Top 10 Bài thơ hay nhất của nhà thơ Hữu Thỉnh

Hữu Thỉnh là nhà thơ viết nhiều, viết hay về cuộc sống và con người ở nông thôn. Thơ ông giản dị nhưng vô cùng tinh tế và sâu sắc. Và dưới đây là những bài thơ hay nhất của nhà thơ Hữu Thỉnh.

Ước

Có cái gì đã rơi

Vừa rơi thêm lần nữa

Chỉ còn một mình anh

Với chiều qua cửa sổ


Mùa thu cũng bỏ trời
Đi về miền tiếc nuối

Có con tàu mệt mỏi

Thét còi trong tim anh


Ước có em ngoan mềm

Chợt đến cùng ngọn gió

Tóc em hay mây thở

Bàng hoàng trên vai anh.


1993

Nguồn: Hữu Thỉnh, Thương lượng với thời gian, NXB Hội nhà văn, 2005

Ước
Ước
Ước
Ước

Sức bền của đất

Đom đóm bay ra hoa gạo đỏ

Mẹ ở nhà đã cất áo bông

Mẹ có ra bờ sông

Qua bến đò tiễn con dạo trước

Đường xuống bến có mười sáu bậc

Mẹ nhớ thương đã bạc mái đầu...


Trận địa của con nối tới bến sông

Có cái khát của nhiều trận đánh

Có niềm vui trước mỗi cơn mưa

Khum bàn tay vốc đom đóm bay ra

Kỷ niệm lập loè những đêm bám chốt

Kẻ thù trước mặt

A.R.15 xả đạn liên hồi

Cối cá nhân kêu dóng một

Pháo tầm xa cố tình thay quy luật

B.52 hay nhè trước mỗi bữa ăn

Cây cối thưa dần

Màu nguỵ trang cuối cùng là màu của đất.

Và mẹ là người chúng con thương nhớ nhất

Đất nước ngày có giặc

Mẹ vẫn đỏ miếng trầu

Ấm một vùng tin cậy phía sau.


Sóng đánh cao trên mặt nước Sa Thầy

Pháo giặc hầm hầm Đắc Siêng, Đắc Mót

Đường Mười Tám như dây bị đứt

Rơi rụng hai bên những ung nhọt quân thù


Chúng con ở đây hai mươi tám ngày qua

Vừa im lặng vừa ồn ào trên chốt

Phơi chiếc khăn sương sớm mai rửa mặt

Ngủ nhát gừng giữa hai đợt tấn công

Tay thêm chai mỗi bận moi hầm

Ném cho nhau những khẩu phần khô khốc

Mười sáu bận quân thù bắn truyền đơn xin nhặt xác

Mặt chúng nó rung lên những chữ nghĩa đen xì...

Mây trôi trước mặt Đắc- Bờ- Si

Ai đốt rẫy cỏ thơm như mía nướng

Đất chiến hào như một người hay chuyện

Ta chưa một lần được thư thả đất ơi

Ta chưa một lần nói được nên lời

Lòng của ta với mẹ!

Xanh xao nước trời mùa khô rất trẻ

Hầm hập quanh người đất đổ mồ hôi


Đưa mắt cho nhau trò chuyện không lời

Đồng đội của ta

Người giữ A.K, người ghìm B.41

Đồng đội hay cười qua hàm răng cắn chặt

Nụ cười mát lành như mấy trắng bay qua


Ta đi từ đầu sông Lô đến cuối sông Thương

Từ thung lũng Sa Thầy ra sông Trường trắng cát

Đất vẫn đất của dân ca và mía mật

Gió thổi rừng lồ ô xao xuyến biết bao nhiêu


Vẫn chiếc cối xay cười ra hạt trắng tinh

Vẫn cây chuối cuối vườn hay ngẫm nghĩ

Con dao băm bèo, cái xa cuốn chỉ

Phấp phới buồm nâu chiều mỏng tang

Đất bận quanh năm điệp khúc mùa màng

Chị búi tóc cao hơn, chịu thương chịu khó

Mẹ vẫn đong bữa ăn bằng chiếc lon nho nhỏ

Quá nữa những cánh đồng dành cho đứa con xa

Sức lực nào từ mạch đất ông cha

Chuyền đến tận chiến hào hăm hở thế

Ánh sáng nào từ mênh mông lòng mẹ

Soi cho ta qua khe ngắm đầu ruồi

Ta lớn lên kịp đến chiến trường này

Để đối địch với quân thù đang quẫy cựa

Này đồng đội, này nhân dân, bè bạn nữa

Mẹ ở nhà cứ yên tâm về con


Kẻ thù lẩn nhanh hơn, thụt đầu trong vỏ cứng

Lấy pháo và bom để xua cơn hốt hoảng

Tung truyền đơn trắng dã âm mưu

Dây thép gai cuốn dài bao nhiê

Đối với chúng ta lại còn quá trống


Kẻ thù hô hào gia tăng quần áo mỏng

Lại rất thích dày vỏ thép chiến xa

Phòng thủ bê tông, bao cát, mìn chờ

Chưa yên dạ, tiêm thêm liều kích thích...

Kẻ thù không ưng ta gọi anh em

Đừng chú bác ông bà gì ráo

Muốn phá vỡ những giọt quê hương lặn sâu trong máu

Chúng nhổ làng đi, dồn vô "ấp dân sinh"


Kẻ thù làm cho ta thương nhớ nhiều hơn, sôi sục gấp trăm lần

Con gái con trai nhớ nhau qua bãi bom toạ độ

Màu mạ xanh thành màu che chở

Hang đá không đèn nuôi trí tạo thời cơ


Ta hoãn cưới một năm rổi lại hai năm

Đi đánh giặc chân trời in màu thiếp

Có miếng cao nai không sao gửi được

Mẹ ta đã ngoài sáu mươi

Nguyên nỗi nhớ thương này

Đủ nuôi lớn cho ta thành dũng sĩ


Xin cảm ơn những khu rừng thiên

Tán lá rợp cho ta trầm tĩnh lại

Chông tẩm thuốc sau nhà, đá mài dao dưới suối

Con đường mòn nung đỏ dưới ngàn cây

Một cọng rau gợi nhớ về xuôi

Củ chuối chát ghi mối thù canh cánh

Đêm bên suối sao trời rơi óng ánh

Nhắc ta hoài biển đang vỡ dưới kia

Con đường tấy lên như một lời thề

Đất gọi ta, làng gọi ta, nóng bỏng

Vịn vào cây ven đường nhẵn bóng

Ngỡ như đồng đội đỡ ta lên


Những đứa con quen ném bã trầu lấy cớ để yêu nhau

Giờ biết xả trung liên và quăng U.S

Cưa ống bom đi làm ca làm bát

Ngâm giá làm dưa trong thùng đạn bốn mươi li

Giàn mướp nguỵ trang lúc lắc xe đi


Lúc nghỉ ngơi chui vào cua-mang- cá

Diệt cứ điểm bắt đầu bằng bóc vỏ

Phục kích bất ngờ bắn giặt xóc xâu

Đánh bộc phá theo đội hình cuốn chiếu

Đột kích xe tăng đạp rắn trúng đầu...


Kim nhể gai kim càng phải nhọn

Mẹ dạy con như thế tự bao giờ

Xa mẹ chúng con vỡ nhẽ trăm điều

Ăn trông nồi là nhường nhịn anh em

Ngồi trông hướng là biết thù bóng tối

Chúng con làm ra những bài hát mới

Chiếc võng, con cua... ngôn ngữ của ông bà


Biết đào hào chữ Z, khoét hầm chữ A

Vách nứa hoa chanh cửa xoè nan quạt

Sợi dây rừng cũng làm nên bền chặt

Tiếng gọi gà rất cổ mỗi chiều hôm


Gió trẻ trung rung động những khu rừng

Chúng con hát trong giọng trầm đại đội

Đắp nắm đất cho người ở lại

Trận đánh hiểm nghèo: tất cả giơ tay!


Quần áo màu rừng, đôi mắt màu mây

Trái tim thả diều về thăm mẹ

Nỗi nhớ người yêu thêm vào đêm chuẩn bị

Lại những rừng châm, lại những đồi lau...


Chiến dịch mở ra thời vụ bắt đầu

Mang cái rét giêng hai đi bám giặc

Mang chất thép định hình trên bàn cát

Qua những cánh đồng đang sủi tăm phù sa

Ta chao chân trên những mảnh bờ

Lặng lẽ nhận sức bền của đất

Đạp cứ điểm

Lần theo từng dấu dép

Ta nhận ra màu bùn qua những cánh đồng chiêm.

Tây Nguyên - Tết Ất Mão (1975)


Sức bền của đất là trường ca đầu tiên của Hữu Thỉnh, mang tính thử sức của Hữu Thỉnh với thể loại trường ca nhưng đã đạt được thành công lớn. Tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ 1975-1976.

Nguồn: Sức bền của đất, NXB Tác phẩm mới, 1977

Sức bền của đất
Sức bền của đất
Sức bền của đất
Sức bền của đất

Sang thu

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về


Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.


Nguồn: Từ chiến hào đến thành phố, NXB Văn học, 1991

Sang thu
Sang thu
Sang thu
Sang thu

Trên một chiếc xe tăng

Năm anh em trên một chiếc xe tăng,

Như năm bông hoa nở cùng một cội,

Như năm ngón tay trên một bàn tay,

Ðã xung trận cả năm người như một.


Vào lính xe tăng anh trước anh sau,

Nết ăn ở người thì lạnh, nóng,

Khi đã hát hòa cùng một giọng,

Một người đau tất cả quên ăn.


Năm anh em mỗi đứa một quê,

Ðã lên xe là cùng một hướng,

Đã lên xe là chung khổ sướng,

Trước quân thù nhất loạt xông lên.


Năm anh em mang năm cái tên,

Đã lên xe không còn tên riêng nữa,

Trên tháp pháo một ngôi sao màu lửa,

Năm quả tim một nhịp đập dồn.


Một con đường đất đỏ như son,

Một màu rừng xanh bạt ngàn hy vọng,

Một ý chí bay ra đầu ngọn súng,

Một niềm tin nghiến nát mọi quân thù.


Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào

Tháng 3 năm 1971


Bài thơ này đã được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc thành bài hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng.

Nguồn: Âm vang chiến hào (thơ in chung), NXB Quân đội nhân dân, 1975

Trên một chiếc xe tăng
Trên một chiếc xe tăng
Bài hát: Năm anh em trên một chiếc xe tăng

Chiều sông Thương

Đi suốt cả ngày thu

Vẫn chưa về tới ngõ

Dùng dằng hoa quan họ

Nở tím bên sông Thương


Nước vẫn nước đôi dòng

Chiều vẫn chiều lưỡi hái

Những gì sông muốn nói

Cánh buồm đang hát lên


Đám mây trên Việt Yên

Rủ bóng về Bố Hạ

Lúa cúi mình giấu quả

Ruộng bời con gió xanh


Nước màu đang chảy ngoan

Giữa lòng mương máng nổi

Mạ đã thò lá mới

Trên lớp bùn sếnh sang


Cho sắc mặt mùa màng
Đất quê mình thịnh vượng

Những gì ta gửi gắm

Sắp vàng hoe bốn bên

Hạt phù sa rất quen

Sao mà như cổ tích

Mấy cô coi máy nước

Mắt dài như dao cau


Ôi con sông màu nâu

Ôi con sông màu biếc

Dâng cho mùa sắp gặt

Bồi cho mùa phôi phai


Nắng thu đang trải đầy

Đã trăng non múi bưởi

Bên cầu con nghé đợi

Cả chiều thu sang sông.

Chiều sông Thương
Chiều sông Thương
Chiều sông Thương
Chiều sông Thương

Xứ Phật

Thu hết mọi tiếng chuông thành một sắc áo vàng

Mây lót ổ chim gù bên kinh kệ

Hoa xứ Phật dặt dìu hương nhập thế

Người giữa đời thổn thức muốn thành sư.


1998 - 2001

Nguồn: Tạp chí sông Hương, số 02-2003

Xứ Phật
Xứ Phật
Xứ Phật
Xứ Phật

Thơ viết ở biển

Anh xa em

Trăng cũng lẻ

Mặt trời cũng lẻ

Biển vẫn cậy mình dài rộng thế

Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn

Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn

Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím

Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến

Vì sóng đã làm anh

Nghiêng ngả

Vì em...

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát Biển, nỗi nhớ và em.

Thơ viết ở biển
Thơ viết ở biển
Thơ viết ở biển
Thơ viết ở biển

Hoa tặng

Bông hoa này tới em
Sau bao người mặc cả
Con đường này tới em
Sau bao nhiêu lầm lỡ


Người ta đã nhấc lên
Rồi người ta đặt xuống
Anh là kẻ dại khờ
Mua hoa này đem tặng


Anh muốn bước thật êm
Nhưng cầm sao nổi gió
Biết vậy em vẫn cười
"Anh xem, hoa vừa nở".


Nguồn: Hữu Thỉnh, Thương lượng với thời gian, NXB Hội nhà văn, 2005

Hoa tặng
Hoa tặng
Hoa tặng
Hoa tặng

Trái đất chẳng rộng đâu

Căn nhà ấy ta không ở được

Hai đứa kéo nhau ra ngoài đường

Rầm rập xe đi

Rầm rập người đi

Hai đứa ta đành dạt về bên phải


Trái đất chẳng rộng đâu

Ta dắt nhau trú dưới gốc cây

Chim kéo đàn đòi lại

Trái đất chẳng rộng đâu

Ta tìm về những ngôi nhà

Những ngôi nhà chật ánh đèn buổi tối

Hạnh phúc của người này là ngăn cách của người kia


Trái đất chẳng rộng đâu

Ta hoang dại dưới trời

Lấy tình yêu làm mái nhà che chở.


Vân Hồ 1980

Nguồn: Hữu Thỉnh, Thương lượng với thời gian, NXB Hội nhà văn, 2005

Trái đất chẳng rộng đâu
Trái đất chẳng rộng đâu
Trái đất chẳng rộng đâu
Trái đất chẳng rộng đâu

Xa vắng

Xa xắng quá bồn chồn đi hỏi cát

Đường đông người, đâu nhỉ dấu chân em


Xa vắng quá một mình đi hỏi bến

Người sang đò có dặn sóng gì thêm


Xa vắng quá tần ngần đi hỏi chợ

Người mua gương dạo ấy có hay về?


Người mua gương đã một lần trở lại

Soi tưng bừng, rồi lặng lẽ quay đi


2-1999

Nguồn: Hữu Thỉnh, Thương lượng với thời gian, NXB Hội nhà văn, 2005

Xa vắng
Xa vắng
Xa vắng
Xa vắng

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?