Cư xử có văn hoá, lịch thiệp không chỉ khiến cho chúng ta lịch sự, chuyên nghiệp hơn mà còn khiến cho bản thân chúng ta tốt đẹp hơn do lối sống có quy tắc. Để có được thiện cảm cũng như tôn trọng của người đối diện hãy học hỏi những điều không nên làm trên bàn ăn này nhé.
Không mời cơm
Việc chờ đợi người khác cùng ngồi vào bàn ăn trước khi đụng đũa là phép lịch sự tối thiểu. Bạn nên thực hiện điều này, không chỉ ở bên ngoài xã hội mà đối với cả những người trong gia đình. Hãy chờ đợi tất cả mọi người ngồi đông đủ rồi mới bắt đầu tiến hành việc ăn uống.
Khi làm khách, bạn không được gắp đồ ăn trước chủ nhà hay người chiêu đãi bữa cơm. Điều này chỉ ngoại trừ trường hợp bạn được đề nghị gắp trước vì nếu không bạn sẽ bị đánh giá là tham ăn và không tôn trọng người khác. Trước khi cầm chén lên, bạn cần mời người lớn hơn mình dùng bữa theo thứ tự từ trên xuống dưới. Tiếp theo, bạn cũng cần chờ đợi người lớn bắt đầu ăn thì bạn mới nên cầm đũa lên nhé.
Cắm cúi ăn
Khi bạn làm khách thì ngay cả việc bạn nên ngồi ở đâu cũng cần tuân theo sự sắp xếp của chủ nhà. Bạn không nên tự ý ngồi vào bàn ăn khi chủ nhà chưa mời ngồi. Nếu bạn là chủ nhà thì không nên để người lớn hơn ngồi gần nồi cơm vì điều đó có nghĩa là họ sẽ liên tục phải xới cơm cho người khác. Ngoài ra, bạn cũng để ý để không ai ngồi quá xa mâm cơm sẽ khiến họ khó khăn trong việc gắp thức ăn.
Nếu bạn nhận thấy bàn ăn có ít thức ăn thì bạn cần chú ý ăn ít lại. Đồng thời, bạn hãy chỉ ăn đúng phần ăn của mình, tránh ăn quá phần của người khác…
Trong bữa ăn, có nhiều gia đình có thói quen nói chuyện và vui đùa, có nhiều gia đình lại hạn chế việc nói chuyện nhưng hành động cắm cúi ăn mà không để ý đến người xung quanh cũng là việc bạn nên tránh khi ngồi vào bàn ăn. Đây chính là khoảng thời gian cả nhà quây quần trò chuyện với nhau vì vậy đừng chỉ chuyên tâm vào việc ăn uống mà không để ý đến mọi người nhé!
Những thói quen xấu khi ăn
Có một số tật xấu mà nhiều người dễ mắc phải khi ăn như vô tình có tiếng nhai chóp chép hoặc lôi son môi ra đánh vì nghĩ chỉ đánh một chút, rất nhanh gọn nên không có vấn đề gì. Ngoài ra, đôi khi bạn có thể vì lỡ gắp trúng miếng thịt mình không thích như nhiều mỡ chẳng hạn nên đã bỏ qua miếng đã gắp và gắp lại miếng khác. Tất cả những điều này đều sẽ khiến bạn bị mất điểm trầm trọng khi người khác nhìn vào.
Bạn cần cố gắng để không tạo ra tiếng động khi nhai thức ăn đồng thời tránh lựa chọn thức ăn. Bạn có thể nhìn kỹ trước khi gắp để không bỏ phí món bạn không ăn được.
Lật cá khi ăn
Thông thường khi ăn hết một phần của con cá chúng ta thường lật con cá lại và ăn tiếp phần còn lại. Thế nhưng, những người đi biển lại cực kỳ kiêng kị với những vấn đề này. Họ cho rằng việc lật ngược con cá lại như vậy đồng nghĩa với việc lật thuyền khi đi biển.
Người vùng biển không lật cá để ăn vì họ cữ động tác “lật” (lật tàu, lật thuyền, lật ghe) làm ảnh hưởng đến mạng sống của người đi biển. Khi chiên cá họ cũng không lật con cá mà múc dầu/mỡ dội lên mặt trên con cá cho chín. Có người kỹ tính, còn không “úp” chén bát sau khi rửa sạch.
Dù không biết rõ những người ngồi cùng bàn ăn làm nghề gì thì bạn cũng nên tránh lật cá lên và thay vào đó hãy gỡ xương của cá ra và ăn tiếp phần còn lại.
Không bới đồ ăn
Khi gắp thức ăn, không bới lộn xộn đĩa thức ăn đó để tìm miếng ngon nhất cho mình mà hãy gắp theo thứ tự, điều này còn thể hiện sự tôn trọng với những người cùng ăn với mình. Đây là điều mà những đứa trẻ nên học bởi nếu chúng chưa biết sẽ mắc lỗi này ngay cả khi lớn lên.
Có thể do bạn đã quá quen thuộc khi dùng bữa cùng gia đình của mình nên khi ăn cùng người khác bạn giữ thói quen bới đồ ăn để tìm loại đồ ăn bạn yêu thích. Tuy nhiên việc này là bất lịch sự lắm bạn nhé! Nếu bạn mắc thói quen xấu này thì nên sửa ngay đi thôi!
Dùng điện thoại
Ngày nay điện thoại là một vật dụng không thể thiếu kể cả người lớn tuổi cũng như giới trẻ. Tuy nhiên việc lạm dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi của bạn khiến mọi người cảm thấy không thoải mái. Các buổi tụ tập bạn bè hay hẹn hò thì việc bạn dùng điện thoại chứng tỏ bạn không tôn trọng đối phương. Cũng giống như trên bàn ăn cũng vậy, việc bạn vừa ăn vừa nghịch điện thoại thật không "vừa mắt" chút nào.
Ai cũng biết việc sử dụng điện thoại tại bàn ăn là hành vi không được lịch sự chút nào. Bạn nên chú tâm vào bữa ăn và những người cùng ăn chung với bạn. Ngoài ra, bạn cũng không nên để các vật dụng không cần thiết trên bàn ăn để tránh gây phiền hà cho người khác, ví dụ như cái túi xách hay xấp giấy tờ….
Trường hợp bạn thực sự cần phải dùng điện thoại ngay lúc đó, hãy nói lời xin lỗi người cùng bàn và nhờ họ thông cảm. Bạn có thể đi ra ngoài nếu cần nghe điện thoại để tránh làm ồn, gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Đừng để mọi mối quan hệ của bạn trở nên rạn nứt chỉ vì chiếc điện thoại.
Cắm đũa thẳng vào chén cơm
Trong bữa ăn, bạn cần lưu ý đến một hành động tuy nhỏ nhưng thường bị nhiều người rất kiêng kỵ là cắm thẳng đũa vào bát cơm. Nguyên nhân là vì hành động này làm liên tưởng đến việc cúng cơm cho người đã khuất. Ngoài ra, bạn cần phải trở đũa trước khi định gắp thức ăn cho người khác cũng như tránh để đũa chấm trực tiếp vào bát nước chấm hay tô canh dùng chung.
Một số hành vi kém tế nhị khác mà bạn cần tránh có thể kể đến như là ngậm đũa, liếm đầu đũa… Nếu bạn phân vân rằng hành vi nào đó dường như là không được đẹp mắt và kém tinh tế thì tốt nhất là đừng làm nhé. Để yên tâm hơn thì bạn nên chuẩn bị sẵn sàng một đôi đũa riêng chỉ dùng để gắp thức ăn cho người khác. Một số người cho rằng không nên trở đầu đũa để gắp thức ăn vì đó là phần tay chúng ta cầm nắm, mang nhiều vi khuẩn.
Gõ chén, gõ đũa
Rất nhiều người không biết điều kiêng kị này nên vẫn thường gõ chén, gõ đũa để đùa nghịch nhưng điều này cực kỳ kiêng kị. Bởi việc này được xem như là gọi các linh hồn ma đói lai vãng quanh đó. Không chỉ ở trên bàn ăn mà ở bất kỳ đâu điều này cũng không nên làm.
Hành động gõ đũa vào thành bát, được coi là giống với kẻ đi ăn xin. Bởi vì, xưa kia chỉ có người ăn xin mới dùng đũa gõ vào chậu để phát ra âm thanh xin bố thí đồ ăn. Việc làm này bị coi là thất lễ và xui xẻo, tuyệt đối nên tránh, đặc biệt là khi đi ăn giao tiếp với người ngoài.
Tục kiêng gõ đũa vào bát không cũng vậy, đó là một thái cực của ước vọng con người, bởi người ta luôn ước vọng về sự an toàn hạnh phúc cho bản thân, gia đình, dòng tộc.
Quy tắc múc cơm
Nhiều người có cách múc cơm là múc nguyên một lần đầy chén cho nhanh gọn. Tuy nhiên, bạn không nên múc xong cơm bằng một lần. Điều này được khuyên dạy là chỉ dành cho việc cúng người đã mất. Ngoài ra, bạn hãy chỉ múc khoảng 2/3 chén cơm thay vì bới cơm quá đầy. Điều này sẽ khiến người khác cảm thấy bất tiện khi muốn gắp thức ăn vào bát, thậm chí một số người sẽ cảm thấy bạn không lịch sự.
Bạn có thể múc cơm bằng khoảng 2 – 3 lần múc sao cho đầy khoảng 2/3 chén cơm. Bạn nên làm một cách từ tốn, hãy chú ý một chút để cơm không bị rơi vung vãi ra ngoài miệng chén. Rất nhiều người hay mắc phải quy tắc này đấy nhé, hãy ghi nhớ để không trở thành người bất lịch sự trong mắt mọi người.
Rời đi khi đã ăn xong
Nếu bạn ăn xong rồi ngồi dậy liền thì sẽ khiến những người còn ăn cảm thấy ngại ngùng và khó tiếp tục dùng bữa một cách tự nhiên. Vì vậy, bạn cần ngồi lại và vui vẻ thư giãn ngay tại chỗ ngồi. Đây là cách tôn trọng người còn cần sử dụng bữa ăn, đặc biệt là đối với người lớn tuổi hơn bạn.
Để tránh tình trạng ăn xong trước người khác và chờ đợi lâu thì bạn cũng cần ăn chậm lại. Bạn nên để ý đến mọi người xung quanh để có tốc độ ăn phù hợp.
Văn hóa ẩm thực nước ta không chỉ phong phú với nhiều món ăn ngon mà còn chú ý đến cách ăn uống lịch sự trong mâm cơm. Bạn sẽ thể hiện được phép lịch sự, chỉn chu, tôn trọng người khác và từ đó được nhiều người quý mến hơn.