Theo hướng dẫn hiện hành của tổ chức y tế thế giới ( WTO), sữa tươi có thể giới thiệu cho bé từ 1 tuổi trở lên. Sữa tươi rất tốt cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Khi bé được trên 12 tháng tuổi là có thể bổ sung thêm sữa tươi vào khẩu phần ăn của bé. Vậy khi nào thì cần bổ sung thêm sữa tươi cho bé và thời điểm nào thích hợp nhất là vấn đề vô cùng quan trọng. Vì tùy vào điều kiện của mỗi bé mà sẽ có một hướng dẫn cụ thể.
Đối với các bé dùng sữa công thức hoặc bú mẹ không hoàn toàn
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất đối với trẻ sơ sinh trong những năm đầu đời. Tuy nhiên tuyến sữa ở mỗi người mẹ lại khác nhau, lượng sữa mẹ ở người phụ nữ trong những tháng đầu sau sinh không phải lúc nào cũng đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ. Và khi người mẹ không thể hoặc không có điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, sữa công thức cho bé là giải pháp thay thế an toàn, bảo đảm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ trong những năm đầu đời.
Khi bé bước sang 1 tuổi, cha mẹ có thể thay đổi dần sữa công thức thành sữa tươi thanh trùng nguyên kem hoặc chứa 3.5 đến 4 gam chất béo trong 100ml sữa. Khi qua 2 tuổi, cha mẹ có thể cho trẻ dùng sữa tươi thanh trùng hoặc sữa tươi tuyệt trùng, nhưng lúc này có thể chọn sữa tươi nguyên kem hoặc sữa ít béo đều được. Sữa trong giai đoạn từ 2 tuổi trở lên được xem như một phần bổ sung trong chế độ ăn hàng ngày của bé, không còn là thực phẩm chính.
Đối với các bé thừa cân béo phì
Sữa đúng là một loại thức ăn bổ dưỡng mà khó có thức ăn nào so sánh được, nhưng không vì thế mà cắt giảm sữa ở trẻ thừa cân béo phì. Với các trẻ này mục đích điều chỉnh chế độ ăn ít năng lượng (calo) giúp trẻ không tăng cân hơn, nhưng vẫn phải đảm bảo đủ dưỡng chất cho sự phát triển trưởng thành của trẻ, nhất là chiều cao.
Trong khi đó, không có một thực phẩm nào có hàm lượng các chất dinh dưỡng giúp phát triển chiều cao (can xi, vitamin D, phốt pho, đạm whey, lactose…) tốt hơn sữa nếu tính trên cùng đơn vị cung cấp 1.000 kcal.
Chỉ cần cung cấp 1.000 kcal từ sữa là có thể cung cấp đủ lượng chất dinh dưỡng quý mà nếu dùng thực phẩm khác có thể phải lên đến 1.500 - 2.000 kcal. Vì vậy, với trẻ em béo phì thì sữa là loại thực phẩm không những không được giảm mà còn phải tăng thêm trong khẩu phần hằng ngày.
Việc kiêng ăn và cắt sữa có thể dẫn đến thiếu hụt can xi, khoáng chất, ảnh hưởng tới chiều cao, sự chắc khỏe của bộ xương và các vi chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của bé. Đối với những bé thừa cân, béo phì cha mẹ nên tư vấn thêm chuyên gia dinh dưỡng để lựa chọn được loại sữa tươi phù hợp nhất với bé.
Đối với các bé bú mẹ hoàn toàn
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất và cần thiết cho trẻ khi mới ra đời. Nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tự nhiên, kinh tế và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Trong giai đoạn đầu đời, sữa mẹ là nguồn bổ sung đầy đủ và thiết yếu nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Sữa mẹ cung cấp cho bé các dưỡng chất với tỷ lệ thích hợp với độ tuổi phát triển của bé, dễ tiêu hóa với hệ đường ruột còn non yếu và khó hấp thu. Nên sữa mẹ hoàn toàn đáp ứng và đảm bảo được nhu cầu dinh dưỡng của bé để bé có thể phát triển khỏe mạnh hoàn toàn trong suốt 6 tháng đầu đời.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ nên tiếp tục cho bé bú mẹ đến 2 tuổi hoặc lâu hơn có thể, không cần thiết phải chuyển sang sữa tươi.
Đối với các bé trên 1 tuổi không dung nạp lactoza
Lactose là dạng đường chủ yếu có trong sữa động vật và các sản phẩm từ sữa. Lactose là nguồn cung cấp đường glucose cho sự hoạt động của não và cơ thể, làm phân mềm, tạo sự vượt trội của các Bifidus và Lactobacillus là những vi khuẩn có lợi, giúp phát triển hệ miễn dịch và tiêu hóa trong cơ thể trẻ. Lactose khi vào đến ruột sẽ chia ra thành đường glucose và galactose nhờ vào một loại men có tên là lactase (tên khoa học là Beta-D-galactosidase hay Lactase-phlorizin hydrolase), men này do các vi nhung mao của ruột tiết ra. Nếu không có hoặc thiếu hụt men này cơ thể sẽ không dung nạp được lactose (gọi là bất dung nạp đường lactose).
Bất dung nạp lactose là trẻ không có khả năng tiêu hóa và hấp thu đường lactose, đường lactose dư thừa được chuyển thành acid lactic nên khi ăn sữa có đường này trẻ gây ra các triệu chứng như sau: trẻ trướng bụng, sôi bụng, tiêu chảy, đi phân chua, hăm đỏ da quanh hậu môn. Mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng thường tùy thuộc vào lượng lactose ăn vào nhiều hay ít...
Cha mẹ nên chọn lựa sữa không chứa lactoza hoặc tham khảo thêm chuyên gia dinh dưỡng để lựa chọn được loại sữa phù hợp với bé.
Đối với các bé trên 1 tuổi bị dị ứng đạm sữa bò
Hiện tượng dị ứng đạm sữa bò là hiện tượng xảy ra khi hệ miễn dịch của trẻ em, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh có những phản ứng quá nhạy cảm với thành phần đạm có trong sữa bò. Đây là hiện tượng dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì sữa bò là loại thực phẩm có chứa đạm lạ đầu tiên mà nhóm trẻ này phải hấp thụ với một lượng lớn, nhất là những trẻ đã từng uống sữa bột trước đó.
Khi trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh mắc phải tình trạng dị ứng đạm sữa bò, hệ miễn dịch của trẻ sẽ nhận diện sai đạm trong sữa bò là chất có hại và sẽ có phản ứng lại với những loại đạm này và gây ra những dấu hiệu bé bị dị ứng đạm sữa bò.
Cha mẹ có thể chọn sữa công thức có đạm thủy phân hoặc tư vấn thêm chuyên gia dinh dưỡng khi lựa chọn sữa có đạm từ thực vật.