Người xưa thường nói "Cả giận mất khôn"- nóng giận chính là tính khiến con người trở nên hồ đồ và thậm chí gây ra những việc đáng tiếc. Với trẻ nhỏ, người lớn có thể hướng dẫn chúng những cách đơn giản nhất để tự kiểm soát cảm xúc của bản thân, tránh được những cơn nóng giận.
Dạy con phân biệt các trạng thái cảm xúc
Làm cha mẹ, bạn không hề muốn nhìn thấy con cái mình lúc nào cũng cáu kỉnh, khó chịu. Vậy nên điều đầu tiên các phụ huynh nên nhớ trong việc giáo dục con cách kiểm soát các cảm xúc của bản thân chính là dạy con phân biệt được các cung bậc cảm xúc. Tức là, bạn hãy hướng dẫn và dạy cho con biết các trạng thái cảm xúc: vui, buồn, giận dữ, bực bội...là như thế nào. Nguyên nhân và cách điều chỉnh các cảm xúc đó sao cho người đối diện không thấy phiền lòng. Khi trẻ đã ý thức được việc nóng giận sẽ khiến người khác phiền toái và mệt mỏi thì bé sẽ biết tiết chế cũng như bộc lộ sự nóng giận đúng độ, đúng thời điểm, đúng cách.
Cha mẹ nên đưa ra các quy tắc riêng
Cũng giống như bất kì phương pháp giáo dục nào khác, khi dạy trẻ cách kiềm chế sự nóng giận, cha mẹ cũng cần có các quy tắc riêng. Tức là, ngay từ đầu, bạn nên đưa ra cho con những việc con nên và không nên làm để giảm bớt hoặc triệt tiêu sự nóng giận. Bạn hãy giải thích cặn kẽ cho con hiểu rằng bất kì tình huống nào trong cuộc sống con gặp phải, sự bình tĩnh luôn là cách tối ưu giúp đầu óc con sáng suốt và quyết đoán hơn. Khi trẻ đã hiểu được dụng ý các quy tắc mà cha mẹ đặt ra, bé sẽ cố gắng học cách tiết chế các cảm xúc của bản thân, đặc biệt là sự nóng giận.
Dạy con cách xử lí các tình huống nóng giận
Trẻ em thường non kém trong kĩ năng sống, chính vì vậy khi gặp phải các tình huống hiểu lầm, khó chịu, trẻ dễ rơi vào trạng thái nóng giận. Bạn hãy cùng con thực hành một vài tình huống dễ gây nên sự bực bội bé gặp hàng ngày và giúp con cách xử lí các tình huống đó một cách lịch sự, hài hòa và vui vẻ nhất. Ví dụ, bạn chỉ cho trẻ cách giải quyết tình huống bạn cùng lớp mượn bài kiểm tra của con để copy trong khi con vẫn chưa hoàn thành mà thời gian làm bài sắp hết, hay tình huống bé đi xe bus đông người và có một hành khách cứ chen lấn giẫm vào chân con...Khi được trang bị các kĩ năng xử lí tình huống dễ gây nóng giận trong cuộc sống, trẻ sẽ dần tích lũy được kinh nghiệm cho bản thân và dễ dàng phản ứng đúng mực, hài hòa.
Cha mẹ cần làm gương
Môi trường sống có tác dụng quyết định nên tính cách của mỗi con người. Nếu bạn muốn con cái luôn vui vẻ, gia đình ngập tràn tiếng cười và hạnh phúc thay cho sự bực bội, cáu kỉnh nóng giận thì bản thân bạn phải làm gương cho con. Khi thấy cha mẹ biết cách kiềm chế nóng giận và hiểu được sự bực bội chỉ khiến cho không khí gia đình thêm nặng nề, u ám, trẻ sẽ biết cách kiềm chế giống cha mẹ. Hãy ghi nhớ rằng, bạn chính là tấm gương để con cái học tập và noi theo, chính vì vậy cha mẹ nên khéo léo, tinh tế và tránh nổi cáu vô lí với trẻ.
Dạy con cách lắng nghe
Để tránh sự nóng giận vô cớ, trẻ cần biết học cách nghe và lắng nghe mọi sự việc, tình huống trong giao tiếp hàng ngày. Cha mẹ hãy phân tích cho trẻ hiểu tác dụng của việc lắng nghe sẽ giúp con hiểu rõ ngọn ngành sự tình và tránh được những bực bội khó chịu. Tính kiên nhẫn và khả năng kiềm chế bản thân sẽ là nền tảng giúp trẻ trưởng thành và khôn lớn hơn. Và khi đó, con sẽ không cáu gắt mỗi khi gặp phải những tình huống bực dọc vô cớ.