Trong thực tế hiện nay luôn có các tình huống sư phạm xảy ra trong hệ thống giáo dục phổ thông và giáo dục đặc biệt. Giáo viên tìm cách giải quyết tình huống có hiệu quả với các trẻ bình thường đã khó huống chi là với trẻ khuyết tật. Mỗi trẻ khuyết tật là một cá nhân, các em có năng lực, nhu cầu và cách thể hiện hành vi riêng của mình. Bởi vậy, giáo viên không thể đưa ra cách giải quyết tình huống cố định mà cần linh hoạt với từng trẻ ở các dạng tật khác nhau. Giáo viên trong lớp tìm ra được các cách giải quyết các tình huống sư phạm trong giáo dục đặc biệt hợp lí sẽ góp phần tạo nên mối quan hệ thân thiện giữa thầy và trò đồng thời cũng nâng cao chất lượng hiệu quả của việc tổ chức các hoạt động dạy và học. Sau đây là những tình huống sư phạm thường gặp trong giáo dục đặc biệt và cách xử lí khoa học nhất.
Trẻ khó khăn về vận động
Tình huống:
Lớp cô Hiền có trẻ Long bị khó khăn về vận động học hòa nhập.Em bị bại liệt cơ mông, cơ đùi, cơ vai của em bị teo làm Long hạn chế về vận động ở các động tác do các cơ đó kiểm soát dần dần gây biến dạng và co rút khớp. Em di chuyển bằng xe lăn. Trí tuệ của em bình thường. Trong các giờ giáo dục thể chất, cô Hiền thật sự lúng túng vì không biết làm thế nào để trẻ có thể tham gia được.
Xử lí tình huống:
Trẻ Long bị bại liệt gặp nhiều khó khăn về vận động. Em di chuyển bằng xe lăn. Giáo viên khi tổ chức hoạt động giáo dục thể chất cho các trẻ trong lớp cần có sự điều chỉnh linh hoạt. Tùy theo chủ đề, chủ điểm và nội dung của từng bài dạy mà giáo viên điều chỉnh mục tiêu, điều chỉnh nội dung và điều chỉnh phương pháp để trẻ có thể tham gia vào bài học ở các mức độ khác nhau.
- Trong mọi hoạt động, GV cần cho trẻ luyện tập để các cơ không bị cứng bằng các động tác khác nhau. GV có thể sử dụng các dụng cụ trợ giúp để trẻ tham gia hoạt động dễ dàng hơn: nẹp chân, khung tập đi, ghế đặc biệt...
- GV nên tổ chức nhóm bạn giúp bạn để giúp đỡ Long khi cần.
- GV trao đổi với gia đình và đồng nghiệp để có thông tin về sức khỏe; khả năng thực hiện vận động cũng như khả năng tự phục vụ của trẻ. Qua đó, GV hướng dẫn, kiên trì giúp trẻ tập các vận động mới.
- Thường xuyên động viên; khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động tập thể. Ví dụ: Với hoạt động nhảy dây hoặc kéo co, GV có thể cho em ngồi xe lăn làm trưởng trò. Với hoạt động chuyền bóng qua đầu, GV có thể cho trẻ ngồi xe lăn ở vị trí cuối hàng để trẻ chỉ phải nhận bóng một chiều. Tuy nhiên GV cần lựa chọn bạn đứng trước trẻ có chiều cao thấp hơn để khi Long ngồi xe lăn có thể nhận bóng từ bạn phía trước chuyền cho dễ dàng mà không phải dướn người lên đỡ lấy bóng. Đồng thời; bạn đứng trước cần nhanh nhẹn, khéo léo khi chuyển bóng cho Long. Với các bài tập phát triển vận động thô, GV có thể thay thế hoạt động: cho trẻ ngồi dưới sàn và thực hiện vận động của tay như lăn bóng trên sàn, ném bóng về phía trước. Với các hoạt động nhằm phát triển vận động tinh: nhào; lăn đất nặn; xâu hạt, sử dụng kéo, cua cắp, vạch/ đồ hình; xếp chồng các vật.... GV có thể cho trẻ ngồi bàn/sàn thực hiện các hoạt động bên cạnh các bạn trong nhóm bạn giúp bạn.
Trẻ chỉ ăn rau không ăn thịt
Tình huống:
Ở lớp mẫu giáo nhỡ B1, trường X có một trẻ Lâm bị tự kỉ chỉ ăn canh rau với cơm mà không thích ăn thịt. Là giáo viên của Lâm bạn cần làm gì để Lâm ăn thịt.
Xử lí tình huống:
Trước tình huống trên cô giáo đã tìm hiểu nguyên nhân và được biết ở nhà thỉnh thoảng bố mẹ vẫn ép được Lâm ăn thịt. Tuy nhiên trẻ chỉ ăn thịt riêng không ăn lẫn với cơm hoặc các thức ăn khác. Sau đó cô xúc một ít thịt vào bát của Lâm (để cho em ăn trước). Cô đố trẻ nếu ăn được hết chỗ thịt trong bát của mình thì sẽ được cô và các bạn khen. Lâm cố gắng ăn hết chỗ thịt trong bát để được khen. Sau đó cô giáo cho trẻ ăn cơm với rau. Bữa khác cô cho trẻ ăn thịt trộn với 1 thìa cơm nhỏ và lại đố trẻ ăn hết. Cứ mỗi lần như vậy trẻ đều cố gắng ăn để được cô và các bạn khen. Dần dần lượng cơm cô trộn với thịt vào bát cho Lâm tương đương với các bạn khác và sau đó em Lâm có thể ăn cơm với thịt và rau như bình thường.
Trẻ không tham gia hoạt động của lớp và luôn nhai
Tình huống:
Trong lớp mẫu giáo nhỡ của cô Hoa có trẻ tự kỉ tên Long. Long tới lớp nhưng không muốn tham gia bất kì một hoạt động nào diễn ra tại lớp. Trẻ chỉ thích ngồi góc lớp, nơi có chỗ tối và luôn nhai mặc dù giáo viên đã kiểm tra trong miệng trẻ không có gì GV trong lớp đó không có cách nào để cho trẻ tham gia các hoạt động của lớp. Khi bị cô giáo ép Long chỉ tham gia cho xong việc sau đó lại quay trở về trạng thái kém hoạt động. Là giáo viên bạn cần phải làm gì để giúp Long cải thiện tình hình hiện tại?
Xử lí tình huống:
- Vấn đề thứ nhất: Long là trẻ tự kỉ luôn từ chối giao tiếp; khả năng tương tác với người xung quanh kém. Vấn đề chính là giáo viên cần tìm hiểu xem trẻ thích chơi những đồ chơi gì nhất? Món ăn nào trẻ thích nhất? Cô giáo hoặc bạn nào trẻ thích?
Với Long, nếu GV sử dụng phương pháp ABA hoặc TEACCH để can thiệp sẽ không có hiệu quả cao mà cần áp dụng phương pháp can thiệp/dạy học tại sàn “Floor time” sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Giáo viên có thể dựa vào các gợi ý dưới đây để chăm dạy trẻ Long:
- Quan sát trẻ để xác định trạng thái cảm xúc của trẻ;
- Người lớn ngồi cùng với trẻ, tiếp cận trẻ qua việc chơi và tương tác như: bắt chước các hành động trẻ thể hiện; cùng chơi trò chơi trẻ thích;
- Tương tác với trẻ theo sự dẫn dắt của trẻ, tuy nhiên GV vẫn đóng vai trò trợ giúp và cổ vũ trẻ chơi
- Mở rộng trò chơi qua việc nhận xét; động viên, khuyến khích trẻ chơi, hỏi trẻ những điều mà trẻ thích;
- Khi trẻ trả lời, GV không nên ngắt quãng mà hãy tạo tâm lí vui vẻ để tăng cường sự tương tác giữa trẻ và GV qua các gợi ý hoạt động sau: Bật đèn sáng ở góc trẻ ngồi. Sử dụng bóng gai, bàn chải lông mềm chà sát nhẹ vào lòng bàn tay trẻ; Cho trẻ cầm một vật lạnh (đá) để kích thích trẻ tỉnh táo và tập trung hơn; Xoa bóp/ mát xa nhẹ nhàng cho trẻ; Cho trẻ ngồi hoặc nằm lên quả bóng to đường kính 80cm; Cho trẻ nhảy trên đệm lò xo; GV thay đổi giọng noi:lúc to, lúc nhỏ,...
- Vấn đề thứ hai: Trẻ luôn nhai mặc dù trong miệng không có gì? GV nên:
Bôi nước đá quanh môi trẻ hoặc cho trẻ uống nước lạnh thấy lạnh trẻ sẽ ngừng nhai; Hoặc cho trẻ nhai kẹo cao su;
Những gợi ý trên nếu thực hiện hàng ngày thì các hành vi của trẻ sẽ giảm dần.
Bé tăng động
Tình huống:
Bé Hiếu 6 tuổi hiện đang học lớp mẫu giáo lớn. Trong quá trình ngồi học bé luôn ngọ ngoạy chân tay không lúc nào yên. Giờ chơi, lúc thì Hiếu trèo lên bàn ghế, lúc thì đi vòng xung quanh lớp, thậm chí có những lúc chạy cả sang lớp khác. Là giáo viên bạn sẽ xử lí tình huống trên như thế nào?
Xử lí tình huống:
Hành vi trên của Hiếu cũng là một biểu hiện đặc trưng nhất của trẻ tăng động. Nguyên nhân của hành vi này có thể là do môi trường lớp học quá căng thẳng với Hiếu hoặc đơn giản chỉ là một đặc điểm của hội chứng ADHD. GV có thể thực hiện theo các gợi ý sau:
- Nên tạo cơ hội để Hiếu được vận động. Ví dụ khi yêu cầu trẻ giúp cô chuẩn bị đồ dùng dạy học. Trong giờ học thỉnh thoảng gọi trẻ đứng lên phát biểu hoặc thực hiện một yêu cầu nào đó để tranh cho Hiếu ngồi một chỗ quá lâu.
- Nên xen kẽ giữa hoạt động tĩnh với các hoạt động động cho Hiếu thực hiện
- Hàng ngày nên cho Hiếu có thời gian hoạt động trong các khu vực vận động để trẻ được “xả hơi” như bể bỏng, cầu trượt; xích đu
- Tư vấn phụ huynh may áo ghi lê nhiều túi (các túi có chứa cát/đỗ) có trọng lượng nặng hơn so với áo bình thường để cho Hiếu mặc.
- Cho Hiếu ngồi ghế có lót đệm hơi hoặc túi nước để Hiếu có cảm giác mình vẫn đang vận động. Nếu không có đệm hơi hoặc túi nước, GV có thể căng vài lượt giây cao su dưới chân ghế để Hiếu có thể vừa ngồi học vừa rung chân trên các sợi dây đó nhằm giúp Hiếu có thể ngồi yên tại chỗ lại có thể tập trung vào bài học tốt hơn.
Trẻ lên cơn động kinh trong giờ
Tình huống:
Trong giờ giáo dục thể chất ở lớp mẫu giáo bé, cô dạy trẻ bài tập ném xa, tiết 2. Phần khởi động, cô cho trẻ làm thành một đoàn tàu đang về ga. Giáo viên đang cho trẻ tập phần trọng động bài tập phát triển chung ở động tác bật nhảy tại chỗ 3 đến 4 lần (chưa đến vận động cơ bản: ném xa). Đột nhiên một trẻ lên cơn động kinh: trẻ ngã xuống đất, cơ co cứng khoảng 10 đến 20 giây, co giật toàn thân sau đó, Miệng trẻ bị méo xệch, sùi bọt mép, mắt trợn ngược, mặt tím tái, rối loạn đại tiểu tiện,.... Trong trường hợp đó bạn cần phải làm gì?
Xử lí tình huống:
Trong tình huống trên, nếu người giáo viên tiếp tục cho các trẻ trong lớp thực hiện vận động cơ bản: ném xa, trò chơi vận động rồi sang hồi tĩnh thì có thể sẽ không đảm bảo sự an toàn về thân thể cho trẻ bị lên cơn động kinh. Bởi vì nếu trẻ lên cơn co giật, nôn ọe mà nằm ngửa thì chất lỏng chảy ra khỏi miệng sẽ bị sặc, khó thở thậm chí có thể gây ngạt thở. Giáo viên cần tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra vì động kinh có thể dẫn tới hôn mê, trường hợp nặng có thể tử vong. Một lí do khác nữa là khi co giật; có trẻ cắn lưỡi máu me chảy đầy mồm nguy hiểm đến tính mạng nếu không kịp thời cầm máu và chữa trị
- Bởi vậy, nếu là giáo viên dạy lớp mẫu giáo bé trên, khi đang có trẻ bị lên cơn động kinh toàn phần như vậy nên ngưng tiết học lại và chạy ngay đến chỗ trẻ ngã, đồng thời làm thế nào để đảm bảo sự an toàn cho trẻ. Giáo viên có thể kê một tay hoặc dùng gối đặt xuống dưới đầu trẻ. Đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng nhằm đề phòng trẻ nôn, chát lỏng, đờm dãi dễ chảy ra khỏi miệng, tránh bị sặc. Giáo viên có thể dễ dàng móc nước bọt, chất nôn khi trẻ co giật kéo dài. Tiếp đến giáo viên cần cởi bỏ khăn quấn cổ; cúc áo cổ (nếu có) đồng thời nới lỏng quần áo để trẻ dễ thở...
- Với các trẻ động kinh, giáo viên cần có sự phối hợp với gia đình cho trẻ đi khám chuyên khoa để bác sĩ theo dõi chặt chẽ, uống thuốc đầy đủ và đúng theo đơn chỉ định của bác sĩ.
Sau đây là gợi ý cho giáo viên cách xử lí khi trẻ lên cơn động kinh
- Đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng để lưỡi không làm tắc cổ họng, nước miếng có thể chảy khỏi miệng. Máu do cắn lưỡi sẽ ngừng chảy nhanh
- Đợi đến khi trẻ nhận biết được điều gì xảy ra rồi đặt trẻ lên giường lau đờm rãi, chỗ xây xước, băng sạch và thay quần áo hoặc tã nếu bị bẩn
- Đưa ngay trẻ đi khám bệnh viện.
- Giáo viên phải đảm bảo an toàn cho trẻ động kinh: Lớp học phải được bố trí gọn gàng, đơn giản để đề phòng trẻ lên cơn động kinh sẽ ngã; Những chỗ góc cạnh phải được che và chắn, tránh để các vật dễ đổ, dễ vỡ; Không cho trẻ leo trèo thang và leo cao; Không cho trẻ lại gần bếp lửa, tránh để trẻ nhìn các nguồn sáng nhấp nháy vì có thể trẻ sẽ lên cơn. Không cho trẻ tự đi ra sân trường, đi học; đi chơi, đi tắm hay đi vệ sinh một mình. Nếu trẻ có tần số cơn động kinh xảy ra nhiều cần có mũ bảo hiểm để bảo vệ đầu khi đi đường và phải có người đi cùng. Nên làm cho trẻ một thẻ có dây đeo hoặc kẹp vào túi áo.
Trẻ bị tăng nhãn áp
Tình huống:
Một bé trai 9 tuổi tên B nhìn kém do mắc bệnh tăng nhãn áp. Cháu còn bị khuyết tật trí tuệ ở mức trung bình. Cháu có thể đọc một số câu đơn giản về những chủ đề quen thuộc. Cháu ngại khi tiếp xúc với những người xung quanh. Cháu sẽ trả lời nếu có ai hỏi, hiếm khi cháu chủ động nói chuyện với ai. Cháu có thể tự phục vụ được bản thân như tự xúc cơm ăn, tự lấy nước uống, tự đi vệ sinh v.v…Tuy nhiên ở trong lớp, thỉnh thoảng cháu bị ngã; va vào người các bạn hoặc đồ đạc. B đi lại, di chuyển luôn tìm chỗ để bám/vịn tay. Khi cần quan sát kĩ một đồ vật gì đó, trẻ thường nheo mắt và dụi mắt. Em tập viết hoặc vẽ đều cúi xuống sát bàn. Ngoài ra em khám phá đồ vật, đồ chơi trong lớp không những bằng cách giơ sát lên mắt mà em còn sờ rất kĩ (khám phá bằng xúc giác),....Là giáo viên bạn xử lí như thế nào?
Xử lí tình huống:
Với trẻ nhìn kém trên, giáo viên nên:
- Tiếp cận một cách nhẹ nhàng, dùng tình cảm để trò chuyện, quan tâm tới trẻ.
- Yêu cầu giáo viên đưa ra cần rõ ràng, ngắn gọn; nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho trẻ hiểu vì trẻ bị nhìn kém kèm theo khuyết tật trí tuệ.
- Nếu trẻ lúng túng, chưa biết trả lời như thế nào, GV nên thể hiện rõ mình đang nói chuyện và gợi ý câu trả lời cho trẻ.
- Tăng thêm thời gian cho trẻ thực hiện hoạt động;
- Đảm bảo đủ ánh sáng trong lớp
- Dùng màu sắc tương phản trong các hoạt động và sử dụng những dụng cụ trợ thị: kính bút dạ; bút dấu dòng..…để giúp trẻ học tập dễ dàng hơn
- Tăng cỡ chữ to, hình ảnh rõ nét để trẻ đọc dễ hơn
- Cho trẻ sử dụng xúc giác, khứu giác; vị giác, thính giác (bên cạnh thị giác) thường xuyên hơn các bạn mắt sáng khác để giúp trẻ khiếm thị tri giác sự vật sự việc đầy đủ hơn.
- Động viên; khuyến khích trẻ giúp trẻ tự tin hơn trong giao tiếp
- Tạo môi trường an toàn cho trẻ bằng “vòng tay bạn bè” để giúp trẻ học;
- Tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm cụ thể, để trẻ áp dụng trải nghiệm qua những tình huống tương tự, từ đó trẻ tích lũyvà thấu hiểu những sự vật; hiện tượng diễn ra xung quanh mình dần dần giúp trẻ học được những kiến thức mà trẻ không nhìn thấy.
Trẻ giả vờ để không phải đi học
Tình huống:
Đầu năm học, lớp mẫu giáo bé của cô Lan có một trẻ tên Hải bị khuyết tật trí tuệ nhẹ. Hàng ngày, trên đường mẹ đưa Hải từ nhà đến lớp em vẫn cười nói bi bô suốt dọc đường. Khi đến cửa lớp, mẹ giao em cho cô giáo đón trẻ. Hải bắt đầu ho thậm chí có thể nôn ọe. Sau đó Hải kêu đau đầu rồi khóc thét lên. Cô giáo thấy vậy liền nói với mẹ cho em nghỉ học để em về nhà nghỉ ngơi vài ngày; bao giờ Hải khỏe thì đi học tiếp. Và mỗi lần như vậy, mẹ bé Hải lại cho con ở nhà chơi từ 2 đến 3 ngày sau đó lại đưa con đến lớp. Và rồi, điều đó lại tiếp tục xảy ra.... Là giáo viên bạn nên xử lí như thế nào?
Xử lí tình huống:
Đây không phải là lần đầu tiên bé Hải có hành vi như vậy. Hải sợ phải đi học; em chỉ muốn chơi ở nhà. Khi mẹ đưa Hải từ nhà đến trường em vẫn vui vẻ. Hải nhận ra rằng chỉ khi em thể hiện hành vi như vậy thì em mới đạt được điều em muốn - em không phải ở lớp và mẹ sẽ đưa em về nhà.
Nếu nguyên nhân là Hải không muốn đi học, GV cần phối hợp với phụ huynh để thống nhất cách giải quyết:
- Vấn đề Hải ở lại lớp khi em có các biểu hiện hành vi trên. GV thực hiện tiếp những công việc hàng ngày của mình.
- GV tạo cơ hội cho trẻ tham gia chơi các trò chơi mà trẻ thích cùng với các bạn.
- Tạo cho trẻ cảm giác an toàn, vui khi được đến trường.
- Nhắc nhở phụ huynh động viên Hải và kể những câu chuyện thú vị về đi học vui, bạn bè như thế nào thì dần dần sẽ gợi được sở thích đến trường của trẻ.
Trẻ bị Down và không hiểu ý cô nói
Tình huống:
Một trẻ gái tên Liên bị mắc hội chứng down kèm khiếm thính học hòa nhập ở lớp MGN trường mầm non B. Trẻ chỉ nói được một số câu đơn giản. Giáo viên đưa ra yêu cầu, trẻ thường thực hiện một cách chậm chạp và không đúng yêu cầu của có. GV nhắc lại nhiều lần trẻ vẫn thực hiện sai. Ở lớp, trẻ ứng xử với cô giáo và các bạn rất kém. Trong lớp không bạn nào chơi với Liên. Đâu tiên, GV nghĩ rằng trẻ bướng không muốn làm theo ý người khác mà chỉ thích làm theo ý mình. Có lần khi trẻ thực hiện không đúng yêu cầu của cô, GV đã la mắng trẻ. Liên nhìn cô giáo, em không hiểu cô đang nói gì nhưng qua nét mặt trẻ biết cô giáo đang giận dữ. Liên đã ôm mặt khóc, khi đó cô giáo đã suy nghĩ: Tại sao Liên lại khóc? Có phải em bướng bỉnh hay em không nghe được điều mình nói?
Xử lí tình huống:
Với trẻ down, khả năng vận động của trẻ kém hơn bình thường. Vì thế khi giáo viên đưa ra yêu cầu trẻ thực hiện một cách chậm chạp là bình thường. Thậm chí, giáo viên nhắc lại yêu cầu cho trẻ thực hiện nhiều lần mà trẻ vẫn thực hiện sai. GV thấycách ứng xử của trẻ với mọi người xung quanh kém và thường không làm theo yêu cầu của cô nên đã nghĩ rằng trẻ down này rất bướng chỉ làm theo ý mình. Tuy nhiên khi giáo viên cáu, Liên đã khóc. Từ đó giáo viên đã suy nghĩ: “có phải do em ngang bướng chỉ thích làm theo ý thích hay do em gặp khó khăn về nghe?
Liên ứng xử với cô và bạn kém so với bạn cùng tuổi vì Liên không hiểu mọi người nói gì, mình phải làm gì. Liên gặp khó khăn trong việc hiểu ý muốn của người khác và diễn đạt nhu cầu của mình cho cô và bạn hiểu nên đã có sự hiểu lầm. GV cần phối hợp với phụ huynh cho trẻ đi do thính lực để có biện pháp giúp đỡ trẻ phù hợp. Sau đây là một vài gợi ý:
- Nếu trẻ nghe kém thì nên mua máy trợ thính theo gợi ý của chuyên gia
- Dạy trẻ sử dụng ngôn ngữ nói để giao tiếp qua việc cung cấp thêm vốn từ cho trẻ
- Dạy trẻ sử dụng ngôn ngữ kí hiệu kết hợp với cử chỉ điệu bộ để giao tiếp khi gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ nói trong giao tiếp
- Ở lớp giáo viên nên sử dụng câu ngắn kết hợp cử chỉ điệu bộ hoặc tranh ảnh minh họa khi giao tiếp với trẻ.
- Giảm bớt tiếng động nén trong lớp bằng cách trải thảm, treo rèm cửa, đồng thời khi nói giáo viên chú ý đến hình miệng để Liên quan sát cách phát âm.
Trẻ tự hành hạ bản thân
Tình huống:
Bé Lâm 5 tuổi hiện đang học lớp mẫu giáo hình được bác sĩ chẩn đoán bị tự kỉ. Khi tới lớp Lâm không chơi với bất cứ ai, chỉ tha thẩn một mình. Thỉnh thoảng Lâm thường đẩy bạn ngã rồi đứng nhìn. Các bạn trong lớp đều tránh khi Lâm lại gần. Khi bị cô giáo phạt Lâm thường có biểu hiện tự hành hung bản thân bằng cách tự cắn vào tay của mình. Là giáo viên của Lâm bạn cần phải làm gì?
Xử lí tình huống:
Trước tiên, GV cần tìm hiểu nguyên nhân từ đó đưa ra hướng giải quyết phù hợp.
- Nếu nguyên nhân chính của hành vi là do bị rối loạn cảm giác giáo viên nên:
- Trao đổi với gia đình Lâm để họ được biết và có các biện pháp can thiệp.
- Không nên cáu gắt, quát mắng Lâm mà nên tách Lâm ra khỏi lớp để em được bình tĩnh sau đó cho Lâm trở lại lớp học để xin lỗi bạn bị đánh.
- Nên dành cho Lâm nhiều thời gian hơn để tập các bài tập vận động liên quan đến hệ tiền đình, phát triển khớp và cơ; luyện xúc giác để góp phần làm giảm các hành vi bất thường của Lâm. Đây chính là cách quản lí hành vi của trẻ thông qua cách tiếp cận đa giác quan.
- Nếu trẻ đẩy bạn ngã vì thích nhìn bạn ngã, GV nên có thái độ bình tĩnh và nói với trẻ vì sao trẻ bị phạt. GV có thể dùng biện pháp nhân quả để cho Lâm biết cảm giac khi bị người khác đẩy là như thế nào. Tuy nhiên biện pháp này chỉ được thực hiện sau khi có sự cho phép của phụ huynh, của Ban giám hiệu và môi trường lớp học an toàn. Bên cạnh đó, giáo viên nên phối hợp với phụ huynh cùng trao đổi về các biện pháp quản lý hành vi ở trường và gia đình từ đó tìm ra biện pháp hữu ích, đồng thời cũng cho trẻ biết rằng không phải sở thích nào của con cũng được cô giáo và bố mẹ cho phép.
Trẻ nói leo, nói tục
Tình huống:
Bé Lan 4 tuổi đang học lớp mẫu giáo bé. Trong giờ học bé Lan thường hay nói leo. Cô giáo chưa hỏi đến mình đã nói, đôi khi còn nói tục làm ảnh hưởng tới lớp học. Là giáo viên bạn nên làm gì để giúp Lan?
Xử lí tình huống:
Trước tiên, GV cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành vi trên của Lan sau đó đưa ra cách giải quyết phù hợp:
- Bé Lan có hành vi nói trên có thể là do bé nói leo hoặc cô giáo chưa cho phép bé đã nói, giáo viên có thực hiện theo các gợi ý sau:
- Khi thấy Lan sắp có biểu hiện nói tự do giáo viên hãy thể hiện sự không vừa lòng bằng các cử chỉ, điệu bộ, nét mặt cho Lan biết.
- Luôn khen ngợi những trẻ giơ tay để phát biểu; để Lan học tập theo
- Sử dụng bức tranh “Trẻ giơ tay để phát biểu” treo trên bảng lớp để nhắc nhở Lan và cả lớp luôn thực hiện hành vi đúng.
- Khi Lan nói tự do, giáo viên nên yêu cầu Lan ngồi xuống sau đó cho em giơ tay và phát biểu lại. Sau mỗi lần như vậy giáo viên nên động viên, khen ngợi Lan để em hiểu được đó mới là hành vi đúng
- Khen thưởng kịp thời khi Lan biết giơ tay xin phát biểu.
- Trong trường hợp Lan nói tục, GV có thể làm theo các gợi ý sau:
- Những lần đầu nên nhắc nhở và thể hiện sự không vừa lòng với hành vi đó của Lan.
- Nếu hành vi đó không giảm sau mỗi lần Lan nói tục có thể phạt Lan bằng các cách: Lấy đi một phần thưởng mà Lan yêu thích; Tách Lan ra khỏi lớp học trong một khoảng thời gian ngắn; Trao đổi với gia đình Lan để cùng giáo dục hành vi đó; Bắt Lan phải thực hiện một hoạt động mà em không thích: vẽ nặn, cất đồ chơi..; Sử dụng một đồ vật hoặc hành động mà Lan sợ để dọa Lan sau mỗi lần Lan nói tục.