Có rất nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe và giò heo là một trong những loại thực phẩm đó. Với việc kết hợp được rất nhiều loại nguyên liệu khác nhau cùng giò heo sẽ giúp bạn chế biến được các món ăn ngon lành hấp dẫn. Chân giò heo là món ăn phổ biến được nhiều gia đình Việt ưa chuộng. Nếu bạn đang muốn làm mới thực đơn cho bữa cơm gia đình thêm hấp dẫn nhưng vẫn chưa biết về những món ngon từ chân giò. Vậy thì hãy để TopList gợi ý một vài cách chế biến giò heo đơn giản dưới đây để thực hiện và thưởng thức cùng cả nhà nhé!
Giò heo muối nguyên chân chiên giòn
Nguyên liệu:
- Móng giò heo 2 cái
- Muối 200 gr
- Nước mắm 250 ml
- Bột ngũ vị hương 2 bịch
- Đường trắng 100 gr
- Dầu ăn 2 lít
Cách làm:
- Rửa sạch móng giò heo khi mua về, chà xát với giấm và muối hột cho sạch mùi hôi. Sau đó tiến hành rút bỏ xương ống của giò heo. Ướp bột ngũ bị hương vào trong thịt móng giò, dùng chỉ buộc chặt lại.
- Hòa tan 1 lít nước sôi để nguội với 200g muối, 250ml nước mắm mặn và 100g đường để làm nước ngâm. Sau đó đặt 2 chân giò heo vào hũ thủy tinh cao và hẹp, đổ nước mắm vừa pha vào, đậy kín. Ngâm chúng trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 1 ngày.
- Chân giò heo sau khi ngâm xong thì có thể mang đi chế biến nhiều món ăn như nướng hoặc chiên nhé!
- Đun sôi nhiều dầu ăn trong chảo sâu lòng. Lau khô chân giò muối. Đặt chúng vào rây có tay cầm dài. Nhúng vào dầu sôi tiến hành chiên giòn. Dùng vá múc dầu sôi dội lên phí trên chân giò muối cho nó được chiên giòn vàng đều nhé!
- Giò heo muối nguyên chân chiên giòn hoàn tất thì bày trí ra đĩa và thưởng thức thôi nào! Món giò heo muối này tuy khá tốn thời gian nhưng thành phẩm thì không chê vào đâu được. Những bữa ngày Tết hay buổi tiệc gia đình mà có được món ngon như thế ngày thì còn gì đúng không nào.
Giò heo nấu giả cầy
Giò heo nấu giả cầy là một món ăn mang đậm hương vị miền Bắc, với vị thơm đặc trưng cùng thịt mềm ngon.
Nguyên liệu:
- Chân giò 3 kg
- Đậu phộng 50 gr
- Riềng 1 củ (củ to)
- Hành tím 4 củ
- Tỏi 1 củ
- Sả 3 nhánh
- Bột nghệ 1 muỗng canh
- Mắm tôm 5 muỗng canh
- Mẻ 3 muỗng canh
- Dầu ăn 1 muỗng canh Đường/ bột ngọt 1 ít
Cách làm:
- Sơ chế chân giò: Giò heo bạn lấy dây kẽm treo lên cao và dùng đèn khò, khò xung quanh cho đến khi chân giò heo vàng đều thì bạn chặt giò heo thành từng khúc nhỏ vừa ăn. Rồi chà rửa lại với nước cho vết đen trên da sạch.
- Sơ chế các nguyên liệu khác: Hành tím và tỏi bạn lột vỏ và băm nhỏ. Sả bạn dùng 1 nhánh để băm nhỏ, 2 nhánh còn lại bạn cắt khúc và đập dập. Đậu phộng bạn luộc với nước sôi khoảng 10 phút cho đậu chín rồi vớt ra, để ráo. Riềng bạn gọt vỏ, rửa sạch và cắt thành các lát mỏng vừa ăn.
- Ướp chân giò: Cho riềng cắt lát cùng 2/3 hành tỏi băm, 5 muỗng canh mắm tôm, 3 muỗng canh mẻ, 1 muỗng canh bột nghệ, 5 muỗng canh đường, 1 muỗng canh bột ngọt vào thau rồi trộn đều và ướp khoảng 30 phút cho chân giò thấm gia vị.
- Hầm chân giò: Cho 1 muỗng canh dầu ăn cùng hành và tỏi băm còn lại vào nồi phi đều đến khi hành tỏi thơm bạn cho sả cây đập dập và chân giò đã ướp vào. Xào với lửa vừa khoảng 3 - 5 phút cho chân giò săn lại, bạn đổ 2 lít nước sôi vào hạ lửa, nấu khoảng 30 phút rồi cho đậu phộng đã luộc vào. Trộn đều và nấu thêm khoảng 10 phút nữa, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp.
- Thành phẩm: Giò heo giả cầy sau khi hoàn thành sẽ có màu vàng đẹp mắt với mùi hương hấp dẫn của sả, riềng và vị mềm, ngon của chân giò. Sẽ ngon hơn nếu bạn ăn cùng với bún đó, đảm bảo đây sẽ là một món ngon, mới lạ và hấp dẫn cho bữa ăn gia đình đấy.
Chân giò hầm nấm đông cô
Là một loại nấm quen thuộc và nổi tiếng ở châu Á, nấm đông cô thường xuyên được sử dụng trong cuộc sống vì những lợi ích mà nó mang lại cho sức khỏe. Vì chứa hợp chất d-Eritadenine nên nấm đông cô có tác dụng làm giảm lượng cholesterol trong máu, ngăn chặn quá trình sản xuất phân tử bám vào vành tim, giúp bảo vệ tim mạch. Bên cạnh đó, nấm đông cô rất hiệu quả trong việc ức chế sự hình thành của enzyme cytochrome P450 1A, thủ phạm gây viêm và ung thư. Vì rất tốt cho sức khỏe nên bạn hãy bổ sung nấm đông cô trong thực đơn hàng ngày. Nếu chưa biết chế biến món gì, hãy thử làm giò heo hầm nấm đông cô. Đảm bảo, món ăn lạ miệng này vừa ngon vừa cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho gia đình.
Nguyên liệu:
- 1 cái giò heo
- 200gr nấm đông cô
- 5 quả ớt hiểm khô
- 3 trái dừa tươi
- 2 muỗng tỏi băm
- 2 muỗng sả băm
- Gia vị: nước tương, dầu hào, màu điều, hành ngò, muối, tiêu, bột ngọt
Cách làm:
Sơ chế nguyên liệu:
- Nấm đông cô bạn ngâm trong nước muối loãng khoảng 10 phút, rửa sạch rồi để cho ráo nước. Bạn rửa sạch giò heo, dùng muối chà sạch rồi để ráo, chặt miếng vừa ăn.
Chế biến giò heo:
- Giò heo bạn trụng sơ qua nước sôi rồi cho 1 muỗng hành tỏi băm, 3 muỗng nước tương, 2 muỗng dầu hào, 1 muỗng màu điều 1 muỗng tương ớt, 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh đường và ½ muỗng bột ngọt vào rồi trộn đều, ướp trong 30 phút.
- Bạn bắc bếp, cho dầu vào, phi hành tỏi lên cho thơm. Tiếp tục cho chân giò vào, đảo đều đến khi chân giò săn lại.
Hầm chân giò với nấm:
- Khi chân giò săn lại, bạn đổ nước dừa tươi vào và cho thêm 100ml nước rồi bắt đầu hầm. Khi nước hầm sôi, bạn chỉnh lửa nhỏ rồi vớt bọt ra và cho nấm vào, tiếp tục ninh trong 40 phút. Sau khi chân giò mềm và nhừ, bạn tắt bếp và cho ra đĩa thưởng thức.
Vậy là món chân giò hầm nấm đông cô đã hoàn thành rồi. Cũng không quá phức tạp phải không nào? Màu nâu của nước dùng và nấm trông hấp dẫn và bắt mắt lạ thường. Nấm đông có mùi thơm nhè nhẹ, rất thoải mái và dễ chịu. Nước dùng đậm đà, ngọt thanh và thơm mùi nước dừa, cực ngon và bổ dưỡng. Giò heo chín mềm, hơi giòn sừn sựt và không hề bị nhũ hay nát. Món giò heo hầm nấm này ăn kèm với cơm nóng hay bánh mì đều rất ngon và rất đáng thưởng thức!
Chân giò heo sốt cà chua
Chân giò kết hợp thêm vị chua chua của cà chua, vị cay của ớt sẽ trở thành một món ăn thơm ngon cho bữa cơm cuối tuần của gia đình bạn. Bạn sẽ được cả nhà tấm tắc khen về tài nấu nướng. Hãy cùng toplist thực hiện ngay cách nấu thịt chân giò sốt cà chua món ngon từ giò heo siêu hấp dẫn này nào.
Nguyên liệu:
- Thịt chân giò heo 1 kg
- Hành tím 15 củ
- Tỏi 5 tép
- Tương đậu nành 2 muỗng canh
- Tương ớt 200 gr
- Dầu hào 2 muỗng canh
- Đường trắng 1 muỗng canh
- Muối 1/2 muỗng canh
- Nước 236 ml
- Cà chua 3 trái
- Dầu ăn 118 ml
Cách làm:
- Bước 1: Rửa sạch chân giò, chặt miếng nhỏ vừa ăn. Nước đun sôi cho chân giò vào nồi, luộc sơ trong 2-3 phút rồi vớt ra để riêng. Xay nhuyễn hành tỏi và đậu nành bằng máy xay.
- Bước 2: Bắc chảo nóng cho dầu vào đun sôi. Cho hỗn hợp đậu nành, hành, tỏi vừa xay vào chảo, đun ở lửa lớn khoảng 3-4 phút, cho đến khi đặc lại. Cho tương ớt vào chảo, đảo đều tay trong 2 phút, rồi hạ lửa xuống mức vừa.
- Bước 3: Cà chua thái múi cau, cho vào chảo và đảo đều trong 3-5 phút cho đến khi cà chua nhừ. Cho chân giò đã chuẩn bị vào chảo, đảo đều. Nêm nếm dầu hào, đường và gia vị cho vừa ăn.
- Bước 4: Cho thêm ớt rồi đảo đều. Thêm nước, để lửa ở mức vừa phải đun cho đến khi nước sôi. Trình bày chân giò ra bát và thưởng thức. Món chân giò sốt cà chua ăn kèm với cơm nóng sẽ rất ngon.
Chân giò hầm thuốc bắc ngải cứu
Một món ăn tuy có màu nước sẫm nhưng thực chất lại là thang thuốc bổ Đông y cho người thưởng thức vì công dụng làm giảm đau, đặc trị các bệnh về đau lưng, phổi hay nóng trong người từ thuốc bắc và ngải cứu. Đặc biệt, món ăn này vô cùng lành tính và thích hợp dành cho người có thể trạng yếu như người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai và người mới khỏi ốm.
Nguyên liệu:
- Thịt chân giò 500 gr
- Ngải cứu 100 gr
- Táo tàu 10 quả
- Hạt kỷ tử 1/2 muỗng canh
- Gia vị thông dụng 1 ít(muối/ đường/ hạt nêm/ tiêu)
Cách làm:
Sơ chế các nguyên liệu
- Chân giò khi mua về bạn dùng dao cạo sạch phần lông còn sót lại (nếu có), đem rửa sạch với nước muối rồi chặt thành khúc vừa ăn.
- Để khử mùi hôi của chân giò, bạn chuẩn bị một nồi nước sôi và cho chân giò vào chần qua trong 2 - 3 phút ở lửa lớn, sau đó vớt ra và rửa sạch lại với nước.
- Ngải cứu loại bỏ những lá sâu, héo (nếu có), sau đó rửa sạch và để ráo.
Hầm món ăn
- Bắc nồi lên bếp, cho 500ml nước vào ninh chân giò trong 30 phút ở lửa vừa.
- Trong quá trình hầm chân giò, nếu thấy có nổi bọt thì dùng thìa vớt bọt bỏ đi cho món canh nước trong và ngon hơn.
- Tiếp đến, cho ngải cứu, táo tàu và hạt kỷ tử vào. Nêm thêm 1 muỗng canh hạt nêm, 1/4 muỗng cà phê muối, 1/4 muỗng cà phê tiêu, 1 muỗng cà phê đường và đảo đều cho thấm gi vị.
- Đậy nắp lại và ninh thêm 15 - 20 phút tới khi chân giò chín mềm thì tắt bếp
Món chân giò hầm xong có mùi vị thơm của lá ngải cùng táo tàu và hạt kỷ tử. Từng miếng chân giò mềm, thấm đều gia vị. Phần nước dùng ngọt thanh, đậm vị khi chan vào ăn cùng cơm trắng sẽ rất hấp dẫn đấy. Đảm bảo đây sẽ là món ăn thơm ngon khó cưỡng cho cả gia đình cùng thưởng thức.
Giò heo hầm củ sen
Nguyên liệu:
- 1 kg chân giò
- 1 kg củ sen
- Đường, muối, nước mắm
- Hành lá, tiêu
Cách làm:
- Chân giò cắt khúc, cạo sạch, trụng sơ qua nước sôi rồi rửa bằng nước lạnh.
- Hầm chân giò với lửa riêu riêu khoảng 90 phút với một chút muối. Mở nắp và vớt bọt liên tục.
- Trong lúc chờ chân giò, ta bào vỏ củ sen rồi cắt miếng vừa. Đừng cắt quá mỏng sẽ dễ bị gãy. Đem củ sen vừa cắt ngâm với nước muối loãng.
- Sau khi chân giò mềm, ta cho củ sen vào chừng 10 phút rồi nêm lại với 1 muỗng đường, một chút nước mắm. 1.5 muỗng bột gà. Đừng nêm nhiều quá vì lúc hầm chân giò đã bỏ muối.
- Thêm một chút tiêu và hành lá
Chân giò kho tiêu
Chân giò kho tiêu là một món đậm hương thơm pha một chút cay từ những hạt tiêu li ti, nhưng bắt mắt nhất vẫn là những khoanh giò sậm bắt mắt và dai mềm chờ đón bạn thưởng thức chúng. Khi chân giò kết hợp với tiêu, món ăn này sẽ giúp bạn giải cảm, tăng cường tiêu hóa và giúp bạn có làn da đẹp hơn.
Nguyên liệu:
- 1 cái chân giò heo
- 1 củ hành khô
- 3 tép tỏi
- 1 thìa hạt tiêu
- Gia vị: đường, rượu trắng, nước tương.
Cách làm:
Sơ chế nguyên liệu:
- Chọn mua chân giò, trường hợp nếu bạn thích chân giò nạc thì mua chân giò trước còn nếu như bạn thích ăn phần chân có nhiều gân thì chọn chân giò sau. Đem chân giò rửa sạch rồi chặt thành miếng vừa ăn. Tiếp theo rửa lại với rượu trắng để khử mùi hôi ở thịt, thịt khi nấu sẽ thơm ngon và nhanh mềm hơn.
- Chân giò sau khi được rửa sạch thì ướp với chút nước tương, xì dầu và hạt tiêu trong thời gian khoảng 30 phút.
- Hành khô, tỏi bóc vỏ đập dập bóc vỏ băm nhỏ.
Chiên chân giò:
- Bắc nồi lên bếp, đợi nồi nóng rồi bỏ chút dầu vào đun sôi dầu, bỏ thêm hành tỏi và phi thơm.
- Trút chân giò vào đảo đều tay đến khi phần thịt chân giò xém vàng, thêm vào chút tiêu đảo đều.
Kho chân giò:
- Khi thấy chân giò đã cháy cạnh, xém vàng thì bạn thêm chút nước, nước tương và đường vào đun cho nồi thịt chân giò sôi lên rồi vặn nhỏ lửa, hầm liu riu trong thời gian 1 giờ đến khi chân giò mềm thì tắt bếp.
Vậy là chỉ qua vài bước đơn giản chúng ta đã hoàn thành món thịt chân giò kho tiêu thơm nồng, hấp dẫn. Chị em hãy thử làm món thịt chân giò kho tiêu cho bữa cơm ngày đông thêm ấm áp.