Top 7 Vị tướng giỏi nhất trong kháng chiến quân Mông Nguyên

Nhà Trần là một triều đại nhà nước phong kiến của nước ta được thành lập vào năm 1225 và cũng là một trong những triều đại phong kiến hưng thịnh nhất trong lịch sử nước nhà. Đặc biệt, dưới triều đại nhà Trần, nhân dân ta đã ba lần đánh tan quân xâm lược Mông Nguyên, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước. Sự hưng thịnh của nhà Trần có sự đóng góp không nhỏ của nhiều cá nhân kiệt xuất, những vị tướng tài ba, trong đó tiêu biểu là những vị tướng sau đây.

Trần Quốc Tuấn (? - 1300)

Trần Quốc Tuấn là một nhà chính trị, quân sự, tôn thất hoàng gia thời Trần. Ông là con của Khâm Minh Đại vương Trần Liễu - anh ruột của vua Trần Thái Tông. Như vậy, Trần Quốc Tuấn gọi vua Trần Thái Tông là chú ruột. Ông được sử cũ mô tả là người "thông minh hơn người".


Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông lần thứ nhất (1258), ông được vua Trần Thái Tông phong làm tướng chỉ huy các lực lượng ở biên giới đánh quân xâm lược. Sau đó ông lui về thái ấp ở Vạn Kiếp.


Đến tháng 10 âm lịch năm 1283, quân Mông Nguyên chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ hai, Hưng Đạo vương được Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc công tiết chế thống lĩnh quân đội cả nước.


Trên cương vị này, năm 1285, ông lãnh đạo quân sĩ chặn đánh đội quân xâm lược của quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy. Sau những thất bại ban đầu, quân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của hai vua Trần và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã phản công mạnh mẽ, phá tan quân Nguyên trong các trận Hàm Tử, Chương Dương, Trường Yên, Vạn Kiếp... quét sạch quân Nguyên ra khỏi biên giới.


Năm 1288, quân Nguyên trở lại xâm lược nước ta lần thứ ba. Trần Quốc Tuấn tiếp tục được vua Trần và các tướng lĩnh cử làm Quốc công tiết chế thống lĩnh chỉ huy quân đội cả nước. Khi được nhà vua hỏi: “Giặc đến làm thế nào”, Trần Quốc Tuấn đã khẳng định với nhà vua: "Năm nay đánh giặc nhàn".


Ông đã dùng lại kế cũ của Ngô Quyền, đánh bại hoàn toàn thủy quân của tướng giặc Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp trong trận thuỷ chiến trên sông Bạch Đằng. Sau đó, ông chỉ huy toàn bộ quân ta phản công tiêu diệt nặng nề cánh quân bộ binh, kỵ binh của giặc do Thoát Hoan chỉ huy tháo chạy bằng đường bộ.


Tháng 4 âm lịch năm 1289, vua Trần Nhân Tông chính thức phong ông làm Đại vương. Nhưng chức quyền đứng đầu triều đình khi đó vẫn thuộc về Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Sinh thời ông có viết các tác phẩm Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư nhằm động viên quân sĩ, phân tích nghệ thuật quân sự đỉnh cao.


Sau đó, ông lui về an nghỉ ở Vạn Kiếp và mất vào năm 1300. Sau khi ông mất, triều đình phong ông là "Thái sư Thượng Phụ Thượng Quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương". Ông được nhân dân cả nước tôn vinh là "Đức Thánh Trần" và lập đền thờ ở nhiều nơi, song nổi tiếng hơn cả là Đền Kiếp Bạc ở xã Hưng Đạo - Chí Linh, Hải Dương.

Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn
Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn

Nguyễn Khoái

Nguyễn Khoái sinh và mất năm nào đến nay vẫn chưa ai rõ. Sử cũ chỉ cho biết rằng, Nguyễn Khoái quê ở tỉnh Hải Dương, là một danh tướng chỉ huy quân Thánh dực dưới thời Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông.


Ông là người có công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288).


Trong cuộc chiến tranh chống quân Mông Nguyên xâm lược lần thứ hai (1285), Nguyễn Khoái được giao và hoàn thành tốt nhiệm vụ chỉ huy quân Thánh Dực để bảo vệ Thượng hoàng Trần Thánh Tông và Vua Trần Nhân Tông, đồng thời sẵn sàng thực hiện mọi mệnh lệnh chiến đấu do Thượng Hoàng và Nhà vua ban ra.


Tháng 5 năm 1285, Nguyễn Khoái cùng các tướng Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, Chiêu Thành vương (không rõ tên tuổi), Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản chỉ huy quân đánh địch ở cửa Hàm Tử và Tây Kết (đều thuộc Hưng Yên) giành thắng lợi lớn. Trong trận đánh này, vợ của Nguyễn Khoái đã anh dũng hy sinh, được dân chúng lập đền thờ.


Năm 1288, quân Mông Nguyên sang xâm lược lần thứ 3, Nguyễn Khoái tham gia trận đánh quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng. Trong trận chiến này, đội quân Thánh dực do Nguyễn Khoái chỉ huy được Hưng Đạo Vương giao nhiệm vụ tấn công, chia cắt đội hình giặc. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Chiến thuyền của đạo quân Nguyễn Khoái đã khiến cho giặc hốt hoảng, vừa cố sức chống đỡ, vừa tìm đường tháo chạy.


Sau chiến tranh, vua ban thưởng cho các tướng có công đánh giặc. Nguyễn Khoái được phong Liệt hầu và được cấp hẳn một hương làm thực ấp ở Khoái Châu thuộc tỉnh Hưng Yên. Đây là đặc ân vì ông là một trong số ít người không thuộc hoàng tộc được hưởng vinh dự này.


Hiện nay tên của ông đã được đặt tên cho nhiều con phố ở nước ta, tiêu biểu như phố Nguyễn Khoái ở quận Hai Bà Trưng thành phố Hà Nội và phố Nguyễn Khoái ở quận 4 thành phố Hồ Chí Minh.

Phố Nguyễn Khoái - Thành phố Hà Nội
Phố Nguyễn Khoái - Thành phố Hà Nội

Trần Quốc Toản (không rõ năm sinh, năm mất)

Trần Quốc Toản là một tôn thất nhà Trần, sống ở thời kỳ trị vì của vua Trần Nhân Tông. Ông nổi tiếng có công tham gia kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai và cái chết anh dũng vang danh một thời. Sự tích về ông được đánh giá là hiển hách, thể hiện sự dũng mãnh và kiên định của một người trẻ tuổi trước giặc ngoại xâm.


Trước nguy cơ quân Nguyên xâm lược lần thứ hai, năm 1282, vua Trần Nhân Tông mở hội nghị Bình Than với các vương hầu, quan lại, võ tướng trong triều bàn kế giữ nước. Khi đó, Trần Quốc Toản cùng với Hoài Nhân Vương Kiện đều còn trẻ tuổi nên không được vào tham dự. Phần vì hổ thẹn, phẫn khích, Trần Quốc Toản tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết. Sau đó, người anh hùng trẻ tuổi này trở về huy động hơn nghìn gia nô và người nhà thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, thêu lên cờ sáu chữ: "Phá cường địch, báo hoàng ân".


Tháng 5 năm 1285, Trần Nhân Tông sai Chiêu Thành vương (khuyết danh), Hoài Văn hầu Quốc Toản cùng tướng quân Nguyễn Khoái đem binh đón đánh quân Nguyên ở bến Tây Kết (Khoái Châu – Hưng Yên), giành thắng lợi.


Về cái chết của ông thì có rất ít sách sử ghi chép lại. Chỉ có Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: "... Đến khi mất, vua rất thương tiếc, thân làm văn tế, lại gia phong tước Vương”.


Tên tuổi của Trần Quốc Toản đã đi vào lịch sử dân tộc về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, kiên cường bất khuất, dám hi sinh mạng sống vì độc lập, tự do của dân tộc.

Anh hùng trẻ tuổi Trần Quốc Toản
Anh hùng trẻ tuổi Trần Quốc Toản

Trần Quang Khải (1241 – 1294)

Trần Quang Khải là một nhà chính trị, quân sự, tôn thất hoàng gia triều Trần. Ông là con thứ ba của vua Trần Thái Tông, là em cùng mẹ với vua Trần Thánh Tông. Theo quan hệ huyết thống, ông là con chú phải gọi Trần Quốc Tuần là anh con bác.


Ngay từ nhỏ, Trần Quang Khải đã được vua cha phong tước Chiêu Minh vương. Năm 1258, vua Trần Thánh Tông phong cho Trần Quang Khải tước Chiêu Minh Đại vương. Năm 1261, ông được phong làm Thái úy. Đến năm 1265, ông tiếp tục được phong chức lên làm Thượng tướng, vào trấn thủ Nghệ An. Đầu năm 1271, ông làm Tướng quốc thái úy, đứng trên cả Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.


Ông là người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần thứ hai. Tháng 02/1285, quân của Toa Đô tấn công Nghệ An. Vừa mới vào, quân ta do Trần Nhật Duật chống cự không nổi, tướng Trần Quang Khai vào tiếp ứng nhưng không kịp.


Sau khi chiếm được Nghệ An, Toa Đô tấn công ra Thanh Hoá. Trần Quang Khai cùng nhiều tướng lĩnh khác và nhân dân Thanh Hoá tổ chức đánh địch kiên cường để bảo vệ làng mạc và chặn đường tiến quân của chúng. Vì quân địch quá mạnh, tướng Trần Quang Khải tạm thời cho quân rút lui.


Tháng 5/1285, dưới sự chỉ huy tối cao của Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn, ông cùng Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật và các tướng lĩnh điều binh thuyền tiến quân ra bắc, phản công tiệu diệt quân Nguyên. Thực hiện cuộc phản công này, Trần Quang Khải cùng với Trần Nhật Duật được giao nhiệm vụ chỉ huy quân đánh vào các đồn địch ở tả hữu dọc sông Hồng. Đích thân Trần Quang Khải dẫn đại quân tấn công vào Chương Dương (thuộc Thường Tín – Hà Nội; bên hữu ngạn sông Hồng, đối diện với Hàm Tử).


Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần thứ ba (1288), vai trò cũng như công lao của Trần Quang Khải như thế nào thì không có sách sử ghi chép. Kết thúc cuộc kháng chiến, ông tiếp tục giữ chức Tướng quốc Thái uý cai quản việc nước.

Phác hoạ chân dung tướng Trần Quang Khải
Phác hoạ chân dung tướng Trần Quang Khải

Phạm Ngũ Lão (1255 - 1320)

Phạm Ngũ Lão là danh tướng nước ta thời nhà Trần. Ông quê ở làng Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, là cháu 8 đời của tướng Phạm Hạp.


Ngay từ khi còn nhỏ, Phạm Ngũ Lão đã tỏ ra khác thường, có chí lớn. Một hôm, đang ngồi đan sọt ngoài đường và mải nghĩ về cuốn sách Binh thư, Phạm Ngũ Lão không hay biết khi quan quân do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có việc ngang qua.


Một người lính quát mãi, ông vẫn cứ ngồi yên như không biết gì. Thậm chí khi người lính dùng giáo xuyên vào đùi ông, vậy mà Phạm Ngũ Lão cứ như không. Khi đó, thầm hiểu đây sẽ là một vị lương tướng của triều đình, Trần Quốc Tuấn đã sai lính lấy thuốc trị vết thương cho Phạm Ngũ Lão, rồi đưa về triều. Về kinh đô, Phạm Ngũ Lão đã được triều đình ban chức cai quản Cấm vệ quân.


Ông là người góp công rất lớn trong cả hai cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên lần thứ hai và lần thứ ba. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai, ông cùng với Trần Quang Khải tiến đánh Chương Dương, Hàm Tử, đập tan đội binh thuyền khổng lồ của giặc…


Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba, Phạm Ngũ Lão cùng các tướng bày trận phục kích đường rút lui của giặc trên sông Bạch Đằng. Sau đó, ông tiếp tục tham gia truy kích cánh quân của Thoát Hoan trên đường bộ.


Năm 1290, vua Trần Nhân Tông phong cho Phạm Ngũ Lão chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân. Năm 1294, lập công khi đi đánh Ai Lao, ông được ban Kim Phù (tức binh phù làm bằng vàng).


Đến đời vua Trần Anh Tông, ông được thăng tới chức Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu. Năm 1320, Phạm Ngũ Lão mất, hưởng thọ 66 tuổi.

Phác hoạ chân dung tướng Phạm Ngũ Lão
Phác hoạ chân dung tướng Phạm Ngũ Lão

Trần Khánh Dư (1240 - 1340)

Trần Khánh Dư hiệu là Nhân Huệ vương, là một chính khách, nhà quân sự nước ta thời nhà Trần. Tuy là họ Trần nhưng ông xuất thân không phải chốn hoàng gia, vương tử. Cha ông là Thượng tướng Nhân Huệ hầu Trần Phó Duyệt, quê ở Chí Linh, Hải Dương.


Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất (1258), Trần Khánh Dư có công đánh úp quân giặc, giành thắng lợi, sau đó, tiếp tục có công đánh người Man ở vùng núi.


Với những chiến công đó, Trần Khánh Dư được vua Trần nhận làm Thiên tử nghĩa nam, tước Nhân Huệ vương, phong làm Phiêu Kỵ đại tướng quân. Chức Phiêu Kỵ tướng quân nếu không phải là hoàng tử tôn thất thì không được phong. Vì Khánh Dư là Thiên tử nghĩa nam cho nên mới được đặc ân như vậy.


Sau khi được vua Trần ban ân huệ như vậy, Trần Khánh Dư lại vướng vào vụ án thông dâm với Thiên Thụy công chúa - vợ Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn (con trai của Trần Quốc Tuấn). Đây là hành vi quan hệ đáng lên án của xã hội xưa. Trần Thánh Tông một phần vì sợ Trần Quốc Tuấn phật ý nên đã phạt tội Trần Khánh Dư đánh đến chết, nhưng ngầm hạ lệnh cho lính đánh nhẹ mà 100 gậy ông vẫn sống. Sau đó, Trần Khánh Dư bị phế truất chức tước, tịch thu gia sản, phải trở về quê nhà ở Chí Linh - Hải Dương làm nghề bán than.


Đến năm 1282, trước nguy cơ quân Mông Nguyên xâm lược lần thứ hai, ông được vua Trần tha tôi và cho dự hội nghị Bình Than. Trong hội nghị này ông có nhiều hiến kế hay được vua Trần chấp thuận. Trần Khánh Dư cũng là người có công lớn trong việc đánh tan 70 chiếc thuyền lương giặc ở Vân Đồn – Cửa Lục do Trương Văn Hổ chỉ huy vào cuối năm 1287, góp phần làm xoay chuyển tình thế chiến tranh.


Tháng 5 năm 1312, ông theo vua Trần Anh Tông dẫn quân đi đánh Chiêm Thành và bắt được chúa Chiêm Thành là Chế Chí đem về. Năm 1323, Trần Khánh Dư xin về nghỉ dưỡng tại vùng ấp được phong, thuộc xã Dương Hòa, lộ Lý Nhân tỉnh Hà Nam. Năm 1340, Trần Khánh Dư mất, hưởng thọ 100 tuổi.

Phác hoạ chân dung tướng Trần Kháng Dư
Phác hoạ chân dung tướng Trần Kháng Dư

Trần Nhật Duật (1255 – 1330)

Trần Nhật Duật tước hiệu là Chiêu Văn vương, là một nhà chính trị, quân sự nước ta thời Trần. Ông là con trai thứ sáu của vua Trần Thái Tông, là em cùng cha khác mẹ với vua Trần Thánh Tông và Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải, anh em cùng mẹ với Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc và Chiêu Đạo vương Trần Quang Xưởng.


Mặc dù xuất thân từ chốn hoàng gia, vương tử nhưng Trần Nhật Duật có lối sống giản dị, khiêm nhường, phóng khoáng, dễ gần, khoan dung độ lượng và không câu nệ. Đặc biệt, ông có vốn hiểu biết sâu rộng về văn hóa và ngôn ngữ của nhiều nước láng giềng như Tống, Ai Lao, Chiêm Thành và các dân tộc thiểu số; đồng thời có nhiều sở thích và công lao trong gây dựng, phát triển văn hóa Đại Việt về văn học, âm nhạc, ngôn ngữ.


Ông là vị tướng có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288), đặc biệt là chiến thắng Hàm Tử (cửa Hàm Tử, Khoái Châu, Hưng Yên). Chiến thắng Hàm Tử do ông chỉ huy đã góp phần rất lớn dọn đường cho chiến thắng Chương Dương của các danh tướng Trần Quang Khải và Trần Quốc Toản (1285) chỉ huy sau đó.


Năm 1302, vua Trần Anh Tông phong ông làm Thái úy Quốc công cùng trông coi việc nước. Vua Trần Anh Tông rất tin tưởng và thường xuyên hỏi han ông về việc chính sự.


Năm 1324, vua Trần Minh Tông phong Trần Nhật Duật làm Tá thánh Thái sư. Đến năm 1329, sau khi lên ngôi, vua Trần Hiến Tông thăng Trần Nhật Duật lên tước Chiêu Văn Đại vương.


Năm 1330, Chiêu Văn Đại vương Trần Nhật Duật qua đời, hưởng thọ 75 tuổi.

Phác hoạ chân dung tướng Trần Nhật Duật
Phác hoạ chân dung tướng Trần Nhật Duật

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?