Lễ hội là một phần không thể thiếu trong văn hóa của bất kì quốc gia nào. Không những thế, nó còn góp phần quan trọng trong việc tạo nên nét đặc sắc riêng cho từng nền văn hóa. Bên cạnh những lễ hội mang màu sắc trang nghiêm, thành kính hay vui vẻ, nhộn nhịp thì trên thế giới còn có những lễ hội vô cùng kì quái, oái oăm hay rùng rợn kinh dị. Bài viết này toplist xin giới thiệu với các bạn top những lễ hội kì quặc nhất trên thế giới nhé!
Quật mồ người chết (Ấn Độ)
Lễ hội mà nghe tên đã rùng rợn này có tên là Shiva Gajan, là lễ hội truyền thống, thường niên ở vùng đông bắc Ấn Độ. Shiva Gajan được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh thần Shiva và đồng thời đánh dấu ngày kết thúc một năm theo lịch Bengali. Lễ chính của ngày hội này là các nghi thức hành xác- điều khiến những người yếu tim phải hốt hoảng, như đóng đinh cơ thể lên cọc, xuyên thép qua lưỡi hay móc thép vào da…Tuy nhiên, màn rùng rợn nhất trong lễ hội này, là màn dành cho người chết. Người ta quật mồ người chết, xách hết đầu lâu lên để con cháu được "chiêm ngưỡng". Sau đó người ta trang điểm cho đầu lâu bằng màu vẽ, vòng hoa… và xách đầu lâu người chết theo tham gia lễ hội.
Đến ngày hội Shiva Gajan, những nghĩa trang ở đông bắc Ấn Độ lại tan hoang, bởi các gia đình thi nhau đào bới mồ mả đem đầu lâu người chết lên dương thế. Kết thúc lễ hội, họ lại chôn cất đầu lâu một cách tử tế, đợi đến năm sau lại tiếp tục đào lên. Với những người ở thế giới khác, thì đây thực sự là hành động man rợ, xâm phạm không gian yên bình của người đã khuất, nhưng với người theo đạo Hindu, thì hành động này giúp gắn kết giữa các thành viên trong gia đình với tổ tiên, với thần linh.
Đây không phải là nơi duy nhất có lễ hội kinh dị như vậy, vào ngày 8/11 vừa qua, hàng ngàn người Bolivia cũng mang theo đầu lâu tới nghĩa trang tại thủ đô La Paz để tham gia một lễ hội vô cùng độc đáo, lễ hội Natitas. Người dân Bolivia gọi đây là lễ hội Natitas hay “Ngày của những chiếc đầu lâu”. Vào ngày này, hàng ngàn người dân Bolivia mang hộp sọ của người chết (không thuộc về họ hàng trong gia đình mình) tới nhà thờ trong nghĩa trang tại thủ đô La Paz để cầu linh hồn người chết ban cho họ sức khỏe, sự may mắn, tình yêu và của cải...
Lễ hội ném chuột chết tại Tây Ban Nha
Tây Ban Nha có rất nhiều lễ hội kỳ lạ có từ hàng trăm năm trước, đôi khi chỉ để tìm kiếm niềm vui mà không mang ý nghĩa tôn giáo nào. Trong lễ hội này, người dân thị trấn El Puig, phía Bắc Valencia ném những con chuột chết đông lạnh vào nhau để tìm kiếm niềm vui. Mỗi năm, lễ hội Batalla de Ratas hay “cuộc chiến chuột chết” được tổ chức vào ngày Chủ Nhật cuối cùng của tháng 1. Đây được xem là lễ hội kỳ quái bậc nhất Tây Ban Nha. Người dân địa phương và khách du lịch háo hức tập trung ở quảng trường trung tâm để tham gia lễ hội.
Trong lễ hội này, thay vì chạy trốn khi chứng kiến những xác chuột chết bị ném xuống đường, mọi người lại vội vàng tranh nhau nhặt chúng và ném vào đám đông. Nếu một người nào đó bị tấn công bởi một con chuột chết, họ sẽ nhặt nó lên và ném lại vào kẻ tấn công họ trước. Người dân địa phương cho biết, thời nay bệnh dịch hạch gần như đã bị tuyệt chủng nên họ không quá lo sợ trước những con chuột. Người El Puig chỉ sử dụng xác chuột đông lạnh để ném nhau. Bất kì ai bị trúng phải cũng đều phải nhặt nó lên và ném ngược trở lại người tấn công. Dù đã có nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng xác chuột chết có thể làm tăng nguy cơ lây lan bệnh dịch hạch song người dân của El Puig trả lời rằng họ chỉ dùng những con chuột đã được chuẩn bị bằng cách giết và để đông lạnh từ trước đó.
Mặc dù vậy, xác chuột mới chỉ thực sự trở thành loại “đạn” phổ biến trong vài năm trở lại đây. Lễ hội có tuổi đời lên tới vài thế kỉ này trước đây chỉ dùng tới các loại hoa quả, hạt hay những thứ như kẹo gói chẳng hạn. Và sự xuất hiện của những con chuột chết đầu tiên đã gây nhiều sự ngạc nhiên, hào hứng cho người tham gia tới mức ban tổ chức dần cho phép và khuyến khích mọi người sử dụng chuột để ném vào nhau trong những năm về sau. Lễ hội này đã được tổ chức ở El Puig trong nhiều thế kỷ, rất thu hút đối với dân địa phương. Do đó bất chấp chính quyền địa phương đã cấm tổ chức lễ hội này từ năm 2012, người dân địa phương tuyên bố, đây là truyền thống đã kéo dài nhiều thế kỷ của họ và kiên quyết không chịu từ bỏ.
Lễ hội lăn theo pho mát ở Anh
Lễ hội truyền thống này ban đầu được dành cho người dân địa phương tại Brockworth, nhưng hiện nay hàng nghìn người từ khắp nơi tới theo dõi và tham gia. Đầu tiên chiếc bánh pho mát được đặt trong một thùng gỗ trên đỉnh đồi. Khi cuộc thi bắt đầu, người chủ lễ sẽ phá tung chiếc thùng và đẩy pho mát lăn xuống sườn đồi. Những người tham gia cuộc đua phải làm sao đuổi kịp và bắt lấy miếng pho mát đó. Người chiến thắng sẽ nhận được miếng pho mát đem về nhà. Lễ hội kì lạ này có truyền thống gần 200 năm tại Anh.
Lễ hội đuổi pho mát này là một trong những truyền thống lâu đời nhất của xứ sở sương mù, được tổ chức để ăn mừng mùa xuân trên khắp đất nước (ở các quốc gia lạnh, tháng 5 vẫn rất mát mẻ). Trong ngày lễ độc đáo này, một viên pho mát tròn như bánh xe, nặng tới 4kg được thả cho lăn trên ngọn đồi Cooper và sau đó những người tham gia đồng loạt chạy như bay xuống đồi để giành được viên pho mát.
Lễ hội nổi tiếng với những âm thanh náo động, những tiếng huýt sáo và cả những…tai nạn nhỏ do chạy quá nhanh từ đỉnh đồi dốc 200 mét. Nhiều lần, cảnh sát khu vực đã cảnh cáo ban tổ chức lễ hội vì sự ồn ào do những người tham gia gây ra nhưng bất thành, lễ hội vẫn được tổ chức đều đặn hàng năm. Do miếng pho mát lăn nhanh nên nhiều người phải chạy, lăn, trườn thật nhanh theo nó, thậm chí là lộn xuống sườn đồi mới mong đuổi kịp pho mát. Ai giành được miếng pho mát đầu tiên sẽ nhận được giải thưởng là một món quà tượng trưng.
Lễ hội ném dê ở Tây Ban Nha
Người Tây Ban Nha dường như rất thích những lễ hội kỳ quái. Mỗi năm, vào ngày Chủ Nhật thứ tư trong tháng Một, người dân địa phương của thị trấn nhỏ Manganeses de le Polvorosa sẽ cùng tập hợp lại để tham gia lễ hội ném dê vinh danh thánh Vincent de Paul, vị thánh bảo hộ của thị trấn.
Lễ hội đã có từ rất lâu đời trong đó một thanh niên trẻ tuổi sẽ đi tìm một chú dê trong làng, buộc túm bốn chân dê lại, mang lên tháp chuông của của nhà thờ địa phương rồi ném chú dê xuống từ độ cao gần 20m. Những người dân làng sẽ đứng ở dưới căng một tấm vải bạt để hứng lấy chú dê. Cũng có khi họ không hứng kịp và đương nhiên chú dê bị chết. Lễ hội này đã bị cấm vì hiệp hội bảo vệ động vật lên án dữ dội nhưng “phép vua thua lệ làng”, lễ hội này vẫn diễn ra đều đặn mỗi năm.
Lễ hội nấu tinh hoàn động vật ở Serbia
Được tổ chức tại một số thị trấn nhỏ ở Serbia, những người tham gia lễ hội sẽ được thưởng thức những món ăn được chế biến từ tinh hoàn của mọi loại động vật, kể cả động vật hoang dã. Tất cả những đầu bếp khắp nơi trên thế giới sẽ tham gia thể hiện khả năng của mình. Người chiến thắng sẽ được ghi danh và giành giải thưởng có giá trị. Là cuộc thi mang tầm cỡ quốc tế được tổ chức ở Ozrem, Serbia, lễ hội nấu tinh hoàn động vật đã trở thành niềm hy vọng của ngành du lịch nơi đây. Lễ hội nấu tinh hoàn được diễn ra từ ngày 27/8 đến ngày 29/8. Tại lễ hội, tinh hoàn của các loại động vật khác nhau như lợn, bò, các mập, kangaroo…sẽ được chế biến qua bàn tay khéo của nhiều đầu bếp.
Điều đặc biệt, những món ăn nấu từ tinh hoàn động vật được cho là có tác dụng kích thích ham muốn tình dục của con người. Do đó, nhiều người đến lễ hội với mong muốn được thưởng thức món ăn đặc biệt này. Dù được tổ chức tại Serbia nhưng nơi đây vốn hiếm khi có những đầu bếp tài năng. Do đó, lễ hội nấu tinh hoàn động vật có ý nghĩa rất quan trọng. Lễ hội không chỉ thu hút được nhiều đầu bếp đến từ các quốc gia trên thế giới mà còn tạo cơ hội để những món ăn từ tinh hoàn trở thành thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Dương vật thép (Nhật Bản)
Nghe cái tên lễ hội chắc hẳn các bạn nghĩ ngay đến đất nước Nhật Bản đúng không? Nếu nghĩ lễ hội này có nguồn gốc từ Nhật Bản thì các bạn đã...đúng rồi đấy (smile). Tuy nhiên ý nghĩa của lễ hội dương vật thép hoàn toàn không như cái tên gọi đâu nhé, lễ hội này được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quan hệ tình dục an toàn và gây quỹ từ thiện để đầy mạnh hoạt động nghiên cứu, phòng chóng HIV/ADIS. Hằng năm cứ vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 4 mọi người lại đổ xô tới Kawasaki Nhật Bản để tham gia lễ hội Kanamara Matsuri hay còn gọi là dương vật thép.
Người dân rước biểu tượng dương vật khổng lồ diễu hành khắp các con phố trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Du khách tham dự có thể mua quà lưu niệm hay thưởng thức các món ăn đặc biệt được làm theo mô hình của quý bằng thép. Nguồn gốc của lễ hội thú vị này được bắt nguồn từ một truyền thuyết rằng có một con quỷ răng sắc nhọn nằm ẩn mình trong chỗ kín của một cô gái "bán hoa" đã cắn nát dương vật của 2 chàng trai trẻ trong 2 đêm động phòng với cô gái này. Cô gái đã cầu xin người thợ rèn làm cho mình một chiếc dương vật bằng thép để bẽ gãy răng của con quỷ. Tuy nhiên, lễ hội này còn bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử có thật. Vào thế kỷ 16, thành phố Kawasaki đầy rẫy các khu phố đèn đỏ. “Gái bán hoa” thường xuyên đến đền Kamanara để cầu xin thần linh phù hộ không bị mắc bệnh tình dục. Sau đó, những người khác cũng đến ngôi đền này để xin con, để cầu cho đời sống vợ chồng viên mãn hay mẹ tròn con vuông. Dần dần, biểu tượng dương vật trở thành vật tượng trưng cho một cuộc sống phồn vinh và kinh doanh phát đạt.
Đến với lễ hội này, du khách sẽ có dịp thưởng thức rất nhiều món ăn có hình dương vật và âm hộ phụ nữ được làm từ socola, chuối, củ cải…Những quầy hàng bầy bán đồ lưu niệm gốm sứ, móc treo chìa khóa, áo phông, vòng cổ, hay những chiếc kính dương vật cũng đều rất đắt hàng.
Lễ hội dành cho khỉ ở Thái Lan
Lễ hội Buffet dành cho khỉ được tổ chức hàng năm tại đền Khmercoor để tỏ lòng cảm ơn tới những chú khỉ đã mang lại tiềm năng du lịch cho tỉnh Lopburi. Ở những nơi khác, khỉ được coi là con vật gây hại nhưng ở Lopburi, nó lại được tôn kính. Chúng được tự do đi lại trong thành phố. Hơn 2.000kg trái cây, rau quả, bánh kẹo được bày biện để tiếp đãi khỉ. Lễ hội dành cho khỉ độc đáo này xuất phát từ quan điểm của người dân Thái Lan coi loài khỉ chính là những chiến sĩ trung thành nhất, dũng cảm nhất trong công cuộc bảo vệ sự an toàn cho thần Narai - vị thần được tôn kính nhất của đọa Hindu. Khi thần Narai được an toàn, ngài sẽ phù hộ cho các thần dân Thái Lan được nhiều may mắn và bình an. Do đó, đến với lễ hội này, người dân Thái Lan và du khách sẽ được tham gia nhiều hoạt động liên quan đến khỉ, trong đó có cả việc cho khỉ ăn.
Đây là hoạt động luôn thu hút nhiều người tham gia nhất, bởi cho khỉ ăn, theo nhiều người Thái Lan, là để cầu may đến với mình. Cùng với việc trang trí hoa quả, người dân còn dựng những bức tượng khỉ tại festival buffet này. Đúng 10 giờ sáng, lễ hội buffet cho khỉ được bắt đầu. Ban đầu họ mang ra những chiếc bàn trên đó có đủ các mùa sắc và những con khỉ đang nhảy múa. Sau khi khai mạc lễ hội, hoa quả và các món tráng miệng và đồ uống, nước giải khát được đặt trên mặt bàn xung quanh ngôi đền và những chú khỉ nhỏ kéo nhau xuống thưởng thức bữa tiệc một cách ngon lành.
Những chú khỉ ở đây khá dạn người, chúng chơi đùa một cách thoải mái, nhất là bắt chước du khách, hay nghịch túi xách của khách du lịch, và những trò nhào lộn bắt mắt mà chúng biểu diễn chắc chắn sẽ để lại trong lòng du khách những ấn tượng khó quên. Các du khách cũng có thể đùa với chúng bằng cách lấy những trái cây để cho chúng ăn, giành nước uống để trêu đùa với chúng, khoảnh khắc những chú khỉ dơ tay đòi ăn sẽ thật là đáng yêu. Du khách hãy nhanh tay chụp lại khoảnh khắc đáng nhớ bên những chú khỉ này nhé!
Lễ hội ăn chay (Thái Lan)
Mới nghe tên chắc các bạn sẽ cảm thấy thắc mắc "lễ hội ăn chay thôi mà, có gì kinh dị hay kì quặc ở đây?". Thât vậy, cái tên lễ hội ăn chay quả thực khá bình thường. Nếu các bạn đang tìm kiếm một lễ hội ăn chay theo đúng nghĩa đen thì có lẽ bạn sẽ không muốn đến đảo Phuket Thái Lan. Sự thật là ngay từ những ngày đầu tiên của lễ hội này du khách đã được chứng kiến những màn hành xác rùng rợn, những người tham gia hầu hết là đàn ông đủ mọi lứa tuổi. Sau khi nhịn ăn trong vài ngày, họ thực hiện các nghi thức hành xác với mục đích cầu may mắn, sức khỏe và an lành cho bản thân và gia đình.
Sử dụng những vật sắc nhọn như: dao, kim, búa, rìu...lần lượt xuyên qua mồm miệng trên mặt hoặc cơ thể. Những tín đồ được gọi là "lính" của phật tin tưởng rằng cơ thể càng chịu nhiều đau đớn thì họ sẽ càng thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. Theo truyền thuyết, một đoàn kịch Trung Quốc khi tới Thái Lan đã mắc phải bệnh sốt rét. Vì căn bệnh vô phương cứu chữa vào thời kỳ đó nên đoàn kịch đã quyết định ăn chay và cầu nguyện 9 vị thần. Lời khẩn cầu linh ứng, họ khỏi bệnh và quyết định tổ chức lễ hội ăn chay nhằm ghi nhớ công lao của các vị thần năm xưa. Rất nhiều phụ nữ cũng tham gia vào trò chơi hành xác này. Người sùng đạo tin rằng càng chịu đựng được đau đớn, họ càng may mắn và thành công trong tương lai.
Theo quan niệm của các tín đồ Phật giáo, ăn chay là hành động cao cả thanh cao, còn những tập tục hành xác là để làm cơ thể, tâm hồn mình trong sạch hơn. Tuy nhiên mình cũng xin lưu ý là không phải tự dưng những màn hành xác này đã tồn tại từ những năm 1800 đến bây giờ. Chắc hẳn phải có những điều thú vị gì đó ẩn sau lễ hội này. Nếu có hứng thú các bạn hãy tự mình tìm hiểu sâu thêm nhé!
Nhảy qua em bé (Tây Ban Nha)
Lễ hội này hình thành từ năm 1620, trong suốt 400 năm qua, cứ đến tháng 5 hoặc tháng 6 một người đàn ông ăn mặc như ma quỷ sẽ nhảy qua các em bé ở thị trấn Castrillo de Murcia, gần Burgos, miền bắc Tây Ban Nha. Người dân ở đây tin rằng các em bé sẽ được rửa sạch mọi tội lỗi và bảo vệ khởi các linh hồn ma quỹ cũng như bệnh tật nếu được người đàn ông này nhảy qua. Vì vậy, tất cả các em bé được sinh ra trong 12 tháng trước đó sẽ được đặt lên các tấm nệm ở khắp thị trấn để chào đón lễ hội nhảy qua em bé.
Điểm khiến lễ hội này có phần nguy hiểm chính là ở các em bé, không biết người dân Tây Ban Nha có chút lo lắng nào không? Người dân Tây Ban Nha tin rằng việc nhảy qua những đứa trẻ sơ sinh trong một lễ hội đặc biệt sẽ đẩy quỷ dữ ra khỏi cơ thể các em.
Sự kiện này được coi là một cách kỷ niệm chiến thắng của cái tốt đẹp đối với cái xấu. Trước nghi lễ nhảy qua em bé này, người dân tin rằng cái xấu xa, tội lỗi đang bao trùm cả thị trấn. Chỉ đến khi El Colacho đã nhảy qua hết tất cả những đứa trẻ, cái xấu xa mới được xóa bỏ, những đứa trẻ sẽ sống tốt hơn sau khi được nhảy qua đầu. Trong hàng thế kỷ qua, chưa có một trường hợp nào bọn trẻ bị thương trong lễ hội, tuy nhiên El Colacho vẫn được liệt vào hàng những lễ hội nguy hiểm nhất thế giới. Ngôi làng nhỏ Castrillo de Murcia chỉ có khoảng 500 cư dân nhưng vẫn nổi tiếng khắp hành tinh vì lễ hội kỳ quặc này.
Lễ hội mặc khố ở Nhật Bản
Hadaka Matsuri là một loại hình lễ hội rất đặc biệt của Nhật Bản, nơi mà người tham dự chỉ được mặc một chiếc khố của Nhật (gọi là Fundoshi). Lễ hội này được tổ chức ở nhiều địa điểm khắp nước Nhật, có thể là mùa đông hoặc mùa hè. Được biết, nghi lễ độc đáo này có truyền thống rất lâu đời, từ 500 năm trước, và khởi nguồn ở ngôi đền Saidaiji. Ban đầu, những người tham gia tụ tập trước cổng đền, tranh nhau bắt một tấm bùa bằng giấy do vị đạo sĩ ném ra. Tuy nhiên, do chất liệu giấy dễ rách, hỏng, ngày nay, tấm bùa này được thay bằng một cây gậy bằng gỗ dài 20 cm gọi là shingi. Lễ hội chính thường bắt đầu ngay sau lễ hội dành cho các cậu học sinh tiểu học. Cũng tương tự lễ chính, các cậu bé phải giành nhau một vật, nhưng đó không phải shingi mà là một chiếc bánh gạo.
Vào 3 giờ 30 chiều, lễ hội chính mới bắt đầu. Những người đàn ông chỉ mặc fundoshi, loại khố bằng vải màu trắng, trong khi đó phụ nữ không mặc gì, quấn quanh mình một tấm vải trắng, biểu diễn trống taiko và ngâm mình dưới nước. Từ 7 giờ tới 7 giờ 30, người dân háo hức đón chờ màn pháo hoa. Và khi pháo hoa dần hết, những người đàn ông kéo nhau tới con suối thiêng gần đền thờ Saidaiji. Họ vừa diễu hành quanh đền, vừa hô to: “Wasshoi! Wasshoi!”. Thông thường, mỗi năm, có khoảng 9.000 người tham gia lễ hội này. Không khí rất tưng bừng và sôi động. Khi màn đêm bao phủ khắp nơi, cũng là lúc mọi ngọn đèn trong thành phố đều bị tắt, trừ đèn ở đền thờ Saidaiji. Shingi được ném ra và 9.000 người đàn ông lao vào tranh cướp thanh gỗ được họ coi là thiêng liêng này. Khung cảnh vô cùng náo nhiệt, chẳng khác nào một trận bóng bầu dục mà các vận động viên đều ăn mặc rất “mát mẻ”. Ai giữ được shingi lâu nhất và nhét được nó vào trong một chiếc hộp gọi là masu sẽ gặp may mắn cả năm.
Để ngắm được toàn cảnh lễ hội, du khách phải mua chỗ ở những vị trí cao và giá thành cũng không hề rẻ. Tuy nhiên, những gì họ được chiêm ngưỡng cũng “đáng đồng tiền, bát gạo”. Cuối cuộc thi thường là màn ném các cành liễu cho đám đông. Có 100 cành liễu được ném ra và ai bắt được cũng sẽ gặp may mắn trong năm.
Vác vợ chạy thi (Phần Lan)
Lễ hội cõng vợ ở Phần Lan là hoạt động thường niên với mục đích mang đến tiếng cười, sự dẻo dai cũng như thắt chặt tình cảm của các cặp đôi. Lễ hội độc đáo này được tổ chức vào thứ Bảy đầu tiên của tháng 7, ở thành phố Sonkajarvi. Theo đó, các chàng trai sẽ cõng vợ hoặc người yêu cùng nhau vượt qua các chướng ngại vật, cặp đôi nào về đích sớm nhất sẽ giành chiến thắng. Người ta thường nói "kính vợ đắc thọ, sợ vợ sống lâu, nể vợ bớt u sầu, để vợ trên đầu thì trường sinh bất lão". Chúng ta hãy cùng đến với thị trấn Sonkajarvi, Phần Lan để xem những người đàn ông nơi đây thực hiện mong muốn được trường sinh bất lão nhé.
Trong lễ hội này người đàn ông sẽ vác vợ trên vai và chạy trên một quãng đường 253,5m vốn đã được bố trí sẵn rất nhiều chướng ngại vật như đường dốc đầy cát, hàng rào gỗ và lội qua hồ nước sâu 1m. Cô gái được cõng phải đạt yêu cầu là trên 17 tuổi, nặng ít nhất 49kg, nếu như trọng lượng không đủ thì cần phải đeo thêm ba lô. Trong một số câu chuyện của người dân, lễ hội bắt nguồn từ phong tục cướp vợ của một bộ tộc thời xa xưa ở Phần Lan. Khi đến tuổi lập gia đình, thanh niên sẽ lẻn vào các ngôi làng để bắt cóc vợ, cõng trên lưng, điều này buộc cô gái phải bỏ vị hôn thê trước đó để kết hôn với họ.
Yếu tố quan trọng nhất chính là sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai người chơi. Bởi nếu như người vợ không bám chặt, rung lắc quá nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến tốc độ chạy. Cặp đôi nào về đích nhanh nhất sẽ trở thành nhà vô địch, phần thưởng giành được là một chiếc cúp lưu niệm và số bia bằng với cân nặng của người phụ nữ. Ngoài ra, lễ hội cõng vợ còn có các giải phụ khác hấp dẫn như cặp đôi hài hước nhất, người chồng cõng vợ khỏe nhất, cặp đôi ăn mặc phong cách nhất...
Lễ hội đánh nhau chào năm mới ở Peru
Takanakuy kết hợp từ các từ địa phương, trong đó “Takay” nghĩa là chiến đấu và “nakuy” là lẫn nhau. Lễ hội tổ chức tại thị trấn Santo Tomas, tỉnh Chumbivilcas, vào ngày 25/12 hàng năm. Đây là lễ hội đặc biệt của người Peru để tiễn những sự đen đủi năm cũ, chào đón năm mới. Khắp nơi diễn ra các cuộc hát hò, nhảy múa, ăn uống suốt ngày đêm. Kịch tính nhất là màn đánh nhau quyết liệt, thường diễn ra vào thời điểm kết thúc lễ hội.
Truyền thống này có từ lâu đời, liên quan rất nhiều đến danh dự của gia đình. Đây cũng là dịp để người dân giải quyết những hiềm khích cá nhân trong cộng đồng theo cách rất xưa - sử dụng bạo lực. Takanakuy được mọi người ủng hộ, coi đó như cách duy nhất để giải quyết và để lại những rắc rối phía sau trước thềm năm mới. Tuy nhiên, điều thú vị thể hiện tinh thần của Takanakuy là khi cuộc đấm đá chấm dứt, hai bên bắt tay, ôm nhau và giảng hòa và cùng nhau đón một năm mới trong hòa bình. Hiềm khích cá nhân không phải là lý do duy nhất khiến mọi người tham gia vào các cuộc chiến trong lễ hội Takanakuy.
Một số người muốn chứng minh sự can đảm và khả năng chiến đấu, trong khi những người khác mong nhận được sự tôn trọng của cộng đồng, hoặc đơn giản làm cho gia đình tự hào. Nhiều người mang theo mặt nạ truyền thống đầy màu sắc, và mặc đồ thú nhồi bông nhằm dọa nạt đối thủ. Một số rời khỏi trường đấu với thương tích nhẹ nhưng không ai thấy tức tối vì biết rằng sẽ có cơ hội cho một trận tái đấu năm sau.
Lễ hội bò đuổi ở Tây Ban Nha
Lễ hội chạy đua với bò là một lễ hội được tổ chức hàng năm ở Pamplona, Tây Ban Nha. Các hoạt động nổi tiếng nhất của lễ hội chạy đua với bò là lễ hội kéo dài tám ngày Sanfermines vinh danh thánh Fermin ở Pamplona, mặc dù các lễ hội kiểu này cũng được tổ chức tại thị trấn và làng khắp Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, trong một số thành phố ở Mexico, trong lễ hội San Jose tổ chức tại Trujillo, Peru, Mesquite, Nevada, miền nam nước Pháp trong mùa hè. Trong lễ hội này, một nhóm bò tót được thả ra, nhiều người chạy trước chúng. Có nhiều người bị bò húc bị thương hoặc chết. Những con bò tót tham gia chạy đua vào buổi sáng sẽ bị giết thịt bởi những người đấu bò vào buổi tối, thịt của chúng sẽ được mang tới các nhà hàng trong thành phố để phục vụ thực khách.
Đây là một trong những lễ hội kỳ lạ và nguy hiểm nhất thế giới được tổ chức ở Pamplona, Tây Ban Nha. Kể từ khi lễ hội bắt đầu từ năm 1910 tới nay đã có gần 300 người bị thương và 15 người thiệt mạng. Mục đích của lễ hội này nhằm thể hiện sự can đảm của những nam thanh niên tham gia cuộc rượt đuổi của bò. Đến lễ hội này, những người tham gia phải nhanh chân nhanh cẳng chạy trước đoàn bò hung dữ chạy đuổi phía sau trên những con đường nhỏ hẹp của thị trấn này. "Bò đuổi" là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của Tây Ban Nha. Trong thời gian diễn ra lễ hội, các quán rượu tại Pamplona chật cứng người. Họ tụ họp để chia sẻ niềm vui, bàn kế chạy đua cùng bò tót và “nốc” thật nhiều rượu để lấy sự can đảm đối mặt với các chú bò.
Lễ hội bò tót San Fermin là biểu tượng văn hóa của Tây Ban Nha. Lễ hội San Fermin kéo dài 1 tuần (từ ngày 7 đến 14-7) thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế tới xem, bất chấp sự chỉ trích mạnh mẽ của các tổ chức bảo vệ quyền động vật. Mỗi ngày trong lễ hội, một đàn bò tót 6 con được thả chạy dọc đoạn đường dài 825m đến sàn đấu bò. Đây cũng là lúc diễn ra cuộc rượt đuổi giữa những chú bò tót và người tham dự. Nhiều tai nạn bị bò đâm húc đã xảy ra. Tính khốc liệt và nguy hiểm của cuộc đua khiến nhiều nhà vận động cho quyền lợi của động vật đòi bãi bỏ. Thế nhưng nét truyền thống này đến nay vẫn được tiếp tục duy trì.
Lễ hội chết thử của Tây Ban Nha
Mỗi năm tại thị trấn Las Nieves những người “chết hụt” trong năm trước sẽ cùng nhau tham gia lễ hội Mass vinh danh thánh Marta de Ribarteme, vị thánh của sự hồi sinh. Điều kỳ quái nhất là những nhân vật chính - những người “chết hụt” kia - sẽ phải đến tham dự lễ hội trong một cỗ quan tài. Quan tài của họ sẽ được rước từ nhà lên đỉnh của một ngọn đồi gần đó, nơi có bức tượng của thánh Marta de Ribarteme.
Lễ hội diễn ra ảm đạm như một đám tang thực sự cho tới khi màn pháo hoa bắt đầu và những người bán đồ lưu niệm tôn giáo bắt đầu đổ ra đường phố chào mời khách mua.“Nó là biểu tượng của sự chiến thắng cái chết”, Alfonso Besada Paraje, linh mục địa phương nói về việc người chết nằm trong quan tài. Trên thực tế, mọi người đang tham gia vào một hoạt động nằm trong khuôn khổ lễ lội Santa Marta de Ribarteme. Sự kiện được tổ chức vào tháng 7 hàng năm tại ngôi làng nhỏ bé và tạo cơ hội cho mọi người được trải nghiệm cận tử. Thông qua hoạt động đó, lễ hội mong muốn con người biết trân trọng cuộc sống hơn và cảm ơn trời đất vì được sống.
Người ta tin rằng lễ hội này đã có từ hàng trăm năm trước, nhưng nguồn gốc của nó vẫn là một bí ẩn. Theo truyền thuyết địa phương, lúc mới đầu, nghi thức mang những chiếc quan tài với người sống nằm trong đó do những người ngoại đạo thực hiện. Nhưng từ thế kỷ thứ 12, khi các nhà thờ Công giáo ra sức loại trừ niềm tin ngoại giáo, nghi thức này được sáp nhập vào nghi lễ của người Thiên Chúa giáo. Kể từ đó, một lễ hội chỉ ở cấp độ địa phương đã trở thành một lễ hội nổi tiếng khắp thế giới với hàng ngàn người xem. Họ chen chân nhau ở những con đường nhỏ trong ngôi làng Santa Marta de Ribarteme mỗi năm, “người ta từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây để tận mắt chứng kiến lễ hội này” – linh mục Paraje nói thêm.