Cuộc sống ngày càng hiện đại, chúng ta dần chuyển sang đi mua sắm ở các cửa hàng tiện lợi, siêu thị để mua đồ với suy nghĩ chất lượng được đảm bảo hơn. Tuy nhiên chợ vẫn chưa bao giờ hết hút khách bởi những lợi ích sau đây.
Chợ là nơi bạn có thể biết hết tất cả thông tin đời sống mà không cần tới báo, đài, ti vi hay internet. Mỗi ngày những người đi chợ sẽ không ngừng nhắc tới các vấn đề thời sự. Thậm chí qua chợ mọi mặt đời sống còn được phản ánh một cách trung thực, rõ nét nhất.
Khi đến với các chợ đầu mối, chợ chuyên bán hàng sỉ,... Bạn tha hồ được nếm thử và trải nghiệm những sản phẩm ngon, những món đặc trưng theo mùa hay theo vùng miền trước khi quyết định có nên bỏ tiền để mua chúng hay không. Những bạn có mong muốn tập tành kinh doanh thì đây chính là lựa chọn hàng đầu. Đi chợ và tìm hiểu nguồn hàng mà bạn mong muốn kinh doanh, bạn có thể hỏi những người bán họ sẽ cho bạn nhiều kinh nghiệm. Hãy tự tin để trở thành một người bán hàng thông thái nhé!
Đây cũng là lý do tạo sao bầu không khí ở chợ luôn tấp nập, đông đúc. Có rất nhiều chợ truyền thống Việt Nam nổi tiếng thu hút khách du lịch như: chợ tình Sa Pa, ta tìm thấy ở đó không chỉ là đơn thuần là mua bán, trao đổi hàng hóa mà có cả những trao gửi tình cảm nồng thắm xen kẽ cả những nuối tiếc của những chàng trai, cô gái. Những ngày đầu năm, bạn có thể đến với chợ Viềng – Nam Định (họp vào mồng 8 âm lịch) không chỉ để trao đổi mua bán mà còn để cầu may. Chợ Nổi – nét văn hóa của người Nam Bộ, bạn sẽ được mua hàng trên những chiếc thuyền, ghe, xuồng ắt hẳn là một trải nghiệm đầy thú vị. Ngoài ra còn các chợ đêm, chợ phiên bạn đi chợ có thể không để mua sắm, đơn giản để ngắm cảnh hay gặp gỡ bạn bè rồi la cà ăn uống cùng nhau đủ làm cho bạn cảm thấy yêu chợ rất nhiều rồi.
Trước tiên là mối quan hệ giữa bạn và người bán, ban đầu có thể chỉ là sự giao dịch hàng hóa đơn thuần giữa người bán và người mua, dần dần mối quan hệ sẽ trở nên thân quen hơn trở thành những người bạn của nhau, có thể nói với nhau từ chuyện học tập của con cái, nhà cửa, làm ăn,... Bạn cũng có thể hẹn gặp bạn bè ở chợ để tụ tập hay giao lưu giữa những người đi chợ với nhau qua các phiên chợ tình, chợ nổi, chợ phiên,... Điều này rất hiếm thấy tại các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi.
Cùng một người bán, cùng một loại thực phẩm được bán nhưng giá bán có thể khác nhau tùy theo người mua, vì giá bán sẽ tùy thuộc vào khả năng mặc cả của người mua hoặc mức độ thân quen giữa người bán và người mua. Đây chính là cơ hội để chứng tỏ khả năng nhạy bén với thị trường của bạn, kỹ năng mua hàng với giá rẻ. Đây là một kỹ năng đầy tính tương tác, cạnh tranh và mang tính khuyến khích. Và nếu ở siêu thị, bạn không cần phải nói một lời và điều duy nhất người bán hàng nói với bạn là giá tiền mà thôi.
Người bán và người mua ở chợ, sau một thời gian giao dịch sẽ trở nên thân thiết với nhau. Tức lúc đó không còn là những người mua - bán xa lạ mà có thể trở thành những người bạn tâm giao. Nếu sạp đang vắng khách thì bạn có thể tha hồ khai thác các thông tin về sản phẩm, từ giá cả thị trường, sự cạnh tranh giữa các quầy hàng, cho đến các mẹo nho nhỏ để tìm được sản phẩm tốt. Bạn cũng thể tán gẫu và nghe họ kể nhiều chuyện thú vị mà chỉ có dân buôn ở chợ mới biết được sẽ giúp bạn cảm thấy vui vẻ hơn và có thể giải tỏa luôn stress cũng nên. Hay chỉ để thấu hiểu và cảm thông hơn với nghề buôn bán nhỏ.
Chợ là nơi mà người bán hàng phải rất mau lẹ, họ phải hiểu rõ sản phẩm để giới thiệu, thuyết phục bạn mua hàng. Tại đây bạn sẽ thấy những kỹ năng rao hàng đầy sáng tạo thể hiện nét riêng của mỗi người để có thể thu hút được khách mua hàng. Cảm nhận được sự nhộn nhịp, đầy năng lượng từ những sạp hàng và người bán hàng. Những người bán hàng ở chợ phải lao động để bán sản phẩm, do đó họ rao và mời khách mua hàng nhiệt tình và thân thiện.
Chợ còn là nơi mà bạn có thể có được những sản phẩm làm thỏa mãn cho nhu cầu của mình, cho dù trong túi không có tiền hoặc không đủ tiền để trả. Chỉ có ở chợ người mua mới có thể mua chịu hay mua thiếu và sẽ trả tiền sau. Điều này là không thể xảy ra khi bạn muốn đi siêu thị mua hàng. Vì siêu thị hoạt động theo cơ chế “tiền trao cháo múc”, còn ở chợ, khi người mua túng thiếu thì được mua chịu, ngược lại khi người bán ế ẩm sẽ được người mua mua giúp. Đây còn thể hiện sự tin tưởng lẫn nhau trong xã hội đang ngày càng mất dần đi sự tin tưởng giữa người và người.