Trong kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam có một nhóm truyện cười về quan xử kiện. Những truyện này, ngoài mục đích gây cười - cười những tình huống kiện tụng hài hước, cười người xử kiện, người đi kiện lém lỉnh, thông minh, thì truyện còn châm biếm, đả kích một bộ phận quan lại tham nhũng, dốt nát, xử kiện không dựa theo lẽ phải mà dựa theo đồng tiền. Đồng thời, những truyện cười này cũng phê phán một bộ phận người dân yếu đuối, ngớ ngẩn, tiếp tay cho tệ nạn, tự biến mình thành nạn nhân của thói xấu. Trong bài viết này, toplist giới thiệu với bạn đọc "những truyện cười về quan xử kiện hay nhất", mong rằng sẽ làm hài lòng các bạn.
TRẢ NỢ
Một anh lúc sống công nợ nhiều quá, lúc chết xuống âm phủ, các chủ nợ đâm đơn xuống vua Diêm Vương kiện. Diêm Vương tra sổ thấy quả như vậy, mới bắt anh ta hóa kiếp làm trâu cày trả nợ.
Anh ta van xin:
- Con vay chúng nó cả thảy có mười quan tiền, nhưng chúng nó cay nghiệt lắm. Chúng nó bắt nợ mẹ đẻ nợ con, lãi nặng, rồi nhập vào vốn, con trả bao nhiêu năm trời rồi mà vẫn chưa hết nợ. Nay hóa làm kiếp trâu, cũng không xong. Xin Diêm Vương cho con làm bố chúng, may mới trả hết nợ chúng nó được!
Diêm Vương ngạc nhiên hỏi:
- Thế nghĩa là thế nào?
- Làm kiếp trâu chỉ có hạn, còn làm bố chúng nó thì chẳng những phải lo lắng cho chúng nó suốt đời người, lúc chết, có bạc nghìn, bạc vạn, cũng để lại cho chúng cả. Lại còn một nỗi, chúng nó bóp hầu bóp họng người ta, người ta cứ gọi thằng bố chúng nó ra người ta chửi. Có như vậy thì may ra con mới trả hết nợ
QUAN KHÔNG BẰNG NGƯỜI ĐÀN BÀ DỐT
Có anh lính đi xa, nhân có bạn bè ghé thăm, nhờ bạn đem về cho vợ ở nhà một trăm quan tiền và một bức thư. Giữa đường, anh bạn tò mò giở thư ra xem. Không thấy biên số tiền gửi bao nhiêu, chỉ thấy vẽ bốn con chó, một cái hình bát quái, hai con dê, và một cái chũm chọe, anh ta mới nẩy ra ý ăn bớt. Về đến nơi, anh ta chỉ giao cho vợ bạn bức thư và bốn chục quan tiền.
Người vợ xem thư, biết thiếu tiền, bèn lên quan nhờ phân xử. Quan hỏi:
- Chồng chị gửi người ta bốn mươi quan tiền, người ta mang về tận tay, còn kiện cáo gì nữa?
Người vợ nói:
- Bẩm quan lớn! Anh ta ăn bớt ạ! Chồng con gửi cho những một trăm quan kia ạ!
- Sao chị biết?
- Bẩm quan lớn! Thư chồng con viết rành rành ra đấy, xin quan lớn xem thư sẽ rõ.
Quan giở bức thư quái lạ kia ra xem, không hiểu gì cả, liền hỏi:
- Thế là thế nào? Bức thư không có chữ nghĩa gì cả, sao chị biết chồng chị gửi một trăm quan?
- Bẩm quan lớn, chồng con biên rõ ràng ra đấy. Bốn con chó là tứ cẩu, cẩu là cửu, bốn chín ba sáu. Bát quái, tám quẻ, mỗi quẻ tám gạch, tám tám sáu tư. Ba mươi sáu với sáu mươi tư, chả là một trăm quan đó sao?
Quan cho là phải, bắt anh kia trả số tiền kia. Nhưng quan còn thắc mắc, hỏi:
- Thế hai con dê và cái chũm chọe kia là ý thế nào?
Chị kia xấu hổ, hai má đỏ ửng, mỉm cười, không nói. Quan hỏi mãi mới thưa:
- Bẩm quan lớn, không có ý gì cả ạ! Nhà con vẽ đùa đấy thôi.
- Ðùa thế nào, phải nói ra!
- Bẩm quan lớn, hai con dê và cái chũm chọe là nhà con hẹn với con rằng đến tết trùng dương thì nhà con sẽ về thăm nhà ạ!
Bấy giờ quan mới nhận thấy mình không sáng ý bằng người đàn bà không học hành gì cả!
YẾT THỊ
Ngoài đường không có đèn. Tối đến, quan phủ doãn đi vấp phải người ta, lấy làm giận lắm. Sáng ra, quan truyền yết thị: “Ai đi đêm phải cầm đèn”.
Đêm hôm ấy, quan đi, lại vấp phải một người. Quan hỏi:
- Ngươi không đọc yết thị à?
Người kia đáp:
- Bẩm có đọc.
- Thế sao ngươi không cầm đèn?
- Bẩm có, tôi có đèn.
- Thế sao trong đèn không cắm nến?
- Bẩm yến thị chỉ thấy nói cầm đèn, chớ không thấy nói cắm nến.
Quan phủ doãn về, sáng hôm sau lại ra yết thị: “Ai đi đêm phải cầm đèn, trong đèn phải cắm nến”.
Đêm hôm ấy, quan đi, lại vấp phải một người. Quan lại quở:
- Đi đêm sao không có đèn có nến?
Người kia đáp:
- Bẩm, tôi có đủ đèn đủ nến ạ!
- Thế sao ngươi không thắp nến?
- Bẩm, vì trong yết thị không thấy nói thắp nến.
Quan phủ doãn về, mai lại ra yết thị: “Ai đi đêm phải cầm đèn, trong đèn phải cắm nến, nến phải thắp”.
Nhưng hôm sau, nửa đêm quan đi lại vấp phải một người có đèn, có nến nhưng đã thắp hết nến rồi. Quan lại quở.
Người kia nói:
- Bẩm, trong yết thị không thấy nói hết cây nến phải tiếp cây nến khác ạ!
TÀI BỊA
Có một anh sành khoa nói bịa, những chuyện anh ta bịa thần tình đến nỗi nhiều người đã biết tính anh ta rồi, vẫn cứ mắc lừa. Nhờ cái tài ấy, anh ta nổi tiếng khắp vùng. Tiếng đồn đến tai quan. Quan đòi đến nha môn, chỉ vào chồng tiền và cái roi song đển trên bàn:
- Nghe đồn anh nói bịa tài lắm, lâu nay thiên hạ bị anh lừa nhiều rồi. Bây giờ, anh hãy bịa một chuyện gì lừa được ta thì ta thưởng ba mươi quan tiền. Nhược bằng, không lừa nổi, thì có chiếc roi song kia, ta cho anh ba chục roi!
Anh kia gãi đầu gãi tai, bẩm:
- Lạy quan lớn, đèn trời soi xét! Quả con mắc tiếng oan. Con có dám bịa đặt chuyện gì bao giờ đâu ạ! Nguyên con có ông tằng tổ đời xưa đi sứ bên Tàu, đem về một bộ sách nói toàn chuyện lạ, con thấy hay hay, kể lại, nhưng chẳng ai tin, cứ bảo rằng con nói bịa.
Câu ấy gợi tính tò mò của quan, quan liền bảo:
- Thế à? Vậy anh có thể cho ta mượn xem được không?
- Trăm lạy quan lớn, xin quan xá cho... Con làm gì có sách ấy. Con bịa ra đấy ạ!
VẢ QUAN HUYỆN
Có một viên quan huyện hay nịnh hót quan trên để chóng được thăng quan tiến chức. Một trong những viên quan hắn thường bợ đợ là án sát Nguyễn Văn Tiêu, tục gọi là án Tiêu.
Ðể nịnh quan thầy, hắn ra lệnh cho dân hàng huyện không ai được nói đến tiếng "tiêu", ví dụ như hạt tiêu thì hải nói là hạt ớt… Hễ ai thấy người nào trái lệnh thì được phép vả vào mồm ba cái thật đau, rồi đem trình quan trị tội. Lệnh ban ra khiến Xiển đã ghét quan huyện lại càng ghét thêm. Ông mang một ít quần áo rách mướp xin vào bái quan. Quan hỏi có việc gì, Xiển thưa là nhà nghèo quá, gia tài chỉ còn một ít quần áo rách, nhờ quan cầm hộ cho lấy ít tiền về làm vốn sinh nhai. Tức thì quan nổi trận lôi đình thét mắng đùng đùng, vì xưa nay có ai dám cả gan đem quần áo rách đên bán cho quan bao giờ? Ðợi quan nguôi giận, Xiển mới nói:
– Dạ thưa ngài, xin ngài thương kẻ học trò nghèo túng này, không gì cũng mang danh là người quân tử…
– Quân tử gì mày! Ðồ quân tử cùng quân tử cố!Xiển trần tình:
– Dạ, Khổng Minh túng Khổng Minh cầm ạ!
Nghe câu nói khó hiểu, quan chau mày suy nghĩ một lúc mới biết lời mắng của mình: "Quân tử cùng quân tử cố" với lời trần tình của Xiển: "Khổng Minh túng Khổng Minh cầm" đã làm thành đôi câu đối hay tuyệt. Quan phục tài Xiển, thưởng cho một quan tiền, nhưng lại chọn cho cái thứ tiền chôn giấu dưới đất lâu ngày bị han rỉ hết cả. Xiển đỡ lấy quan tiền, cầm một đồng dằn mạnh xuống đất, tiếng kêu nghe cành cạch, rồi nói:
– Bẩm quan, tiền này không "ớt" được ạ!
Quan vô tình mắng:
– Mày điên à! Tiền này mà không tiêu được ư?
Chỉ chờ có thế, Xiển liền vả cho quan ba cái tát vào mồm như trời giáng. Quan hô lính bắt trói, Xiển ngăn lại nói:
– Chắc ngài vẫn chưa quên cái lệnh kiêng tên húy quan án ngài mới ban ra. Tôi làm vậy cũng chỉ là thi hành cái lệnh ấy của ngài mà thôi.
MẤT TRỘM BÒ..
Một người vừa mới tậu được con bò. Tối đi ngủ, anh ta đã chốt chuồng bò cẩn thận rồi lại đặt cái chõng ngay giữa lối ra vào mà nằm ngủ. Ây thế mà ban đêm, kẻ trộm vẫn vào dắt mất bò của anh ta. Xót ruột, anh ta trình quan:
- Bẩm quan, chắc là chúng nó dắt bò chui qua chõng con nằm mà đi ra.
Quan nghe nói vô lý quả bật cười:
- Con bò chứ có phải con chó, con mèo đâu mà chui qua gầm chõng!
- Dạ, bẩm quan, thế thì chúng nó dắt bò của con đi lối nào? Sáng dậy cái chõng con nằm vẫn để y nguyên ở chỗ cũ chắn lối ra vào kia mà!
- Ðồ ngốc! Mày ngủ say, chúng nó khiêng chõng mày nằm ra một bên, dắt bò ra rồi lại khiêng về chỗ cũ…
Người kia như vỡ lẽ, nói:
- À, thế ra quan thông đồng với bọn trộm, nên mới tỏ tường được như thế chứ!
CHỐNG CHẾ
Một tên trộm bị bắt quả tang ăn trộm trâu. Người ta đóng gông giải huyện. Quan huyện hỏi:
- Mày dám cả gan ban đêm vào nhà người ta, ăn trộm trâu phải không?
Nó thưa, vẻ tội nghiệp:
- Oan cho con lắm. Con chỉ lấy sợi dây thừng mà thôi.
Quan lại hỏi:
- Thế, đầu sợi dây có trâu không?
Tên ăn trộm thưa:
- Bẩm quan, con trâu ấy chủ nhà buộc vào, chứ con không buộc.
ĐỪNG NÓI NỮA MÀ TAO THÈM
Trên dương thế có một con lợn bị đem ra giết thịt. Hồn nó về kêu với Diêm Vương. Diêm Vương hỏi:
– Nỗi oan ức của nhà người như thế nào, hãy nói rõ đầu đuôi ta nghe?
– Dân họ bắt con làm thịt.
– Được rồi! Hãy khai rõ ràng. Họ làm thịt như thế nào?
– Dạ, trước hết họ trói con lại, đè ngửa con chọc tiết. Xong đổ nước sôi lên mình con, cạo lông.
– Rồi sao nữa?
– Cạo sạch rồi, họ mổ ra. Thịt con, họ cắt từng miếng, xương họ chặt nhỏ, bỏ vào rổ. Rồi thì bắc chảo đổ mỡ, phi hành thật thơm, thêm mắm muối, xào lên.
– Thôi, thôi! Đừng nói nữa mà ta thèm!
BỐ MÀY! ĐÃ CHẾT VỚI TAO CHƯA?
Một anh, nhà có giỗ, vợ vừa làm cỗ xong, đặt lên bàn thờ thì một con ruồi đến đậu ngay lên đĩa thịt. Chị vợ vội kêu lên:
- Thôi chết rồi! Mâm cơm cúng ông bà mà anh không coi cẩn thận để ruồi nó đậu vào, làm uế tạp mất rồi!
Anh chồng nghe thế, giận con ruồi lắm, nghĩ bụng: Hai vợ chồng lòng thành làm được mâm cơm mà con ruồi nó làm ô uế, giờ có cúng, ông bà cũng không về hưởng nữa, liền lên huyện kêu:
- Bẩm lạy quan lớn, chúng tôi vất vả quanh năm hôm nay mới làm đuợc mâm cơm cúng ông bà, thế mà con ruồi nó sà vào, làm ô uế cả. Xin quan lớn xử tội nhờ. Quan nghe xong bảo:
- Tao cho phép mày từ rày hễ thấy nó bất kỳ ở đâu, cứ đánh cho chết.
Quan vừa buông lời, thì một con ruồi đến đậu ngay trên má quan.
Anh kia trông thấy, mắm môi, giang tay tát bốp vào mặt quan chứi:
- Bố mày! Ðấ chết với ông chưa!
NHƯNG NÓ PHẢI BẰNG HAI MÀY
Làng kia có một tên lí trưởng nổi tiếng xử kiện giỏi.
Một hôm nọ, Cải với Ngô đánh nhau, rồi mang nhau đi kiện. Cải sợ kém thế, lót trước cho thầy lí năm đồng. Ngô biện chè lá những mười đồng.
Khi xử kiện, thầy lí nói:
- Thằng Cải đánh thằng Ngô đau hơn, phạt một chục roi.
Cải vội xoè năm ngón tay, ngẩng mặt nhìn thầy lí khẽ bẩm:
- Xin xét lại, lẽ phải về con mà!
Thầy lí cũng xoè năm ngón tay trái úp lên năm gón tay mặt (tay phải), nói:
- Tao biết mày phải... nhưng nó lại phải... bằng hai mày!