Top 8 Bệnh đường tiêu hóa hay gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Bệnh đường tiêu hóa và bệnh đường hô hấp luôn là nỗi ám ảnh đối với các bậc phụ huynh bởi bệnh thường diễn biến nhanh và phức tạp. Bài viết này Toplist xin tổng hợp một số bệnh đường tiêu hóa thường gặp cũng như cách xử trí, mong có thể cung cấp thêm phần nào kiến thức để cha mẹ không lúng túng khi con yêu khó chịu. Mời ba mẹ cùng tham khảo nhé!

Bệnh tả

Tả là bệnh vô cùng nguy hiểm, có thể lây lan thành dịch, bệnh nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ tử vong cao. Đặc điểm nhận biết chủ yếu khi mắc bệnh tả là tiêu chảy ra nước ồ ạt, nôn ói liên tục, đau bụng. Tiêu chảy là triệu chứng nguy hiểm đáng lo ngại nhất. Bé có thể đi ngoài liên tục, không cầm được, phân toàn nước màu trắng đục. Trẻ bị mất nước nghiêm trọng, kiệt sức và có thể tử vong rất nhanh sau đó.


Bệnh do vi khuẩn tả (Vibrio cholerae) gây ra. Loại vi khuẩn này thường xuất hiện ở những nơi dơ bẩn, nguồn nước kém vệ sinh, thức ăn bị ôi thiu, chưa nấu chín hay để ruồi nhặng đậu vào. Trẻ khi ăn uống trong môi trường đó, vi khuẩn sẽ theo thức ăn vào bộ máy tiêu hóa, chúng phát triển và tiết ra nhiều chất độc gây bệnh.


Do đó, để phòng ngừa bệnh tả cho trẻ mẹ cần chú ý:


  • Cần phải giữ vệ sinh ăn uống.
  • Dùng nước đun sôi để nguội, hạn chế sử dụng các loại nước uống ngoài vỉa hè chưa được tiệt trùng hoặc đóng chai.
  • Thức ăn phải được nấu chín kỹ.
  • Gia đình cũng có thể tập cho bé thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để hạn chế nhiễm khuẩn.
    Bệnh tả ở trẻ em
    Bệnh tả ở trẻ em
    Tiêu chảy cấp do Rotavirus ở trẻ em, Nguyên nhân và cách điều trị, chăm sóc

    Biếng ăn

    Có nhiều nguyên nhân gây chứng biếng ăn ở trẻ mà cha mẹ có thể không ngờ tới như:


    • Bé biếng ăn sinh lý nhưng cha mẹ vẫn ép bé ăn nên biếng ăn sinh lý trở thành bệnh lý
    • Biếng ăn do khẩu phần ăn thiếu các vi chất như kẽm khiến bé không có cảm giác ngon miệng
    • Biếng ăn do cha mẹ không cho trẻ ăn thức ăn phong phú, chế biến không đúng cách khiến trẻ chán ăn
    • Biếng ăn sau chủng ngừa, sốt hoặc khi trẻ đạt được các kĩ năng riêng trong hoặc sau các tuần khủng hoảng
    • Biếng ăn do thời gian chuyển tiếp chế độ ăn không phù hợp như cho trẻ ăn dặm quá sớm
    • Biếng ăn do các bệnh lý khác: nhiễm ký sinh trùng, siêu vi, suy dinh dưỡng, loạn khuẩn đường ruột,...
    • Biếng ăn do thuốc: kháng sinh gây loạn khuẩn đường ruột, thuốc kích thích ăn ngon gây chứng biếng ăn sau khi ngưng sử dụng thuốc
    • Biếng ăn bẩm sinh

    Biếng ăn vô cùng nguy hiểm bởi biếng ăn làm giảm sức đề kháng ở trẻ khiến trẻ hay ốm vặt, hấp thu dưỡng chất cũng kém hơn nên dẫn tới còi xương suy dinh dưỡng, chậm phát triển trí não và thể lực,...


    Hiểu được nguyên nhân gây ra chứng biếng ăn ở trẻ cũng như lường được những nguy cơ do chứng biếng ăn gây ra, cha mẹ có thể giúp bé "đánh bại" chứng biếng ăn theo những cách sau:


    • Cha mẹ không nên ép bé ăn (ép ăn bao nhiêu, ăn bao lâu và ăn ở đâu)
    • Cha mẹ cần thực hiện đúng kĩ thuật chế biến thức ăn cho trẻ và tuân thủ thời gian chuyển tiếp chế độ ăn ở trẻ
    • Cha mẹ không nên vội vã cho trẻ sử dụng các thuốc kích thích ăn ngon kẻo gây tác dụng ngược, đặc biệt giai đoạn trẻ biếng ăn sinh lý
    • Khi trẻ biếng ăn do không hấp thu đủ các vi chất cần thiết cần bổ sung các vi chất này cho trẻ
    • Biếng ăn do thuốc: Sử dụng các men vi sinh cấy lại vi khuẩn đường ruột hoặc cho trẻ ăn sữa chua; tránh sử dụng thuốc bổ khi không có toa của bác sĩ; tránh sử dụng thuốc kích thích ăn.
    • Khi trẻ biếng ăn bẩm sinh (không đòi ăn mà chỉ mải ngủ, mải chơi) cha mẹ cần chủ động cho bé ăn
    Biếng ăn ở trẻ nhỏ
    Biếng ăn ở trẻ nhỏ
    Nguyên nhân do đâu và giải pháp cho mẹ khi trẻ biếng ăn

    Nôn trớ

    Trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ có thể bị nôn trớ sau khi ăn, trong thời kỳ ăn dặm, mọc răng… đây là hiện tượng sinh lý hết sức bình thường vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa ổn định và chưa phát triển hoàn thiện. Tuy nhiên khi trẻ nôn trớ nhiều lần và liên tục trong ngày thì cha mẹ cần xác định được nguyên nhân khiến trẻ bị nôn trớ như vậy để từ đó có hướng khắc phục.


    Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ hay nôn trớ trong đó phải kể đến những nguyên nhân sau:


    • Trẻ bị bệnh lý đường ruột như lồng ruột, teo ruột, viêm dạ dày - ruột... Ngoài ra, trẻ sơ sinh thường bị trào ngược dạ dày do lúc này dạ dày vẫn còn nằm ngang, trào ngược dạ dày có thể hết khi trẻ được 1 tuổi nên mẹ không cần quá lo lắng.
    • Trẻ gặp vấn đề về hệ thần kinh do trung tâm phản xạ nôn do não điều khiển. Mẹ không nên tự ý sử dụng thuốc chống nôn có thể làm mờ đi các triệu chứng gây khó khăn hơn cho chẩn đoán và điều trị.
    • Trẻ ăn quá no có thể bị nôn trớ. Ngoài ra, nếu tư thế mẹ cho bé bú không hợp lý trẻ cũng có thể bị nôn.
    • Trẻ ho có đờm do bị viêm đường hô hấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây hiện tượng nôn trớ ở trẻ
    • Những hiện tượng khác có thể dẫn đến nôn trớ như đầy bụng ợ hơi hay táo bón
    • Một nguyên nhân ít gặp hơn đó là do trẻ bị ngộ độc thức ăn.

    Cha mẹ có thể tham khảo một số cách để hạn chế hiện tượng nôn trớ ở trẻ như:


    • Cho trẻ ăn đúng tư thế, thông thường nếu trẻ bú cả hai bầu vú thì mẹ nên cho trẻ bú bên trái trước rồi chuyển qua bên phải.
    • Sau khi trẻ ăn xong cha mẹ nên tiến hành vỗ ợ hơi cho trẻ. Với những trẻ bị trào ngược dạ dày cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn tránh tình trạng bé ăn quá no dễ bị nôn trớ.
    • Giữ ấm bụng cho trẻ vì khi lạnh bụng trẻ cũng có thể bị nôn
    • Khi tiến hành các biện pháp trên mà tình trạng nôn trớ ở trẻ vẫn chưa thuyên giảm cha mẹ nên đưa trẻ đi khám tại các trung tâm y tế. Đặc biệt khi trẻ nôn mật xanh mật vàng là dấu hiệu rõ nhất của lồng ruột, cha mẹ nên gấp rút đưa trẻ đi khám tránh tình trạng quá muộn.
    Nôn trớ ở trẻ
    Nôn trớ ở trẻ
    Nguyên nhân và cách phòng tránh

    Trướng bụng đầy hơi

    Trướng bụng đầy hơi thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do lúc này dạ dày còn bé và bé đôi khi phải tiếp nhận một lượng thức ăn khá lớn so với thể tích dạ dày, cộng với hệ men vi sinh ở trẻ còn chưa đủ phong phú để tiêu hóa hết lượng thức ăn mà trẻ được tiếp thụ, đặc biệt với trường hợp các bé ăn dặm. Khi bị đầy bụng khó tiêu trẻ thường có các biểu hiện như: khó chịu, khóc, biếng ăn, bỏ ăn, dễ nôn ói, bụng phình trướng hơi hoặc có thể đi tiêu phân lỏng hoặc sền sệt mấy ngày.


    Vậy khi trẻ có dấu hiệu bị trướng bụng đầy hơi, cha mẹ cần phải làm gì?


    • Massage bụng cho trẻ nhằm đẩy hơi từ trong dạ dày ra, mẹ thực hiện bằng cách xoa theo chiều kim đồng hồ, tuy nhiên nên tránh massage ngay sau khi trẻ ăn
    • Tập vận động cho bé theo phương pháp đạp xe
    • Chườm nóng bụng cho trẻ
    • Vỗ ợ hơi cho trẻ
    • Đắp củ hành củ tỏi đã nướng lên trên rốn trẻ (không đặt trực tiếp lên da)
    • Sử dụng trái cây như: nước chanh và gừng, nước cam, nho, dầu tỏi và dầu đậu nành, nước đá,...
    Bệnh trướng bụng ở trẻ
    Bệnh trướng bụng ở trẻ
    Nguyên nhân và cách điều trị tốt nhất bệnh trướng bụng trẻ nhỏ

    Táo bón

    Táo bón hay gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt với những bé sử dụng sữa công thức. Tuy nhiên, mẹ cần phân biệt táo bón với hiện tượng giãn ruột bẩm sinh là hiện tượng sinh lý hay gặp ở trẻ mà bé có thể nhiều ngày mới đi tiêu tuy nhiên phân vẫn mềm dẻo.


    Vậy làm sao biết chính xác bé bị táo bón, mẹ hãy dựa trên các dấu hiệu sau đây mẹ nhé:


    • Đi đại tiện ít hơn 3 lần/tuần và mỗi lần đi tiêu trẻ có thể sợ hãi, nỗi sợ dần khiến bé không muốn đi tiêu hoặc đi tiêu chưa hết.
    • Tính chất phân: Phân khô cứng, đóng thành cục có thể lẫn máu và có mùi khó chịu.
    • Đái rắt, nhiễm trùng tiết niệu.

    Mẹ có biết nguyên nhân tại sao bé táo bón không? Các mẹ hãy xem bé rơi vào trường hợp nào trong các trường hợp sau đây nhé:


    • Chế độ ăn không cung cấp đủ lượng chất xơ cho trẻ hay trẻ bú không đủ, uống ít nước
    • Bé nhịn tiêu, đôi khi chỉ một lần đi tiêu khó khăn và đau bé sẽ có xu hướng nhịn tiêu
    • Vận động ít hạn chế nhu động ruột tống phân ra ngoài
    • Tiền sử gia đình có các thành viên cũng gặp chứng táo bón
    • Sử dụng thuốc gây tác dụng phụ táo bón

    Khi đã nắm được nguyên nhân gây táo bón ở trẻ rồi, cha mẹ hãy tham khảo các cách khắc phục tình trạng này nhé:


    • Cải thiện chế độ dinh dưỡng: Tăng chất xơ, ăn ít ngọt đi và uống nhiều nước, bú nhiều hơn.
    • Tăng cường vận động, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cha mẹ có thể xoa bụng và cho bé tập đạp xe.
    • Nếu nguyên nhân do tác dụng phụ của thuốc cha mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc thay đổi thuốc.

    Lưu ý: Hạn chế tối đa thụt hậu môn ở trẻ đặc biệt ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ vì có thể ảnh hưởng tới chức năng của cơ quan bài tiết sau này.


    Táo bón ở trẻ
    Táo bón ở trẻ
    Cách chữa táo bón tại nhà, không cần dùng thuốc

    Trào ngược dạ dày

    Trào ngược dạ dày có thể phân làm hai loại là trào ngược dạ dày sinh lý thường gặp ở trẻ nhũ nhi do lúc này dạ dày còn nằm nang và nút thắt tâm vị còn yếu, loại thứ hai chính là trào ngược dạ dày bệnh lý có thể gây nhiều biến chứng ở trẻ.


    Triệu chứng của chứng bệnh trào ngược dạ dày:


    • Triệu chứng trên đường tiêu hóa: Nôn trớ ngay sau khi ăn, nếu là sữa thì sữa ở dạng lỏng chứ không phải như bã đậu (dạng bã đậu tức cặn sữa đã được tiêu hóa)
    • Triệu chứng ngoài đường tiêu hóa: viêm xoang, viêm tai, khò khè viêm phổi, mòn răng, thiếu máu, hiếm khi sặc dẫn tới ngừng thở.

    Với một bé bị chứng trào ngược dạ dày cha mẹ cũng cần học cách chăm sóc bé cho phù hợp, tránh để trẻ bị tái đi tái lại sẽ gây nhiều biến chứng về sau:

    Với trẻ chưa ăn dặm:


    • Chia nhỏ cữ bú: Bú trong 10-15 phút cách nhau 1-1.5 tiếng.
    • Nếu trẻ bú bình thì kiểm tra xem có để sữa ngập núm vú không, tia sẽ có phun quá mạnh không,...

    Với trẻ đã ăn dặm:


    • Chia nhỏ bữa ăn, không ép bé ăn quá no
    • Tránh cho trẻ ăn: nước cam, quýt, bưởi, thức ăn chiên hoặc nhiều dầu, tỏi, hành, thức ăn cay, sốt cà chua và những chế biến kèm sốt cà chua; tránh cho trẻ ăn thức ăn nhiều chất béo cùng những thức ăn quá đặc làm tăng nguy cơ táo bón và giảm khả năng hấp thu canxi. Ngoài ra sau khi bé ăn xong cha mẹ cần vỗ ợ hơi cho trẻ và nên ngủ sau khi ăn một khoảng thời gian


    Khi trẻ bị trào ngược dạ dày thì cha mẹ cần làm những việc sau:

    • Cho trẻ nằm nghiêng sang một bên để trẻ hạn chế sữa, thức ăn sặc lên mũi; tiến hành hút mũi nếu cần
    • Lau rửa nếu trẻ trớ ra người và thay quần áo, đóng bỉm cho trẻ không bị lạnh
    • Cho trẻ bú hay ăn lại sau khoảng 30 phút
    Trào ngược dạ dày dễ nhầm với nôn trớ
    Trào ngược dạ dày dễ nhầm với nôn trớ
    Bệnh cảnh và cách điều trị

    Bệnh rối loạn tiêu hóa

    Rối loạn tiêu hóa là tình trạng cơ vòng trong hệ tiêu hóa bị co thắt bất thường gây ra tình trạng đau bụng và những thay đổi trong đại tiện. Khi bị rối loạn tiêu hóa, bé sẽ thường xuyên gặp bất tiện trong sinh hoạt do thay đổi trong vấn đề đi vệ sinh, thường xuyên bị đau bụng, đầy hơi, cảm giác khó chịu. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị rối loạn tiêu hóa do hệ thống tiêu hóa chưa được hoàn thiện cả về cấu trúc cũng như hoạt động và lượng enzym tiêu hóa. Hơn nữa, sức đề kháng của trẻ yếu hơn, nên dễ bị loạn khuẩn đường tiêu hóa. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý hoặc sử dụng kháng sinh cũng là nguyên nhân gây ra bệnh khó chịu này.


    Rối loạn tiêu hóa lâu ngày khiến trẻ không hấp thu được đầy đủ các chất dinh dưỡng để phát triển khỏe mạnh. Hậu quả là trẻ thường bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất và hệ miễn dịch kém phát triển.


    Để phòng chống rối loạn tiêu hóa ở trẻ cha mẹ cần chú ý:


    • Cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu
    • Chế độ ăn uống hợp lý
    • Hạn chế dùng kháng sinh khi trẻ ốm bệnh
    • Giữ gìn vệ sinh cho bé
    • Tiêm phòng đầy đủ cho bé...
    Rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ
    Rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ
    Dấu Hiệu Nhận Biết Trẻ Bị Rối Loạn Tiêu Hóa

    Tiêu chảy

    Cha mẹ cần phải phân biệt rõ khi nào trẻ tiêu chảy (hay đi tướt) bởi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể đi nhiều lần trong ngày nhưng không phải tiêu chảy, muốn biết cha mẹ hãy tham khảo những dấu hiệu tiêu chảy ở trẻ sau đây: Trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân nhiều nước mùi tanh hoặc chua, không có máu hoặc mũi lẫn trong phân. Tùy theo số lần đi ngoài trong ngày mà biểu hiện các dấu hiệu mất nước khác nhau. Có 3 mức độ mất nước:


    • Độ 1: Trẻ chỉ khát nước, khô môi, quấy khóc, lượng nước tiểu hàng ngày bình thường.
    • Độ 2: Trẻ khát nước nhiều, độ co giãn da kém, lượng nước tiểu giảm.
    • Độ 3: Da nhăn nheo, mắt trũng sâu, thóp trũng, môi khô, khát nước nhiều, vật vã, đi tiểu ít.

    Bệnh tiêu chảy
    và viêm phổi luôn là hai căn bệnh hàng đầu gieo rắc nỗi ám ảnh đối với các bậc làm cha mẹ. Để tránh cho bé gặp phải vấn đề này, cha mẹ cần biết những nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ để từ đó có thể phòng tránh:


    • Do không vệ sinh trong khâu ăn uống cho trẻ, đặc biệt là những trẻ bú bình nhưng không vệ sinh bình sạch sẽ hay không rửa tay trước khi pha sữa cho trẻ.
    • Chu trình tay - miệng: Nếu tay trẻ dính phân (trong quá trình vệ sinh cho bé bé vô tình quờ phải) sau đó mút tay sẽ dễ dẫn đến tiêu chảy.
    • Do thiếu men tiêu hóa gây rối loạn tiêu hóa.
    • Cho trẻ ăn thức ăn đã biến chất, ví dụ như sữa để ngoài không khí quá thời gian an toàn lại cho trẻ bú.

    Hiểu được nguyên nhân có thể gây bệnh tiêu chảy ở trẻ, cha mẹ có thể "mặc giáp" để phòng bệnh cho trẻ bằng cách giữ vệ sinh thật sạch sẽ khi cho bé ăn cũng như nguồn thức ăn của bé. Khi trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ có thể bù nước cho trẻ bằng dung dịch oresol và tăng cường cho trẻ bú mẹ, uống nước. Cha mẹ cũng lưu ý đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế khi bé có các triệu chứng sau:


    • Sốt
    • Nôn nhiều
    • Phân có lẫn máu
    • Khát hay rất khát
    Tiêu chảy ở trẻ
    Tiêu chảy ở trẻ
    Cách xử trí khi trẻ tiêu chảy

    Bình luận

    Có Thể Bạn Quan Tâm ?