Dù là mang thai lần đầu hay lần thứ hai thì các mẹ bầu cũng không tránh khỏi những triệu chứng hay điều bất thường khi trong bụng đang nuôi dưỡng một em bé. Những tháng đầu tiên của thai kì mẹ bầu sẽ gặp phải một số những thay đổi bất thường, hiểu được điều đó Toplist đưa ra một số kinh nghiệm hữu ích để giúp các bà mẹ tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trong giai đoạn này. Cùng xem nhé!
Dinh dưỡng khi mang thai
Chế độ dinh dưỡng là điều rất quan trọng khi mẹ mang thai, quyết định đến sự phát triển của bé cũng như sức khỏe của chính mẹ. Khi mang bầu, mẹ thường có những biểu hiện chán ăn, buồn nôn khi thai nghén, thói quen ăn uống cũng thay đổi thất thường trong 3 tháng đầu tiên.
Những thực phẩm mẹ nên bổ sung khi mang thai lần đầu:
- Rau xanh và các loại hoa quả: Rau xanh và hoa quả rất giàu chất xơ và vitamin. Đặc biệt, những loại rau có màu xanh đậm như diếp cá, rau cải xoăn hay súp lơ xanh,… còn chứa hàm lượng cao axit folic. Đây là những chất cần thiết đối với sự phát triển của bé. Đồng thời, bổ sung nhiều chất xơ giúp mẹ giảm bớt tình trạng táo bón khi mang bầu.
- Cá hồi: Cá hồi luôn được đánh giá là một trong những thực phẩm bổ dưỡng nhất, vì thế, không ngạc nhiên khi chúng cũng được khuyến khích sử dụng cho mẹ bầu. Trong cá hồi chứa hàm lượng DHA và Omega 3 dồi dào, giúp phát triển não bộ của trẻ.
- Thịt đỏ và gia cầm: Thịt đỏ và gia cầm là nguồn thực phẩm chứa nhiều protein và sắt cho mẹ bầu khi mang thai. Do đó, mẹ cần bổ sung đều đặn những thực phẩm này để có đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
- Các loại hạt dinh dưỡng: Hạt dinh dưỡng như óc chó, hạt điều, hạnh nhân, hạt chia chứa nhiều omega 3, vitamin, protein có lợi cho sự phát triển não bộ của trẻ.
- Các dòng họ đậu: Các loại đậu như đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu trắng,… đều chứa các dưỡng chất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ như protein, chất béo, canxi, sắt, kẽm, các nhóm vitamin B, K,…
- Sữa và thực phẩm từ sữa: Sữa là một thực phẩm cần thiết cho bà bầu trong khi mang thai. Mẹ có thể chọn các loại sữa dành riêng cho bà bầu để có được đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Sữa chua cũng cũng cần thêm vào khẩu phần ăn của mẹ để hỗ trợ tiêu hóa, hạn chế tình trạng táo bón.
Những thực phẩm cần kiêng khi mang thai lần đầu:
- Đu đủ, rau ngót: Trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, mẹ cần đặc biệt tránh ăn 2 loại thực phẩm này vì chúng có thể gây ra các cơn đau tử cung và thắt bao tử, dẫn đến nguy cơ sảy thai.
- Thực phẩm tái sống: Thực phẩm tái sống có thể có hương vị rất hấp dẫn nhưng lại thường chứa mầm bệnh, ký sinh trùng có hại cho cơ thể. Mẹ bầu cần phải nấu chín kỹ thực phẩm trong thời kỳ mang thai để đảm bảo sức khỏe.
- Các loại cá chứa thủy ngân: Cá mập, cá kiếm, cá thu, cá ngừ… thường chứa hàm lượng thủy ngân cao hơn các loại cá khác. Do đó, mẹ cần hạn chế ăn chúng để tránh các dị tật và tổn thương về não cho thai nhi.
- Sữa tươi, sữa chua chưa được tiệt trùng: Sữa rất tốt cho mẹ bầu, nhưng sữa và các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng lại không được khuyên dùng cho mẹ. Chúng có thể mang các vi khuẩn có hại như E.Coli, Salmonella, Listeria,…
- Không sử dụng các thực phẩm, đồ uống chứa caffeine, cồn, đồ uống có ga: Caffeine và cồn là các chất bị cấm trong khi mang thai. Sử dụng nhiều các chất này sẽ làm thai nhi bị ảnh hưởng về thần kinh, đặc biệt là tăng nguy cơ mắc bệnh Đao.
Tham khảo ý kiến từ các chuyên gia
Tham khảo ý kiến từ các chuyên gia trong lĩnh vực sản khoa là điều mà mẹ cần đặc biệt lưu tâm. Các chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này sẽ giúp bạn có những thông tin chính xác nhất về tình hình sức khỏe của mình cũng như sự phát triển của thai nhi.
Đặc biệt, các chuyên gia sẽ là người giải đáp những thắc mắc về thai kỳ một cách chính xác, chuyên sâu, từ đó đưa ra những lời khuyên để bạn có một thai kỳ khỏe mạnh. Ngoài ra, các chuyên gia sẽ tư vấn cho bạn những địa chỉ khám thai, quản lý thai tốt nhất, giúp bạn lựa chọn địa chỉ sinh phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình. Vì thế, các mẹ đang mang thai hãy luôn lắng nghe chia sẻ từ các chuyên gia để vừa tự chăm sóc mình cũng như có được thai kỳ thoải mái nhất nhé.
Những triệu chứng thường gặp khi mang thai
Trong quá trình mang thai các mẹ bầu đều có những triệu chứng bất thường do cơ thể thay đổi, nhưng đừng lo lắng quá nhé:
- Ốm nghén: Ốm nghén là triệu chứng phổ biến ở hầu hết những phụ nữ mang thai. Triệu chứng phổ biến nhất là buồn nôn và ói mửa, xuất hiện nhiều ở 3 tháng đầu, thậm chí có người còn xuất hiện suốt thai kỳ. Ốm nghén làm cho mẹ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, ốm yếu do không ăn được nhiều.
- Bệnh trĩ, táo bón: Khi mang thai, cơ thể mẹ thường bị áp lực lên trực tràng và vùng đáy chậu, khối lượng máu tăng lên. Do đó, khả năng mắc táo bón, trĩ cũng cao hơn, nhất là vào cuối thai kỳ. Nếu tình trạng bệnh nặng, mẹ có thể tham khảo bác sĩ các loại thuốc phù hợp để hỗ trợ điều trị.
- Sưng phù, giữ nước: Nhiều phụ nữ khi mang thai thường lo lắng khi bị sưng phù ở tay, chân. Đây là hiện tượng khá phổ biến, tuy nhiên, nếu mức độ sưng quá nặng thì mẹ cần đến gặp bác sĩ để hỏi ý kiến.
- Đau lưng: Đau lưng xuất hiện do sự mất thăng bằng khi tăng cân, trọng lực bị dồn về trước khiến lưng bị căng, cùng với việc vùng xương chậu bắt đầu nới lỏng để chuẩn bị quá trình sinh. Để giảm tình trạng này, mẹ có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như Yoga, kéo căng cơ, đi bộ,..
- Giãn tĩnh mạch: Việc tăng khối lượng và áp lực máu gia tăng làm tĩnh mạch bị giãn và nổi gân, nhất là vùng chân và quanh âm đạo. Mẹ đừng nên quá lo lắng vì hiện tượng này rất hay gặp và thường xuất hiện vào cuối thai kỳ.
Lịch khám thai định kỳ
Mẹ bầu cần phải đến trung tâm y tế để được bác sĩ tư vấn về lịch khám thai của mình. Sau đây là lịch cụ thể mà mẹ có thể tham khảo:
Lần 1: Vào tuần thứ 5 thai kỳ
- Siêu âm 2D
- Khám thai, kiểm tra nội tiết
- Uống vi chất dinh dưỡng
Lần 2: Vào tuần thứ 8 của thai kỳ
- Siêu âm 2D
- Khám thai, kiểm tra nội tiết
- Uống vi chất dinh dưỡng
Lần 3: Vào tuần 12 của thai kỳ
- Siêu âm 4D ( đo độ mờ da gáy của bé)
- Khám thai, kiểm tra nội tiết
- Uống vi chất dinh dưỡng
Lần 4: Vào tuần 16 của thai kỳ
- Siêu âm 2D
- Khám thai, kiểm tra nội tiết
- Xét nghiệm máu để kiểm tra dị tật thai nhi
- Uống vi chất dinh dưỡng: canxi, sắt, magie B6
Lần 5: Vào tuần 20 của thai kỳ
- Siêu âm 2D
- Khám thai, kiểm tra nội tiết
- Uống vi chất dinh dưỡng: canxi, sắt, magie B6
- Kiểm tra thai máy
Lần 6: Vào tuần 26 của thai kỳ
- Siêu âm 2D
- Khám thai, kiểm tra nội tiết
- Uống vi chất dinh dưỡng: canxi, sắt, magie B6
- Kiểm tra thai máy
Lần 7: Vào tuần 30 của thai kỳ
- Xét nghiệm máu, thử nước tiểu
- Làm hồ sơ sinh
- Tiêm phòng uốn ván
- Siêu âm 2D
- Uống canxi, sắt
Lần 8: Vào tuần 34 của thai kỳ
- Khám thai, thử nước tiểu, siêu âm 2D
- Tiêm phòng uốn ván
- Uống vi chất dinh dưỡng, canxi, sắt
Lần 9: Vào tuần 36 của thai kỳ
- Khám thai, thử nước tiểu, siêu âm
- Uống vi chất dinh dưỡng, canxi, sắt
Lần 10: Vào tuần 38 của thai kỳ
- Khám thai, thử nước tiểu, siêu âm
- Uống vi chất dinh dưỡng, canxi, sắt
Lần 11: Vào tuần 39
- Khám thai, thử nước tiểu, siêu âm
- Uống vi chất dinh dưỡng, canxi, sắt
Lần 12: vào tuần 40
- Khám thai, thử nước tiểu, siêu âm
- Uống vi chất dinh dưỡng, canxi, sắt
Tiêm ngừa khi mang thai
Mẹ cần chuẩn bị tiêm ngừa đầy đủ những vaccine nếu như đã sẵn sàng có con.Những loại vaccine nên tiêm ngừa trước khi mang bầu:
- Rubella: mẹ cần tiêm ngừa ít nhất là 3 tháng trước khi mang bầu. Nếu mẹ nhiễm bệnh, thai có nguy cơ bị sảy hoặc bé sinh ra có thể mang dị tật.
- Viêm gan B: Bạn có thể tiêm ngừa trước hoặc sau khi mang thai đều được.
- Thủy đậu: Tiêm ngừa thủy đậu rất cần thiết cho mẹ và cần được thực hiện ít nhất 2 tháng trước khi mang bầu. Nếu mẹ mắc bệnh khi đã có thai, con sinh ra có thể bị liệt, dị tật bẩm sinh.
- Cúm: Cúm là bệnh dễ gặp, vì vậy mẹ cần phải tiêm ngừa trước khi mang thai để bảo đảm sức khỏe của mình và em bé. Mẹ có thể tiêm ngừa cúm vào thời gian bất kỳ trước khi có thai.
Những loại vaccine cần được tiêm ngừa khi mang bầu:
- Uốn ván, bạch hầu, ho gà: tiêm ngừa uốn ván, bạch hầu, ho gà được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai càng sớm càng tốt giữa tuần thứ 27 và tuần 36. Đây là những căn bệnh gây nguy hiểm cho trẻ và có thể gây ra các biến chứng như này nên mẹ tuyệt đối không được chủ quan. Lịch tiêm ngừa nên thực hiện theo yêu cầu của bác sĩ hoặc bệnh viện, cơ sở y tế uy tín.
- Cúm: Tiêm ngừa vaccin cúm tốt nhất được thực hiện trước khi mẹ mang bầu. Tuy nhiên nếu quên, mẹ có thể bổ sung càng sớm càng tốt khi đã được thông báo có thai. Cúm sẽ khiến cho mẹ mệt mỏi, đồng thời, các loại thuốc điều trị cúm cũng được khuyến cáo là không tốt cho sức khỏe của bé.