Cây cảnh không chỉ có khả năng làm đẹp cảnh quan mà còn tác dụng chữa bệnh khá hữu hiệu và quen thuộc nhưng có thể bạn chưa biết hết. Vì vậy, Toplist sẽ mang đến cho bạn những kiến thức khá hữu ích trong lĩnh vực y học mà gắn liền với "thú vui tao nhã". Chúng ta cùng nhau tìm hiểu những cây cảnh dưới đây có tác dụng chữa bệnh gì nhé!
Cây sung
Cây sung hay còn được gọi là tụ quả dong hoặc ưu đảm thụ. Cây sung là một loài cây thường được thấy nhiều ở các làng quê, nhất là ở các vùng có đất ẩm như bìa rừng ven sông, suối, ao hồ. Cây sung với người việt có tính phong thủy rất cao, nó tượng trưng cho sự sung túc no đủ. Mặt khác theo quan niệm Á Đông thì sung mang ý nghĩa quây quần sum họp. Trồng sung là mong muốn có một cuộc sống đầy đủ ấm no, gia đình sum hợp quây quần.
Ở Việt Nam quả sung có thể dùng để ăn, chúng ta thường thấy quả sung suất hiện ở trên các quán ốc, hoặc dùng để muối như muối dưa để ăn cùng thịt kho hoặc cá. Lá sung non cũng được sử dụng ở trong một số món ẩm thực tiêu biểu như: Thịt chua, thịt lợn, gỏi cá, nem chua… Nhựa sung thì được dùng để chữa một số vết thương ngoài da, nhọt độc, ngứa….
Những cây sung lớn được trồng tự do thì thường được dùng lấy quả cũng như lá phục vụ cho nhu cầu ăn uống thường ngày như dã kể trên. Còn một phần cây sung được sử dụng làm cây cảnh trang trí nhà cửa rất bắt mắt. Nhưng cơ bản cây sung đối với người chơi hoa thì nó là một trong những cây làm bonsai cực đẹp, các dáng thế của cây sung mang đến cho người chơi sự đê mê. Cây sung tượng trưng cho sự sum họp, sự sung túc ấm no nên rất khi lên được bonsai thì thường rất lâu và sẽ được giá rất cao.
Hoa hồng
Hoa hồng vừa là loài hoa vừa là loại cây cảnh được nhiều người trồng nơi góc vườn hoặc sân nhà. Hoa hồng có mùi hương nồng, tính bình và vị ngọt. Trong hoa hồng có chứa kali, là một thành phần quan trọng đối với hoạt động của tim, giúp cải thiện tình hình hoạt động của tuyến nội tiết.
Tinh dầu từ hoa hồng có thể làm dịu cơ tim nên được dùng để xông cho những người bị hẹp van tim. Ngoài ra, người ta cũng sử dụng nước chiết xuất từ hoa hồng để điều trị rối loạn dây thần kinh, trị lở loét miệng, chữa viêm phế quản, viêm họng, cảm cúm, sốt và viêm lợi.
Cây đinh lăng
Loài cây xanh này thường được mọi người trồng trong nhà để có thể giữ tài lộc và xóa tan vận xấu. Không những thế Đinh lăng còn được coi là nhân sâm của người nghèo cũng là thần dược chữa bách bệnh. Ngoài là một vị thuốc cây Đinh lăng còn là cây gia vị trong ẩm thực. Nó là một loại rau khá quen thuộc đối với chúng ta, bạn có thể ăn sống lá Đinh lăng nhỏ có nhiều răng cưa kèm với một số món ăn khác. Đinh lăng kho với cá, cũng là một món ngon dân dã, bổ dưỡng. Đồng thời lá Đinh lăng cũng được dùng để làm rau gia vị cho một số món canh hoặc xào, khiến cho món ăn thêm hấp dẫn hơn.
Đinh lăng luôn được giới đam mê cây cảnh yêu thích vì vẻ đẹp từ gốc và thân của nó. Không những vậy, đây là vị thuốc quý giá từ xa xưa. Rễ cây đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết. Lá đinh lăng có vị đắng, tính má nót nên được sử dụng để giải độc, chống dị ứng, chữa ho ra máu. Thân và cành chữa tê thấp, đau lưng khá hiệu quả. Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý là không được dùng rễ đinh lăng với liều cao, nếu không cơ thể sẽ rơi vào trạng thái say và mệt mỏi.
Cây sống đời
Cây sống đời hay còn có tên gọi dân gian khác là cây lá bỏng là một loại cây được biết đến với tác dụng chữa bỏng là chính. Ngoài ra chúng còn được người dân dùng làm cảnh vì chúng có hoa rất đẹp và nhiều ý nghĩa phong thủy. Tuy nhiên ít ai biết được cây còn có rất nhiều tác dụng kháng khuẩn và trị các bệnh như chảy máu cam, trĩ, đau họng…
Cây sống đời với nhiều màu hoa khác nhau và đối với mỗi vị trí, công việc tình yêu lại có ý nghĩa khác nhau:
- Trong gia đình: Chúng có ý nghĩa mang lại hạnh phúc, sức khỏe cho mọi người, thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình.
- Trong tình yêu: Mang ý nghĩa thể hiện sự chân thành, bền vững, trong sáng.
- Trong công việc: Mang ý nghĩa thể hiện sự quyết tâm làm việc, vượt qua mọi khó khăn.
Cây bạc hà
Hiện nay, bạc hà được trồng trong các chậu nhỏ để tiện lợi bán. Tiện lợi cho người mua vừa dùng để trồng là cảnh, vừa dùng để sử dụng với những mục đích khác. Bạc hà rất dễ sống. Loài cây này có thể sống hầu hết trong các loại đất. Nhưng đặc biệt phát triển tốt trong môi trường đất sét. Nếu trồng trong các loại đất khác cần chú ý khong được để đất quá khô hạn.
Vị thơm the nồng của bạc hà giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa, giảm đau bao tử cũng như ngăn ngừa chứng khó tiêu. Bạc hà được xem vị thuốc thần kì, chỉ cần vò nát 1 - 2 lá bạc hà và thoa lên trán và mũi, cơn buồn nôn cũng như đau đầu sẽ khỏi trong tích tắc. Hương the nồng của lá bạc hà sẽ giúp mọi người thông mũi, cổ họng và phổi. Lá bạc hà có chất kháng khuẩn cũng như kháng viêm nên chỉ với một tách nước ấm, vài lá bạc hà là đã đánh bay được chứng viêm họng, ho mà người Việt Nam thường gặp.
Bạc hà thường được dùng nhiều trong y học để chữa nhiều bệnh. Dùng để nấu ăn, làm gia vị. Và đặc biệt là chế biến tinh dầu bạc hà. Do đó, bạn nên trồng một chậu vạc hà trong khuôn viên nhà mình nhé, vừa làm cảnh, vừa là món rau gia vị và là vị thuốc quý cho gia đình mình.
Cây dương xỉ
Ngoài khả năng hấp thụ asen, cây dương xỉ còn hấp thu tốt các chất độc hại đến sức khỏe con người như toluene, xylen, Aldehyde formic đem lại không khí trong lành và tinh thần thoải mái cho con người. Dương xỉ còn làm giảm các bức xạ từ máy tính và máy in, rất tốt cho dân văn phòng.
Nhà phố hiện nay rất ưa thích trồng dương xỉ trong phòng ngoài các lợi ích trên ra còn có ứng dụng trang trí, làm dịu mắt rất hiệu quả. Dương xỉ thường được trồng trong bình thủy sinh, hay trồng chậu xinh xinh trưng ở bàn làm việc, bàn học, bàn tiếp khách, kệ sách, kệ tivi, bàn ăn, cửa sổ, bệ cầu thang… mang đến màu xanh đầy sức sống và vẻ đẹp sang trọng. Đối với những chậu có kích thước to hơn, bạn có thể làm những chiếc giá kệ để cho cao hơn trưng ở góc nhà, cạnh cửa sổ sẽ là sự biến tấu đẹp mắt.
Cây dương xỉ còn là vị thuốc quý trong Đông y có tác dụng chữa bệnh, dùng để làm thuốc chữa bong gân, thận hư, cầm máu, bạch biến, lang ben, chữa di tinh, đau lưng, mỏi gối, tiểu són, bạch đới, tiêu chảy, suy yếu khí huyết, đau mỏi các khớp. Đặc biệt dương xỉ còn giúp xử lý nước thải và lọc nước hiệu quả bằng cách hấp thụ hàm lượng asen trong đất.
Cây ngọc lan
Cây ngọc lan hay còn được gọi là Sứ ngọc lan có tên khoa học là Michelia Alba thuộc họ Magnoliacee. Cây có nguồn gốc chính từ Ấn Độ. Ở Việt Nam, có khoảng 20 loài thuộc chi ngọc lan, trong số đó có khoảng 5 loài được trồng phổ biến khắp nước tư trường học đến công viên hay tại mỗi gia đình vì hoa thơm nồng. Đặc biệt gỗ màu nâu cứng đẹp có thể đánh bóng rất láng, dùng làm bàn ghế, đồ tiện khắc, gỗ dán đẹp. Hoa có thể chưng cất dầu thơm, chế nước hoa...
Trong y học cổ truyền, hoa ngọc lan có tính ôn, vị hơi cay, có công năng tiêu đờm, ích phế hòa khí. Có thể dùng pha trà để uống, ngoài ra Ngọc lan còn là loài hoa chữa được rất nhiều bệnh với nhiều công dụng khác nhau như chữa trị rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, sốt. Hoa ngâm trong dầu dùng ngoài da trị nhức đầu, đau mắt, viêm mũi, xoang, thấp, gút, chóng mặt, viêm nhiễm và sốt. Lá dùng chữa trị các vết sưng tấy. Rễ cây Ngọc lan trắng có tác dụng thông kinh.
Cây quất cảnh
Cây quất là cây xanh, cây ăn quả rất quen thuộc với người dân Việt Nam, đặc biệt là mỗi dịp tết đến xuân về. Trong phong thủy cây quất đại diện cho sự sung túc, đại diện cho may mắn no đủ cho cả gia đình trong năm mới. Cây quất thường được người dân lựa chọn để trang trí vào dịp Tết cũng bởi theo âm Hán Việt thì âm của từ "quất" gần giống âm của từ "cát" trong cát tường ý nghĩa gặp nhiều may mắn và phước lành. Cây quất có lá xanh tốt, sai quả, quả vàng đều thể hiện sự trù phú, hứa hẹn một năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.
Quất không chỉ là cây cảnh của mùa xuân, từ quả quất chín mọng, qua bàn tay khéo léo của con người được chế biến thành nón ăn khác nhau như mứt quất, chân gà ngâm sả tắc, bánh hương tắc... Quất còn là vị thuốc chữa được nhiều bệnh, đặc biệt với trẻ em. Trong Đông y, quất có vị ngọt, chua, tính ấm tác dụng vào các kinh phế, vị, can. Quất có công năng tiêu đờm, trị ho, giải uất, tiêu thực, giải rượu. Hạt quất có tác dụng giảm ho, cầm máu, chống nôn. Lá quất vị cay đắng, tính lạnh, có tác dụng thư can (điều hoà, cải thiện chức năng gan), khai vị khí (kích thích tiêu hoá), thông phế khí, chống nôn, nấc, tiêu hạch...
Cây nha đam
Cây nha đam hay được gọi cây lô hội, không chỉ được sử dụng làm thuốc mà còn ứng dụng rộng trong công nghệ mỹ phẩm. Nha đam là loại cây thảo, sống nhiều năm, lá màu xanh lục, không cuống, mọc xít nhau, hình ba cạnh có răng cưa thô. Theo y học cổ truyền, đây là loại cây có vị đắng, tính hàn, làm mát nên được sử dụng để thanh nhiệt và giải độc rất tốt.
Trong làm đẹp, nước nha đam có tác dụng sát khuẩn, cung cấp chất dinh dưỡng cho da và chống nắng khá hữu hiệu nên được các bạn gái tin dùng. Ngoài ra, lô hội còn được dùng chữa một số bệnh như đau đầu, chóng mặt, đại tiện bí, viêm dạ dày, nhuận tràng, bỏng và bệnh đái tháo đường...
Cây đào
Đào là một loài cây cảnh khá được ưa chuộng trong dịp Tết của người dân. Người ta dùng quả đào để ăn, thế nhưng hạt, lá và hoa đều là những vị thuốc quý giá. Đặc biệt là nhân hạt có các tác dụng ức chế đông máu, chống dị ứng và chống viêm.
Phụ nữ rối loạn nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh, bế kinh, mãn kinh thì đây là loại thuốc chữa trị khá hữu hiệu. Nước sắc lá đào thường được dùng ngoài để tắm chữa ghẻ lở, ngứa, ngâm chữa viêm kẽ chân. Tuy nhiên một điều đáng lưu ý trong lá đào có acid hydrocyanic độc nên chỉ dùng ở một lượng vừa đủ.