Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng nhất tỉnh An Giang

Như một tuyệt tác tạo hóa ban tặng, vẻ đẹp của An Giang làm người ở chẳng muốn về. Sự yên bình của thiên nhiên kết hợp với sự đa dạng về văn hóa lịch sử đã tạo cho lòng người dân Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và khách phương xa nói chung một tình cảm quyến luyến về vùng đất đẹp đến say lòng này. Cùng Toplist điểm qua những địa danh làm nên sức hấp dẫn khách du lịch đến với An Giang nhé.

Chợ Châu Đốc

Nằm ở phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, chợ Châu Đốc là điểm đến du khách không nên bỏ qua trong hành trình du lịch An Giang. Chợ có nhiều mặt hàng phong phú, thời gian họp chợ từ sáng sớm đến tầm trưa. Khu chợ này còn được ưu ái với tên gọi là “vương quốc mắm” bởi một nửa sạp hàng trong chợ bày bán mắm. Chợ Châu Đốc chia thành nhiều khu tách biệt nhưng nổi bật là khu bán mắm. Có khoảng 30 loại mắm được bày trên quầy từ mắm thái, mắm sặc, mắm trê, mắm lóc đến mắm rô, mắm trèn, mắm cá linh, mắm phi lê, dưa mắm.... Những chậu mắm được sắp xếp gọn gàng và bài trí bắt mắt. Mỗi loại mắm ở đây đều được đặt tên theo loại cá làm mắm cho dễ nhớ. Mắm Châu Đốc đa dạng và phong phú về chủng loại, hương vị thơm ngon. Du khách đi dạo trong chợ Châu Đốc có thể mua nhiều loại mắm đặc sản về làm quà cho gia đình, bạn bè.


Bên cạnh những mặt hàng mắm thơm ngon thì cá đồng làm khô với hàng trăm loại cũng được bày bán tại chợ Châu Đốc. Nổi tiếng ở đây có đặc sản khô cá tra phồng với nguyên liệu là các loại cá được nuôi từ những làng bè ngay ngã ba sông Hậu. Rất nhiều du khách đi du lịch An Giang đã ghé chợ Châu Đốc mua khô cá tra phồng về làm quà. Chợ Châu Đốc còn bán khô rắn đặc sản ngon tuyệt. Ngoài các loại khô đặc sản có giá trị cao, chợ còn bày bán nhiều loại khô dân dã như khô cá sặc, khô cá chạch, khô cá chốt, khô cá lòng tong… Khám phá chợ Châu Đốc, đương nhiên du khách không thể bỏ qua đặc sản thốt nốt. Đây là một loại cây không nhánh, giống cây dừa nhưng thân cao và to hơn, lá xòe tán tròn như lá cọ. Thốt nốt trổ quả thành buồng, trái to như trái dừa xiêm, bên trong có nhân màu trắng nhìn giống cơm dừa nước. Nước thốt nốt ngọt và mát, dù chỉ uống một ngụm cũng đủ khiến du khách khó mà quên được mùi vị. Nhiều sạp hàng trong chợ Châu Đốc bán trái thốt tươi, có nhiều quầy đem thốt nốt chế biến thành nhiều món ăn chơi như thạch thốt nốt, bánh bò thốt nốt…

Các loại mắm đặc sản tại chợ Châu Đốc
Các loại mắm đặc sản tại chợ Châu Đốc
Các loại mắm đặc sản tại chợ Châu Đốc
Các loại mắm đặc sản tại chợ Châu Đốc

Núi Tà Pạ

Núi Tà Pạ thuộc xã Núi tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ngọn núi này mang vẻ đẹp hoang sơ từ những vách đá, cột đá cao và những tảng đá đỏ màu gan gà được in bóng xuống hồ Tà Pạ trong xanh tạo nên một quan cảnh lạ mắt. Núi Tà Pạ chính là một điểm nhấn không thể thiếu trong bức tranh thiên nhiên để tạo nên sự nổi tiếng của địa danh Tà Pạ. Không khí trong lành, mát mẻ nhờ những hàng cây xanh xum xuê cùng với sự cổ kính và uy nghiêm của ngôi chùa phật giáo dòng Nam Tông Khmer mang tới một nét riêng đặc biệt cho Tà Pạ. Đứng từ trên núi, du khách có thể ngắm nhìn thấy những cánh đồng Tà Pạ lúa vàng ươm trải dài ngút ngát trong tầm mắt. Tô điểm thêm trên nền vàng là những cây Dầu màu xanh như vẽ lên một bức tranh làng quê tuyệt đẹp. Nếu bạn đang tìm một địa điểm nghỉ ngơi yên tĩnh ở An Giang thì Tà Pạ chính là sự lựa chọn hoàn hảo nhất.


Ngoài khám phá, hưởng thụ thiên nhiên trời cho này. Đây là địa điểm lý tưởng cho những bộ ảnh cưới hay những tấm ảnh check-in độc đáo với đủ các góc ảnh từ cảnh núi non đến hồ nước trong veo. Hồ Tà Pạ không chỉ thu hút khách du lịch bởi vẻ trong trẻo của mặt hồ mà còn có một khung cảnh hữu tình, nên thơ rất phù hợp cho các cặp đôi tới nghỉ dưỡng. Mặt hồ lúc nào cũng bình nặng, nước thì trong vắt dường như có thể nhìn thấy mọi thứ ở dưới đáy hồ. Tất cả cảnh vật xung quanh đều đổ bóng xuống hồ, màu xanh ngắt của cỏ cây hòa quyện với màu xanh ngọc bích của bầu trời tạo nên quang cảnh hùng vĩ và lôi cuốn đến lạ kì. Theo như những gì người dân ở đây kể lại thì Hồ Tà Pạ được hình thành từ quá trình khai thác đá để lại. Mặc dù có bàn tay con người tạo nên nhưng mọi cảnh ở đây vẫn đẹp tự nhiên và làm mê say bất cứ ai đến với hồ.

Vách đá, cột đá núi Tà Pạ in bóng xuống đáy hồ trong xanh
Vách đá, cột đá núi Tà Pạ in bóng xuống đáy hồ trong xanh
Cánh đồng Tà Pạ bát ngát
Cánh đồng Tà Pạ bát ngát

Làng người Chăm Châu Giang

Làng người Chăm Châu Giang thuộc xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Nơi đây có nhiều nhất là những Thánh đường Hồi giáo có kiến trúc tháp tròn độc đáo, ngoài ra còn thu hút khách du lịch với những chiếc khăn ma-tơ-ra xúng xính, những món ăn truyền thống và lối sống văn hóa của nhiều vùng miền. Trong số các làng Chăm ở An Giang thì có thể nói, làng Chăm Châu Giang là nơi còn lưu giữ khá nhiều nét văn hóa độc đáo trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Nổi bật trong số đó có thể kể đến nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tập tục sinh sống nhà sàn và tín ngưỡng Hồi giáo dưới bóng thánh đường. Chính từ điều này mà làng Chăm Châu Giang thường được các các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tìm đến để lấy cảm hứng sáng tác nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật.


Bước vào làng Chăm là bạn đã lạc vào một thế giới khác. Đến đây, trong không gian vùng quê yên tĩnh đậm chất sông nước miền Tây bạn sẽ được cảm nhận sự thân thiện và hiếu khách của bà con. Với cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi lớn, An Giang có rất nhiều thánh đường và tiểu thánh đường; nổi bật nhất trong số đó là thánh đường Mubarak được công nhận là di sản quốc gia. Từ bến phà Châu Giang, bạn rẽ tay trái là có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của công trình này. Thánh đường Mubarak lỗng lẫy - nơi tôn nghiêm trong tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Chăm theo Hồi giáo. Thánh đường có kiến trúc độc đáo, tháp tròn, cổng chính hình vòng cung, rất đặc sắc. Nóc thánh đường có một tháp lớn hai tầng hình bầu dục, chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao, tượng trưng cho đạo Hồi. Đây là một trong những công trình có giá trị cao, và là điểm tham quan hấp dẫn tại làng Chăm Châu Giang.

Thánh đường Hồi giáo của người Chăm Châu Giang
Thánh đường Hồi giáo của người Chăm Châu Giang
Vẻ đẹp thuần khiết của cô gái Chăm
Vẻ đẹp thuần khiết của cô gái Chăm

Thất Sơn

Thất Sơn hay còn gọi là Bảy Núi, gồm có 37 ngọn núi trong đó có 7 ngọn núi nổi bật không liên tục nhau, đột khởi trên đồng bằng miền Tây Nam Bộ, thuộc hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Có thể nói đây là địa điểm du lịch thu hút số lượng lớn khách tham quan hàng năm và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đầu tiên là Núi Cấm, một trong những ngọn núi đẹp nhất và cao nhất dãy Thất Sơn, dọc theo khúc cua lên núi là những cảnh sắc không khác gì bồng lai tiên cảnh và ở đây có tượng phật Di Lặc lớn nhất Việt Nam ngự tại chùa Vạn Linh. Tiếp đến là Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), bên trong núi là một hệ thống các hang động ngầm như một tổ ong lớn, và nơi đây cũng rất nổi tiếng với khu di tích lịch sử Tức Dụp ghi dấu những sự kiện trọng đại trong lịch sử kháng Mĩ.


Tiếp theo sau là Núi Két (Anh Vũ Sơn), Núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hổ Sơn), Núi Dài (Ngọa Long Sơn) là những ngọn núi có địa hình khá hiểm trở, thách thức các phượt thủ yêu thích mạo hiểm ghé thăm. Cuối cùng, Núi Tượng (Liên Hoa Sơn), Núi Thủy (Thủy Đài Sơn) cũng là hai ngọn núi có cảnh sắc thơ mộng trong dãy Thất Sơn. Ngoài ra, nếu đã đến Thất Sơn thì không thể không nói đến lễ hội đua bò. Đây là một lễ hội đặc trưng và cũng là nét độc đáo, thú vị của vùng 7 núi - Thất Sơn. Hằng năm, cứ đến dịp lễ "Đôn ta" (vào tháng 10 âm lịch), người dân nơi này lại náo nức, tưng bừng chuẩn bị cho lễ hội đua bò mang đậm bản sắc văn hóa dân gian. Thất Sơn sẽ là địa điểm khám phá mới cho bạn trong chuyến du lịch An Giang đó.

Toàn cảnh thiên nhiên hùng vỹ của dãy Thất Sơn (Bảy Núi)
Toàn cảnh thiên nhiên hùng vỹ của dãy Thất Sơn (Bảy Núi)
Cảnh sắc bồng lai của Núi Cấm (Thất Sơn)
Cảnh sắc bồng lai của Núi Cấm (Thất Sơn)

Làng nổi Châu Đốc

Làng nổi Châu Đốc nằm ngay tại trung tâm thành phố Châu Đốc. Điểm du lịch độc đáo nhất ở Châu Đốc chính là làng bè nổi, nét văn hóa đặc sắc mang đậm phong cách của vùng sông nước. Xuồng, ghe là phương tiện chủ yếu của mỗi gia đình ở những làng nổi này. Ở đây, mỗi chiếc bè như một căn hộ kết nối nhau trải dài dọc hai bờ sông. Mỗi chủ bè có ít nhất 3 - 4 chiếc bè, thường có thêm một chiếc bè sinh sống cặp bên. Đặc biệt, gần đây, một số người dân có xu hướng đóng bè xuống sông định cư. Cuộc sống của gia đình được gói gọn trên chiếc bè ngang 4m, dài 7 - 8m. Sở dĩ người dân sống nhiều ở làng nổi bởi lẽ chỉ với một khoảng chi phí vừa phải thì đã có thể đóng được chiếc bè (ngoại trừ những bè được đóng kiểu cách chi phí có thể lên tới tiền tỉ), vừa làm nhà để ở vừa không tốn tiền mướn hoặc mua bến bãi. Do nhu cầu sinh hoạt của dân cư, nhiều dịch vụ phục vụ khác phát sinh, nào là cửa hàng kinh doanh, sửa chữa máy móc, bán xăng dầu... người dân sinh sống như những người ở trên bờ. Họ ăn uống, nghỉ ngơi, chơi đùa, nuôi gia súc. Họ có truyền hình để giải trí. Từ đó làng nổi được hình thành.


Xuồng, ghe chính là phương tiện chủ yếu của mỗi gia đình ở làng nổi, không khác gì chiếc xe máy của người dân trên bờ, khi di chuyển, họ có thể dùng chiếc thuyền nhỏ hơn. Khách du lịch đến nơi đây cũng sẽ thấy thích thú khi đi trên các tắc ráng, vỏ lãi, hay xuồng gắn máy đuôi tôm để tham quan ngôi làng. Ngồi trên bè, ngắm những khóm lục bình trôi, cảm nhận luồng gió mang hơi nước mát lạnh từ ngoài sông thổi vào, mọi thứ đủ để xua tan đi cái nóng bức của mùa hè. Gió lồng lộng trên sông, du khách đi thuyền vừa ngắm cảnh dọc hai bên bờ vừa nghe cải lương, hát tân cổ giao duyên. Làng nổi Châu Đốc thật thơ mộng và yên bình. Kiến trúc của những “ngôi nhà” ở làng nổi cũng rất độc đáo. Những ngôi nhà gỗ được sơn nhạt, trần lợp simili hoa văn với đầy đủ tiện nghi, có đáy sâu 5m được cấu tạo bằng gỗ sao, chung quanh bọc lưới inox để nuôi cá ba sa và một số loại cá khác.

Làng nổi Châu đốc lấp lánh về đêm
Làng nổi Châu đốc lấp lánh về đêm
Khung cảnh làng nổi Châu Đốc
Khung cảnh làng nổi Châu Đốc

Rừng tràm Trà Sư

Rừng tràm Trà Sư nằm trên địa bàn xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Khu rừng ngập mặn này chính là địa danh đại diện cho nét đẹp của vùng Tây sông Hậu và đồng thời cũng là nơi cư trú của 70 loài chim, 11 loài thú, 25 loài bò sát và ếch nhái, hơn 20 loài cá và hơn 140 loài thực vật. Thời điểm mà khách du lịch có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn hết vẻ đẹp của rừng tràm Trà Sư là vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch, cũng tức là vào mùa nước nổi. Đi thuyền dọc theo khu rừng, chắc chắn rằng bạn sẽ choáng ngợp bởi không gian toàn màu xanh của tự nhiên tựa như trong thần thoại. Những đầm bèo xanh mướt và hàng cây dọc ven bờ sẽ khiến bạn cảm thấy như được hòa mình với thiên nhiên, thỉnh thoảng bạn sẽ nghe thấy tiếng mái chèo, tiếng chim, tiếng cá... vang vọng cả một khu rừng.


Rừng tràm Trà Sư được đánh giá là điểm thăm quan lý thú và đặc sắc nhất của mảnh đất An Giang. Du khách tới đây tham quan sẽ cảm thấy choáng ngợp trước những hàng cây tràm hai bên đường. Không những thế, bạn còn được ngắm nhìn những cánh đồng lúa trải rộng thẳng cánh cò bay xen lẫn những hàng cây thốt nốt cao ngút ngàn. Có thể nói rằng rừng tràm Trà Sư là niềm tự hào du lịch của tỉnh An Giang nói riêng và khu vực miền Nam nói chung. Nơi đây có đầy đủ những nét đặc trưng nhất của vùng miền sông nước với hệ sinh thái điển hình của vùng rừng ngập nước phía Tây sông Hậu. Tại đây có những con kênh dài với dòng nước mát lành sẽ dần dần xuất hiện ra trước mắt du khách khi đứng trên cây cầu bước vào cổng rừng tràm. Hành trình bắt đầu từ đây những chiếc thuyền máy hoặc ghe thuyền nhỏ bắt đầu chở du khách mỗi thuyền từ 3 - 5 người để đi sâu vào tận ngóc ngách của rừng tràm.

Hệ sinh thái rừng tràm Trà Sư
Hệ sinh thái rừng tràm Trà Sư
Rạch bèo tây (rừng tràm Trà Sư)
Rạch bèo tây (rừng tràm Trà Sư)

Khu di chỉ Óc Eo

Khu di chỉ Óc Eo thuộc vùng Núi Sập - Ba Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Đây là một khu di tích cổ rộng lớn và nổi tiếng bậc nhất ở An Giang. Văn hóa Óc Eo hình thành và phát triển mạnh ở khu vực đồng bằng Nam Bộ trong khoảng 10 thế kỷ đầu Công Nguyên. Theo tìm hiểu của Viet Fun Travel, vào khoảng đầu Công Nguyên, Óc Eo là một cửa biển thông qua vịnh Thái Lan. Khu vực này nằm trên trục đường thương mại hàng hải giữa một bên là bán đảo Mã Lai và Ấn Độ, một bên là sông Mê Kông và Trung Quốc. Do đó, Óc Eo trở thành một địa điểm trung chuyển khá thuận lợi giữa các khu vực. Đến khoảng thế kỷ VI - VII, các thương thuyền có thể di chuyển ngoài khơi xa với khoảng cách lớn hơn mà không phải dừng lại khắp nơi hay đi dọc theo bờ biển. Từ đó, Óc Eo mất dần vị thế hấp dẫn, sức thu hút giảm dần vì hàng hóa không còn phong phú như trước. Nền văn hóa Óc Eo dần bước vào thời kỳ suy sụp khi nước Chân Lạp bắt đầu trỗi dậy cùng với đó là sự phát triển thương mại vùng Mê Kông.


Tên gọi “Óc Eo” ban đầu dùng để chỉ cấu trúc hình chữ nhật trong khu vực nhưng sau đó Malleret dùng để chỉ toàn bộ khu vực. Các nghiên cứu khảo cổ sau này cho thấy không gian của văn hóa Óc Eo có thể tìm thấy ở nhiều ở các khu vực như Núi Sam, Lò Mo (An Giang); Nền Chùa, Cạnh Đền, Mốp Văn… (Kiên Giang); Gò Tháp (Đồng Tháp). Sau ngày đất nước thống nhất, các nhà khảo cổ, nhà khoa học Việt Nam và quốc tế tiếp tục khai quật, nghiên cứu thêm hàng loạt di chỉ ở khu vực quanh núi Ba Thê và đã phát hiện thêm vô số di chỉ, di vật quý giá. Một số di chỉ được tìm thấy như các loại tượng to nhỏ, nhẫn, hoa tai, hạt đá quý, mã não, hạt thủy tinh, con dấu, bùa đeo, cộng cụ bằng đồng và bằng đá… Bên cạnh đó là các loại hiện vật bằng đất nung như dọi xe sợi, bếp lò, đĩa đèn, chậu, nồi, vò… Những thực thể và các di chỉ khảo cổ này được xếp thuộc nền văn hóa Óc Eo, do đây là nơi phát hiện đầu tiên và có nhiều di chỉ đặc trưng, tiêu biểu nhất của nền văn minh Phù Nam. Với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu, năm 1998 khu di tích Óc Eo được công nhận là khu di tích quốc gia. Hiện nay, khu di chỉ Óc Eo không những đón các nhà sưu tầm, khảo cổ đến nghiên cứu mà còn hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu các di chỉ, vết tích về một thời kỳ phát triển rực rỡ của vùng đất An Giang xưa và đồng bằng sông Cửu Long.

Khu di chỉ Óc Eo
Khu di chỉ Óc Eo
Di tích Văn hóa Óc Eo
Di tích Văn hóa Óc Eo

Miếu bà Chúa Xứ Núi Sam

Miếu bà Chúa Xứ Núi Sam, tọa lạc dưới chân núi Sam, thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Tại đây nổi tiếng nhất là lễ Vía bà Chúa Xứ được tổ chức trang trọng từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 4 âm lịch ,hàng năm thu hút hàng nghìn tín đồ đến dâng hương, thờ cúng. Từ năm 2001, lễ hội Vía bà Chúa Xứ Núi Sam được Bộ Văn hóa Thông tin và Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Ban đầu miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam được cất đơn sơ bằng tre lá, nằm trên vùng đất trũng phía tây bắc núi Sam, lưng quay về vách núi, chính điện nhìn ra con đường và cánh đồng làng. Năm 1870, ngôi miếu được xây dựng lại bằng gạch hồ ô dước. Năm 1962, ngôi miếu được tu sửa khang trang bằng đá miểng và lợp ngói âm dương. Năm 1965, Hội quý tế cho xây nới rộng nhà khách và làm hàng rào nhà chính điện của ngôi miếu. Năm 1972, ngôi miếu được tái thiết lớn và hoàn thành vào năm 1976, tạo nên dáng vẻ như hiện nay, và người thiết kế là hai kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng và Nguyễn Bá Lăng.

Đến khi ấy, kiến trúc miếu có dạng chữ "quốc", hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Bên trong miếu có võ ca, chánh điện, phòng khách, phòng của Ban quý tế... Các hoa văn ở cổ lầu chính điện, thể hiện đậm nét nghệ thuật Ấn Độ. Phía trên cao, các tượng thần khỏe mạnh, đẹp đẽ giăng tay đỡ những đầu kèo. Các khung bao, cánh cửa đều được chạm trổ, khắc, lộng tinh xảo và nhiều liễn đối, hoành phi ở nơi đây cũng rực rỡ vàng son. Đặc biệt, bức tường phía sau tượng Bà, bốn cây cột cổ lầu trước chính điện gần như được giữ nguyên như cũ. Hiện nay, miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam là một trong những ngôi miếu lớn nhất Việt Nam. Bên trong Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam có tượng Bà ngự trên đỉnh núi Sam, gần Pháo Đài. Chứng minh cho điều này là bệ đá Bà ngồi vẫn còn tồn tại. Bệ đá có chiều ngang 1,60m; dài 0,3m, chính giữa có lỗ vuông cạnh 0,34m, loại trầm tích thạch màu xanh đen.

Lễ thỉnh sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân từ Sơn Lăng về miếu bà
Lễ thỉnh sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân từ Sơn Lăng về miếu bà
Người dân và khách du lịch đến làm lễ vía bà chúa Xứ
Người dân và khách du lịch đến làm lễ vía bà chúa Xứ

Chợ Tịnh Biên

Chợ Tịnh Biên cách cửa khẩu hai nước Việt Nam - Campuchia tầm 2km. Đây là chợ miền Tây duy nhất buôn bán các loại côn trùng cực độc như mối chúa, rắn chun, rắn mối, bò cạp, nhền nhện... Ngoài ra đây còn là nơi phân phối sỉ các mặt hàng thiết yếu cho các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bạn có thể mua các món đặc sản của An Giang tại đây về tặng cho người thân, bạn bè. Chợ Tịnh Biên ngày lễ hội vía Bà đông nghẹt, khách hàng vào mua sắm phải chen lấn, quanh khu vực chợ từ cửa Đông, Tây, Nam có cả hàng trăm loại xe lớn nhỏ đậu thành hàng chật kín sân chợ. Rời siêu thị cửa khẩu, khách thường ghé chợ Tịnh Biên để ăn uống và lại mua vài sản phẩm địa phương trước khi quay về. Chợ biên giới Tịnh Biên có bề ngoài cũng giống như những chợ trong nội địa nhưng hàng hoá rất phong phú và đa dạng. Ở đây chuyên bán hàng khối cho những người buôn chuyến và cung cấp hàng hoá cho các đầu mối ở các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.


Hàng hóa bán trong nhà lồng chợ, sạp liền sạp theo những lối đi ngang dọc, bày bán đủ loại hàng nội địa và ngoại nhập. Xà-rông, khăn trải bàn giả thổ cẩm, khăn rằn, mền bông... Ở khu hàng thực phẩm các cô, các chị bán hàng mời khách mua mắm cá linh giá chỉ có 20.000/kg. Mắm cá linh “chao” đường vàng ươm, sắp vun ngọn trông rất hấp dẫn Ngoài ra còn có rất nhiều khô mắm có xuất xứ từ Biển Hồ (Campuchia) như khô cá tra phồng, khô cá sửu… bày biện trông rất bắt mắt. Nói chung giá cả đi kèm với sản phẩm nơi đây là thượng vàng hạ cám, kiểu gi cũng có, rất phù hợp với những ai đang tìm kiếm cho mình một chuyến du lịch giá rẻ. Việt Nam có nhiều khu thương mại vùng biên, cửa khẩu thông thương với các nước láng giềng nhưng một chuyến viếng thăm vùng biên cương tây nam trù phú này sẽ là một chuyến du hành nhiều thú vị nhất là những người ở các vùng miền khác ngoài đồng bằng sông Cửu Long khi có dịp về miền đất phương Nam.

Quan cảnh chợ Tịnh Biên (An Giang)
Quan cảnh chợ Tịnh Biên (An Giang)
Các món côn trùng nướng tại chợ Tịnh Biên (An Giang)
Các món côn trùng nướng tại chợ Tịnh Biên (An Giang)

Hồ Búng Bình Thiên

Búng Bình Thiên nằm ở phía bắc huyện An Phú, tỉnh An Giang, thuộc khu vực giáp ranh giữa các xã Quy Nhơn, Khánh Bình, Khánh An, Quốc Thái thông với sông Di Bình ở một con rạch nhỏ nhưng không thông với sông Hậu. Tại đây, bạn sẽ được trải nghiệm quang cảnh nguyên sơ và thưởng thức những món ăn mang đậm chất dân dã như chuột nướng, lẩu mắm, cá linh kho... Trôi theo con thuyền, bạn sẽ nhìn thấy những nhà bè cùng với đó là sự nở rộ vàng rực của hoa điên điển, hoa nhút, sắc hồng tươi của hoa sen hòa quyện vào sắc đỏ của phù sa và màu xanh của hàng cây ven bờ, tất cả đã tạo nên "hồ nước trời ban" mênh mông nước biếc, lồng lộng mây trời. Ngoài ra bạn còn được tận tay thả lưới bắt cá, hái bông điên điển, ngắm Thánh đường Mas Jid Khoy Ri Yah với mái vòm hình củ tỏi và tham gia các hoạt động văn hóa nơi đây.


Do đây là hồ nước cho nên phương tiện chủ yếu để tham quan đó là đi bằng thuyền. Thông thường, mỗi thuyền sẽ chở khoảng 4 - 10 du khách đi tham quan với mức giá giao động từ 150.000 - 300.000 VND một người. Theo như những người chèo thuyền cho biết, do búng có độ dài khoảng 500m cho nên đi một vòng sẽ mất một khoảng thời gian là 40 phút. Đến với Búng Bình Thiên, du khách sẽ được trải nghiệm những cảm giác mới lạ khi đến trên lòng búng bình thiên, khám phá nhà bè, lồng nuôi cá và chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên xanh mát. Đặc biệt, tại một góc khuất của búng thì du khách sẽ được ngắm nhìn những bông hoa sen hồng tươi đang đua nhau khoe sắc. Cách đó không xa, xuôi theo dòng nước sẽ đưa du khách tới với khoảng trời vàng rực của loài hoa nhút. Màu vàng của hoa hòa quyện cùng với màu đỏ của phù sa, xanh của hàng cây ven bờ khiến bạn nghĩ tới câu “Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

Hồ Búng Bình Thiên lúc hoàng hôn
Hồ Búng Bình Thiên lúc hoàng hôn
Sự hòa quyện sắc màu thiên nhiên của hồ Búng
Sự hòa quyện sắc màu thiên nhiên của hồ Búng

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?