau muống Đồ Sơn (Hải Phòng)