Năm 2016 có thể xem là năm rất thành công của điện ảnh thế giới khi mà hàng loạt các bộ phim rất được công chiếu. Tuy nhiên, vẫn còn những bộ phim mang tính biểu tượng, mang thương hiệu lâu đời đang bị trật khỏi đường ray và có khả năng bị "khai tử" sớm. Cùng toplist điểm qua 10 bộ phim khó có khả năng bước sang năm mới!
Được chuyển thể từ một bộ tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên, loạt phim viễn tưởng dự định sẽ có 4 phần: Divergent, Insurgent, Allegiant, Ascedent. Mặc dù là thương hiệu tiểu thuyết nổi tiếng nhưng những phần phim của Divergent lại có phần khá tẻ nhạt và không thể cạnh tranh với những phim chuyển thể đang rất thành công như The Hunger Games. Phần phim mới ra mắt gần đây nhất Allegiant có lẽ sẽ là phần cuối cùng của thương hiệu phim này trên màn ảnh rộng vì phần 3 này chỉ mang về doanh thu 179 triệu USD, cực thấp so với mức kinh phí đã bỏ ra 110 triệu USD. Thậm chí, Liongates còn phải thay đổi cả kế hoạch cho loạt phim này với việc phần cuối của bộ phim sẽ được chuyển thành bộ phim truyền hình. Đây được xem là một cú sốc cho phần đông giới hâm mộ dòng phim này cũng như các diễn viên của phim, bởi lẽ họ hoàn toàn không được thông báo từ trước.
Được bắt đầu từ bộ phim kinh dị đình đám từ năm 1990 The Blair Witch Project nhưng phần hai Book of Shadow lại quá dở đến mức khán giả dường như quên đi hẳn sự tồn tại của phần phim đầu tiên. Thương hiệu Blair Witch sau đó cũng đành ngừng hoạt động trong vòng 15 năm cho đến khi Lionsgate bất ngờ giới thiệu rằng sẽ cho ra mắt bộ phim mang tên Blair Witch trong mùa hè năm 2016 (ban đầu bộ phim được mang tên The Woods).
Blair Witch được thực hiện với ngân sách khiêm tốn 5 triệu đô và thu được doanh thu phòng vé là 44,3 triệu USD. Đây hẳn là một con số không quá tệ nhưng có lẽ đây không phải là điều mà Liongate mong chờ, vì quá rõ ràng so với các phim kinh dị kinh phí thấp khác như Saw hay Paranormal Activity thì Blair Witch rất khó khăn để có thể đạt được cột mốc 100 triệu USD. Thất vọng về con số của doanh thu sẽ là một nỗi niềm lớn khiến cho nhà sản xuất sẽ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng xem mình có thể thực hiện tiếp loạt phim kinh dị phù thủy này nữa hay không.
Năm 2012, diễn viên nổi tiếng Tom Cruise đã sắm vai chính cho một bộ phim mang tên Jack Reacher được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Lee Childs và đây cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu tạo nên tên tuổi vang bóng của nhà văn này. Song, bộ phim lại có một màn mở đầu không mấy ngoạn mục như dự đoán khi mà doanh thu phòng vé chỉ đạt hơn 218 triệu USD. Tuy nhiên, nhà sản xuất vẫn nuôi hi vọng có thể phát triển tiếp tục được thương hiệu này với phần hai mang tên Jack Reacher: Never Go Back. Ngân sách cho phần hai này là 60 triệu USD song doanh thu chỉ đạt vỏn vẹn có 136 triệu USD, tụt giảm một cách nghiêm trọng so với phần đầu đã khiến cho Paramount ra quyết định cho Jack Reacher thật sự "không bao giờ trở lại" như đúng cái tên của bộ phim
Summit Entertainment có lẽ đã quá tận tâm với bộ phim giả tưởng nói về các vị thần Ai Cập - Gods of Egypt với tham vọng sẽ xây dựng được một thương hiệu phim mới thay thế cho thương hiệu Twilight đình đám với số tiền đầu tư "khủng" lên đến 140 triệu USD. Tuy nhiên, Gods of Egypt chỉ đem lại cho Summit Entertainment sự thất bại ê chề với doanh thu chỉ vỏn vẹn con số 10 triệu USD cùng vô số gạch đá từ giới phê bình phim và khán giả vì nội dung hời hợt cùng dàn diễn viên bị cho là phân biệt chủng tộc. Với một khởi đầu ê chề như vậy, tựa phim này chắc chắn sẽ bị cho chìm vào quên lãng một cách nhanh chóng và có lẽ phần tiếp theo sẽ là chuyện vô cùng hi hữu.
Snow White and The Huntsman ngay từ đầu đã có một mở đầu không mấy khả quan với doanh thu phòng vé khá khiêm tốn là 400 triệu USD cùng với những lời nhận xét khá gay gắt của giới phê bình phim nhưng bộ phim vẫn nhận được sự ưu ái khi thực hiện phần tiếp theo.
Tuy nhiên, ở phần tiếp theo với tên gọi The Huntsman: Winter's War không những không được cải tiến mà còn có chất lượng ngày càng tệ hơn, tệ hơn cả phần đầu dù sở hữu một dàn diễn viên toàn sao hạng A. Kết quả không mấy ngạc nhiên khi mà bộ phim phải gánh chịu sự thất bại, doanh thu phòng vé chỉ vừa dừng lại ở mức vừa đủ ngân sách 115 triệu USD. Chắc chắn không một nhà sản xuất nào có thể đủ can đảm để đầu tư tiếp cho loạt phim này nữa.
Alice In Wonderland là một tác phẩm vô cùng sáng tạo đã làm nên tên tuổi của nữ văn sĩ Lewis Carroll. Đó là câu chuyện về nàng Alice đã được "ông lớn" Disney và Tim Burton chuyển thể thành live-action vào năm 2010 và đã thu về doanh thu vô cùng ấn tượng hơn 1 tỷ USD trên toàn thế giới. Với một tiền đề huy hoàng như thế nhưng Alice vẫn phải chịu số phận thất bại thảm hại trong năm 2016.
Trái ngược hoàn toàn với con số 1 tỷ USD của người bạn tiền nhiệm, Alice Through the Looking Glass có doanh thu phòng vé khá khiêm tốn, chỉ gần 300 triệu USD. Vậy đâu là lý do của sự thất bại này? Một phần có lẽ là do chất lượng phim không tốt, nội dung phim rời rạc, kém thu hút cộng với việc hai phần phim ra mắt quá xa nhau khiến cho khán giả không còn mấy mặn mà với câu chuyện về xứ sở thần tiên nữa. Với đầy đủ các yếu tố ê chề như thế này thì có lẽ Alice đã đủ điều kiện nhận được chiếc vé một đi không trở lại của nhà chuột Disney.
Thương hiệu Ninja Rùa được Micheal Bays đầu tư sản xuất đã từng phải đối mặt với hàng tấn phản hồi tiêu cực từ phía cộng đồng fan. Tuy nhiên, doanh thu phòng vé lại đi ngược lại với sự phản đối này. Người ta tưởng như bộ phim sẽ chẳng thể đi tới đâu thì doanh thu phòng vé năm 2014 của bộ phim lại đạt một con số khá ấn tượng là 493 triệu USD so với mức kinh phí 125 triệu USD.
Phần tiếp theo của Teenage Mutant Ninja Turtles: Out of Shadows được chiếu vào mùa hè năm 2016 đã có khá nhiều cải tiến đáng kể so với người tiền nhiệm. Tác phẩm đã gần gũi hơn với nguyên tác truyện tranh và thậm chí còn có sự xuất hiện những nhân vật mà khá nhiều độc giả yêu quý như Rocksteady và Bebop nhưng doanh thu của phim chỉ đạt tầm khoảng 300 triệu USD, quá ít so với mức kinh phí bỏ ra là 135 triệu USD.
Nhà sản xuất Andrew Form đã xác nhận rằng không có một kế hoạch tiếp theo nào được đặt ra cho thương hiệu Ninja Rùa nữa và có vẻ như những chú Rùa sẽ đành phải "ngủ yên" chờ Paramount gọi dậy trong một khoảng thời gian khá dài từ 5 đến 10 năm tới.
Là một biểu tượng tiêu biểu cho dòng phim hài của những năm 80, Ghostbusters được Sony tái khởi động lại với một dàn diễn viên toàn bộ là nữ. Tuy nhiên, Ghostbusters phiên bản nữ đã gặp nhiều khó khăn ngay từ những bước chân đầu tiên. Với phản ứng dữ dội từ mạng xã hội vì dàn diễn viên không giống với nguyên tác cộng thêm chiến dịch PR có phần yếu kém đã khiến cho đại bộ phận khán giả không mấy mặn mà với bộ phim.
Nhưng khá khác với những điều khán giả đã nghĩ, Ghostbusters lại được xem là một bộ phim tạm ổn chứ không phải là dở tệ. Mặc dù, đạo diễn tài ba Paul Feig đã khẳng định rằng bộ phim sẽ vẫn đảm bảo doanh thu phòng vé nhưng Ghostbusters chỉ dừng lại được ở con số 229 triệu USD trên toàn thế giới. Với lí do tạm ổn này thì có lẽ sẽ chẳng còn cơ hội nào để biệt đội siêu nhắng này có thể tiếp tục được săn ma vào những năm sau.
Đạo diễn của 2 bộ phim Pretty Woman và Princess Diary đình đám một thời, Garry Marshall đã có sự trở lại khá rầm rộ trong những năm gần đây với những bộ ba phim hài - lãng mạn: Valentine's Day, New Year's Eve, Mother's Day. Nhưng sau khi Mother's Day ra mắt, bộ phim lập tức bị giới phê bình phim đánh giá là quá nhàm chán, tình tiết quá dông dài dù hai phần trước đó rất thành công, thậm chí có doanh thu cao ngất ngưởng tới hơn 100 triệu USD. Ngoài ra, lí do lớn nhất khiến phần phim thứ 3 bị "chết yểu" là vì đạo diễn Garry Marshall đã qua đời chỉ vài ngày sau khi bộ phim Mother's Day được công chiếu. Ông đã mang thương hiệu phim của mình ra đi cùng với bao điều nuối tiếc và dang dở.
Nicholas Sparks là một nhà văn nổi tiếng của dòng tiểu thuyết lãng mạn, được ưu ái chuyển thể rất nhiều tác phẩm lên màn ảnh rộng. 11 tác phẩm tình yêu ướt át của ông được đưa lên màn ảnh rộng trong gần 2 thập kỷ qua, trong đó có nhiều tác phẩm đã chinh phục được trái tim của rất nhiều khán giả như The Notebook, Dear John, The Last Song và The Lucky One.
8 bộ phim đầu tiên được chuyển thể từ các tác phẩm của Sparks đã thu được doanh thu rất cao giúp cho tên tuổi của ông trở nên vô cùng phổ biến với khán giả khắp thế giới. Nhưng đến năm 2014, dường như mọi thứ đã đi xa quá khỏi tầm kiểm soát. Sau cú ngã của The Best of Me, hai tác phẩm The Longest Ride và The Choice của năm 2016 cũng cùng chung số phận. Dường như sự thất bại của The Choice đã khiến nhà văn Nicholas Sparks từ bỏ. Sparks sau đó đã phải đóng cửa công ty sản xuất phim của chính mình. Và năm 2017 có lẽ sẽ là năm đầu tiên kể từ năm 2011, khán giả sẽ không còn được xem tác phẩm của Nicholas Sparks trên màn ảnh rộng.