Phan Bội Châu là một nhà yêu nước, cách mạng lớn nhất của dân tộc ta trong vòng 20 năm đầu thế kỉ XX. Ông còn là một nhà văn, nhà thơ lớn với những sáng tác ở nhiều thể loại. Bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" được sáng tác khi Phan Bội Châu bị bọn phiệt tỉnh Quảng Đông bắt giam. Bài thơ thể hiện phong thái ung dung đường hoàng đĩnh đạc, khí phách kiên cường bất khuất vượt lên cảnh tù túng của một chiến sĩ yêu nước. Mời các bạn tham khảo một số bài văn phân tích vẻ đẹp của bài thơ này trong bài viết đã được Toplist tổng hợp dưới đây.
Bài văn phân tích bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" số 6
Nền văn học dân tộc ta có biết bao bài thơ mang đậm ý chí kiên cường, bất khuất của các vị anh hùng lịch sử. trong đó tiêu biểu có bài “vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” của Phan Bội Châu. Nói về ý chí kiên cường. phong thái ung dung và hào hùng vượt lên cảnh ngục tù khốc liệt để an ủi giữ vững lí tưởng, niềm tin khát vọng cứu nước của tác giả.
Bài thơ được sáng tác trong những ngày cụ Phan Bội Châu bị chính quyền Trung Quốc bắt giam. Tuy nhiên với một niềm tin mãnh liệt, khát vọng cứu nước ta thấy hiện lên trong bài thơ là hình ảnh một vị anh hùng dân tộc dáng hình bất khuất phá vỡ mọi gông cùm của nhà lao.Phần đầu của bài thơ là hai câu đề: giới thiệu vấn đề cần nói tới:
“vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù”
Nhà thơ đặt vấn đề rất khéo léo, ở đây tác giả muốn nói tới hoàn cảnh bị bắt giam trong tù nhưng chính sự khéo léo đã làm vợi bớt phần nào cái nặng nề của hai chữ “nhà tù”. Ý hai câu thơ là: vào tù nhưng mình vẫn giữ được giữ tài trí và cách sống thanh cao của mình: là người có tài cao, chí lớn khác thường( hào kiệt), là người luôn giữ dáng vẻ lịch sự, trang nhã. Mình ở tù nhưng không do bị bắt mà vì do “mỏi chân”, tạm thời nghỉ ngơi lấy sức.
Tác giả có nói đến việc bị bắt nhưng không nhấn mạnh cái rủi ro, đau khổ, âu lo mà ngược lại coi đó là việc không to tát. Dẫu cũng chỉ là phút giây nghỉ ngơi sau chuỗi ngày hoạt động sôi nổi vừa rồi. Cách dùng điệp từ “vẫn” vang lên hào sảng thể hiện phẩm chất trước sau như một của con người cách mạng.
Nó trở thành cái cười tủm tỉm khi nhà thơ viết “hãy ở tù” biến sự bị động, mất tự do thành sự chủ động, mình muốn thế. Chính cái tinh thần hiên ngang ấy, khinh thường hoàn cảnh ấy khiến chúng ta càng thêm nể phục vị anh hùng không sợ chết, không sợ tù ải mà đầy ý chí tinh thần anh dung.Hai câu luận trình bày sự việc do phần đề đặt ra:
“Đã khách không nhà trong bốn biển
Lại người có tội giữa năm châu”
Khác với giọng điệu cười cợt, vui đùa như hai câu đề. Đây như lời tâm sự không phải để than thân mà để nói lên nỗi đau lớn trong tâm hồn người anh hùng. Tả người tù mà nói “khách không nhà, người có tội, năm châu” thì thật là cái cười nhạo báng với bọn sĩ quan nhà tù Quảng Đông.
Chữ “đã” và “lại” mở đầu càng nhấn mạnh thêm tình cảnh tù đầy người chiến sĩ. Song, “khách không nhà” với “năm châu”, nhà thơ như muốn vẽ chân dung một người tù phong cách phóng khoảng. nghệ thuật tiểu đối không làm ý thơ đối lập mà lại càng tôn lên chân dung phi thường của người tù: một con người năm châu bốn biển, của toàn thế giới.Đến với hai câu luận: bàn luận, mở rộng vấn đề:
“Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế
Mở miệng cười tan cuộc oán thù”
Tác giả khẳng định: chí lớn tài cao của người chiến sĩ cách mạng không gì có thể đè bẹp dẫu đó có là ở tù lao khổ ải. Lối nói khoa trương thể hiện sự lãng mạn nơi người anh hùng khiến chi con người không còn nhỏ bé nữa mà tầm vóc lớn lao như thần thánh. Tuy bị bắt nhưng vẫn dang tay, mở miệng thể hiện thái độ coi thường mọi khó khăn. Hai câu kết 7,8: nâng cao vấn đề hoặc bày tỏ cảm xúc của tác giả
“Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu”
Câu thơ vang lên hào sảng như củng cố thêm niềm tin, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho chính bản than mình của tác giả. Khẳng định niềm tin vào tương lai, coi thường cảnh tù lao. Hai tiếng “còn” đứng cạnh nhau tạo âm điệu chắc nịch khẳng định mạnh mẽ ý chí đấu tranh cho sự nghiệp cứu nước.
Bài thơ đã thổi hồn vào chúng ta một niềm tự hào về truyền thống bất khuất, hiên ngang người anh hùng cách mạng.Tinh thần bài thơ thể hiện thái độ ung dung, bất khuất, tràn đầy lạc quan cách mạng/ đồng thời khơi dậy nói chúng ta một tấm lòng yêu nước, ý chí phấn đấu, nhất là đối với thanh niên đương thời- một tấm lòng yêu nước, thương nòi.
Bài văn phân tích bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" số 5
Nhà ngục - đó là nơi chôn vùi ý chí chiến đấu của con người, là bóng đen mờ mịt với những mưu đồ, cạm bẫy trỗi dậy, rình rập sự sống. Vậy mà đối với Phan Bội Châu, đó chỉ là nơi thử lửa, là một "nhà trọ" cho những bước chân bôn tẩu cách mạng tạm dừng.
Không phải ngẫu nhiên mà đầu đề của bài thơ là Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông. Ra đời giữa chốn lao tù, nơi hiện hình của những bóng ma tội ác ghê tởm, con người dễ dàng bị nuốt chửng vào vòng quay của nó bởi sự bất lực và nỗi sợ hãi tầm thường. Bài thơ bằng chữ Hán vẫn không hề làm vơi đi tinh thần, khí khái làm người "xoay chuyển càn khôn". Những câu thơ tuôn ra từ chính tấm lòng của nhà thơ, là lời khẳng định chắc nịch cho quan niệm người anh hùng:
Vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù
Dẫu rằng là cảnh thân tù, "nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại" (một ngày ở tù bằng nghìn thu ở ngoài), lời thơ của cụ Phan Bội Châu vẫn giữ được cái điềm tĩnh, thoải mái của một con người luôn tự tin, lạc quan trước mọi hoàn cảnh, đó là tinh thần của bậc đại trượng phu với ý chí "uy vũ bất năng khuất" (uy vũ không thể khuất phục).
Trong tù, con người ấy đã phải chịu mọi nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, phải hằng ngày đối diện với khổ đau, đói rét và những tiếng rền rĩ , gào thét của biết bao thân tù hãm vang dội trong bốn bức tường khắc khổ, âm u. Vậy mà, câu thơ dường như không có một phút nào nhường chỗ cho con người yếu mềm.
Tất cả đều được lấp đầy bởi bức tranh con người sừng sững đứng giữa đất trời: Ta đã bôn ba giữa năm châu bốn biển, ta vì dân vì nước mà ở tù, ta lên tiếng đòi quyền tự do, quyền làm người chính đáng cho dân tộc ta, cớ sao ta lại phải chịu nhún nhường khuất phục trước bọn phản dân, hại nước kia? Cho nên cái lồng con con ấy, nào có là gì trước tư thế hiên ngang, lẫm liệt của trang "hào kiệt", tu mi nam tử đầu đội trời chân đạp đất và bậc "phong lưu" có cái lịch lãm, hào hoa.
Câu thơ là sự đối lập hoàn toàn giữa một bên là sự lớn lao, vĩ đại của một bậc anh hùng, hào kiệt và một bên là lũ ô hợp, hèn hạ, tầm thường. Đồng thời, với khẩu khí ngang tàng, cái hất hàm cười cợt, coi thường cái chết, Phan Bội Châu đã giúp ta hình dung ra tư thế của một con người luôn chủ động, luôn làm chủ hoàn cảnh, ngẩng cao đầu ngạo nghễ với lao lung. Hai câu thực là phút ngoảnh nhìn về những biến cố cuộc đời mà người cách mạng đã trải qua:
Đã khách không nhà trong bốn biển
Lại người có tội giữa năm châu
Trong cái khoảng trời đất bao la, khôn cùng kia, người anh hùng chẳng tìm thấy được một mái ấm, một quê hương. Bởi nhà đã tan, nước đã mất! Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau của một người con yêu nước, một nhà cách mạng chưa làm được gì cho dân tộc phải tạm dừng chân ở chốn lao tù. "Chạy mỏi chân thì hãy ở tù", giờ đây, tạm nghỉ chốn này, tâm hồn của cụ vẫn đang hướng về mảnh đất tổ tiên đang bị giày xéo bởi kẻ thù thực dân.
Ngẫm mà thấy đau cho một tấm lòng suốt đời vì sự nghiệp cứu nước lại kết thúc bước chân kiêu bạc tại chốn lao tù, cô độc, bởi phải mang tiếng là có "tội giữa năm châu". Phép đối trong hai câu thực "Đã - Lại" càng khiến cho những gió cát cuộc đời người anh hùng như dồn dập như khắc nghiệt hơn.
Nhưng nếu như nghĩ rằng câu thơ có một chút hơi hướng của sự bi lụy thì thật là sai lầm. Đặt nỗi đau khổ của nhà cách mạng vào không gian rộng lớn của bốn biển, năm châu, ta nhận ra tầm vóc lớn lao phi thường của người tù yêu nước Phan Bội Châu. Đã dấn thân vào hoạt động cách mạng, trong hoàn cảnh bị bủa vây truy đuổi bởi kẻ thù, nhưng Phan Bội Châu vẫn kiên định không sờn lòng nản chí.
Từ giọng điệu trầm hùng mà thống thiết, mạch cảm xúc của nhà thơ được nâng lên một tầm cao hơn không chỉ là cái tráng chí được hô to gọi lớn, không phải là một sự trấn an cho tinh thần mà là một lời nói tâm huyết với biết bao hoài bão, lý tưởng tốt đẹp:
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế
Mở miệng cười tan cuộc oán thù
Không phải hành động"giang tay" mà là cái "bủa tay ôm chặt" mạnh mẽ đã nói lên lý tưởng cao đẹp của một người anh hùng. Dầu đơn độc, cụ vẫn sống vẫn đợi chờ, lạc quan tin tưởng, vẫn ung dung ngạo nghễ trong cốt cách của một trang hào kiệt, một bậc phong lưu. Đó là vì lý tưởng cao đẹp ,là sự nghiệp cứu nước, cứu dân mà suốt đời cụ luôn ấp ủ:
Dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ"
(Bài ca chúc Tết thanh niên )
Giấc mộng làm trai gắn với những hoài bão tuổi trẻ của Phan Bội Châu từ lâu đã vượt ra khỏi thứ "công danh" tầm thường bó buộc của người trai thời phong kiến. Giờ đây, tư thế của người anh hùng đã vĩ đại, lớn lao, càng trở nên mạnh mẽ, phi thường hơn nữa. Hai câu luận với lối gieo từ đối nhau, từ những hình ảnh, hành động có tính cụ thể hữu hình "bủa tay - mở miệng", cho đến những mĩ từ vô hình vô hạn "bồ kinh tế", "cuộc oán thù" đã khái quát phương châm cách mạng hành động dứt khoát của Phan Bội Châu.
Đó là cái tráng chí của con người cách mạng dù rơi vào hoàn cảnh nguy nan vẫn không quên lý tưởng kinh bang tế thế, vẫn mở miệng cười trước những 'cuộc oán thù", chủ động trước bất kỳ thử thách nào. Nụ cười ấy chứa đựng niềm tin vào tiền đồ tất thắng của dân tộc, là sự khinh khi những trò hèn hạ truy bức của kẻ thù.
Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu
Chấn song tù giam được thể xác nhưng không giam nổi tâm hồn cụ hướng về đất nước! Bị kìm hãm, bị giam cầm nơi xứ lạ ,tinh thần đấu tranh của cụ Phan Bội Châu đã truyền đạt đến cho những chí sĩ yêu nước, một niềm tin tưởng vào sự nghiệp chiến đấu vì chính nghĩa của chính mình.
Dường như ở câu kết, với điệp từ "còn" dõng dạc dứt khoát trên cùng một câu thơ, người đọc đã thấy trước một tương lai tốt đẹp, một đất nước tự do, một cuộc sống đầy đủ an bình. Tinh thần bất khuất, không lùi bước của con người là cơ sở của niềm tin, đồng thời bao quát tư tưởng "anh hùng tạo thời thế" rất quyết liệt, không chờ "thời thế tạo anh hùng".
Dù sự nghiệp cứu nước không thành, nhưng tinh thần "sợ gì đâu" sẵn sàng thách thức với những hiểm nguy của một nhà cách mạng kiên cường, bất khuất vẫn làm ta cảm phục. Đó là lời của một con người đã đạp bằng hoàn cảnh và là sức mạnh tạo nên tư thế của bậc anh hùng "xem cái chết nhẹ tựa lông hồng". Mãi về sau, khi trở thành "ông già bến Ngự" hoàn toàn bị kìm kẹp tù hãm, ngọn gió yêu nước từ cụ Phan vẫn còn mạnh mẽ, lay động tâm hồn biết bao thanh niên , bao con người yêu nước:
Đời đã mới, người càng nên đổi mới
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Xúm vai vào xốc vác cựu giang sơn.
Bài thơ kết thúc mà lời thơ chưa kết thúc. Người đọc vẫn còn thấy đâu đây một con người uy phong đứng giữa đất trời, ung dung ngạo nghễ mà kiên định, bất khuất. Trong giây phút tuyệt vọng nhất, người anh hùng Phan Bội Châu vẫn không mất đi cái tráng chí, tinh thần thép của một nhà chí sĩ yêu nước Việt Nam, đã trở thành tấm gương sáng nghìn đời của dân tộc.
Bài văn phân tích bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" số 7
Đầu thế ki XX, khi các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược ở cả ba miền lần lượt thất bại, một bầu không khí đau thương bao trùm trên đất nước ta. Trong văn chương, bên cạnh những bài ca hùng tráng đã xuất hiện những tiếng thở than bi phẫn và bất lực.
Phong trào cần vương do vua Hàm Nghi khởi xướng đã bị dập tắt. Ông vua yêu nước bị chính quyền thực dân bắt đi đày trên một hòn đảo mịt mù giữa đại dương, cách biệt hẳn đất nước và dân tộc. Tuy vậy, chí báo thù phục quốc vẫn âm ỉ nung nấu trong mọi tầng lớp nhân dân.
Bước sang đầu thế ki XX, luồng gió mới của tư tưởng dân chủ tư sản từ u châu thổi tới, từ Nhật Bản, Trung Hoa tràn sang đã thúc đẩy những người có tâm huyết với sự nghiệp cứu nước lại náo nức khởi sự một cuộc đấu tranh theo khuynh hướng mới, với mục đích vừa đánh đuổi kẻ thù xâm lược, vừa tấn công vào giai cấp phong kiến tay sai cam tâm bán nước. Chủ trương của họ là khai thông dân khí, mở mang dân trí, chấn hưng công thương nghiệp, để nước nhà phát triển toàn diện, đạt tới mức văn minh, giàu mạnh.
Phương pháp thực hiện có thể khác nhau (có phải chủ trương bạo động, có phái chủ trương ôn hòa) nhưng đều nhằm mục đích cao cả là đem lại độc lập, tự do cho dân tộc. Bởi thế, các khuynh hướng không loại trừ nhau mà hợp nhất thành cao trào đấu tranh cách mạng lan rộng khắp nơi. Thực dân Pháp khủng bố dã man, phong trào tạm lắng, những người lãnh đạo phần lớn phải vào tù hoặc lưu lạc ở nước ngoài.
Một số chí sĩ cách mạng nổi tiếng đầu thế ki XX như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… đều xuất thân là nhà Nho nhưng lại tiếp thu rất nhanh những tư tưởng tiến bộ của thời đại. Trong lao tù của bọn thực dân, họ thường làm thơ để bày tỏ chí khí. Đó là những lời gan ruột, tâm huyết của những người anh hùng cứu nước nên có sức mạnh làm rung động lòng người.
Từ năm 1912, thực dân Pháp đã kết án tử hình vắng mặt nhà chí sĩ Phan Bội Châu. Khi bị bọn quân phiệt tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) bắt giam và biết chúng có ý định trao trả cho Pháp, cụ Phan Bội Châu đã nghĩ rằng mình khó có thể thoát chết. Bởi thế, đầu năm 1914, ngay từ những ngày đầu bị giam vào ngục, cụ đã viết Ngục trung thư; nhằm ghi lại những điều tâm huyết để lại cho đồng bào, đồng chí.
Bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác theo lời cụ là làm để tự an ủi mình. Cụ còn kể rằng sau khi làm xong, cụ đã “ngâm nga lớn tiếng rồi cả cười vang động cả bốn vách, hầu như không biết thân mình đang bị nhốt trong ngục”. Nội dung bài thơ như sau:
Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu,
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
Đă khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu.
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.
Bài thơ mang đậm khẩu khí anh hùng này đã khắc họa rõ nét khí phách hiên ngang, bất khuất và hình ảnh tuyệt đẹp của người chiến sĩ cách mạng lúc sa cơ. Thể thơ thất ngôn bát cú gồm 4 phần: đề, thực, luận, kết, mỗi phần chỉ có hai câu ngắn gọn nhưng lại chứa đựng một nội dung cực kì hàm súc. Hai câu đề:
Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu,
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
Một tù nhân mà vẫn tự khẳng định mình là bậc hào kiệt, phong lưu, điều đó thể hiện phong thái đường hoàng, tự tin, vừa ung dung, thanh thản, vừa hiên ngang bất khuất, lại vừa tài hoa tài tử. Người chiến sĩ cách mạng chẳng may rơi vào vòng tù ngục thì cứ coi như người đi đường dài chạy mỏi chân thì nghỉ một chút để lấy sức đi tiếp. Thực chất không phải như vậy.
Cụ Phan kể rằng trên đường bị áp giải đến nhà lao, bọn lính đã đối xử với cụ rất tàn nhẫn: nào trói tay, nào xiềng chân. Vào ngục, cụ lại bị giam chung một chỗ với bọn tử tù. Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Đúng là như vậy ! Bị giam cầm có nghĩa là bị tước đoạt tự do, bị đày đọa cả về thể xác lẫn tinh thần và cận kề cái chết.
Ấy vậy mà người anh hùng vẫn ngẩng cao đầu và cảm thấy mình vẫn hoàn toàn tự do về mặt tinh thần. Xuất phát từ nhận thức đúng đắn ấy nên khi bàn đến sự sống chết, Phan Bội Châu vẫn nói bằng giọng cười cợt như vậy. Đây là lối thơ khẩu khí khá phổ biến trong văn chương dùng để nói lên chí lớn của người xưa. Hai câu thực:
Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu.
Nhà thơ tóm lược về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Mười năm lưu lạc, khi Nhật Bản, khi Trung Quốc, khi Xiêm La (Thái Lan), xa mái ấm gia đình, chịu trăm ngàn cực khổ về vật chất, cay đắng về tinh thần; thêm vào đó là sự hiểm nguy thường xuyên đe dọa vì cụ Phan là đối tượng truy nã đặc biệt của thực dân Pháp và đã bị chúng kết án tử hình vắng mặt. Phan Bội Châu nói như vậy không phải là để than thân mà chỉ nêu lên bi kịch chung của các chí sĩ yêu nước thời bấy giờ.
Cuộc đời đầy sóng gió của cụ Phan gắn liền với tình cảnh nô lệ của đất nước, đồng bào. Giọng điệu trầm thống của hai câu thơ trên phần nào thể hiện được tâm trạng đau đớn, xót xa của bậc anh hùng cứu nước. Hai câu luận:
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Đúng là khẩu khí của một bậc đại trượng phu. Cho dù gặp hoàn cảnh bi đát đến mức độ nào thì lí tưởng kinh bang tế thế, lo đời giúp dân của Phan Bội Châu vẫn không thay đổi. Trước sau cụ vẫn một lòng theo đuổi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc ra khỏi ách thống trị của giặc ngoại xâm. Lí tưởng và mục đích cao cả ấy đã giúp cụ giữ vững khí tiết cương cường, tư thế hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù.
Lối nói khoa trương này thường được dùng nhiều trong thơ ca lãng mạn, nhất là trong anh hùng ca. Nó nâng cao tầm vóc và năng lực của con người lên đến mức siêu nhiên, thần thánh. Từ thuở thanh niên, Phan Văn San (tên thật của Phan Bội Châu) đã nuôi chí lớn chờ thời cơ cứu nước:
Phùng xuân hội, may ra, ừ cũng dễ,
Nắm địa cầu vừa một ti con con.
Đạp toang hai cánh càn khôn,
Đem xuân vẽ lại cho non nước nhà…
(Chơi xuân)
Gần như suốt cuộc đời, cụ Phan đã chấp nhận gian khổ, hi sinh để theo đuổi và thực hiện lí tưởng thiêng liệng ấy. Hai câu kết:
Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.
Ý chí gang thép và niềm tin to lớn của người anh hùng quả là không gì lay chuyển nổi. Con người ấy còn sống nghĩa là còn tiếp tục chiến đấu, còn tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng, vì thế mà bất chấp mọi thử thách gian nan.Từ còn lặp lại hai lần liền nhau ở giữa câu thơ vừa có tác dụng ngắt nhịp, vừa nhấn mạnh ý thơ. Hai câu kết như một tuyên ngôn dõng dạc, dứt khoát, có sức truyền cảm mạnh mẽ, lớn lao, lay động hồn người.
Phan Bội Châu được nhân dân tôn vinh là một trong những nhà chí sĩ yêu nước và cách mạng nổi tiếng đầu thế kỷ XX. Tên tuổi và gương sáng của cụ ảnh hưởng rộng rãi tới phong trào giải phóng dân tộc không chi trong thời kì đó mà mãi mãi về sau.
Người chiến sĩ cách mạng lão thành họ Phan dù trải qua bao giông bão cuộc đời vẫn giữ vững khí tiết của một bậc chính nhân quân tử: Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất. (Giàu sang không thể làm cho mê đắm, nghèo khó không thể làm cho thay lòng đổi dạ, uy vũ không thể làm cho khuất phục). Tuy xuất thân từ cửa Khổng sân Trình nhưng cụ đã vượt khỏi khuôn khổ cứng nhắc của giáo lí thánh hiền để tiếp cận tư tưởng dân chủ, dân quyền mới.
Trước cảnh đồng bào đang chịu cảnh lầm than, nô lệ, cụ đau đớn, xót xa và nuôi khát vọng xoay chuyển càn khôn, đánh đuổi quân thù, đem xuân vẽ lại cho non nước nhà. Với lí tưởng cao đẹp đó, cụ lao vào cuộc đấu tranh, bất chấp mọi gian khổ, hi sinh, thậm chí đối diện với cái chết, cụ cũng không sờn lòng, nản chí. Bởi thế nên đối với cụ, dẫu có sa cơ, rơi vào vòng tù ngục thì chẳng qua cũng chỉ là dừng bước tạm nghỉ trên con đường đấu tranh lâu dài và gian khổ.
Ở bài thơ này, các biện pháp nghệ thuật thường thấy trong thơ Đường như nghệ thuật đối: bốn biển – năm châu, bủa tay – mở miệng, bồ kinh tế – cuộc oán thù… được sử dụng hợp lí đã làm cho tầm vóc của nhân vật trữ tình trở nên lớn lao, kì Vĩ, phù hợp với giọng điệu hào hùng. Cảm xúc chân thành của tác giả đã tạo nên sức sống bất diệt cho bài thơ.
Bài văn phân tích bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" số 3
Với cảm hứng hào hùng, đậm chất anh hùng ca, bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" của Phan Bội Châu đã để lại trong long người đọc nhiều dư âm. Hình tượng người tù hiên ngang, bất khuất, đầy chí khí giữa ngục tù tăm tối được tạc lên thật sinh động, đáng ngưỡng mộ.
Hình ảnh của người chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu hiện lên thật hiên ngang, đầy khí phách, không hề run sợ trước ngục tù nhiều bất công, ngang trái. Bài thơ được lấy nhan đề "Vào nhà ngục quảng đông cảm tác" bắt nguồn từ chính hoàn cảnh của người chí sĩ. Đây cũng là dòng cảm xúc chủ đạo làm nên tình thần tráng ca bất diệt của bài thơ. Hai câu thơ đầu cất lên như chính tiếng lòng của người chí sĩ, ông xem việc ngồi tù rất bình thường:
Vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù
Đấng nam nhi sinh ra trên đời này phải làm việc lớn, phải gánh vác trọng trách của đất nước, vì nhân dân mà phấn đấu và cố gắng hết mình. Phan Bội Châu xem việc ở tù như việc đi mỏi chân thì ngồi nghỉ. Tâm thế rất điềm tĩnh, không hề nao núng và lo sợ. Đây chính là nhân cách và phẩm giá của một anh hùng trong thiên hạ.Người chí sỹ vẫn tự nhận thấy mình vẫn «hào kiệt» và «phong lưu», vẫn có thể dời non lấp biển, có thể đi khắp năm châu nên chỉ một phút sa cơ như thế này sẽ không bao giờ làm giảm chí lớn.
Ở tù không phải là việc gì đó lớn lao, không cần phải bận tâm quá nhiều, coi như sa cơ lỡ bước một lúc, coi như đây là thời gian đẻ nghỉ ngơi, để có thể bàn mưu tính nghiệp lớn sau này. Hai câu thơ hoàn toàn đối lập nhau nhưng lại hỗ trợ nhau làm nổi bật hình ảnh người chí sỹ yêu nước có tâm thế vững vàng. Hai câu tiếp theo, Phan Bội Châu nhìn lại cuộc đời mình ở hiện tại và ở quá khứ với một tư thế bình tĩnh :
Đã khách không nhà trong bốn biển
Lại người có tội giữa năm châu
Mặc dù ở tù nhưng người chí sĩ vẫn luôn hướng về đất nước đang chịu cảnh nô lệ, lầm than. Ông ngẫm cảnh đời mình phiêu bạt năm châu bốn biển và ngẫm cảnh đất nước chìm trong máu và nước mắt. Giữa đất trời rộng lớn, chẳng có một nói nào gọi là nhà, chẳng có một nơi nào mà người chí sỹ có thể nghỉ một giây, một lát.
Sự cô đơn, lạc lõng trong con đường cứu nước cứu dân. Bế tắc rơi vào bế tắc khi thân mang trọng tội. Hai từ «đã» và «lại» được đặt ở đầu câu đã như nhấn mạnh và cứa sâu hơn nữa nỗi lòng của người chí sĩ. Đã nước mất nhà tan lại còn mang tội trong người. Sự xót xa, niềm nhớ thương về đất nước cứ cuộn cuộn chảy trong trái tim của người anh hùng. Tiếp nối giọng điều trầm lắng, da diết ở hai câu thơ trên, mạch cảm xúc bỗng nhiên chuyển đỏi đột ngột ở hai câu tiếp theo :
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế
Mở miệng cười tan cuộc oán thù
Hai câu thơ cất lên từ chính trái tim của Phan Bội Châu chính là lý tưởng, là lẽ sống, là con đường mà ông đã lựa chọn để cứu dân cứu nước. Tác giả dùng từ «bủa tay» khẳng định chắc nịch và mạnh mẽ lý tưởng ấy. Ông muốn ôm lấy dân lấy nước, muốn có thể dùng chút sức lực của mình để mang lại hạnh phúc cho nhân dân.
Trong nhân gian, thế sự đổi thay, kẻ thù đã gây nên bao nỗi đau mất mát và chính cuộc đời Phan Bội Châu cũng phải chứng kiến nhiều đau thương nhưng ông vẫn luôn lạc quan và kiên cường. Đây chính là tinh thần đáng ngưỡng mộ, đáng học hỏi của Phan Bội Châu.
Dẫu mát mát và gian nan còn nhiều nhưng ý chí và quyết tâm của người chí sĩ yêu nước vẫn còn vang vọng cùng non sông, đất nước. Đúc kết ở hai câu thơ cuối chính là hoài bão lớn lao của ông :
Thân này hãy còn, còn sợ nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu
Câu thơ như một lời thề sắt son, như một lời tuyên ngôn của một người đang chịu cảnh lao tù tăm tối. Nhưng dường như chốn ngục tù ấy không thể giam cầm nổi một con người, một tấm lòng trung đối với đất nước. Ông khẳng định rằng chỉ còn mình đang sống thì sự nghiệp cứu đất nước sẽ vẫn còn đó. Ông sẽ dốc hết sức lực của mình để hoàn thành sự nghiệp đó. Những nguy hiểm, gian lao đối với Phan Bội Châu không là vấn đề gì. Tinh thần bất khuất, khảng khái, không sợ hiểm nguy ấy của Phan Bội Châu khiến người đọc cảm phục trước một tấm lòng trung cao thượng.
Bài thơ «Vào nhà ngục quảng đông cảm tác» khiến cho người đọc ngưỡng mộ, khuất phục trước một hình ảnh Phan Bội Châu kiên cường bất khuất. Đất nước chúng ta có được hòa bình như hôm nay chính là nhờ công sức của những người như Phan Bội Châu.
Bài văn phân tích bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" số 9
Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX đã khắc hoạ thành công nhiều hình tượng nhân vật anh hùng mà bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác là một trong những tác phẩm tiêu biểu. Bài thơ đã đem đến cho chúng ta một cảm nhận đẹp về nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu.Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, đồng bào lầm than cực khổ, Phan Bội Châu rất đau lòng.
Tấm lòng yêu nước thương dân thiết tha sâu sắc thôi thúc người thanh niên Phan Văn San quyết chí tìm đường cứu nước. Cuộc đời cách mạng đầy gian truân sóng gió, đầy bất trắc hiểm nguy vẫn không làm ông sờn lòng nản chí, mà càng hun đúc thêm cái khí phách anh hùng nơi ông. Và đây, một hình ảnh tuyệt đẹp về người anh hùng đó:
Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu.
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.
(Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác)
Bài thơ được viết khi Phan Bội Châu bị chính quyền Quảng Đông bắt giam năm 1913, trước đó, năm 1912, ông đã bị chính quyền thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt. Cho nên, khi bị bọn quân phiệt Quảng Đông bắt giam và có ý định trao ông cho thực dân Pháp, ông nghĩ rằng mình khó có thể thoát khỏi cái chết. Bài thơ cũng có thể coi như lời tâm huyết cuối cùng của ông.
Càng đọc bài thơ ta càng cảm phục tư thế lẫm liệt của con người cách mạng, lúc sa cơ lỡ bước lâm vào cảnh tù ngục hiểm nghèo. Đứng trước ngưỡng cửa của cái chết, Phan Bội Châu vẫn rất ngang tàng:
Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
Một phong thái thật đường hoàng, tự tin, thật ung dung thanh thản. Việc bị bắt trở thành sự chủ động dừng chân nghỉ ngơi trên chặng đường bôn tẩu dài dặc. Tiếng cười cất lên ngạo nghễ giữa song sắt nhà tù, bất chấp gông cùm xiềng xích, khắc tạc người anh hùng đứng cao hơn mọi sự cùm kẹp, đày đọa của kẻ thù, cảm thấy mình hoàn toàn tự do thanh thản về mặt tinh thần.Vừa ngạo nghễ cười trên gông cùm, xiềng xích, Phan Bội Châu quay lại với thực tại chua xót cay đắng:
Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu.
Kể từ khi Phan Bội Châu từ biệt Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước đến nay đã gần 10 năm. 10 năm trôi lưu lạc nơi đất khách quê người, không một mái ấm gia đình, bao nhiêu sự cực khổ về vật chất, cay đắng về tinh thần! Thêm vào đó là sự săn đuổi, truy lùng của kẻ thù. Tình cảnh của nhà cách mạng yêu nước quả thật là một bi kịch lớn, khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi.
Nhưng đằng sau bi kịch riêng của cá nhân là bi kịch của cả một dân tộc, một đất nước. Nước đã mất thì nhà đâu còn! Lúc bấy giờ không chỉ có Phan Bội Châu, còn bao nhà cách mạng khác như Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc cũng bị lâm vào hoàn cảnh khách không nhà trong bốn biển, bị săn đuổi khắp năm châu.
Đọc hai câu thơ, ta bỗng thấy tầm vóc người tù yêu nước vụt trở nên lớn lao phi thường. Nỗi đau của Phan Bội Châu trở thành nỗi đau lớn lao của bậc anh hùng, là nỗi đau thương của cả một đất nước.Đến đây ta mới thấy hết khí phách anh hùng của Phan Bội Châu. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt khách không nhà, người có tội, ông vẫn giữ vững chí khí hào kiệt.Và người anh hùng hào kiệt ấy còn nguyên vẹn khí phách và chí lớn:
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Một hình ảnh lãng mạn tuyệt đẹp! Hoài bão kinh bang tế thế (lo nước, cứu đời) đã đưa người chiến sĩ cách mạng Phan Bội Châu từ một người tù nhỏ bé vụt lớn lên trở thành một hình ảnh lớn lao đến mức phi thường, thần thánh.Nhìn lại cuộc đời Phan Bội Châu, hoài bão cứu nước, cứu đời đã được ông ôm ấp từ khi còn là chàng thanh niên Phan Văn San:P
hùng xuân hội, may ra, ừ cũng dễ
Nắm địa cầu vừa một tí con con
Đạp toang hai cánh càn khôn,
Đem xuân vẽ lại trên non nước nhà.
Khát vọng ấy, chí lớn ấy không hề suy giảm ngay cả khi ông đã vào trong ngục tù. Cận kề với cái chết nhưng ông vẫn ngạo nghễ cười trước mọi thủ đoạn tàn bạo của kẻ thù.Tinh thần cách mạng lạc quan đã tạo nên sức mạnh để ông chiến thắng hoàn cảnh, giữ vững ý chí chiến đấu sắt son của mình:
Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.
Đó là ý chí của con người đứng cao hơn cả cái chết. Kẻ thù có thể giam cầm, đày đoạ người cách mạng, nhưng chúng không thể lung lạc được tinh thần của họ, không thể đánh gục ý chí của họ. Sau này nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh lại khẳng định:
Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao
Muốn nên sự nghiệp lớn
Tinh thần phải càng cao
(Trích Nhật kí trong tù)
Đọc xong bài thơ, gấp sách lại, những hình ảnh kỳ vĩ của nhà cách mạng lớn của dân tộc với những hoài bão cao đẹp, với khí phách kiên cường và tấm lòng yêu nước cháy bỏng vẫn còn in đậm trong tâm trí người đọc, tạo nên sự cảm phục và ngưỡng mộ sâu sắc.
Bài văn phân tích bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" số 4
Bài thơ Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông nói về ý chí kiên cường, với phong thái dung dung và hào hùng vượt lên cảnh ngục tù khốc liệt để an ủi mình giữ vững lí tưởng, niềm tin và khát vọng cứu nước cứu dân của cụ Phan Bội Châu trong những này bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ. Hai câu 1, 2 là hai câu đề: Giới thiệu vấn đề cần nói tới.
"Vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù".
Cách vào đề rất khéo. Ở đây nhà thơ muốn nói tới hoàn cảnh mình bị bắt giam. Ý của hai câu có thể diễn đạt lại: Vào tù mình vẫn giữ được tài trí và cách sống của mình: là người có tài cao, chí lớn khác thường (hào kiệt), là người luôn giữ dáng vẻ lịch sự, trang nhã (phong lưu). Mình ở tù không phải do bị bắt mà vì chạy mỏi chân (tức hoạt động cách mạng đã nhiều), tạm thời nghỉ ở đây.
Tác giả có nói đến việc bị bắt vào nhà tù nhưng không nhấn mạnh khía cảnh rủi ro, đau khổ hoặc âu lo, khiếp sợ. Ngược lại, nhà thơ coi việc đó chẳng có gì khủng khiếp, đáng buồn, đó chỉ là những giây phút nghỉ ngơi sau những ngày hoạt động sôi nổi. Mặc dầu trong hồi tưởng cụ viết: "Thật từ lúc cha sanh mẹ đẻ đến nay, chưa lúc nào nếm mùi thất bại chua xót như bây giờ".
Giọng điệu thản nhiên pha chút đùa vui ở hai câu đầu đã được thể hiện ngay từ cách dùng điệp từ «vẫn" đi liền với hai tính từ thể hiện phẩm chất trước sau như một của nhà cách mạng (hào kiệt, phong lưu). Nó trở thành cái cười tủm tỉm khi nhà thơ hạ ở cuối câu thứ hai cụm từ «thì hãy ở tù", biến sự việc bị động, mất tự do thành việc chủ động do mình muốn thế. Hai câu 3 -4 là hai câu luận: Trình bày sự việc do phần đề đặt ra.
"Đã khách không nhà trong bốn biển
Lại người có tội giữa năm châu"
Hai câu thơ này khác với giọng điệu cười cợt, vui đùa như hai câu đề. Ở đây như lời tâm sự không phải để than thân mà để nói lên nỗi đau đớn lớn lao trong tâm hồn người anh hùng. Tả người tù mà nói "khách không nhà", "người có tội" với "năm châu" thì thật đúng là cái cười nhạo báng đối với nhà tù của bọn quân phiệt tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Chữ "đã", chữ "lại" mở đầu hai câu thực càng nhấn mạnh thêm tình cảnh tù đày của người chiến sí cách mạng. Song gắn "khách không nhà" với "năm châu", nhà thơ như muốn vẽ chân dung một người tù một phong cách phóng khoáng hơn. Nghệ thuật đối (trong hai câu 3, 4 là hai câu luận) không làm cho ý thơ đối chọi.
Ngược lại, sự đối lập ấy lại càng tôn hơn lên chân dung khác thường của người tù: một con người của năm châu, bốn biển, của toàn thế giới. Hai câu 5, 6 là hai câu luận: Bàn luận, mở rộng vấn đề.
"Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế
Mở miệng cười tan cuộc oán thù".
Ở đây tác giả khẳng định: chí lớn tài cao của người chiến sĩ cách mạng không cảnh tù đày nào có thể đè bẹp. Lối nói khoa trương ở đây thể hiện sự lãng mạn, anh hùng ca, khiến cho con người không còn nhỏ bé nữa mà có tầm vóc lớn lao như thần thánh. Tuy bị bắt nhưng người tù vẫn "dang tay", "mở miệng" thể hiện thái độ coi thường, coi khinh mọi khó khăn trước mắt. Hai câu 7 - 8 là hai câu kết: Nâng cao vấn đề hoặc bày tỏ cảm xúc của tác giả.
"Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu".
Trong bài thơ này, hai câu kết khẳng định dứt khoát niềm tin của nhà thơ vào tương lai, thể hiện thái độ coi thường lao tù nguy hiểm. Hai tiếng "còn" đứng cạnh nhau tạo nên âm điệu khẳng định mạnh mẽ ý chí đấu tranh cho sự nghiệp cứu nước. Em cảm nhận như hai tiếng trống chắc nịch, âm vang kích động lòng người, kết thúc một bản hùng ca.
Bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của cụ Phan Bội Châu được làm ngay sau khi cụ bị bắt vào nhà ngục Quảng Đông, đã truyền vào tâm hồn chúng ta một niềm tự hào về truyền thống bất khuất, hiên ngang của các nhà cách mạng tiền bối. Tinh thần của bài thơ thể hiện sự đàng hoàng, hiên ngang, tràn đầy niềm lạc quan cách mạng. Bài thơ có sức truyền cảm lớn, đã khơi dậy lòng yêu nước, ý chí kiên cường, kích thích người đọc - nhất là thanh niên thời ấy- một tấm lòng yêu nước, thương nòi.
Bài văn phân tích bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" số 2
Trong cuốn Văn thơ Phan Bội Châu, giáo sư Đặng Thai Mai có nhận xét: "Phan Bội Châu là một người can đảm, vui vẻ trong những giờ phút nguy hiểm và hoạn nạn". Đúng vậy, những ngày bị cầm tù ở Quảng Đông, đối diện với cái chết, Phan vẫn ung dung, lạc quan. Đọc bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác ta sẽ bắt gặp được cái tư thế tuyệt đẹp của nhà chí sĩ cách mạng:
Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu,
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu.
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy hiểm sự thật đâu.
Năm 1912, Phan bị chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương tuyên án tử hình vắng mặt và năm 1913 ông bị bắt ở Quảng Đông. Bọn quân phiệt Quảng Đông hí hửng định dùng tính mạng của nhà chí sĩ cách mạng Việt Nam làm cuộc trao đổi với bọn thực dân Pháp ở Đông Dương để mượn đường xe lửa xuyên Việt. Cuộc mặc cả giữa bọn chúng không thành, Phan bị cầm tù đến năm 1917 mới được trả tự do.
Tuy bị sa cơ thất thế, bị kẻ thù giam hãm nhưng Phan vẫn không xem mình là kẻ thất bại. Ông thản nhiên nói:
Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu,
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
Nhà tù chỉ là nơi tạm dừng chân nghỉ ngơi trên con đường quanh đầy cam go. Một thái độ bình thản, một giọng điệu bông đùa, cười cợt của một người coi khinh tù đày, nguy hiểm. "Có thể nói lạc quan chủ nghĩa đó cũng là một đặc tính của người dân xứ Nghệ" (Đặng Thai Mai). Ba mươi năm sau, trong nhà lao của bọn quân phiệt Tưởng Giới Thạch ta lại bắt đầu gặp một con người của xứ Nghệ cũng có cái cách "pha trò" hóm hỉnh ấy:
Ăn cơm nhà nước ở nhà công,
Lính tráng thay phiên đến hộ tòng;
Non nước dạo chơi tùy sở thích,
Làm trai như thế cũng hào hùng!
(Pha trò - Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh)
Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh, hai nhà thơ yêu nước vĩ đại của dân tộc có những nét tương đồng thật thú vị. Vào tù, sống trong sự kiềm kẹp của kẻ thù nhưng Phan vẫn ung dung thanh thản, vẫn giữ cái cối cách của con người có tài cao chí lớn, hơn người, vẫn giữ cái vẻ trang nhã lịch sự.
Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu. Câu thơ mở đầu bài thơ bằng điệp từ "Vẫn" để khẳng định một thái độ vững vàng không hề nao núng, ngả lòng trước hoàn cảnh thách thức nghiệt ngã. Phan là con người có chí lớn, tung hoành dọc ngang không ràng buộc bởi cuộc sống gia đình cá nhân chật hẹp. Năm châu, bốn bể với cụ là nhà:
Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu.
Con đường cách mạng còn dang dở, sự nghiệp chưa thành, nay làm thân tù tội, cụ tự coi mình là "người có tội giữa năm châu". Đây là một thái độ "tự phê phán" nghiêm khắc, thẳng thắn và cảm động. Cho đến cuối đời, Phan vẫn canh cánh bên lòng nợ nước chưa báo đền, vẫn mặc cảm về cái "tội" của mình với đất nước non sông.
Phan là người của "bốn bể", "năm châu", một chân dung khoáng đạt của một người anh hùng thời đại khác hẳn với bọn người cá chậu, chim lồng nhỏ nhen. Vì vậy, cho dù thân bị tù đày nhưng khí tiết sắt đá của người anh hùng không gì có thể chuyển lay được:
Bùa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Mộng "kinh bang tế thế", giúp nước, cứu đời vẫn còn đây và quyết chí thực hiện đến cùng. Lí tưởng đó đã được nhen nhóm trong Phan từ khi dấn thân vào con đường cách mạng, ngay từ những ngày đầu trên đường "xuất dương lưu biệt". Cụ hăm hở:
Muốn vượt bể Đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.
(Xuất dương lưu biệt)
Con người có hoài bão lớn lao như vậy, cho dù có sa cơ thất thế vẫn ung dung, ngạo nghễ. Tiếng cười sảng khoái cất lên trong hoàn cảnh lao lung đối diện với gian nguy thử thách chính là thái độ thách thức và chiến thắng của tinh thần cách mạng. Bài thơ được kết thúc bằng một niềm tin mãnh liệt:
Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy hiểm sự gì đâu.
Hai từ "còn" đi liền nhau giữa hai nhịp thơ tạo nên một âm hưởng mạnh mẽ. khẳng định ý chí sắt đá, niềm tin tưởng lạc quan sáng ngời. Bị sa vào tay giặc, có nguy cơ bị trao cho thực dân Pháp ở Đông Dương để thi hành bản án tử hình, nhưng người chiến sĩ cách mạng tuyệt nhiên không một thoáng nao núng bi quan. Toàn bộ bài thơ toát lên một phong thái ung dung tự tại, một niềm tin sáng ngời.
Không có chủ định lập nghiệp bằng con đường văn chương, văn chương với Cụ chỉ là một phương tiện để tuyên truyền, vận động cách mạng. Nhưng những lời viết ra từ tâm huyết của một con người nguyện cả cuộc đời dâng hiến vì sự nghiệp cứu dân, cứu nước lại có sức truyền cảm mạnh mẽ. Văn chương của Cụ đi vào lòng người khơi dậy nhiệt tình yêu nước và niềm tin. Phan Bội Châu không những là một nhà cách mạng lỗi lạc mà còn là nhà thơ lớn của dân tộc.
Bài văn phân tích bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" số 10
Trong dòng văn học yêu nước đầu thế kỷ XX bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác là một tác phẩm để lại khá nhiều ấn tượng trong lòng người đọc. Với cảm xúc trữ tình cách mạng, mang âm hưởng lãng mạn hào hùng, bài thơ đã để lại cho đời sau một hình ảnh tuyệt đẹp về tư thế của con người cách mạng lúc sa cơ lỡ bước lâm vào hoàn cảnh tù ngục hiểm nghèo.
Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh lao tù nghiệt ngã, gắn với tên tuổi của một bậc chí sĩ cách mạng, một bậc anh hùng hào kiệt là Phan Bội Châu.Tư tưởng yêu nước thấm đẫm trong tâm hồn “Nay ta hát một thiên cứu quốc”! Yêu gì hơn yêu nước nhà ta, đã thôi thúc chàng thanh niên Phan Văn San nuôi chí lớn:
Đúc gan sắt để dời non lấp bể
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ
(Bài ca chúc tết thanh niên)
Chí khí đó đã khiến Phan Bội Châu không quản gian lao, hi sinh cứu nước.Trên hành trình tìm đường cứu nước, cụ Phan chịu không ít gian khổ đắng cay: khi thì bị trục xuất khỏi Nhật, lúc bị truy lùng săn đuổi ở Xiêm la, và nay là cảnh lao tù trong nhà ngục của bọn quân phiệt Quảng Đông.
Đối với cụ Phan, bước chân vào nhà tù đồng nghĩa với việc cận kề cái chết bởi trước đó, chính quyền thực dân Pháp đã kết án tử hình cụ. Tuy nhiên, bài thơ không hề có một chút bi quan tuyệt vọng, mà ngược lại, bao trùm lên đó ià một âm hưởng hào hùng. Âm hưởng ấy được tạo nên bởi cảm xúc trữ tình cách mạng mãnh liệt. Trước hết chúng ta hãy cùng nhau đọc lại bài thơ để cảm nhận được cái hào khí của một bậc anh hùng hào kiệt:
Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu.
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.
Tám câu thất ngôn bát cú Đường luật giản dị, tự nhiên mà hàm chứa thật nhiều ý nghĩa. Bài thơ mở đầu bằng hai câu với khẩu khí rất ngang tàng, ngạo nghễ:
Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
Chạy mỏi chân thì hãy ờ tù, ta nghe trong câu thơ dường như có tiếng cười của một con người coi thường mọi gông cùm xiềng xích, coi nhà tù của bọn đế quốc chỉ là nơi tạm nghỉ, tạm dừng chân trên chặng đường cách mạng dài dặc của mình. Với tư thế của một con người không bị trói buộc bởi gông cùm xiềng xích, ở cụ Phan toát lên một phong thái ung dung, thanh thản, đường hoàng tự tin.
Phong thái ấy chỉ có thể có được ở những con người biết làm chủ hoàn cảnh. Con người ấy có quyền ngẩng cao đầu kiêu hãnh tự khẳng định mình: vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu.Từ giọng ngang tàng, ngạo nghễ ở hai câu đề, bài thơ chuyển sang giọng trầm thống ở hai câu thực. Mạch cảm xúc trữ tình có pha chút chua xót, cay đắng:
Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu.
Hai câu thơ giúp ta hình dung ra cuộc đời bôn ba chiến đấu đầy sóng gió, hiểm nguy mà cụ Phan từng nếm trải. Nhưng tại sao lại là Khách không nhà trong bốn biển? Mười năm trời lênh đênh lưu lạc khi Nhật Bản, lúc Trung Quốc, khi Xiêm La, hỏi làm gì có nhà. Vả lại nước đã mất thì nhà tan. Từ thế kỷ XIII, Trần Quốc Tuấn đã từng cảm nhận thấm thía điều này. Và với những bậc chí sĩ cách mạng thời nay Non sông đã mất sống thêm nhục thì khách không nhà là điều cũng dễ hiểu.
Nhưng còn người có tội giữa năm châu? Câu thơ nghe thật đau xót! Một người yêu nước sâu sắc và mạnh mẽ như cụ Phan, thương xót đồng bào hơn cả bản thân mà bỗng trở thành người có tội, bị săn đuổi, truy lùng và bị kết án tử hình! Đối với bọn đế quốc thực dân, phàm những ai yêu nước, muốn cứu nước, cứu dân tộc đều bị coi là có tội. Cái tội đó chúng không chỉ gán cho riêng cụ Phan. Nhà cách mạng Hồ Chí Minh cũng đã từng phải chua xót thốt lên:
Phạm tội gì đây ta tự hỏi
Tội trung với nước, với dân à?
(Nhật ký trong tù)
Như vậy, đằng sau bi kịch riêng của những chí sĩ cách mạng là bi kịch của cả một dân tộc, là tình cảnh thương tâm của cả một đất nước. Nỗi đau của cụ Phan không còn là nỗi đau riêng mà trở thành nỗi đau lớn lao của cả dân tộc. Chính nỗi đau ấy đã nâng tầm vóc người tù yêu nước trở nên phi thường.
Đối với bậc anh hùng, đau thương nhưng không bi luỵ. Người tù chỉ để lòng mình lắng lại một chút với cảm xúc đau thương, rồi lại quay trở lại với khí phách ngang tàng ban đầu:
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Hai câu luận đã bày tỏ được khát vọng mãnh liệt mà cụ Phan từng ôm ấp: Khát vọng kinh bang tế thế (lo nước cứu đời). Hình ảnh thơ có tính chất lãng mạn kiểu anh hùng ca khiến nhân vật trữ tình dường như không còn là con người thật, con người nhỏ bé bình thường trong vũ trụ nữa mà vụt lớn lên, từ tầm vóc đến năng lực đều trở nên hết sức lớn lao, thần thánh.
Nếu trước đây người đời đã từng ngưỡng mộ hoài bão và khí phách của nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu, thì lúc này đây, họ càng thêm cảm phục bản lĩnh của cụ Người anh hùng ấy, dù trong cảnh tù đầy vẫn Dang tay ôm chặt bồ kinh tế và Mở miệng cười tan cuộc oán thù. Bài thơ khép lại bằng hai câu thơ khẳng định ý chí sắt son bất khuất:
Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.
Một lần nữa ta cảm nhận được tư thế hiên ngang của con người đứng cao hơn cái chết. Lời thơ dõng dạc, dứt khoát như chính ý chí gang thép của người tù cách mạng. Kẻ thù có thể giam cầm, đầy đọa, thậm chí sát hại những người yêu nước, những người cách mạng, nhưng niềm tin sắt son của họ, ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất của họ thì chúng làm sao có thể khuất phục.
Đối với những người cách mạng như Phan Bội Châu, còn sống là còn chiến đấu. Bài thơ khép lại mà âm hưởng hào hùng của nó như còn ngân vang mãi trong lòng độc giả. Càng đọc bài thơ, ta càng xúc động bởi nguồn cảm xúc trữ tình mãnh liệt của tác giả đã truyền sang ta.
Chính nguồn cảm xúc này đã tạo nên vẻ đẹp kì diệu cho hình tượng thơ và tạo nên phong cách trữ tình cách mạng Phan Bội Châu. Và cũng chính nguồn cảm xúc này đã tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn không gì cưỡng lại được của thơ ca Phan Bội Châu.
Bài văn phân tích bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" số 1
Cuối thế kỷ XIX, khi các phong trào đấu tranh chống Pháp lần lượt bị thất bại, đất nước chìm ngập trong đau thương. Bước sang đầu thế kỷ XX, hưởng ứng luồng gió mới từ phương Tây thổi tới, những con người yêu nước, quyết chí dành tự do cho dân tộc lại náo nức bước vào một cuộc đấu tranh mới, theo khuynh hướng dân chủ tư sản.
Phan Bội Châu xuất thân nho học song lại là người sớm có tinh thần tiên tiến, bắt nhịp với thời đại mới. Cái chí khí "phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất" (giàu sang không thể làm cho mê đắm, nghèo khó không thể làm cho thay lòng đổi dạ, uy vũ không thể làm cho khuất phục) của một nho gia đã biến thành bản lĩnh vững vàng, thành cốt cách anh hùng trước cơn tai biến nguy nan của một chí sĩ cách mạng.
Ngày 19-1-1914, Phan Bội Châu bị bắt giam vào ngục Quảng Đông. Trước đó, thực dân Pháp đã kết án tử hình vắng mặt đối với ông. Bài thơ Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông nằm trong Ngục trung thư - một huyết tâm thư tuyệt mệnh. Ngay từ đêm đầu tiên vào ngục Phan đã làm hai bài thơ Nôm (Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông là một trong hai bài ấy): "Làm xong hai bài thơ tôi ngâm nga lớn tiếng rồi cả cười, vang động cả bốn vành, hầu như không biết thân mình đang bị nhốt trong ngục".
Xem ra, tù ngục cũng chẳng mảy may khiến bậc trượng phu nao núng. Đây là bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Hai câu vào bài thể hiện ngay khẩu khí của bậc anh hùng:
"Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù".
Nhân vật trữ tình hiện ra với một phong thái đường hoàng, tự tin đến ngang tàng, ngạo mạn. Giọng đùa vui, tự trào làm tan biến đi cảm giác của một người tù, chỉ thấy một tư thế cao ngạo, xem thường hiểm nguy, cổ nhân nói: Trí hơn vạn người gọi là "anh", trí hơn nghìn người gọi là "tuấn", trí hơn trăm người gọi là "hào", trí hơn mười người gọi là "kiệt". Kẻ tài trí hơn người, phong thái ung dung, đường hoàng (phong lưu) đang ngân nga tỏ chí.
Hai từ vẫn trong câu thơ đầu mang đậm tính khẩu ngữ. Một sự việc nghiêm trọng (tù) được nói đến bằng một thái độ cười, cợt, xem thường. Bị giam hãm trong tù ngục (lại là tử tù!) mà cứ như khách tài tử tạm dừng chân trên chặng đường dài dặc. Hoàn cảnh dù có đổi thay, tai biến có thể đến bất cứ lúc hào nhưng chí khí thì chẳng khi nào dời đổi.
Hai câu tiếp, giọng thơ chợt chuyển:
Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu
Tác giả tự nghiệm về thân thế của mình. Một cuộc đời bôn ba đầy sóng gió. Phan Bội Châu từng phiêu bạt khắp nơi (khi Trung Quốc, khi thì Nhật Bàn, Thái Lan). Trên hành trình lưu lạc ấy ông đã phải trải qua biết bao cay đắng, cực khổ. Chỉ vì hết lòng muốn tìm đường cứu nước, chỉ vì yêu đất nước, dân tộc mình mà người chí sĩ bị xem như một tội nhân, bị truy nã khắp nơi.
Phiêu bạt, lênh đênh, chẳng được yên ổn bao giờ, con người ấy cất tiếng than cho mình cũng là đau cho nỗi đau chung của một đất nước đang mất chủ quyền. Tiếng thở dài ấy là của bậc anh hùng. Cái buồn ấy là cái buồn của một người tù yêu nước, của một nhân cách phi thường. Một phút ngẫm ngợi về mình để rồi lại sang sảng ca lên âm giai lãng mạn:
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Kinh tế - kinh bang tế thế, người chí sĩ chẳng lúc nào thôi ôm ấp hoài bão trị nước cứu đời. Đây là con đường Phan đã chọn, nguyện dấn thân, vẫn là cái khẩu khí hơn người, tiếng "cười" của một người tù sao mà khoáng đạt đến thế. Đến độ ta chỉ còn thấy âm hưởng hào hùng bao trùm tất cả, lấn át tất cả như cánh buồm thênh thênh lướt sóng đại dương. Lối nói khoa trương đã được sử dụng để biểu đạt cái chí lớn lao, khát vọng xoay chuyển càn khôn. Như trong bài thơ Chơi xuân, Phan viết:
Phùng xuân hội, may ra, ừ cũng dễ,
Nắm địa cầu vừa một tí con con.
Đạp toang hai cánh càn khôn,
Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà...
Hai liên giữa câu 3 - 4 và câu 5-6 của bài thơ Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông đã tuân thủ khuôn mẫu của một bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường trong đối ý, đối lời. Sự đăng đối, hài hòa ở những câu thơ này góp phần tạo ra ấn tượng về cái vững vàng. Các cặp từ đối: bốn biển - năm châu, bủa tay - mở miệng, bồ kinh tế - cuộc oán thù khiến cho tầm vóc của người chi sĩ trở nên phi thường phù hợp với âm hưởng chủ đạo của bài thơ.
Bản lĩnh và tư thế khác người của người anh hùng yêu nước được khẳng định dứt khoát trong hai câu thơ kết bài:
Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu!
Con người ấy còn sống là còn tranh đấu đến cùng cho lý tưởng chính nghĩa của mình. Hai chữ còn ngắt ra, điệp lại càng tăng thêm sắc thái mạnh mẽ, dứt khoát cho câu thơ. Ý chí thép sẽ chiến thắng hiểm nguy.
Cả bài thơ toát lên một tinh thần bất khuất, một tư thế vững vàng của bậc trượng phu trong cơn sóng gió. Truyền thống yêu nước, chí khí anh dũng của dân tộc đang tiếp tục mạch chảy bất tận trong tâm huyết chí sĩ Phan Bội Châu. Hình ảnh người anh hùng đã tạc vào lịch sử như một minh chứng cho tinh thần yêu nước, xả thân vì lý tưởng chính nghĩa.
Bài văn phân tích bài thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác" số 8
Phan Bội Châu (1867 - 1940) là chiến sĩ cách mạng vĩ đại của dân tộc ta trong ba thập niên đầu thế kỷ XX. Năm 1913, cụ đang hoạt động cách mạng tại Trung Quốc, một ngày cuối năm, tổng đốc Quảng Đông đã bắt giam cụ vào khám từ hình, âm mưu trao trả nhà cách mạng Việt Nam cho thực dân Pháp.Tại nhà ngục, ngay đêm đầu tiên, cụ viết bài thơ Nôm thất ngôn bát cú Đường luật để an ủi, động viên mình. Nhan đề bài thơ là Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác:
Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu,
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu.
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.
Bài thơ thể hiện khí phách hiên ngang, bất khuất và tinh thần lạc quan cách mạng của người chiến sĩ trong cảnh tù đày nguy hiểm.Câu thơ thứ nhất có hai vế tiểu đối, điệp ngữ vẫn làm cho giọng thơ rắn rỏi, mạnh mẽ, khẳng định một tâm thế hào kiệt và phong lưu: Vẫn là hào kiệt / vẫn phong lưu.Hào kiệt là người có tài cao, chí lớn khác thường. Phong lưu có nghĩa là dáng vẻ lịch sự, trang nhã biểu lộ một phong thái ung dung tự tại và thanh cao.
Câu thơ thứ hai, tác giả xem nhà ngục quân thù như một bến đậu sau những tháng ngày chạy mỏi chân, hoạt động sôi nổi, trải qua muôn vàn gian truân thử thách:Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.Sau gần 10 năm bôn ba hải ngoại, tìm đường cứu nước (1905 – 1913), Phan Bội Châu lúc hoạt động ở Nhật, lúc sang Thái Lan, lúc ở Trung Quốc. Bốn tiếng thì hãy ở tù nói lên một thái độ chủ động, bình tĩnh trước tai ương thử thách. Hai câu đề biểu thị một cốt cách kẻ sĩ anh hùng.
Hai câu thực nói lên cảnh ngộ của một chiến sĩ cách mạng trong cảnh nước mất nhà tan, phải sống lưu vong nơi xa lạ (khách không nhà), lại bị tù tội. Đó là bi kịch lịch sử mà Phan Bội Châu và hàng nghìn chiến sĩ cách mạng tiền bối đã trải qua. Hai câu 3, 4 đối nhau làm nổi bật tinh thần hy sinh xả thân vì độc lập tự do cho Tổ quốc, một chí lớn tung hoành trên một không gian địa lý mênh mông: năm châu bốn bể.
Đã khách không nhà trong bốn biển
Lại người có tội giữa năm châu.
Hai mươi bảy năm sau (1940), trước lúc qua đời, ý thơ trên đã được nhắc lại như một nỗi niềm đau đớn:Những ước anh em đầy bốn bể,Nào ngờ trăng gió nhốt ba gian.(Từ giã bạn bè lần cuối cùng)Hai câu 5, 6 trong phần luận thể hiện niềm tự hào về tài kinh bang tế thế (bồ kinh tế) giúp nước giúp dân, làm nên sự nghiệp lớn. Mối thù đối với lũ thực dân cướp nước và bọn phong kiến tay sai (cuộc oán thù) không bao giờ nguôi, quyết cười tan, rửa sạch:
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù
Các từ ngữ hình ảnh: Bủa tay ôm chặt, mở miệng cười tan nói lên một tư thế hào hùng, một quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển nổi, sẵn sàng xả thân vì một lý tưởng cách mạng cao cả: giúp đời, cứu nước.Nghệ thuật đối làm cho giọng thơ thêm đĩnh đạc hào hùng. Hình ảnh kỳ vĩ, các động từ gợi tả, (ôm chặt, cười tan) đã dựng nên một trang anh hùng hào kiệt trong cảnh tù đày nguy hiểm vẫn lạc quan, bất khuất.
Hai câu trong phần kết khẳng định một niềm tin mạnh mẽ, biểu lộ một khí phách hiên ngang. Tin mình vẫn tồn tại, hãy còn; sự nghiệp cứu nước, cứu dân là chính nghĩa đang mở rộng ở phía trước. Chứ còn điệp lại hai lần, giọng thơ thêm hùng hồn, niềm tin tưởng lạc quan thêm chói sáng:
Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu!
Đang bị gông cùm trong nhà ngục tử tù, là nguy hiểm. Nay mai phải bước ra pháp trường, là nguy hiểm… Bao nhiêu nguy hiểm máu chảy đầu rơi, thịt nát xương tan, nhưng đối với Phan Bội Châu thì sợ gì đâu. Trước vòng nguy hiểm vẫn hiên ngang thách thức, vẫn bất khuất, kiên cường: Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu! Phan Bội Châu đã thể hiện một tâm thế uy vũ bất khuất của nhà cách mạng chân chính.
Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác đã thể hiện những phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ vĩ đại: giàu lòng yêu nước, hiên ngang, bất khuất, lạc quan trong tù đày nguy hiểm. Bài thơ có ngôn từ trang trọng, giọng điệu mạnh mẽ hùng hồn làm hiện lên bức chân dung tinh thần tự hoạ của bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng như Nguyễn Ái Quốc đã ca ngợi.
Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác là viên ngọc quý trong thơ văn Phan Bội Châu, một khúc tráng ca anh hùng.