Bên cạnh những Startup được nhà đầu tư rót vốn, thậm chí không chỉ một mà là nhiều nhà đầu tư quan tâm thì rất nhiều dự án khác bị từ chối, không tìm được nhà đầu tư nào. Nguyên nhân của những startup này là do đâu? Bài viết dưới đây là những lí do cơ bản chung nhất cho điều này.
Đôi khi đội ngũ sáng lập lại là yếu tố quan trọng hơn cả ý tưởng khi nhà đầu tư chú ý vào một Startup. Nếu bạn chưa cho họ thấy được khả năng và trình độ của đội ngũ nhân sự, chứng minh rằng các bạn đủ khả năng biến ý tưởng thành sản phẩm thực tế thì họ rất khó bỏ tiền ra đầu tư vào dự án của bạn. Thực tế nhiều công ty khởi nghiệp chỉ có một người làm cũng thường bị từ chối vì phương châm của nhà đầu tư là cần thêm người làm cùng hơn là bạn chỉ làm một mình. Bạn nên có phần giới thiệu về các thành viên trong đội ngũ Startup của mình. Điều đó không đơn thuần chỉ là giới thiệu tên tuổi của từng người mà cần trình bày với nhà đầu tư về những giá trị mà mỗi cá nhân đã từng tạo ra được. Ví dụ như các thành viên đã từng làm gì, ở công ty nào, tạo ra được giá trị gì cho công ty đó… Nếu như bạn và đội ngũ sáng lập thiếu hoặc có ít kinh nghiệm thì nhà đầu tư sẽ không bao giờ quan tâm đến dự án của bạn.
Vội vàng từ bỏ nhà đầu tư là một lỗi lớn mà nhiều Startup mắc phải. Nhiều Startup khi đến gặp gỡ nhà đầu tư một hai lần rồi lại từ bỏ để đi kiếm nhà đầu tư khác, nhiều Startup sau khi trình bày ý tưởng một hai lần với nhà đầu tư nhưng chưa được rót vốn rồi lại cảm thấy phí thời gian, cho rằng nhà đầu tư lừa đảo,... Hơn ai hết, bạn cũng nên hiểu rằng ai cũng sẽ cân nhắc kỹ càng trước khi bỏ tiền ra cho người khác. Nhà đầu tư càng cân nhắc nhiều hơn, nhất là trong khi họ chưa hiểu rõ về bạn. Họ cần thời gian để thẩm định, chọn lựa. Quá trình đó đôi khi kéo dài nhiều tháng, có khi cả năm trời. Nếu bạn không kiên trì mà dễ dàng từ bỏ thì đôi khi bạn đã tự đạp đổ một cơ hội tốt của mình.
Một nhà đầu tư chuyên về lĩnh vực nhà hàng khách sạn sẽ ít đầu tư vào các công ty khởi nghiệp có thuộc lĩnh vực không liên quan. Cũng như các công ty có nguồn lực bình thường sẽ không thể đầu tư cho bạn nguồn vốn "khủng". hãy nghiên cứu kỹ từ đầu rằng bạn cần một nhà đầu tư có thế mạnh thế nào, nguồn lực ra sao, quan niệm về các đầu tư của họ, mức độ chịu lỗ,... Sau khi nghiên cứu những vấn đề trên bạn sẽ biết được bạn cần nhà đầu tư như thế nào.
Đôi khi lo tìm kiếm cách tiếp cận với nhà đầu tư, một số Startup bỏ quên việc hoàn thiện tốt bản kế hoạch của mình. Đầu là một trong những yếu tố mà nhà đầu tư chắc chắn sẽ từ chối bạn. Bản kế hoạch đôi khi là một cách để bạn gây ấn tượng với nhà đầu tư và sẽ cho thấy rõ điểm mạnh và điểm yếu của Startup. Bản kế hoạch của bạn dài dằng dặc nhưng trong đó miêu tả những chi tiết không cần thiết, thiếu kế hoạch marketing, kế hoạch nhân sự,... hay thiếu những con số cụ thể, dự kiến phát triển các giai đoạn,... thì các nhà đầu tư sẽ không bao giờ rót vốn vào. Dĩ nhiên không một công ty nào muốn đầu tư vào một Startup còn mơ hồ với chính công ty của mình và thị trường đang hướng đến. Bạn phải chuẩn bị bản kế hoạch thật ngắn gọn, súc tích mà nội dung chau chuốt, đầy đủ để nhà đầu tư có cái nhìn thiện cảm với bạn hơn
Chắc chắn bạn sẽ không dại gì "ném tiền qua cửa sổ" bằng cách bỏ tiền vào những công việc không mang lại lợi ích cho mình. Nhà đầu tư sẽ không ngoại lệ. Họ sẽ thẳng thừng từ chối nếu dự án của bạn không khả thi hoặc mang tính cá nhân cao. Do đó, thay vì ngồi bàn giấy vẽ vời viễn vông thì hãy bắt đầu từ thực tế cuộc sống để lên ý tưởng kinh doanh để tránh dự án của bạn là những dự án viễn vông, vẽ vời, thiếu tính chiến lược.
Việc tiếp cận nguồn vốn bị thất bại đôi khi đến từ việc chưa biết cách tiếp cận nhà đầu tư. Nhiều Startup còn khá bỡ ngỡ trong việc tiếp cận với các nguồn vốn. Hiện nay, có rất nhiều thông tin về các nhà đầu tư cũng như các phương pháp tiếp cận nguồn vốn được đăng trên các trang web, diễn đàn,... Nhưng để tiền được một nhà đầu tư bạn nên hoạch định cho mình một chiến lược cụ thể bao gồm kế hoạch chuẩn bị gì trước khi gặp mặt nhà đầu tư? Khi gặp nhà đầu tư nên làm gì? Các bước tiếp theo nên làm gì? Nghiên cứu kỹ sẽ giúp bạn tìm được nhà đầu tư phù hợp và sẵn sàng rót vốn vào dự án của bạn.
Đừng quá vội vàng gọi vốn khi bạn chưa vạch rõ giai đoạn phát triển của mình. Trong Startup có rất nhiều giai đoạn gọi vốn. Nếu như dự án của bạn mới chỉ là ý tưởng trên giấy, chưa hình thành sản phẩm, chưa có phản ứng nào từ thị trường thì rất khó để bạn có thể thuyết phục được nhà đầu tư. Đôi khi, câu nói "Không" của các nhà đầu tư còn có nghĩa là "Không phải bây giờ". Họ cần nhận định giá trị thực sự của sản phẩm bạn tạo ra nhờ vào rất nhiều khách hàng và thời gian trước khi rót vốn cho bạn. Hãy hoàn thiện hơn nữa để họ có thể nhìn thấy tiềm năng của bạn.