Mang thai là niềm hạnh phúc vô bờ không chỉ của người phụ nữ mà còn của cả gia đình và những người thân yêu. Nhưng làm sao để thai nhi an toàn phát triển và chào đời mạnh khỏe luôn là niềm băn khoăn, lo lắng của những người mới lần đầu làm mẹ. Đặc biệt là giai đoạn 3 tháng đầu vô cùng nhạy cảm thai nhi cần được bảo vệ tối đa để tránh tình trạng dị tật hoặc sảy thai. Bài viết dưới đây Toplist sẽ đề cập đến những thực phẩm mẹ bầu cần tránh khi mang thai, đặc biệt là trong giai đoạn đầu để thai nhi phát triển an toàn và khỏe mạnh.
Dứa có vị ngọt nhẹ, chua dịu và nhiều vitamin rất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, trong dứa có chứa thành phần bromelain có tác dụng làm mềm tử cung, kích thích tử cung co bóp và gây sảy thai. Ngoài ra, dứa là loại quả có tính nóng, có thể gây dị ứng như nổi mẩn ngứa, nóng ran người, táo bón ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mẹ bầu. Vì vậy, bạn hãy ngừng ăn dứa khi bé yêu của bạn đang ở giai đoạn đầu của thai kỳ. Nhưng khi đến ngày sinh nở mẹ bầu nên ăn dứa và uống nước ép dứa để thuận lợi hơn trong quá trình chuyển dạ.
Món canh đu đủ xanh có chứa prostaglandin và oxytocin rất tốt cho phụ nữ sau sinh, giúp lợi sữa và co hồi tử cung nhanh. Nhưng với người mới mang thai thì hoàn toàn ngược lại. Trong đu đủ xanh hoặc còn ương chứa rất nhiều enzymes và nhựa (mủ) chúng có thể làm tử cung co thắt và sẽ gây sảy thai. Nhưng với đu đủ chín lại rất tốt cho thai nhi nếu mẹ bầu ăn một lượng phù hợp bởi những thành phần dinh dưỡng và vitamin trong loại quả này sẽ giúp mẹ bầu tránh được táo bón thai kỳ đấy.
Chắc hẳn nhiều mẹ bầu rất thích ăn nhãn, bởi loại quả ngon ngọt và bổ dưỡng này dễ chiều lòng những người khó tính nhất khi lựa chọn hoa quả. Nhưng nhãn là một loại quả có tính nóng, nếu mẹ bầu ăn nhiều nhãn sẽ dẫn đến chứng táo bón, mẩn ngứa, dị ứng ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành ban đầu rất quan trọng cũng như sự phát triển bình thường của thai nhi. Không chỉ vậy, nó còn khiến da mặt dễ bị sạm, nám khiến mẹ bầu thêm lo lắng và mất tự tin.
Cà phê là thức uống khá phổ biến với mọi người, đặc biệt là dân văn phòng bởi cảm giác sảng khoái và tỉnh táo mà nó mang lại. Nếu bạn là một người nghiện cà phê nhưng đang mang trong mình một thiên thần bé nhỏ thì rất tiếc bạn phải "cai nghiện" món đồ uống này. Vì trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu mẹ bầu không nên uống cà phê bởi nó có thể gây nguy cơ sảy thai. Ngoài ra, cà phê còn chứa chất cafein, nó sẽ đi qua nhau thai và làm rối loạn quá trình phát triển, gây ra những ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Ngải cứu được coi là một trong những vị thuốc quý, giúp chữa được nhiều bệnh và có tác dụng bổ huyết, an thai. Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu khi ăn nhiều ngải cứu có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, co thắt tử cung, hậu quả có thể dẫn đến sảy thai hoặc sinh non. Đặc biệt, với những bà mẹ có tiền sử sảy thai hoặc sinh non thì tốt nhất không nên dùng ngải cứu để đảm bảo an toàn cho bé yêu còn đang non nớt.
Có thể trước khi có thai bạn rất thích các món tái chanh, gỏi... nhưng bây giờ không phải thời điểm thích hợp để ăn các món này. Vì trong những thực phẩm tái sống có thể chứa ký sinh trùng toxoplasmosis hoặc ấu trùng giun, sán mà nếu mẹ bầu ăn phải, đặc biệt trong 3 tháng đầu có thể gây tiêu chảy, sảy thai, thai chết lưu hoặc các biến chứng nguy hiểm khác khó lường trước.
Theo quan niệm dân gian, bà bầu ăn phải quả đào không có hạt thì con sinh ra sẽ chốc lở hoặc chậm nói. Tuy nhiên, khoa học chưa chứng minh được quan niệm này. Nhưng việc kiêng ăn đào là có cơ sở khoa học, nếu bà bầu ăn nhiều đào trong thời gian mới mang thai có thể bị táo bón và xuất huyết gây sảy thai. Lông ở vỏ quả đào rất dễ gây dị ứng, ngứa và rát cổ họng khi ăn. Ngoài ra, đào có rất nhiều đường nếu ăn nhiều mẹ bầu dễ mắc chứng tiểu đường thai kỳ rất nguy hiểm nên dù mẹ có thích ăn đào thì cũng cố kiêng ăn vì con nhé.
Rau răm hay được dùng làm món rau gia vị tạo sự thơm ngon, hấp dẫn cho món ăn. Nhưng trong 3 tháng đầu phụ nữ có thai nên hạn chế ăn nhiều rau răm sẽ dẫn đến thiếu máu. Ngoài ra, rau răm chứa chất gây co thắt tử cung và hậu quả là dẫn đến sảy thai và sinh non. Tuy nhiên, bạn không cần phải tuyệt giao hoàn toàn với món rau gia vị này bởi một vài cọng rau răm khi ăn cùng món trứng lộn bổ dưỡng thì không gây ảnh hưởng gì nhé.
Mướp đắng là món thường xuất hiện trong các bữa cơm của mỗi gia đình với nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng. Nhưng đối với phụ nữ mang thai và cho con bú thì mướp đắng lại là loại thực phẩm cực kỳ nguy hại cần loại bỏ khỏi thực đơn, bởi phụ nữ mang thai ăn nhiều mướp đắng sẽ có nguy cơ bị hạ đường huyết cao gây hoa mắt, chóng mặt, co bóp tử cung gây sảy thai. Ngoài ra, trong hạt mướp đắng có chứa chất vicine - một độc tố có khả năng gây ra những triệu chứng cấp tính như nhức đầu, đau thắt bụng và có thể dẫn đến hôn mê nếu cơ thể mẹ bầu yếu và quá mẫn cảm.
Chắc hẳn không ít người thích ăn măng tươi không chỉ riêng mẹ bầu. Vì các món được chế biến từ măng rất dễ ăn, đưa miệng như bún măng, canh măng... Tuy nhiên, sự thật là măng tươi chứa nhiều độc tố, đặc biệt là glucozit sinh ra acid xyanhydric (HCN) gây ngộ độc, nôn mửa gây hại sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. Nhưng nếu mẹ bầu quá thèm món măng này thì chỉ nên ăn một lượng rất nhỏ và không thường xuyên nhé. Lời khuyên là bạn nên tự mua măng tươi về chế biến để đảm bảo an toàn và cách giảm bớt độc tố của măng tươi là cho măng vào nồi luộc sôi kỹ 2 - 3 lần, mở vung khi sôi để độc tố bay ra, sau đó mới chế biến món ăn bạn nhé.
Táo mèo có vị ngọt, chát, chua nhẹ nên rất phù hợp với phụ nữ có thai đang nghén nhưng mẹ bầu cần hết sức thận trọng khi ăn táo mèo bởi theo kết quả của nhiều tài liệu, táo mèo có thể gây kích thích tử cung, làm tử cung co giãn dẫn đến nguy cơ sảy thai và sinh non. Do đó, phụ nữ mang thai không nên ăn táo mèo.
Hải sản gồm các loại cá, hàu, tôm, mực, cua… Đây là các thực phẩm có hàm lượng thủy ngân cao, nhất là các loại cá đông lạnh. Thủy ngân là kim loại nặng không hề tốt cho thai nhi, nếu cơ thể mẹ tích tụ lượng thủy ngân nhiều sẽ gây dị tật bẩm sinh ở trẻ, làm tổn thương não, thị lực và thính giác giảm. Tuy nhiên, cá hồi, cá chép, tôm, cua… chứa lượng protein, vitamin B12, omega 3, kẽm… rất tốt cho bà bầu. Để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, mẹ chỉ nên ăn tuần từ 2 lần hải sản và phải nấu chín mới được ăn.
Người xưa có câu "một quả cà bằng ba chén thuốc" có ý rằng ăn cà rất độc. Không chỉ có phụ nữ mang thai mà còn cả những người bị suy nhược cơ thể, người mới ốm dậy đều không nên ăn cà. Trong cà có hàm lượng solanin cao gấp 5 - 10 lần so với mức an toàn khi tiếp xúc với cơ thể và nó có tính hàn cao. Chất độc này giống như chất độc trong mầm xanh của củ khoai tây, nó có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng không nhỏ đến tử cung và sự phát triển bình thường của thai nhi.
Khoai tây mọc mầm có chứa độc tố solanin gây ngộ độc, nôn mửa, đau bụng; nếu tích tụ trong cơ thể sẽ gây dị dạng, dị tật cho thai nhi đặc biệt là thai nhi 3 tháng đầu đang trong giai đoạn hình thành và hoàn thiện cơ thể. Nhưng đó chỉ là khoai tây mọc mầm còn khoai tây là thực phẩm giàu dinh dưỡng mẹ bầu không nên loại bỏ khỏi danh sách những món ăn có lợi cho mẹ và thai nhi.
Trong rau ngót có chứa chất Papaverin sẽ gây ra hiện tượng co thắt cơ trơn tử cung dẫn đến tiêu chảy, sảy thai. Do đó, nếu các bà mẹ có tiền sử sảy thai liên tục hay sinh non thì nên tránh xa loại rau này, đặc biệt là nước ép rau ngót sống vì chỉ cần bạn sử dụng hơn 30 gram lá rau ngót tươi là thai nhi có thể gặp nguy hiểm
Những thực phẩm như thịt muối, pho mát mềm, sữa chưa tiệt trùng có chứa vi khuẩn Listeria rất nguy hiểm khi mẹ bầu ăn chúng. Do hệ miễn dịch và sức đề kháng của mẹ bầu khá yếu khi mang thai nên khi ăn các thực phẩm này mẹ bầu rất dễ bị nhiễm khuẩn Listeria. Vi khuẩn này khi đi qua nhau thai có thể khiến thai nhi bị nhiễm trùng, đe doạ tính mạng, nguy hiểm hơn nó còn có thể khiến mẹ bầu sảy thai, thai chết lưu.