Khi một người mạnh dạn đưa tác phẩm của mình lên Internet, chứng tỏ họ đang có nhu cầu tìm kiếm độc giả và đặc biệt là những lời nhận xét. Vai trò của những người nhận xét online (reviewer/beta-reader) không chỉ là tìm và chỉ ra những tồn tại trong tác phẩm mà còn xây dựng nguồn cảm hứng nỗ lực sáng tác cho người viết, mang đến cho họ thêm tự tin trên con đường văn học trong tương lai.
Lời khuyên đầu tiên mình muốn chia sẻ là trước khi đánh giá người khác, hãy tự trang bị một phổ kiến thức sâu rộng. Bạn sẽ không thể nhận xét một câu chuyện nếu bạn không biết nhiều hơn câu chuyện ấy, và điều đó sẽ khiến bài nhận xét không có sức thuyết phục. Kiến thức ở đây không chỉ giới hạn ở trình độ phổ thông; những trải nghiệm từ cuộc sống của chính bạn cũng là một loại kiến thức rất đặc biệt.
Nếu bạn thực sự có hứng thú với tác phẩm, mình khuyên bạn nên giữ liên lạc với tác giả. Việc theo dõi quá trình sáng tác cũng là một trải nghiệm quí giá giúp bạn viết được những bài nhận xét dài kì. Bên cạnh đó, hãy quan tâm và lắng nghe nhận xét của những độc giả khác. Họ có thể tìm ra được những điểm bạn không thể ngờ đấy!
Đừng tiếc lời khen của bạn cho những câu văn và cách dùng từ hay của tác giả. Đó sẽ là một động lực lớn lao giúp tác giả tiếp tục công việc sáng tác. Tuy vậy, không nên đưa ra quá nhiều lời khen để hóa thành sự tâng bốc sáo rỗng. Hãy sử dụng những mẫu câu khách quan cho những cảm xúc chủ quan như: “Về phương diện này tôi cảm thấy rất tuyệt...” hoặc “Cảm ơn bạn vì đã giúp tôi học hỏi được nhiều điều về...”.
Tùy vào mức độ tiếp cận tác phẩm, bạn có thể đi theo ba mức dung lượng: 100 đến 200 từ (tương đương với một bình luận trên mạng xã hội), 300 đến 500 từ (tương đương với một đoạn ngắn khi đọc lướt) và từ 1000 đến 2000 từ (chỉ viết tại mức này khi bạn đã hoàn thành tác phẩm). Đôi khi những bài nhận xét ngắn gọn nhưng súc tích lại có ích hơi những bài nhận xét dài, lan man và không có trọng tâm.
Đừng đưa ra những lời chỉ trích, nhất là những lời chỉ trích thậm tệ khi bạn chưa thực sự cảm nhận tác phẩm bằng chính trái tim và khối óc của mình. Internet luôn là một môi trường nguy hiểm và nhạy cảm, khi chỉ một từ của bạn cũng có thể làm tổn thương người khác trong thời gian dài. Hãy sử dụng những cách nói tế nhị và tránh đưa quá nhiều khuyết điểm vào cùng một đoạn văn: “Tôi xin phép được góp ý vài điều...”, “Có một số vấn đề tôi chưa thực sự chia sẻ với tác giả...” hoặc “Tôi biết bạn có thể cố gắng nhiều hơn ở điểm này...”.
Khi viết một bài nhận xét, bạn hoàn toàn có quyền đưa những ý kiến chủ quan của mình vào với những trạng thái cảm xúc cụ thể. Tuy vậy, mình khuyến khích các bạn đưa ra những bài nhận xét mang tính khách quan nhiều hơn, tập trung vào những khía cạnh chuyên môn thay vì những dòng cảm xúc nhất thời. Điều này giúp bài viết của bạn mang tính chuyên nghiệp và có sức thuyết phục cao.
Có ba bước tiếp cận một tác phẩm trước khi đi vào nhận xét.
Thứ nhất là đọc phần giới thiệu. Đó là phần tác giả tóm tắt hoặc nêu lên một sự kiện nổi bật trong câu chuyện nhằm thu hút độc giả. Phần này còn được gọi với những cái tên như “văn án” hay “prologue”,...
Thứ hai là đọc ba chương hoặc phần đầu. Đây là giới hạn tối thiểu khi bạn muốn nhận xét một câu chuyện nào đó. Nếu là truyện ngắn thì mình khuyến khích các bạn đọc hết, hoặc ít nhất là một nửa.
Thứ ba là đọc toàn bộ tác phẩm. Đây là một yêu cầu rất khó đáp ứng nếu bạn thực hiện công việc nhận xét như một nhiệm vụ hay những tác phẩm được yêu cầu không gây được hấp dẫn đối với bạn. Tuy vậy, đọc hết toàn bộ tác phẩm giúp bạn có được cái nhìn toàn diện nhất về những khía cạnh sẽ được nói đến ở phần dưới đây.
Bạn đã bao giờ gặp trường hợp người nhận xét chỉ đọc những câu chuyện sáng tác trong mảng thể loại mình yêu thích chưa? Một người chuyên nhận xét truyện phiêu lưu có thể ngần ngại trước một câu chuyện tình cảm; và một người chuyên nhận xét truyện tình cảm sẽ dễ dàng đưa ra những lí lẽ không hợp lí về một câu chuyện phiêu lưu. Giải pháp ở đây là bạn hãy mở rộng gu đọc và tiếp cận càng nhiều thể loại càng tốt. Điều này không chỉ giúp bạn mở rộng kiến thức mà còn nắm được thị hiếu hiện tại, giúp bài nhận xét trở nên chuyên nghiệp hơn.
Khi đối diện với một tác phẩm được xuất trên định dạng của Internet, bạn sẽ có nhiều vấn đề hơn khi chỉ đọc tác phẩm trên giấy. Không chỉ là cốt truyện, nhân vật, hình ảnh, nghệ thuật sử dụng ngôn từ,... bạn còn phải chú ý đến cả những tiểu tiết như lỗi đánh máy, lỗi trình bày, định dạng, cách phân chia chương và ngắt dòng. Điều này giúp bạn tập trung vào tác phẩm cần nhận xét và tránh rơi vào tình trạng “đọc mãi mà không biết viết cái gì”. Tất nhiên điều cần quan tâm nhất ở đây vẫn là phương diện nội dung (cốt truyện, nhân vật, tình tiết, logic, ý nghĩa) và phương diện nghệ thuật (cách dùng từ, cách đặt câu, xây dựng hội thoại, điều phối giữa miêu tả và hội thoại).
Đây là một điều rất quan trọng nhưng cũng rất khó thực hiện khi bạn muốn viết một bài nhận xét. Đôi lúc một số chi tiết bạn chỉ có thể hiểu khi trao đổi cùng với tác giả, và bạn thường sẽ rơi vào trạng thái mất cân bằng giữa khen và chê. Mình từng viết một bài nhận xét, sau đó mới kết bạn với người viết. Mình đã rất sửng sốt khi phát hiện đoạn văn mình cho là lan man lại là phần giới thiệu rất chi tiết dưới góc nhìn của một trò chơi RPG. Cuối cùng, mình đã phải viết một bài nhận xét khác và cảm thấy rất hổ thẹn cho sự thiển cận của bản thân.