Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hải Phòng

Hải Phòng - mảnh đất giáp biển ngày nay không chỉ được biết đến với sự tăng trưởng kinh tế xã hội mà còn là một trong những trung tâm du lịch của miền Bắc cũng như cả nước. Thiên nhiên ưu ái cho nơi đây những bãi biển đẹp, những hòn đảo hấp dẫn. Bên cạnh đó là những nét văn hóa, những di tích lịch sử truyền thống. Nếu bạn có cơ hội đến với "thành phố hoa phượng đỏ", hãy tham khảo những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hải Phòng mà Toplist giới thiệu dưới đây để không bỏ lỡ những trải nghiệm tuyệt vời nơi này bạn nhé.

Các làng nghề truyền thống

Đến với du lịch Hải Phòng du khách sẽ được chiêm ngưỡng một vùng đất đã từng có trên 60 làng nghề với 20 loại hình nghề khác nhau. Trải qua nhiều thăng trầm và biến cố của lịch sử thì đến nay Hải Phòng còn lưu giữ, duy trì hơn 30 làng nghề, trong đó có 12 làng được cấp bằng công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề. Với những đổi thay của đất nước không ít những làng nghề đã được hồi sinh, được bảo tồn để phát triển, góp phần không nhỏ trong sự đi lên của kinh tế xã hội cũng như gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống thu hút du khách của du lịch Hải Phòng.


Một số làng nghề truyền thống nổi tiếng của Hải Phòng: Làng tạc tượng, Làng trồng hoa sứ, Làng nghề đồ mộc Kha Lâm, làng chiếu cói Lật Dương, Làng gốm Dưỡng Động... Những làng nghề truyền thống trên đất Hải Phòng đã mang lại cho cuộc sống người dân nơi đây ngày càng nhiều sự thay da đổi thịt, có những làng nghề với sản phẩm nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn hướng ra thị trường nước ngoài. Đến thăm các làng nghề truyền thống này, bạn sẽ thêm hiểu thêm yêu những con người của mảnh đất hoa phượng đỏ.

Địa chỉ: Các huyện, quận thuộc thành phố Hải Phòng.

Làng trồng hoa sứ Hải Phòng
Làng trồng hoa sứ Hải Phòng

Núi Voi

Núi Voi là ngọn núi cao nhất Hải Phòng, nằm bên cạnh bờ sông Lạch Tray, cách thành phố Hải Phòng khoảng 20 km. Đây là một quần thể thiên nhiên tuyệt mỹ gồm núi đá, núi đất cao xen kẽ lẫn nhau, uốn lượn qua địa phận 3 xã Trường Thành, An Tiến, An Thắng của huyện An Lão. Tên gọi được xuất phát từ sự liên tưởng về hình dáng ngọn núi như một chú voi con đang nằm, nổi lên giữa cánh đồng bằng phẳng. Núi Voi đã đi vào ca dao như thế:

"Kiến An có núi ông Voi
Có sông Văn Úc, có đồi Thiên Văn".

Đến với địa danh núi Voi, bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng nhiều hang động đẹp như hang Họng Voi, hang Chiêng, hang Cá Chép, hang Bể... Phía nam còn còn động Nam Tào, phía bắc có động Bắc Đẩu. Bên trong hang có nhiều nhũ đá, măng đá với các hình thù như rồng chầu, hổ phục, đầu voi... Lên trên đỉnh của núi Voi còn có một khoảng đất bằng phẳng gọi là bàn cờ tiên. Núi Voi còn là cái nôi của những người tiền và sơ sử. Nhiều di vật được các nhà khảo cổ Pháp chứng minh tồn tại cách đây khoảng 3000 năm như rìu đá, bôn đá, những vũ khí bằng đồng như giáo, dao găm... Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, núi Voi còn là căn cứ kháng chiến của quân dân Hải Phòng. Núi Voi đã trở thành huyền thoại với hình ảnh "Những cô gái dân quân treo mình bên vách đá, lưng chừng trời ngắm máy bay rơi".

Quần thể di tích thắng cảnh núi Voi còn nổi tiếng với những công trình kiến trúc văn hóa lâu đời như đình Chi Lai, đình thờ Cao Sơn Đại Vương... Lễ hội truyền thống núi Voi huyện An Lão mang nhiều đặc sắc thú vị của người dân miền biển, diễn ra vào ngày 15,16,17 tháng Giêng hàng năm.


Địa chỉ: Xã An Tiến, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng.

Núi Voi
Núi Voi

Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu

Khu du lịch Hòn Dấu tọa lạc tại khu 3, phường Vạn Hưng, quận Đồ Sơn, Hải Phòng. Đây là khu nghỉ dưỡng nằm trong khu du lịch Đồ Sơn có khung cảnh thiên nhiên rộng mở với hồ nước, cây xanh kết hợp không gian của biển và núi rừng. Tất cả tạo nên một điểm nghỉ dưỡng vô cùng thơ mộng. Hòn Dấu Resort cách Hà Nội và Hải Phòng không xa, nằm cách nút giao thông cao tốc 5B với đường Phạm Văn Đồng khoảng 5 km, cách Hà Nội 1 giờ chạy xe. Với không gian thoáng đãng, khí hậu mát mẻ, trong lành chắc chắn nơi đây sẽ là điểm nghỉ ngơi thư giãn lý tưởng cho du khách vào mỗi dịp cuối tuần.


Khu du lịch này có diện tích hơn 120ha, diện tích sử dụng khoảng 54 ha (khu A) và phần lấn biển mở rộng với diện tích sử dụng khoảng 60 ha (khu B). Không gian nơi đây được thiết kế hài hòa giữa địa hình tự nhiên, mặt biển. Cảnh quan uốn lượn, ôm lấy biển và núi, làm cho du khách như lạc vào thế giới cổ tích tuyệt đẹp. Sở hữu phong cảnh tuyệt vời mà ít nơi nào có được, khu du lịch Hòn Dấu thực sự là một thiên đường nghỉ dưỡng mà du khách không thể bỏ lỡ khi tới Hải Phòng. Vậy bạn nên đi du lịch Hòn Dấu vào thời gian nào? Thời tiết khí hậu ở Hòn Dấu được chia ra làm 4 mùa rõ rệt: Xuân - Hạ - Thu - Đông. Mỗi mùa lại mang tới một vẻ đẹp, nét đặc trưng riêng để du khách trải nghiệm.


Đến với khu du lịch Hòn Dấu, du khách hoàn toàn bị lôi cuốn bởi một không gian sống lý tưởng. Với những hàng thông rì rào, quanh năm xanh mướt bao quanh lấy các ngôi biệt thự mang lại cho du khách cảm giác thật yên bình. Khu du lịch Hòn Dấu được chia thành 2 phần chính là bãi biển tự nhiên cùng bãi biển nhân tạo kết hợp vui chơi giải trí và khu nghỉ dưỡng với nhà nghỉ cao cấp và cảnh quan. Đến đây, bạn không chỉ được trải nghiệm cảm giác đắm mình dưới những làn sóng biển mà còn được tận hưởng không khí trong lành của vùng đồi núi. Du khách như lạc vào không gian của một Đà Lạt thu nhỏ ngay tại thành phố biển Hải Phòng. Thật tuyệt vời phải không nào?


Địa chỉ: Phường Vạn Hưng, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng.

Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu
Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu

Đảo Cát Bà

Cát Bà hiện đang là điểm đến du lịch được du khách vô cùng thích thú. Có lẽ bởi chính cảnh quan thiên nhiên, con người cũng như khí hậu tuyệt vời nơi đây. Đảo Cát Bà hay còn gọi là đảo Ngọc, được ví như hòn ngọc của vịnh Bắc Bộ. Chỉ cách trung tâm thành phố Hải Phòng 30 km, du khách hoàn toàn có thể đến với Cát Bà để trải nghiệm tại hòn đảo xinh đẹp này. Cát Bà là một điểm đến lý tưởng với cảnh quan núi non trùng điệp, rừng sinh quyển thuộc loại hiếm của thế giới, một số loài động vật lọt vào sách đỏ thế giới như khỉ đầu đỏ, voọc và có những bãi biển đẹp.


Đảo Cát Bà là tấm thảm xanh khổng lồ chứa đựng nhiều bí ẩn, hấp dẫn. Cát Bà xứng đáng là khu dự trữ sinh quyển thứ 3 Việt Nam. Tổng diện tích khu dự trữ sinh quyển Cát Bà rộng hơn 26.000 ha, với 2 vùng lõi (bảo tồn nghiêm ngặt và không có tác động của con người), 2 vùng đệm (cho phép phát triển kinh tế hạn chế song kết hợp với bảo tồn) và 2 vùng chuyển tiếp (phát triển kinh tế). Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà là vùng hội tụ đầy đủ cả rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm rong và đặc biệt là hệ thống hang động. Cát Bà còn có di chỉ Cái Bèo thuộc nền văn hóa Hạ Long, dân cư đã sinh sống cách đây 6475 - 4200 năm


Đến với Cát Bà, quý khách còn có dịp trải nghiệm những điểm đến hấp dẫn khác như rừng quốc gia Cát Bà, đỉnh Ngư Lâm, hang Quân Y, động Trung Trang... Ngoài ra còn có làng đánh cá Việt Hải, làng nổi trên bến Bèo, vịnh Lan Hạ, hang Tiên Ông... Đặc biệt là những loại hình du lịch đa dạng như leo núi, lặn biển, chèo thuyền kayak, đạp xe, đi bộ... Tháng 12/2014, Cát Bà vinh dự được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, hội tụ đầy đủ các yếu tố về khí hậu, gồm cả rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, các rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm rong, hệ thống hang động...


Địa chỉ: Huyện đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng.

Đảo Cát Bà
Đảo Cát Bà

Suối khoáng nóng Tiên Lãng

Khu du lịch sinh thái suối nước khoáng nóng Tiên Lãng được thiên nhiên ưu ái ban tặng nguồn khoáng nóng 540 độ C phun lên từ lòng đất ở độ sâu 850 m chứa nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Đây là một trong 5 mỏ khoáng đặc biệt quý hiếm tại Việt Nam. Nằm trên địa phận thôn Phác Xuyên, xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng, đây được xem là một địa chỉ du lịch văn hóa, sinh thái hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến với Hải Phòng. Với diện tích sử dụng dịch vụ gần 10ha, một khuôn viên không gian thoáng mát với hoa cỏ xanh tươi bốn mùa, xen lẫn các công trình xây dựng theo kiến trúc hiện đại. Được sự ưu đãi tuyệt vời của thiên nhiên nơi đây có nguồn nước khoáng nóng phun lên từ lòng đất ở độ sâu 850m, nhiệt độ 54 độ C được đánh giá là một trong 5 mỏ nước khoáng đặc biệt của Việt Nam, có hàm lượng khoáng chất cao, tác dụng ngăn ngừa, chữa bệnh, phục hồi sức khoẻ.


Tại đây có các dịch vụ: Ngâm tắm nước khoáng nóng nguyên chất trong nhà và ngoài trời bằng hệ thống bồn tắm hiện đại xen lẫn thiên nhiên, tắm bùn khoáng trên đồi tiên xung quanh bao phủ bởi rừng thông và cây cảnh, tắm bể bơi được lắp đặt hệ thống massage thuỷ lực, chứa gần 1000m khối nước dành cho người lớn và trẻ em rất sinh động, xông hơi khô ướt tập thể bằng hệ thống thiết bị nhập ngoại từ Pháp giúp giảm căng thẳng, tiêu hao năng lượng thừa, lấy đi các tế bào chết mang lại thân hình săn chắc, thon thả hơn…


Dịch vụ phòng nghỉ tại khu du lịch luôn sẵn sàng phục vụ, với phòng nghỉ tiêu chuẩn 3 sao. Các phòng nghỉ ở đây có cửa sổ nhìn ra không gian sinh thái vườn cây, hồ cá và cánh đồng lúa mênh mông rộng hết tầm mắt. Đặc biệt, trong các phòng nghỉ ở đây, đều được sử dụng nước khoáng. Phòng nghỉ được trang bị ti vi truyền hình vệ tinh, điện thoại ID, internet wifi, máy điều hòa, bình nóng lạnh, tủ lạnh, mini bar và các đồ uống miễn phí khác. Ngoài việc thăm suối khoáng nóng, du khách có thể ghé thăm đền Lý Học và nghe giới thiệu sấm Trạng Trình (những lời tiên tri của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm). Vào những ngày lễ hội, du khách được xem thả đèn trời, xem múa tứ linh (long - lân - quy - phượng) tại làng Nhân Mục và tham quan ngôi đình được xây dựng từ thế kỷ 17, với nhiều cổ vật quý giá.


Địa chỉ: Xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Suối khoáng nóng Tiên Lãng
Suối khoáng nóng Tiên Lãng

Bãi biển Đồ Sơn

Có lẽ nhắc đến du lịch Hải Phòng mà bỏ qua bãi biển Đồ Sơn thì quả là thiếu sót. Người dân đất Cảng vẫn luôn tự hào về bãi biển gắn với tên tuổi của mảnh đất này. Khi xưa, bãi biển Đồ Sơn là nơi nghỉ ngơi hưởng thụ của vua chúa và quan lại. Ngày nay, Đồ Sơn là một trong những bãi tắm và khu nghỉ mát thu hút khách du lịch của miền Bắc. Đồ Sơn hiện nay với cơ sở vật chất, nhà hàng khách sạn, đường sá chất lượng tốt đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Đặc biệt, đến với Đồ Sơn, du khách có dịp thưởng thức nguồn hải sản tươi ngon, phong phú, có thể mua về làm quà cho bạn bè người thân.


Theo kinh nghiệm du lịch Đồ Sơn, du khách có thể đi vào bất kì thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên có hai thời điểm đẹp nhất mà bạn nên tới đây đó là đầu năm và vào mùa hè. Đầu năm, khí hậu mát mẻ, dễ chịu, người dân đến với Đồ Sơn để được tham gia các lễ hội địa phương, tìm hiểu văn hóa Đồ Sơn. Mỗi dịp Tết đến, người dân khắp nơi lại đổ về Đồ Sơn viếng thăm đền Bà Đế, cầu phúc cho mưa thuận gió hoà, nhà nhà êm ấm.

Ngoài ra, đầu năm ở Đồ Sơn còn tổ chức lễ hội đảo Dấu. Vào ngày này người dân Đồ Sơn nói riêng và người dân buôn bán khắp nơi đi thuyền ra đảo cúng và thắp hương cầu may cho một năm buôn bán thuận lợi và sức khỏe bình an. Tuy nhiên mùa này nước biển khá lạnh không thích hợp cho việc vui chơi dưới nước và các dịch vụ trong thời gian này cũng không phát triển nhiều. Còn vào mùa hè, người dân đến với Đồ Sơn để được hòa mình vào dòng nước biển xanh, trong và mát. Sau một thời gian làm việc vất vả, cùng với gia đình hoặc bạn bè đến với biển Đồ Sơn để thư giãn thì quả là không có gì bằng.


Địa chỉ: Quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng.

Bãi biển Đồ Sơn
Bãi biển Đồ Sơn

Tháp Tường Long

Khu du lịch Đồ Sơn, Hải Phòng nổi tiếng với những bãi tắm lý tưởng và phong cảnh hữu tình. Nhưng ít người biết rằng trên đỉnh Long Sơn (phường Ngọc Xuyên), ngọn núi đầu tiên trong 9 ngọn chạy dọc bán đảo Đồ Sơn còn có một di tích văn hóa lịch sử với cả nghìn năm tuổi - đó là tháp Tường Long. Tháp Tường Long (còn gọi là tháp Đồ Sơn) xây thời Lý Thánh Tông. Công trình kiến trúc Phật giáo này đuợc xây trên bãi đất rộng khoảng 2.000 m2, thuộc địa phận phường Vạn Sơn, thị xã Đồ Sơn. Bốn góc tháp đều nghiêng vào tâm 190.


Lòng tháp rỗng và là nơi đặt pho tuợng A di đà. Công trình đuợc xây bằng gạch và đá có kích thuớc khác nhau. Ngoài loại gạch xây, còn có loại gạch ốp ngoài vỏ tháp với nghệ thuật trang trí độc đáo như hoa sen, hoa cúc, hoa chanh. Cách trang trí này biểu hiện nghệ thuật điển hình thời Lý. Từ vị trí tháp Tường Long có thể thấy biển với những con tàu ra khơi vào lộng lấy đế đánh bắt cá mang về nguồn hả sản tươi ngon phục vụ cho du khách, thấy thị xã Đồ Sơn cùng làng mạc, đồng ruộng xanh tươi, lại hiểu người xưa sao khéo chọn địa điểm xây tháp. Khi du khách đến Đồ Sơn ghé qua tháp Tường Long không thế nào quên được hình ảnh ngôi chàu tháp uy nghi tráng lệ và được xem như là ngọn tháp “rồng vàng hạ thê”.


Địa chỉ: Phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng.

Tháp Tường Long
Tháp Tường Long

Chùa Cao Linh

Chùa Cao Linh tọa lạc trên địa bàn xã Bắc Sơn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Đây được xem là một trong những ngôi chùa có cảnh quan đẹp và hấp dẫn ở Hải Phòng. Ngôi chùa được xây dựng từ năm 2001 với diện tích 49.000 m2, gồm nhiều công trình kiến trúc đẹp, hoành tráng, đồ sộ chắc chắn sẽ làm du khách ngạc nhiên khi đến đây. Theo lịch sử ghi lại, chùa Cao Linh được dòng họ Lê Văn trong làng Hà Liên xây dựng không rõ vào năm nào, nhưng theo bia đá của chùa có ghi lại niên đại trùng tu vào thời Hậu Lê, cách chúng ta khoảng 300 năm. Qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Cao Linh từng là nơi cất dấu, nuôi dưỡng cán bộ Việt Minh, từng bị Pháp đốt mất 20 gian nhà.


Trải qua ba thế hệ trụ trì, chiến tranh loạn lạc, sau khi Hòa Thượng Thích Thanh Sự viên tịch năm 1980, chùa không có tăng ni kế tiếp trụ trì hoằng dương Phật Pháp, càng xuống cấp nghiêm trọng. Mãi đến năm 2001, nhờ hồng ân Chư Phật, nhờ đức lành của Chư Tôn Đức lãnh đạo Giáo Hội, sự quan tâm đồng ý nhất trí của chính quyền địa phương chùa được cúng cho Thượng Tọa Thích Thanh Giác - Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP Hải Phòng, trụ trì chùa Phổ Chiếu - Thành phố Hải Phòng về kiêm nhiệm trụ trì.

Thượng Tọa đã cùng chính quyền, Phật tử, nhân dân địa phương, vạch ra kế hoạch trùng tu lại ngôi Bảo Điện, chuyển từ hướng Tây sang hướng Nam theo vị trí như hiện nay. Cuối năm 2006, Đại đức Thích Giác Nghiên là đệ tử của Thượng Tọa Thích Thanh Giác sau khi hoàn tất học nghiệp về nước. Được sự đồng ý nhất trí của các cấp chính quyền, Thành Hội Phật Giáo Hải Phòng đã bổ nhiệm Đại Đức Thích Giác Nghiên về trụ trì hoằng dương Phật Pháp tại nơi đây cho đến ngày nay. Ngày nay, chùa Cao Linh bề thế uy nghiêm với một diện mạo mới, với những đường nét xây dựng độc đáo, nghệ thuật kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo, là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của những Phật tử trong và ngoài thành phố, là điểm du lịch tham quan nổi tiếng của Hải Phòng.


Địa chỉ: Xã Bắc Sơn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.

Chùa Cao Linh
Chùa Cao Linh

Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là nơi thờ và trưng bày hiện vật về thân thế, sự nghiệp của danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm. Khu di tích này tọa lạc tại làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là nơi tưởng nhớ và ghi nhận những đóng góp của Nguyễn Bỉnh Khiêm, vị trạng nguyên và vị quan thanh liêm dưới thời nhà Mạc. Sau đó ông về quê ở ẩn, làm thơ, dạy học, nghiên cứu sử học. Ngoài ra, ông còn là nhà triết học lớn của Việt Nam, là người tinh thông thuật số, được dân gian suy tôn là "nhà tiên tri" số 1 của Việt Nam.


Trong quần thể di tích Nguyễn Bỉnh Khiêm, cách không xa đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm là phần mộ cụ Nguyễn Văn Định, thân sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm và tháp Bút Kình Thiên, tương truyền là do học trò tạo dựng để ca ngợi tài năng của Trạng trình như trụ cột chống trời, chùa Song Mai và đền thờ bà Minh Nguyệt (vợ thứ của Trạng Trình), di tích Quán Trung Tân bên bờ sông Hàn… Đặc biệt trong không gian của khu di tích có rất nhiều vườn tượng, với kích thước bằng người thật, diễn tả lại cuộc đời, cảnh dạy học khi xưa của Nguyên Bỉnh Khiêm, tạo nên một khung cảnh gần gũi và sống động.


Hàng năm cứ đến ngày 23/12, người dân trong vùng và các nơi lại kéo về đền thờ tế lễ, dâng hương tưởng niệm ngày mất của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bên cạnh phần lễ, phần hội với nhiều trò chơi dân gian đánh vật, kéo co, chọi gà, cờ người… đã mang đến một không khí lễ hội dân gian độc đáo, để lại những ấn tượng tốt đẹp cho du khách trong và ngoài nước


Địa chỉ: Xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.

Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Tràng Kênh

Cụm di tích Tràng Kênh thuộc thôn Tràng Kênh thị trấn Minh Đức - huyện Thủy Nguyên - Thành phố Hải Phòng đã tồn tại theo dòng lịch sử Việt Nam từ 4000 ngàn năm nay, nơi đây có bề dày lịch sử văn hoá, đồng thời đây còn là danh thắng với cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ do hệ thống núi đá vôi và sông ngòi tạo thành. Cũng bởi ý nghĩa lịch sử to lớn đó, nơi đây đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh năm 1962. Nhiều người cho rằng đến Thủy Nguyên mà không ghé thăm Tràng kênh thì cũng coi như chưa đến Thủy Nguyên.


Tràng kênh là vùng đất lịch sử gắn với bao di tích vẫn còn sống mãi với thời gian và những thắng cảnh làm bao người say lòng: Cũ có, mới có nhưng những giá trị và ý nghĩa của những di tích, những thắng cảnh này là không thể phủ nhận. Đền Tràng Kênh là một quần thể bao gồm ba ngôi đền và một ngôi chùa theo dòng Phật giáo Trúc Lâm Tam Tổ nằm trong một khuôn viên rộng lớn lưng tựa núi Tràng Kênh mặt hướng ra sông Bạch Đằng ngàn năm lịch sử.


Từ cổng vào là tứ trụ với 4 cột đá được khắc, tạc tinh sảo của các nghệ nhân nơi đây cùng với đó là đá xanh tại nơi này. Tiếp đến là cột đá lớn sừng sững với dòng chữ “giang sang vượng khi Bạch Đằng thâu” nghĩa là hồn thiêng sông núi tụ hội nơi sông Bạch Đằng. Dọc hai bên là hàng cây bonsai và cây lưu niệm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm đền. Ngôi đền đầu tiên mà du khách thăm quan và dâng hương là đền thờ Đức Vua Lê Đại Hành. Đền được xây dựng để tưởng nhớ công đức của Vua cùng các tướng sĩ đã có công đánh thắng quân Tống xâm lược trên sông Bạch Đằng năm 981.


Đền được xây dựng bằng gỗ lim, thiết kế theo kiểu chữ Đinh bên trong chính giữa là tượng đồng mạ vàng Vua, một bên thờ thái hậu Dương Vân Nga, một bên thờ cung phủ vương mẫu; ngoài thờ quan quân, tướng sĩ. Tiếp đến là hai bên là hàng cây lưu niệm do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ… đến thăm và dâng hương tại đền và khu vườn trưng bày 18 vị la hán. Trung tâm cụm di tích là đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo - Vương Trần Quốc Tuấn. Tại mảnh đất này ông đã lãnh đạo quan quân và nhân dân anh dũng chiến đấu và đánh tan quân xâm lược Mông - Nguyên. Để tưởng nhớ công lao to lớn đó người dân Thủy Nguyên nói chung và người dân Tràng Kênh – Minh Đức nói riêng đã lập ngôi đền để thờ cúng và tưởng nhớ Ngài.


Địa chỉ: Thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Tràng Kênh
Tràng Kênh

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?