Tỉ lệ sử dụng bia rượu ngày một tăng đang là một vấn đề nhức nhối của gia đình và xã hội. Việc lạm dụng bia rượu không những gây nên tác hại về thể chất lẫn tinh thần mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến xã hội. Vậy tác hại đáng sợ của rượu bia là gì? Hãy cùng toplist tham khảo ngay bài viết dưới đây bạn nhé.
Tệ nạn rượu bia tàn phá con người, gia đình, xã hội, kéo lùi sự phát triển của đất nước.
Năm 2013, cả nước xuất khẩu được 6,61 triệu tấn gạo, trị giá 2,95 tỷ USD thì "nướng" vào rượu bia 3 tỷ USD. Với 3 tỷ "uống bệnh tật" vào người ấy, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong có thể xây được 60.000 ngôi nhà xã hội đủ đáp ứng nhu cầu các hộ nghèo mà không phải vận động, quyên góp thu từng đồng tiền lẻ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, có tới 60% hộ gia đình Việt Nam dùng rượu bia thường xuyên. Trong 5 năm từ 2010 - 2015, sản lượng bia tăng bình quân 7%, rượu 4,4%. Tính riêng năm 2010, tai nạn giao thông có liên quan đến bia rượu làm thiệt hại gần 1 tỷ USD cho Việt Nam.
Còn theo tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, với chi trung bình cho rượu bia 77.000 đồng/hộ thì tổng số tiền đốt vào bia rượu là 16.372 tỷ đồng - đủ mua 1.770.000 tấn gạo nuôi sống 21 triệu người mỗi năm? Ngoài ra còn có cái tệ quan chức ký tá văn bản, tờ trình, dự án trong, sau cuộc rượu say mềm không còn minh mẫn? Thế mới xảy ra bao nhiêu sai sót, dự án tiền tỷ đắp chiếu, đề bạt, thăng chức vô lối làm thiệt hại to lớn và để lại hậu quả lâu dài cho đất nước?
Tai nạn giao thông
Uống rượu từ lâu đã trở thành thói quen sinh hoạt của người dân. Song việc lạm dụng chúng trong bữa ăn hàng ngày hay liên hoan, tiệc gây tác hại rất lớn cho sức khỏe con người. Đây cũng là một trong những trở ngại đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Thời gian gần đây, những vi phạm về luật giao thông có biểu hiện diễn biến phức tạp, trong đó nguyên nhân liên quan rượu, bia được các chuyên gia đánh giá khá nghiêm trọng. Đặc điểm của người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường là chạy tốc độ cao, lạng lách, không làm chủ được tay lái, phán đoán và xử lý tình huống kém. Do đó, say rượu bia thường có liên quan mật thiết với việc vi phạm tốc độ, tránh, vượt sai quy định, đi sai phần đường...
Thực tế, số người không tự kiểm soát được hành động của mình sau khi uống bia rất lớn. Theo nhiều chuyên gia y tế, với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/1l khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều; 0,1mg/1l khí thở, gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về; 0,2mg/1l khí thở, dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu cao hơn nữa, tùy mức độ, người uống có thể bị lú lẫn, không nhận thức được mọi việc diễn ra xung quanh… Số người bị tai nạn, thậm chí bị chấn thương sọ não do điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia luôn ở mức đáng báo động.
Lạm dụng rượu bia gây tai nạn giao thông để lại hậu quả đáng tiếc cho gia đình và xã hội. Ủy ban ATGT Quốc gia thông tin, trong tháng 8/2016 toàn quốc xảy ra 1.760 vụ TNGT, làm chết 705 người, làm bị thương 1.495 người.
So với cùng kỳ năm 2015 tăng 48 vụ (2,8%), tăng 51 người chết (7,8%), giảm 96 người bị thương (-6,03%). Chúng ta phải biết tự chủ bản thân, kiên quyết không uống rượu nếu phải điều khiển phương tiện giao thông để bảo vệ chính mình.
Ảnh hưởng đến sức khỏe
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) việc lạm dụng đồ uống có cồn là nguyên nhân gây tử vong 2,5 triệu người hằng năm trên toàn thế giới, tương đương chết khoảng 6.000 người trong một ngày.
Bệnh tim mạch: Khi nồng độ cồn càng cao gây tác động lên tim càng lớn, làm hẹp các mạch máu và tăng áp lực trong máu, buộc tim phải hoạt động mạnh hơn.
Bệnh phổi: Nếu uống rượu trong một thời gian dài, chất cồn sẽ làm mất đi chất chống oxy hóa quan trọng trong phổi, từ đó phổi bị tổn thương vĩnh viễn vì thế người nghiện rượu rất dễ mắc các bệnh nguy hiểm như viêm phổi cũng như các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khác
Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng: Chỉ trong vòng 5 phút, 20% lượng bia, rượu uống vào sẽ lập tức khuếch tán vào máu. Phần bia, rượu còn tồn lưu tại dạ dày sẽ làm suy yếu các biểu mô bảo vệ dạ dày, do đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm với các triệu chứng như ợ nóng, viêm loét và chảy máu.
Rối loạn ý thức: Làm mất năng lực định hướng không gian và thời gian, ảo giác, mất ngủ hoàn toàn hay ngủ chập chờn vật vã với nhiều ác mộng, lo âu, căng thẳng,…Rối loạn về thần kinh: Mất thăng bằng, động kinh, co giật, buồn nôn,…
Bệnh gan: Những người lạm dụng rượu, bia có tới khoảng 90% bị gan nhiễm mỡ, 20% đến 40% bị viêm gan, 10% đến 25% dẫn tới xơ gan. Người bệnh xơ gan có khoảng 3% đến 7% dẫn tới ung thư gan.
Thận: Những ảnh hưởng rượu gây ra cho gan có thể cũng lan nhanh tới thận. Do tác dụng lợi tiểu, rượu đã làm tăng số lượng nước tiểu cơ thể thải ra khiến thận không thể thực hiện công việc điều tiết dịch cơ thể bao gồm phân phối natri, kẽm và các ion clorua. Điều này có thể làm mất cân bằng điện giải. Uống rượu quá nhiều có thể cũng dẫn tới tăng huyết áp, nguyên nhân thứ 2 gây suy thận.
Không kiểm soát hành động
Nước ta là một trong những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về tỷ lệ người sử dụng rượu. Có tới 77,3% nam giới sử dụng rượu bia, đây là con số cao nhất thế giới, gấp gần hai lần mức trung bình. Nguy hại hơn, trong gần 18.500 bệnh nhân bị tai nạn giao thông thì có gần 67% người điều khiển giao thông có nồng độ cồn cao vượt mức quy định trong máu.
Rượu là chất ức chế, làm đình trệ và gây rối loạn hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Khi lạm dụng rượu bia, các chức năng của não như sự phán đoán, tính tự chủ, ý thức về đạo đức hoàn toàn bị ức chế. Khi đó người uống rượu sẽ trở nên bê tha, nói năng huênh hoang, nói nhiều, không thận trọng trong cử chỉ và lời nói, không biết đúng sai và xấu hổ. Họ sẽ hành động mà người bình thường có lòng tự trọng không cho phép mình làm. Rượu tác động lên hệ thần kinh trung ương khiến người ta không làm chủ được suy nghĩ và hành vi của mình. Từ đó dẫn đến những hậu quả khôn lường như bất cẩn trong giao thông, liều lĩnh không kiềm chế trước các tình huống nguy hiểm gây ra tai nạn giao thông đáng tiếc, đánh đập, chém giết...
Hạnh phúc gia đình
Bệnh nhân loạn thần do rượu bị rối loạn tư duy sinh ra các hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng bị hại… Rối loạn tri giác sinh ra có ảo thị, ảo xúc (rối loạn cảm giác trên da). Rối loạn cảm xúc như trầm cảm hoặc hưng cảm, hung dữ không thể kiềm chế, đánh vợ con. Người bệnh mất kiểm soát hành vi dễ gây gổ với mọi người xung quanh, hành hung đánh đập vợ con thường xuyên.
Gia đình hạnh phúc được xây dựng dựa trên sự trưởng thành và chững chạc của các thành viên. Hành động say xỉn, bạo hành khiến hạnh phúc gia đình bị lung lay. Phụ nữ bị ám ảnh, thậm chí có cảm giác ghê tởm, thất vọng với hình ảnh say rượu của chồng. Vì vậy đây cũng là nguyên nhân gây tan vỡ hạnh phúc của không biết bao gia đình.
Hình ảnh không tốt trong mắt con cái
Hình ảnh đẹp đẽ, đáng nể, uy tín của bố mẹ sẽ dần biến mất khi con cái nhìn thấy bố mẹ trong bộ dạng mất kiểm soát do say xỉn. Nếu cha mẹ không thể làm gương cho con cái thì sao nói con cái nghe được.
Chưa kể đến việc con cái sẽ bị tổn thương và ảnh hưởng đến tinh thần, kết quả học tập khi chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau, bạo lực gia đình do say xỉn.Nhiều đứa trẻ đã cảm thấy xấu hổ, thậm chí tự ti, mặc cảm với bạn bè, hàng xóm khi bố mẹ nát rượu, nghiện ngập, say xỉn. Tệ hại nhất là chúng sẽ trở nên khó chiều, dễ hư hỏng và nghiện ngập.
Nợ nần, túng quẫn
Mỗi năm, tai nạn giao thông ở Việt Nam cướp đi gần 10.000 người. Số người bị thương, dẫn đến tàn phế thì nhiều hơn. Trong số đó, nguyên nhân từ việc uống rượu bia là rất lớn. Tuy nhiên, rượu bia không chỉ gây ra tai nạn giao thông. Đây là loại đồ uống đã và đang gây ra các tổn hại to lớn cho bản thân người sử dụng cũng như toàn xã hội. Và một trong những tác hại đó chính là gây nợ nần, túng quẫn.
Việc lạm dụng rượu bia làm mất đi nhiều thời gian, sức lực làm giảm hiệu quả trong công việc. Bỏ bê công việc, lười lao động, tụ tập nhậu nhẹt dẫn đến cảnh túng quẩn, nợ nần, gây gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Rượu bia cũng khiến cho gánh nặng kinh tế đè lên vai (tuyệt đại đa số là phụ nữ) bởi các khoản chi cho rượu bia, chi cho các dich vụ y tế, pháp lý để giải quyết hậu quả, tổn thất về tài sản, phương tiện giao thông cũng như các chi phí gián tiếp khác như ốm đau, bệnh tật, tử vong sớm, xử lý các hậu quả khác liên quan đến rượu bia...
Nghiện ngập, bạo hành gia đình
Khi người uống rượu trong trạng thái say, ở giai đoạn đầu của say rượu là giai đoạn hưng phấn cảm xúc. Họ nói nhiều, nói luyên thuyên một chủ đề không thể ngăn cản. Nếu ai đó chọc tức hoặc ngăn cản họ dễ nổi khùng, sinh ra chửi nhau, đánh lộn và rất dễ gây ra án mạng vì hành vi thiếu kiểm soát.
Thực tế chứng minh, đã có rất nhiều vụ việc gây ra trên bàn nhậu, chỉ cần một lời thách đố hay khích bác cũng dẫn đến ẩu đả gây thương tích hoặc án mạng nặng nề, bạo lực gia đình xảy ra khi có người chồng nghiện rượu, nát rượu mà vợ con liên tục phải chịu những trận đòn roi tàn bạo. Khi hưng phấn, người uống tiếp tục uống tăng tửu lượng sẽ dẫn đến giai đoạn ức chế. Người uống say mềm, nằm một chỗ, không nói năng, thậm chí có người dẫn đến tình trạng sảng rượu.
Rượu bia là các chất gây nghiện, việc lạm dụng và sử dụng quá mức rượu bia khiến người sử dụng thành một con nghiện. Bạo hành gia đình do say xỉn là nguyên nhân gây nên các cuộc đổ vỡ hạnh phúc gia đình.