Trong thời buổi công nghệ hóa, hiện đại hóa như ngày nay, con người ta dần hiểu biết và thông minh hơn rất nhiều. Nhưng trong những thời kì trước, với vốn kiến thức ít ỏi, con người từng có những nhận thức sai lầm và tạo ra nhiều công việc rất vô lý. Hãy cùng Toplist tìm hiểu những công việc kì lạ đó là gì ngay sau đây nhé!
Những người đuổi chó
Từ thế kỉ XVI đến XIX, chó hoang xuất hiện rất nhiều ở Châu Âu. Chúng thường tụ tập trước nhà thờ nơi có rất nhiều bánh mì, các nhà linh mục hảo tâm hay giáo dân tốt bụng thì luôn sẵn sàng cho chúng thức ăn, nước uống. Đa phần các chú chó này rất dễ thương nhưng đôi khi nhà thờ coi đây là một sự khó chịu, do vậy họ quyết định thuê vài người để đuổi những con chó này đi.
Thế là nghề đuổi chó được hình thành, công việc chính của những thợ đuổi chó là sử dụng các công cụ như kẹp gỗ để giữ phần mõm chó và gậy để đuổi chúng trở lại rừng. Tuy nhiên sau này do sự xuất hiện của những chiếc cũi nhốt chó nên nghề này cũng ít dần đi.
Nghề trộm xác
Vào thế kỉ thứ 19, y học bắt đầu phát triển vượt bậc với nhiều lý thuyết và những phương pháp mới làm nên cuộc cách mạng trong việc chăm sóc sức khỏe. Số lượng sinh viên ngành y bắt đầu tăng vọt và nhu cầu cơ thể để tiến hành thí nghiệm cũng vì thế mà tăng cao. Chính phủ thì chỉ cho phép họ sử dụng xác của những kẻ tử tù thí nghiệm nên người ta đã nghĩ ra một nghề vô cùng kinh dị để kiếm tiền chính là trộm xác.
Những người làm nghề này chuyên môn đi rình rập để trộm xác của những người mới mất rồi đem bán để kiếm tiền. Đây là công việc kinh dị và mang đầy mặc cảm tội lỗi vì những người hành nghề luôn luôn phải lẩn tránh xã hội do những quy định của chính phủ và nỗi đau của những gia đình nạn nhân.
Làm người hành quyết
Công việc của người hành quyết quả là việc làm rùng rợn và dã man nhất trong lịch sử loài người.
Những cách thức hành hình kẻ phạm tội rất đa dạng và đòi hỏi người thực thi nhiệm vụ phải có tinh thần sắt đá, chẳng hạn như chém đầu, cho tử tù bị điện giật, treo cổ hoặc kinh dị hơn là dìm vào nước sôi, thiêu sống hoặc phanh thây.
Nghề thông ống khói
Nhiệm vụ của những người này là làm sạch bồ hóng trên các ống khói do các gia đình liên tục đốt lửa để sưởi ấm trong mùa đông. Thường thì công việc này sẽ dễ dàng hơn đối với những cậu bé nhỏ tuổi, đủ nhỏ để chui vào bên trong ống khói chật hẹp.
Nhưng rất đáng thương là những đứa trẻ này sẽ bị lem luốc khắp mặt và khuỷa tay, đầu gối rướm máu khi phải làm việc trong một môi trường nguy hiểm như vậy. Thậm chí, những bé 5 tuổi thường sợ hãi khi phải trèo ra ống khói và rồi trở nên cực kỳ hoảng loạn vì những người chủ nhà sẽ đốt lửa để đuổi chúng lên cho nhanh.
Do vậy, nếu bị mắc kẹt, một số đứa trẻ có thể chết ngạt trước khi được giải cứu. Điều tệ nhất là, công việc nguy hiểm này còn rất có hại cho sức khoẻ vì bồ hóng ở ống khói là tác nhân gây ung thư phổi.
SinEater - Người ăn tội lỗi
Công việc này xuất hiện vào thế kỉ thứ 19 tại Châu Âu, khi một gia đình nào đó có tang sự họ sẽ thuê một người chuyên ăn các loại đồ cúng được bày trên quan tài để gánh tội cho người chết, giúp họ có thể được lên thiên đàng.
Một mẩu bánh mì sẽ được đặt trên ngực người chết và nhiệm vụ của sin-eater là ăn nó. Họ quan niệm rằng, mọi tội lỗi của người chết sẽ được mẩu bánh mì hấp thụ và nếu sin-eater ăn nó, họ sẽ phải chịu thay những vết nhơ đó trong tâm hồn.
Người làm nghề này được gọi là Sin-Eater (Người ăn tội lỗi), họ thường là những người nghèo đói nhất và luôn sống trong sự xa lánh của xã hội do ngành nghề của họ. Bị ghét bỏ trong cả cuộc đời, đói nghèo cùng tâm lý phải gánh hàng chục tội lỗi mang theo xuống địa ngục. Đây là điều không hề dễ dàng đối với những người làm công việc này.
Người làm báo thức
Trong thời buổi công nghệ hiện đại bây giờ, chúng ta có đồng hồ và cả điện thoại để đặt báo thức nhưng ngày xưa thì đào đâu ra những thiết bị như thế. Do đó để có thể thức dậy đúng giờ vào buổi sáng có một ngành nghề mới đã được nghĩ ra chính là "Người làm báo thức".
Nhiệm vụ chính của những người này là sử dụng gậy hoặc chuông để gọi bạn dậy vào buổi sáng. Có những vị khách chỉ cần gõ cửa nhẹ là đã tỉnh giấc nhưng có những vị khách phải rung chuông inh ỏi cả khu phố thì mới có thể dậy được đấy! Công việc này khá là nhàn hạ và tồn tại trong khoảng thời gian rất dài cho đến khi người ta phát minh ra chuông báo thức.
Thợ lái gỗ
Vào đầu thập niên 1800, do điều kiện giao thông chưa tốt nên gỗ sau khi được khai thác trên rừng sẽ được người ta thả trôi theo dòng chảy của sông từ thượng nguồn xuống hạ nguồn. Tuy nhiên trong quá trình vận chuyển sẽ có rất nhiều số lượng gỗ mắc kẹt và bị người dưới hạ nguồn lấy trộm.
Để tránh tình trạng này, một nghề mới đã hình thành đó là nghề lái gỗ. Những người làm công việc này có nhiệm vụ giữ cho gỗ không bị lấy cắp hoặc bị mất do trôi qua dòng chảy khác. Tuy nhiên, đây là một công việc vô cùng vất vả và nguy hiểm. Người lái gỗ phải giữ mình thăng bằng trên thân gỗ kéo dài từ sáng sớm cho tới chiều. Chỉ cần một lần mất tập trung, tính mạng của họ sẽ lâm vào cảnh nguy khốn.
Punkah wallah
Ngồi yên, dùng tay để "giật" là những từ để mô tả công việc mang tên Punkah wallah này. Không phải là công việc nguy hiểm nhưng nó lại khiến người ta buồn chán đến ghê người. Trong suốt thời gian nước Anh cai trị Ấn Độ và Pakistan, quạt trần là một phát minh rất được ưa chuộng, giúp người ta xua tan đi cái nóng rất oi bức của vùng đất nhiệt đới này.
Tuy nhiên vì chưa được hoàn thiện nên quạt trần thời đó chưa có khả năng tự động hóa hoàn toàn và để giữ cho quạt chạy liên tục nên phải một người chuyên đứng im và “giật” điều khiển cho quạt chạy liên tục. So với công việc xưa của những người nô lệ phải thường xuyên quạt mát cho chủ nhân của mình thì việc này có lẽ còn kinh khủng hơn, vì suốt ngày dài chỉ ngồi im một chỗ mà tiền lương nhận được thì vô cùng ít ỏi.
Người đọc báo thuê
Vào thế kỉ XIX, các công nhân bị bắt phải làm việc cả ngày với đồng lương vô cùng ít ỏi. Không chỉ vậy công việc trở nên rất nhàm chán do những người thợ này không được phép trò chuyện với nhau. Để níu chân công nhân, các ông chủ đã nghĩ ra một điều mới để tăng hứng thú trong công việc cho công nhân đó là đọc báo.
Thế là nghề đọc báo thuê hình thành, những công nhân biết chữ và giọng đọc rõ ràng sẽ được ngồi trên một bục cao, đọc sách báo mỗi ngày cho công nhân nghe.
Whipping Boy - Người chịu tội thay
Whipping Boy (Người chịu tội thay) bắt đầu xuất hiện vào thế kỉ thứ 15 và 16 tại Châu Âu nhằm để chỉ một cậu bé thuộc tầng lớp quý tộc. Cậu bé này sẽ được chọn để sống chung và chịu trách nhiệm trước mọi tội lỗi của hoàng tử.
Công việc này bắt nguồn từ khái niệm vụ là người được chọn bởi chúa trời, có thân phận khác hẳn với tất cả mọi người và không ai khác ngoài vua có quyền trừng phạt con cái của mình. Nhưng vì người làm vua luôn bận rộn quản lý đất nước của mình nên hiếm có thời gian dạy dỗ con cái, nên việc này chủ yếu giao cho các gia sư, mà họ thì không có quyền ra tay với hoàng tử, chính vì thế Whipping Boy ra đời.
Họ quan niệm rằng Whipping Boy là người lớn lên cùng hoàng tử, cùng ăn, cùng chơi và bầu bạn nên nếu nhìn thấy Whipping Boy bị trừng phạt bởi lỗi lầm của mình thì hoàng tử sẽ thấy ăn năn và không bao giờ dám tái phạm nữa.