Có rất nhiều học sinh hiện nay đưa ra những câu hỏi rất hài hước và cũng là nỗi thắc mắc của rất nhiều học sinh, thậm chí bao gồm cả sinh viên hiện nay! Hôm nay Toplist xin đưa ra một số lí do và để các bạn hiểu và học tập tốt hơn!
Khi nghĩ đến Hóa học, rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một ngân hàng các phương trình phản ứng khổng lồ. Khi tôi còn nhỏ, tôi vẫn thường nghe nói Hóa học rất khó, thậm chí có người còn nói nó khó hơn cả Toán. Song, khi lớn lên và tôi dần dần làm quen với môn này, tôi lại thấy nó cũng không khó đến vậy. Tôi nghĩ dù hóa học có rất nhiều phương trình phản ứng nhưng chỉ cần chúng ta cố gắng thì nó cũng bình thường thôi các bạn ạ. Nếu các bạn muốn có nguyện vọng thi khối A hay khối B thì nhất thiết các bạn phải học tốt môn này. Một khi sự cố gắng của bạn được khơi dậy và phát huy đúng cách thì các phương trình phản ứng, số mol, thể tích, nồng độ, cation... đều chẳng còn là vật cản trên con đường dẫn đến tương lai của bạn nữa đâu!
"Cái gì đã qua rồi thì làm ơn để nó ngủ yên trong quá khứ đi?" - Theo tôi thấy đây là một câu đề nghị rất hay của học sinh khi học môn Lịch sử! Và qua câu hỏi này thì cũng phản ánh được thực tại của học sinh hiện nay! Những cuộc chiến tranh phi nghĩa, chính nghĩa, những câu hỏi lôi thôi, rườm rà, những cột mốc thời gian khó nhớ... sẽ làm rất nhiều học sinh chán ghét môn học này! Theo tôi thấy, nếu như giáo viên nói nhiều hơn viết thì học sinh lại rất dễ tiếp thu hay qua những bài học máy chiếu, khảo sát thực tế, qua các câu chuyện thì có lẽ học sinh không đến nỗi mù lịch sử như hiện nay! Lịch sử là môn ghi lại hầu như tất cả những diễn biến trong quá khứ và đó là những gì chúng ta cần phải biết. Một ví dụ đơn giản về lịch sử Việt Nam, nếu không có môn học này thì làm sao chúng ta biết đến những công lao của cha ông ngày xưa? Làm sao chúng ta biết được rằng, khi Việt Nam bị xâm chiếm, dân tộc ta đã mạnh mẽ, dùng sức mạnh của tinh thần yêu nước và trí thông minh để đấu lại các cường quốc như thế nào? Làm sao chúng ta biết được những con người đã không tiếc thân mình để ngày hôm nay chúng ta được ngồi trên ghế nhà trường? Tôi thấy học sinh chúng ta không những phải hiểu biết mà còn phải nắm rõ để tự thức tỉnh bản thân, để sống làm sao cho xứng đáng với đất nước, với những người đã khuất.
Môn Văn là môn mà người ta xếp vào loại vừa nhàm vừa mệt nhất trong thời đi học. Bởi nhiều học sinh vẫn cho rằng, học Văn thì rất buồn ngủ, ấy vậy mà vẫn có một số ít học sinh lại rất ưu chuộng bộ môn này. Có rất nhiều học sinh đã từng suy nghĩ: "Tác giả có suy nghĩ nhiều thế đâu mà cô chém gió thế?", "Ai mà chẳng biết chữ mẹ đẻ của mình, học làm gì?"... và rất nhiều suy nghĩ khôi hài khác mà học sinh nghĩ ra! Về môn học này, bản thân tôi là một học sinh nên tôi cũng như các bạn, cũng cảm thấy chán nản khi học. Nhưng có rất nhiều điều mà rất ít người biết về môn học này. Tôi thấy, thời nay ai ai cũng cho con cái đi học tiếng nước ngoài như: Anh, Pháp, Nga, Nhật... nhưng lại chẳng mấy phụ huynh cho con đi học Văn. Có lẽ họ vẫn mang một tư tưởng rất lạc hậu, đó là tiếng nước mình thì ai mà chẳng biết, học làm gì cho tốn tiền? Nhưng theo tôi thấy, môn Ngữ văn quan trọng đến mức nó là một bộ môn luôn luôn đi đôi với Toán. Trong các cuộc thi khảo sát, tốt nghiệp... thì luôn luôn có mặt môn Văn. Câu hỏi là vì sao? Vì sao mà người Nhật họ lại đề cao tiếng Nhật hơn tiếng Anh đến vậy? Đó là vì nó là ngôn ngữ, là tinh hoa kết tinh của mỗi quốc gia trên thế giới. Hiện nay, nếu các bạn muốn làm giáo sư, tiến sĩ, nhà báo, nhà văn, phóng viên... thì môn Văn chính là một trong những môn quyết định. Tôi mong rằng, qua bài viết này thì các bạn sẽ có những suy nghĩ tiến bộ hơn và yêu thích hơn môn học này!
Cứ đến tiết thể dục là rất nhiều học sinh viện cớ là đau đầu, đau chân, mệt... trong khi tiết trước đó lại chơi tới bến. Tôi nghĩ thể dục là môn rèn luyện sức khỏe và nhất là phát triển chiều cao trong khi các bạn là học sinh đang trong tuổi lớn, ấy vậy mà không ít người không chịu tập luyện thể dục. Qua những bài tập khởi động sẽ khiến các xương cốt dẻo dai hơn. Qua những lần "đếm cây" sẽ khiến chúng ta nâng cao sức khỏe, làm cho cơ thể thích ứng được với các hoạt động mạnh. Nhưng nhiều người lại cho là mệt và hao tổn sức khỏe. Vậy các bạn có biết tại sao người nước ngoài lại cao hơn người Việt Nam? Tại sao thể dục bên họ có đến 7 tiết/1 tuần? Bởi để tốt cho sức khỏe chúng ta đấy các bạn ạ, người Việt Nam thường lười tập thể dục nên khi đi đến các nước tiên tiến, chúng ta luôn bị thấp bé nhẹ cân hơn họ. Biết được điều đó, tôi rất mong rằng các bạn sẽ cố gắng luyện tập thể dục và ăn uống hợp lí để có thể ngẩng cao đầu mà đi nhé!
Tiếp theo tôi sẽ phân tích tác dụng của môn sinh học, như ý kiến: "Tôi không phải, cũng không muốn làm bác sĩ, y tá hay nhân viên canh giữ nhà xác!" Theo bản thân tôi, Sinh học là một môn học rất thú vị! Và đây cũng là môn học rất được nhiều người ưa thích. Người thì vì đam mê, người thì vì tiền... nhưng chung quy lại, đây đang là môn "hot" trong học đường. Các bạn muốn làm bác sĩ, y tá thì cũng phải học tốt môn này. Và để giải thích câu nói trên, tôi thấy đây là một quan điểm không đúng đắn, vì học sinh học không chỉ để làm việc mà nó còn áp dụng rất nhiều trong đời sống thực tế. Một ví dụ là tại sao con người lại đi bằng hai chân mà con chó lại đi bằng bốn chân? Những câu hỏi đó chỉ có môn sinh học mới giải thích được. Và khi học tốt bộ môn này, các bạn sẽ biết được ăn uống thế nào mới hợp lí, khi mang thai phụ nữ nên làm gì... Hãy cùng nhau chung tay để phát triển môn học triển vọng này nhé!
Tiếng Anh là một thứ tiếng phổ biến nhất hiện nay. Ở nhiều nước trên Thế giới thì tiếng Anh vô cùng quan trọng và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Rất nhiều người nói tiếng Anh khó học, học mười mấy năm trời thời học sinh mà đến giờ vẫn chỉ biết vài câu: xin chào, cảm ơn. Tôi thiết nghĩ, đó một phần là do chính bản thân chúng ta chưa biết cố gắng, chưa đọc, viết và nghe nhiều nên mới dẫn đến trình trạng trên. Và một phần nữa cũng là do cán bộ giáo viên giảng dạy.
Bên cạnh đó, muốn có một công việc nhẹ nhàng, bạn phải có vốn tiếng Anh nhất định. Trong thi cử, tiếng Anh luôn là một môn rất quan trọng. Muốn giao tiếp, học tập với người nước ngoài, bạn cũng phải biết tiếng Anh. Muốn giúp đất nước phát triển, đòi hỏi bạn cũng phải biết tiếng Anh. Tôi mong rằng các bạn hãy thôi hay những suy nghĩ lệch lạc đi và học tập thật tốt tiếng Anh nhé!
Tiếp theo tôi muốn nói đến môn Địa lí, một môn học cũng có không ít người không thích. Vì họ cho rằng những cái học được chẳng có ích lợi gì, học là chỉ để mất thời gian này nọ. Và họ nói rằng: "Tại sao phải học về một nơi mà mình không bao giờ đặt chân tới?". Nhưng mỗi một môn học được đưa và chương trình học đều được các nhà khoa học nghiên cứu rất lâu và nhằm mục đích phát triển tư duy cũng như vốn hiểu biết của con người! Học môn Địa lí sẽ đưa chúng ta đến rất nhiều đất nước khác nhau. Và một lợi ích rất lớn đó là vốn hiểu biết! Tôi lấy một ví dụ dễ hiểu như thế này, các bạn là một vị giám đốc tài năng, nắm trong tay một công ty lớn. Vì muốn phát triển công ty nên bạn quyết định đầu tư lĩnh vực về ngành đóng tàu cá trên biển, các bạn muốn chọn một đất nước có tiềm năng tiêu thụ về tàu đánh cá thì các bạn sẽ chọn nước nào? Dựa trên các yếu tố địa lí tự nhiên, khí hậu, địa hình phù hợp với sản phẩm mà công ty bạn làm ra. Như vậy các bạn sẽ chọn nước nào? Nếu không hiểu biết về địa lí thì sao? Các bạn sẽ chọn Lào thay vì các nước có biển khác chăng? Đó chỉ là một ví dụ nhỏ mà thôi. Nếu học tốt môn học này, tôi tin chắc bạn sẽ là nhà đầu tư tài năng và đương nhiên, cánh cửa dẫn đến thành công sẽ mở ra với bạn!
Bây giờ chúng tôi sẽ phân tích về môn Vật lí. Như tôi quan sát thấy những bạn học không giỏi Toán thì cũng không mấy người giỏi Vật lí. Bởi Toán và Vật lí đều có một mối liên hệ mật thiết với nhau. Và vẫn nhiều người kêu ca về môn này, vì Vật lí học vừa khó hiểu lại khó nhớ. Cũng như các bộ môn khác, tôi thấy hầu như tất cả học sinh Việt Nam đều không hài lòng. Câu hỏi đặt ra là học sinh các nước khác có như Việt Nam không? Theo tôi thấy là hầu như học sinh các nước đang phát triển và một số nước phát triển đều có chung suy nghĩ. Tôi lấy ví dụ như với Nhật Bản, tôi rất thích cách dạy và học tập ở đây và nhất là việc làm gì cũng phải đúng giờ, đúng quy định.
Trở lại môn Vật lí - Bộ môn mà một số bạn vẫn gọi là "cơn ác mộng", tôi nghĩ rằng môn Vật lí ngoài những bài tập khó hiểu ra thì vẫn có những cái hay của nó. Ví dụ như khi giải thích các hiện tượng trong cuộc sống chẳng hạn, đến với bộ môn này các bạn sẽ hiểu được lí do tại sao xung quanh cánh quạt thường dính nhiều bụi? Định luật Ôm là gì? Định luật Newton được phát biểu ra sao? Và hàng ngàn các phát hiện vĩ đại khác, những thứ đó đều có trong môn Vật lí!
Rất nhiều học sinh, sinh viên hay các bậc phụ huynh vẫn thắc mắc đó là: "Tại sao chúng ta phải học môn Toán?", thậm chí có rất nhiều học sinh còn đưa ra những câu hỏi rất hài hước như: "Tại sao chúng ta phải chứng minh những điều ai nhìn vào cũng biết?"
Hôm nay tôi xin mạn phép giải thích đôi lời về lí do học môn Toán? Thứ nhất, môn Toán là môn phát triển trí não, giúp bộ não thích ứng với nhiều khó khăn. Từ đó đưa ra những biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, các bài toán suy luận logic sẽ giúp não phát triển nhanh. Khi chúng ta học một công thức phức tạp mới sẽ làm bộ não chúng ta thích nghi với những cái mới. Để rồi khi gặp phải vấn đề phải suy nghĩ nhiều, bộ não sẽ nhanh chóng thực hiện một cách tốt nhất! Lí do thứ hai đó là: Học toán để áp dụng vào thực tế cuộc sống! Tôi lấy một ví dụ đơn giản như khi tôi mua 10 quả trứng gà, mỗi quá có giá 5 ngàn. Hỏi tôi phải trả bà bán hàng bao nhiều tiền? Như vậy, khi học toán chúng ta sẽ áp dụng ngay những bài toán mà chúng ta vẫn cho là vô ích ấy để áp dụng vào đời sống! Lí do thứ ba mà tôi cho rằng đó là lí do quan trọng nhất, đó là hiện nay, đã có rất nhiều trường Cao đẳng, Đại học như: Kinh tế, Y - Dược, Ngân hàng, Mầm non... các ngành học đó, đòi hỏi chúng ta phải học tốt môn Toán. Khi ra đời, một tương lai rộng lớn sẽ chào đón bạn, nếu bạn học tốt môn Toán!
Đã có rất nhiều người đam mê Âm nhạc, nhưng cũng không ít người chán ghét bộ môn này. Lí do thì có lẽ là do các học sinh vẫn nghĩ môn Âm nhạc không liên quan đến các kì thi quan trọng, nhất là từ cấp 3 trở đi, môn này không còn học nữa. Và cũng vì học sinh cũng như phụ huynh vẫn tự cho rằng, Âm nhạc là môn lãng phí thời gian mà chẳng bổ ích gì. Rất nhiều phụ huynh vẫn có quan điểm, nếu con mình đã không có năng khiếu âm nhạc thì bộ môn này không cần thiết! Nhưng có một sự thật đã được các nhà khoa học chứng mình là âm nhạc giúp con người cải thiện tâm trạng và nâng cao tuổi thọ. Khi chúng ta đứng lên bục giảng cất tiếng hát, dù chúng ta rất ngại vì mình hát không hay, nhưng qua nhiều lần như vậy sẽ khiến chúng ta tạo thành một kĩ năng đứng trước đám đông. Âm nhạc sẽ làm chúng ta vui vẻ và yêu đời hơn, sẽ làm bạn bè, người thân xích lại gần nhau! Vậy nên các bạn hãy tự tin cất lên giọng hát của bản thân nhé!