Giải thưởng Nobel danh giá do nhà hóa học tài ba Alfred Bernhard Nobel (1833 – 1896), người phát minh ra thuốc nổ, sáng lập. Giải thưởng này có ý nghĩa vô cùng to lớn, bởi nó không chỉ là vinh dự cho cá nhân đó mà còn mang lại vinh quang cho tổ quốc. Tính tới thời điểm hiện tại đã có hơn 750 giải NOBEL được trao cho các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực: kinh tế, hóa học, vật lý, văn học, y học, và giải Nobel hòa bình. Đây là giải thưởng khoa học lớn nhất thế giới giúp thúc đẩy phát triển khoa học nhân loại.
Lãng tử du ca Bob Dylan được vinh danh với giải thưởng Nobel văn học 2016
Bob Dylan (sinh ngày 24/5/1941) còn có tên là Robert Allen Zimmerman, là một ca sĩ, nhạc sĩ, nhà văn có tầm ảnh hưởng lớn đến âm nhạc đại chúng thế giới. Từ năm 14 tuổi, ông cùng với cây đàn guitar trong tay tham gia vào nhóm nhạc rock and roll ở trường trung học, sau đó lấy cảm hứng âm nhạc từ Woody Guthrie, ông bắt đầu sáng tác những bản nhạc đồng quê. Năm 1961, Bob Dylan đến New York và đi diễn ở các tụ điểm, quán cafe ở Greenwich. Năm 1962 ông phát hành album đầu tay. Sau một thời gian dài gắn bó với nghệ thuật, giờ đây Bob Dylan đã trở thành một tượng đài nghệ thuật trong lòng đại chúng và có sức ảnh hưởng vô cùng lớn đến âm nhạc đương đại thường trở thành đối tượng được trích dẫn trong các nghiên cứu, bài báo. Ông đã đạt được vô số danh hiệu như giải Grammy, Quả cầu vàng và giải Oscar. Trong sự nghiệp thu âm trải dài hơn 50 năm của mình, ông là sự trải nghiệm rất nhiều phong cách truyền thống của nước Mỹ như folk, blues, rock and roll, đôi lúc có đôi lúc pha trộn với jazz và swing. Từ năm 1994, Dylan đã cho phát hành 6 cuốn sách về những tác phẩm hội họa của mình và rất nhiều trong số chúng đã được trưng bày tại các triển lãm lớn nhỏ. Ngoài ra, với vai trò là nhạc sĩ, ông đã bán được ít nhất 100 triệu đĩa nhạc, điều này giúp ông trở thành một trong số những nghệ sĩ có số đĩa bán chạy nhất mọi thời đại.
Bộ ba nhà khoa học Anh, Pháp, Hà Lan đạt giải NOBEL hóa học
"Thiết kế và tổng hợp các cỗ máy nano" là thành tựu đã giúp ba nhà khoa học được vinh danh tại giải thưởng Nobel hóa học lần này. Gọi là cỗ máy nano bởi nó có kích cỡ chỉ bằng 1/1.000 một sợi tóc do các phân tử tạo thành, thiết kế nên một cỗ máy nâng có những động cơ tí hon và các cơ bắp cực kỳ nhỏ.
Ông Olof Ramstrom-thành viên Ủy ban Nobel đã nhận xét: "Họ đã làm chủ được việc kiểm soát chuyển động ở kích thước phân tử". Đây là một bước tiến quan trọng đưa hóa học đến một đỉnh cao mới, có thể được ứng dụng trong lĩnh vực y học như có thể trực tiếp đưa thuốc tới các tế bào của con người (đặc biệt là các tế bào ung thư) hoặc lĩnh vực thiết kế vật liệu thông minh.
Nhà khoa học Jean-Pierre Sauvage (1944) sinh ra ở Paris, Pháp-đất nước chuyên về hóa học siêu phân tử. Jean-Pierre Sauvage hiện là giáo sư danh dự của ĐH Strasbourg (Pháp) và cũng là Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS) của Pháp. Giáo sư Fraser Stoddart (1942) sinh ở Edinburgh, Vương quốc Anh, lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của ông là công nghệ nano và hóa học siêu phân tử. Người cuối cùng trong bộ ba là Bernard L. Feringa sinh năm 1951 ở Barger-Compascuum, Hà Lan, đang là giáo sư ngành Hóa hữu cơ tại ĐH Groningen ở Hà Lan. Chuyên ngành nghiên cứu của ông là hóa học hữu cơ tổng hợp, nghiên cứu chuyên sâu hơn về công nghệ nano phân tử và chất xúc tác thuần nhất. Ba nhà khoa học ở 3 quốc gia khác nhau nhưng cùng chung một niềm đam mê nghiên cứu hóa học và đã kết hợp lại trở thành một gia đình khoa học đem tới cho nhân loại những thành tựu vô cùng quan trọng và hữu ích.
Nhà khoa học người Nhật Yoshinori Ohsumi giành giải Nobel y học
Ohsumi, sinh năm 1945 tại Fukuoka (Nhật Bản), hiện đang làm việc tại Viện Công nghệ Tokyo. Ông là nhà khoa học Nhật thứ 6 đạt giải Nobel sinh học và là nhà khoa học thứ 23 của Nhật đoạt giải Nobel danh giá. Ông Ohsumi lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Tokyo vào năm 1964 và có 3 năm rèn luyện tại đại học Rockefeller ở New York (Mỹ). Khi trở về Tokyo ông tự mở một phòng thí nghiệm riêng và tham gia giảng dạy ở Viện Công nghệ tại thủ đô nước Nhật.
Cơ chế tự thực trong trong công trình nghiên cứu của Ohsumi là một quá trình cơ bản trong tế bào hay còn gọi là cơ chế thoái hóa và tái tạo các thành phần của tế bào. Ông sử dụng men nở làm bánh để xác định các gen điều khiển quá trình tự thực vào những năm 1990 và sau đó chứng minh rằng cơ chế này cũng hoạt động tương tự ở người. Khám phá này là hình mẫu tiêu chuẩn để hiểu cách tái tạo của tế bào, mở đường cho sự hiểu biết các quá trình sinh lý khác của con người như việc tế bào thích ứng với hiện tượng đói bụng và viêm nhiễm trên cơ thể. Ngoài ra, nghiên cứu của Ohsumi còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc ngăn chặn bệnh ung thư và chống lại các bệnh như tiểu đường.
Oliver Hart và Bengt Holmström - giải Nobel kinh tế
Oliver Hart (68 tuổi) là người gốc Anh nhưng học tập và làm Việc tại Mỹ và hiện tại cũng là một công dân Mỹ. Ông là giáo sư kinh tế học của trường đại học Harvard và có kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực kinh tế đặc biệt là hợp đồng.
Bengt Holmström (67 tuổi) sinh ra ở Phần Lan nhưng hiện tại đang cư trú lâu dài tại Mỹ. Ông có bằng tiến sĩ tại đại học Stanford vào năm 1978, là thành viên của nhiều ban lãnh đạo các học viện khoa học, cũng từng là thành viên trong ban lãnh đạo tập đoàn NOKIA.
Nền kinh tế hiện đại là sự gắn kết với nhau bởi vô số hợp đồng ví dụ như hợp đồng lao động, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng dịch vụ... Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên về phải làm hoặc không làm một việc nào đó trong khuôn khổ pháp luật. Hợp đồng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế bởi nó là căn cứ để xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao kết. Vì thế người thiết lập hợp đồng phải biết đưa ra những điều khoản phù hợp với lợi ích của tất cả. Thuyết hợp đồng của hai giáo sư Oliver Hart và Bengt Holmstrom được đánh giá là có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thấu hiểu sâu sắc nền kinh tế hiện đại. Nghiên cứu của 2 giáo sư liên quan tới việc làm cân bằng lợi ích của các bên tham gia giao kết hợp đồng - chia sẻ lợi ích.
Sau khi biết tin mình được nhận giải Nobel, GS Bengt Holmström đã chia sẻ với tờ Guardian (Anh) rằng ông rất hạnh phúc khi công trình nghiên cứu cả đời của ông đã được ghi nhận và cũng rất biết ơn ban tổ chức, gia đình và đồng nghiệp đã luôn bên cạnh ông. Còn với GS Hart, ông cho biết việc đầu tiên ông làm là ôm chầm lấy vợ, đánh thức con trai dậy và nói chuyện với người cùng nhận giải với mình.
Sự tối ưu hóa mà hai ông đã phân tích trong thỏa thuận hợp đồng đã đặt nền tảng hết sức quan trọng cho việc thiết kế các chính sách và thể chế trong nhiều lĩnh vực kinh tế.
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos là chủ nhân giải thưởng Nobel hòa bình năm 2016
Tổng thống Juan Manuel Santos Calderón sinh ngày 10 tháng 8 năm 1951, là một chính trị gia người Colombia, là cựu bộ trưởng Bộ Quốc phòng và hiện tại là tổng thống Colombia.
Ngày 26/9, Tổng thống Santos đã đạt được thỏa thuận hòa bình với Rodrigo London, người đứng đầu Lực lượng vũ trang Cách mạng Colombia (FARC), chấm dứt 52 năm nội chiến. Cuộc nội chiến kéo dài đã để lại nhiều mất mát đau thương bởi nó đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 220.000 người Colombia và khiến gần 6 triệu người nước này phải bỏ nhà cửa.
Giải thích về quyết định trao giải, bà Kaci Kullmann Five, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy nhận định đây là sự ghi nhận những nỗ lực miệt mài của Tổng thống Santos vì hòa bình, là sự động viên dành cho tất cả các bên tham gia đàm phán vì một kết quả tốt nhất dành cho người dân nước mình.
Ba nhà khoa học người Anh giành giải Nobel vật lý danh giá năm 2016
Theo như đánh giá của ủy ban Nobel thì lý thuyết mà ba nhà khoa học này đưa ra là sự phát hiện ra bí mật của vật chất, từ đó mở ra một cánh cửa mới về thế giới mà vật chất có thể chuyển hóa sang cá trạng thái khác thường khác như trạng thái siêu dẫn, siêu lỏng hay các từ trường mỏng. Đây là phát hiện sẽ giúp con người thay đổi hiểu biết về cơ chế hoạt động bên trong vật chất từ đó giúp có những chứng minh quan trọng đối với sự nhìn nhận của con người về vũ trụ.