Top 15 Tấm gương anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp độc lập dân tộc và thống nhất đất nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ...”. Các anh hùng liệt sĩ, họ đã hy sinh vì sự nghiệp độc lập, thống nhất đất nước của dân tộc ta, đem đổi cả tính mạng của bản thân đổi lấy sự vinh quang cho toàn đất nước. Sắp tới ngày thương binh liệt sĩ 27 - 07, ngày cả nước đang hướng về ngày lễ trọng đại này, hôm nay hãy cùng toplist vinh danh những tấm gương anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh bản thân thân mình cho sự nghiệp độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, để cùng tưởng nhớ công lao trời biển của các anh hùng, liệt sĩ này nhé.

Nguyễn Viết Xuân

Nguyễn Viết Xuân (20/01/1933 - 18/11/1964) là một chiến sĩ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được biết đến nhiều qua khẩu hiệu "Nhằm thẳng quân thù! Bắn!" trong Chiến tranh Việt Nam. Ông sinh tại xóm Thượng, xã Ngũ Kiên, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 7 tuổi, ông phải đi ở đợ cho gia đình địa chủ trong 10 năm. Tháng 11 năm 1952, ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong Chiến tranh Đông Dương, đơn vị ông chiến đấu với không quân đối phương ở Lũng Lô.


Ngày 5 tháng 1 năm 1955, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sáng ngày 18 tháng 11 nǎm 1964, trong trận chiến với Không quân Hoa Kỳ tại phía tây tỉnh Quảng Bình, ông bị máy bay bắn bị thương nát đùi phải, song ông yêu cầu phẫu thuật bỏ chân, tiếp tục được vào bờ công sự và chỉ huy chiến đấu, động viên cán binh bằng khẩu lệnh "Nhằm thẳng quân thù! Bắn!". Trong đời binh nghiệp, ông từng làm trinh sát thuộc C3 Đoàn 99, kế đó là Tiểu đội trưởng trinh sát, Trung đội trưởng pháo cao xạ, rồi Chính trị viên phó đại đội pháo cao xạ.


Khi tử trận, ông mang quân hàm Thiếu úy, Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 14 pháo cao xạ, Sư đoàn 325, Quân khu 4. Hiện hài cốt của ông được an táng tại nghĩa trang xã Ngũ Kiên.

Nguyễn Viết Xuân
Nguyễn Viết Xuân

Kim Đồng

Kim Đồng (1929 – 15 tháng 2 năm 1943) là bí danh của Nông Văn Dèn (một số sách báo ghi nhầm thành Nông Văn Dền), một thiếu niên người dân tộc Nùng, ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Anh là người đội trưởng đầu tiên của tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Đội TNTP HCM được thành lập ngày 15 tháng 5 năm 1941. Bí danh của năm đội viên đầu tiên là: Kim Đồng, Cao Sơn, Thanh Minh, Thanh Thủy, Thủy Tiên.


Kim Đồng đã cùng đồng đội làm nhiệm vụ giao liên, đưa đón Việt Minh và chuyển thư từ. Trong một lần đi liên lạc, khi cán bộ đang có cuộc họp, anh phát hiện có quân Pháp đang tới nơi cư trú của cán bộ, Kim Đồng đã đánh lạc hướng họ để các bạn của mình đưa bộ đội về căn cứ được an toàn. Kim Đồng chạy qua suối, quân Pháp theo không kịp liền nổ súng vào anh. Kim Đồng ngã xuống ngay bên bờ suối Lê Nin (Cao Bằng) ngày 15 tháng 2 năm 1943, khi vừa tròn 14 tuổi.


Tháng 7 năm 1997, Kim Đồng được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.[2]

Kim Đồng
Kim Đồng

Tô Vĩnh Diện

Tô Vĩnh Diện (1924 - 1954) là một Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Việt Nam. Anh hùng Tô Vĩnh Diện sinh ra ở xã Nông Trường, huyện Nông Cống (nay là huyện Triệu Sơn), tỉnh Thanh Hóa. Anh sinh trưởng trong một gia đình nghèo, lên 8 tuổi đã phải đi ở cho địa chủ, phải chịu bao cảnh áp bức bất công.


Năm 1946, anh tham gia dân quân ở địa phương. Năm 1949, anh xung phong vào bộ đội. Tháng 5 năm 1953, Quân đội ta thành lập các đơn vị pháo cao xạ để chuẩn bị đánh lớn. Tô Vĩnh Diện được điều về làm Tiểu đội trưởng pháo cao xạ, thuộc Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367. Trong quá trình hành quân cơ động trên chặng đường hơn 1000 km tới vị trí tập kết để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, anh luôn luôn gương mẫu, đảm nhiệm những công việc khó khăn nặng nề nhất. Khi bộ đội ta kéo pháo qua những chặng đường khó khăn nguy hiểm, anh xung phong giữ càng lái để bảo đảm an toàn cho khẩu pháo.


Anh nổi tiếng với giai thoại hy sinh thân mình để cứu khẩu pháo không bị lăn xuống vực trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 01/02/1954, anh Tô Vĩnh Diện đã hi sinh tại rừng Pá Có, Điện Biên. Tấm gương hy sinh vô cùng anh dũng của đồng chí Tô Vĩnh Diện đã cổ vũ mạnh mẽ toàn đơn vị vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Khôi Võ 2020-05-25 15:20:43
yeah rõ chính xác

Lý Tự Trọng

Lý Tự Trọng (20/10/1914 - 20/11/1931) tên thật là Lê Hữu Trọng, quê ở làng Việt Xuyên, xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình Lý Tự Trọng là một trong những cơ sở cách mạng, đây là nơi bồi dưỡng cán bộ cách mạng. Năm 1929 Lý Tự Trọng tập hợp thanh niên thành lập Đoàn thanh niên cộng sản trong nước.


Năm 1931 trong cuộc họp kêu gọi quần chúng đấu tranh chống thực dân Pháp bị phát hiện, Lý Tự Trọng đã rút súng bắn chết tên thanh tra mật thám cứu đồng đội và đã bị bắt. Bị tra tấn giã man và kết án tử hình. Người anh hùng Lý Tự Trọng hy sinh ở tuổi 17, với câu nói nổi tiếng: "Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác". Cuộc đời anh, sự nghiệp hoạt động cách mạng của anh mãi là tấm gương, bài học quý báu cho thế hệ trẻ Việt Nam noi theo.


Nhà thờ Lý Tự Trọng được xây trên nền nhà tổ tiên của dòng họ Lê tại xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Lý Tự Trọng được Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh công nhận là người Đoàn viên đầu tiên với tấm thẻ Đoàn viên danh dự số 1. Tên của ông đã được đặt cho tên của một giải thưởng của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh dành trao tặng cho thanh niên. Ngoài ra, tên ông cũng được đặt cho nhiều trường học và con đường ở Việt Nam.

Anh hùng Lý Tự Trọng
Anh hùng Lý Tự Trọng

Bế Văn Đàn

Bế Văn Đàn (1931 - 1953), là người dân tộc Tày, quê ở xã Quang Vinh (nay là xã Triệu Ẩu), huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng. Xuất thân trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng, cha làm thợ mỏ, mẹ mất sớm. Lớn lên ông tham gia hoạt động du kích.


Tháng 1 năm 1948 ông xung phong vào bộ đội giữa lúc cuộc chiến tranh Đông Dương đang quyết liệt. Ông tham gia nhiều chiến dịch, luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, tích cực vượt qua mọi khó khăn ác liệt, kiên quyết chấp hành mọi chỉ thị mệnh lệnh nghiêm túc, chính xác kịp thời, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.


Bế Văn Đàn nổi tiếng với giai thoại lấy thân mình làm giá súng. Trong lúc lấy thân mình làm giá súng, đồng chí Bế Văn Đàn bị hai vết thương nữa và đã anh dũng hy sinh, hai tay vẫn còn ghì chặt súng trên vai mình. Tấm gương hy sinh dũng cảm của đồng chí đã cổ vũ cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận hăng hái thi đua giết giặc lập công, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Bế Văn Đàn là một người anh hùng liệt sĩ cùng hàng ngàn các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống lúc tuổi đôi mươi, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ ''nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng''

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Võ Thị Sáu

Võ Thị Sáu sinh năm 1933 là con ông Võ Văn Hợi và bà Nguyễn Thị Đậu. Về nguyên quán, trên bia mộ chỉ ghi tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhiều tài liệu ghi nguyên quán của cô tại xã Phước Thọ (thuộc tổng Phước Hưng Hạ), tỉnh Bà Rịa, nay thuộc xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.[3] Một số tài liệu khác ghi nguyên quán của cô tại xã Long Mỹ (thuộc tổng Phước Hưng Thượng), tỉnh Bà Rịa, nay thuộc xã Long Mỹ, cũng thuộc huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.


Năm 1946, cô theo anh trai là Võ Văn Me vào khu kháng chiến, và trở thành liên lạc viên của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Năm 1947, cô chính thức trở thành đội viên Công an xung phong Đất Đỏ khi mới 14 tuổi. Từ đó, cô tham gia nhiều trận tập kích bằng lựu đạn, ám sát các sĩ quan Pháp và Việt gian cộng tác với quân Pháp; đặc biệt là trận tập kích bằng lựu đạn tại lễ kỷ niệm Quốc khánh Pháp ngày 14 tháng 7 năm 1949 tại Đất Đỏ, gây được tiếng vang trong vùng.

Theo trang thông tin của huyện Đất Đỏ, thì vào tháng 12 năm 1949, trong một chuyến công tác tại Đất Đỏ, cô bị quân Pháp bắt được. Một số tài liệu khác ghi cô bị bắt vào tháng 2 năm 1950, sau khi cô và đồng đội dùng lựu đạn tập kích giết chết Cả Suốt và Cả Đay, là hương chức người Việt cộng tác đắc lực với quân Pháp, ở ngay phiên chợ Tết Canh Dần tại chợ Đất Đỏ. Sau khi bị bắt, cô lần lượt bị đưa đi thẩm vấn và giam giữ tại các nhà tù Đất Đỏ, khám đường Bà Rịa và khám Chí Hòa. Tháng 4 năm 1950, tòa án binh của quân đội Pháp đã đưa cô ra xét xử với tội danh làm chết một sĩ quan Pháp và 23 người Việt cộng tác với Pháp.

Ngay tại phiên tòa đại hình, Võ Thị Sáu đã thể hiện sự dũng cảm bằng những tuyên bố mạnh mẽ tại phiên tòa. Cô tuyên bố: "Yêu nước chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội". Và khi quan tòa rung chuông ngắt lời cô, tuyên án: "Tử hình, tịch thu toàn bộ tài sản", cô thét lớn: "Ta còn mấy thùng rác ở khám Chí Hòa, tụi bây vô mà tịch thu!". Tiếp đó là tiếng hô: "Đả đảo thực dân Pháp! Kháng chiến nhất định thắng lợi!"

Vào thời điểm xử án, cô chưa tròn 18 tuổi, vì vậy các luật sư bảo vệ cô căn cứ vào điểm này để tranh biện nhằm đưa cô thoát khỏi án tử hình. Mặt dù vậy, tòa án binh Pháp vẫn tuyên án tử hình cô. Bản án này đã gây chấn động dư luận, gây ra sự phản đối mạnh mẽ cả tại Việt Nam và ngay tại nước Pháp. Chính vì vậy, chính quyền quân sự Pháp không thể công khai thi hành bản án. Cô tiếp tục bị giam cầm tại khám Chí Hòa cho đến tận giữa tháng 1 năm 1952 thì bị chính quyền quân sự Pháp chuyển ra Côn Đảo để bí mật thi hành án tử hình khi cô đã đủ 18 tuổi.

Theo các lời chứng của các cựu tù Côn Đảo, cô được đưa ra đến Côn Đảo vào chiều ngày 21 tháng 1 năm 1952, và bị giam trong Sở Cò (đối diện với văn phòng giám đốc đảo).

Rạng sáng ngày 23 tháng 1 năm 1952, lúc khoảng 5 giờ, cô bị đưa đến văn phòng giám thị trưởng đặt trước sân Banh I để làm lễ rửa tội. Đến 7 giờ sáng, cô bị đưa đến sân Banh III phụ và bị xử bắn tại đây. Thi hài cô được đưa ra Hàng Dương và được chôn tại huyệt đào sẵn. Trong "Sổ giám sát tử vong 1947–1954" còn lưu tại Côn Đảo, có dòng chữ ghi bằng tiếng Pháp: "Le 23 Janvier 1952: 195 G.267 Võ Thị Sáu dite CAM mort 23/1/1952 7h P.Condor Par balles..." (Tù nhân số G 267 Võ Thị Sáu bị xử bắn vào ngày 23/1/1952).


Chị Võ Thị Sáu
Chị Võ Thị Sáu

Trần Can

Trần Can (1931 - 1954) quê ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, một quân nhân của quân đội nhân dân Việt Nam. Trong trận đánh đồi Him Lam mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Trần Can được giao nhiệm vụ chỉ huy tiểu đội thọc sâu diệt sở chỉ huy và cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Hồ Chủ tịch giao cho quân đội lên đồn giặc. Khi nổ súng, mặc cho hỏa lực địch bắn ra dữ dội, anh dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên, chọc thẳng vào sở chỉ huy như một mũi dao nhọn cắm vào giữa tim gan địch, rồi nhảy lên lô cốt cắm cờ.


Sau đó, chỉ huy tiểu đội diệt bọn địch còn lại trong hầm ngầm, bắt 25 tên, thu nhiều súng. Trần Can đã hy sinh anh dũng sáng ngày 7 tháng 5 năm 1954, ngày kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Trần Can được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba, 2 Huân chương Chiến công hạng nhất, 2 lần được bầu là chiến sỹ thi đua của đại đoàn. Ngày 7 tháng 5 năm 1956, Trần Can được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Trần Can được tặng thưởng Huân chương Quân công (hạng Nhì, hạng Ba), 2 Huân chương Chiến công hạng nhất, 2 lần được bầu là chiến sĩ thi đua của đại đoàn và được truy tặng là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Hiện ở thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên có một con đường và một trường học mang tên ông.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vừ A Dính

Vừ A Dính (1934-1949), là con một gia đình người dân tộc H'mông tại xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên).[1], miền bắc việt Nam. Vừ A Dính là con thứ ba của ông Vừ Chống Lầu (sinh năm 1899) và bà Sùng Thị Plây (sinh năm 1901).


Gia đình Vừ A Dính là cơ sở cách mạng của Việt Minh tại huyện Tuần Giáo.Năm 13 tuổi, Vừ A Dính làm nhiệm vụ canh gác, liên lạc, tiếp tế gạo, muối cho nhân dân bị thực dân Pháp bao vây... Đến năm 1949 anh vừa đủ điều kiện gia nhập bộ đội Việt Minh. Trong 1 lần liên lạc, quân Lê dương Pháp vây bắt được Vừ A Dính và yêu cầu anh chỉ điểm nơi ở của cán bộ Việt Minh.


Vừ A Dính chống lại và bị tra tấn, nhưng Pháp và Quốc gia Việt Nam không khai thác được tin tức gì. Vào chiều tối ngày 15-6-1949, quân Pháp đã bắn và treo anh lên cây đào cổ thụ ở Khe Trúc gần đồn Bản Chăn. Anh hy sinh khi chưa tròn 15 tuổi. Vừ A Dính liệt sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kháng chiến chống Pháp, và là một nhân vật trong nhiều tài liệu, sách giáo khoa của Việt Nam.

Vừ A Dính
Vừ A Dính

Trần Văn Ơn

Trần Văn Ơn sinh năm 1931, tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Cha anh là ông Trần Văn Nghĩa là công chức bậc thấp, mẹ anh là bà Huỳnh Thị Tữu. Thuở nhỏ, anh học tiểu học ở thị xã Mỹ Tho, sau đó cùng gia đình chuyển đi, trú quán tại số nhà 322/10, đường Verolun, Sài Gòn. Hầu hết anh chị của anh đều tham gia phong trào cách mạng, trong đó có chị là Trần Thị Lễ, liệt sĩ đã mất năm 1948.


Tháng 8 năm 1945, anh thi đậu vào lớp năm thứ nhất, bậc cao đẳng tiểu học tại Trường Pétrus Ký. Năm học 1948-1949, anh học xong năm thứ ba bậc cao tiểu, thi vượt lớp đỗ bằng đệ nhất cấp Pháp (Brevet du 1er cycle). Đến năm học 1949-1950, khi lên lớp năm thứ tư cao tiểu thì Trần Văn Ơn được đặc cách lên lớp Ban tú tài (lớp seconde, tương đương lớp 10 hiện nay) của trường vì đã có bằng đệ nhất cấp. Trần Văn Ơn được coi là một học sinh chăm ngoan, hiếu nghĩa lễ độ với cha mẹ, thầy cô, bên cạnh học tập còn ham hoạt động xã hội.

Từ năm 1947, anh tham gia vào phong trào học sinh yêu nước của trường, tham gia Hội học sinh sinh viên Việt Nam - Nam Bộ. Anh là hội viên mật của Đoàn học sinh kháng chiến nội thành, đồng thời nhận nhiệm vụ tuyên truyền, vận động học sinh trong trường tham gia vào các hoạt động chống thực dân Pháp và chính quyền thân Pháp. Anh được coi là một cột trụ của phong trào học sinh yêu nước của Trường Pétrus Ký.

Trước ngày kỉ niệm 9 năm khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940 - 23/11/1949), chính quyền Pháp đã bắt cóc một số học sinh của trường Pétrus Ký, sau sự kiện này đã nổ ra cuộc bãi khóa của học sinh của 10 trường ở Sài Gòn vào ngày 23 tháng 11 năm 1949. Lúc này, Trần Văn Ơn đang chuẩn bị thi tú tài, nhưng vẫn tích cực tham gia cuộc bãi khóa, đứng đầu nhóm học sinh của trường Pétrus Ký đi biểu tình.

Ngày 9 tháng 1 năm 1950, ở Sài Gòn đã nổ ra một cuộc biểu tình lớn của hơn 6000 học sinh-sinh viên và giáo viên các trường, yêu cầu thủ tướng Trần Văn Hữu thả ngay những học sinh, sinh viên bị bắt. 13 giờ ngày hôm đó, chính phủ của thủ hiến Trần Văn Hữu đã huy động một lực lượng lớn cảnh sát để đàn áp phong trào biểu tình, đem vòi rồng phun nước và dùng dùi cui đánh đập tàn nhẫn người biểu tình. Cuộc đàn áp này đã dẫn tới việc bắt đi 150 người, đánh đập 30 người trọng thương tại chỗ. Không lùi bước trước kẻ thù, Trần Văn Ơn cùng một số bạn bè hiên ngang tiến về phía trước lớn tiếng tố cáo tội ác của chúng, đồng thời che chở cho các em nhỏ ở phía sau. Theo trang tỉnh Bến Tre, trong lúc khiêng nữ sinh Tạ Thị Thâu của Trường Gia Long bị cảnh sát đánh ngất, Trần Văn Ơn đã bị trúng đạn vào bụng. Theo Lê Trung Nghĩa trên Tuổi Trẻ, Trần Văn Ơn bị bắn trong lúc đang đỡ học sinh trèo lên đống củi chất sát rào để vượt tường. Cùng với các nạn nhân khác, anh được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cứu chữa, tuy nhiên do vết thương quá nặng nên đã qua đời vào 15 giờ 30 phút chiều ngày hôm đó. Khi đó, Trần Văn Ơn mới chưa đầy 19 tuổi.


Trần Văn Ơn
Trần Văn Ơn

Nguyễn Văn Cừ

Nguyễn Văn Cừ (09/07/1912 - 28/08/1941) sinh trong một gia đình Nho giáo, quê xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1927, ông tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Tháng 6 năm 1929, ông được kết nạp vào chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng đầu tiên ở Hà Nội.


Năm 1930, được cử làm Bí thư đặc khu Hồng Gai – Uông Bí. Sau bị Pháp bắt, kết án khổ sai, đày đi Côn Đảo. Năm 1936, ông được trả tự do, về hoạt động bí mật ở Hà Nội. Nguyên Văn Cừ đã tập trung vào công tác khôi phục cơ sở Đảng khôi phục và đẩy mạnh phong trào đấu tranh của nhân dân và đã thành công trong việc lập lại Xứ ủy Bắc kỳ và trở thành ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ (tháng 3 năm 1937). Tháng 9 năm 1937, được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ở hội nghị Hóc Môn (Gia Định).


Năm 1938, ông được bầu làm Tổng Bí thư khi mới 26 tuổi. Tháng 6 năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn cùng với một số đảng viên khác. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, thực dân Pháp ghép ông vào tội đã thảo ra "Nghị quyết thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương", "chủ trương bạo động" và là "người có trách nhiệm tinh thần trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ" và kết án tử hình. Ngày 28 tháng 8 năm 1941, bản án được thi hành cùng lúc với một số đảng viên cộng sản khác như Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu... tại trường bắn Hóc Môn.

Nguyễn Văn Cừ
Nguyễn Văn Cừ

Cù Chính Lan

Cù Chính Lan (1930 - 1951) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Cha anh là ông Cù Khắc Nhượng, mẹ là bà Hồ Thị Hạ. Anh là con thứ ba và là con út. Mẹ mất khi anh mới 4 tuổi.


Sau đó cha anh tục huyền với bà Hồ Thị Hoe và sinh hạ tiếp 4 người con nữa. Gia đình nghèo, từ nhỏ anh phải lao động vất vả để giúp đỡ sinh kế cho gia đình. Thuở nhỏ, anh còn có tên là "cu Nâu". Với lập trường ủng hộ dân nghèo, Việt Minh đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân nghèo Việt Nam thời bấy giờ, trong đó có cả Cù Chính Lan.


Anh tham gia cướp chính quyền và tham gia đội du kích xã của Việt Minh năm 1945. Anh là một trong 7 cá nhân đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Việt Nam. Ngày 13 tháng 12 năm 1951, trong trận tấn công cứ điểm Giang Mỗ, anh đã một mình đuổi xe tăng Pháp, nhảy lên thành xe, ném lựu đạn vào buồng lái, lựu đạn nổ diệt hết lính tăng trong xe, chiếc xe dừng lại tại chỗ, tạo điều kiện cho đồng đội hoàn thành nhiệm vụ. Do thành tích này, anh được tuyên dương trước đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc.

Cù Chính Lan
Cù Chính Lan

10 cô gái Tiểu đội 4

Ngã ba Đồng Lộc là di tích lịch sử gắn liền với việc 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh trong chiến tranh Việt Nam trong một trận oanh tạc của Không lực Hoa Kỳ tại nơi đây. Ngã ba Đồng Lộc nằm trên con đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn ở tỉnh Hà Tĩnh, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh, thuộc địa phận thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc.

Đây là một trong những điểm giao thông quan trọng trong chiến tranh, cho nên quân đội Hoa Kỳ đã tập trung nhiều máy bay thả bom nhằm cắt đứt đường tiếp tế của người dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Nơi đây có một tiểu đội thanh niên xung phong có nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe khi bị bom phá. Tiểu đội 4, Đại đội 552 (được chốt chặn đoạn từ Cầu Tối trở vào Truông Kén khoảng 2 km, đặc biệt là 300 mét từ Cầu Tối đến Trường Thành) gồm 10 cô gái trẻ, tuổi từ 17 đến 24.

Vào thời điểm 24/7/1968, Tiểu đội 4 của chị Võ Thị Tần gồm 12 người. Chị Lê Thị Hồng (Đức Lạc, Đức Thọ) được cử đi Quảng Bình lấy gỗ về làm hầm, còn chị Nguyễn Thị Thanh thì bị ốm nằm ở nhà, không ra hiện trường nên ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 chỉ có 10 người ra mặt trận và đều hy sinh. Bà Nguyễn Thị Diệu Lan (TP Hà Tĩnh), cựu thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 3 đã tham gia vào cuộc tìm kiếm thi thể 10 nữ thanh niên xung phong. 1 hầm có ba người, 1 hầm có sáu người, trong đó chị Võ Thị Tần ở hầm có sáu người. Còn thi thể chị Cúc thì các lực lượng thay phiên nhau tìm, chỉ thị là phải dùng tay đào bới chứ không dùng máy xúc để tránh gây hại cho thi thể. Đến ngày thứ 3 thì tìm được thi thể chị Cúc, các anh ở Tiểu đội 8 đã dùng tay bới đất đưa thi thể chị Cúc lên.

Nhà thơ Yến Thanh nhớ lại: một quả bom tấn từ máy bay Mỹ lao xuống nổ trùm lên căn hầm mà cả Tiểu đội ẩn nấp, lúc ấy là 16 giờ ngày 24/7/1968. Từ đài quan sát, Đại đội trưởng Nguyễn Thế Linh chạy xuống, Tiểu đội 5, Tiểu đội 8 và các anh lái máy ủi gần đó đều chạy lại. Sau hai tiếng đồng hồ đào bới thì bới được chị Võ Thị Tần. Lần lượt bới lên 6 người ẩn nấp hầm ngoài cùng là chị Nguyễn Thị Xuân (Vĩnh Lộc), rồi đến Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hà, Trần Thị Rạng và cuối cùng là Trần Thị Hường. Đào tiếp hầm thứ hai vuông góc với hầm lúc nãy thì tìm thấy Dương Thị Xuân, Võ Thị Hợi và Hà Thị Xanh. Cả chín người được đặt lên 9 cáng xếp một hàng ngang như khi còn sống Tiểu đội tập hợp. Riêng chị Hồ Thị Cúc - Tiểu đội phó không tìm thấy. Đêm 24/7, 9 cô được mai táng sau eo núi Bãi Dịa, nhưng phải đợi tìm được thi thể chị Cúc mới làm lễ truy điệu. Đến gần 10 giờ ngày 26/7 thì Tiểu đội 8 đã tìm được thi thể chị Cúc. Chị Cúc ngồi trong chiếc hố cá nhân chiều hôm trước do tay chị đào, đầu đội mũ, vai vác cuốc, hai tay chị bầm dập, máu đọng lại đã khô. Có lẽ sau khi bom vùi lấp, chị đã cố gắng để nhoi lên nhưng đành bất lực trước khối đất đè lên.

10 cô gái thanh niên xung phong - Ngã ba Đồng Lộc
10 cô gái thanh niên xung phong - Ngã ba Đồng Lộc

Nguyễn Thái Bình

Nguyễn Thái Bình (1948 - 1972) sinh ra tại Trường Bình, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, là con thứ hai trong 9 người con của bà Lê Thị Anh và ông Nguyễn Văn Hai, Nguyễn Thái Bình là một sinh viên phản chiến người Việt du học tại Mỹ. Trong chuyến bay về nước, sau khi khống chế một chiếc máy bay để thể hiện sự phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Anh bị một viên cảnh sát Mỹ bắn chết tại sân bay Tân Sơn Nhất. Sau cái chết, Nguyễn Thái Bình trở thành một biểu tượng cho phong trào phản chiến của sinh viên miền Nam Việt Nam vào thập niên 1970.


Ngày 4-7-1972, hay tin Nguyễn Thái Bình bị sát hại, các bạn học của anh đã tưởng niệm anh tại Đại học Washington. Một số tổ chức sinh viên Việt kiều cũng tổ chức các cuộc tưởng niệm anh. Hội sinh viên Việt Nam tại Mỹ đã họp báo tại San Francisco công bố hai lá thư ngỏ của anh gửi cho Tổng thống Mỹ Nixon và gửi cho nhân dân yêu chuộng hòa bình công lý trên thế giới. Dưới áp lực của những người yêu chuộng hòa bình, chính phủ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã phải trả tự do cho gia đình anh những ngày sau đó.

Tại Mỹ, 20 năm sau ngày Nguyễn Thái Bình bị bắn chết, các bạn học của anh tại Đại học Washington vẫn họp mặt và tổ chức một buổi lễ tưởng niệm anh. Hiện nay tại Việt Nam, Nguyễn Thái Bình được truyền thông nhà nước coi như một hình tượng đấu tranh chống Mỹ. Có một số trường được đặt tên theo Nguyễn Thái Bình và một quỹ học bổng dành cho học sinh nghèo học giỏi ở Việt Nam cũng được đặt tên theo anh. Tại thành phố Hồ Chí Minh, có một phường mang tên anh (tại Q.1) và tên anh cũng được đặt cho những con đường tại quận 1, quận Tân Bình và các trường THCS, THPT tại huyện Bình Chánh, quận Tân Bình. Tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) có con đường mang tên Nguyễn Thái Bình ở phường Nam Lý (nối đường Hoàng Việt với đường Võ Thị Sáu). Tại thành phố Hạ Long tên anh được đặt cho một phố tại phường Hồng Hà. Ngôi trường anh theo học thời tiểu học tại Cần Giuộc (Long An) nay mang tên anh - Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình. Tại Cà Mau, có một trường trung học cơ sở mang tên anh - Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình.

Ngày 30 tháng 4 năm 2010, anh được Nhà nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.


Tượng đài Nguyễn Thái Bình
Tượng đài Nguyễn Thái Bình

Nguyễn Văn Trỗi

Nguyễn Văn Trỗi (01/02/1940 - 15/10/1964) là con thứ ba (do đó còn có tên là Tư Trỗi) trong một gia đình nghèo tại làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, Việt Nam. Sau Hiệp ước Geneve, gia đình Nguyễn Văn Trỗi vào Sài Gòn sinh sống. Nguyễn Văn Trỗi là một người đã thực hiện cuộc đánh bom không thành nhằm vào phái đoàn quân sự cao cấp do Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara và đại sứ tương lai Henry Cabot Lodge, Jr. đến thăm Việt Nam Cộng hòa vào tháng 5/1963 để hoạch định sách lược chiến tranh ở Việt Nam.


Nguyễn Văn Trỗi bị bắt giam và kết án tử hình bởi chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Sau sự kiện này, quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tôn vinh là một người chiến sỹ anh hùng trong Chiến tranh Việt Nam. Câu nói của người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi: “Còn giặc Mĩ thì không có hạnh phúc” đã gây xúc động cho giới trẻ và nhân dân tiến bộ khắp năm châu.


Sau khi bị xử bắn, thi hài Nguyễn Văn Trỗi được chôn cất tại nghĩa trang Văn Giáp ở Giồng Ông Tố (nay thuộc phường Bình Trưng Đông, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh).

Ngày 15 tháng 4 năm 2018, phần mộ Nguyễn Văn Trỗi được chuyển từ nghĩa trang Văn Giáp (quận 2) về khu vực các phần mộ tiêu biểu Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh (quận 9) theo nguyện vọng của gia đình anh.

Nguyễn Văn Trỗi
Nguyễn Văn Trỗi

Phan Đình Giót

Phan Đình Giót ( 1922 - 1954) sinh ở làng Vĩnh Yên, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Là một trong 16 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được tuyên dương vì thành tích trong chiến dịch Điện Biên Phủ.


Phan Đình Giót giữ chức Tiểu đội phó bộ binh Đại đội 58, tiểu đoàn 428, Trung đoàn 312, và là đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam. Khi cách mạng tháng 8 thành công anh tham gia vào chiến đấu tự vệ, anh xung xong nhập ngũ năm 1950. Năm 1953, đơn vị được lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Lực lượng hành quân gần 500 người, vượt qua nhiều đèo dốc, mang vác nặng nhưng ông vẫn kiên trì, giúp đồng đội về tới đích. Chiều ngày 13 tháng 3 năm 1954, đơn vị của ông nổ súng tiêu diệt Him Lam. Bộ đội đại đội 58 lao lên mở đường, đã liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ tám. Phan Đình Giót đánh quả thứ chín thì bị thương vào đùi nhưng vẫn xung phong đánh tiếp quả thứ mười.


Sau đó, Phan Đình Giót đánh liên tiếp hai quả bộc phá nữa, phá hàng rào cuối cùng, mở thông đường để quân đội lên đánh lô cốt đầu cầu. Bất ngờ, hỏa điểm lô cốt số 3 của lính Pháp bắn mạnh. Lực lượng xung kích Việt Nam bị ùn lại, Phan Đình Giót đến lô cốt số 3 với ý nghĩ là dập tắt ngay lô cốt này. Phan Đình Giót đã dùng sức (khi đã bị thương, mất máu) nâng tiểu liên bắn vào lỗ châu mai, miệng hô to: " Quyết hy sinh… vì Đảng… vì dân ". Rồi sau đó, Phan Đình Giót lao cả thân mình vào bịt kín lỗ châu mai. Hỏa điểm bị dập tắt, quân Việt Nam tiếp tục xung phong tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam vào ngày 13 tháng 3 năm 1954, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Phan Đình Giót là một trong 16 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được tuyên dương thành tích trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Phan Đình Giót
Phan Đình Giót

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?