Top 9 Câu chuyện về công tác chủ nhiệm lớp ở tiểu học hay, ý nghĩa nhất

Trong sự nghiệp trồng người chắc hẳn ai cũng có cho mình một kỷ niệm sau mỗi năm học qua đi. Và có những kỷ niệm đẹp, cũng có những kỷ niệm buồn. Và dưới đây Toplist xin tổng hợp lại một số Câu chuyện về công tác chủ nhiệm lớp ở tiểu học hay, ý nghĩa nhất. Mời độc giả cùng tham khảo.

Bài dự thi kể chuyện về công tác chủ nhiệm của GV: Nguyễn Thị Hiền

Kính thưa Ban giám khảo,

Kính thưa quý vị đại biểu cùng toàn thể các thầy cô giáo!


Tôi tên là Nguyễn Thị Hiền, hiện đang công tác tại trường ............ Đến với với hội thi hôm nay, tôi xin kể một câu chuyện đã gắn liền trong quãng đời làm công tác chủ nhiệm của mình.


Comenxki đã từng nói: “Dưới ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học”. Thế nhưng, bên cạnh phấn trắng, bảng đen để trao cho các em những tri thức màu hồng; vẫn còn đó những nỗi băn khoăn, trăn trở của người làm công tác chủ nhiệm như chúng ta. Câu chuyện mà tôi muốn chia sẻ với tất cả quý vị là kỷ niệm về một em học sinh cá biệt đã gây cho tôi một ấn tượng sâu sắc mà cho mãi đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên.


Kính thưa quý vị! Tôi là người đã được sinh ra ở ……….., hiện nay đang sống tại……… nên hằng ngày phải vượt trên hai mươi cây số mới đến nơi công tác. Ngôi trường Quang Trung nơi tôi công tác thuộc xã ………, một xã miền núi lại là một xã cuối cùng phía tây của Huyện ……… nên kinh tế ở đây còn rất nhiều khó khăn. Đa số người dân đi làm xa nên việc quan tâm tới chuyện học tập của con em còn rất hạn chế. Từ khi về trường công tác, tôi được liên tiếp chủ nhiệm lớp …., lớp …. Nhưng đến năm học ………. thì tôi lại được phân công chủ nhiệm lớp …, ban đầu, tôi rất bỡ ngỡ và hết sức lo lắng vì đây là lớp cuối cấp, các em học sinh ở độ tuổi này lại có những đặc điểm tâm lí rất đặc biệt…


Lớp ……. mà tôi chủ nhiệm có ba mươi hai em học sinh gồm mười tám học sinh nam và mười bốn học sinh nữ. Trong đó có nhiều em mồ côi hoàn cảnh rất khó khăn. Tuy nhiên các em đều có tinh thần đoàn kết và học tập tốt. Nhưng không hiểu sao tôi lại đặc biệt ấn tượng với em Nguyễn Quốc Lanh. Nhìn vào đôi mắt em, tôi thấy xa xăm một nỗi cô đơn, dịu vợi...


Hoàn cảnh gia đình của em Lanh khá giả, nhưng em lại thiếu vắng tình yêu thương của cha mẹ. Bố mẹ em đi làm ăn xa ở tận Trung Quốc nên mỗi năm chỉ về quê được vài lần. Anh em Lanh sống với ông bà nội già yếu, hay bệnh tật. Do vậy, ông bà cũng ít quan tâm đến đứa cháu trai ở độ tuổi đang dần thay đổi. Năm Lanh học lớp …., chính vì đua đòi theo bạn bè nên có một thời gian em hay bỏ học, chơi game, cờ bạc, rượu chè… đến cuối năm em bị xếp hạnh kiểm loại Trung bình.


Năm học lớp ….., đầu năm học em cũng có đôi lần bỏ học, hay vi phạm nề nếp lớp,… tôi đã mời phụ huynh vài lần. Có lần ông bà em bị ốm nên tôi phải đến tận nhà, tôi đã khuyên nhủ em rất nhiều. Sau lần ấy thì Lanh đã cố gắng hơn, đi học chuyên cần hơn, ít vi phạm nề nếp lớp lại hay tham gia phát biểu xây dựng bài, tham gia phong trào thể dục thể thao của nhà trường…Tôi nhớ có lần trong giờ ra chơi, Lanh chơi đùa với bạn bị rách áo. Ngày hôm sau, Lanh vẫn mặc chiếc áo trắng ấy, đường chỉ đen chằng chịt được khâu chồng chéo lên nhau làm tôi thấy cảm thương em lạ. Tôi nhẹ nhàng hỏi:

- Ai khâu áo cho em vậy Lanh?

Lanh ấp úng trả lời:

- Dạ, em ạ!

-Vậy bà nội đâu mà sao không khâu áo cho em?

-Dạ, bà nội em nằm bệnh viện chưa về.

-Vậy em vào phòng tập thể đưa áo cho cô khâu giúp cho!


Lanh cười đáp:

- Dạ chiều nay bà nội em về rồi ạ. Nói xong em chào vội và đi ra, tôi nhìn theo mà thấy chạnh lòng.


Mãi đến cuối tháng mười một thì bỗng dưng Lanh lại nghỉ học thường xuyên hơn. Qua tìm hiểu các bạn trong lớp, thì tôi được biết dạo này Lanh lại hay qua lại với nhóm bạn xấu, bị rủ rê chơi bài bạc, tắm suối… Tôi nhờ ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp cùng đến nhà em thì ông bà nội em nói trong nước mắt “ Bây giờ tôi nói nó không nghe, ba mẹ nó thì lại đi làm xa lâu ngày không về. Tôi thì bệnh không đi lại được nên tất cả nhờ vào các cô chú và cô giáo!”


Qua một hồi khuyên giải, Lanh nhìn chúng tôi và hứa em sẽ đi học chuyên cần hơn, sẽ chép bài đầy đủ… Lanh đi học lại được một tuần rồi chứng nào tật nấy, em không học bài, không soạn bài rồi lại bỏ tiết. Bữa nào tôi lên lớp thì Lanh nghỉ học, bữa nào không có tôi thì em lại tới lớp nhưng lại ngồi im lặng, không chép bài… Dường như em muốn tránh mặt tôi. Tìm hiểu ở một số học sinh trong lớp, các em cho tôi biết Lanh đang có ý định nghỉ học, Lanh đang buồn chuyện gì đó ở gia đình.


Một buổi sáng thứ ba trời mưa tầm tã, mặc dù là ngày nghỉ nhưng tôi vẫn quyết định vượt đoạn đường xa lên trường để gặp Lanh. Em vẫn đi học, chiếc cặp chỉ có một quyển vở duy nhất, đôi mắt buồn nhìn xa xăm ra ngoài cửa sổ. Theo yêu cầu của tôi, em mang cặp theo chân tôi xuống phòng Đoàn-Đội. Lanh ngồi im lặng, cuối mặt không nhìn lên. Tôi nhẹ nhàng hỏi:

-Em đã hứa với cô là sẽ nghiêm túc đi học lại và sẽ cố gắng mà sao vậy Lanh? Nguyên nhân nào làm em như vậy?

Lanh chỉ im lặng, đôi mắt bần thần không dám nhìn thẳng vào tôi. Tôi lấy quyển vở trong cặp em ra thì bỗng dưng rớt ra 1 tấm ảnh của người phụ nữ tuổi đã ngoài ba mươi. Lật ra phía sau thì thấy dòng chữ của Lanh ghi rất rõ “Mẹ ơi! Con đi nhé…” Lúc này, đôi mắt em đã đẫm nước, hai dòng lệ đã tuôn ra như mưa. Tôi cố gắng kiềm nén cảm xúc trong lòng hỏi:

-Bao lâu rồi mẹ không về quê? Lanh nghẹn ngào:

-Dạ, đã hơn một năm .

Tôi hỏi tiếp:

-Lâu nay mẹ có hay điện thoại về không?


Lanh không nói mà chỉ lắc đầu. Lúc này, tôi không thấy mình giận em nữa mà lại càng thấy thương em nhiều hơn. Em đã thiếu đi tình mẫu tử trong khi ba mẹ em vẫn còn hiện diện trên đời này. Tôi nhẹ xoa đầu em vỗ về:“Cô biết, em đang nhớ mẹ nhiều lắm. Nhưng có lẽ rất khó khăn ba mẹ em mới phải đi xa làm ăn như vậy. Trên đời này không có người mẹ nào muốn xa con mình đâu em.” Em lại càng khóc nhiều hơn. Tôi tiếp: “Là nam nhi sao em lại yếu đuối như vậy? Nếu biết em như thế này chắc là mẹ em sẽ buồn lắm. Em phải cố gắng học tập thật tốt thì ba mẹ mới vui lòng mà lo làm ăn, rồi nhanh chóng trở về với hai anh em chứ! Những lúc buồn hay có tâm sự, em có thể xem cô như một người chị, một người bạn. Cô sẽ lắng nghe và chia sẻ với em. Hãy cố gắng đi Lanh, cô tin em sẽ học tập thật tốt mà!”. Lanh cứ liên tục dùng hai tay gạt đi những dòng nước mắt. Em ngước nhìn tôi với đôi mắt còn ngấn nước nhưng vẫn còn loé lên một tia hy vọng.


Sáng ngày hôm sau, khi tôi mới vừa đi tới nhà xe thì đột nhiên Lanh ở đâu chạy tới làm tôi giật cả mình: “ Cô ơi! Tối hôm qua mẹ em điện thoại về bảo là một tuần nữa mẹ về thăm nhà đấy cô ạ!” Giọng Lanh cất lên trong sự sung sướng rồi em chạy đi mất. Tự nhiên trong lòng tôi cảm thấy vui lạ; vui lây cho cậu học trò của mình, vui cho em thấy được một ngày mới…Cũng từ đó mà Lanh chăm chỉ học hơn, đi học chuyên cần, tích cực tham gia các phong trào lớp. Khi có phong trào thi đua thì em lại là người năng nổ, xung phong đầu tiên… và nhiều lần em được các bạn tuyên dương trước lớp. Mỗi lần ba mẹ gửi quà hay điện thoại về em lại thỉnh thoảng kể cho tôi nghe. Đến cuối học kỳ hai, em đã phấn đấu và đạt học sinh tiên tiến, cậu học sinh cá biệt đầu năm bây giờ không còn nữa.


Cuối năm học, ngoài ba phần quà tôi tặng cho ba em học sinh xuất sắc nhất lớp tôi còn có thêm một phần quà dành cho Lanh – là học sinh tiến bộ nhất lớp. Em nhận phần quà trên tay mà đôi mắt rưng rưng làm tôi nhớ tới cậu học trò ngày nào muốn bỏ học vì nhớ mẹ, một cảm xúc mà mỗi lần nghĩ lại tôi cảm thấy nghẹn ngào khó tả. Tôi mong rằng tất cả các người mẹ trên thế gian này, hãy luôn luôn gần gũi, bao bọc và chở che cho đàn con; vì với con, mẹ luôn là bờ vai mạnh mẽ nhất, là nơi nương tựa của con đến suốt cuộc đời.


Mẹ có nghĩa là ánh sáng

Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim

Mẹ có nghĩa là mãi mãi

Là cho đi không đòi lại bao giờ

Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con.


Và tôi với tư cách là một giáo viên chủ nhiệm, tôi tâm nguyện cũng sẽ mãi luôn là những người mẹ, người chị thân yêu của các em để trên môi các em nở mãi nụ cười hồng tràn ngập yêu thương.


Câu chuyện của tôi đến đây xin chấm dứt. Kính chúc Ban giám khảo, quí thầy cô giáo luôn vui khỏe, hạnh phúc.

Xin trân trọng cám ơn.

Bài dự thi kể chuyện về công tác chủ nhiệm của GV: Nguyễn Thị Hiền
Bài dự thi kể chuyện về công tác chủ nhiệm của GV: Nguyễn Thị Hiền
Bài dự thi kể chuyện về công tác chủ nhiệm của GV: Nguyễn Thị Hiền
Bài dự thi kể chuyện về công tác chủ nhiệm của GV: Nguyễn Thị Hiền

Tên câu chuyện: “MÓN QUÀ BẤT NGỜ”

Kính thưa: Ban giám khảo cùng tất cả quý thầy cô đồng nghiệp.

Tôi tên: ............, hiện là giáo viên dạy lớp ............... của Trường tiểu học.............


Đến với hội thi hôm nay, tôi muốn kể cho đồng nghiệp nghe câu chuyện mà có lẽ tôi mãi mãi sẽ không bao giờ quên. Câu chuyện có tên “Món quà bất ngờ”.


Là một người giáo viên chắc hẳn trong suốt quá trình giảng dạy của chúng ta sẽ có rất nhiều kỷ niệm để lại dấu ấn khó quên, có thể sẽ theo chúng ta đi suốt cuộc đời. Với riêng tôi, là một giáo viên đã có 21 năm công tác, cũng đã có biết bao kỷ niệm vui buồn, nhưng ấn tượng để lại sâu sắc nhất trong tôi đó là kỷ niệm về một cậu học trò ở Trường Tiểu học ............., huyện .........., tỉnh ............


Năm học ............ là một giáo viên vừa mới xin chuyển về công tác tại trường tiểu học .................. Tôi được phân công chủ nhiệm lớp 5C, đa số học sinh của lớp có hoàn cảnh kinh tế đặc biết khó khăn chiếm khoảng 40% trên tổng số của lớp. Đặc biệt, một em nhìn thấy cứ lầm lì, ít nói nhưng thường hay bị sao đỏ ghi tên vì vi phạm nhiều lại hay chọc phá bạn. Qua tìm hiểu qua cô giáo chủ nhiệm năm trước thì được biết Phong là một học sinh thuộc diện cá biệt: Em hay nghịch, hay phá bạn, ít nói, lại hay bỏ học, thường xuyên không làm bài tập. Và như kiểm chứng những thông tin tôi vừa nhận được, liên tiếp những ngày sau đó, Em không đến lớp mà không hề có bất cứ lý do gì. Tôi tìm đến nhà em để tìm hiểu nguyên nhân vì sao em bỏ học thì rất bất ngờ khi biết được ở gia đình em vì là con trai duy nhất nên Phong rất được nuông chiều, muốn gì được nấy và rất bướng bỉnh, hay cãi lại cha mẹ và người lớn, không chịu học hành nhưng lạ rất thích được khen tặng mỗi khi làm được một việc gì. Đây chính là mấu chốt của câu chuyện mà tôi cần phải thay đổi cách giáo dục đối với cậu học trò này. Từ đây, tôi đã thay đổi chiến thuật, mỗi ngày đến lớp tôi lại dành thời gian nói chuyện với Phong, hỏi han mọi chuyện và không quên khen tặng em khi Phong có một hàng vi ứng xử tốt với bạn.


Bên cạnh đó, tôi còn dành thời gian đến gia đình trao đổi với bà nội của em về chuyện học hàng và sự tiến bộ của em trong những ngày qua. Tôi xin phép gia đình cho em Phong về trễ hơn giờ học một chút để tôi có thời gian để giúp em nắm lại bài khi chưa hiểu, khơi gợi cho em giãi bày tâm sự khí thiếu vắng tình thương của cha mẹ. Cũng có lúc, tôi như một người bạn lớn nhẹ nhàng khuyên nhủ, động viên em cố gắng học tập.


Những lúc đưa em về nhà sau khi phụ đạo thêm cho em, gặp những người bán vé số dọc đường tôi thường hỏi:

- Phong này, khi nhìn thấy những đứa bé cùng tuổi mà phải cầm từng tờ vé số bán để mưu sinh em nghĩ thế nào?

Em không nói gì, tôi bảo:

- Vậy em có nghĩ là mình vẫn còn may mắn hơn họ, vần được học hành và vui đùa cùng với tuổi thơ không?

Tuy cha mẹ em đã đi tù nhưng vài năm nữa họ sẽ về với em. Em có điều kiện rất tốt, hãy cố gắng học thật giỏi, thật ngoan để sau này có việc làm ổn định, giúp ích cho xã hội, cho bà nội và gia đình nhé.

Em bảo:

- Dạ! em đã biết rồi ạ.


Qua một khoảng thời gian khoảng 2 tháng, tôi nhận thấy cậu học trò của mình hôm nào đến lớp không còn chọc phá bạn, không còn vi phạm những lỗi lầm trước kia mà bây giờ là một học sinh ngoan, biết vâng lời thầy cô, biết giúp đỡ bạn bè mỗi khi gặp khó khăn.


Sau một thời gian khoảng hơn 3 tháng sau nữa em tiến bộ rất nhanh, đi học đầy đủ, học bài, làm bài đầy đủ, không nghịch ngợm, rất ngoan. Cuối năm đó, em được khen thưởng. Gia đình rất phấn khởi, bà nội em đến gặp tôi cảm động, nước mắt rưng rưng không nói nên lời.


Thắm thoắt thời gian trôi qua đã 9 năm, các học trò cũ năm đó của tôi giờ có em thì học trung học nghề, một số em đang học đại học. Còn tôi luôn bận rộn với công việc giảng dạy và cuộc sống riêng tư của mình. Rồi bất ngờ một ngày, đó là vào ngày sinh nhật của tôi vừa qua (ngày .........), tôi nhận được một cuộc điện thoại, đầu dây bên kia nói rằng: Chào thầy, em là ..... học trò cũ lớp 5C của thầy đây, nhân ngày sinh nhật của thầy, em chúc thầy luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt và gửi tới thầy bài hát mà thầy yêu thích. Lúc đó, lời bài hát “Về đâu mái tóc người thương” phát ra từ giọng hát của em làm tôi đứng lặng người vì quá bất ngờ. Tôi không ngờ rằng những câu chuyện hằng ngày rất bình thường giữa thầy và trò lúc đó làm em Phong nhớ mãi và quan tâm tôi đến thế. Có lẽ trong các giờ ra chơi, những lúc tan học ở lại thầy trò tâm sự, những lúc ngoài giờ lên lớp, tôi luôn tạo sự gần gũi với em, luôn quan tâm đến em tạo cơ hội để thầy trò cùng sẻ chia, tâm sự, cùng em với vai trò là một người bạn lớn cho em được thoải mái trò chuyện, tâm sự, phụ đạo thêm cho em. Vậy mà em lại tặng tôi món quà quá bất ngờ, khiến tôi rất xúc động. Nhưng hạnh phúc hơn nữa là tôi đã làm thay đổi một phần nào trong suy nghĩ của em, được nhìn thấy em ngày càng lớn lên và đang dần thành đạt đó là điều mà tôi cảm thấy tự hào nhất trong nghề của dạy học của mình.


Giờ đây em đã là sinh viên năm thứ 3 của trường Đại học ....... và kể từ hôm đó thầy trò thường xuyên liên lạc với nhau, và em thường hỏi tôi rằng: “Thầy ơi! thầy bây giờ có còn thích nghe bài hát đó nữa không?”, tôi chỉ cười mà lòng cảm thấy rất ấm áp, hạnh phúc.


Qua câu chuyện tôi vừa kể, tôi thấy rằng làm công tác chủ nhiệm lớp đó là một công việc quả là khó khăn vất vả, đặc biệt là với giáo viên tiểu học. Nhưng nếu chúng ta biết sử dụng biện pháp giáo dục phù hợp, thấu hiểu học sinh với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ thì tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ thành công trong công tác chủ nhiệm. Đồng thời tôi muốn nhắn nhủ đến các bạn đồng nghiệp một thông điệp rằng Khi ta trao yêu thương sẽ nhận lại yêu thương. Sự tận tâm của người thầy luôn có sức mạnh to lớn để giáo dục và cảm hóa học sinh. Thật hạnh phúc biết bao khi mỗi chuyến đò qua sông chúng ta lại có thêm nhiều niềm vui mới vì đã góp sức mình đào tạo ra những con người có ích cho xã hội.


Cuối cùng, tôi xin kính chúc Ban giám khảo cùng tất cả các đồng nghiệp lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt, chúc hội thi thành công tốt đẹp!

Tên câu chuyện: “MÓN QUÀ BẤT NGỜ”
Tên câu chuyện: “MÓN QUÀ BẤT NGỜ”
Tên câu chuyện: “MÓN QUÀ BẤT NGỜ”
Tên câu chuyện: “MÓN QUÀ BẤT NGỜ”

Câu chuyện: "Cô học trò đáng thương"

Quãng đường sự nghiệp trồng người của tôi đã trải qua biết bao kỉ niệm vui buồn, gắn với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng một kỉ niệm gần đây đã để lại trong tâm trí tôi không bao giờ quên được đó là Hình ảnh cô học trò nhỏ bé Hồng Vy. Kỉ niệm đó đã được tôi viết thành câu chuyện: Cô học trò đáng thương.


Năm học 2014 – 2015, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 2B. Sau khi nhận lớp tôi đã tìm hiểu rất kĩ về hoàn cảnh gia đình của từng em học sinh đồng thời theo dõi quá trình học tập và ra đề tự khảo sát chất lượng để phân định đối tượng học sinh. Hồng Vy là một trong số những em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và có bài kiểm tra đạt điểm yếu cả hai môn. Trong các buổi học sau đó tôi đã để tâm tới em nhiều hơn. Tôi luôn gọi Vy lên bảng để kiểm tra và hướng dẫn em làm bài. Dạo đầu em còn nhanh nhẹn, rồi một tuần, hai tuần, và ba tuần trôi qua em chẳng những không tiến bộ mà ngày càng non hơn, tác phong thì chậm chạp, trí nhớ lại càng kém dần. Rồi một hôm tôi gọi em lên bảng làm bài, em đứng ngây người ra, chẳng nói chẳng rằng. Tôi động viên thế nào em cũng không trả lời câu hỏi của tôi. Bực quá tôi liền quát to: “Cô hỏi sao em không trả lời? Dù đúng hay sai em cũng phải trả lời cô chứ!” - Em vẫn cứ lặng im. Lúc này tôi giận lắm.


Ngước mắt nhìn em tôi thấy mặt thì nhem nhuốc, quần áo tả tơi (luộm thuộm), tôi lại tiếp tục cơn giận:

Này Vy! Sáng nay ngủ dậy em quên rửa mặt à?

Cả lớp bật cười.

Meo, meo, con mèo... Ha, ha, ha…

Vy cúi gằm mặt vừa trả lời vừa bật khóc.

- Dạ. Dạ….thưa cô: Em…em dậy muộn nên không kịp rửa mặt ạ!

Tôi hạ giọng rồi bảo em về chỗ.


Sau đó tôi tiếp tục tiết dạy và cũng chẳng để ý gì tới Vy, bởi trong tôi lúc này vẫn còn rất giận em.

Buổi học trôi qua, chiều hôm đó em vẫn tới lớp bình thường. Tối về nghĩ lại tôi thấy Vy đáng thương hơn là đáng giận. Sáng hôm sau khi đến lớp nhìn thấy khoảng trống ở chỗ em ngồi tôi hơi hốt hoảng nhưng rồi tôi đã bình tĩnh lại – Tìm hiểu nguyên nhân – Mẹ em cũng chỉ biết là em khóc và van xin không phải đi học. Thế rồi tôi đã bảo mẹ Vy dắt em tới trường.

Tôi đón em vào lớp và hỏi: “Vì sao con không thích đi học?”


Em không trả lời. Tôi nghĩ chắc em xấu hổ vì chuyện ngày hôm qua. Tự nhiên, tôi thấy mình cũng có lỗi trong chuyện này. Bước lại gần em tôi nhẹ nhàng: “Con mệt à?”

- Vy vẫn yên lặng.

- Con nói đi cô sẽ không phạt con đâu.

Bỗng em òa khóc: Cô ơi con đau đầu, con không muốn đi học nhưng ai cũng bắt con phải đi – Hu hu con không muốn đi học đâu.

Tôi ôm em vào lòng xoa đầu em và nói: “Con đau ở đâu?”

- Con đau ở đây này! Đau lắm cô ạ!


Thấy vậy tôi liền gọi chị Hằng ra để trao đổi về lí do Vy không chịu đi học. Tôi động viên chị hãy đưa cháu tới bệnh viện kiểm tra xem sao nhưng chị Hằng cười, bảo: Em đã đưa cháu đi khám ở bệnh viện rồi, họ bảo cháu bị viêm phế quản, không sao đâu cô ạ! Chắc cháu nó lười học nên biện lí do đấy thôi.


Mấy ngày sau em vẫn không chịu tới trường, gia đình phải làm đủ cách em mới chịu đi. Có hôm em chỉ đi học một buổi. Hôm thì học nửa buổi rồi ra chơi em tự ý bỏ về nhà. Trước tình trạng ấy tôi lại phải gọi mẹ em (mời) mẹ em ra, trình bày cùng ban giám hiệu để tìm hướng giải quyết. Các cô giáo động viên gia đình đưa cháu đi khám thì mẹ lại bảo: Gia đình em hoàn cảnh lắm cô à, lấy đâu ra tiền mà đi khám suốt thế cô. Ái ngại cho hoàn cảnh khốn khó của gia đình em (bố suốt ngày say xỉn, mẹ cũng bệnh hiểm nghèo) hơn nữa thấy học sinh của mình phải chịu đựng những cơn đau đầu dữ dội tim tôi như quặn thắt. Tôi đã trao đổi với Ban giám hiệu, công đoàn trường kêu gọi sự ủng hộ của giáo viên và học sinh trong toàn trường với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”.


Sáng hôm sau, khi tôi vừa đến cổng trường thì học sinh đã hớt hải gọi: Thưa cô, bạn Vy bị nôn ra máu!


Tôi hốt hoảng lao nhanh xuống lớp thì thấy mẹ Vy đang đứng ở trước cửa lớp. Trước mặt Vy là một vũng máu. Tôi lau chùi vũng máu rồi bảo chị Hằng đưa con đi khám. Vì không có tiền nên chị còn chần chừ. Tối hôm đó Vy ngất xỉu, gia đình đưa em xuống bệnh viện huyện và lập tức Vy phải chuyển lên tuyến trên vì bác sĩ chẩn đoán em bị u não. Người mẹ tưởng như đất dưới chân mình sụt lở.


Chị lại về nhà vay mượn của họ hàng, làng xóm cùng với sự động viên giúp đỡ của GV – HS trong nhà trường mẹ con Vy lại khăn gói ra Hà Nội. Vì khối u quá to nên em phải mổ. Tôi rất đau lòng khi biết được sức khỏe của em ngày một yếu đi. Tôi đã viết bài gửi Báo Dân trí kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. Đã có rất nhiều tấm lòng hảo tâm từ mọi miền đất nước gửi về gia đình em.


Ngày nào tôi cũng gọi điện động viên em. Mặc dù đau đớn với bệnh tật nhưng em vẫn luôn mong được gặp tôi qua điện thoại. Mẹ em bảo, cháu hễ nghe chuông điện thoại là hỏi: “Có phải cô Hiền không mẹ? Mẹ cho con gặp cô đi mẹ!”

Sau lần mổ ấy em Vy phải ở lại điều trị dài ngày, các Bác sĩ đã cố hết sức nhưng vào một ngày cuối đông em đã lìa xa cõi đời để lại sự tiếc thương vô hạn cho gia đình và mọi người.


Em đã đi rồi nhưng trong lòng tôi nặng trĩu nỗi ưu tư, bởi nếu những lúc em không thuộc bài, khi em nghỉ học không có lí do tôi mà nhẹ nhàng hỏi em thì em đâu phải xấu hổ trước bạn bè như thế.


Nhưng dù sao tôi cũng đã kịp nhận ra và giúp đỡ động viên, làm những việc cần làm cho em trước khi em qua đời.

Sau sự việc của em Vy, tôi đã cẩn thận hơn trong giao tiếp ứng xử với học sinh, luôn cố gắng tìm hiểu và gần gũi với các em để hiểu rõ hơn về học trò của mình.


Các bạn ạ, có những nỗi đau khiến đáy lòng ta mang mãi một vết thương không bao giờ liền sẹo, nhưng cũng có những nỗi đau giúp ta biết trân trọng những giá trị trong cuộc sống này.


Qua câu chuyện tôi muốn nhắn gửi tới các bạn đồng nghiệp một thông điệp: Hãy yêu thương, bao dung độ lượng, gần gũi và chia sẻ với các em như người mẹ thứ 2 ở trường. Đừng vội trách mắng các em khi chưa tìm hiểu rõ lí do.

Em đi rồi ta càng hiểu em hơn

Để lòng ta nặng tình thương nhớ

Thương em giờ nằm nơi chín suối

Mưa nắng dải dầu có lạnh không em ơi?

Mỗi sáng mai nhìn chỗ em ngồi

Tôi lặng im nghe tim mình đau nhói

Và tự hỏi cuộc đời sao nghiệt ngã?

Mầm xanh non sao sớm vội xa cành.


Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thu Hiền

Câu chuyện:
Câu chuyện: "Cô học trò đáng thương"
Câu chuyện:
Câu chuyện: "Cô học trò đáng thương"

Câu chuyện: CẬU HỌC TRÒ ĐÁNG THƯƠNG

Là một người giáo viên, chắc hẳn trong suốt quá trình giảng dạy của chúng ta sẽ có rất nhiều kỷ niệm để lại dấu ấn khó quên, có thể sẽ theo chúng ta đi suốt cuộc đời. Với riêng tôi, là một giáo viên đã có hơn 6 năm công tác, cũng đã trải qua biết bao kỷ niệm vui buồn. Nhưng ấn tượng để lại sâu sắc nhất trong tôi đó là kỷ niệm về một em học trò ở xóm Hương Đình, xã Quang Lộc trong lớp do tôi chủ nhiệm. Câu chuyện tôi muốn chia sẻ với chúng ta ngày hôm nay có tên là: “Cậu học trò đáng thương”.


Năm đó, tôi được phân công chủ nhiệm và giảng dạy lớp 4A. Lớp có 28 học sinh.


Lớp tôi dạy về cơ bản đều rất ngoan, lễ phép và cũng không kém phần sôi nổi. Qua giảng dạy và tìm hiểu qua cô giáo cũ tôi biết Quốc Anh là một học sinh hiếu động. Em thích tham gia các hoạt động của lớp. Không hiểu sao, mấy hôm nay, tôi thấy em mệt mỏi, quần áo luốc lem bùn và hay còn ngủ gật trong lớp. Em cũng không tập trung vào bài giảng. Hôm đó tôi đang dạy tiết toán mặc dù biết em rất thích học môn này nhưng em lại ngủ gật. Tôi nhìn em, bạn bên cạnh gọi:

- Quốc Anh, Quốc Anh cô giáo kìa!


Tôi xuống đứng bên em và bảo:

- Thôi, em ra rửa mặt đi rồi vào học tiếp.

Em nghe lời tôi liền ra rửa mặt rồi vào lớp học. Tôi tiếp tục bài giảng của mình. Giờ ra chơi, tôi không xuống văn phòng giáo viên như thường lệ mà tôi ngồi tại lớp tâm sự với em.

- Quốc Anh này, sao mấy hôm nay em hay ngủ gật trong lớp vậy?


Em ấp úng mãi mới trả lời tôi:

- Thưa cô, sáng nào em cũng dậy từ sớm để đi lấy trúm lươn ạ! Sau khi lấy trúm, em bán hết lươn rồi em mới về đi học ạ.

- Thế bố mẹ của em đâu?

- Mẹ đi làm thuê ở tận trong Nam, còn bố em thường ngày đi làm phụ xây nhưng do sức khoẻ yếu lại hay uống rượu nên dần dần không ai thuê nữa. Em ở với bố, bà nội đã già và một em gái năm nay 5 tuổi.


Nghe em kể mà tôi thấy thương em vô cùng. Ngày hôm sau tôi đến thăm nhà em. Đến nơi tôi mới biết, em sống trong một ngôi nhà xây nhỏ đã cũ. Trong nhà thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ, người vợ nên đồ đạc trong nhà vứt bừa bãi, lung tung. Bà nội Quốc Anh tuy mắt đã mờ nhưng thấy tôi giới thiệu tôi là cô của Quốc Anh bà liền mời tôi vào nhà và tự hào kể cho tôi nghe về người cháu.


Tôi hỏi:

- Vì sao mẹ Quốc Anh không ở nhà mà đi làm thuê ở tận trong Nam?

- Chẳng dấu gì cô giáo, năm ngoái bố Quốc Anh bị bệnh đi viện chữa hết khá nhiều tiền. Mẹ của cháu đi làm thuê kiếm tiền về để trả dần. Thỉnh thoảng mẹ cháu cũng có gửi tiên về.Vì thương bố mẹ nên chấu vẫn hay đi bắt lươn để đỡ đần gia đình. Tôi bảo cháu gắng mà học cho giỏi, đừng đi bắt lươn nữa. Bảo mãi mà cháu không nghe, nhờ cô giáo khuyên cháu giúp bà với.


Sau ngày đi thăm HS về mà tôi tự trách mình. Là GVCN mà tôi chưa hiểu hết hoàn cảnh của các em. Tôi tự hỏi:

- Tại sao hoàn cảnh của một em học sinh khó khăn nhất lớp đến bây giờ mình mới nắm được?

Muôn vàn câu hỏi cứ hiện lên làm tôi trằn trọc không sao ngủ được. Ngay hôm sau, tôi mua tặng em một bộ quần áo mới, vận động HS trong lớp ủng hộ sách vở và đồ dùng học tập

Hằng ngày tôi cũng dành thời gian gần gũi, quan tâm, động viên em vươn lên trong học tập.


Tôi đã báo cáo hoàn cảnh đặc biệt của em với nhà trường. Em cũng nhận được nhiều hơn sự ưu ái, sự quan tâm của nhà trường, của hội phụ huynh và các đoàn thể khác. Hằng ngày em không phải đi bắt lươn nữa. Cũng nhờ thế em học hành tiến bộ rõ rệt. Em cũng sống hòa đồng hơn với mọi người. Đặc biệt, trong ki thi cuối học kì I, em đạt điểm khá cao,nhất là môn Toán. Em được tuyên dương trong buổi sơ kết HKI.


Rồi một ngày đầu xuân khi những tia nắng ấm áp của đầu mùa, cô trò tôi đang học tiết TLV miêu tả về cây cối thì bỗng có một người đàn ông vội vã đến trước lớp. Tôi ngừng ngay bài giảng của mình và linh cảm điều không tốt. Bác chào tôi và nói:

- Cho tôi xin đón cháu Quốc Anh về trước. Sáng nay bố Quốc Anh đi phun thuốc cho lúa, vì sức yếu lại còn bị bệnh nữa nên chú ấy bị ngã tại ruộng. Mọi người có đưa chú đi viện nhưng không kịp. Chú đã mất lúc 9h20.


Tôi nghe mà sửng người, lớp cũng vì thương bạn mà im phắc còn Quốc Anh thì khóc òa lên và chạy ngay ra khỏi lớp mà em quên mất chào tôi và cả lớp như thường lệ.


Hôm sau BGH nhà trường cùng cô trò chúng tôi đến viếng và chia buồn cùng gia đình. Nhìn hai anh em ngồi bên quan tài của người bố khóc lóc thảm thương mà không ai cầm được nước mắt. Lòng tôi quặn đau vô cùng. Sau một tuần, em trở lại lớp với dáng vẻ thẩn thờ và ít nói. Tôi và cả lớp đã chia sẽ, trò chuyện với em nhiều hơn. Hàng tháng tôi trích một phần lương ít ỏi của mình mua dành tặng em một món quà để động viên em. Nhờ thế, em cũng dần vơi đi nỗi mất mát.

Bây giờ, em Quốc Anh đã là học sinh lớp 8. Ngày 20/11 năm nào cũng vậy, em cùng nhóm bạn trong lớp đến nhà chúc mừng tôi. Em kể cho tôi nghe về cuộc sống của gia đình. Hiện nay, tuy cuộc sống không vất vả như trước nhưng nỗi đau mất bố luôn làm em buồn rầu.


Em bảo:

- Mẹ bây giờ không đi làm thuê nữa mà ở nhà chăn nuôi. Năm nay mẹ nuôi được 2 con lợn nái, 25 con vịt đẻ và rất nhiều gà nữa. Còn em năm nay được vào đội tuyển thi huyện 2 môn Toán và môn Hóa đấy cô ạ.

Em hứa với tôi, em sẽ nỗ lực hơn nữa để mẹ quên đi nỗi nhọc nhằn vất vả. Nghe em kể mà tôi mừng cho em, tôi thấy lòng mình như được ấm lên.


Câu chuyện tôi chia sẽ cách đây đã lâu nhưng đó cũng chính là bài học, là kinh nghiệm để tôi nhận ra rằng. Mỗi GVCN hãy hiểu các em nhiều hơn, hãy dành cho các em tình yêu thương chân thành nhất để tuổi thơ của các em có thêm tiếng cười, niềm hạnh phúc.


Tác giả bài viết: Võ Thị Huệ

Câu chuyện: CẬU HỌC TRÒ ĐÁNG THƯƠNG
Câu chuyện: CẬU HỌC TRÒ ĐÁNG THƯƠNG
Câu chuyện: CẬU HỌC TRÒ ĐÁNG THƯƠNG
Câu chuyện: CẬU HỌC TRÒ ĐÁNG THƯƠNG

Câu chuyện "Nước mắt học trò”

Năm học ấy tôi được Ban giám hiệu nhà trường phân công giảng dạy và chủ nhiệm lớp 5C. Nhận lớp mới với bao bỡ ngỡ. Rồi tuần học đầu tiên cũng trôi đi thật nhanh. Qua điều tra tôi đã biết lớp 5C có nhiều em theo Đạo Thiên Chúa và hầu hết các em đều rất chăm ngoan, lễ phép. Nhưng trong số đó tôi đặc biệt chú ý đến em Lan. Cô bé rất thông minh nhưng lại ít tham gia hoạt động của lớp mà hay nghỉ học nữa. Nhiều lúc tôi thấy em không tập trung, bài về nhà em không hoàn thành. Nét mặt lúc nào cũng buồn buồn, không nói năng đùa nghịch với ai. Giờ ra chơi hôm ấy tôi đến bên em nhẹ nhàng hỏi chuyện. Chưa kịp nói gì thì cặp mắt tròn to đen láy của em đã rơm rớm nước mắt. Tôi nhận thấy em đang muốn dấu đi đôi bàn tay bầm dập của mình. Tôi nhẹ nhàng đặt đôi bàn tay nhỏ bé vào lòng tay mình rồi hỏi:

- Tại sao tay em lại thế này?

Lan nghẹn ngào nói trong nước mắt:

- Bố em..... đánh em cô ạ.


Tôi bàng hoàng một nỗi xót thương trào dâng trong lòng. Trời ơi! Sao cô học trò bé nhỏ của tôi lại phải chịu đau đớn thế này. Từ buổi hôm ấy tôi tìm hiểu kĩ hơn về hoàn cảnh của Lan. Là gia đình theo Đạo Thiên Chúa. Mới học lớp 5 nhưng lại là chị của 4 đưa em thơ dại. Nhà nghèo bố lại còn nghiện rượu nữa. Cứ mỗi lần bố say thì một trận đòn roi phũ phàng dội xuống, người hứng chịu không ai khác là mẹ và Lan. 10 tuổi đầu nhưng em không được như bao đứa trẻ khác. Em phải theo mẹ lăn lộn mưu sinh cuộc sống hàng ngày. Nước mắt em tuôn rơi thì lòng tôi lại càng day dứt, đang bé nhỏ mà phải chịu bao sóng gió của cuộc đời.


Đêm đến, tôi không tài nào chợp mắt được, hình ảnh những lằn roi ngang dọc trên người em cứ xoáy sâu vào tâm trí tôi, thôi thúc tôi tìm cách tháo gỡ. Tôi gặp linh mục quản xứ để nhờ giúp đỡ. Nhưng một ngày, hai ngày, ba ngày đã trôi qua lớp học vẫn vắng bóng Lan. Ngày thứ tư, tôi rất vui mừng thấy em đến lớp, chưa kịp nở nụ cười, bao hi vọng trong tôi đã bị dập tắt bởi những vết bầm tím trên khuôn mặt của Lan. Nghĩ đến tương lai của em, tôi càng quyết tâm tìm cách giải quyết. Tôi bàn với Ban giám hiệu, hội phụ huynh, tổ chức mặt trận của xóm cùng tôi đến nhà gặp bố mẹ Lan. Sau những chia sẻ đầy tâm huyết của chúng tôi bố Lan im lặng không nói gì. Chúng tôi ra về lòng tràn ngập hy vọng, cuộc sống mới đang chờ đón em. Bố Lan cảm động trước sự quan tâm của mọi người, rồi dần dần đã giảm rượu, cuộc sống gia đình Lan ngày một đổi mới vui tươi. Lan được đi học đều và đúng giờ. Cuối năm học đó Lan đã đạt học sinh giỏi cấp huyện. Trong buổi lễ ra trường em đã ôm tôi nghẹn ngào và nói:

- Cô ơi sau này em muốn trở thành một cô giáo giống như cô.


Sau 5 năm vào ngày 20/11, tôi nhận được một món quà bất ngờ, đó là một bông hoa san hô đỏ thắm. Đây là món quà của Lan - cô học trò nhỏ của tôi ngày nào. Cầm món quà trên tay mà lòng tôi thật vui sướng và xúc động khi nhớ về Lan. Em đã vững vàng vươn lên trước những khó khăn vất vả như bông hoa san hô vươn mình trước sóng gió của biển khơi. Tôi thấy mình thật vui và càng yêu hơn “Nghề lái đò của tôi”


Qua câu chuyện vừa rồi, tôi đã hiểu ra rằng: là GVCN chúng ta không chỉ hoàn tốt những nhiệm vụ theo điều lệ đã quy định mà còn phải biết động lòng, trắc ẩn trước những hoàn cảnh éo le của học trò, biết sưởi ấm, tìm cách tháo gỡ cho các em bằng trái tim nhân hậu để giúp các em tự tin vượt qua những khó khăn, mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống. Có như thế thì khi rời xa mái trường, các em vẫn luôn nhớ về thầy cô, yêu quý mái trường cũ như lời của bài hát Phượng buồn.

Câu chuyện
Câu chuyện "Nước mắt học trò”
Câu chuyện
Câu chuyện "Nước mắt học trò”

Câu chuyện về "Cô bé Mai Phương"

Trong sự nghiệp trồng người của tôi đã trải qua nhiều kỷ niệm sau mỗi năm học khép lại. Song có lẽ kỷ niệm về cô học trò Mai Phương để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc không bao giờ phai mờ.


Năm học 2016- 2017 tôi được phân công chủ nhiệm lớp 2G. Sau khi được nhận lớp tôi đã tìm hiểu rất kỹ về hoàn cảnh của từng học sinh trong lớp. Mai Phương là cô bé có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố em bị bệnh hiểm nghèo. Trong các giờ học cũng như giờ gia chơi, tôi luôn quan tâm, gần gũi động viên em. Em cùng bạn vui đùa trong khi chơi trò chơi. Tôi luôn để cho em lên chia sẻ trong các giờ học, tham gia vào vào các phong trào của lớp cũng như của trường.


Ban đầu em rất nhanh nhẹn, hoạt bát, tự tin vào những công việc mình làm. Rồi tôi bỗng thấy em trí nhớ có phần giảm sút, không tập trung vào học tập. Thỉnh thoảng trong giờ học tôi giảng bài em không tập trung.


Sau buổi học hôm đó, tôi lục lại những việc tôi đã làm cho em. Và tôi thấy không có một sai sót nào? Vậy tại sao em lại có biểu hiện như thế. Giờ truy bài sáng hôm sau, học sinh đầu tiên mà tôi đưa ánh mắt đến chính là Mai Phương. Nhìn em, tôi thấy mặt em nhem nhuốc, đầu tóc rồi bù( mà hình như hình ảnh này tôi đã thấy trong thời gian gần đây). Đến bên em tôi hỏi:

- Mai Phương ới, sáng nay em ngủ dậy muộn à?

Mẹ.....mẹ em không có nhà à? Thế còn bố em đâu?

Em không trả lời. Tôi nghĩ, chắc gia đình em có chuyện. Tôi thấy mình thật có lỗi trong chuyện này. Lau nước mắt cho em tôi nhẹ nhàng: " Có chuyện gì con nói cô nghe nào?" Lúc này Mai Phương nghẹn ngào:

- Cô ơi, bố con đang nằm viện, mẹ con đi nuôi bố. Con ở nhà có một mình thôi ạ!

Tôi ái ngài cho hoàn cảnh khốn khó của gia đình em. Em còn quá nhỏ phải ở nhà một mình. Mọi công việc trong nhà tự tay em làm.


Tôi đã cùng các em trong HĐTQ của lớp lên kế hoạch giúp đỡ Mai Phương. Hàng ngày trong các giờ học em được các bạn chia sẻ, hướng dẫn những bài em chưa hiểu.


Thời gian này, cuối mỗi buổi học gia đình cho em ở lại trường khoảng 1 tiếng để tôi giúp em những bài em chưa hiểu hoặc hoàn thành bài học ở nhà


Chỉ sau một thới gian ngắn, em đã tiến bộ rõ rệt. Trong các giờ học em hăng hái chia sẻ bài cùng các bạn, đôi lúc em tự tìm ra kiến thức bài nhanh nhất.


Việc học của em vẫn được tôi và các bạn trong lớp thường xuyên theo sát. Bố mẹ em cảm động lắm. Mỗi lần gặp tôi, mẹ em nói: Nếu không có chị thì em không biết phải làm sao! Vợ chồng em cảm ơn chị nhiều lắm!


Năm học sắp kết thúc, Mai Phương em được gải Nhất trong cuốc thi Giao lưu Toán, Tiếng Việt giữa các lớp, em còn được tham gia vào hội diễn văn nghệ của thành phố. Lúc này tôi cảm thấy mình như trút được gánh nặng.


Câu chuyện tưởng như rất bình thường nhưng với tôi nó thực sự là một bài học lớn. Nó đánh thức trong tôi trách nhiệm, lương tâm của người GVCN, khiến tôi không bao giờ được phép chủ quan với công việc của mình. Và điều quan trọng đối với người GVCN là phải thường xuyên tìm hiểu hoàn cảnh của học sinh để cảm thông, chia sẻ nhiều hơn với các em.

Câu chuyện về
Câu chuyện về "Cô bé Mai Phương"
Câu chuyện về
Câu chuyện về "Cô bé Mai Phương"

Câu chuyện: "Chiếc áo mới"

Không biết tự bao giờ đã ước mơ sau này trở thành một cô giáo và ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Đã có biết bao câu chuyện về các cô cậu học trò đi qua cuộc đời tôi nhưng sâu sắc và ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh của Hương cậu học trò nhỏ năm nào. Sau đây tôi xin chia sẻ qua câu chuyện có tựa đề “Chiếc áo mới”


Một buổi chiều tối, khi tôi vừa dừng xe vào nhà có một cậu thanh niên chạy ra ôm chầm lấy tôi. Sau phút ngỡ ngàng của tôi, cậu ta cất tiếng: “ Em là Hương đây, Lê Viết Hương học sinh lớp 5C, cô còn nhớ không?”. Ôi! Thì ra là Hương – cậu học trò cũ của tôi. Thấm thoát đã 20 năm nay tôi mới gặp lại em. Tôi chợt nhớ ra.


Ngày đó, tôi vừa tròn 22 tuổi được phân công lên giảng dạy tại trường tiểu học Hương Trạch. Tại đây tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 5C. Những ngày đầu nhận lớp, tôi đau đầu vì phải chịu rất nhiều trò quậy phá của các em học sinh và đặc biệt là Hương mà tôi không thể nhớ hết. Nhưng có một chuyện mà tôi nhớ rất rõ đó là:

Lần đó là sinh nhật của tôi, bạn trai và bây giờ là chồng tôi đã tặng cho tôi một chiếc áo trắng rất đẹp. Sáng thứ Hai, tôi háo hức diện chiếc áo mới vào lớp đầy tự tin. Cũng như mọi hôm, tôi kiểm tra bài cũ của học sinh. Hôm đó tôi kiểm tra bài Hương, em không làm nên tôi đã phạt em đứng dậy. Tôi quay sang kiểm tra bạn khác, bỗng có em thưa:

- Thưa cô, bạn Hương rảy mực lên áo cô rồi.


Tôi nhìn xuống thấy áo mình có vô số vết mực đen ngầu. Tôi không kìm chế được nên đã quay xuống mắng cho em một trận, sau đó đuổi em ra khỏi lớp. Không do dự, ngay lập tức cậu ta cầm luôn cặp ra khỏi lớp và một mạch chạy ra khỏi cổng trường. Ngày hôm sau và hôm sau nữa không thấy em đến lớp, tôi bắt đầu thấy lo lắng. Tôi hỏi các em học sinh thì các em bảo bạn Hương bỏ học rồi. Bạn ấy bảo bạn ấy rất ghét vì lúc nào cô cũng chỉ có trách phạt bạn ấy thôi.

Chiều đó sau buổi học, tôi vội đạp xe đến nhà Hương. Tôi thật ngỡ ngàng trước cảnh tượng: Bố Hương đang say rượu, vừa chửi vừa cầm gậy đuổi hai anh em Hương. Khi đó tôi vội kéo hai em chạy sang nhà hàng xóm. Tại đây tôi nghe bác hàng xóm kể về hoàn cảnh éo le của Hương. Bố Hương trước đây là người chăm chỉ làm ăn, thương vợ thương con.

Nhưng từ ngày ông vay mượn rất nhiều tiền để đi xuất khẩu lao động bị lừa, trở về với hai bàn tay trắng nợ nần chồng chất, ông đâm ra chán đời nên rượu chè be bét. Mỗi lần như thế lại đánh đập mẹ con Hương. Mẹ của Hương phải xuống thị trấn làm giúp việc gia đình. Mỗi tháng bà chỉ về một lần. Hai anh em Hương không được mẹ chăm sóc, bố thì say suốt nên em học hành ngày càng sa sút. Tính tình cộc cằn, thô lỗ.


Nhìn hoàn cảnh đó tôi đã ứa nước mắt. Tôi bảo Hương:

- Cô xin lỗi em. Ngày mai em đi học đi!

- Không đi học nữa. Ai cũng giống nhau - Em trả lời một cách cộc lốc.


Tôi trở về với tâm trạng buồn bã. Ngày mai đến lớp Hương vẫn không đi học.


Hôm sau tôi lại tiếp tục đến nhà gặp và thuyết phục em đến lớp.

Tôi bảo:

- Cô hiểu em rồi, cô xin lỗi vì cô đã chưa hiểu hết được hoàn cảnh của em. Em đến trường đi cô sẽ giúp em. Sau đó tôi đã tìm đến bố em trò chuyện , ông bảo ông có lỗi với gia đình, ông hứa sẽ khuyên bảo em. Tôi sờ túi còn mấy chục ngàn đưa hết cho bố em bảo ông mua gạo ăn tạm mấy hôm. Ông rưng rưng nước mắt cầm lấy số tiền ít ỏi đó, cảm ơn tôi. Lúc ra về, tôi nói lại với em:

- Lúc này hơn bao giờ hết cô mong em ngày mai sẽ đến lớp. Tất cả các em học sinh lớp 5C đang chờ đón em.


Sáng hôm sau em đến lớp:

- Em xin lỗi cô, hôm nay cô cho em vào lớp.

Tôi vui sướng ôm chầm lấy em và bảo:

- Em ngoan lắm!

- Em xin cô tha lỗi cho em chuyện chiếc áo.

- Không, cô không giận em nữa đâu.


Buổi học học đó diễn ra nhẹ nhàng bởi tâm trạng tôi thật sự rất vui. Những ngày sau đó tôi vận động các bạn trong lớp quyên góp giúp đỡ em, tôi luôn động viên em, thỉnh thoảng đến thăm gia đình em. Có hôm chủ nhật tôi chở em xuống thăm, trò chuyện với mẹ. Sau đó mẹ em về nhà, buôn rau ở chợ quê. Còn Hương từ ngày đó em bắt đầu thay đổi, em ngoan ngoãn nghe lời tôi hơn. Tối tối em lại đến phòng trọ của tôi nhờ tôi giảng bài cho. Tôi đã trở thành bạn của em, có chuyện gì ở nhà em đều kể cho tôi nghe... Cuối học kì 1, học lực của em được xếp loại khá. Cuối năm học em đạt học sinh tiên tiến. Sang năm học mới em đến chào tôi và bảo sẽ theo bác vào miền Nam học tiếp từ đó tôi không gặp lại em.

Ngày gặp gỡ hôm nay là sự bất ngờ đối với tôi. Bởi từ đó đến nay đã 20 năm. Giờ đây em đã là bác sĩ đang công tác tại 1 bệnh viện ở tỉnh Đăk Lăc. Khi chia tay em đã tặng cho tôi một món quà. Mở ra đó là một chiếc áo trắng kiểu cách rất điệu đà và cũng rất đẹp với một lá thư ngắn: “Cảm ơn cô, nhờ có cô mà em đã có ngày hôm nay. Em biết chiếc áo này có thể bây giờ không còn phù hợp với cô nữa nhưng em tin rằng những gì cô làm với em sẽ mãi phù hợp với bao thế hệ học trò”.


Tôi đã chảy nước mắt khi đọc những dòng chữ đó.


Hơn ai hết những người đang cầm lái những chuyến đò chở đầy tri thức luôn cần lắm một tình thương. Vì tình thương ấy sẽ thắp nên những ngọn lửa yêu thương để các em có một tuổi thơ hồn nhiên trong sáng và hạnh phúc.


Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thu Hà

Câu chuyện:
Câu chuyện: "Chiếc áo mới"
Câu chuyện:
Câu chuyện: "Chiếc áo mới"

Chuyện "Chiếc bút thất lạc"

Vâng! Là nghề giáo, chắc hẳn ai cũng có những kỷ niệm đáng nhớ với học trò của mình. Bản thân tôi đã có hơn 7 năm công tác trong ngành giáo dục. Thời gian đó chưa phải là nhiều nhưng nó giúp tôi đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, đặc biệt là trong công tác chủ nhiệm lớp. Đến với hội thi hôm nay, tôi rất vinh dự được chia sẻ một câu chuyện - một kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp trồng người của tôi. Câu chuyện có tựa đề “Chiếc bút thất lạc”. Tôi xin phép được bắt đầu.


Năm học 20xx - 20xx, tôi được nhà trường phân công giảng dạy và chủ nhiệm lớp 4 A, lớp học khá sôi nổi, chất lượng đồng đều, nhưng vẫn có học sinh cá biệt. Vì vậy, bên cạnh dạy kiến thức, công tác giáo dục đạo đức cho các em cũng hết sức quan trọng.


Hôm đó là ngày thứ hai, sau giờ ra chơi, tôi bước vào lớp thì thấy cô học trò bé nhỏ ngồi bàn đầu khóc nức nở. Thấy tôi, có rất nhiều cánh tay dơ lên nói: “Thưa cô…! Thưa cô…!”. Tôi ra hiệu cho lớp giữ trật tự, rồi mời lớp trưởng kể lại sự việc. Em Tuấn Anh đứng dậy lễ phép nói: “ Thưa cô, bạn Trà My bị mất cây bút máy rồi ạ!”. Năm đó nhà trường phát động phong trào “ Viết chữ đẹp”, hơn 10 em trong lớp mua bút để luyện chữ, bút khá đắt tiền nên viết rất tốt. Tôi lại gần trấn an em, rồi nhẹ nhàng nói: “Em thử tìm kỹ lần nữa xem sao?” Cô bé buồn bã nói: “Em đã tìm đi tìm lại nhiều lần mà chẳng thấy”. Trà My là cô bé ngoan ngoãn và thật thà, nhìn nét mặt của em tôi biết chắc chắn là em không nói dối. Để không mất thời gian học tập của học sinh, tôi hẹn sẽ giúp em tìm lại cây bút sau, còn bây giờ các em hãy tập trung học bài.

Xong tiết học, tôi tiến hành điều tra sự việc.


Tôi hỏi: “Vừa rồi giờ ra chơi em nào ở trong lớp?”

Có ba cánh tay dơ lên, tôi hỏi tiếp: “Thế các em có phát hiện ra điều gì không?”

Tôi mời một em nói: “Thưa cô chúng em thấy bạn Lan đứng gần bàn Trà My một lúc ạ!”

Một em khác cũng xin được nói: “Thưa cô, năm lớp 3, bạn Lan đã hai lần lấy đồ của bạn rồi ạ!”

Các em ở dưới lớp cũng đồng thanh nói: “Thưa cô đúng rồi đó”

Có nhiều ánh mắt nhìn Lan làm cho em bối rối, Lan cúi mặt xuống bàn. Lúc đó tôi cũng không rõ Lan xấu hổ vì chuyện năm ngoái, hay chính em là thủ phạm lấy cây bút?

Tôi đến bên Lan, nhẹ nhàng nói: “Trong học tập, em đã có nhiều nổ lực, cô rất mến phục em, cô mong em đừng làm cô thất vọng. Nếu đúng như lời các bạn nói em hãy suy nghĩ lại, cô và cả lớp sẽ tha lỗi cho em”.

Cô bé không nói gì, chỉ ôm mặt khóc.


“Các em ạ! Cô đã thường xuyên nhắc nhở chúng ta, lấy đồ của bạn là thói xấu. Nếu thích nó, các em chăm ngoan học tập, cô tin rằng bố mẹ sẽ không từ chối. Em nào trót dại lấy cây bút của bạn, hãy tự giác trả lại. Có thể gặp riêng cô gửi lại cho bạn, cô hứa sẽ tha lỗi và giữ bí mật nếu chúng ta biết sữa lỗi của mình. Nếu các em không tự giác thì bắt buộc cô phải xét cặp từng em. Các em có nhất trí không”. Tất cả đều đồng thanh trả lời: “Chúng em đồng ý ạ”! Riêng chỉ có Lan, mắt đỏ hoe, em không nói gì.


Tôi trực tiếp xét cặp từng em và tìm kỹ dưới hộc bàn nhưng vẫn không tìm thấy chiếc bút đâu cả. Tôi nhìn nét mặt từng em để dò xét nhưng không có ai có biểu hiện lạ ngoài bé Lan. Tìm mãi không thấy cuối cùng tôi cho các em ra về.

Hai ngày trôi qua vẫn chưa có tin gì? Sáng ngày hôm sau, tôi đến trường sớm, đang loay hoay ở nhà xe, thì thấy một cậu bé đứng sau tôi, với vẻ mặt e ngại, nhỏ nhẹ nói: “Thưa cô, nếu được cô tha lỗi em hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa ạ!” Trên tay Hoàng là cây bút và bản tự kiểm điểm. Tôi rất ngạc nhiên, cậu học trò ngoan mà tôi hằng tin tưởng lại mắc phải lỗi lầm. Tôi xoa đầu em và nói: “Em biết nhận lỗi thế là tốt. Cô tin rằng sau lần vấp ngã này em sẽ trưởng thành hơn”.


Tôi vào lớp, trao cây bút lại cho chủ nhân của nó, rồi đến bên Lan: “Cô và cả lớp thành thật xin lỗi đã làm em buồn và khó xử, nghi oan cho người khác là sai lầm lớn. Các em ạ! Một bạn trong lớp ta đã lỡ dại lấy cây bút, như đã hứa cô xin được dấu tên. Không cần biết bạn đó là ai, điều quan trọng là bạn biết nhận lỗi và sửa lỗi lầm của mình. Cô mong rằng từ nay lớp mình đoàn kết, yêu thương nhau hơn và đừng ai mắc sai lầm này nữa, các em có đồng ý không?” Cả lớp đồng thanh nói: “Chúng em đồng ý ạ!”


Đúng như mong muốn của tôi, sau thời gian đó các em đều ngoan ngoãn, thân thiện với nhau hơn và chất lượng học tập cũng ngày một tốt hơn.


Lúc đó tôi mới vào nghề, kinh nghiệm chưa nhiều, vì nóng vội tôi đã trách nhầm học sinh, tôi băn khoăn mãi và coi đó là bài học cho bản thân. Khi gặp bất cứ tình huống nào giáo viên phải hết sức bình tĩnh, tìm hiểu thật kỹ sự việc để đưa ra phương án giải quyết tối ưu nhất.


Thưa các đồng nghiệp! Tâm hồn trẻ thơ hồn nhiên, trong trẻo như tờ giấy trắng. cô giáo-Người mẹ hiền thứ hai của các em hãy luôn gần gũi, thương yêu các em, là chỗ dựa tin tưởng để các em có thể chia sẻ những băn khoăn, lo lắng thường ngày. Chúng ta hãy viết lên trang giấy ấy những điều tốt đẹp nhất.


Tác giả bài viết: Bùi Thị Kim Dung

Chuyện
Chuyện "Chiếc bút thất lạc"
Chuyện
Chuyện "Chiếc bút thất lạc"

Câu chuyện: “HỌC TRÒ ĐÃ LỚN KHÔN”

Tôi đã công tác trên 12 năm, thời gian đó cũng đủ cho tôi học hỏi và đúc rút ra kinh nghiệm cho bản thân trong công tác, nhất là công tác chủ nhiệm. Câu chuyện sau đã trôi qua 2 năm nhưng hình ảnh của một em học sinh làm cho tôi thay đổi cách nhìn về học sinh. Các em đã thật sự lớn khôn mà tôi không biết, nhân cách của các em đã được hình thành từ lâu mà bản thân tôi cứ nghĩ các em đang là một đứa trẻ. Câu chuyện như sau:


Năm học 2012 – 2013 đã đi được ¼ chặng đường, lớp tôi chủ nhiệm là lớp 5, tôi được phân công dạy lớp có nhiều học sinh yếu, gánh nặng trên vai tôi là phải giúp đỡ các em hoàn thành chương trình, khi bàn giao học sinh lớp 5 với giáo viên THCS. Tôi lo lắng bức xúc muốn dồn ép các em học được thật nhiều kiến thức. Nhưng sự dồn ép của tôi chưa đưa lại kết quả tốt khi điểm kiểm tra định kỳ lần 1 quá thấp. Nhà trường cho phép giáo viên họp phụ huynh lần 2 để có sự phối kết hợp giữa gia đình và nhà trường. Sau buổi học hôm đó, khi tôi thông báo lịch họp phụ huynh và cũng là lúc trống đánh hết giờ. Tôi xách cặp lên văn phòng để ra về. Trên nữa quảng đường đi, tôi nghe tiếng chân nhỏ bé chạy theo và tiếng nói nhỏ nhẹ sợ sệt nói theo:

- Thưa cô, cho em gặp cô một tý.

Tôi dừng lại, người gặp tôi là em Kim Anh, học sinh của tôi, em là một trong số học sinh thuộc diện học sinh kém đang phải phụ đạo.

- Tôi hỏi em gặp cô có việc gì không?

Em ngập ngừng trong giây lát, rưng rưng nước mắt, miệng ấp úng không dám nói. Tôi gặng hỏi:

- Có chuyện gì vậy, em cứ mạnh dạn nói với cô nào!

Em lấy lại bình tĩnh, nói với tôi giọng lí nhí:

- Thưa cô, chiều nay họp phụ huynh, cô có thể nói với mẹ em điểm thi Toán và Tiếng Việt của em đạt điểm trung bình được không cô?

Em Kim Anh điểm thi định kỳ lần 1 đều bị thiếu điểm. Em lo lắng và mạnh dạn xin tôi như vậy để mục đích gì đây? Tôi hỏi em:

- Tại sao em phải xin như vậy?

Em trả lời:

Em sợ mẹ buồn, em hứa với cô em sẽ cố gắng để vươn lên trong học tập.


Trước lời nói đó của một em học sinh 11 tuổi mà tôi cứ ngỡ là mình đang nói với một người bạn của tôi. Tôi cũng hứa với em: Cô sẽ suy nghĩ, xin ý kiến của Ban giám hiệu, nếu được cô sẽ giúp em nhưng phải có một điều kiện là: “Em phải cố gắng hơn nữa”.


Sau đó tôi lên văn phòng gặp cô hiệu phó trao đổi câu chuyện này, được sự nhất trí của hiệu phó, tôi làm theo lời xin của học sinh và gặp riêng phụ huynh em Kim Anh nhắc nhở nhẹ nhàng, tạo điều kiện cho con học thêm ở nhà.


Từ sau cuộc họp phụ huynh đó, không những em Kim Anh mà các bạn cũng tiến bộ hẳn lên. Từ những lời nói, suy nghĩ đó của em học sinh đã làm cho tôi thức tỉnh về sự nhìn nhận của các em, coi học sinh như bạn bè cùng chia sẻ, động viên các em cùng tiến bộ. Từ đó đến nay lớp tôi chủ nhiệm luôn dẫn đầu trong mọi phong trào nhờ vào việc nắm bắt tâm lý của các em, ta xem các con là bạn, là con để gần gũi với các em hon giúp các em có điều kiện tâm sự sẽ chia những lúc các em cần. Tôi được nhà trường bình chọn giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường và được đại diện cho tập thể giáo viên Trường Tiểu học Nga Lộc dự thi hôm nay.


Tuy câu chuyện rất đỗi bình thường nhưng đã có những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của tôi và để lại dấu ấn tốt đẹp cho tôi. Các bạn ạ: lòng bao dung, sự độ lượng của thầy cô sẽ giúp các em tiến bộ rất nhiều. Nếu ta làm được điều đó thì công tác chủ nhiệm của ta sẽ thành công.


Người viết truyện: Đinh Thị Hương

Câu chuyện: “HỌC TRÒ ĐÃ LỚN KHÔN”
Câu chuyện: “HỌC TRÒ ĐÃ LỚN KHÔN”
Câu chuyện: “HỌC TRÒ ĐÃ LỚN KHÔN”
Câu chuyện: “HỌC TRÒ ĐÃ LỚN KHÔN”

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?